1. Home
  2. Truyện Kiếm tu
  3. [Audio] Kiếm Lai
  4. Tập 1: Kinh Trập – Trần Bình An (c0-c5)

[Audio] Kiếm Lai

Tập 1: Kinh Trập – Trần Bình An (c0-c5)

tiếp ❯

Chương 0 : Tự chương

Thế giới Trung Thổ không thiếu cái lạ.

Chính giữa trời đất, có một học giả từng dùng một kiếm bổ ra thác nước sông ngân, là chuyện đắc ý nhất trong nhân gian.

Bên bờ biển đông, có một đạo nhân vô danh không muốn phi thăng ngồi bất động trên đỉnh núi, chỉ nguyện gió mát thổi vào mặt.

Tây Phương cực lạc, có một hòa thượng già thích mời người khác uống canh gà, kể cố sự cho người ta nghe, nuôi dưỡng chín con rồng trời.

Nam Cương hoang vu, có một họa sĩ mắt mù điều khiển con rối giáp vàng cao như núi, di chuyển mười vạn núi lớn, trải ra một bức tranh gấm vóc.

Một thiếu niên bần hàn lớn lên ở phương bắc, một ngày kia hắn nhìn thấy trên đầu có hàng ngàn hàng vạn tiên nhân ngự kiếm, giống như bầy châu chấu bay qua.

Hắn muốn đi tận mắt xem thử vị học giả mà tiên sinh kể chuyện kia đã nói, nước lớn ngập trời ở biển đông, cát vàng vạn dặm ở Tây Phương và núi lớn nguy nga ở Nam Hoang.

Thế là cuối cùng có một ngày, thiếu niên xách theo kiếm gỗ bắt đầu xuôi nam.

Chương 1 : Kinh Trập

Mồng hai tháng hai, rồng ngẩng đầu. (2)

Vào chiều hôm, tại một nơi yên tĩnh gọi là ngõ Nê Bình trong trấn nhỏ có một thiếu niên gầy gò lẻ loi trơ trọi. Lúc này hắn đang làm theo tập tục, một tay cầm nến, một tay cầm nhánh đào, soi sáng các nơi như xà nhà, vách tường, giường gỗ… dùng nhánh đào gõ gõ đập đập, muốn mượn chuyện này xua đuổi rắn rết bò cạp các thứ, miệng lẩm bẩm câu châm ngôn lưu truyền nhiều đời trong trấn nhỏ này: “Mồng hai tháng hai, soi sáng xà nhà, đào gõ vào tường, rắn rết trong nhân gian không nơi nào ẩn náu.”

Thiếu niên họ Trần, tên là Bình An, cha mẹ mất sớm. Đồ gốm của trấn nhỏ rất nổi tiếng, từ khi bản triều khai quốc tới nay, trấn nhỏ đã đảm nhận trọng trách “phụng chiếu sản xuất đồ dùng cúng tế lăng mộ”, hàng năm có quan viên đóng giữ ở đây giám sát công việc của lò gốm triều đình. Thiếu niên không nơi nương tựa, từ rất sớm đã làm thợ lò nung gốm, ban đầu chỉ có thể làm vài chuyện tay chân lặt vặt, đi theo một sư phụ nửa mùa tính tình tệ hại, vất vả chịu đựng mấy năm mới trau dồi được một chút cách thức nung gốm.

Kết quả thế sự vô thường, trấn nhỏ đột nhiên mất đi lá bùa hộ mệnh là chế tạo vật dụng cho triều đình, mấy chục lò gốm hình dáng như rồng nằm chung quanh trấn nhỏ, trong một đêm đều bị quan phủ buộc phải đóng cửa tắt lửa.

Trần Bình An bỏ nhánh đào mới bẻ kia xuống, thổi tắt nến, sau đó đi ra khỏi nhà, ngồi trên bậc thềm, ngẩng đầu nhìn trời sao lấp lánh.

Đến nay thiếu niên vẫn nhớ rõ, lão sư phụ chỉ chịu nhận mình làm nửa đồ đệ kia họ Diêu, vào sáng sớm cuối thu năm ngoái, bị người ta phát hiện ngồi trên một chiếc ghế trúc nhỏ nhìn về hướng lò gốm, mắt đã nhắm rồi.

Nhưng số người lâm vào bế tắc như lão Diêu chung quy cũng không nhiều.

Thợ thủ công trong trấn nhỏ nhiều đời chỉ biết nung gốm, đã không dám vượt quyền chế tạo cống phẩm triều đình, cũng không dám bán đồ gốm trong kho cho dân chúng, đành phải nhao nhao tìm đường khác.

Trần Bình An mười bốn tuổi cũng bị đuổi ra ngoài, sau khi trở lại ngõ Nê Bình thì tiếp tục trông coi ngôi nhà cũ đã rách nát từ lâu này, tình cảnh tiêu điều gần như chỉ còn bốn bức tường, cho dù hắn muốn làm kẻ phá của cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Sống vật vờ như cô hồn dã quỷ một thời gian, thiếu niên thật sự không tìm được công việc kiếm ra tiền. Dựa vào một chút tích góp ít ỏi miễn cưỡng lấp đầy bụng. Mấy ngày trước nghe nói ở ngõ Kỵ Long cách đó mấy con đường, có một lão trợ rèn họ Nguyễn từ nơi khác đến, tuyên bố với bên ngoài muốn thu bảy tám học đồ làm nghề nguội, không trả tiền công nhưng sẽ bao cơm, Trần Bình An liền vội vàng chạy đến thử vận may.

Không ngờ ông lão chỉ liếc xéo hắn một cái đã từ chối ngoài cửa. Khi đó Trần Bình An nghi hoặc, chẳng lẽ công việc làm nghề nguội này không phải xem lực cánh tay lớn nhỏ, mà là xem tướng mạo tốt xấu?

Nên biết Trần Bình An mặc dù nhìn có vẻ yếu đuối nhưng sức lực không thể xem thường, đây là thân thể được rèn luyện từ những năm tháng thiếu niên nung gốm nặn phôi. Ngoài ra hắn còn theo ông lão họ Diêu chạy khắp núi sông trong phạm vi trăm dặm chung quanh trấn nhỏ, nếm đủ mùi vị của các loại đất đai khắp nơi, nhẫn nhục chịu khó, sẵn lòng làm bất cứ công việc dơ bẩn và mệt nhọc nào mà không hề do dự.

Đáng tiếc lão Diêu vẫn luôn không thích Trần Bình An, hiềm vì thiếu niên không có thiên phú, đầu óc chậm tiến không sáng suốt, kém xa đại đồ đệ Lưu Tiện Dương. Chuyện này cũng không trách được ông lão thiên vị, sư phụ nhận vào cửa, tu hành do cá nhân. Ví dụ cùng là việc nặn phôi khô khan nhàm chán, Lưu Tiện Dương chỉ tốn công sức nửa năm ngắn ngủi, đã ngang với trình độ của Trần Bình An vất vả ba năm.

Mặc dù cả đời chưa chắc đã dùng đến ngón nghề này, nhưng Trần Bình An vẫn giống như trước đây, nhắm mắt lại tưởng tượng trước người mình có đặt phiến đá xanh và trục quay, bắt đầu luyện tập nặn phôi, quen tay hay việc.

Đại khái cứ qua một khắc đồng hồ thì thiếu niên lại nghỉ ngơi một lúc, rung rung cổ tay, lặp lại như vậy nhiều lần cho đến khi cả người mệt mỏi rã rời. Lúc này Trần Bình An mới đứng dậy, vừa đi dạo trong sân vừa chậm rãi thư giãn gân cốt. Trước giờ không có ai dạy cho Trần Bình An những điều này, đây là phương pháp do hắn tự mày mò nghĩ ra.

Trong khung cảnh vốn đang yên tĩnh, Trần Bình An bỗng nghe được một tiếng cười nhạo chói tai. Hắn dừng bước, quả nhiên nhìn thấy tên bạn cùng lứa đang ngồi xổm trên đầu tường, nhếch miệng không hề che giấu vẻ khinh thường.

Tên này là hàng xóm lâu năm của Trần Bình An, nghe đâu là con riêng của đại nhân trông coi sản xuất tiền nhiệm. Vị đại nhân kia sợ thanh danh bị gièm pha, quan giám sát trong triều tố cáo, cho nên cuối cùng một mình trở lại kinh thành báo cáo công việc, giao đứa trẻ cho quan viên thay thế có quan hệ thân thiết giúp trông coi chiếu cố.

Hôm nay trấn nhỏ mất đi tư cách chế tạo đồ gốm cho triều đình một cách khó hiểu, vị đại nhân phụ trách giám sát công việc lò gốm thay triều đình còn khó giữ được mình, giống như Bồ Tát đất qua sông, nào còn chiếu cố được con riêng của quan lại đồng liêu. Ông ta chỉ để lại một chút tiền bạc rồi vội vã bất an chạy về kinh thành lo lót quan hệ.

Thiếu niên hàng xóm bất giác đã trở thành đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng cuộc sống vẫn an nhàn tự tại như trước, suốt ngày dẫn theo nha hoàn thiếp thân của mình dạo chơi trong ngoài trấn nhỏ, quanh năm suốt tháng chơi bời lêu lổng, cũng chưa từng ưu sầu về tiền bạc.

Tường viện bằng đất vàng của mọi nhà trong ngõ Nê Bình đều rất thấp, thực ra thiếu niên hàng xóm hoàn toàn không cần nhún chân cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng bên sân kia, nhưng mỗi lần nói chuyện với Trần Bình An thì hắn đều thích ngồi xổm trên đầu tường.

So với tên gọi Trần Bình An thô thiển tầm thường, tên của thiếu niên hàng xóm lịch sự tao nhã hơn nhiều, gọi là Tống Tập Tân. Ngay cả tỳ nữ nương tựa với hắn cũng có một cái tên nho nhã, đó là Trĩ Khuê.

Lúc này thiếu nữ đang đứng ở bên kia tường viện, cô có một đôi mắt hạnh, trông có vẻ yếu đuối rụt rè.

Chỗ cửa viện bên kia có một giọng nói vang lên:
– Tỳ nữ này của ngươi có bán không?

Tống Tập Tân sững sốt, quay đầu nhìn theo giọng nói, trông thấy một thiếu niên áo gấm đang mỉm cười đứng ở ngoài viện, gương mặt hoàn toàn xa lạ.

Bên cạnh thiếu niên áo gấm có môt ông lão thân hình cao lớn đang đứng, dung nhan trắng nõn, sắc mặt hòa nhã, khẽ hí mắt quan sát thiếu niên thiếu nữ ở hai nhà sát nhau.

Ánh mắt của ông lão đảo qua Trần Bình An cũng không dừng lại, nhưng lại dừng trên người Tống Tập Tân và tỳ nữ, nụ cười dần rõ hơn.

Tống Tập Tân liếc mắt nói:
– Bán! Sao lại không bán!

Thiếu niên kia mỉm cười nói:
– Vậy ngươi nói giá đi.

Thiếu nữ trợn to mắt, vẻ mặt khó tin giống như một con nai nhỏ đang hoảng hốt.

Tống Tập Tân liếc mắt, đưa một ngón tay ra lắc lắc:
– Một vạn lượng bạc trắng!

