1. Home
  2. Truyện Kiếm Hiệp
  3. [Audio] Bích Huyết Kiếm
  4. Tập 2: Quanh Năm Luyện Quyền Kiếm (c3-c5)

[Audio] Bích Huyết Kiếm

Tập 2: Quanh Năm Luyện Quyền Kiếm (c3-c5)

❮ sau
tiếp ❯

Chương 3: Nạn Nọ Chưa Qua Nạn Kia Đã Tới

Trải qua một thời gian khá lâu bỗng Thôi Sơn nghe thấy phía ngoài bụi cây có tiếng động, hình như có người ngồi xuống. Chàng vội cầm cây đinh ba lên và lắng tay nghe. Có tiếng một người quát lớn:
– Tên nghịch tặc họ Viên có một đứa con còn sống. Hiện giờ ở đâu?
Tiếng nói to quá, làm Thừa Chí giật mình tỉnh giấc, Thôi Sơn ra hiệu bảo cậu giữ im lặng.
Lại nghe thấy người nọ quát hỏi:
– Mầy có nói không? Nếu không, tao phải chặt gãy chân mày trước!
Một tiếng khác chửi lại:
– Mầy muốn chặt, cứ việc chặt đi, chứ tao ở biên giới đánh nhau với quân Mãn Thanh hung ác như thế còn không sợ, há gì bè lũ gian tặc chúng bây!
Nghe giọng nói đúng như Ứng Tòng, Thừa Chí khẽ kêu lên:
– Ứng thúc thúc!
Người nọ quát hỏi:
– Mầy không chịu nói phải không?
Ứng Tòng không thèm trả lời, nhổ nguyên đống nước miếng vào mặt tên nọ. Tiếp theo đó, chỉ nghe một tiếng la thét thê thảm. Có lẽ Ứng Tòng đã bị quân địch chém một nhát rồi cũng nên? Thừa Chí không thể nhịn được nữa, vùng mình thoát khỏi tay Thôi Sơn, vừa gọi, vừa phóng thẳng ra:
– Ứng thúc thúc!
Dưới ánh sáng, Thừa Chí thấy một người giơ đao định chém một người nằm ngã dưới đất. Cậu ta xông ngay vào, dùng miếng “Tả Kích Hữu Cầm” trong thế “Phục Hổ chưởng” đấm vào mắt tên nọ. Mắt y bị đấm đau, nổ đom đóm lửa. Cổ tay phải của y cũng bị đau, vì giơ tay định đỡ, và con dao trong tay bị văng đi mất. Thừa Chí thuận tay chém luôn một đao vào vai tên nọ. Tuy người nhỏ sức yếu, không chém đứt nổi cánh tay của địch nhưng cũng khiến cho tên nọ đau đến mất hồn bạt vía. Bị đánh bất ngờ, các quan binh đều giật mình hoảng sợ. Nhưng nhìn kỹ lại chỉ thấy một thằng bé con thôi, cả bọn đều cầm đao thương xông lại chém lia lịa, tưởng như sắp chém thằng bé thành mảnh vụn.
Đột nhiên, từ trong bụi cây, một cây đinh ba lao ra, một số lớn binh sĩ bị toạt hổ khẩu tay, đau đớn lạ thường, quăng cả khí giới xuống đất. Thừa dịp nhốn nháo, Thôi Sơn nhảy vọt vào cặp chặt Thừa Chí, rồi thoắt một cái, đã nhảy ra khỏi đám đông. Đến lúc quan quân hoàn hồn, phóng tên theo thì hai người đã chạy đi mất rồi.
Sau khi Thôi Sơn đã cứu Thừa Chí khỏi nơi ấy, viên tướng thừa lệnh Tào thái giám đến đây chỉ huy cuộc vây bắt, liền ra lệnh cho bốn tên hảo thủ lập tức theo dõi. Chúng thấy Thôi Sơn dưới nách vẫn cặp Thừa Chí, mà vẫn chạy nhảy như bay. Một tên lấy ra ba cái thủ tiễn (tên phóng bằng tay) dùng hết sức bình sinh lao theo. Nghe thấy hơi gió lướt qua đầu chàng, vì tránh ba mũi tên, chàng phải ngừng bước. Lợi dụng phút đó, một tên khác vội vã phóng liên tiếp ba chiếc phi tiêu theo. Thôi Sơn bèn đặt Thừa Chí xuống đất, tay trái quơ luôn được hai mũi phi tiêu. Đang định phóng trả đũa lại thì những ám khí khác của địch đã liên tiếp bay tới. Chàng một tay bắt, một tay dùng đinh ba gạt những ám khí đó, rồi vừa chạy xuống núi.
