Hồ Tuyệt Mệnh Audio Podcast
Hồ Tuyệt Mệnh Phần 11
❮ sautiếp ❯CHƯƠNG 35 – BỌN GIANG HỒ LIỀU LĨNH
Bọn người truy đuổi đã đoán đúng: Na Lan bơi sang đảo Hồ Tâm. Tuy không thể thay bộ đồ lặn, nhưng cảm giác hãi hùng đã buộc cô phải lao xuống nước bất chấp nóng lạnh ra sao. Cũng may mặt hồ bị phơi nắng cả ngày nên nước vẫn còn ấm.
Cô chỉ cảm thấy cô đơn, cô đơn không sao chịu nổi.
Tuy Na Lan chỉ là con gái độc nhất nhưng sự nuôi dạy của cha mẹ giảu lý trí cộng với tự thân rèn luyện đã ngăn không để cô biến thành cô gái chỉ quen ỷ lại. Cha mất hồi còn học cấp III, càng khiến cô sớm hiểu rõ khái niệm kiên cường là gì. Do tính cách hay do cô có khả năng thích ứng đều đúng, dù rơi vào môi trường nào cô cũng có thể nhanh chóng kết bạn thậm chí trở thành bạn thân.
Có lẽ vì quá lâu không gặp Đào Tử, hay có lẽ vì đã quá lâu không ở bên mẹ, hoặc là vì lâu nay không ngớt gặp nguy hiểm nên cô bị sốc tâm lý, cô bỗng cảm thấy cô đơn. Một mình cô bơi trên mặt hồ rộng lớn thế này, sao mà lẻ loi buồn tẻ.
Có lẽ vì không có Tần Hoài ở bên.
Có lẽ tại cô đã quen với việc bơi cùng anh ta, dù từng có vài lần cô bơi một mình, nhưng ít ra cô vẫn biết trên đảo đang có Tần Hoài, hoặc Tần Hoài đang đứng trên bờ chờ cô.
Tần Hoài thế nào rồi? Liệu có bị rơi vào tay bọn chúng? Hay là đã gặp bất trắc gì đó?
Tuyệt đối không phải bọn chúng đã đến gặp cô để “nói chuyện”,chúng đã cố tính bố trí hiện trường giả: gây tai nạn đâm xe rồi bỏ chạy.
Na Lan tưởng tượng có lẽ lúc nãy ở trên xe là lần cuối cùng gặp mặt Tần Hoài, đôi mắt cô trào lệ tan nhòa cùng nước hồ. Đầu óc cô cứ thế rối bời cho đến lúc các ngón chân bỗng đau buốt cô mới bừng tỉnh.
Cô nhận ra từ ngón chân lên bắp chân phải bỗng rất đau và
căng cứng, đầu gối bị co lại, toàn thân không thể giữ thăng bằng trong nước. Cô gặp phải cơn ác mộng của người đang bơi: bất ngờ bị chuột rút. Nguồn cơn của nó là cuộc chạy trốn căng thẳng ghê gớm lúc nãy.
May sao cô rất biết cách ứng phó. Cô lập tức gắng hết sức trấn tĩnh, rồi nhanh chóng xuay người nổi lên mặt nước, đầu ngẩng cao, giữ thẳng toàn thân, sau đó đưa tay trái cấu chặt đầu gối phải, từ từ duỗi thẳng chân ra, cứ thế co vào duỗi ra vào lần, cảm giác đau dần dần tiêu tan.
Lúc này, sinh tồn là chân lý duy nhất. Na Lan ngửa người, chăm chú hít thở, nhắm mắt, thả lỏng toàn thân. Sau đó vung đôi tay xé toạc màn đêm đang bao trùm mặt hồ, tiếp tục bơi về phía trước.
Nhưng hình như từ phía xa xa có âm thanh gì đó vọng đến. Quá khuya rồi lẽ ra phải càng im ắng mới đúng. Lờ mờ cảm thấy bất an, cô dốc sức bơi nhanh hơn.
Khi đảo Hồ Tâm dần hiện ra rõ hơn trong màn đêm, âm thanh ấy lúc gần lúc xa nghe rất rõ. Là tiếng động cơ!
Một chiếc ca-nô đang lao về phía đảo Hồ Tâm!
Thực ra thì chẳng phải ban đêm thì không thể có ai đi thuyền dạo chơi trên hồ. Nhưng vì sự kiện vừa trải qua khiến Na Lan không cho rằng chiếc ca-nô đó ngẫu nhiên xuất hiện. Rất có thể vẫn là mấy tên truy binh kia kiên quyết chạy ra đảo để xử lý cô. Nếu đúng là thế, vì muốn trừ khử cô và Tần Hoài, chúng đã dùng đến hai ô-tô hạng nặng và một ca-nô, phải nói là thực lực khá hùng hậu, chả trách Phùng Triết mấy năm nay phải kinh hãi chúng.
Khi chiếc ca-nô bật ngọn đèn pha siêu sáng, thì Na Lan càng khẳng định mình đã đoán đúng.
Không kịp nghĩ đến hai chữ tuyệt vọng, cô hít sâu một hơi rồi lặn xuống nước. CÔ hiểu rằng chỉ cần mình ở dưới nước thật lâu và luôn thay đổi phương hướng, thì khả năng bọn truy binh ấy tìm thấy cô sẽ là rất thấp.
Cảm ơn bao năm tập bơi, hai là phổi có thể giúp cô lặn rất lâu. Vì không có các thiết bị lặn nên cô vẫn phải ngoi lên để hít không khí.
Chiếc ca-nô bắt đầu tuần tra quanh chỗ cô, chắc là vì lúc nãy cô bơi đã khuấy động mặt nước, mắt cú vọ của chúng đã nhận ra điều đó. Cuối cùng, chiếc ca-nô tắt máy, kiếm tìm Na Lan trong màn đêm yên tĩnh.
Ở dưới nước cô có thể nhận ra ánh đèn pha di chuyển trên mặt nước. Nó đang lia quét mặt hồ. Khi vầng sáng lia sang hướng khác thì cô ngoi lên mặt nước hít thở lấy hơi, rồi lại tiếp tục lặn xuống đạp nước tiến lên.
Rốt cuộc bọn người trên ca-nô đã đoán ra chiến thuật của Na Lan, chúng lại nổ máy rồi ừ từ chạy lên. Ít nhất có hai ngọn đèn lớn tung hoàng trên măt hồ. Lúc này Na Lan chỉ còn cách đảo Hồ Tâm gần trăm mét,
với tốc độ này, giả sử chúng không phát hiện ra dấu vết gì về cô, thì chiếc ca-nô sẽ không thể là mối đe dọa đáng kể nữa.
Nhưng cô đã lạc quan quá sớm. Hình như cô nghe thấy có tiếng gọi, rồi hai luồng sáng mạnh đồng thời rọi vào mặt nước ngay phía trên đầu cô!
Sao lại thế được?
Một ý nghĩ chợt đến, Na Lan quay đầu lại, quả nhiên thấy dưới nước cũng có hai luồng sáng chĩa vào cô. Thì ra là đã có kẻ từ trên ca-nô nhảy xuống nước sục tìm cô, chúng tất nhiên phải là cao thủ bơi lội. Chắc kẻ truy binh dưới nước đã phát hiện ra cô, nên chúng báo cho tên ngồi trên ca-nô biết vị trí của cô. Cô đã hoàn toàn bị lộ!
Chiếc ca-nô bắt đầu tăng tốc. Na Lan hiểu rằng nghĩ nữa cũng vô ích, cô thò đầu lên bời về đảo với tốc độ nhanh nhất.
Tiếng máy ca-nô đang dần áp tới, xen lẫn tiếng đập nước rào rào phía sau. Chắc chắn bọn truy binh dưới nước cũng đang tăng tốc để bắt sống hoặc tấn công Na Lan chết ngất. May sao cô đã bơi đến rất gần đảo. Cô biết rõ chỗ mình cần lên bờ, chỗ đó lởm chởm đã ghềnh, đó sẽ là cơn ác mộng cho thuyền nào đến gần.
Sau khi lên bờ, thì sao nữa? Lại phải dựa vào ưu thế địa hình vậy.
Hai tên đang bơi đúng là hạng cao thủ nhưng vẫn không “chuyên nghiệp” bằng Na Lan. Khi cô đến bờ thì chúng và chiếc ca-nô còn cách bờ khoảng hơn chục mét. Cô tung mình nhảy lên bờ, chân không, vụt chạy như bay.
Na Lan đã sớm có chú ý lựa chọn địa điểm lên bờ này, nó gây nhiều khó khăn cho chiếc ca-nô, cô cũng dễ ẩn nấp nữa, vì ở đây đá ghềnh chi chít. Cô chạy về phía con dốc, chân giẫm trên đá lởm chởm, đau thấu tim. Khi chạy đến đỉnh dốc thì lại có một luồng sáng rọi vào cô. Thì ra là có ba bóng người đang đuổi theo.
Cô có thể chạy theo con đường nhỏ dẫn đến biệt thự của Tần Hoài, nhưng không nên, vì nếu chạy đến thì sớm muộn gì cũng bị ba tên to vâm kia đuổi kịp.