Sắc mặt thiếu niên áo gấm vẫn như thường, gật đầu nói:
– Được.

Tống Tập Tân thấy dáng vẻ thiếu niên kia không giống như nói đùa, vội vàng đổi giọng nói:
– Là vạn lượng hoàng kim!

Khóe miệng thiếu niên áo gấm nhếch lên, nói:
– Đùa với ngươi thôi.

Sắc mặt Tống Tập Tân âm trầm.

Thiếu niên áo gấm không để ý tới Tống Tập Tân nữa, dời mắt nhìn về phía Trần Bình An:
– Hôm nay nhờ ngươi nên ta mới mua được con cá chép kia, sau khi mua về ta càng xem càng thích, thầm nghĩ nhất định phải ở trước mặt cám ơn ngươi một tiếng, cho nên đã bảo Ngô gia gia dẫn ta suốt đêm tới tìm ngươi.

Hắn ném một cái túi thêu nặng trĩu cho Trần Bình An, vẻ mặt tươi cười nói:
– Đây là đền đáp, xem như ngươi và ta không còn nợ nần gì nữa.

Trần Bình An vừa muốn nói chuyện, thiếu niên áo gấm đã xoay người rời đi.

Trần Bình An nhíu mày.

Ban ngày mình vô tình nhìn thấy một người trung niên xách theo giỏ cá đi trên đường, bắt được một con cá chép vàng ánh lớn cỡ bàn tay, giãy rất mạnh trong giỏ trúc. Trần Bình An chỉ liếc nhìn một cái đã cảm thấy rất thích, bèn mở lời hỏi xem có thể dùng mười đồng tiền mua nó hay không.

Người trung niên vốn chỉ muốn khao cái bụng của mình, trông thấy có cơ hội kiếm chác nên lập tức tăng giá, giống như sư tử há miệng lớn, đòi ba mươi đồng tiền mới chịu bán. Trần Bình An trong túi lép xẹp nào có nhiều tiền dư như vậy, nhưng thật sự luyến tiếc con cá chép vàng rực kia, cho nên thèm thuồng đi theo người trung niên liên tục cò kè, muốn hạ giá xuống mười lăm đồng, cho dù là hai mươi đồng cũng được.

Khi người trung niên có vẻ muốn chấp thuận, thiếu niên áo gấm và ông lão cao lớn vừa lúc đi qua, bọn họ không nói gì thêm đã dùng năm mươi đồng tiền mua con cá chép và giỏ cá. Trần Bình An chỉ có thể trơ mắt nhìn bọn họ nghênh ngang rời đi mà không làm gì được.

Nhìn chằm chằm theo bóng lưng càng lúc càng xa của hai ông cháu kia, Tống Tập Tân thu hồi ánh mắt hung tợn, nhảy xuống tường, dường như nhớ đến chuyện gì, nói với Trần Bình An:
– Ngươi còn nhớ con vật bốn chân vào tháng giêng không?

Trần Bình An gật đầu.

Làm sao không nhớ, ký ức quả thật vẫn còn mới mẻ.

Dựa theo phong tục lưu truyền mấy trăm năm của trấn nhỏ này, nếu có con vật thuộc loại rắn chui vào trong nhà mình là điềm tốt, chủ nhân tuyệt đối không nên xua đuổi hoặc giết chết nó.

Vào mùng một tháng giêng Tống Tập Tân đang ngồi ở ngưỡng cửa phơi nắng, bỗng có một con vật nhỏ thường được gọi là rắn mối lủi vào nhà ngay trước mắt hắn. Tống Tập Tân liền bắt lấy ném ra ngoài sân, không ngờ con rắn mối đã ngã lăn quay kia càng gặp khó thì càng lớn gan, tiếp tục muốn chui vào, khiến cho Tống Tập Tân vốn không tin quỷ thần bị chọc tức, trong cơn nóng giận đã ném nó vào sân của Trần Bình An. Ai ngờ hôm sau Tống Tập Tân tại nhìn thấy con rắn mối kia cuộn tròn nằm dưới gầm giường của mình.

Tống Tập Tân phát giác thiếu nữ đang kéo kéo tay áo của mình.

Thiếu niên và cô có một sự hiểu ngầm, lời đã ra đến miệng bất giác lại nuốt trở vào.

Hắn muốn nói là gần đây trên trán của con rắn mối vô cùng xấu xí kia lại gồ lên, giống như đỉnh đầu mọc sừng vậy.

Tống Tập Tân đổi sang câu khác nói:
– Tháng sau có thể ta và Trĩ Khuê phải rời khỏi nơi này rồi.

Trần Bình An thở dài:
– Đi đường cẩn thận.

Tống Tập Tân nửa thật nửa giả nói:
– Có vài món đồ ta chắc chắn không mang đi được, ngươi cũng đừng thừa lúc nhà ta không có ai mà táo tợn trộm đồ.

Trần Bình An lắc đầu.

Tống Tập Tân bỗng cười sằng sặc, dùng ngón tay chỉ vào Trần Bình An, cợt nhả nói:
– Nhát như chuột, chẳng trách người ta bảo là nhà nghèo hèn không thể sinh quý tử. Đừng nói là đời này nghèo khổ mặc cho người ta khi dễ, nói không chừng đời sau cũng trốn không thoát.

Trần Bình An im lặng không nói gì.

Từng người trở về nhà mình. Trần Bình An đóng cửa lại, nằm trên giường gỗ cứng rắn, thiếu niên bần hàn nhắm mắt nhỏ giọng rủ rì:
– Vỡ vỡ bình, tháng tháng an, vỡ vỡ bình an, tháng tháng bình an… (3)

Chương 2 : Mở cổng

Trời vừa tảng sáng, gà còn chưa gáy thì Trần Bình An đã rời giường. Chăn đệm mỏng manh thật sự không giữ được hơi ấm, hơn nữa lúc hắn làm học đồ nung gốm đã tập thành thói quen dậy sớm ngủ muộn.

Trần Bình An mở cửa nhà, đi vào khoảng sân nhỏ đất đai mềm xốp, hít thở sâu một hơi, sau đó vươn eo đi ra khỏi viện. Lúc hắn quay đầu thì nhìn thấy một bóng dáng nhỏ bé và yếu ớt đang khom người, hai tay xách một thùng nước, dùng vai đẩy cửa viện của mình ra. Đó là tỳ nữ của Tống Tập Tân, chắc hẳn cô vừa múc nước từ giếng Thiết Tỏa bên ngõ Hạnh Hoa trở về.

Trần Bình An dời mắt đi, băng đường qua ngõ, chạy chầm chậm về phía đông trấn nhỏ. Ngõ Nê Bình nằm ở phía tây trấn nhỏ, cổng thành lại nằm ở ngoài cùng phía đông, có người phụ trách trông coi thương khách ra vào trấn nhỏ và tuần tra ban đêm, bình thường cũng thu nhận và chuyển giao một số thư từ bên ngoài gởi về.

Chuyện kế tiếp mà Trần Bình An cần làm là đưa những lá thư kia cho dân chúng trấn nhỏ, thù lao là một phong thư một đồng tiền, đây là phương pháp kiếm tiền mà hắn vất vả lắm mới xin được. Trần Bình An đã hẹn trước với bên kia, sau mồng hai tháng hai rồng ngẩng đầu thì sẽ bắt đầu tiếp nhận công việc này.

Theo như lời của Tống Tập Tân thì số mệnh trời sinh đã nghèo khổ, cho dù có phúc khí vào nhà thì Trần Bình An hắn cũng không giữ được.

Tống Tập Tân thường nói một số câu kỳ quặc, có lẽ là đọc được trong quyển sách nào đó, Trần Bình An luôn nghe không hiểu lắm. Chẳng hạn hai ngày trước nhắc tới chuyện đầu xuân se lạnh thiếu niên chết cóng gì đó, Trần Bình An hoàn toàn không hiểu.

Còn như hàng năm chịu đựng qua mùa đông, sau khi vào xuân sẽ có một khoảng thời gian còn lạnh hơn, thiếu niên đã tự mình trải nghiệm. Tống Tập Tân nói đó là rét mùa xuân, lợi hại giống như hồi mã thương trên sa trường vậy, cho nên rất nhiều người sẽ chết trước những cửa âm phủ này.

Trấn nhỏ cũng không có tường thành vây quanh, dù sao đừng nói là giặc cỏ cường đạo, ngay cả trộm cắp mọt nước cũng hiếm thấy. Cho nên trên danh nghĩa là cổng thành, thực ra chỉ là một hàng rào cũ kỹ xiêu vẹo, tùy tiện chừa một khoảng trống cho người đi đường và xe cộ thông qua, xem như là thể diện của trấn nhỏ này rồi.

Lúc Trần Bình An chạy chầm chậm qua ngõ Hạnh Hoa, trông thấy không ít phụ nữ và trẻ con đang tụ tập bên giếng Thiết Tỏa, guồng quay của giếng nước vẫn kêu cót két.

Lại vòng qua một con đường, Trần Bình An nghe được cách đó không xa vang lên tiếng đọc sách quen thuộc. Nơi đó có một ngôi trường làng do vài gia đình giàu có trong trấn nhỏ góp tiền thành lập, thầy giáo dạy học là người xứ khác.

Lúc Trần Bình An còn nhỏ thường chạy đến nấp bên ngoài cửa sổ, len lén ngồi xuống vểnh tai nghe ngóng. Vị thầy giáo kia mặc dù lúc dạy học cực kỳ nghiêm khắc, nhưng cũng không trách mắng ngăn cản những đứa trẻ “đọc lén học lỏm” như Trần Bình An. Sau đó Trần Bình An đến một lò gốm bên ngoài trấn nhỏ làm học đồ, cũng không tới trường học nữa.

Lại đi về phía trước, Trần Bình An đi qua một ngôi miếu thờ bằng đá. Do miếu thờ được xây dựng trên mười hai cột đá nên người bản xứ thích gọi nó là miếu thờ Con Cua.

Về tên thật của miếu thờ này, ý kiến của Tống Tập Tân và Lưu Tiện Dương rất khác nhau. Tống Tập Tân thề thốt rằng trong một quyển sách cũ tên là Địa Phương Huyện Chí, nơi này được gọi là miếu Đại Học Sĩ, là miếu thờ do hoàng đế lão gia ban tặng, nhằm để tưởng niệm một vị quan lớn trong lịch sử có đóng góp về cả chính trị lẫn quân sự.

Lưu Tiện Dương cũng quê mùa như Trần Bình An thì nói đây là miếu Con Cua, chúng ta đã gọi mấy trăm năm rồi, không có lý nào gọi nó là miếu Đại Học Sĩ vớ vẩn gì đó. Lưu Tiện Dương còn hỏi Tống Tập Tân một vấn đề, “mũ quan của đại học sĩ rốt cuộc lớn đến đâu, có phải còn lớn hơn miệng giếng Thiết Tỏa hay không”, khiến cho Tống Tập Tân mặt đỏ bừng.