Lúc ấy, tuy cách đại đội quân Minh đã xa, nhưng bốn tên kia vẫn còn theo sau đuổi riết.
Trong bốn người kia có một tên nói với theo:
– Này anh bạn kia, muốn sống thì khôn liền bỏ khí giới xuống, ngoan ngoãn nghe lời chúng ông thì ngươi sẽ ít chịu đau khổ!
Thấy lời nói của tên nọ quá vô lễ, Thôi Sơn giận lắm, lẳng lặng lấy ngầm phi tiêu ra. Chờ y đuổi tới gần, chàng liền phóng luôn. Cái trên cái dưới, hai phi tiêu đi nhanh như chớp. Tên nọ kêu “Trời ơi!” một tiếng, đùi y đã bị trúng ngay một phi tiêu, ngã lăn ra đất. Còn ba tên kia, thây kệ bạn bị thương, vẫn cắm đầu đuổi theo. Thu Sơn thấy kẻ địch sắp tới gần, liền nói với Thừa Chí rằng:
– Đôi đao của tên kia sắc lắm, để tôi cướp lấy cho chú nhé!
Nói đoạn, chàng cầm đinh ba xuống đất rồi đột nhiên quay lại. Nhưng tên sử dụng song đao đã dùng thế “Vân Long Tam Hiện” (rồng mây hiện ba lần) chém liên hoàn ba nhát, nên Thu Sơn không cướp nổi song đao của y. Còn tên dùng thiết tiêu đã xông tới cạnh Thừa Chí. Thu Sơn chưa cướp được song đao thấy Thừa Chí sắp bị nguy hiểm đến nơi, chàng liền quay lại quay tít một vòng đá tới phía sau tên cầm thiết tiêu, chàng dùng miếng “Kim Long Thần Trảo” (rồng vàng múa vuốt) giơ tay túm lấy vai áo tên kia.
Tên cầm thiết tiêu đang quất ngang ngọn roi vào lưng Thừa Chí bỗng thấy phía sau có kẻ địch, y vội ngừng roi quay mình trở lại, Thu Sơn đánh nhanh quá, tên kia chỉ có cách vừa đỡ vừa lui. Thuận chân, Thừa Chí đá luôn vào mông đít tên nọ, y nổi giận, thét to một tiếng, giở roi đánh trở lại. Nhưng đã quá chậm vì thiết tiêu của y đã bị Thu Sơn nắm lấy rồi. Lúc đó tên sử dụng song đao và tên dùng quỷ đầu đao đều nhứt loạt chém vào lưng Thu Sơn, còn tên bị trúng phi tiêu cũng đã bò dậy, cầm thương đâm vào cạnh sườn trái của Thừa Chí.
Lúc ấy, nguy cơ tứ phía, Thôi Thu Sơn quả thật anh dũng. Trong lúc tối khẩn cấp đó mà chàng vẫn ung dung không hề nao núng. Chàng thét lên một tiếng thật lớn, tay phải dùng miếng “Hàng Long Phục Hổ” đánh ngay vào ngực tên cầm thiết tiêu. Miếng đó là một trong ba miếng tuyệt diệu của ba thế võ “Phục Hổ chưởng.” Tên quân Minh kia làm sao đỡ nổi? Y bị hất tung người lên và rơi nhằm trúng ngọn thương của tên bị phi tiêu ngã xuống, cũng may tên nọ đã rút nhanh cây thương lại, nên y mới thoát chết.
Thu Sơn, cướp đượt cây thiết tiêu, liền quất trở lại, hất ba mũi đao của hai tên nọ phóng ra. Rồi chàng kéo tay Thừa Chí chạy thẳng xuống núi.