Bọn truy binh cũng rất hiểu, chúng rọi đèn lên nhìn thấy Na Lan trên đỉnh dốc chỉ cách chúng khoảng hai ba chục mét, nếu nhắm đúng hướng mà đuổi theo thì Na Lan phải chết là rõ rồi. Chúng mong cô sẽ kêu cứu, thì sẽ càng dễ xác định vị trí chính xác của cô, chờ khi có kẻ nghĩa hiệp chạy ra cứu – e rằng thời buổi này những người như thế không nhiều – thì chúng sẽ sớm hoàn thành công việc.
Nhưng khi chúng lên đến đỉnh dốc mà Na Lan vừa chạy qua thì không thấy bóng cô đâu. Phía trước là con đường nhỏ vắng tanh, xung quanh toàn là đá lởm chởm và cỏ dại, laia đèn quan sát kỹ đều không thấy có dấu hiệu gì. Cả ba tên nhằm con đường nhỏ đuổi theo một quãng. Cuối cùng thì
một tên hô lên: “Thấy rồi! Nó ở ngay phía trước.”
Điều kỳ lạ là Na Lan chỉ rảo bước chứ không chạy.
“Đứng lại! Không thoát được đâu!”
Na Lan đứng lại, bắt đầu kêu lên, tay vung vẩy chiếc di động, ngay bên cô là tiếng có sủa inh ỏi vang lên.
“Mẹ kiếp, nhầm rồi!”
Cô gái tóc ngắn vấy ngắn này hoàn toàn không giống Na Lan mà chúng đã nhìn qua ảnh. Cô mặc sơ-mi trắng, chứ không phải sơ-mi vàng nhạt mà Na Lan đang mặc. Bên cạnh cô là con chó săn giống Đức há to mồm với hàm răng lởm chởm sắc nhọn, nó đang gầm gừ sẵn sàng chiến đấu hết mình.
Một vị chủ nhà trên đảo đang dắt chó đi dạo ban đêm.
Na Lan đâu?
Khi chúng đang nghi hoặc thì dường như đồng thời vọng lại tiếng động cơ khởi động ở ngoài hồ nước.
Thì ra là, sau khi lên dốc Na Lan không tiếp tục chạy lên phía trước, cô chỉ đi thêm mấy bước rồi rẽ vào đám đất đá lộn xộn không có lối đi, sau đó cô thận trọng tụt xuống dưới, cố quên đi hai bàn chân đau buốt, ít phút sau cô đã trở lại bờ nước.
Cô đã tính đúng: chiếc ca-nô không bóng người. Cô cởi sợi dây thừng khá dài buộc vào người một tảng đá nhô cao, sau đó cô lại xuống nước bơi ra ca-nô rồi trèo lên.
Cách đây không lâu Phương Văn Đông từng thuê một ca-nô sức chứa năm người, đưa Quân Quân, Tần Hoài và Na Lan đi quanh hồ ngắm cảnh hoàng hôn. Na Lan vẫn nhớ các thao tác vận hành, nó còn dễ hơn là lái xe. May mắn làm sao, bọn truy kích vội lên bờ, có tắt đèn pha nhưng chía khóa vẫn cắm trong ổ. Na Lan nhìn khắp lượt các thứ đồng hồ trên ca-nô, cố nhớ lại cách tăng ga tăng tốc mà Phương Văn Đông từng thao tác.
Có tiếng gào gì đó vọng ra, tiếp đó là tiếng phụ nữ kêu.
Chắc chắn là bọn chúng đã nhắm ai đó, chúng mắc lừa rồi.
Na Lan khởi động máy, quay mũi ca-nô, tăng ga phóng đi, bỏ lại phía sau lưng vô số lời chửi rủa.
CHƯƠNG 36 – ÔNG GIÀ ẢNH BÁO
Tiếng máy ồn ào và tiếng còi xe inh ỏi báo hiệu lùi xe như sóng thủy triều tràn đến xua tan cơn buồn ngủ của Na Lan. Cô mở to mắt, nhìn kỹ, thấy một chiếc xe tải đang chạy lùi, một nam giới đang giơ tay làm hiệu cho lái xe. Khi xe lùi đến cuối con dốc bê-tông thì anh ta ra hiệu dừng lại, mở thành xe phía sau, rồi thả chiếc rơ-mooc bốn bánh chuyên dùng xuống. Na Lan nhìn thấy chiếc ca-nô cô “bỏ của chạy lấy người” đang vật vờ bên bờ nước. Lái xe cũng xuống xe, cùng người kia cầm móc câu kéo chiếc ca-nô lên dốc bê-tông, rồi lôi nó lên rơ-mooc, sau đó họ dùng dây thừng buộc cố định ca-nô vào rơ-mooc. Xong xuôi họ móc nó vào chốt ở đuôi xe tải.
Khi thấy tất cả đã ổn, họ lên xe tải.
Na Lan “trộm” ca-nô phóng về bờ hồ phía Giang Kinh, cố ý “phơi” ca-nô ở chỗ rất dễ thấy. Rồi mai phục trong bóng tối để xem xem ai sẽ đến nhận ca-nô.
Lúc chạy ca-nô, cô phát hiện ra chiếc máy bộ đàm nhưng không dám bạt, vì sợ lộ mình. Cô đoán rằng dù chủ ca-nô là ai, chắc chắn đã nhận được cuộc gọi di động của ba gã thộn đang kẹt trên đảo, vè sẽ chú ý đứng bên hồ để theo dõi. May sao hồ Chiêu Dương không hề nhỏ với chu vi hơn chục cây số, cho nên cô không lo khi mình lên bờ sẽ bị tóm luôn.
Nhưng cũng không ngờ có người đến nhận ca-nô nhan như vậy. Cách giải thích duy nhất là hệ thống định vị vệ tinh trên ca-nô đã phát tín hiệu cầu cứu chủ nhân.
Chiếc xe tải nổ máy, Na Lan ra khỏi gốc cây đang ẩn nấp rồi chạy lên mấy bước, lom khom nhìn biển số xe gắn phía sau, thấy rất rõ: “Jiang-4280”. Đây là một đầu mối rất trực tiếp. Khuya khoắt. lại ở nơi vắng vẻ, không rõ mình có thể bắt chiếc tắc-xi để bám theo chiếc xe tải hay không, nhưng đã có biển số xe này rồi, lát nữa sẽ tìm cách gọi điện báo với Ba Du Sinh.
Cô chạy theo xe tải một quãng, nó rẽ lên đường nhựa bằng phẳng rồi bắt đầu tăng tốc. Bóng chiếc xe chạy xa dần, cô sốt ruột nhìn khắp xung quanh xem có thể gặp vận may hay không.
Chắc là cô được bù đắp sau một đêm chạy trốn gian khổ, nên một chiếc tắc-xi màu trắng đỗ ngay bên cạnh cô, nó không e ngại gì người đẹp đang lem luốc bơ phờ này. Na Lan không nghĩ nhiều, mở cửa xe bước tới, nói với lái xe: “Anh giúp tôi đuổi theo chiếc xe tải đang kéo chiếc ca-nô kia, nó sắp mất hút đến nơi!”
Lái xe chỉ im lặng rồ máy phóng đi.
Na Lan cảm thấy như bỗng rơi xuống sông băng.
Có tiếng động từ hàng ghế phía sau, cô ngoảnh lại thì thấy hai bóng đen! Dại quá, sao mình lại tin vào vận may?
“Các người là ai? Đưa tôi đi đâu?” Na Lan cố trán tĩnh. Ít ra bọn họ cũng chưa tấn công cô ngay, nếu không chẳng phải chờ lâu làm gì.
Một gã đáp: “Cô Na Lan đừng căng thẳng. Người ta đem ca-nô đến mời, cô không bận tâm. Chúng tôi chỉ đi chiếc xe cà tàng đến thì cô lên luôn, khiến chúng tôi hơi khó làm việc, sư phụ sẽ rất không vui. Và, nếu muốn hại cô, thì chúng tôi đâu cần trao đổi với cô làm gì cho mệt? Chúng tôi không trói không bịt mắt cô, thì cần gì cô phải lo lắng?”.
Xem ra, những người này không cùng bọn với những kẻ chạy ca-nô đuổi bắt cô, và bọn lái chiếc xe tải kia.
Lạ thật, mình tài cán gì mà lại được “trọng thị” thế này? “Sư phụ” là ai? Na Lan thấy chóng mặt ở tai.
Họ vừa nói đã rất rõ ràng, mình hỏi thêm nữa cũng vô ích, cứ ngậm miệng cho xong.
Nhưng cô không dễ chấp nhận lùi bước: “Các anh không muốn biết kẻ đi ca-nô đuổi tôi à ai à?”.
“Chúng tôi đâu cần biết những ân oán cá nhân của cô!” Người ngồi phía sau cười nhạt. “Tôi hiểu ý cô. Thực ra chúng tôi cũng rất tò mò về những kẻ truy bắt cô, đâm xe vào hai người. Chúng tôi đang điều tra nhưng không chắc sẽ có kết quả. Ví dụ, chiếc xe tải kia 90% khả năng là đeo biển số giả, chiếc ca-nô thì ngay biển số cũng không có. Chiếc xe tải kia sẽ chạy đi đâu? Chúng tôi nếu chán sống rồi thì mới đuổi theo nó. Tại sao? Vì, nếu bọn họ đủ trình độ chuyên nghiệp thì sẽ không chỉ đưa một xe tải đến, chắc chắn họ phải có lực lượng hộ vệ.” Anh ta gõ gõ vào cửa kính xe, Na Lan nhìn qua cửa kính, trong màn đêm vẫn thấy vài chiếc xe chạy ngược chạy xuôi. “Bất cứ chiếc xe nào ngoài kia cũng có thể là xe hộ vệ cho xe tải.”