Lúc này Trần Bình An chạy một vòng quanh mười hai chân miếu thờ, mỗi mặt đều có bốn chữ to, kiểu chữ kỳ quái không hề giống nhau, phân biệt là “Đương Nhân Bất Nhượng”, “Hi Ngôn Tự Nhiên”, “Mạc Hướng Ngoại Cầu” và “Khí Xung Đấu Ngưu” (1). Nghe Tống Tập Tân nói ngoại trừ bốn chữ nào đó được giữ nguyên, ba tấm biển khắc đá còn lại đều từng bị bôi xóa sửa đổi.

Trần Bình An mù mờ về những chuyện này, chưa từng suy nghĩ xa hơn. Đương nhiên cho dù thiếu niên muốn truy xét ngọn nguồn cũng chỉ phí công, hắn còn không biết quyền Địa Phương Huyện Chí mà Tống Tập Tân thường nói rốt cuộc là sách gì.

Đi qua miếu thờ không xa, rất nhanh nhìn thấy một cây cây hòe già cành lá tươi tốt, phía dưới có một khúc cây không biết do ai chuyển đến đây, sau khi đẽo gọt một chút thì lót hai phiến đá xanh bên dưới hai đầu, thế là khúc cây lớn này đã trở thành băng ghế dài đơn giản.

Hàng năm đến hè dân chúng trấn nhỏ đều thích tới đây hóng mát, trưởng bối của những gia đình giàu có còn vớt một giỏ trái cây ướp lạnh từ trong giếng nước ra, bọn trẻ ăn uống no say rồi lập nhóm chơi đùa dưới bóng cây.

Trần Bình An đã quen lên núi xuống nước, chạy đến gần cổng rào thì dừng lại trước cửa một căn nhà bằng đất vàng trơ trọi, tim không đập nhanh cũng không thở dốc.

Người bên ngoài lui tới trấn nhỏ không nhiều, theo lý hôm nay cây tiền lò gốm triều đình này đã ngã xuống thì càng sẽ không có những gương mặt mới.

Lúc lão Diêu còn tại thế từng có lần uống say, nói với những đồ đệ như Trần Bình An và Lưu Tiện Dương, lò gốm của chúng ta là độc nhất trên đời, là nơi sản xuất đồ dùng cho hoàng đế bệ hạ và hoàng hậu nương nương, dân chúng khác cho dù có tiền, cho dù làm quan lớn đến đâu, nếu cả gan đụng vào đều sẽ bị chém đầu. Ngày đó tinh khí thần của lão Diêu hoàn toàn khác biệt.

Hôm nay Trần Bình An nhìn ra ngoài hàng rào lại phát hiện có rất nhiều người đang chờ mở cổng thành, phải đến bảy tám người, nam nữ già trẻ đều có.

Hơn nữa bọn họ đều là người xa lạ. Dân chúng bản địa ở trấn nhỏ ra ra vào vào, dù là đi nung gốm hay trồng trọt đều rất ít khi đi cửa đông. Lý do rất đơn giản, con đường từ cửa đông trấn nhỏ dẫn ra ngoài không có lò gốm và ruộng đồng nào.

Lúc này Trần Bình An và những người xứ khác kia cách nhau một hàng rào gỗ, hai bên nhìn nhau.

Tại giây phút đó, thiếu niên mang giày cỏ tự bện chỉ thấy hâm mộ áo quần dày cộm của những người kia, chắc hẳn là rất ấm áp, có thể chịu lạnh được.

Những người ngoài cổng kia rõ ràng chia làm mấy tốp, cũng không phải cùng một nhóm, nhưng đều nhìn về phía thiếu niên gầy gò trong cổng. Phần lớn bọn họ sắc mặt hờ hững, ngẫu nhiên có một hai người ánh mắt đã sớm vượt qua bóng dáng của thiếu niên, nhìn về nơi xa hơn trong trấn nhỏ.

Trần Bình An cảm thấy kỳ quái, chẳng lẽ những người này còn không biết triều đình đã đóng cửa tất cả lò gốm? Hay chính vì bọn họ đã biết chân tướng, cho nên cảm thấy có cơ hội kiếm chác?

Có một người trẻ tuổi đầu đội mũ cao kỳ lạ, vóc dáng cao gầy, bên hông đeo một miếng ngọc bội xanh lá. Hắn dường như không kiên nhẫn chờ đợi được nữa, một mình đi ra khỏi đám người, muốn đẩy cửa lớn hàng rào vốn không có khóa. Nhưng khi ngón tay sắp chạm đến cửa gỗ thì hắn đột nhiên dừng lại, chậm rãi thu tay, hai tay chắp ở sau người, cười híp mắt nhìn về phía thiếu niên giày cỏ trong cửa, chỉ cười chứ không nói gì.

Khóe mắt Trần Bình An vô tình phát giác những người đứng sau lưng người trẻ tuổi kia, dường như có người thất vọng, có người nghiền ngẫm, có người cau mày, có người chế giễu, tâm tình nhỏ bé của mỗi người đều không giống nhau.

Ngay lúc này một người đàn ông trung niên đầu tóc rối bời đột nhiên mở cửa, nói kháy với Trần Bình An:
– Thằng ranh con này, có phải bị tiền làm mờ mắt rồi không? Sớm như vậy đã tới gọi hồn đòi mạng, ngươi vội đi đầu thai gặp cha mẹ đã chết của ngươi à?

Trần Bình An trợn trắng mắt, cũng không để ý tới những lời lẽ chua ngoa này. Thứ nhất là sống ở nơi nông thôn không có được mấy quyển sách này, nếu bị người khác mắng mấy câu đã nổi nóng, vậy nên dứt khoát tìm một cái giếng nhảy xuống cho đỡ rườm rà. Thứ hai tên trung niên độc thân giữ cửa này vốn là đối tượng thường bị dân chúng trấn nhỏ giễu cợt trêu đùa, nhất là đám phụ nữ gan lớn chua ngoa kia, đừng nói mắng suông mà còn có không ít người ra tay đánh hắn.

Ngoài ra tên này rất thích khoác lác với đám trẻ còn mặc quần yếm, chẳng hạn như năm xưa ông đây chém giết một trận ở cổng thành, đánh cho năm sáu gã đàn ông răng rơi đầy đất, máu chảy khắp nơi, cả con đường rộng hai trượng trước cổng thành đều lầy lội giống như trời mưa vậy.

Hắn bực bội nói với Trần Bình An:
– Cái chuyện cỏn con của ngươi đợi lát nữa hãy nói.

Trong trấn nhỏ không ai quan tâm đến tên này.

Nhưng người xứ khác có thể vào trấn nhỏ hay không lại do người đàn ông này quyết định.

Hắn vừa đi về phía cổng hàng rào gỗ vừa đưa tay móc đũng quần.

Sau khi tên đàn ông quay lưng về phía Trần Bình An này mở cửa, thường thu của người khác một cái túi thêu nhỏ bỏ vào ống tay áo của mình, sau đó lần lượt cho qua.

Trần Bình An đã sớm nhường ra một con đường. Tám người đại khái chia làm năm tốp đi về hướng trấn nhỏ, ngoại trừ người trẻ tuổi đầu đội mũ cao, hông đeo ngọc bội xanh lá kia, còn có hai đứa trẻ bảy tám tuổi lần lượt đi qua. Bé trai mặc một bộ áo choàng màu đỏ tươi tắn, bé gái thì da dẻ trắng nõn như đồ sứ thượng hạng vậy.

Bé trai thấp hơn Trần Bình An nửa cái đầu, lúc đứa bé đi sát qua người hắn còn há miệng, mặc dù không phát ra âm thanh nhưng có khẩu hình rõ ràng, chắc là đã nói hai chữ, vẻ mặt đầy khiêu khích.

Vị phu nhân trung niên dắt theo bé trai khẽ hắng giọng, lúc này đứa bé mới thu liễm một chút.

Bé gái đi phía sau vị phu nhân và bé trai, cô được một ông lão cường tráng đầu tóc bạc trắng dắt theo. Cô bé quay đầu nói một tràng với Trần Bình An, không quên chỉ chỉ trỏ trỏ vào đứa bé trai cùng lứa đi phía trước.

Trần Bình An không hiểu cô bé đang nói gì, nhưng có thể đoán ra là cô đang tố cáo.

Ông lão cường tráng liếc nhìn thiếu niên giày cỏ một cái.

Chỉ là bị người khác cố tình hay vô ý nhìn một cái, Trần Bình An đơn thuần theo bản năng lui về sau một bước.

Giông như chuột nhìn thấy mèo.

Sau khi thấy cảnh này, cô bé vốn líu ríu như một con chim sẻ nhỏ cũng không có hứng thú châm dầu vào lửa nữa, quay đầu đi không nhìn Trần Bình An thêm cái nào, giống như nhìn thêm sẽ làm bẩn mắt của mình vậy.

Thiếu niên Trần Bình An quả thật chưa thấy việc đời, nhưng không có nghĩa là không biết nhìn sắc mặt.

Đợi đến khi đám người này đi xa, tên đàn ông giữ cửa cười hỏi:
– Có muốn biết bọn họ nói gì không?

Trần Bình An gật đầu đáp:
– Muốn.

Trung niên độc thân kia vui vẻ, cười hì hì nói:
– Khen ngươi vẻ ngoài đẹp trai, đều là lời khen cả.

Khóe miệng Trần Bình An giật giật, nghĩ thầm ông xem tôi là thằng ngốc à?

Người đàn ông kia nhìn thấu tâm tư của thiếu niên, càng cười vui vẻ hơn:
– Nếu như ngươi không ngốc, ông đây có thể để ngươi đưa thư sao?

Trần Bình An không dám phản bác, chỉ lo chọc giận tên này thì đồng tiền sắp đến tay lại bay đi mất.

Người đàn ông quay đầu sang nhìn về phía những người kia, đưa tay vuốt cằm râu ria xồm xoàm, thấp giọng tấm tắc nói:
– Cặp chân của bà cô vừa rồi có thể kẹp chết người đấy.

Trần Bình An do dự một lúc, hiếu kỳ hỏi:
– Vị phu nhân kia từng luyện võ sao?

Người đàn ông ngạc nhiên, cúi đầu nhìn thiếu niên, nghiêm túc nói:
– Thằng nhóc ngươi đúng là ngốc thật sự.

Thiếu niên không hiểu gì cả.

Hắn bảo Trần Bình An chờ, bước nhanh vào nhà, sau khi trở ra thì trong tay có thêm một xấp thư, không dày không mỏng khoảng chừng mười phong. Sau khi hắn đưa cho Trần Bình An thì hỏi:
– Kẻ ngốc có phúc ngốc, người tốt có báo tốt. Ngươi có tin không?

Một tay Trần Bình An cầm thư, bàn tay còn lại mở ra, chớp chớp mắt:
– Đã thỏa thuận trước là một phong thư một đồng tiền.

Người đàn ông kia thẹn quá hóa giận, cầm năm đồng tiền đã chuẩn bị trước đập mạnh vào lòng bàn tay thiếu niên, sau đó vung tay lên khí thế hào hùng nói:
– Còn lại năm đồng cho thiếu đi!

Chương 3 : Mặt trời mọc

Trấn này không lớn không nhỏ, hơn sáu trăm hộ gia đình. Trần Bình An nhận biết phần lớn gia đình nghèo khổ trong trấn, còn những gia đình giàu có của cải sung túc thì ngưỡng cửa quá cao, thiếu niên chân đất không đi vào được.