Bốn tên quân Minh thấy Thu Sơn chỉ trong chớp nhoáng đã dùng tay không cướp roi sắt, đồng thời lại giải vây được thế tấn công của bốn người. Võ nghệ của chàng đã tới mức tuyệt đỉnh, nên bọn người này sợ quá không dám đuổi theo nữa, chỉ lấy ám khí phóng theo. Trong bóng tối, Thu Sơn nghe tiếng gió “vù vù” lia lịa, vói Thừa Chí vàolòng rồi vượt cao, nhảy thấp, để tránh những ám khí của địch. Dù sao phải ẵm thêm một người, chàng nhảy nhót cũng không nhanh nhẹn cho lắm. Vì vậy, tránh được ba viên “Thiết bồ đề” ở phía phải tới, thì chân trái chàng đã thấy đau, chàng biết mình đã bị trúng ám khí rồi. Vết thương thấy đau rồi lại thấy ngứa, chàng sợ quá, biết mình đã trúng phải mũi tên độc rồi. Không dám dừng bước, chàng phải ngiến răng chịu đựng để chạy xa thêm một quãng nữa. Như vậy chất độc lại càng phát nhanh hơn.
Một lát sau, chân bị tê liệt, chàng loạng choạng rồi ngã lăn ra đất. Thừa Chí sợ quá vội gọi:
– Thôi thúc thúc!
Bốn người đang đuổi theo phía đàng sau, nhìn thấy Thu Sơn đã ngã nằm trong bóng tối, liền hò reo chạy tới.
Thu Sơn bảo với Thừa Chí:
– Thừa Chí, chú em chạy mau lên! Để mặc tôi cản chúng lại cho!
Tuổi tuy còn nhỏ, nhưng Thừa Chí là người rất có nghĩa khí. Cậu dương hai tay nhảy tới phía sau lưng Thu Sơn để sửa soạn nghinh địch
Thu Sơn nghĩ thầm: “Võ nghệ của y còn non nớt quá, bảo vệ ta sao nổi.”
Tuy vậy, lòng chàng vẫn thấy cảm động vì cử chỉ đẹp đẽ ấy. Chỉ trong nháy mắt, kẻ địch đã đuổi tới noi. Tên sử dụng song đao và tên dùng quỷ đầu đao, lấy sống đao chém thẳng vào mắt cá chân Thừa Chí. Cậu bé nhảy cao tránh khỏi nhát đao đó. Thu Sơn gượng quỳ dậy, phóng cây tiêu vào người cầm song đao. Tên kia muốn tránh cũng không kịp, trán y bị cây tiêu đâm trúng chết liền. Trong lúc tên cầm quỷ đầu đao vì hoảng sợ ngẩn người ra, Thu Sơn nhanh như chớp đã lao mình tới bóp chặt cổ họng y. Tên nọ đau quá, tiện tay chém luôn một đao vào cánh tay chàng. Tuy bị thương chàng vẫn thừa sức bóp cổ kẻ địch cho tới khi hắn tắt thở mới thôi. Còn hai tên kia, vốn bị thương sẵn, thấy Thu Sơn hùng dũng quá đều quay đầu ù té chạy.
Cánh tay của Thu Sơn máu chảy không ngớt và đùi bên phải đã bị tê liệt thành vô tri giác, nhưng chàng vẫn nghiến răng chịu đựng. Rồi chàng nhặt thanh đao, dùng tay trái chống lên, cố gượng đứng dậy. Lúc ấy tuy kẻ địch đã chạy xa rồi, nhưng chàng còn sợ chúng dẫn viện binh tới. Không quản ngại đau đớn nguy hiểm gì cả, chàng đi lò cò một chân và lấy thanh đao làm gậy chống, rồi cứ nửa đi nửa nhảy, tiến thẳng xuống chân núi.
Trong khi đó, Thừa Chí đi cạnh để chàng vịn vai đi cho dễ dàng. Đi được một lúc, nọc độc từ dưới chân trái ngấm dần lên, khiến tay trái chàng cũng bị đuối sức. Vì vậy, tay phải đang vịn vào vai Thừa Chí càng phải dùng sức thêm lên. Càng đi, Thừa Chí càng thấy nặng chĩu, nhưng cậu vẫn cố sức chịu đựng, không dám hé miệng kêu ca nửa lời. Đi thêm một quãng đường nữa, cả hai người đều mỏi mệt, kiệt sức. Thừa Chí bỗng nói:
– Thôi thúc thúc nè, đằng trước kia có một ngôi nhà! Chúng ta đến đó để tạm tránh đi. Chỉ có một tí nữa là tới nơi ngay!