“Rất kính nể các anh. Bọn họ mất cả đêm mà không “mời” được tôi, nhưng các anh lại “vồ” được quá dễ dàng (1)!”
“Mỗi người đều có mọt cách nghĩ khác nhau. Nếu cô hiểu sư phụ chúng tôi hơn nữa, sẽ thấy sư phụ không bao giờ hấp tấp, luôn hành động rất chín chắn. Chính sư phụ cho chúng tôi biết, với tính cách của cô, cô sẽ không nhanh chân bỏ chạy mà cô sẽ tìm cách điều tra rõ về hung thủ, cô sẽ chờ chủ ca-nô xuất hiện. Cho nên bọn tôi mới có thu hoạch này.” Người ấy không giấu vẻ đắc ý.
Na Lan băn khoăn, vì chưa biết ở Giang Kinh này mình lại có một “tri âm” kỳ cựu bí hiểm.
Trời tối đen nên Na Lan không thể nhận ra xe chạy qua những chỗ nào, cô cảm thấy xa lạ. Thế mới biết Giang Kinh rộng thật, mình đã sống ở đây bốn năm mà mới chỉ đi lại trong một khu vực nhỏ. Nhưng cảm thấy hình nhu xe chạy không quá xa hồ Chiêu Dương. Khi xe chạy chậm dần, cô nhìn qua cửa kính, đúng là như thế.
Xe chạy đến một cổng sắt, bên cổng có bốt gác bảo vệ không đèn, nhưng nhìn thấy một bóng đen đang đứng đó vẫy tay với anh lái xe. Cửa sắt từ từ mở ra. Xe tiếp tục chạy vào. Bên trái là một mặt nước rộng vô tận. Chắc là hồ Chiêu Dương.
Xe đứng trước một biệt thự. Dù trời tối Na Lan vẫn nhận ra nó không như những biệt thự mộ phỏng kiểu châu Âu mới xây những năm gần đây, mà là ngôi biệt thự có khá lâu đời na ná biệt thự ở vùng tô giới (2) cũ mà người ta vẫn thấy. Cô ngắm nhìn một lát. Người ngồi hàng ghế sau đã xuống xe, nói: “Nhà đẹp đấy chứ? Vào thập kỷ 30, đây là nơi nghỉ ngơi của một quan chức ngoại giao Anh. Sư phụ chúng tôi nhờ ông Tư Không Trúc môi giới, đã mua lại được của chủ nhân người
Hồng Kông.”
Na Lan xuống xe, dưới đất đã đặt sẵn một dôi dép lê, nó giúp cô bớt đi phần nào cái vẻ hoang dã của cô gái trong bộ lạc nguyên thủy.
Tường ngoài nhà gần chiếc đèn bất giác bị gỉ sét lem nhem, ánh sáng mờ mờ. Lúc này Na Lan mới nhìn rõ người vẫn nói chuyện với cô: tuổi ngoài bốn chục, mái tóc phẳng vuốt ra mé sau, trán hói đến đỉnh đầu, trang phục thoáng rộng cử chỉ lịch sự, nói năng chỉnh chu, khiến Na Lan liên tưởng đến Phàn Uyên.
Chờ khi gặp vị “sư phụ” rồi thì cô mới hiểu rõ tại sao mình có cảm giác này.
Dường như ông ta đã chờ đợi Na Lan rất lâu. Lúc cô vào gặp, ông đang ngồi ở phòng khách uống trà, đọc một cuốn sách khâu bằng chỉ (3). Chắc ông rất sợ lạnh, vì đang giữa mùa hè mà chiếc quạt trần bên trên chỉ quay lờ đờ, lại mặc bộ áo ngủ tơ tằm tương đối dày. Tiếc rằng bộ áo dài sang trọng ấy cũng không che nổi thân hình gầy guộc và nét già nua khô héo. Khỏi phải nghi ngờ, thân hình thật của ông già hơn hình ảnh trên báo chí, trên ti-vi không chỉ là chục tuổi.
“Na Lan, ngồi đi. Uống trà nhé?” Ông gỡ cặp kính viễn xuống, chăm chú nhìn cô, ánh mắt ông dịch chuyển theo cô bước đến chiếc ghế gỗ chạm trổ công phu rồi ngồi xuống.
Ông khẽ thở dài.
“Con bé hồi nhỏ, nhớ học cấp II thì phải, có lần sắp đi thi bơi, nó tự ý ra hiệu cắt ngắn mái tóc đi.. trông rất giống. Về sau nó lại để tóc dài, cho đến khi sắp tốt nghiệp đại học, nó lại mê bơi lội, rồi lại cắt tóc ngắn… giống thật! Đúng là rất giống!” Chắc vì muốn giấu đi nỗi bi thương chợt dâng lên, ông nhấp một ngụm trà, bàn tay cầm chén trà run run.
Ông Quảng Cảnh Huy không có vẻ một nhân vật số một của Lĩnh Nam uy danh lẫy lừng.
“Thưa Quảng lão tiên sinh, cháu hiểu tâm trạng của bác…”
“Tôi biết cô cũng từng gặp nỗi bất hanh.” Ông lại nhấp ngụm trà nữa, hình như Na Lan đến, khiến ông bỗng thấy khát nước hơn. “Nhưng, ta nên chỉnh lại cái câu cũ rích trong “Anna Karenina”: mỗi người đều có nỗi bất hạnh khác nhau, cảm nhận của chúng ta khi mất người thân sẽ khác nhau một trời một vực.”
Na Lan không thể không công nhận rằng lời ông Cảnh Huy không có ý khái quát cho tất cả. Chẳng khác gì hiệu ứng Domino, ông mất cô con gái, rồi lại mất tiếp người vợ, ông đã mất cả gia đình.
“Cháu xin nói là. Diệc Tuệ mất tích chưa có kết luận rõ ràng, và vẫn có rất nhiều người chưa từ bỏ hy vọng tìm thấy cô ấy…”
Ông Cảnh Huy không tỏ ý gì, chỉ cười nhạt: “Nhưng tôi nghe nói có người đã xóa nó khỏi ký ức, rồi mải mê
với cả đàn gái đẹp.” Dù nhắc đến Tần Hoài đầy tai tiếng ê chề, ông vẫn trấn tĩnh như thường, thật hiếm có. Ông luôn cho người khác có ấn tượng ông cũng không bao giờ nổi giận cả. Danh hiệu “nhân vật số một của Lĩnh Nam” đâu phải đơn giản mà có được!
Na Lan hiểu ngụ ý sâu xa của ông: thế mà cô lại dan díu với gã vong ân bội nghĩa ấy! Cô bèn hỏi thẳng: “Bác đã quan tâm cháu, bác cử người đi tìm cháu ngay trong đêm, chắc bác cũng biết cháu thực ra chỉ muốn điều tra rõ sự thật về vụ Diệc Tuệ mất tích…”
“Vì thế mà cô chạy đến tận quê tôi ư?”
Thì ra là ông ta đã biết cả. Na Lan sững sờ. Nếu lại biết chuyện Phàn Uyên đào ngôi mộ giả của Quảng Diệc Tuệ, liệu ông ta có thể bình thản như thế này không?
“Vâng. Cũng có một nguyên nhân nữa, là vì Ninh Vũ Hân…”
“Cô gái vẫn đập dìu với Tần Hoài.”
“Cô ấy chết rất ly kỳ khó hiểu.”
Ông Cảnh Huy đặt chén trà xuống, người hơi dướn về phía trước: “Cô không nhận ra các chuyện Diệc Tuệ mất tích, Ninh Vũ Hân bỏ mạng, những ai gần với Tần Hoài đều gặp vận không may… cả chị gái em gái của anh ta nữa, lẽ nào đều là ngẫu nhiên?”.
“Lúc đầu cháu chủ động tiếp cận Tần Hoài, chính là vì những nguyên nhân này.
“Tôi nghĩ, cô còn chưa nói tiếp “về sau” thì sao?”
“Về sau, cháu tin rằng anh ấy vô tội. Nỗi nhớ thương Diệc Tuệ của anh ấy thật khó bề hình dung nổi…”
“Đủ rồi đấy!” Ông Cảnh Huy bỗng đứng lên, phong độ của nhân vật tầm cỡ chợt tan biến. Ông cũng biết nổi giân khi nghe những câu biện hộ cho Tần Hoài. “Dù cô cực thông minh thì cô vẫn là đồ trẻ con. Cô không hiểu rằng người đời đang dành quá nửa thời gian để diễn kịch! Trò chuyện, hỏi thăm, quan tâm, từ thiện… đủ trò, tôi nhìn thấy nhiều rồi, đều là diễn kịch cả!”
Ông Cảnh Huy đùng đùng nổi giận khiến Na Lan phát hoảng, nhưng cô vẫn nói: “Ý bác là, không thể tin tình cảm chân thành?”
Ông Cảnh Huy vịn vào lưng ghế, ánh mắt bỗng đầy vẻ ưu tư thương xót: “Tôi không muốn một cô gái nào lại theo chân Diệc Tuệ nữa.”
“Nhưng cháu vẫn không hiểu. Diệc Tuệ chỉ là mất tích…”
“Cô vẫn còn ngây thơ lắm! Tôi chưa bao giờ đọc các loại số liệu thống kê nhưng cũng hiểu: một người vốn đang bình thường, mất tích ba năm có nghĩa là gì?”
