1. Home
  2. Truyện Ma
  3. [Audio] Kỳ Án Ánh Trăng
  4. Kỳ Án Ánh Trăng Tập 10

[Audio] Kỳ Án Ánh Trăng

Kỳ Án Ánh Trăng Tập 10

❮ sau
tiếp ❯

Y Y

“Xin mạo muội làm phiền bác Sầm, cháu là Âu Dương Sảnh. Bố mẹ cháu là Âu Dương Diên Khánh và Lương Chí Quân. Cháu đang học ở Đại học Y Giang Kinh”. Vừa về đến nhà Sảnh đã gọi điện cho “Máy kéo” Sầm Thiết Trung. Sảnh cầm một ống nghe khác để hai người nói chuyện.

Có vẻ như ông Trung hơi ngạc nhiên “Chào cháu. Cháu có việc gì không?”
“Cháu muốn hỏi thăm bác về một người”.
Giọng ông Trung xởi lởi: “Đừng ngại gì, nếu biết thì bác sẽ nói với cháu”.
Theo miêu tả của cha mẹ, Sảnh có thể hình dung ra một vị trung niên cao lớn đĩnh đạc.
“Y Y đang ở đâu?”
Ông Trung “Ơ” một tiếng, rồi nói ngay “Có lẽ cháu đã nhầm chăng? Bác không quen ai là Y Y cả”. Ông ta quả là người đã lăn lộn trên thương trường. “Bác đúng là nhân vật quan trọng hay quên chuyện cũ! Năm xưa khi bác thực tập ở bệnh viện tiền tuyến, trong tổ có một cô gái mà bác say mê, cô ấy tên là Y Y”.
Đầu dây bên kia im lặng một hồi, cuối cùng ông Trung nghèn nghẹn hỏi: “Các cô được hỏi thẳng cái tên Y Y hay sao? Không, không phải, ý bác là các cháu nghe được chuyện này ở đâu thế?”
Âu Dương Sảnh lạnh lùng đáp: “Là bác Tiểu Nhiên nói cho cháu biết”.
Lại im lặng một hồi lâu, ông Trung gần như tự lẩm bẩm một mình:
“Không… không thể. Anh ấy đã đi từ lâu rồi”.
Sảnh lạnh lùng nói: “Hình như bác có phần xúc động. Có phải trước kia bác từng làm những việc không phải với ông Tiêu Nhiên không?”. “Cô có biết mình đang nói gì không?”
“Nguyệt Quang. Bác có nghe nói gì về Nguyệt Quang không?”
“Lẽ nào… cô biết thật ư? Rốt cuộc Tiêu Nhiên có chết thật hay không?”
“Quả đúng là bác. Ngày ấy ở bệnh viện tiền tuyến bác đã o ép Y Y phải hợp tác với tổ điều tra rồi khai ra Tiêu Nhiên là thành viên của Nguyệt Quang xã, và ép chị ấy tránh xa Tiêu Nhiên, đúng không? Vì Y Y lần lữa không đến, Tiêu Nhiên đã hoàn toàn thất vọng, rồi nhảy lầu tự sát vào sáng sớm ngày 16/6. Vật cản lớn nhất ngăn cản bác theo đuổi Y Y đã biến mất, và từ đó bác có thể rất đắc ý chứ gì?”
Sảnh thấy mình phân tích rất hợp tình hợp lý, lòng cô dâng lên nỗi căm giận “Máy Kéo” đang ở đầu dây bên kia.
“Gì thế? Cô đang nói linh tinh gì vậy?” Ông Trung cũng điên tiết, nhưng rồi lại nghĩ ra là đang đối thoại với một cô gái mới lớn, giọng ông bình tĩnh trở lại. “Những điều cháu Sảnh nói, đều khác xa với sự thật. Năm xưa bác còn trẻ dại, đúng là đã làm thủ lĩnh của một nhóm trong phái “tạo phản” ở đại học Y Giang Kinh, cũng từng khao khát Y Y nhưng vẫn rất tôn trọng cô ấy. Cô ấy vẫn luôn giữ một khoảng cách với bác, tuy bác tồi thật nhưng cũng không hề làm điều gì quá đáng. Bác cũng không hề tham dự các hoạt động của tổ điều tra. Cháu nghĩ mà xem: Y Y ghét bác, đời nào cô ấy lại nghe theo bác để rồi khai ra việc Tiêu Nhiên đã tham gia “Nguyệt Quang xã”. Bác đâu có sức mạnh để ngăn cản Y Y và Tiêu Nhiên gặp nhau. Bác biết đúng là tổ điều tra đã gây sức ép rất dữ đối với Y Y, nhưng bác tin rằng mình hiểu Y Y là người rất tốt, cô ấy yêu Tiêu Nhiên sâu nặng, dù bị o ép không cho tiếp tục quan hệ với Tiêu Nhiên thì Y Y cũng quyết không bán đứng anh ấy. Đương nhiên… lúc đó hình như cô ấy cũng rất mâu thuẫn, luôn thấy hoang mang, rất có thể sẽ bị tổ điều tra lợi dụng. Có thể đã xảy ra những chuyện gì thì bác không có quyền phát biểu”.
“Cháu sao có thể tin lời bác nói”. Sảnh thấy ông Trung nói không phải là không có lý.
Cháu có thể đi mà hỏi Y Y. Ông Trung không nghĩ ngợi nói luôn. Nói rồi ông mới nghĩ ra rằng hình như đây mới là mục đích gọi điện thoại của Sảnh. Ông im lặng một hồi lâu. Sảnh chờ đợi, cô không nén được nữa: “Chắc chắn bác phải biết tình hình cô Y Y hiện nay, đúng không ạ?”
Rốt cuộc ông Trung cũng trả lời: “Lần này thì cháu đã nói đúng rồi.
Nhưng đây là chuyện đời tư, có lẽ bác không thể cho cháu biết. Và tại sao bác phải cho cháu biết chứ?”.
“Vì vụ mưu sát 405. Bác vẫn có liên lạc với các bạn học cũ, chắc bác có nghe nói. Phòng ký túc xá 405 là nơi Tiêu Nhiên đã từng ở, bác ấy đã nhảy lầu từ nơi ấy, bác không thể không biết. Lẽ nào trải qua bao năm bác không có chút nghi ngờ về những điều kỳ lạ ẩn chứa trong đó? Y Y nghĩ sao? Chắc cô ấy sẽ không cho rằng chỉ là một sự trùng hợp?”
Ông Trung “a” lên một tiếng rồi nói: “Bác có nghe nói về vụ 405, nhưng vẫn tin rằng đó là những sự trùng hợp. Theo bác được biết, Y Y không hay biết những chuyện này”.