Thậm chí Trần Bình An còn chưa từng đặt chân đến những con ngõ rộng rãi nơi một số gia đình giàu có tụ tập. Con đường bên kia được lót bằng nhiều phiến đá xanh lớn, trời mưa cũng sẽ không đạp văng bùn lầy tung tóe. Trải qua người ngựa xe cộ giẫm đạp nghiền ép trăm ngàn năm, những phiến đá xanh phẩm chất cực tốt đó từ lâu đã được mài phẳng nhẵn bóng như gương.

Bốn họ Lư, Lý, Triệu, Tống là họ lớn trong trấn nhỏ, trường làng cũng là do mấy nhà này bỏ tiền thành lập, hầu hết đều sở hữu hai ba lò gốm lớn bên ngoài thành. Dinh thự của các đời quan giám sát lò gốm đều nằm cùng một con đường với mấy gia đình này.

Không khéo là mười phong thư mà Trần Bình An phải đưa hôm nay, gần như đều của những gia đình xa hoa nổi tiếng trong trấn nhỏ, điều này cũng rất hợp tình hợp lý. Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh con thì đào hang, người xa quê có thể gởi thư về nhà thì chắc chắn gia thế không tệ, nếu không cũng sẽ không có khả năng rời nhà đi xa.

Thực ra Trần Bình An chỉ cần đi đến hai nơi là đường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp để giao chín phong thư trong đó. Khi lần đầu tiên đạp lên phiến đá xanh lớn như ván giường, thiếu niên hơi thấp thỏm, bước chân chậm đi, lại có phần tự ti, không kìm được cảm thấy giày cỏ của mình làm bẩn mặt đường.

Phong thư đầu tiên Trần Bình An giao là của Lư gia, tổ tiên của gia tộc này từng nhận được ngọc như ý do hoàng đế ban tặng, khi thiếu niên đứng ở cửa thì càng lo lắng bất an.

Gia đình có tiền rất chú ý sự sang trọng, không cần nói đến nhà của Lư gia, nơi cửa đặt hai pho tương sư tử bằng đá cao ngang người, khí thế càng ép người. Tống Tập Tân nói thứ này có thể tránh hung trấn tà, Trần Bình An thì không rõ cái gì là hung tà, chỉ tò mò vì trong miệng sư tử cao ngang người hình như còn ngậm một quả cầu đá tròn quay, làm thế nào điêu khắc được như vậy?

Trần Bình An cố nén xung động muốn đi đến chạm vào quả cầu đá, bước lên bậc thang, gõ vang vòng cửa hình sư tử bằng đồng thau. Rất nhanh có một người trẻ tuổi mở cửa bước ra, vừa nghe nói là đến để đưa thư, vẻ mặt người nọ không biểu cảm, dùng hai ngón tay kẹp một góc phong thư. Sau khi cầm lấy phong thư kia thì xoay người bước nhanh vào trong nhà, dóng sập cánh cửa lớn có dán hình thần tài vẽ màu.

Sau đó quá trình đưa thư của thiếu niên cũng bình thường như vậy. Góc đường ngõ Đào Diệp có một hộ gia đình không nổi tiếng, người mở cửa là một cụ già thấp bé mặt mày hiền hậu, sau khi nhận thư bèn cười nói một câu:
– Chàng trai, vất vả rồi, có muốn vào nghỉ ngơi một chút, uống ngụm nước ấm không?

Thiếu niên cười ngượng ngùng, lắc đầu chạy đi.

Cụ già nhẹ nhàng bỏ phong thư kia vào tay áo, cũng không vội trở vào nhà mà ngẩng đầu nhìn về phương xa, ánh mắt đục ngầu.

Sau cùng ánh mắt nhìn chăm chú vào cây đào hai bên đường, từ cao đến thấp, từ xa đến gần, lúc này cụ già bề ngoài hom hem lẩm cẩm mới nở một nụ cười.

Cụ già xoay người rời đi.

Không lâu sau một con chim sẻ nhỏ màu sắc đáng yêu đậu trên đầu cành đào, chiếc mỏ như còn non nớt hót vang khe khẽ.

Phong thư chừa đến cuối cùng Trần Bình An phải đưa cho thầy giáo dạy học ở trường làng, trên đường đi ngang qua một gian hàng coi bói. Một đạo sĩ trẻ tuổi mặc đạo bào cũ kỹ lưng thẳng tắp trấn giữ sau bàn, đầu đội mũ cao giống như một đóa hoa sen nở rộ.

Đạo nhân trẻ tuổi thấy thiếu niên chạy qua, vội vàng mời chào:
– Anh bạn trẻ, đi qua thì đừng bỏ lỡ, tới rút một thẻ xăm. Bần đạo giúp cậu đoán một quẻ, có thể biết trước lành dữ họa phúc.

Trần Bình An không dừng bước, nhưng vẫn quay đầu sang xua xua tay.

Đạo nhân vẫn chưa hết hi vọng, nghiêng người về phía trước nói lớn:
– Anh bạn trẻ, trước kia bần đạo giải xăm cho người khác phải thu mười đồng tiền, hôm nay phá lệ chỉ lấy cậu ba đồng! Đương nhiên nếu rút ra xăm thượng thì cậu đừng ngại cho thêm một đồng tiền mừng, nếu vận may rơi xuống ra xăm thượng thượng thì bần đạo cũng chỉ thu của cậu năm đồng, thế nào?

Bước chân Trần Bình An ở phía xa rõ ràng hơi chậm lại. Đạo nhân trẻ tuổi vội vàng đứng dậy, tranh thủ thời cơ lớn tiếng nói:
– Vừa mới sáng sớm, anh bạn trẻ đây là vị khách đầu tiên. Bần đạo dứt khoát làm người tốt đến cùng, chỉ cần cậu ngồi xuống rút xăm, thực không dám giấu, bần đạo sẽ vẽ một ít lá bùa giấy vàng, có thể giúp cậu cầu phúc tích góp âm đức cho tổ tiên. Với bản lĩnh của bần đạo, không dám đảm bảo khiến cho người ta đầu thai vào nhà giàu sang phú quý, nhưng nếu muốn nhiều thêm vài phần phúc đức báo ứng thì vẫn nên thử một lần.

Trần Bình An ngẩn người, nửa tin nửa ngờ xoay người trở lại, ngồi lên ghế dài phía trước gian hàng.

Một đạo sĩ giản dị và một thiếu niên mộc mạc, hai kẻ lớn nhỏ nghèo rớt mồng tơi ngồi đối diện với nhau.

Đạo nhân mỉm cười vươn tay, ra hiệu cho thiếu niên cầm ống xăm lên.

Trần Bình An do dự, đột nhiên hỏi:
– Tôi không rút xăm, ông giúp tôi vẽ một lá bùa giấy vàng thôi có được không?

Trong trí nhớ của Trần Bình An, hình như vị đạo gia trẻ tuổi ngao du đến trấn nhỏ này đã ở lại ít nhất năm sáu năm rồi, dáng vẻ lại không hề thay đổi, gặp người nào cũng ôn hoà điềm đạm, ngày thường giúp người khác sờ xương xem tướng, tính quẻ rút xăm, thỉnh thoảng cũng giúp viết thư nhà.

Điều thú vị là ống xăm trên bàn kia có một trăm lẻ tám thẻ xăm bằng trúc, qua nhiều năm như vậy, nam nữ trong trấn nhỏ đến rút xăm lại không ai rút được xăm thượng thượng, cũng không ai lắc ra một thẻ xăm hạ từ trong ống, giống như cả một trăm lẻ tám thẻ xăm đều là trung thượng chứ không có xăm xấu.

Cho nên vào dịp lễ tết vì muốn cầu may mắn, dân chúng trong trấn nhỏ cũng có thể chấp nhận tốn mười đồng tiền. Nếu thật sự gặp phải chuyện phiền lòng, chắc chắn sẽ không ai muốn tới nơi này tiêu xài hoang phí.

Nếu nói vị đạo sĩ này hoàn toàn là một tay lường gạt cũng oan uổng cho người ta, trấn lớn như vậy, nếu quả thật chỉ biết giả thần giả quỷ, lừa đảo bịp bợm thì đã sớm bị đuổi ra ngoài rồi. Cho nên nói bản lĩnh của vị đạo nhân trẻ tuổi này chắc chắn không nằm ở hai chuyện xem tướng và giải xăm. Có rất nhiều người mắc vài bệnh nhỏ, chỉ cần uống một chén nước bùa của đạo nhân là có thể nhanh chóng khỏi bệnh, khá là linh nghiệm.

Đạo nhân trẻ tuổi lắc đầu nói:
– Bần đạo làm việc không lừa gạt người già hay trẻ con, đã nói trước là giải xăm cộng thêm vẽ bùa sẽ thu của cậu năm đồng tiền.

Trần Bình An thấp giọng phản bác:
– Là ba đồng.

Đạo nhân cười ha hả nói:
– Ngộ nhỡ rút ra xăm thượng thượng, chẳng phải là năm đồng sao.

Trần Bình An hạ quyết tâm đưa tay cầm lấy ống xăm, bỗng nhiên lại ngẩng đầu hỏi:
– Đạo trưởng làm sao biết trên người ta vừa vặn có năm đồng tiền?

Đạo nhân ngồi ngay ngắn:
– Bần đạo nhìn người phúc khí dày mỏng, tài vận nhiều ít luôn rất chuẩn xác.

Trần Bình An suy nghĩ một lúc, cầm ống xăm kia lên.

Đạo nhân mỉm cười nói:
– Anh bạn trẻ, không cần khẩn trương, cái số đã có thì cuối cùng sẽ có, cái số không có thì đừng nên cưỡng cầu, dùng tấm lòng bình thường đối đãi với chuyện vô thường chính là cách vẹn toàn tốt nhất.

Trần Bình An lại bỏ ống xăm xuống bàn, vẻ mặt trịnh trọng hỏi:
– Đạo trưởng, tôi đưa cả năm đồng tiền cho ông, cũng không rút xăm nữa, chỉ xin đạo trưởng vẽ lá bùa giấy vàng kia tốt hơn bình thường một chút, được không?

Đạo nhân vẫn tươi cười, suy nghĩ một lúc rồi gật đầu nói:
– Được.

Trên bàn bút mực nghiên giấy đã sẵn sàng, đạo nhân cẩn thận hỏi thăm tên họ quê quán ngày sinh của cha mẹ Trần Bình An, sau đó rút một lá bùa màu vàng ra, nhanh chóng vẽ xong một cách gọn gàng lưu loát.

Còn như vẽ cái gì thì Trần Bình An hoàn toàn mù tịt.

Đạo nhân trẻ tuổi đặt bút xuống, cầm lá bùa kia lên, thổi thổi nét mực:
– Sau khi cầm về nhà, cậu đứng ở trong ngưỡng cửa, đốt giấy vàng ở bên ngoài ngưỡng cửa là được rồi.

Thiếu niên trịnh trọng cầm lấy lá bùa kia, cẩn thận cất vào như cất vật quý, không quên đặt năm đồng tiền lên bàn, cúi người cảm ơn.