“Nhưng không có nghĩa là mọi người nên hoàn toàn bỏ cuộc. Cháu nghĩ rằng bác chuyển về Giang Kinh ở, cũng vì đang tìm kiếm cô ấy, phải không ạ?”.
Ông Cảnh Huy lại ngồi xuống, nâng chén trà kên: “Có rất nhiều thứ, chúng ta ngỡ rằng đã hiểu cả rồi, hoặc đã suy luận ra rồi, nhưng khi tiếp cận sự thật thì lại không phải thế. Cho nên, sự thật cũng là thứ vô thường, diện mạo luôn luôn thay đổi.”
Na Lan cảm thấy cơ bản đã hiểu ra: “Ý bác là, chỉ một mình cháu thì rất khó tìm hiểu sự thật, vì có rất nhiều sự biến đổi trong đó?”.
Ông Cảnh Huy mỉm cười, nét cười rất khó nắm bắt: “Cô chỉ cần đối xử thật tốt với chính mình, cô sẽ có tiền đồ rộng mở. Thật thế!”.
Na Lan như bừng tỉnh: “Thì ra, đêm nay bác có ý định gọi cháu đến nhằm nói với cháu rằng hãy gạt bỏ ý định điều tra chuyện Diẹc Tuệ mất tích, cái chết của Vũ Hân, cứ để bác và các cộng sự giải quyết?”.
“Cô tổng kết cỏn rõ ràng mạch lạc hơn cả tôi nói!”
“Nhưng…”
“Nhưng tôi biết cô sẽ không từ bỏ!” Ông lại thở dài. “Tuy nhiên, tôi phải có trách nhiệm của người bề trên, cần nói gì tôi vẫn phải nói. Cô không đủ sức điều tra ra nguyên nhân của các chuyện bất hạnh đã đành, nhưng dù tra ra được thì cũng là tự đào mồ chôn mình mà thôi! Rất nhiều chuyện ẩn chứa bên trong, nếu nói ‘đáng sợ’ thì không có gì là quá lờicả.” Na Lan rùng mình khi nghe ông nói hai chữ “đào mồ”. Ông có ngụ ý ám chỉ gì chăng?
“Cảm ơn bác đã nhắc nhở. Có lẽ… cháu cần ít thời gian để cân nhắc.” Cô cần thời gian để ngẫm nghĩ những lời của ông Cảnh Huy.
“Còn việc này nữa cô khỏi cần tốn thì giờ để nghĩ: tôi hy vọng cô hãy giã từ Tần Hoài, tránh càng xa càng tốt.”
Chú thích:
(1): Nguyên văn: chim sẽ rình phía sau. Ý của một câu thành ngữ “Bọ ngựa rình ve sầu, chim sẻ rình phía sau” (để mổ bọ ngựa).
(2): Khâu thủ công, “sách cổ”.
CHƯƠNG 37 – TIỀU TỤY KHỐN ĐỐN
Khám Cửu Kha, tựa như bản sao Phàn Uyên thời trung niên, là thân tính của ông Quảng Cảnh Huy. Anh ta nói mình cực mê sách, có giao lưu mới biết anh ta không nói ngoa, anh ta từng đọc các tác phẩm quen thuộc của các bậc thầy lừng danh như Dover hay Jung Carl đã đành, ngay sách tâm lý học của Adler và Bandura (1) rất ít người biết, anh ta cũng đọc. Khám Cửu Kha lái du thuyền chờ Na Lan sang đảo Hồ Tâm, không cần cô chỉ đường, anh ta dừng đúng bến tàu. Rõ ràng không phải anh ta mới “viếng thăm” đảo lần đầu.
Sớm tinh mơ, một màn sương mỏng bao phủ mặt hồ, dường như báo trước mùa thu sắp đến gần. Na Lan cảm thấy những sự việc xảy ra đêm qua cũng đưa cô vào một vùng sương khói
mờ ảo. Lúc sắp xuống thuyền, cô hỏi: “Bác ấy sẽ không trách anh đưa tôi sang đảo Hồ Tâm chứ?”.
Khám Cửu Kha cười: “Sư phụ chỉ dặn tôi đưa cô đến bất cứ đâu mà cô muốn. Tôi không biết hai vị nói những chuyện gì nhưng tôi xin nhắc cô một điều: dù sư phụ nói gì hoặc bảo cô tránh xa ai, tốt nhất là cô hãy nghe lời.” Anh ta bỗng nghiêm nét mặt, nói rất khẽ. “Tôi theo sư phụ đã lâu, biết rõ ông không bao giờ nói năng tùy tiện, cũng không bao giờ làm việc gì quá trớn. Nếu không, ông đã chẳng có uy danh như ngày nay. Tôi cũng từng biết những ai không nghe lời ông, rốt cuộc phải chịu cay đắng… Tôi lần đầu gặp Diệc Tuệ khi cô ấy còn là thiếu nhi quàng khăn đỏ, rất đáng yêu, hồn nhiên vô tư lự…” Giọng anh ta hơi nghẹn lại, đôi mắt rớm đỏ.
Na Lan định nói: anh đang cảnh cáo tôi. Nhưng cô cảm thấy nói thế quá vô duyên, nên chỉ gật đầu chào, rồi bước lên bậc cửa bến tàu.
Đôi chân trĩu nặng. Vì lần đầu tiên cô nhận ra mình không biết các bước tiếp theo nên đi như thế nào.
Một mớ bòng bong với bao điều nghi hoặc.
Tần Hoài có an toàn không? Bọn tấn công truy sát mình là ai? Ông Quảng Cảnh Huy cảnh báo, có thật thế không?
Chẳng hiểu sao, cô thấy tán thành với lời nhắc nhở của Khám Cửa Kha, “sư phụ” tuyệt đối không phải là người chỉ nói mép và hư trương thanh thế.
Cô bước đi trong tâm trạng ngổn ngang với bay suy nghĩ rối bời. Đã về đến cổng biệt thự của Tần Hoài. Từ trên gác vọng ra tiếng đàn piano dìu dặt, chậm rãi. Cô sững người. Không phải tiếng nhạc chạy đĩa phát ra từ bộ đàn, mà là tiếng đàn piano thật. Khúc biến tấu Canon cung Rê trưởng của Johann Pachelbel, là ý thơ trong nhạc Baroque cổ điển, là niềm vui trong lành, là mộng ước đẹp tươi. Nét nhạc tuyệt diệu đã xua tan những mệt mỏi uể oải của Na Lan sau một đêm thức trắng.
Tần Mạt!
Niềm vui dâng lên trong lòng Na Lan: Tần Mạt đã có thể chơi đàn, là dấu mốc quan trọng chứng tỏ cô ta đã phục hồi tâm trí! Tần Mạt rất cần những giai điệu tươi vui thế này! Bước chân Na Lan bỗng thoăn thoắt, cô dường như nhảy lên bậc thềm.
Bước đến cửa cô mới ngớ ra: cửa luôn gắn liền vói hệ thống cảnh báo an ninh, thế mà lúc này nó đang rộng mở, hình như âm nhạc đang tràn ngập, ùa ra không gì ngăn cản nổi.
Có phải Tần Hoài đã an toàn về đến nhà?
Cô đẩy cửa, nhẹ nhàng bước vào, cô không muốn làm cho người chơi đàn bị mất hứng.
Vào phòng chính, thì cô biến thành pho tượng.
Chỉ có thể nhìn nghiêng người đang chơi đàn, sống mũi thanh thanh, nét môi hồng như vẽ, cổ ngọc ngà vươn cao, tóc tai được búi lên. Mẫu người “hoa thương nguyệt thẹn” thời cổ đài! Cô càng ngạc nhiên hơn nữa, cách người ấy không xa là một thiếu nữ mảnh dẻ thiết tha, đứng bất động, mặt hướng về cửa sổ nhìn ra phía hồ, Tần Mạt!
Cô gái đang chơi đàn, đây không phải lần đầu Na Lan trầm trồ trước vẻ kiều diễm của nàng, chính là Tư Không Tình.
Các ngón tay búp măng xinh xắn nhẹ nhàng dạo chơi trên những phím đàn đen trắng, dường như Tư Không Tình không mảy may chú ý đến sự xuất hiện của Na Lan. Cô đang thả hồn vào điệu nhạc, đang ngao du bên ngoài vạn vật, đang chìm trong niềm hạnh phúc không thể định danh.
Khúc nhạc kết thúc, đôi tay cô vẫn lơ lửng trên không, đôi mắt khép lại. ánh sáng hắt vào từ bên cạnh cho ta thấy hàng mi chớp nhẹ, lung linh.
Tần Mạt hơi xoay người lại, nhìn cây đàn từng làm bạn vói cô. Cô thẫn thời hẫng hụt, hay mỉm cười?
Tay trái của Tư Không Tình, ở ngón đeo nhẫn, chiếc nhẫn kim cương đang lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời.
“Tôi rất vui được gặp lại Na Lan.” Có thể nhận ra trong câu nói của Tư Không Tình đó là niềm vui kiểu xã giao. “Ngồi đi! Hình như cô đang rất mệt mỏi?”
Mệt mỏi à? Tôi chỉ là trâu bò hùng hục suốt một đêm mà thôi! Na Lan không biết nên nói gì, vẫn đứng ngây nhìn Tư Không Tình đỡ Tần Mạt ngồi xuống ghế trước cây đàn piano.