Thu Sơn gật đầu, rồi miễn cưỡng lết chân đi. Vừa tới trước cửa nhà đó, chàng đã chịu không nổi, ngã lăn ra đất, chết ngất.
Thừa Chí sợ quá, vội cúi xuống gọi:
– Thôi thúc thúc!
Lúc đó cánh cửa nhà nọ “kẹt” một tiếng hé mở. Một người đàng bà tuổi trung niên bước ra.
Thừa Chí nói:
– Thưa Đại nương, chúng cháu gặp quan binh. Chú cháu bị thương. Bà làm ơn cho chúng cháu vào ở nhờ một đêm.
Người đàn bà nông dân đó vốn tâm địa rất nhân từ, thấy Thừa Chí nói đoạn, liền gọi một thanh niên trạc độ 18, 19 tuổi đỡ lấy. Thu Sơn có võ công khá cao, thần khí nội liêm, nên tâm trí vẫn chưa mê mẩn. Vừa nằm lên giường giây lát, chàng đã gọi Thừa Chí cầm đèn đến xem vết thương. Thấy bên chân bị trúng độc đã sưng lên gấp đôi, cả hai cùng giật mình sợ hãi. Thu Sơn nhờ người thanh niên nọ băng bó vết thương trên cánh tay và lấy giẻ cột chặt phía dưới đùi để cho hơi độc khỏi nhiễm tới tim. Sau đó chàng mới rút mũi tên ra. Vết thương chảy máu đen. Chàng định cúi xuống để hút máu độc ra, nhưng chân bị sưng to quá, nên miệng chàng không sao đụng tới chỗ đau được. Thừa Chí lẳng lặng ngồi xuống, để miệng vào vết thương hút luôn. Nút tới bốn chục lần, y nhổ ra toàn những máu đen. Mãi đến lần thứ 40 mới thấy máu đỏ chảy ra.
Thu Sơn bảo rằng:
– May quá! Chất độc trong mũi tên không phải là thứ lợi hại cho lắm. Thừa Chí chú mau ra súc miệng đi!
Trong khi đó, người đàn bà nông dân đứng cạnh vẫn niệm Phật cầu cho nạn nhân chóng qua khỏi.
Đến chiều ngày hôm sau, người thanh niên, về cho hay, bọn quan binh đã rút lui hết rồi. Tuy chân của Thu Sơn đã bớt sưng dần, nhưng chàng lại lên cơn sốt, nói mê sảng.
Vì Thừa Chí nhỏ tuổi nên chẳng hiểu bệnh tình Thu Sơn nặng nhẹ như thế nào.
Người đàn bà nông dân nói:
– Cậu ấm này! Tôi chắc độc khí trong chân thúc thúc cậu chưa hết đâu. Thế nào cũng phải xuống dưới trấn mời thầy lang về chữa mới được.
Thừa Chí công nhận lời nói đó là phải. Người đàn bà đó tốt bụng quá, đã cho mượn chiếc xe bò lại còn sai chàng thanh niên kia đưa hai chú cháu xuống dưới thị trấn. Tội nghiệp thay! Cả hai chú cháu đều không có đồng xu dính túi. Người thanh niên kia hỏi hai người muốn ăn gì cho biết để làm. Thừa Chí không biết trả lời ra sao, chỉ thoái thác là còn no thôi. Cậu đang ngồi khóc thút thít bỗng Thu Sơn chợt tỉnh giấc.
Thừa Chí hỏi chàng có cách gì ra tiền không? Chàng hỏi lại:
– Hiện giờ trong người chú em có vật gì đáng tiền không?
Thừa Chí mừng quá reo lên:
– Thế chiếc vòng này có được không?