Y Y tên thật là Khổng Phồn Di, tuy cùng là sinh viên khóa 63 nhưng không cùng lớp với Tiêu Nhiên mà lại cùng lớp với Sầm Thiết Trung. Sảnh đã nói gần như cặn kẽ với ông Trung về những suy đoán của của cô với “vụ án mưu sát 405” và “Nguyệt Quang xã”, và cả mọi phân tích về tình trạng của Diệp Hinh mới khiến ông Trung rất kín đáo này phải mở máy nói.
Ông Trung nói: “Năm 1967 Khổng Phồn Di bị điều tra o ép dữ dội kéo dài đã có dấu hiệu suy sụp tinh thần từ trước khi Tiêu Nhiên tự sát. Dưới sự giúp đỡ của tổ điều tra và phái tạo phản, Y Y buộc phải tuyên bố vạch rõ ranh giới với Tiêu Nhiên. Sau khi biết tin Tiêu Nhiên tự sát, Y Y đã mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng, phải ngừng thực tập ít lâu. Về sau cô cùng nhiều sinh viên đi lao động ở nông trường của bộ đội sau đó đi làm bác sĩ ở một thị trấn nhỏ tại Hoán Nam. Đầu những năm 70 do cô có trình độ cao, cô được điều lên bệnh viện cấp thành phố tại vùng Bang Phu. Năm 1980 cô học nghiên cứu sinh tại bệnh viện Hiệp Hòa, Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp đã công tác ở Bắc Kinh hai năm rồi sang Mỹ học nghiên cứu sinh tại một trung tâm y học, đề tài chính là thực nghiệm lâm sàng về khối u não. Từ đó Y Y đi khắp các nước Âu Mỹ để nghiên cứu khoa học, có nhiều thành tích trong lĩnh vực u não.
Thực ra, tôi biết Y Y xa quê hương đi khắp bốn phương, hầu như không quan hệ với các bạn học cũ thậm chí – sống xa chồng trong khoảng thời gian dài như Ngưu Lang Chức Nữ là vì sự nghiệp đang lên phơi phới, nhưng đúng ra là vì né tránh – cô ấy vẫn không thể đối mặt với những chuyện xưa bi thảm”. Ông Trung đang thổ lộ những điều dồn nén trong lòng bấy lâu, trước khi cảnh cáo Sảnh không được xốc nổi tùy tiện hành động.
Phồn Di không bắt tay hòa giải với Thiết Trung để trở thành bạn bè thân thiết. Trên thực tế hầu như chị đã đoạn tuyệt quan hệ với tất cả các bạn học cũ. Nhưng vì chị là cô gái duy nhất mà Thiết Trung thầm yêu trong đời, nên ông vẫn mang trong lòng một niềm say mê, ông vẫn cố gắng dò hỏi tình hình của Phồn Di và biết rằng chị đã kết hôn với một bác sĩ tốt nghiệp đại học Y Giang Kinh cũng được phân công đến Hoán Nam công tác. Tuy chị phiêu bạt khắp nơi nhưng nhà vẫn ở Giang Kinh. Có điều ông không biết làm thế nào mới có thể liên lạc được với chị. Cuối cùng, ông cho biết một thông tin cách đây không lâu, trong một lần tìm kiếm tư liệu y học ông biết có một bài nghiên cứu của Khổng Phồn Di xuất phát từ một viện nghiên cứu của Thụy điển.
Đặt ống nghe xuống, Sảnh và Hinh lập tức đến ngay thư viện trường để dò tìm tài liệu ghi chép. Lần theo hướng ông Trung nói, hai cô tìm ra tên tiếng Anh của Phồn Di là Faye Ro. Ông Trung đã nói đúng: Phồn Di đang ở Thụy điển.
Ngày 16/6 đã cận kề ngay trước mắt, cơ hội gặp Phồn Di hết sức mong manh. Và dù cso gặp thì liệu Phồn Di có thể giúp gì được không? Nói là “muốn tháo chuông, phải tìm người treo chuông” nhưng sẽ tháo cái chuông ấy ra sao? Tuy nhiên cả hai vẫn gọi điện ra nước ngoài theo số điện thoại của tác giả đã ghi rõ trong bài viết. Nữ thư ký phòng thí nghiệm của Phồn Di đang ở đầu dây bên kia, trả lời rằng gần đây tiến sĩ Di đã về Trung Quốc.
“Làm thế nào để liên lạc được với cô ấy?”
“Chị ấy có để lại số điện thoại nhà riêng để gọi khi cần thiết. Nhưng đây là thông tin cá nhân, tôi không tiện cho các vị biết. Nếu cần các vị cứ fax cho tôi, tôi sẽ fax lại cho chị ấy”. Người trợ lý của Phồn Di ở Thụy Điển trả lời.
Hinh và Sảnh cũng soạn một bức thư viết bằng tiếng Anh, nói rằng Diệp Hinh là một sinh viên y khoa, rất thích các bài nghiên cứu của tiến sĩ Di, mong có dịp được bà giúp đỡ để sau này quyết chí phấn đấu phụng sự cho nghiên cứu khoa học. Trong thư nói rõ mình đang học ở đại học Y khoa số một Giang Kinh nêu thuận tiện có thể gặp mặt ở một địa điểm nào đó. Hai cô cố ý giấu rằng mình học ở đại học Y số hai Giang Kinh vì sợ bà nhạy cảm phải nghĩ ngợi. Gửi fax đi rồi cả hai vẫn cảm thấy khả năng gặp bà Di gần như là con số không. Không ngờ Phồn Di lại trả lời ngay nói rằng bà rất vui khi biết có sinh viên trẻ tự nguyện lao vào sự nghiệp nghiên cứu y học và ngạc nhiên vì Hinh biết nhiều về các nghiên cứu của bà. Bà nói mình không có văn phòng tại Giang Kinh nên chỉ có thể gặp gỡ ở bên ngoài.
14h ngày 13 tháng 6.
Sau khi tân trang sáng sủa, hiệu sách Tân Hoa ở Giang Kinh đã mở cửa trở lại. Không chỉ cửa kính bàn ghế bóng lộn khắp lượt mà các loại sách và văn hóa phẩm cũng rất hào nhoáng bắt mắt. Tầng trên cùng còn bố trí bàn trà để độc giả mê sách có thể ngồi uống, đồng thời nhẩn nha xem sách. Hai bên hẹn gặp nhau vào lúc 3h chiều, nhưng chỉ ít phút sau buổi trưa, Sảnh và Hinh đã lên phòng trà, ngồi xuống chiếc bàn nhỏ, khắc khoải chờ đợi.