“Em đừng sợ, chị vừa đàn xong một bài, vẫn ổn mà! Không xảy ra chuyện gì đáng sợ cả, đúng chưa? Bây giờ em đàn đi!” Tư Không Tình nhẹ nhàng nói với Tần Mạt.
Ánh mắt Tần Mạt long lanh khác thường, như đứa trẻ con vừa nhìn thấy một thứ đồ chơi thú vị nhưng lại chưa hiểu ra sao. Cô ta nâng tay lên. Na Lan dường như bừng tỉnh, cô thấy tim mình như bị thắt lại.
“Em thử đàn một đoạn luyện tập chuỗi âm cung Rê trưởng xem sao!”
Một dòng suốt nhạc trong vắt tuôn ra từ những ngón tay Tần Mạt. Lần này cô không kêu lên kinh hãi, mà là mỉm cười hệt như một đứa trẻ bỗng dưng nhận ra mình có chút biệt tài.
Na Lan cũng đã thật sự tỉnh táo, cố gắng mỉm cười: “Chúc mừng nhé… tôi nhìn thấy cái nhẫn của cô.”
Khuông mặt Tư Không Tình bỗng ngập tràn nụ cười rạng rỡ: “Cảm ơn. Tôi nói ra chắc cô không tin: tôi đã nói với anh ấy rằng chỉ cần trái tim em và anh đồng điệu, có tặng nhẫn hay không, không quan trọng. Nhưng anh ấy bảo tôi nói ra quá muộn, anh ấy đã mua nhẫn này từ lâu. Chẳng biết anh ấy lén đo cỡ ngón tay tôi khi nào, một anh chàng ma mãnh!”
“Chắc anh ấy rất yêu cô và cũng rất thông minh nữa.”
“Chưa chắc đã thông minh, nói anh ấy ma mãnh vì anh ấy chuyên viết tiểu thuyết kinh dị.”
Na Lan cảm thấy
hình như đất dưới chân đang sụt lở, cô: “Thế ư?” rất khẽ chỉ mình cô nghe thấy, vì giọng Tư Không Tình vẫn tiếp tục rót vào tai. “Cũng rất gần đây thôi, tôi mới thật sự tin lời Phương Văn Đông nói: thật ra Tần Hoài một lòng thủy chung, suốt bốn năm trời anh ấy không thể quên Quảng Diệc Tuệ. Nhưung anh ấy buộc phải bước ra, buộc phải có cuộc sống, tình yêu và gia đình như mọi người. Vì thế anh ấy nói với tôi rằng anh sẽ không phụ lòng tôi, không thờ ơ với tình yêu và sự đợi chờ của một cô gái nữa. Cho nên anh ấy cầu hôn tôi.”
Ôi, tại sao mình vẫn còn đứng đây?
Tư Không Tình bước lại nhìn Na Lan đầy vẻ quan tâm: “Trông cô có vẻ rất mệt, thật thế. Nên ăn một chút gì đi. Tần Hoài sát về cũng nên. Tối qua anh ấy bị tai nạn giao thông, may mà công an đã cứu được. Tôi đưa anh ấy đi viện, vất cả đến quá nửa đêm, sau đó về chỗ Phương Văn Đông và Quân Quân nghỉ ngơi, anh ấy nói ở đó yên bình. Còn tôi về đây với Tần Mạt.”
Tại sao mình vẫn còn đứng đây?
“Nghe theo Quân Quân, tôi đã mua chiếc máy làm sữ đậu này, đậu đã ngâm rồi, lát nữa tôi sẽ làm cho cô uống. Tần Hoài thích ăn trứng ốp-lết, cô thì sao? Muốn ăn món gì cùng với sữa đậu nành?”
“Không cần đâu… tôi… tôi phải đi.” Na Lan cảm thấy mình đến nhà Tần Hoài thực ra là một cơn ác mộng.
Như có lẽ đã quá muộn để ra đi, và không thể rút lui mà yên được.
“Sao thế? Cô vừa đến mà? Hồi trước tôi không gặp cô ở đây bao giờ. Thực ra tôi vẫn cầm chùm chìa khóa nhà Tần Hoài nhưng vì tôn trọng anh ấy, tôi không thể tùy tiện tìm đến. Trước khi sang, tôi phải hỏi trước xem anh ấy có đồng ý không đã. Chẳng thể nào khác, vì anh ấy đã cho tôi cuộc sống thứ hai… à, tôi quên chưa kể với cô, có lần tôi đang bơi bỗng bị chuột rút, suýt nữa chết đuối, may mà Tần Hoài đã cứu được tôi, đúng là không thể không tin số phận. Hồi ấy anh ấy còn là chàng văn sĩ tầm tầm, nhưng kể từ lần đầu tôi đã muốn gửi gắm đời mình cho anh.”
Tư Không Tình đặt chiếc chảo đáy phẳng lên bếp ga, rồi quay lại nói với Na Lan: “Cô đừng về, thật đấy! Ít ra cũng phải ăn một chút đã. Sữa đậu nành sắp có ngay, bây giờ tôi làm trứng cho cô, cô muốn ăn trứng non hay già? Tần Hoài thích ăn trứng non. Tôi vốn vụng bếp núc, nhưng nay đã luyện thành nghề rồi.” Tư Không Tình bật quạt khử mùi.
“Thôi, không cần đâu, thật mà!”
Na Lan quay người. Phải bỏ chạy thôi!
Nhưng vẫn là quá muộn. Phương Văn Đông và Quân Quân đã xuất hiện ngoài cửa, phía sau là Tần Hoài.
Cô vẫn không nén được nhìn Tần Hoài. Trên mặt anh có vài vết xây xát rất rõ, vai trái đeo dải băng treo cẳng tay cứng đơ, bị bó bột.
“Lúc nào rồi, nói giúp với Ba Du Sinh rằng tôi cảm ơn một lần nữa, nếu cảnh sát không đến kịp thời thì chắc tôi đã bỏ mạng rồi. Tên lái xe đã bỏ chạy trước khi cảnh sát đến. Cảnh sát đang truy tìm chiếc xe ấy.” Tần Hoài nói rất bình thản, cứ như là chuyện xảy ra từ mấy chục năm trước. “Trông cô… có hơi mệt mỏi, nhưung hình như không vấn đề gì lớn.”
Na Lan thầm nghĩ, nếu anh có thể nhìn thấu lòng tôi, chắc anh sẽ có kết luận khác. Cô cố gượng cười: “Tôi cũng trải qua một đêm rất thú vị, có lẽ phải chờ hồi sau mới biết rõ được.”
Tư Không Tình bước lại, khẽ hôn lên má Tần Hoài, rồi mỉm cười: “Tại sao cứ đứng ở cửa mãi? Vào đi chứ! Em đang làm món trứng cho Na Lan.”
Tần Hoài nhìn vị hôn thê xinh đẹp, rồi lại nhìn Na Lan, ánh mắt hờ hững: “Cô còn có việc chứ gì, nên ăn đã rồi hãy đi.”
Cái lối mời trà tiễn khách. Na Lan dù quá ngây thờ thì cũng thừa hiểu.
Khỏi cần soi gương, cô cũng hình dung được mình lúc này rất nhếch nhác, đầu bù tóc rối, mắt cô quầng thâm, tay chân lấm láp, mình sẽ tiếp tục đứng đây đọ nhan sắc với mỹ nhân cổ điển hay sao?
Cô lắc đầu thay cho câu trả lời, cũng thể hiện cô không sao hiểu nổi tất cả những điều đang chứng kiến, cô hết cách.
Nhưng cô vẫn không quên chào tạm biệt, rồi quay ra, chạy đi càng xa càng tốt.
Nếu lúc này, Tần Hoài nói cô hãy ở lại, tất cả chỉ là một trò đùa tàn nhẫn kinh khủng, thì mình sẽ thế nào? Cô biết nếu Tần Hoài bảo cô ở lại thì cô sẽ không đi, ít ra là tạm thời không đi nữa.
Hãy tự chế nhạo sự nhu nhược của mình. Tần Hoài chỉ im lặng, không níu kéo. Na Lan cứ thế đi thẳng, cô cũng cản nhận được ánh mắt lạnh nhạt phía sau cô.
Phải chờ rất lâu mới thấy con tàu nhẩn nha như mọi ngày cập bến. Lúc bước xuống các bậc cửa dốc bến Na Lan bỗng cảm thấy cảnh này dường như từng xảy ra.
Xảy ra một cách đáng buồn.
Khác nhau ở chỗ khi xưa ra bến này là Ninh Vũ Hân buồn bã, hôm nay là cô với bộ dạng bơ phờ mệt nhọc. Thứ duy nhất cô muốn có lúc này là cặp kính râm, để che đôi mắt đỏ hoe.
Vẫn còn sớm, khách xuống tàu lên tàu rất thưa thớt. Trong đó có một thiếu nữ dong dỏng cao, khuôn mặt xinh tươi tràn trề khát vọng sáng trong của tuổi xuân. Na Lan thấy chua chát, khi cô gái ấy đi qua, bèn hờ hững hỏi: “Chắc cô sang làm trợ lý sáng tác cho Tần Hoài?”.
Cô gái ngớ ra kinh ngạc, miệng hơi há ra, nhìn rõ chiếc răng nanh khểnh rất có duyên: “Sao cô lại biết, sao cô tài thế?”.
Na Lan bình thản nói: “Tôi là phù thủy như truyền thuyết đã nhắc đến… đảo này rất nhỏ, nên chuyện gì cũng trở thành tin thời sự của mọi người. Chúc cô gặp nhiều may mắn.”