Nói đoạn, cởi cái vòng đeo ở cổ ra. Thu Sơn thấy chiếc vòng đó là vàng điệp, trên có đính 8 hột trân châu, và khắc 4 chữ “Phú Quý Vinh Hoa” phía dưới khắc hai hàng chữ nhỏ “Tổ Đại Thọ kính trọng” “Viên công tử ni nguyệt chi khánh.” Chàng mới biết cái vòng này của Tổ Đại Thọ mừng Thừa Chí lúc đầy tháng.
Tổ Đại Thọ nguyên là viên đại tướng rất đắc lực của Viên Sùng Hoán. Lúc tuổi trẻ, Đại Thọ rất nghĩa hiệp tính tình phóng đãng. Kế Liêu Phủ Tôn Thừa Tôn bắt được, sắp bị trảm huyết, nhưng may mắn được Viên Sùng Hoán xin miễn cho. Vì vậy chàng rất trung thành với Viên đại soái. Sau khi Đại soái bị chết oan uổng, chàng nổi giận đem bộ hạ rời khỏi kinh đô. Chàng định nổi loạn để trả thù cho ân nhân nhưng sau mẹ và vợ con chàng khuyên can mãi mới thôi. Chàng là một viên dũng tướng đối mặt Minh, ai ai cũng biết tiếng. Lúc đó Thu Sơn nửa mê nửa tỉnh, không còn tính toán hơn thiệt, liền hỏi:
– Chú bảo phổ ky dẫn chú đi cầm. Sau này có tiền ta lại chuộc về.

– Vâng cháu xin đi ngay.
Nói đoạn, cậu ta nhờ người dẫn đi cầm.
Người làm việc ở tiệm cầm đồ trông thấy cái vòng, giựt mình rồi nói:
– Cậu bé hãy đứng chờ một lát nhé!
Người ấy cầm chiếc vòng đó vào nhà trong khá lâu. Thừa Chí và người phổ ky chờ lâu quá, nóng ruột. Nhưng một lát sau, người làm ở tiệm cầm đồ mới đi ra, hỏi rằng:
– Hai chục lạng bạc có cầm không?
Thừa Chí không biết trả lời ra sao cả. Cũng may, được người phổ ky có lòng tốt, nài thêm cho cậu thêm 5 lạng nữa. Cầm lấy số bạc và giấy cầm đồ, Thừa Chí cùng tên phổ ky tiện đường, mời thầy lang đến thăm bịnh cho Thu Sơn.
Nhưng cậu không ngờ, mình đang bị hai tên Công sai theo dõi. Khi về tới phòng, thấy Thu Sơn nằm ngủ li bì, trán nóng như lửa thì sốt ruột quá. Thầy lang chưa tới mà đã thấy bảy, tám tên Công sai, tay cầm day xích và thước sắt xông vào. Một tên trong bọn la lớn:
– Chính thằng nhỏ này đây!
Tên cầm đầu bọn Công sai hỏi Thừa Chí:
– Này, cậu bé kia! Cậu họ Viên phải không?
Thừa Chí sợ hãi, không biết trả lời ra sao, chỉ nói:
– Không phải.
Tên Công sai cả cười, móc túi lấy chiếc vòng vàng ra rồi hỏi:
– Thế cái vòng này cậu lấy trộm ở đâu ra thế?
Thừa Chí tức mình trả lời:
– Cái vòng này của tôi, không lấy trộm của ai hết!
Tên công sai lại cười:
– Viên Sùng Hoán là thân phụ của cậu phải không?
Thừa Chí không dám trả lời, quay trở vào gọi Thu Sơn. Mấy tên Công sai đứng ngoài cửa phòng vội quát tháo bảo nhau:
– Bọn gian đảng núi Lão Ô đang trốn trong này. Ta đừng để cho chúng tẩu thoát!
Thu Sơn bỗng ngồi dậy, muốn gượng đứng lên. Nhưng vừa đặt chân xuống đất, chàng đã ngã qụy xuống. Thấy bọn Công sai xông vào trong khi chưa kịp đỡ Thu Sơn dậy, Thừa Chí đã phải nhảy ra ngăn cản. Khách ở trọ và các phổ ky nghe thấy tiếng kêu bắt tội phạm, đều đứng xúm đầy sân xem. Họ trông thấy bảy, tám tên Công sai đang hoành hành với một đứa bé trạc độ 10 tuổi. Ai nấy đều ngạc nhiên. Một tên công sai định quàng cái xích sắt vào đầu Thừa Chí.