Chắc Y Y bí hiểm này sẽ không thất hẹn chứ nhỉ? Thử đoán xem, chữ R tên tiếng Anh của cô ấy (Faye Ro) có ý nghĩa gì không?. Lúc không có người lạ đứng bên, Sảnh hỏi Hinh: “Tớ biết cậu lại đang động não rồi đây. Chắc cậu định nói rằng đó là chữ cái đầu tiên phiên âm chữ Nhiên, đúng không? Tớ đã tra cứu một bài nghiên cứu khác của cô ấy, chữa R trong tên tác giả bài viết là viết tắt của tên đầy đủ là chữ Rem. Kể cũng lạ, vì đây không phải là tên người, khi đọc lên hơi giống Ran nhưng rõ ràng không phải. Nếu không sử dụng Ran thì càng chuẩn sai mà. Tớ đoán Rem là 3 chữ cái đầu tiên của từ Remember (nhớ) và có hai ý đan xen vừa là nhớ nhung vừa ngầm chỉ người mà cô nhớ nhung là Ran”.
Sảnh không ngớt tâm đắc tán thành: “Diệp Hinh siêu thật. Cậu đã không uổng công đọc truyện trinh thám của Agstha mà tớ cho mượn. Nói có lý lắm”.
Hinh tập trung suy nghĩ, rồi lẩm bẩm: “Nhưng nếu thế thì tại sao cô ấy lại bán đứng Tiêu Nhiên? Cô ấy có tình cảm sâu nặng với Tiêu Nhiên như vậy, cho đến tận bây giờ vẫn nhung nhớ không nguôi, và lại về nước trong dịp này, liệu có phải ý tưởng niệm Tiêu Nhiên không?”
Sảnh bỗng ngồi thẳng người lên, nhìn về phía sau Diệp Hinh nói: “Có lẽ là cô ấy?”
Phòng trà không quá đông người, Hinh ngoảnh lại nhìn thấy một phụ nữ trung niên đeo kính râm, mặc bộ váy màu trắng ngà có dải đeo vai, đang tiến đến.
“Có bạn nào là Diệp Hinh ở đây không?”
Làn da, đôi tay người này vẫn rất mịn màng, mái tóc dài vấn lên và được cài bằng chiếc cặp tóc có phần lưng khá rộng, làm nổi bật khuôn mặt trái xoan gần như hoàn mỹ, trông đâu có giống một người đã gần 50. Hinh và Sảnh ngẩn người nhìn.
“Là cháu ạ! Cháu là Diệp Hinh, đây là Âu Dương Sảnh bạn cháu. Cô là tiến sĩ Di phải không ạ? Chúng cháu đều rất ngưỡng mộ cô, cho nên đã cùng đến: Chúng cháu xin cảm ơn cô đã bớt chút thời gian đến gặp chúng cháu”. Hinh đứng lên chào hỏi.
Người phụ nữ gật đầu, mỉm cười: “Tôi là Khổng Phồn Di. Hai cô cũng chịu khó thật, đã tìm được tôi trong kỳ nghỉ này. Nói thật nhé, chúng ta trò chuyện về công tác của tôi, tôi rất vui. Mấy khi đã có người muốn nghe lời nói về những điều khô khan này. Mấy hôm nay phải xa phòng thí nghiệm và bệnh viện, tôi thấy hơi lạ lẫm, nhưng năm nào cũng cần có một khoảng thời gian để thích nghi…”
Sảnh bỗng thản nhiên hỏi: “Vậy là, tuy tiến sĩ Phồn Di du học ở bốn phương, nhưng năm nào cũng về nước một lần, và có phải đều vào dịp tháng 6 này không ạ?”
Hinh hơi hoảng, tặc lưỡi khẽ trách “Kìa Sảnh!”, rồi lại nhìn vẻ mặt Phồn Di hơi khang khác.
“Mời cô giáo ngồi ạ!Chúng cháu mong được cô chỉ bảo cho”. Hinh rất sợ Sảnh làm cho Phồn Di lo ngại, cô tươi cười để giải tỏa bầu không khí. Người phục vụ tới rót trà, Phồn Di hơi do dự, rồi ngồi xuống, nghiêm túc hỏi: “Hai cô muốn gặp tôi để nói những gì?”
Hinh nhìn Sảnh, thấy ánh mắt vẫn sắc lạnh như thế thì thầm kinh ngạc và nghĩ ngay rằng Sảnh – vốn cực ghét cái ác – chắc vì nghĩ rằng Phồn Di đã bán đứng Tiêu Nhiên cho nên Sảnh rất căm hận. Nhưng sao mình lại không hề thấy căm giận? Nhưng có lẽ khỏi cần vòng vo, nên sớm làm rõ sự thật rồi tính sau, Hinh định nói thì Sảnh đã lên tiếng trước: “Xin nói thật với cô Phồn Di, chúng cháu không phải là sinh viên đại học Y số một mà là sinh viên đại học Y số hai Giang Kinh – vẫn gọi vắn tắt là Giang Y. Nói cách khác chúng cháu là sinh viên cùng trường với cô”. “A ra thế…” Phồn Di bỏ kính râm xuống, cặp lông mày dài và mảnh nhíu lại vẻ mặt càng thêm nặng nề. “Đã tốt nghiệp được hơn 20 năm, mà cô lại không liên lạc với bất cứ người bạn học cũ nào. Cô có thể cho chúng cháu biết tại sao không ạ?” Sảnh hỏi dồn dập. Hinh ngầm đá nhẹ vào chân bạn, nhưng Sảnh vẫn cứ thản nhiên.
Phồn Di hít thở sâu vài lần, rõ ràng là đang gắng kìm nén tâm trạng không vui của mình. Bà ngắm kỹ Hinh và Sảnh rồi trả lời vừa lich sự cũng lạnh nhạt: “Mỗi người đều được tự do lựa chọn lối sống của mình, đúng không?”.
“Nhưng, đồng thời với việc hưởng thụ quyền tự do này thì không thể làm tổn thương đến người khác, nhất là đối với người mà mình yêu sâu sắc, có đúng không ạ?”. Sảnh vẫn không chịu buông tha. Hinh lại kêu lên: “Kìa Sảnh?”
Toàn thân Phồn Di hơi rung rung, ánh mắt đượm buồn: “Cô đang nói gì vậy?Cô là ai? Tại sao lại nói với tôi như thế?”.
“Có phải cháu đã đưa ra câu hỏi mà chú ấy muốn hỏi nhưng không bao giờ có cơ hội để hỏi nữa? Đúng không ạ? Và bao năm trôi qua cô cũng luôn tự hỏi mình câu hỏi này, đúng không ạ? Cô rời xa Giang Kinh, bao năm qua cô buồn bã không vui, thực chất là vì cô bị cắn rứt dày vò, đúng không? Có lẽ năm xưa cô không thể ngờ rằng chỉ vì một phút yếu đuối, sai lầm sẽ dẫn đến nỗi đau khổ trải mãi nhiều năm sau”. Sảnh nói đoàng hoàng, rành rọt cứ như là đọc thuộc lòng một nội dung cô đã ngầm soạn sẵn từ lâu.