Na Lan cúi đầu rảo bước, cô hơi ân hận vì mình nói quá nhiều.
Nhưng khi gặp ông chủ tàu hay tán gẫu, cô lại không biết nói gì nữa.
“Quý hóa quá!” Thoạt đầu ông ta hơi sửng sốt, nhìn Na Lan mãi rồi mới mỉm cười. “Cô đổi kiểu tóc nên tôi chưa nhận ra ngay. Cô sang đảo khi nào, sao tôi không thấy cô sang thì phải?”
Na Lan nhận ra mình đi tàu thế này, hình như là tỏ ra “không bận tâm đến sinh tử” nữa. Lẽ nào mình đau buồn đến mức quên cả an toàn cho bản thân? Lát nữa xuống tàu, rồi sao nữa? Giơ tay đầu hàng, và nói với hung thủ đang giấu mặt rằng, cứ lại đây mà xử lý ta tùy thích!
“Ông có thể đoán, chọn đáp án xem: tôi đi trực thăng, đi ca-nô, bơi qua, hay là cải trang rồi đi tàu thủy?”
Ông ta cười hềnh hệch, rồi lại nhìn Na Lan, nói: “Nhưng trông cô có vẻ… hơi tiều tụy. Lâu nay vẫn khỏe chứ? Công việc có suôn sẻ không?”.
“Rất ổn, không chê vào đâu được!
Ông ta hắng giọng, hình như đang định nói gì đó. Na Lan đương nhiên đoán ra, bèn cười nói: “Chắc cô gái vừa rồi là trợ lý sáng tác của Tần Hoài. Tôi đã nghỉ làm từ lâu.”
“Kẻ ra thì cũng thật kỳ lạ, cô gái họ Ninh hồi trước…”
Na Lan bỗng phát hiện ra có lẽ mình đang đi song song với quỹ đạo của Ninh Vũ Hân: từ xa lạ, rồi rung động, lún sâu, hẫng hụt; bước cuối cùng của Ninh Vũ Hân là hồn lìa khỏi xác. Mình thì sao? Làn gió sớm mai mùa thu ùa đến, Na Lan với áo phông váy ngắn cảm thấy lành lạnh, lạnh từ ngoài thấm vào đến tim.
Tàu bắt đầu chạy. Mình cô đứng trên mũi tàu nhìn sóng nước bắn tung bọt trắng dần lan xa, sáng lấp lóa như những vẩy bạc. Hình như trên mặt nước hiện ra đôi cánh tay vung lên thành đường cung, đưa lên đưa xuống hết sức nhịp nhàng.
Lệ tuôn lã chã, cô vịn lan can cúi đầu, nước mắt rơi xuống hồ, mất tăm mất tích.
Có một người nhìn theo Na Lan xuống thuyền, lần đầu tiên cảm thấy thương hại cô.
Xem ra ta chưa hoàn toàn là kẻ máu lạnh, vô tình. Đôi khi so với những kẻ bề ngoài tỏ ra nhân nghĩa nhưng lòng thì cạn tình, ta còn có nhiều nhân tính hơn.
Thực ra Na Lan không cần phải chết, vì cô ta đã đớn đau đến chết rồi. Đương nhiên là tại cô ta đã sai. Tuy không nghe thấy nhưng người này có thể tưởng tượng ra đã có bao người khuyên can cô ta đừng đi sâu vào, hãy tránh càng xa càng tốt, thế mà cô ta vẫn đi vào vết xe đổ của kẻ khác. Nhiều người bảo cô ta thông minh, nhưng trong chuyện này thì hình như…
Có lẽ cô ta vẫn không biết mình sắp phải đối mặt với những kẻ, những sự việc còn cạn tình hơn nữa.
Sẽ khiến cô ta muốn sống không được muốn chết cũng không xong.
Chú thích:
(1): Tên các giáo sư, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, Đức, Mỹ thế kỷ 18, 19
CHƯƠNG 38 – BẢN ĐỒ SONG SINH
Thuyền cập bến, Na Lan đã hiểu ra, mình không nên để cho thất bại tình cảm biến thành mũi kiếm thọc vào yết hầu. Lên bờ, cô lưỡng lự, có nên mượn di động của ông chủ tàu để gọi cho Ba Du Sinh xin đến “tự thú” với anh không. Đang cố nhớ lại số di động của Ba Du Sinh, thì một cơn gió lại ùa đến khiến cô rùng mình, và nhớ ra chiếc áo chẽn đã rơi mất ở đâu chẳng rõ nữa.
Ước gì được nấy, một chiếc áo choàng đặt trên vai Na Lan.
Cô kinh ngạc ngoảnh lại. Đôi mắt sâu, hiền hòa, khuôn mặt tuấn tú sáng sủa. Và giọng nói thân thiết: “Các bạn thân của cô đều đang ở đây, cô có cần gọi điện cho ai không?”.
Đặng Tiêu. Vẫn phong độ, nhẹ nhõm, và thêm nét phong sương bụi bặm nữa, nhưng vẫn không che nổi tình cảm sôi động sâu sắc “nếu muốn khóc thì cứ ngả vào vai anh mà khóc”.
Na Lan bỗng xúc động, muốn ngả vào vai anh òa khóc. Chỉ cần anh ôm choàng vai cô thì điều đó sẽ xảy ra ngay.
Đặng Tiêu đâu phải hạng tiểu nhân ham lợi dụng, anh vẫn đứng im, ôn tồn nói: “Điều duy nhất cô cần làm lúc này là phải ngủ một giấc thật sâu.” Quân tử không ham hố. “Nhìn xem, có ai đến đón cô nữa?”
Na Lan chưa kịp ngoảnh lại thì đã có người cốc vào đầu cô một cái.
Chưa thấy người thì cô cũng biết đó là ai.
Là cô gái tóc xõa chấm vai, mắt sáng, răng trắng bóng, đã quá lâu không gặp. Đào Tử!
Na Lan không nhớ nổi đã bao lâu mình chưa được tha hồ khóc như thế này. Và, đáng ngán nhất là nước mắt giàn giụa ngay trước mặt “công chúng”. Nhưng mặc kệ! Tôi đã chạm trán với thần chết, tôi lại phóng túng trong mê cung tình ái, tôi có thừa tư cách để khóc lóc!
Đào Tử vuốt mái tóc ngắn của bạn, xót xa: “Ổn rồi, bây giờ không phải lo gì nữa, chuyến đi tự đày đọa mình của cậu đã kết thúc rồi!”.
Tâm trạng đã ổn định trở lại, Na Lan quay sang Đặng Tiêu, nói: “Lần trước gặp nhau, anh nói là có thể giúp tôi
tàng hình, mai danh ẩn tích, thành một người khác, có thật thế không?”.
Đặng Tiêu bình thản không chút ngạc nhiên, đã lường trước Na Lan sẽ hỏi câu này, anh cười nói: “Không những vẫn là thật, tôi còn bảo đảm cô không cần đi Hàn Quốc mà vẫn có thể làm thẩm mỹ thay đổi ngoại hình.”
Sắp đến ngày khai giảng. Được Ba Du Sinh giúp đỡ, Na Lan đã xin với Ban nghiên cứu sinh cho phép cô nợ vài môn học cơ bản, cô sẽ bổ túc bằng cách tự học và học qua băng ghi âm mà Đào Tử đã ghi hộ. Ba Du Sinh còn bố trí cho cô nơi ở an toàn và cử chiến sĩ bảo vệ nữa. Nhưng cô vẫn lựa chọn Đặng Tiêu đón cô đi. Cô biết Đặng Tiêu là một trong số cực ít người ở Giang Kinh có thể giúp cô thực hiện kế hoạch.
Một kế hoạch còn nguy hiểm hơn cả việc tiếp cận Tần Hoài.
Chiếc xe chở Na Lan chạy sâu vào khu sân trường, rồi chạy đến trước Lầu Nhớ nhung là khu văn phòng khoa Ngữ văn. Lầu Nhớ nhung nằm giữa một vườn hoa nhỏ có những hàng trúc xanh bao quanh, bốn bề là cây cối, không có chỗ đỗ xe, nhưng Đặng Tiêu vẫn cứ bóp còi inh ỏi khắp con đường nhỏ.
Na Lan lúc này không nghĩ gì đến phép tắc cộng đồng gì gì nữa, cô nhanh chóng xuống xe rồi chạy như bay vào khu nhà.
Gặp Cung Tấn, cô hỏi luôn: “Anh giúp tôi với!”.
Cung Tấn đang mải chỉ dẫn cho hai nữ nghiên cứu sinh năm đầu, thoạt nhìn Na Lan anh không nhận ra, một lát sau mới cười nói: “Nếu không phải cô đã gọi điện trước thì tôi không dám nghĩ là cô. Giới thiệu với hai em, đây là người mà hai em đã nghe tên quá nhiều, sắp phát chán rồi: Na Lan!”.
Hai cô gái tươi cười đứng dậy, Na Lan nói: “Xem ra, tai tiếng của tôi đã bay khắp chốn mất rồi!.
“Nghe nói chị quen anh Tần Hoài.” Một cô trông còn đậm nét nữ sinh cấp III non choẹt hỏi. “Có đúng là anh ấy giống như báo chí vẫn nói không hả chị?”
Na Lan đáp: “Còn tệ hơn thế! Cứ chờ đọc blog của tôi, sẽ có cả ảnh chụp hẳn hoi!”.