Đạo nhân trẻ tuổi phất phất tay, ra hiệu cho thiếu niên tiếp tục làm chuyện của mình.

Trần Bình An vội vàng chạy đi đưa phong thư cuối cùng.

Đạo nhân uể oải dựa vào ghế, liếc nhìn mấy đồng tiền, khom lưng đưa tay quơ chúng đến trước người.

Ngay lúc này một con chim sẻ xinh xắn hoạt bát từ trời cao bay nhào xuống mặt bàn, mổ nhẹ vào một đồng tiền, sau đó nhanh chóng mất hứng, rung cánh bay đi xa.

– Chim sẻ muốn đến ngậm đóa hoa, nhà anh trồng đào còn chưa nở.

Đạo nhân thong thả đọc xong câu thơ này, sau đó khẽ vung tay áo ra vẻ tiêu sái, thở dài nói:
– Số mệnh tám thước đừng cầu một trượng. (1)

Tay áo vừa vung lên thì có hai thẻ xăm bằng trúc từ bên trong trượt xuống, rơi trên mặt đất. Đạo nhân kêu một tiếng “ôi chao”, vội vàng nhặt lên. Sau đó lén lút nhìn xung quanh, phát hiện tạm thời không có ai để ý bên này mới giống như trút được gánh nặng, lại cầm hai thẻ xăm bằng trúc kia giấu vào trong ống tay áo rộng.

Đạo nhân trẻ tuổi hắng giọng một tiếng, nghiêm mặt lại, tiếp tục ôm cây đợi thỏ chờ vị khách kế tiếp.

Hắn có phần cảm khái, quả nhiên kiếm tiền của nữ nhân vẫn dễ dàng hơn.

Thực ra trong tay áo đạo nhân trẻ tuổi giấu hai thẻ xăm bằng trúc, một thẻ là xăm thượng thượng còn một thẻ là xăm hạ hạ, đều dùng để kiếm nhiều tiền hơn.

Không thể để người ngoài biết được.

Thiếu niên dĩ nhiên không biết những huyền cơ ảo diệu này, bước chân ung dung đi đến bên ngoài ngôi trường làng kia, gần đó là rừng trúc um tùm, xanh tươi ướt át.

Trần Bình An đi chậm lại. Trong nhà vang lên giọng nói thuần hậu của người trung niên:
– Mặt trời chiếu rọi, lông cừu nhẵn bóng.

Sau đó là những giọng nói non nớt trong trẻo vang lên một cách chỉnh tề:
– Mặt trời chiếu rọi, lông cừu nhẵn bóng.

Trần Bình An ngẩng đầu nhìn, trông thấy mặt trời vừa mọc ở phía đông, huy hoàng rộng lớn.

Thiếu niên nhìn đến xuất thần.

Chờ hắn khôi phục tinh thần lại, đám trẻ học vỡ lòng đang gật gù đắc ý, thành thạo đọc thuộc lòng một đoạn văn theo yêu cầu của thầy giáo:
– Vào lễ Kinh Trập, trời đất sinh sôi, vạn vật phồn vinh. Ngủ sớm dậy sớm, dạo bước trong sân, quân tử chầm chậm, thích ứng tự nhiên…

Trần Bình An đứng ở cửa lớp, muốn nói lại thôi.

Nho sĩ trung niên tóc mai pha sương quay đầu nhìn lại, nhẹ nhàng đi ra khỏi lớp.

Trần Bình An dùng hai tay đưa thư tới, cung kính nói:
– Đây là thư của tiên sinh.

Người đàn ông cao lớn mặc áo xanh cầm lấy phong thư, sau đó ôn hòa nói:
– Về sau lúc rảnh rỗi ngươi có thể đến nơi này dự thính.

Trần Bình An hơi khó xử, dù sao hắn chưa chắc đã có thời gian tới đây nghe vị thầy giáo này dạy học, thiếu niên không muốn lừa gạt ông ta.

Người đàn ông kia cười cười, hiểu ý nói:
– Không sao, đạo lý đều ở trong sách, làm người lại ở ngoài sách. Ngươi cứ làm việc đi.

Trần Bình An thở phào một hơi, cáo từ rời đi.

Sau khi thiếu niên chạy đi rất xa, ma xui quỷ khiến thế nào bỗng quay đầu nhìn lại.

Hắn trông thấy vị tiên sinh kia vẫn đứng ở cửa, bóng dáng đắm chìm trong ánh mặt trời, nhìn từ xa giống như thần tiên.

Chương 4 : Chim sẻ

Nếu không đi qua đường Phúc Lộc hay ngõ Đào Diệp, có thể cả đời này Trần Bình An cũng không nhận ra được sự tối tăm chật hẹp của ngõ Nê Bình. Nhưng thiếu niên giày cỏ chẳng những không có cảm giác mất mát, ngược lại cuối cùng cảm thấy an lòng.

Hắn mỉm cười đưa hai tay ra, vừa khéo lòng bàn tay chạm vào vách tường bằng đất vàng hai lần. Nhớ lại khoảng ba bốn năm trước, hắn chỉ có thể dùng đầu ngón tay chạm đến tường đất mà thôi.

Đi đến trước nhà mình, phát hiện cửa viện mở rộng, Trần Bình An tưởng rằng bị trộm nên vội vàng chạy vào trong. Kết quả nhìn thấy một thiếu niên cao lớn đang ngồi trên ngưỡng cửa, dựa lưng vào cửa nhà bị khóa, tâm trạng buồn chán ngáp ngắn ngáp dài.

Sau khi nhìn thấy Trần Bình An, hắn lập tức đứng dậy giống như mông bị lửa đốt, chạy đến trước người Trần Bình An, nắm chặt lấy cánh tay đối phương kéo về phía cửa, thấp giọng nói:
– Mau mở cửa, có chuyện quan trọng muốn nói với ngươi!

Trần Bình An không thể giãy thoát khỏi tay tên này, đành phải để hắn kéo đến mở cửa nhà. Thiếu niên cường tráng lớn hơn hai tuổi nhanh chóng bỏ Trần Bình An ra, rón ra rón rén mò lên giường gỗ của Trần Bình An, ghé chặt tai vào tường nghe ngóng động tĩnh ở sát vách.

Trần Bình An hiếu kỳ hỏi:
– Lưu Tiện Dương, ngươi đang làm gì vậy?

Thiếu niên cao lớn nghe được câu hỏi của Trần Bình An vẫn nhắm mắt làm ngơ, sau khoảng nửa nén nhang thì Lưu Tiện Dương khôi phục bình thường, ngồi bên mép giường gỗ, sắc mặt phức tạp, có vẻ thư thái cũng có vẻ nuối tiếc.

Lúc này Lưu Tiện Dương mới phát hiện Trần Bình An đang làm một chuyện kỳ lạ, ngồi xổm ở trong cửa, thân thể nghiêng ra bên ngoài, dùng một khúc nến chỉ còn lại chừng ngón cái đốt cháy một tờ giấy vàng, tro tàn đều rơi bên ngoài ngưỡng cửa. Dường như Trần Bình An còn liên tục lẩm bẩm, có điều cách hơi xa nên Lưu Tiện Dương nghe không rõ ràng.

Lưu Tiện Dương là đệ tử thân truyền của lão Diêu ở một lò gốm lâu đời, còn về Trần Bình An tư chất đần độn, ông lão từ đầu đền cuối vẫn không thật sự thu nhận tên đồ đệ này. Tại bản địa nếu như đồ đệ không dâng trà bái sư, hoặc sư phụ không uống ly trà kia thì chẳng khác nào không có danh phận thầy trò.

Trần Bình An và Lưu Tiện Dương không phải là hàng xóm, nhà tổ hai bên cách nhau rất xa. Khi đó sở dĩ Lưu Tiện Dương giới thiệu Trần Bình An cho lão Diêu, là do hai thiếu niên từng có một đoạn ân oán năm xưa.

Lưu Tiện Dương từng là thiếu niên ngỗ nghịch nổi danh trấn nhỏ, trước khi ông nội qua đời thì trong nhà dù sao cũng còn một trưởng bối quản thúc. Sau khi ông nội hắn bị bệnh qua đời, thiếu niên mười hai mười ba tuổi đã cao lớn không kém gì thanh niên trai tráng, trở thành ma vương quậy phá khiến hàng xóm láng giềng đều đau đầu.

Về sau chẳng biết vì sao Lưu Tiện Dương lại chọc giận một đám con cháu Lư gia, kết quả bị người ta chặn đường trong ngõ Nê Bình đánh cho một trận bầm dập. Đối phương đều là thiếu niên đang trong thời kỳ bốc đồng, ra tay không hề tính toán nặng nhẹ, Lưu Tiện Dương nhanh chóng bị đánh cho liên tục nôn ra máu. Hơn mười hộ gia đình ở ngõ Nê Bình phần lớn là thợ cấp thấp làm việc ở lò gốm nhỏ để kiếm cơm ăn, nào dám nhúng tay vào vũng nước đục này.

Khi đó Tống Tập Tân hoàn toàn không sợ, ngược lại còn thích thú ngồi xổm trên đầu tường xem náo nhiệt, chỉ lo thiên hạ không loạn.

Đến cuối cùng chỉ có một đứa trẻ gầy như que củi lén lút chuồn ra sau viện, chạy đến đầu ngõ nhìn ra đường cái hô lớn:
– Chết người rồi, chết người rồi…

Nghe được hai chữ “chết người”, lúc này đám con cháu Lư gia mới giật mình bừng tỉnh. Trông thấy Lưu Tiện Dương nằm dưới đất khắp người đầy vết máu, thiếu niên cao lớn chỉ còn thoi thóp một hơi, đám con cháu nhà giàu chưa thành niên kia cuối cùng cảm thấy sợ hãi, đưa mắt nhìn nhau rồi bỏ chạy về đầu bên kia ngõ Nê Bình.

Nhưng sau đó Lưu Tiện Dương chẳng những không cảm kích đứa trẻ cứu mạng mình, ngược lại thường tới bên này trêu chọc đùa giỡn. Đứa trẻ mồ côi kia cũng ương ngạnh, mặc kệ Lưu Tiện Dương ức hiếp thế nào cũng không chịu khóc, khiến cho hắn càng phẫn uất. Thế nhưng có một năm sau này, Lưu Tiện Dương thấy cô nhi nhỏ họ Trần kia đoán chừng không qua nổi mùa đông, cuối cùng lương tâm trỗi dậy. Hắn đã bái sư học nghề làm gốm, bèn dẫn theo cô nhi đi đến lò gốm nằm ở bên khe suối.

Ra khỏi trấn nhỏ đi về hướng tây mười mấy dặm đường núi giữa trời tuyết lớn, đến bây giờ Lưu Tiện Dương vẫn không hiểu được thằng nhóc dáng dấp như than củi, cặp chân rõ ràng nhỏ như cây sào tre kia làm thế nào đi tới lò gốm được?