Thoạt đầu bà Di nhìn Sảnh bằng ánh mắt khó hiểu và nghi hoặc. Dần dần, đôi mắt bà dỏ hoe, đôi môi mấp máy nhưng không nói thành lời. Hinh nhìn Sảnh với ánh mắt bất bình, oán trách Sảnh đã quá sỗ sàng dẫn đến tình huống bẽ bàng. Hinh dịu giọng: “Thưa cô Di, bạn Sảnh muốn nói đến một vài chuyện cũ hồi cách mạng văn hóa, liệu cô có thể giúp chúng cháu làm rõ được không?”
Phồn Di bỗng ngẩng lên, đưa tay nắm lấy tay Hinh và Sảnh hỏi: “Hai cô đã biết những gì? Tại sao lại muốn dồn ép tôi?”. Ánh mắt Phồn Di rối loạn, hai hàng lệ tuôn trào loang trên lớp phấn son thoang thoảng, các nếp nhăn nơi khóe mắt hiện lên rất rõ, khác hẳn với hình ảnh người phụ nữ trung niên xinh đẹp với vẻ mặt thư thái điềm tĩnh khi nãy. Hinh chợt mủi lòng, cô nhớ rằng ông Sầm Thiết Trung đã nói bà Di từng mắc bệnh về tâm lý và thần kinh. Hinh càng thêm oán trách Sảnh đã quá bỗ bã như thế, cô dịu giọng: “Chuyện là thế này ạ, Sảnh và cháu đang cùng ở phòng 405 khu nhà13 đại học Y Giang Kinh”.
Hinh cố ý ngừng lời. Quả nhiên nét mặt Phồn Di lộ vẻ rất kinh ngạc. “Không rõ cô có nghe nói rằng: kể từ năm 1977 đến nay, gần như năm nào cũng có một nữ sinh viên nhảy lầu từ phòng 405 rồi chết – chuyện này từ nhiều năm qua được gọi bằng cái tên: Vụ án mưu sát 405”.
“Ôi”, Phồn Di kêu lên một tiếng, rồi lẩm bẩm: “Tại sao, tại sao tôi lại không biết gì cả?”
Hinh vội nói: “Cũng không thể trách gì cô. Bao năm qua cô không liên lạc với các bạn học cũ thì đương nhiên nhiều chuyện cô sẽ không biết”.
Phồn Di lắc đầu: “Không thể coi đó là một cái cớ. Lẽ ra tôi phải biết mới đúng!” Phồn Di như đã ra khỏi những ý nghĩ bề bộn, bà hỏi: “Xin lỗi đã ngắt lời cô, cô nói tiếp đi”.
“Phần lớn trong hơn một chục nữ sinh đã nhảy lầu lần ấy, trước đó đều mắc bệnh tâm thần ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một số người nghe thấy từ “ánh trăng” và nhìn thấy một cô gái có khuôn mặt nát bươm, nghe thấy những điệu nhạc du dương. Mọi hiện tượng đó có lẽ nên gọi là ảo giác. Và những ảo giác hệt như thế xuất hiện trong đầu cháu”. Hinh lại ngừng nói, cô nhìn thẳng vào Phồn Di.
“Ánh trăng, ánh trăng là gì?”. Phồn Di nhắc đi nhắc lại từ này.
“Một cơ hội ngẫu nhiên khiến cháu được đọc một tập hồ sơ cũ về “Nguyệt Quang xã” và nhìn thấy một số đoạn nhật ký của chú Tiêu Nhiên. Trong đó có ghi tường tận về chú ấy và nguồn gốc sâu xa của Nguyệt Quang xã. Trong cuốn nhật ký cũng có nhắc đến cô, chú ấy đã yêu cô vô cùng sâu nặng… Nhưng rồi chú ấy đã lựa chọn cái chết, cũng như các thành viên khác của Nguyệt Quang xã – chú ấy đã hiến xác cho phòng ngiên cứu giảng dạy giải phẫu của trường ta.
Trong số các nữ sinh đã nhảy lầu, nhiều nữ sinh trước đó đã có ảo giác về ánh trăng và nhạc cổ điển, việc nhảy lầu từ phòng 405 đều xảy ra vào sáng sớm ngày 16/6 hàng năm. Vì thế không thể khiến chúng cháu không đem các vụ nhảy lầu và chú Tiêu Nhiên liên hệ lại với nhau. Đương nhiên cũng không loại trừ yếu tố trùng hợp ngẫu nhiên nhưng nếu chỉ là trùng hợp thì rất khó giải thích được mọi điều. Cho nên mong cô lượng thứ cho chúng cháu đã liều lĩnh dám nghi ngờ rằng vì chú Tiêu Nhiên chết oan không thể nhắm mắt chú ấy muốn thông qua các vụ nhảy lầu này để thông báo cho ngưoiừ đời về các vụ oan khuất của mình”.
“Gì cơ?” Khổng Phồn Di kinh ngạc đứng lên, thiếu chút nữa gạt phăng cả bộ đồ trà trên bàn: “Thiếu nữ các cô có tư tưởng thật quá tự do, sao lại đưa ra cả ma quỷ hồn phách gì ra thế này? Lẽ nào các cô lại tin những chuyện hoang đường như thế?”
Sảnh cũng đứng lên: “Thế thì xin tiến sĩ Phồn Di hãy cho chúng cháu một lời giải thích hợp logic, tại sao lại là “ánh trăng”? Tại sao lại là 405? Tại sao lại là ngày 16/6? Chú Tiêu Nhiên đã cho cô biết nguồn gốc của Nguyệt Quang xã, có phải ở đó cũng có ma quỷ hồn phách không ạ? Thế thì phải giải thích sao đây?”
Hinh vội nói: “Cô Di và Sảnh nữa, xin hãy ngồi xuống nói chuyện nhẹ nhàng. Cô ạ, có rất nhiều chuyện trong quá khứ đã trở thành lịch sử, thì chẳng nên can thiệp vào cuộc sống hiện tại nữa. Chúng cháu nhắc đến chuyện cũ không phải vì muốn khiến cô phải đau đớn, mà là vì mong được cô giúp đỡ. Cháu đã trải qua không chỉ là các hiện tượng kỳ quái ấy mà điều đáng sợ hơn là cháu cho rằng cháu… Có lẽ, cô sẽ càng nói rằng cháu quá ư hoang đường vô lý… cháu cho rằng cháu đã nhìn thấy chú Tiêu Nhiên, thậm chí cả chú Trịnh Kinh Tùng nữa”.