Thừa Chí lùi lại một bước để tránh nhưng cậu vẫn giữ thế, không để cho Công sai đột nhập trong phòng. Tên Công sai thấy không xích nổi Thừa Chí cũng ngạc nhiên vô cùng. Y sống trong nghề nha lại đã mấy chục năm, và lần nào xích người cũng rất dễ dàng. Thế mà với thằng nhỏ này, y lại xích không nổi. Y giận quá, đưa tay đành nắm lấy cái đuôi sam nhỏ của Thừa Chí. Thấy bọn Công sai hùng hổ ào ào, Thừa Chí sợ hãi đến nỗi suýt khóc. Nhưng thấy tên Công sai ra tay định xâm phạm vào người mình, cậu liền né đầu tránh và sử dụng ngay miếng “Hoàng Hổ Đơn Tiên” (phất ngang cây roi) trong thế võ Phục Hổ chưởng. Cậu nắm cổ tay tên Công sai kéo ngang một cái. Tên nọ loạng choạng suýt ngã. Y càng giận thêm, liền giơ chân vừa đá vừa chửi:
– Thằng nhãi con kia, hôm nay ông phải cho mầy biết tay.
Thừa Chí vừa né tránh chiếc đá vừa nắm lấy đùi và mông tên Công sai nhắc bổng y lên, rồi thuận tay hất y ra ngoài. Tên Công sai vừa to vừa mập, bị hất tung ra ngoài sân, ngã chổng bốn vó lên trời. Bé nhỏ như Thừa Chí làm gì có sức mạnh đến thế? Đó là nương lấy sức đá của tên Công sai, cậu mượn lấy sức ấy để đánh lại “Tả Lực Đả Lực” và hất ngã nổi tên công sai. Các người đứng xem đều vỗ tay khen ngợi. Nhìn thấy người lớn bắt nạt người trẻ con, họ tức giận sẵn rồi, nay lại thấy tên người lớn kia bị thằng bé con đánh ngã, họ mới hò reo khen ngợi như vậy.
Các tên công sai khách cũng đều ngạc nhiên. Chúng nghĩ thầm: “Thằng nhỏ này có phép lạ chắc?”
Rồi chúng đưa mắt ra hiệu, tay cầm thước sắt xông cả lại. Bọn người đứng xem thấy bọn Công sai rút võ khí ra, sợ bị vạ lây đều tránh ra xa. Thừa Chí tuy đã học được mấy năm võ nghệ, nhưng dù sao cậu vẫn còn nhỏ tuổi, thì địch sao nổi nhiều người lớn như thể? Đang lúc nguy cấp, bỗng thấy phòng bên có một đại hán bước ra. Chỉ thấy khẽ nhún mình, người ấy đã nhảy tới trước mặt rồi. Chàng giơ hai tay nắm và vỗ loạn xạ. Không hiểu tại sao, tất cả vũ khí của bọn Công sai đều bị chàng cướp giựt hết cả.
Có mấy tên Công sai rút lui hơi chậm bị đánh đến nỗi mắt quầng, mồm sưng vênh cả lên. Chàng nọ cả cười rồi rú lên thứ tiếng lạ lùng. Một tên Công sai thét lớn:
– Chúng ta đến đây tróc nã phạm nhân, nhà người là ai? Có mau tránh ra không?
Người kia tựa như không nghe thấy, chỉ thoáng một cái đã tới mặt tên Công sai vừa la thét, và tay phải cứng như sắt, chàng túm ngực tên Công sai vứt ra ngoài. Tên Công sai tựa như diều đứt dây, là là bay ra ngoài đường, và “ầm” một tiếng, y đã bị ngã chết ngất dưới đất. Còn những tên Công sai khác không dám ở lại, chạy ngoài đường.