Hai cô gái đi rồi, Na Lan hỏi: “Anh đã tìm giúp người phiên dịch chưa?”.
Cung Tấn nói: “Cô tốt số nên đời cô mới được gặp tôi! Đã tìm được phiên dịch rồi. Đại học Giang Kinh không có ai biết cổ văn Mông Cổ, nhưng tôi đã tìm ra một vị chuyên gia làm ở Viện khoa học xã hội của tỉnh. Xem bản đồ ấy, ông ta bảo đó là văn tự Pasipa (1) chính cống thời Nguyên, dịch cũng dễ thôi.” Cung Tấn mở cặp lấy ra tấm bản đồ, năm xưa Tần Hoài đã từng căn cứ vào bản đồ này đi tìm “kho báu”, nhưng công cốc, nhưng anh ta vẫn dựa vào nó để viết tiểu thuyết kiếm ra ít tiền. Khi anh ta đưa bản đồ ấy cho Na Lan xem, cô đã photo lại một bản ngay trong thư phòng, nào ngờ lại có
dịp dùn nó cho một kế hoạch mới.
Na Lan cầm xem, thấy bên cạnh các ký tự Mông Cổ đều đã có chú thích chữ Hán, nói: “Rất cám ơn anh. Tôi đi đây. Hẹn khi nào tôi được tự do, sẽ mời anh và chuyên gia văn tự Mông Cổ dùng cơm.”
Nói rồi cô bước đi, nhưng Cung Tấn đã gọi ngay: “Đừng đi vội!”
Na Lan đoán có lẽ anh ta định tán tỉnh mấy câu giời ơi đất hỡi, nhưng không phải thế. “Cô có biết tấm bản đồ của cô còn có người anh em sinh đôi không?”
“Gì cơ?”. Na Lan ngớ ra, nghĩ bụng có lẽ anh ta đang chơi chữ gì đó. Thả bản đồ này vào máy photo sẽ ra một lô “anh em” giống hệt, khó gì?
Cung Tấn nói: “Vị chuyên gia ấy nhìn tấm bản đồ này nói luôn ‘Hình như tôi đã thấy nó… à, không, không hoàn toàn giống nhau’. Sau đó không rõ bao nhiêu tiếng đồng hồ, ông ấy liên tục gọi điện, gửi E-mail cho tôi, và sau cùng, từ Khu-khơ-hao-tơ xa xôi gửi cho tôi một bản fax…”
“Anh đang nói đùa à?”
Cung Tấn lại mở cặp lấy ra một tờ giấy đưa cho Na Lan.
Thoạt nhìn, thấy tờ photo bản đồ Hồ Chiêu Dương này giống hệt bản photo của Tần Hoài, từ kích thước, chữ Mông Cổ, cho đến các vết nhăn ở mép xung quanh.
“Có lẽ nó là một thật.” Cô chưa nhận ra có gì khác nhau.
“Em ơi nhìn kỹ đi!”
Nhìn thật kỹ, cô nhận ra có một số vị trí đánh dấu khác nhau, tên gọi cũng khác. Hình như có hai hệ thống tiêu chí địa lý khác nhau.
Cung Tấn nói: “Tờ bản đồ này phát hiện ra cách đây 3 năm tại một nơi rất hẻo lánh thuộc vùng Nội Mông. Thoạt đầu các chuyên gia đều cho rằng nó vẽ hồ Khu-luân hoặc hồ Pô-stăng, nhưng đều thấy rất khó kết luận, vì diện mạo các hồ nước ngọt ở Nội Mông nay đã thay đổi rất nhiều, các ký tự ở bản đồ cũng không khớp với các tên gọi cũ. Vì giá trị khảo cổ và văn hóa không rõ ràng nên việc nghiên cứu tấm bản đồ da dê ấy bị gác lại. Vị chuyên gia ở Viện khoa học xã hội năm kia đã đi công tác đến Viện bảo tàng thành phố Khu-khơ-hao-tơ, ông nhìn thấy tấm bản đồ ấy nhưng không mấy bận tâm, có thể nói thẳng thắn là, nếu không nhìn kỹ thì cũng cho rằng hình dáng cái hồ trong bản đồ không khớp với hồ Chiêu Dương ngày nay.”
“Vậy ông ấy có kiến giải như thế nào về hai tấm bản đồ này?” Na Lan tò mò hỏi.
Cung Tấn lắc đầu: “Không có. Ông ấy bảo, xem ra cũng chỉ là hai tấm bản đồ hồ Chiêu Dương, rất bình thường. Chẳng qua chỉ là dùng văn tự Pasipa đánh dấu một số nơi trên đảo Hồ Tâm mà thôi. Không biết về tác giả, về niên đại, thì chẳng có ý nghĩ gì đáng kể.
Na Lan lên mạng, vào trang web của những người ưa thể thao dưới nước “Câu lạc bộ bơi lặn”, thấy có diễn đàn Đổng Thành của Giang Kinh. Cô đăng ký gia nhập, dùng vài hôm, rồi kết bạn và giao lưu với vài nhân vật rất nhiệt tình của diễn đàn. Việc này chẳng khó gì, vì dường như cô là nữ duy nhất tham gia diễn đàn.
“Bạn là học viên xinh đẹp trong lớp huấn luyện của Bế Tiểu Châu phải không?” Anh chàng có nickname “DadaShasha” quản trì tạm thời trang mạng bắt đầu “chat” với cô. Na Lan dùng nickname “Jinyiwei”, khéo léo tự giới thiệu mình thuộc type con gái “nửa vật chất” nhân nhã hưởng thụ nhưng có tính độc lập cao, thích thời trang, ẩm thực, kinh tế gia đình rất mạnh, khong cần gắng sức để săn lùng các công tử con nhà giàu; nhưng lại nghĩ mình bỗng dưng sống trong căn nhà hoa lệ bên hồ nước ngồi uống trà sữa thơm nồng, xa xa là hòn đảo nhỏ đôi khi khiến mình phải bâng khuâng, dưới nhà lại có chàng trai tuấn tú phong độ với đôi mắt sâu lắng chứa đứng biết bao tình… mình cảm thấy thật khó nói ra cái từ rất ngượng mồm…. là… chàng trai con nhà giàu…
Dẫu tối hôm đó Na Lan đào mộ Andersen hoặc anh em Grimes, bắt họ tái thế, họ cũng không viết nổi truyện đồng thoại như thế này.
Na Lan đánh chữ tíu tít: “Anh cho rằng tôi là học viên lớp dạy bơi của Tiểu Châu à? Tôi thừa sức làm cô giáo thì có!”.
DadaShasha: “Bạo mồm nhỉ?”
Na Lan: “Hít một hơi có thể bơi đến tận chân trời.”
DadaShasha: “Hít một hơi nói một tấc đến trời!”
Na Lan: “Không tin thì thôi.”
DadaShasha: “Chiều thứ Bảy hàng tuần, bọn này tập trung ở một chỗ bên sông Thanh An, cùng bơi lặn thám hiểm. Nếu bạn thấy thích thì có thể gia nhập. Chơi xong, thường kéo nhau đến một quán bình dân uống rượu trò chuyện.”
Na Lan: “OK, lần này ở đâu?”.
DadaShasha: “Tôi sẽ gửi tin nhắn cụ thể cho bạn. Ngoại thành, giao thông không tiện lắm, phải tìm xe, cứ cho tôi biết.”
Na Lan: “Cảm ơn thiện chí. Chắc tôi sẽ kiếm được xe.”
DadaShasha: “Không cho anh đây một cơ hội à?” Sau đó là một lô .
Na Lan mỉm cười. Ít ra anh chàng này cũng thẳng thắn, chân thành. Cô tiếp tục gõ:
“Anh đã nhắc tôi, tôi đoán các anh là một hội rất quậy, nhưng có ba gai bát nháo không đấy? Tôi không nhát gian nhưng chưa to gan đến nỗi nộp mình cho yêu tinh đâu.”
DadaShasha: “Yên tâm đi, trong đám người ưa bơi lặn cũng có kẻ thiểu năng nhưng không được chơi với vọn anh. Mấy thằng bọn anh đều rất háu gái nhưng lại rất lịch sự.”
Na Lan bật cười.
DadaShasha là một anh chàng Cự Vô Bá, từ đầu đến chân
cơ bắp cuồn cuộn, ngồi trên cái ghế tre của bán bình dân luôn có nguy cơ “bật hãi”. Đúng là anh ta không khoác lác, mấy người bạn cùng đi bơi sau đó ngồi uống rượu, đều có vẻ chất phác. DadaShasha và Bế Tiểu Châu là người Giang Kinh, còn mấy anh kia sau khi tốt nghiệp đại học thì bám trụ Giang Kinh để kiếm sống. Sau lần bơi lặn này Na Lan đã khá quen vớ họ. DadaShasha tên thật là Giải Quýnh, tấm danh thiếp anh ta đưa cô thì in là Giải Cảnh. Cách nói năng khi ăn nhậu giống hệt phong cách anh ta “chấp chính” trên diễn đàn: vô đoán nhưng lại rất hài hước.
“Nào, mời bạn Na Lan nâng cốc! Thật to gan, dám đến nghịch nước với bọn anh, và cũng bạo mồm nữa, nhưng đúng là có bản lĩnh bơi lặn, hơn hẳn các người đẹp mới biết bơi, còn phải cố thêm nữa. Bọn anh có thể gọi em là ‘cô’ được rồi…”
Một anh cười cười, xen vào: “Thế thì ai là thầy?”.