Phồn Di vừa tạm bình tĩnh ngồi xuống, lúc này lại đứng phắt dậy: “Rõ ràng là hoang đường quá thể! Cô nhìn thấy họ thế nào được?”
“Cô Di ạ, chác chắn trí nhớ của cô vẫn rất tốt. Chú Tiêu Nhiên tuy xuất thân trong cảnh giàu sang nhưng vẫn không mấy chau chuốt trang phục, có đúng không ạ? Mái tóc đen, dầy luôn không chịu chải, có đúng không ạ? Có phải khuôn mặt chú ấy luôn nở nụ cười tươi như trẻ con, hình như không bao giờ bận tâm đến cái gì nhưng lại là một con người rất đa sầu, đa cảm? Có phải chú ấy thường hay trêu ngươi, đeo bám dai như đỉa, khiến người ta vừa tức vừa buồn cười – nhất là khi chú ấy yêu một cô gái”. Hinh nói rất sôi nổi, từng cảnh từng cảnh ngày trước gắn bó với Tạ Tốn trỗi dậy từ trong đáy lòng và lướt trôi trước mặt Hinh.
Hinh đã mất đi cái tình cảm rất khó diễn tả ấy. Khuôn mặt Hinh đầm đìa nước mắt. Phồn Di đứng run rẩy hồi lâu rồi thẫn thờ ngồi xuống. Di hồi tưởng lại những tháng ngày dập dìu gắn bó cùng Tiêu Nhiên năm xưa, khuôn mặt Di đẫm lệ, cô vô cùng đau xót, đầu rũ xuống, nghẹn ngào nức nở. Sau một lúc im lặng Di lắc đầu tỏ ý không thể tin được: “Sao lại có thể như thế? Nhưng cô đã nói không sai chút nào, người mà cô miêu tả đúng là Tiêu Nhiên”.
“Kinh Tùng là anh chàng thư sinh lạnh lùng, rất lạnh lùng, có khuôn mặt trắng nhợt, ánh mắt cũng rất lạnh, phía dưới mắt có quầng. Kinh Tùng luôn cặp kè bên Tiêu Nhiên, khi Tiêu Nhiên nói chuyện với cháu thì Kinh Tùng thường đứng từ xa, lạnh lùng nhìn lại”. Hinh nhìn Phồn Di, thấy nét mặt Phồn Di càng hiện rõ sự kinh ngạc không sao hiểu nổi. “Cô nói đúng cả, rất đúng, anh ấy có sắc mặt trắng nhợt, có quầng mắt khá to. Ngày ấy mỗi khi tôi và Tiêu Nhiên bên nhau, anh ấy thường đứng xa xa lạnh lùng nhìn chúng tôi, có lúc khiến tôi thấy sờ sợ”. Phồn Di bắt đầu để ý quan sát Diệp Hinh, và đã tin rằng không phải hai cô gái này tìm đến để gây sự vô lối với mình, và thấy sự việc thực sự nghiêm trọng.
“Cháu không rõ tại sao họ lại tìm đến cháu… Trên thực tế, cháu đã suy nghĩ kỹ và không cho rằng họ thật sự đang tồn tại trong thế giới khách quan, có thể coi mọi điều cháu đã nhìn thấy là những “ảo giác” trong bệnh tâm thần phân liệt. Vì hai người ấy không tồn tại như một thực thể mà chỉ tồn tại trong đầu cháu. Bộ não của người ta, nếu chứa đựng những thứ không tồn tại thì chẳng phải là có vấn đề thần kinh là gì? Cho nên cháu đã được khuyên vào nằm bệnh tâm thần một thời gian, rồi cháu rất kinh ngạc nhận ra rằng không chỉ có mình cháu biết về sự tồn tại của họ. Cô Di thử nhớ lại xem cô có biết một phụ nữ tên là Uông Lan San không?”. Hinh cảm thấy bà San là một khâu trong chuỗi các điều bí hiểm nên thuận miệng hỏi thế, chứ cô không hi vọng có câu trả lời nào.
Nào ngờ Phồn Di hơi sững người, gật đầu: “Tôi nhớ ra rồi, bà ấy là bệnh nhân lâu năm của bệnh viện tâm thần, đúng không?”
Hinh và Sảnh đều ngạc nhiên, cùng hỏi: “Sao cô lại biết ạ?”
Phồn Di nghĩ ngợi, khẽ kêu lên “trời ạ”, rồi nói: “Hình như là, khi chúng tôi học năm thứ ba – ngay trước thời kỳ cách mạng văn hóa, khi ấy việc dạy và học vẫn rất bình thường – lớp của Tiêu Nhiên đi kiến tập ở bệnh viện tâm thần, tôi cũng đang không có bài vở nên đã đi theo cho vui. Hôm đó, thầy giáo đưa ra một ca bệnh nhân đa nhân cách điển hình. Đó là một phụ nữ trung niên khoảng trên 40 tuổi. Trước mặt đông đảo chúng tôi, người ấy chuẩn bị nghe thầy giáo hỏi. Nào ngờ bà ta xông lên phía trước túm ngay lấy Tiêu Nhiên rồi quan sát anh từ đầu đến chân hết sức tỉ mỉ, đến nỗi các bạn anh ngồi bên cạnh đều sởn gai ốc, còn Tiêu Nhiên thì rất khó chịu. Mọi người lôi bà ta ra, bà ta bỗng òa khóc rồi kêu lên: “Chẳng lẽ đây đều là sự thật? Chẳng lẽ đây đều là sự thật?”. Rồi đột nhiên lại đổi giọng hết sức dịu dàng: “Anh hãy ở lại bên em và đừng đi đâu hết, được không? Có thế anh mới được an toàn”
Bấy giờ tôi thấy rất tò mò, cũng khó tránh khỏi có phần không vui, tôi nhìn Tiêu Nhiên hồn nhiên “vô tội” nói là chưa từng quen biết. Về sau chúng tôi hỏi thăm mới biết đó là bệnh nhân mắc bệnh nhân cách phân liệt rất nặng tên là Uông Lan San, đã vào nằm viện 20 năm trời. Chính vì có cái chuyện ồn ào ấy nên tôi mới nhớ được cái tên này. Xưa nay tôi chưa từng liên hệ câu nói ấy của bà San với các sự việc xảy ra sau này. Nay nghĩ lại thì hình như bà ta đã tiên tri một điều gì đó”.
Hinh nói: “Chính bà San này đã nói trong đầu cháu có “hai người”, cháu hỏi hai người đó là ai, thì bà vẽ luôn hai bức “ký họa” đại thể về Tiêu Nhiên và Trịnh Kinh Tùng”.