Có điều mặc dù lão Diêu cuối cùng vẫn giữ Trần Bình An lại, nhưng đối xử với hai người lại khác biệt một trời một vực. Tuy rằng cũng đánh cũng mắng đệ tử thân truyền Lưu Tiện Dương, nhưng người mù cũng cảm nhận được tâm tư hao phí trong đó. Chẳng hạn có lần đánh hơi nặng tay khiến cho trán Lưu Tiện Dương rỉ máu, thiếu niên da thô thịt dày không cảm thấy gì, nhưng lão Diêu làm sư phụ lại rất hối hận. Ông lão khó đoán này đã quen tỏ ra uy nghiêm trước mặt đồ đệ, vì ngại mặt mũi nên không tiện nói gì, kết quả đi lòng vòng trong phòng mình hơn nửa đêm vẫn không yên lòng về Lưu Tiện Dương, cuối cùng đành phải gọi Trần Bình An tới đưa cho Lưu Tiện Dương một bình thuốc bôi.

Nhiều năm như vậy Trần Bình An vẫn luôn rất hâm mộ Lưu Tiện Dương.

Không phải hâm mộ Lưu Tiện Dương thiên phú cao, sức lực lớn, quan hệ tốt, chỉ là hâm mộ tính cách không sợ trời không sợ đất của Lưu Tiện Dương, đi đến đâu cũng không cần lo lắng, trước giờ cũng không cảm thấy sống một mình là chuyện tệ hại gì. Bất kể Lưu Tiện Dương đến nơi nào, chung sống với ai cũng có thể nhanh chóng thân thiết, xưng huynh gọi đệ, uống rượu tù tì.

Bởi vì thân thể ông nội Lưu Tiện Dương không tốt nên từ rất sớm hắn đã phải tự lực cánh sinh, trở thành nhân vật giống như vua của đám trẻ. Bắt rắn, đánh cá, moi tổ chim, việc gì cũng thông thạo, cung gỗ cần câu, giàn ná lồng chim, giống như thứ gì Lưu Tiện Dương cũng biết làm. Nhất là hai chuyện bắt cá chạch và câu lươn ở bờ ruộng nông thôn, thiếu niên chắc chắn là người giỏi nhất trong trấn nhỏ.

Thực ra năm đó lúc Lưu Tiện Dương nghỉ học ở trường làng, vị Tề tiên sinh kia còn có lòng đi tìm ông nội của Lưu Tiện Dương đang nằm trên giường bệnh, bảo rằng có thể không thu một đồng tiền học nào. Nhưng Lưu Tiện Dương nhất quyết không đáp ứng, nói rằng hắn chỉ muốn kiếm tiền chứ không muốn đọc sách. Tề tiên sinh nói có thể bỏ tiền thuê Lưu Tiện Dương làm thư đồng của mình, nhưng Lưu Tiện Dương vẫn không chịu gật đầu.

Trên thực tế Lưu Tiện Dương sống rất tốt, cho dù lão Diêu đã chết, lò gốm bị đóng cửa, chỉ mấy ngày sau hắn đã được thợ rèn ở ngõ Kỵ Long nhìn trúng, bắt đầu xây dựng nhà lá bếp lò ở phía nam trấn nhỏ, vô cùng bận rộn.

Lưu Tiện Dương nhìn Trần Bình An thổi tắt nến đặt lên bàn, hắn thấp giọng hỏi:
– Bình thường vào sáng sớm ngươi có nghe được tiếng kêu kỳ lạ không, giống như…

Trần Bình An ngồi trên ghế dài, yên lặng chờ đợi đoạn sau.

Lưu Tiện Dương do dự một lúc, lần đầu tiên hơi đỏ mặt:
– Giống như tiếng mèo động dục.

Trần Bình An hỏi:
– Là Tống Tập Tân học mèo kêu, hay là Trĩ Khuê?

Lưu Tiện Dương trợn trắng mắt, không làm chuyện đàn gảy tai trâu nữa, hai tay chống lên ván giường, chậm rãi cong khuỷu tay, sau đó duỗi thẳng cánh tay, mông rời khỏi ván giường, hai chân rời khỏi mặt đất. Mông của hắn treo giữa không trung, bĩu môi châm chọc:
– Trĩ Khuê cái gì, rõ ràng tên là Vương Chu. Từ nhỏ họ Tống đã thích khoe khoang vớ vẩn, chẳng biết từ đâu nhìn thấy hai chữ “Trĩ Khuê” nên dùng lung tung, cũng mặc kệ ý nghĩa của hai chữ này có tốt hay không. Vương Chu gặp phải một công tử như vậy đúng là kiếp trước gây nghiệp, nếu không thì cũng không đến mức phải chịu tội chịu khổ bên cạnh Tống Tập Tân.

Trần Bình An không hùa theo ý kiến của thiếu niên cao lớn.

Lưu Tiện Dương vẫn giữ nguyên tư thế, hừ lạnh nói:
– Ngươi thật sự không hiểu à? Tại sao ngươi giúp nha đầu Vương Chu kia xách nước một lần, sau đó cô ấy lại không nói chuyện tán gẫu với ngươi nữa? Bảo đảm là do tên Tống Tập Tân kia bụng dạ hẹp hòi, vì ghen tuông nên đã đe dọa Vương Chu không cho liếc ngang liếc dọc với ngươi, nếu không thì sẽ dùng gia pháp trừng phạt, chẳng những đánh gãy chân cô ấy mà còn ném ra ngoài ngõ Nê Bình…

Trần Bình An thật sự nghe không nổi nữa, bèn ngắt lời Lưu Tiện Dương:
– Tống Tập Tân đối xử với cô ấy không xấu.

Lưu Tiện Dương thẹn quá hóa giận nói:
– Ngươi biết cái gì tốt cái gì xấu sao?

Ánh mắt Trần Bình An trong suốt, nhẹ giọng nói:
– Có đôi khi cô ấy làm việc trong sân, Tống Tập Tân ngồi trên ghế đọc quyển Địa Phương Huyện Chí gì đó của hắn, lúc cô ấy nhìn Tống Tập Tân thì luôn mỉm cười.

Ánh mắt Lưu Tiện Dương ngớ ra.

Bỗng nhiên giường gỗ đơn bạc không chịu nổi trọng lượng của Lưu Tiện Dương, từ giữa gãy thành hai nửa, khiến thiếu niên cao lớn nện mông xuống đất.

Trần Bình An cũng ngồi xổm xuống đất, hai tay ôm đầu thở vắn than dài, cảm thấy hơi nhức đầu.

Lưu Tiện Dương gãi gãi đầu đứng dậy, cũng không nói lời áy náy nào, chỉ khẽ đá Trần Bình An một cái, nhếch mép cười nói:
– Được rồi, không phải chỉ là một chiếc giường nhỏ rách nát sao. Hôm nay ta tới là để mang cho ngươi một tin tức tốt lành, chắc chắn là đáng giá hơn cái giường tồi tàn này của ngươi!

Trần Bình An ngẩng đầu lên.

Lưu Tiện Dương đắc ý nói:
– Sau khi Nguyễn sư phụ nhà ta rời khỏi trấn nhỏ, đến bên khe suối phía nam đột nhiên nói rằng muốn đào mấy cái giếng. Ban đầu nhân lực không đủ nên cần gọi người giúp đỡ, ta bèn buột miệng đề cử ngươi, nói rằng có một quả bí đao lùn sức lực tạm được. Nguyễn sư phụ cũng đã đồng ý, bảo ngươi trong hai ngày tự đi tới đó.

Trần Bình An đột nhiên đứng dậy, muốn nói một tiếng cám ơn.

Lưu Tiện Dương lại giơ một bàn tay lên:
– Dừng lại, dừng lại! Đại ân không cần nói cám ơn! Nhớ ở trong lòng là được!

Trần Bình An cắn răng trợn mắt.

Lưu Tiện Dương nhìn chung quanh, thấy góc tường có một chiếc cần câu đặt nghiêng, nơi cửa sổ để một giàn ná, trên vách tường treo cung gỗ. Thiếu niên cao lớn muốn nói lại thôi, cuối cùng vẫn nhịn được không lên tiếng.

Hắn bước dài vượt qua ngưỡng cửa, cố ý đi vòng qua đống tro tàn của lá bùa kia.

Trần Bình An nhìn theo bóng lưng cao lớn của hắn.

Lưu Tiện Dương đột nhiên xoay người, đối diện với Trần Bình An đang đứng trong ngưỡng cửa. Thiếu niên cao lớn khom người, chân không rời đất, xông thẳng tới mấy bước tung ra một quyền mạnh mẽ, sau đó thu quyền thẳng lưng, lớn tiếng cười nói:
– Nguyễn sư phụ đã lén nói với ta, chỉ cần luyện quyền pháp này một năm là có thể đánh chết người!

Lưu Tiện Dương dường như cảm thấy chưa đã ghiền, lại thực hiện một động tác đá chân kỳ lạ, cười nói:
– Đây gọi là chân khỏe tất vào háng, đá chết lừa say rượu! (1)

Cuối cùng Lưu Tiện Dương giơ ngón cái chỉ chỉ vào ngực mình, vênh váo nói:
– Lúc Nguyễn sư phụ truyền thụ quyền pháp cho ta, ta có vài suy nghĩ tâm đắc nên đã tán gẫu với ông ấy, chẳng hạn như cảm ngộ của ta về tuyệt học làm gốm bí truyền “Khiêu Đao” của lão Diêu. Nguyễn sư phụ khen ta là kỳ tài luyện võ trăm năm mới gặp. Sau này ngươi cứ theo ta lăn lộn, ăn uống no say không thiếu phần ngươi!

Khóe mắt Lưu Tiện Dương liếc thấy nha hoàn ở sát vách đã vào nhà, trong thoáng chốc không còn hứng thú diễn vai anh hùng hảo hán nữa, thuận miệng nói với Trần Bình An:
– Đúng rồi, ban nãy lúc ta đi qua cây hòe già, chỗ đó có một lão già tự xưng là “người kể chuyện” đang loay hoay bày sạp, còn nói lão đã tích góp một bụng chuyện lý thú về các kỳ nhân muốn kể với chúng ta, nếu ngươi rảnh rỗi có thể đi xem thử.

Trần Bình An gật đầu.

Lưu Tiện Dương bước nhanh rời khỏi ngõ Nê Bình.

Trấn nhỏ lưu truyền rất nhiều câu chuyện về thiếu niên bướng bỉnh đi lại một mình này, nhưng thiếu niên thích tự nhận tổ tiên là tướng quân mang binh đánh giặc, cho nên nhà hắn mới có món bảo giáp truyền thừa nhiều đời kia.

Trần Bình An đã tận mắt nhìn thấy một lần, nói là bảo giáp chứ thực ra hình dạng của nó rất xấu, giống như mụn cóc trên người, lại giống như vảy kết trên cây già vậy.

Nhưng đám bạn cùng lứa với Lưu Tiện Dương lại không nói như vậy, chỉ nói tổ tiên của Lưu Tiện Dương là một tên lính đào ngũ chạy trốn tới trấn nhỏ, chấp nhận ở rể nhà người khác, may mắn mới thoát khỏi quan phủ truy bắt. Bọn chúng nói chắc như đinh đóng cột, giống như đã tận mắt nhìn thấy tổ tiên của Lưu Tiện Dương trốn khỏi chiến trường ra sao, lê lết đến trấn nhỏ này như thế nào.