Giải Quýnh nói: “Hỏi vớ vẩn! Cậu không nhìn thấy ‘thầy’ lái chiếc xe Land Rover đưa bạn Na Lan đến à, đúng không?”
Na Lan biết họ đang muốn “khai thác” cô. Các anh không biết à? Em ra đường làm bộ thiểu não đáng thương, thế là vẫy xe đi nhờ được. Người tốt trên đời này vẫn rất nhiều.”
Thấy cô không đụng đến rượu, Bé Tiểu Chây nói: “Giải Quýnh đừng ép nữa, nếu Na Lan không biết uống rượu thì để bạn ấy uống cô-ca.”
Na Lan nâng chén rượu: “Tôi không uống được nhiều, chỉ uống cùng các bạn một chén, rất vui vì được làm quen với các bạn cũng đam mê bơi lặn như tôi.”
Mọi người đều cạn chén. Na Lan nói: “Bây giờ tôi xin uống cô-ca.”
Môt anh hỏi: “Này, bạn phát tài ở nơi nào?”.
Na Lan: “Phát tài gì chứ? Tôi chỉ là sinh viên Đại học Giang Kinh.”
“Ngành nào?”
“Hơi buồn. Khoa học Xã hội. Tôi kể một mẩu chuyện thú vị nhé! Tối có một sư huynh, một hôm anh ấy cầm “chỉ dụ” của chủ nhiệm khoa đến ép tôi phải cùng anh ấy đến thư viện đại học Giang Kinh tìm một tài liệu cổ lỗ sĩ. Các anh biết rồi: một số tư liệu mà thư viện trường lưu giữ còn phong phú hơn cả thư viện thành phố, khiến tôi được dịp mở rộng tầm mắt. Ví dụ, thư nhà do chính Lý Hồng Chương viết, hoặc “Hồng lâu mộng” bản in đời Thanh chẳng hạn. Cả hai lục tìm khắp, tôi vô tình phát hiện ra một thứ rất hay…” Giọng Na Lan nhỏ dần, chậm rãi.
Giải Quýnh nói: “Chắc sẽ là… rất bất ngờ đây. Một chuyện tiếu lâm, ví dụ, nhìn thấy con chuột chết!”.
Na Lan cười: “Gần đúng! Các anh đã bao giờ nghe truyền thuyết đáy hồ Chiêu Dương có kho báu chưa?”.
Na Lan quan sát thấy anh thì ngơ ngác, anh thì gật gù, Giải Quýnh và Bế Tiểu Châu thì nhìn nhau, cô bèn nói: “Chuyện là thế này, nghe nói tể tướng ác ôn thời Nguyên tên là Bá Nhan suốt đời vơ vét của cải, rồi cất giấu ở đáy hồ Chiêu Dương. Không ai biết kho báu ấy chứa bao nhiêu vàng bạc, nhưng tôi nghe có người ước tính: chỉ cần lấy được một phần rất nhỏ cũng thừa sức để đọ với một số đại gia ở địa phương này, ví dụ các ông Tư Không Trúc, Trần Phẩm Chương, Vương Yên.”
Giải Quýnh nói: “Tiếp tục đi, bạn nói là tìm thấy một thứ rất hay trong đám sách cổ.”
Na Lan nhìn khắp lượt các anh chàng, rồi hỏi: “Các anh không thể đoán ra à?”.
Bế Tiểu Châu hỏi: “Chắc là bản đồ giấu của?”
“Là một mảnh da dê, trên đó vẽ bản đồ hồ Chiêu Dương, đánh dấu các vị trí giấu của.”
Tất cả im phăng phắc.
Rồi Giải Quýnh hỏi: “Cô bạn ơi, vẫn đang nói đùa phải không?”.
Na Lan cười cười không đáp, nhấp một ngụm cô-ca. Một anh hỏi: “Bạn tìm bọn tôi, là để kể câu chuyện này à?”.
Mấy anh khác lừ mắt nhìn anh ta, ngạc nhiên vì câu hỏi quá thộn. Na Lan nói: “Nếu chỉ là “kể” cho vui, thì thật là vô nghĩa!”.
Bế Tiểu Châu nói: “Bạn định kéo chúng tôi cùng đi tìm kho báu chứ gì?”.
Na Lan gật đầu.
Giải Quýnh nói: “Bạn ấy vẫn là nói chơi thôi, vì đã đọc quá nhiều sách viết về đào trộm mộ cổ. Đừng trêu bọn anh nữa. Làm gì có ai biết một kho của nhưng không ăn một mình, lại kéo một lô người khác đến để ăn chia? Và, bạn không sợ bọn anh có ý đồ đen tối, ép bạn giao nộp bản đồ giấu của, sau đó là diệt khẩu…. hay sao?”.
Na Lan cười: “Có ý đồ đen tối mà lại nói ra à? Chuyện Bá Nhan giấu của dưới lòng hồ, nói thật nhé, dù có bản đồ rồi tôi cũng không thể tìm ra. Vì các ký hiệu trên đó không chính xác, địa hình đáy hồ nơi gần đảo Hồ Tâm lại rất phức tạp, có nước mọc chằng chịu, lại có rất nhiều đá ngầm. Đã có lần tôi bị vướng chân vào cỏ nước, suýt chết, suýt nữa không còn ngày hôm nay ngồi đây uống cô-ca. Cho nên tôi muốn có thêm vài cặp mắt, vài cái đầu khôn ngoan để cùng nhau phát tài. Các bạn nên tin rằng chỉ cần vớ được một phần rất nhỏ của kho báu thì chúng ta không cần đi bán sức cho các ông chủ nữa.”
Bế Tiểu Châu nói: “Tôi nói thật, tôi cũng nghe nói đến cái truyền thuyết này từ lâu, trước đây cũng từng có người dựa vào tấm bản đồ nào đó đi tìm của, nhưng hình như chẳng thấy ai được khá lên.”
“Có lẽ họ không có được bản đồ chính xác. Tất nhiên tôi chỉ ‘giả sử’ bản đồ tôi đang có là chính xác.” Na Lan biết mình chỉ có tờ photo bản đồ. Nếu tấm bản đồ da dê ghi chuẩn xác các vị trí thì e nó đã bị người ta tranh cướp, xé nó thành trăm mảnh rồi. Nó có phải bản đồ giấu của không, không quan trọng, thậm chí dù không có nó cũng chẳng sao, nó chỉ là một đạo cụ trong kế hoạch của cô mà thôi.
Được! Giả sử bản đồ bạn vớ được là đồ thật, bây giờ bạn định thế nào?”
“Trước hết ta phải giữ bí mật. Tôi muốn có người hợp tác thật nhưng tôi không muốn một người dân Giang Kinh nào chạy đến đòi chia chác. Mấy chúng ta ngồi đây đều không phải dân chuyên nghề đi tìm kho báu, ta chỉ có thể dùng những ngày cuối tuần, trước hết phải tập luyện ở gần hồ Chiêu Dương, nhân đó thăm dò cho quen địa hình đáy hồ, nhằm giảm thiểu các xác suất xảy ra sự cố. Khi đã chuẩn bị tương đối rồi, ta sẽ chọn một buổi tối thời tiết thuận lợi, chính thức hợp tác sục tìm kho báu, ta sẽ lật từng tảng đá quanh khu vực khả nghi đã được đánh giấu trên bản đồ.” Na Lan giả bộ chợt nhớ ra điều gì đó, cố ý hỏi: “À quên chưa hỏi, các bạn có thật sự hứng thú hay không?”
Một anh nói: “Câu này mới thật sự là nói đùa! Bọn tôi đâu có mất mát gì? Kể cả không tìm thấy gì hết thì coi nó như một chuyến tập lặn chứ sao?”.
Giải Quýnh hỏi: “Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao bạn không đi tìm người ở quanh hồ Chiêu Dương, mà lại đi tìm bọn tôi?”.
Na Lan nói: “Dân Giang Kinh kỳ cựu như anh đều biết sông Thanh An với hồ Chiêu Dương tuy thông với nhau, nhưng hai bên lại gần như hai thế giới. Nếu tôi tìm người ở gần hồ, dân cư hai bên sẽ giao lưu bàn tán, thông tin lan nhanh, lúc đó sẽ có hàng tỷ người đến tìm kho báu.”
“Thế thì anh em ta phải giữ miệng cho kín mới được!” Giải Quýnh tổng kết.
“Nhưng còn điểm này nữa, chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng: coi chừng tai vách mạch rừng, nếu người khác biết chuyện thì có nguy cơ ‘bọ ngựa bắt ve, chim sẻ chực sẵn’. thậm chí xảy ra hậu quả tấn công giết chóc như nickname DadaShasha (1) của Giải Quýnh.
Bế Tiểu Châu đưa ra câu hỏi mà anh ta định hỏi từ lâu: “Giả sử mèo vù vớ cá rán, chúng ta tìm thấy kho báu rồi sẽ thế nào?”.
Na Lan nói: “Ở đây có sáu người, sẽ chia thành sáu phần đều nhau.”
Mọi người dường như không tin nổi Na lan lại hào phóng như thế, nên đương nhiên không ai thắc mắc gì hết, họ chỉ nhìn Na Lan bằng ánh mắt kỳ lạ.
“Và, tôi cũng đã nghĩ đến việc đặt tên cho nhóm chúng ta rồi.”
Gọi là “Thả con săn sắt”.
Chú thích:
(1): DadaShasha nghĩ là đánh giết