Phồn Di vẫn cảm thấy chuyện này quá ư kỳ dị, bèn hỏi: “Nếu đúng là hai người ấy ở trong đầu cô thật, thì họ vào bằng cách nào?”. Phồn Di “à” một tiếng, và bất giác đưa mắt nhìn về hướng đại học Y khoa Giang Kinh, trong lòng bộn bề xáo động, một lát sau mới nói: “Cô ngầm có ý cho rằng, Tiêu Nhiên đã nhập vào bộ não các nữ sinh kia, điều khiển họ nhảy lầu vào ngày 16/6? Nhưng tại sao anh ấy phải làm thế? Lẽ nào là nhằm gây sự chú ý cho người đời – như lúc nãy cô nhận định?”
Sảnh lạnh lùng “hừ” một tiếng: “Còn có khả năng chỉ đơn thuần là trả thù các nữ sinh đến từ Giang Nam”.
“Trả thù? Trả thù về cái gì?”
Sảnh hậm hực: “Cô đã tự biết rất rõ. Nếu cần cháu phải nói toạc ra thì cháu cũng sẵn lòng để làm một kẻ độc ác! Chú ấy đương nhiên có lý do để trả thù cô gái Giang Nam mà chú ấy nặng lòng yêu thương – không chỉ ruồng bỏ mà còn bán đứng chú ấy! Ngay khi chú ấy muốn gặp mặt lần cuối, cô ấy cũng phớt lờ! Vì sự phản bội và cạn tình cạn nghĩa của cô nên chú ấy mới mất hết hi vọng vào cuộc sống, thế rồi đi vào ngõ cụt”.
“Cô nhầm rồi”. Phồn Di gay gắt ngắt lời Sảnh. “Đúng là tôi đã không chịu nổi sức ép, đã vạch rõ ranh giới với anh ấy, đã hoảng hốt hoang mang, đã không đến gặp anh ấy lần cuối cùng… vì lúc đó tôi đã mắc bệnh trầm cảm rất nặng, cuộc sống đã hỗn loạn tơi bời. Nhưng tôi không hề bán đứng anh ấy, không hề tố giác anh ấy là thành viên của “Nguyệt Quang xã”, tôi vẫn giữ được chuẩn mực làm người”.
“Không phải cô, thì có thể là ai? Theo cuốn nhật ký của chú Tiêu Nhiên thì chỉ có hai người – cô và chú Trịnh Kinh Tùng – biết chú ấy là thành viên “Nguyệt Quang xã”; nếu không phải cô thì chẳng lẽ là chú Kinh Tùng? Nhưng, đến giờ phút cuối cùng của chú Tiêu Nhiên, chú Kinh Tùng vẫn còn đến an ủi động viên chú ấy, và rành rành sau đó cùng tự sát với chú ấy. Một con người rất có tình nghĩa như vậy sao có thể bán đứng người bạn chí thân của mình?”
“Các cô nói đến cuốn nhật ký….”
Sảnh mở cặp sách lấy ra một tập giấy tờ, đẩy đến trước mặt Phồn Di: “Đã đoán là cô sẽ không thừa nhận, nên cháu đã phô-tô một bản cho cô, chỉ e cô không có can đảm để đọc thôi”
“Kìa Sảnh!” Hinh thấy Sảnh đã lại quá khích
Phồn Di đờ đẫn, ngồi ngây ra một lúc, hơi đưa người ra trước, tay run run nhẹ lên mặt giấy. Phồn Di đang cảm nhận gì đây?
Rồi Phồn Di ngước mắt lên: “Cô nói đúng, tôi cũng không biết mình có can đảm để đọc hay không. Hai cô cũng có thể không tin tôi, nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu đúng là tôi đã bán đứng Tiêu Nhiên, anh ấy thì chết rồi, sao tôi cứ phải chối cãi? Tôi có thể nói thẳng thắn, nhưng chuyện kỳ lạ mà bạn Diệp Hinh đã cảm thấy, tôi tin nhưng tôi không đồng ý với những suy đoán của các bạn. Tôi rất hiểu Tiêu Nhiên, anh ấy có trái tim rất tinh tế và rất thiện, dù phải ôm hận mà ra đi thì anh ấy cũng không quậy phá như thế sau khi đã khuất. Trong chuyện này chác phải có những điều lạ lùng chi đây”. Nghe đến mấy chữ những điều lạ lùng, Hinh lại hỏi: “Cô giáo Phồn Di có nghe nói đến một người tên là Trang Ái Vân không?”
Phồn Di ngẩn người, lắc lắc đầu.
Hinh mạnh mẽ đứng dậy, nhanh nhẹn nói: “Cháu xin cảm ơn cô Phồn Di. Cháu cũng tin tưởng ở cô, mong rằng cô cháu mình sẽ giữ vững liên lạc”. Hinh vừa nói vừa chạy ra khỏi phòng trà.

Bí Mật Bị Phơi Bầy

16h ngày 13 tháng 6

Sảnh phải chạy một mạch mới đuổi kịp Hinh. Chạy dưới trời nắng tháng sáu nóng như thiêu như đốt, mồ hôi vã ra như tắm.
“Tớ đoán xem nào, chắc cậu đang định sang bệnh viện số 2 tìm bà San, đúng không?” Hai cô đứng ở bến xe buýt, sốt ruột chờ xe đến. Sảnh cho rằng lần này mình không thể đoán nhầm.
Lòng Hinh đang rối bời, cô im lặng gật đầu.
“Này Hinh, sao cậu không hỏi tại sao tớ lại đoán đúng?”
Hinh thở dài, trách bạn: “Tớ đang tức cậu đây! Đồ quỷ sứ ma mãnh, sao cậu chẳng hiểu cách đối nhân xử thế gì cả? Cô Phồn Di về nước nghỉ ngơi, đã nhiệt tình đến với chúng ta như thế. Cuộc đời cô ấy cũng rất gian nan, từng mắc bệnh trầm cảm… sao cậu lại cư xử với cô ấy thô bạo thế?”
Sảnh dẩu môi: “Tớ biết thế nào cậu cũng mắng tớ! Nghĩ lại, tớ cũng hơi hối hận. Nhưng kể cũng lạ, lúc đó tớ không sao nhịn được, có lẽ tại tớ vốn đã chủ động, đã nhận định rằng cô ấy tố giác Tiêu Nhiên; lại nhìn thấy dáng vẻ sung sướng, nhàn nhã của cô ấy… còn Tiêu Nhiên thì đã ở nơi chín suối, cho nên vừa thấy mặt, tớ đã lộn ruột rồi!”