Trần Bình An suy nghĩ một lúc, ngồi xổm bên cạnh ngưỡng cửa, cúi đầu thổi bay đống tro tàn kia.

Chẳng biết từ lúc nào Tống Tập Tân đã đứng ở bên kia tường viện, bên cạnh là tỳ nữ Trĩ Khuê. Hắn hô lên:
– Có muốn đến chỗ cây hòe chơi với chúng ta không?

Trần Bình An ngẩng đầu lên:
– Không đi đâu.

Tống Tập Tân nhếch mép:
– Đồ chán ngắt.

Hắn quay đầu cười nói với nha hoàn của mình:
– Trĩ Khuê, chúng ta đi thôi! Đi mua cho cô một bình phấn hoa đào bụng tướng quân. (2)

Cô ngượng ngùng nói:
– Một lọ nho nhỏ là đủ rồi.

Tống Tập Tân chắp hai tay sau lưng, ngẩng đầu ưỡn ngực, bước dài đi tới trước:
– Người của Tống gia ta quen sống xa hoa, mấy đời nhung lụa sao có thể hẹp hòi, chẳng phải là làm nhục nếp nhà?

Trần Bình An ngồi ở ngưỡng cửa dụi dụi trán. Thực ra lúc Tống Tập Tân này không nói những lời bậy bạ kia thì cảm giác gây cho người ta cũng không tệ, nhưng ví dụ như lúc này, nếu Lưu Tiện Dương có mặt thì nhất định sẽ nói hắn rất muốn cầm một cục gạch đập vào gáy Tống Tập Tân.

Trần Bình An nghiêng người dựa vào cửa nhà, suy nghĩ đến tình cảnh ngày mai quá nửa sẽ giống như hôm nay, ngày mốt thì sẽ giống như ngày mai, cứ lặp đi lặp lại, thế là cuộc đời của Trần Bình An hắn sẽ luôn tiếp tục như vậy, cho đến cuối cùng đi theo lão Diêu.

Người ăn đất cả đời, đất ăn người một lần.

Đến cuối đời nhắm mắt, khi mở ra có lẽ đã là chuyện của đời sau rồi.

Thiếu niên cúi đầu nhìn giày cỏ dưới chân, đột nhiên mỉm cười.

Giẫm trên phiến đá xanh và giẫm vào đống bùn lầy, cảm giác không giống nhau cho lắm.

Lưu Tiện Dương rời khỏi con ngõ nhỏ, lúc đi qua gian hàng coi bói, đạo nhân trẻ tuổi kia lại mời chào:
– Tới đây, tới đây, bần đạo thấy khí sắc của cậu như lửa nóng đun dầu, tuyệt đối không phải là điềm lành. Nhưng đừng lo lắng, bần đạo có một phương pháp giúp cậu tiêu trừ tai nạn…

Lưu Tiện Dương thoáng ngạc nhiên, nhớ được đạo sĩ này trước kia thường giải xăm đoán mệnh cho người khác. Chưa nói đến chuyện đúng hay sai, nhưng người này thật sự chưa từng chủ động mời chào, gần như đều do người khác tình nguyện mắc câu. Chẳng lẽ hiện nay lò gốm bị quan phủ triều đình đóng cửa, đạo sĩ này cũng bị vạ lây không kiếm ăn được gì, cho nên thà rằng giết lầm còn hơn bỏ sót?

Lưu Tiện Dương cười mắng:
– Phương pháp của ngươi là dùng tiền để tiêu trừ tai nạn đúng không? Cút ngay cho đại gia ngươi, muốn lừa tiền trong túi ta thì chờ kiếp sau đi!

Đạo nhân trẻ tuổi cũng không tức giận, hô to với thiếu niên cao lớn kia:
– Chỉ mong năm nay được thịnh vượng, ai ngờ số mệnh có tai ương. Không họa chẳng chịu cầu thần tiên, muốn được yên ổn thì thắp hương… nên thắp hương đấy…

Lưu Tiện Dương bỗng xoay người, chạy nhanh như bay về phía gian hàng coi bói, vừa xoa tay vừa la lên:
– Thắp hương đúng không, ta đốt gian hàng của ngươi trước đã!

Đạo nhân hiển nhiên bị dọa cho hoảng hồn, sau khi đứng dậy cũng không quan tâm tới gian hàng được nữa, chạy vắt giò lên cổ.

Lưu Tiện Dương đứng bên cạnh gian hàng, cười sằng sặc nhìn bóng dáng chật vật của đạo nhân. Hắn liếc thấy ống xăm trên bàn bèn tùy ý đưa tay hất ngã nó, những thẻ xăm bằng trúc kêu rào rào trượt ra khỏi ống, cuối cùng tạo thành hình quạt trên bàn.

Lưu Tiện Dương đưa tay chỉ vào đạo nhân đã dừng lại ở phía xa:
– Sau này gặp ngươi lần nào đánh lần đó!

Đạo nhân trẻ tuổi chắp tay thi lễ, cầu xin dung thứ.

Lúc này Lưu Tiện Dương mới bỏ qua.

Đợi đến khi thiếu niên cao lớn đi xa, đạo nhân trẻ tuổi mới dám ngồi xuống lại, thở dài:
– Thế đạo gian khổ, lòng người không chất phác như xưa, hại bần đạo muốn sống qua ngày cũng không dễ dàng.

Ngay lúc này ánh mắt đạo nhân sáng lên, vội nhắm mắt lại cao giọng nói:
– Hồ nước đầy… ếch kêu hỗn loạn, thứ đâm lòng người là nhân tâm. Nơi này công danh bèo trên nước, chỉ cần gió thổi dạt bốn phương!

Đôi thiếu niên thiếu nữ kia hiển nhiên nghe được lời nói của đạo nhân, chỉ tiếc là không có ý dừng lại.

Đạo nhân khẽ mở mí mắt, trông thấy lại sắp bỏ lỡ một vụ làm ăn, đành phải vỗ vào mặt bàn nói lớn:
– Trạng nguyên vốn đến từ nhân gian, tể tướng chỉ là kẻ trên đời. Học theo tiên nhân danh tiếng lớn, đắc ý hả hê tinh khí thần!

Tống Tập Tân và tỳ nữ Trĩ Khuê vẫn tiếp tục đi tới.

Đạo nhân chán nản ủ rũ, thấp giọng lẩm bẩm:
– Cuộc sống này không qua nổi rồi.

Thiếu niên bỗng quay đầu sang, từ xa xa ném cho đạo nhân trẻ tuổi một đồng tiền, cười rạng rỡ nói:
– Nhờ lời chúc lành của ngươi!

Đạo nhân vội vàng chụp lấy đồng tiền, khi mở bàn tay ra xem thì lại rầu rĩ, bởi vì đó chỉ là một đồng tiền nhỏ nhất.

Có điều đạo nhân trẻ tuổi vẫn nhẹ nhàng đặt đồng tiền này lên bàn.

Trong nháy mắt bỗng có một con chim sẻ lao nhanh xuống bàn, cúi đầu mổ nhẹ vào đồng tiền kia, sau đó ngậm nó trong miệng, ngẩng đầu nhìn về đạo nhân trẻ tuổi, tròng mắt linh động không khác gì con người.

Đạo nhân nhẹ giọng nói:
– Đi thôi, nơi này không thích hợp ở lâu.

Chim sẻ nhoáng lên rồi biến mất.

Đạo nhân trẻ tuổi nhìn chung quanh, cuối cùng ánh mắt dừng lại ở ngôi miếu thờ cao cao phía xa, vừa lúc đối diện với tấm biển bốn chữ “Khí Xung Đấu Ngưu”, cảm khái nói:
– Đáng tiếc thật.

Cuối cùng đạo nhân bổ sung một câu:
– Nếu có thể cầm ra ngoài bán, thế nào cũng được một ngàn tám trăm lượng bạc chứ?

Chương 5 : Vạch trần

Tống Tập Tân dẫn theo tỳ nữ Trĩ Khuê đến dưới cây hòe già, phát hiện dưới bóng cây đã đầy ắp người. Gần năm mươi người ngồi trên ghế dài từ nhà mình mang tới, còn có trẻ con dắt tay trưởng bối lục tục kéo tới xem náo nhiệt.

Tống Tập Tân và cô đứng sánh vai ven rìa bóng cây, trông thấy một ông lão đứng ở dưới cây, một tay cầm chén trắng lớn, một tay để sau người, vẻ mặt hăng hái lớn tiếng nói:
– Vừa rồi đã nói đại khái về hướng đi của long mạch, bây giờ ta lại nói một chút về chân long này. Chậc chậc, chuyện này đúng là ghê gớm. Khoảng ba ngàn năm trước trên đời xuất hiện một vị thần tiên tài giỏi, ban đầu chuyên tâm tu hành trong một động tiên, sau khi chứng được đại đạo thì một mình cầm kiếm ngao du thiên hạ, trong tay cầm ba thước khí khái bộc lộ tài năng. Chẳng biết tại sao người này cứ muốn đối phó với giao long, suốt ba trăm năm hễ thấy giao long là lại xử trảm, giết đến khi thế gian không còn chân long mới thôi, cuối cùng không biết tung tích. Có người nói y đã đi đến nơi đạo pháp đỉnh cao, ngồi luận đạo với Đạo Tổ; cũng có người nói là đi Phật quốc Tây Phương cực lạc ở rất xa, tranh luận phật pháp với Phật Đà; còn có người nói y đã tự mình trấn giữ cửa lớn của Phong Đô địa phủ, ngăn ngừa quỷ quái làm hại nhân gian…

Lão tiên sinh nói đến nước bọt văng tứ tung, nhưng tất cả dân chúng trấn nhỏ bên dưới đều làm thinh, vẻ mặt ai nấy cũng ngơ ngác.

Tỳ nữ hiếu kỳ thấp giọng hỏi:
– Ba thước khí khái là cái gì?

Tống Tập Tân cười đáp:
– Chính là kiếm.

Tỳ nữ bực bội nói:
– Công tử, lão nhân gia này đúng là quá thích khoe khoang học vấn rồi, kể chuyện cũng không chịu nói rõ ràng.

Tống Tập Tân liếc nhìn ông lão, giống như cười trên nỗi đau của người khác nói:
– Trấn nhỏ của chúng ta không có mấy người biết chữ, vị tiên sinh kể chuyện này xem như là liếc mắt đưa tình với người mù rồi.

Tỳ nữ lại hỏi:
– Động tiên lại là cái gì? Trên đời thật sự có người sống đến ba trăm tuổi à? Còn có Phong Đô địa phủ kia, không phải là nơi người chết mới tới được sao?

Tống Tập Tân bị hỏi khó, lại không muốn lòi cái dốt nên thuận miệng nói:
– Đều là nói hưu nói vượn, có lẽ đọc được mấy quyển sách tạp lục vớ vẩn nên mang ra lừa gạt thôn phu quê mùa.

Tại khoảnh khắc này, Tống Tập Tân nhạy bén phát hiện ông lão kia không biết vô tình hay cố ý nhìn mình một cái. Mặc dù chỉ là ánh mắt lướt qua nhanh như chuồn chuồn chạm nước, nhưng Tống Tập Tân vẫn cẩn thận nắm bắt được. Có điều thiếu niên cũng không để bụng, chỉ cho là trùng hợp mà thôi.

Tỳ nữ ngẩng đầu nhìn về phía cây hòe già, tia sáng vụn vặt xuyên qua khe hở của lá cây chiếu xuống, khiến cô bất giác nheo mắt lại.

Tống Tập Tân quay đầu nhìn, đột nhiên ngẩn người ra.

Hôm nay tỳ nữ này của mình có một bên mặt vừa bắt đầu rút đi vẻ phúng phính của trẻ con, cô giống như khác biệt rất lớn với nha hoàn nhỏ gầy tong gầy teo trong trí nhớ.

Dựa theo tập tục của trấn nhỏ, khi con gái lấy chồng sẽ mời một bà thợ phúc khí đầy đủ cha mẹ con cái đều khoẻ mạnh, nhờ bà ta lột lông măng trên mặt tân nương, cắt tóc trước trán và tóc mai chỉnh tề, gọi là mở mặt hoặc lên mày.

Tống Tập Tân còn đọc được trong sách một tập tục mà trấn nhỏ không có, cho nên vào năm Trĩ Khuê mười hai tuổi hắn đã mua rượu mới ủ ngon nhất trấn nhỏ, lấy chiếc bình sứ lén trộm được ra, màu sứ cực đẹp giống như quả mơ, đổ rượu vào trong bình, sau đó cẩn thận dùng bùn đậy kín rồi chôn xuống đất.

Tống Tập Tân đột nhiên nói:
– Trĩ Khuê, dựa theo cách nói của lão tổ tông người đọc sách chúng ta, tuy rằng cái tên họ Trần kia thuộc loại “gỗ mục không thể điêu khắc, bức tường rác rưởi không thể tô trét”, nhưng dù thế nào thì đời này hắn đã làm một chuyện có ý nghĩa.

Tỳ nữ không trả lời, lông mày hạ thấp, có thể loáng thoáng nhìn thấy lông mi hơi run rẩy.

Tống Tập Tân tiếp tục nói ra suy nghĩ của mình:
– Trần Bình An à, con người không xấu nhưng tính tình quá cứng nhắc, làm chuyện gì cũng không biết linh hoạt, cho nên khi làm thợ lò dù hắn có cần cù khổ luyện đến mấy cũng không làm ra được một món đồ tốt nào. Do đó sư phụ của Lưu Tiện Dương là lão Diêu kia luôn nhìn Trần Bình An không thuận mắt, cũng xem như ông ta có ánh mắt đặc biệt, đây gọi là gỗ mục không thể điêu khắc. Còn như bức tường rác rưởi không thể tô trét, ý tứ đại khái là tên quỷ nghèo kiết xác như Trần Bình An, cho dù có mặc long bào cho hắn thì vẫn là một kẻ chân đất quê mùa…

Lúc Tống Tập Tân nói đến đây lại tự giễu:
– Thực ra ta còn thảm hơn Trần Bình An.

Cô không biết phải an ủi công tử của mình như thế nào.

Trong trấn nhỏ này, Tống Tập Tân và tỳ nữ của hắn vẫn luôn là chủ đề bàn tán lúc trà dư tửu hậu của đám người giàu có ở đường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp, chuyện này phải quy công cho người “cha hờ” kia của Tống Tập Tân là Tống đại nhân.

Trấn nhỏ không có nhân vật lớn nào, cũng không có sóng gió gì, cho nên quan giám sát làm gốm được triều đình phái đến đây chắc chắn là loại thanh thiên đại lão gia trong các vở tuồng.

Trong mấy chục vị quan giám sát từ xưa đến giờ, quan tiền nhiệm Tống đại nhân là người được lòng dân nhất. Tống đại nhân không giống như những quan lão gia trước đó ngồi tít trên cao, ông chẳng những không trốn trong dinh quan tu thân dưỡng khí, cũng không đóng cửa từ chối tiếp khách, một lòng nghiên cứu học vấn ở thư phòng, mà là tự tay làm tất cả công việc ở lò gốm, quả thật còn giống dân chúng thôn quê hơn cả thợ gốm. Trong hơn mười năm, vị Tống đại nhân vốn đầy vẻ trí thức này đã phơi nắng đến mức nước da đen kịt sáng bóng, trang phục ngày thường không khác gì một anh nông dân, đối nhân xử thế chưa từng lên mặt.

Chỉ tiếc đồ gốm triều đình do trấn nhỏ chế tạo dù là màu men, độ hoàn hảo sau khi cất giữ, hay là hình dạng và cấu tạo của đồ lớn vật nhỏ đều không hoàn toàn được như ý. Nói chuẩn xác là trình độ còn kém hơn trước đây một bậc, khiến cho đám người lão Diêu không thể lý giải được.

Cuối cùng có lẽ triều đình bên kia thấy Tống đại nhân cần cù tận tụy, không có công lao thì cũng có khổ lao, cho nên trong sắc lệnh công văn của Lại bộ điều ông ta về kinh thành cũng ghi đánh giá tốt.

Trước khi Tống đại nhân về kinh đã tiêu hết ngàn vàng, bỏ vốn xây dựng một một cây cầu mái che. Sau đó phát hiện trong đoàn xe Tống đại nhân rời đi không mang theo một đứa trẻ, mấy thế gia vọng tộc trong trấn nhỏ mới chợt hiểu. Có thể nói Tống đại nhân đã tích góp một phần tình hương hỏa không ít cho trấn nhỏ, cộng thêm quan giám sát đương nhiệm tận lực chiếu cố, những năm qua thiếu niên Tống Tập Tân sống ở trấn nhỏ không lo cơm áo, tiêu dao tự tại.

Hôm nay nha hoàn kia đã đổi tên thành Trĩ Khuê, về thân thế lai lịch của cô có rất nhiều cách nói. Người bản xứ ở ngõ Nê Bình nói rằng vào một mùa đông tuyết lớn như lông ngỗng, có một cô gái xứ khác ăn xin dọc đường đến nơi này, bất tỉnh trước cửa nhà Tống Tập Tân, nếu không phải có người phát hiện sớm thì đã đi gặp Diêm Vương chuyển thế đầu thai rồi. Cụ già làm việc vặt bên phía dinh quan thì lại có cách nói khác, thề thốt rằng năm xưa Tống đại nhân đã bảo người ta mua cô nhi từ nơi khác, tìm cho đứa con riêng Tống Tập Tân một người thân thiết biết nhân tình ấm lạnh, nhằm bù đắp một ít thiệt thòi khi cha con không thể nhận nhau.

Dù sao đi nữa sau khi tỳ nữ được thiếu niên đặt tên là Trĩ Khuê, xem như đã hoàn toàn chứng thực quan hệ cha con của hai người. Bởi vì danh gia vọng tộc trong trấn nhỏ đều biết, Tống đại nhân rất chung tình với một nghiên mực, đã khắc lên đó hai chữ “Trĩ Khuê”.

Tống Tập Tân lấy lại tinh thần, vẻ mặt tươi cười sáng lạn:
– Chẳng biết tại sao, nhớ tới con rắn mối mặt dày mày dạn kia, Trĩ Khuê cô nghĩ xem, ta đã ném nó vào sân của Trần Bình An, nó vẫn muốn chui vào nhà chúng ta. Cô nói xem cái ổ chó của Trần Bình An khó coi đến mức nào, khiến cho một con rắn mối nhỏ cũng không muốn vào?

Tỳ nữ nghiêm túc ngẫm nghĩ, trả lời:
– Có một số việc phải xét đến duyên phận đúng không?

Tống Tập Tân giơ ngón cái lên, vui vẻ nói:
– Chính là đạo lý này! Trần Bình An hắn là một kẻ duyên cạn phúc mỏng, có thể sống sót là đã hài lòng rồi.

Cô không nói gì.

Tống Tập Tân lẩm bẩm nói:
– Sau khi chúng ta rời khỏi trấn nhỏ, đồ đạc trong nhà giao cho Trần Bình An trông coi, tên này có thể biển thủ hay không?

Tỳ nữ nhẹ giọng nói:
– Công tử, không đến nỗi như vậy chứ?

Tống Tập Tân cười nói:
– Ấy, Trĩ Khuê, biết cả ý nghĩa của biển thủ à?

Tỳ nữ chớp chớp cặp mắt như nước mùa thu:
– Chẳng lẽ không phải ý nghĩa trên mặt chữ sao?

Tống Tập Tân cười nhìn về phía nam, lộ ra vẻ mong chờ:
– Ta nghe nói kinh thành cất giữ sách còn nhiều hơn hoa cỏ cây cối ở trấn nhỏ chúng ta!

Ngay lúc này tiên sinh kể chuyện đang nói:
– Trên đời tuy đã không còn chân long, nhưng những loài thuộc họ rồng như giao, cầu, ly… vẫn thật sự sống ở thế gian, nói không chừng đang…

Ông lão cố ý tạo một gút thắt, thấy người nghe đều làm thinh không biết cổ vũ, đành phải nói tiếp:
– Nói không chừng đang ẩn náu bên cạnh chúng ta, thần tiên đạo giáo gọi đó là rồng ẩn dưới vực sâu!

Tống Tập Tân ngáp một cái.

Trên đầu đột nhiên có một chiếc lá hòe rơi xuống, xanh biếc ẩm ướt, vừa khéo rơi vào trên trán thiếu niên.

Tống Tập Tân đưa tay bắt lấy lá cây, hai ngón tay se se cuống lá.

audio truyện ngôn tình

Thiếu niên đang suy nghĩ hay là đi cửa đông thành đòi nợ một lần, khi gần tới cây hòe già cũng nhìn thấy trước mắt có lá hòe rơi xuống, hắn liền bước tới nhanh hơn muốn đưa tay đón lấy.

Nhưng một cơn gió mát thổi qua, lá cây đã lướt khỏi tay hắn.

Thiếu niên giày cỏ thân hình khoẻ mạnh, nhanh chóng lướt ngang một bước, muốn chặn chiếc lá cây này lại.

Nhưng lá cây lại đánh một vòng giữa không trung.

Thiếu niên không tin tà ma, xoay chuyển xê dịch mấy lần, cuối cùng vẫn không thể bắt được lá hòe.

Thiếu niên Trần Bình An bất lực.

Một thiếu niên áo xanh vừa rời khỏi trường làng đi sát qua vai Trần Bình An.

Chính thiếu niên áo xanh cũng không biết, một chiếc lá hòe đã rơi trên đầu vai từ lúc nào.

Trần Bình An tiếp tục đi về phía cửa đông thành, cho dù không đòi được tiền thì hối thúc một chút cũng được.

Tại gian hàng coi bói phía xa, đạo nhân trẻ tuổi nhắm mắt nghỉ ngơi, lẩm bẩm nói:
– Là ai bảo vận trời tuần hoàn không nặng nhẹ?

tiếp ❯

Avatar

Các bạn đăng ký thành viên hội nhé…!
→Free vip→Đọc và nghe audio truyện/ 0 quảng cáo→Yêu cầu truyện / Ưu Tiên♥Ngoài ra AudioSite là Website do hội Mê Đọc Truyện thành lập – chính vì vậy Đọc Truyện trên website giảm 90% xuất hiện quảng cáo nhé !