“Nhưng mình cũng không nên nói oan cho người ta. Cô ấy nói có lý; nếu đúng là cô ấy đã sai, thì thời gian đã trôi bao năm rồi, cô ấy chẳng cần phải cứ chối cãi. Tớ nghe nói thời đó đã có rất nhiều người mắc sai lầm kiểu ấy, nếu cô ấy đã làm thế thật thì cũng chỉ là chuyện vặt trong muôn vàn sự việc, chối cãi thì có ý nghĩa gì đâu?”
Sảnh “ừ” và nói: “Tớ cũng đã rất buồn rồi, cậu đừng nói nữa có được không? Lúc sắp chia tay tớ đã rất thân thiện với cô ấy, đã để lại số máy nhắn tin nữa. Cô ấy hỏi có thể đọc được nhật ký Tiêu Nhiên và “hồ sơ Nguyệt Quang xã” ở đâu, tớ bèn quyết định đưa luôn cho cô ấy bản phôtô “hồ sơ Nguyệt Quang xã” đang để trong cặp. Chúng mình đi gặp bà San để hỏi về gì?”
“Khi đang nói chuyện với cô Phồn Di, tớ đã nghĩ rất nhiều, và cũng đồng ý với cô Phồn Di rằng trong câu chuyện này còn ẩn chứa những điều kỳ lạ. Cho nên tớ nghĩ đến bà San. Bà ta có thể nhìn thấy Tiêu Nhiên và Trịnh Kình Tùng trong đầu tớ, thì có lẽ bà ta còn biết hiều chuyện ly kỳ hơn. Và, vấn đề nhân cách Trang Ái Vân, tiếng hát, khuôn mặt dập nát… rõ ràng đều có liên quan đến chuyện này. Tiếc rằng bà lão ấy không “thoáng” tý nào, hỏi điều gì, bà lão toàn nói vòng vo, cố làm ra vẻ huyền bí. Hôm nay tớ đã nghĩ rồi, nhất định sẽ bám bà lão đến cùng để hỏi cho rõ xem bà còn biết những gì nữa”.
Sảnh nói: “Lần này nhất định tớ sẽ hộ vệ cậu, lần trước sợ ơi là sợ. Hôm qua tớ đã gặp thầy Côn, nhờ thầy phân tích bệnh án của bà San, chưa biết chừng sẽ có ích cho chúng ta”.
Hinh ngạc nhiên, rồi cười: “Tớ nhận ra rằng thầy giáo trẻ Vân Côn hay cậy mình có tài – đã bắt đầu nghe lệnh của cậu rồi đấy! Thật đáng chúc mừng!”
Lúc đến buồng của bà San, thấy giường bỏ trống, cô y ta nói là bà San đã xuống sân đi bách bộ. Hinh và Sảnh ra cửa sổ nhìn xuống, thấy bà lão đang ngồi trên ghế đá, tay đang cầm một chiếc bình đựng dung dịch muối vẫn dùng để truyền. Cả hai đang định đi xuống thì Sảnh – thật tinh mắt – kêu lên: “Bà lão vẫn còn ham đọc sách kia”
Trên cái bàn kê bên đầu giường, là một chồng sách. Hinh cười: “Tớ đã biết đó là những sách gì rồi. Toàn là sách về nghệ thuật biểu diễn, để diễn cứ y như thật, không hiểu bà ta còn ham học những thứ gì nữa, đã luyện được đến đỉnh cao rồi!”
Sảnh bước lại xem, rồi nói: “Đúng, toàn là sách lý luận về biểu diễn. Cuốn này thì hơi lạ: “Tân Kim Lăng Thập Nhị Thoa – nữ minh tinh màn bạc Trung Quốc thập kỷ 40”, là sách đọc chơi để giết thì giờ. Nhưng, lạ nhỉ, cuốn này còn kẹp vài tờ giấy. Ch8ảng lẽ đọc sách lại còn phải ghi chép nữa kia?” Sảnh mở cuốn sách lấy mấy tờ giấy đó ra, cúi xuống lần giở xem. Cô bỗng “à” một tiếng, ngẩng đầu lên ngạc nhiên nhìn Hinh.
Hinh vội bước đến xem, trong tay Sảnh là mấy tờ giấy cũ đã ố vàng, có các chữ Hán phồn thể được in dọc, có vẻ như được cắt ra từ một cuốn tạp chí. Có mấy tiêu đề phí bên trái khiến Hinh hơi run run: “Phụ trương đặc sắc của bản báo: hoàng hậu màn bạc Thượng Hải năm xưa giờ đây đã mất vía nơi sâu thẳm”. Một tiêu đề phụ là “Hé lộ bí mật Trang Điệp (Ái Vân) đã mắc bệnh tâm thần rất nặng, bóng ma dập dìu chốn phong lưu”.
“Cậu xem cái này”. Sảnh bỏ tờ thứ nhất xuống, thấy tờ thứ hai – rõ ràng là cùng xuất xứ với tờ thứ nhất – là một tấm ảnh đen trắng choán già nửa trang tạp chí, chụp một cô gái áo trắng, dáng cao cao, mảnh dẻ đang đứng nhìn ra cửa sổ với tư thế tuyệt đẹp, mái tóc dài rủ xuống quá vai, trang nhã sống động như muốn bước ra khỏi nền giấy khiến Hinh phải tấm tắc trầm trồ. Hinh lập tức nhớ ra: đêm nọ trong bệnh viện tâm thần, bà San đã mô phỏng cái vai này!
Tờ thứ ba vẫn là cắt từ cuốn tạp chí cũ ấy, phần quảng cáo của ngân hàng Hoa Kỳ choán một nửa, phía dưới là một bài viết kèm theo hai bức ảnh nhỏ. Một bức là chân dung một cô gái tuyệt đẹp, chú thích là “Trang Điệp thuở xưa”, bức kia – thực đáng kinh ngạc – là một khuôn mặt giập nát chằng chịt các vết ngang dọc, máu tươi đầm đìa.
“Khuôn mặt nát bươm!” Cả hai cùng kêu lên. Sảnh lại giở cuốn “Tân Kim Lăng Thập Nhị Thoa – nữ minh tinh màn bạc Trung Quốc thập kỷ 40”, thấy trang có kẹp mảnh bìa đánh dấu chính là bài kỵ có tiêu đề: “Nay nàng là hoa bị chôn, cười ngây dại – “Tiêu Tượng phi tử” Trang Điệp bệnh tật và mộng mị quái đản”.
Sảnh hỏi: “Mau nghĩ đi, nên đọc bài nào trước?”
Hinh nói: “Tạp chí khổ nhỏ”.
Sảnh nói: “Rất hợp với ý tớ”. Hai người bắt đầu xem từ “phụ trương đặc sắc”.
Phụ trương đặc sắc của bản báo: hoàng hậu màn bạc Thượng Hải năm xưa giờ đây đã mất vía nơi sâu thẳm
Hé lộ bí mật Trang Điệp (Ái Vân) đã mắc bệnh tâm thần rất nặng, bóng ma dập dìu chốn phong lưu
Trần Vân Cảnh – Tuần san Thân Giang
Một thời gian sau khi quốc nạn đã đi qua, hoàng hậu màn bạc Trang Điệp sắm vai trong “Ánh trăng lạnh” và “Giấc mộng hồ điệp” nổi danh Thượng Hải một thời, hai năm nay bỗng vắng bóng trên phim trường, “nhún mình” lấy chồng họ Tiêu – đại gia ngành tiền tệ, rồi về Giang Kinh ở ẩn, tin này đã từng gây xôn xao. Bản báo đã nhận được tin của một số vị là “người nội bộ”, được biết tình trạng thần trí của Trang Điệp ngày càng xấu đi, luôn luôn có những cử chỉ kỳ quặc, không ngờ, khắp nhà họ Tiêu đều đang kinh hãi.
Cuối tháng trước, chúng tôi đã liên tiếp nhận được ba bức điện báo nặc danh, người gửi nói mình là “người nội bộ” thấy lo lắng cho sự an nguy của nhà họ Tiêu, muốn công bố việc nữ chủ nhân Trang Ái Vân đã gây nên bầu không khí đáng sợ ở nhà họ Tiêu. Trang Ái Vân tức Trang Điệp, từng được gọi là “Hoàng hậu màn bạc” “Tiên nữ ca nhạc”, cách đây 3 năm đã kết mối lương duyên với Tiêu Thừa Khiên – nhị công tử nhà họ Tiêu – nhân vật cự phách của ngành tiền tệ. Thực ra con đường gnhệ thuật của Trang Điệp đang rực rỡ như mặt trời lên cao, có tài năng bẩm sinh và kinh nghiệm lâu năm, tiền đồ nghệ thuật thênh thang, khác với các minh tinh có sắc hương nhưng chỉ sớm nở tối tàn. Vì vậy giới nghệ sĩ nhận định nàng vẫn có thể đứng ngôi hàng đầu nghệ thuật trong nhiều năm. Nhưng chỉ một năm sau khi kết hôn, Trang Điệp lại bất ngờ tuyên bố giã từ màn bạc, tuy nàng có viện lý do đang mang thai và sau này sẽ một lòng thờ chồng nuôi con, nhưng vẫn khiến công chúng bàn tán xôn xao, cuối cùng trở thành một câu đố rất khó giải. Chúng tôi đến Giang Kinh với một niềm hy vọng xa vời là thực hiện một phóng sự chân thực về tình hình nhà họ Tiêu, và cũng mong sẽ làm rõ sự thật về việc Trang Điệp giã từ màn bạc.

❮ sau
tiếp ❯

Avatar

Bình luận gần đây
https://audiosite.net
Đã fix lại tập 53 theo yêu cầu nhé :)Cảm ơn bạn đã thông báo
https://audiosite.net
☣Bộ Truyện Con Đường Bá Chủ cập 24h mỗi ngày nhé các đạo hữu ...!☣ f5 hoặc tải lại trang để nhật chính xác nhé..:)☣Còn các thành viên thì không cần :) mặc định cập nhật bất kỳ truyện nào mới nhất nhé
https://audiosite.net
Nguyễn Huy 2 tuần trước
Tớ mới eidt lại được 500 chương mới nhất nhé ... đã gửi cho hà thu nhé bạn..^^!Chậm nhất giờ này ngay mai hoàn tất nhé bạn
https://audiosite.net
hạ vũ 2 tuần trước
truyện ta đánh cắp dòng thời gian không ra nữa ak 😂
https://audiosite.net
Đã fix lại nhé ^^!Cảm ơn bạn đã thông báo :)
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn đã thông báo ^^!Đã fix lại nhé ...
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn thông báo vs góp ý...!☣Bộ truyện này có nhiều tên gọi khác nhau nhé vì nó đồng âm ( giống như ngôn ngữ địa phương )☣Thần Võ Thiên Tôn ( Vạn Võ Thiên Tôn)☣Cái này do Đình Huy edit dịch và post lên trong nhóm do Hà Thu diễn đọc nhé ...!☣Website đơn giản tụ tập nhất nhiều CTV yêu thích và nghe truyện tất cả do thành viên đóng góp bản thân mình cũng không có quyền sửa đổi nhé, mình chỉ để lại tag ở dưới là Thần Võ Thiên Tôn nhé chư vị. ^^!☣Thân Ái - ☣Ngoài ra mình lịch đăng truyện từ 16h > 23h hôm này sẽ gửi đến các chư vị 20 bộ truyện đã yêu cầu
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn gửi thông báo ...!Bộ này đã fix lại nhé qua giọng đọc MC: Hà Thu nhé !!Thân Ái
https://audiosite.net
Haizz...! Mình xin phép trả lời bạn Duy Phương ( Fb)☣ Muốn tìm truyện hay theo đúng Gu của mình thích rất đơn giản ngày trang chủ có bộ lọc truyện đó bạn phương ( Ví dụ bạn chọn truyện Đao Tu + Truyện hay = Lọc )☣ Tuy mình thích đọc truyện kiếm tu nhưng bộ truyện này quả thấy rất hợp gu của mình nhé...☣ Main thân thế khá bí ẩn + Tích cách trọng tình, trọng nghĩa.☣ Sát Phát : Từ nhỏ đã gia nhập Sát Thủ ( Ám Sát - Sát phát thì chắc cũng không phải bàn nhé )☣ Mưu Trí : main không giỏi khoản này lém nhưng Cơ Trí thì có thừa.☣ Hệ thống tu luyện rất khá đặc biệt nhé...main có lối suy nghĩa cực bá đạo ( Sáng Tạo: hắn muốn gom tất cả chuyển thành Đao Đạo: Kiếm + Trận + Ý + Pháp + Thân + Ẩn )Mình Để cử bộ này nhé Duy Phương bộ truyện hoàn toàn phù hợp tất cả yêu cầu của bạn đã inbox bên FBThân Ái
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn đã thông báo bộ truyện vẫn nghe được bình thường nhé ...!Ngoài ra mình cũng up thêm sever Mới đề phòng nhé ..^^!Đa tạ ^^!
https://audiosite.net
Đã fix và cập nhật full bộ truyện này nhé...!Cảm ơn bạn đã thông báo ...^^!*** Ngoài ra mình đã cập nhật full 10 bộ truyện theo yêu cầu nhé :)Các bạn có check lại ở trang chủ ( hoặc f5 bộ truyện đang theo dõi nhé )Đa Tạ
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn Nguyễn Khánh đã thông báoMình đã khắc phục và chuyển nhé bạn ^^!