Đại hán nọ đi tới trước mặt Thừa Chí hai tay chỉ ra hiệu miệng ú ớ. Thì ra người đó là người câm, và hình như hỏi lai lịch của Thừa Chí. Không biết trả lời sao cho phải, Thừa Chí nóng ruột quá. Bỗng chàng câm dỡ một bàn tay lên và úp một bàn tay xuống. Bắt đầu đánh theo thế Phục Hổ chưởng, từ miếng thứ nhất, chàng đánh tới một miếng thứ 10 mới thôi. Thừa Chí biết ý liền từ miếng 11 đánh tới miếng 24. Chàng Câm vừa cười vừa gật đầu, rồi chạy lại ẵm Thừa Chí lên tỏ vẻ thân mật. Thừa Chí chỉ vào trong phòng, ra hiệu có người nằm trong đó. Chàng Câm liền ẵm cậu vào.
Trông thấy Thu Sơn đang ngồi dưới đất, mặt nhợt nhạt như sắp chết, chàng Câm giựt mình đặt Thừa Chí xuống. Chàng vừa tiến đến gần, Thu Sơn đã nhận ra người quen, liền ra hiệu chỉ xuống đùi mình. Chàng Câm gật đầu, rồi tay trái dắt Thừa Chí, tay phải ẵm Thu Sơn, đi bước đại ra khỏi khách điếm. Thấy chàng Câm hung hăng như vậy, bọn phổ ky cũng không dám cản trở. Hai tên Công sai núp ở hai bên, chờ chàng Câm đi một quãng mới dám theo dõi. Chúng muốn biết chàng và hai phạm nhân trú chân ở đâu, rồi chúng về triệu thêm người tới nã bắt. Lúc ấy, Thu Sơn mơ mơ màng màng không biết gì cả.
Chàng Câm vì không nghe thấy tiếng người đuổi theo, nên cũng không nghi ngờ gì cả.
Duy có Thừa Chí nhỏ người mà khôn ngoan lạ lùng. Cậu thấy phía đằng xa xa có bóng người thấp thoáng, biết ngay là bọn Công sai theo dõi. Cậu liền ra hiệu cho chàng Câm hay. Quay đầu ngó lại phía sau, chàng chỉ thấy có hai tên Công sai theo sau nên chàng không sợ, cứ thủng thẳng tiến về phía Tây. Đi độ hai ba dặm đường, càng đi càng thấy vắng vẻ, chàng Câm đặt Thu Sơn xuống đất, rồi quay phắt lại, chỉ nhảy hai, ba cái chàng đã tới trước mặt hai tên Công sai nọ. Chúng định quay đầu chạy, nhưng kịp sao được, chàng đã mỗi tay túm ngay một đứa, quăng ngay xuống dưới thung lũng. Chỉ nghe thấy hai tiếng kêu thảm thiết, hai tên Công sai đã vỡ sọ chết tươi.
Giết xong hai tên Công sai, chàng Câm lại ôm Thu Sơn lên, rảo bước đi như bay, dù cố sức chạy theo mà Thừa Chí vẫn không đuổi kịp. Chạy được hơn dặm đường, Thừa Chí mệt thở hổn hển không đi được nữa. Chàng Câm mỉm cười cúi xuống ẵm cả Thừa Chí lên. Như vậy, chàng khỏi phải lo nghĩ, đi còn mau lẹ hơn trước. Được một quãng, chàng quay sang trái, hướng thẳng phía núi mà tiến. Qua hai ngọn núi, chàng tới trước cửa ba căn nhà lá dựng ở lưng chừng núi. Một người đứng trước cửa nhà lá chạy lại nghinh đón, người đó là một thiếu phụ trạc ngoài 20 tuổi. Nàng và chàng Câm cùng gật đầu chào ngay. Trông thấy Thu Sơn và Thừa Chí, nàng có vẻ ngạc nhiên nhưng nàng dẫn mọi người vào trong nhà, rồi lên tiếng gọi:
– Tiểu Tuệ, con cầm ấm trà ra đây mau.
Một em nhỏ ở phòng bên lên tiếng vâng lời, rồi xách một ấm nước trà và mấy cái bát ra. Trông thấy Thu Sơn và Thừa Chí, em nhỏ trợn tròn đôi mắt nhìn.
Người thiếu phụ tuy ăn mặc mộc mạc, nhưng da trắng trẻo, mặt xinh đẹp, và cả em nhỏ cũng xinh xắn vô cùng. Thiếu phụ nọ hỏi Thừa Chí:
– Cậu bé tên gì? Tại sao lại gặp được chàng Câm này?
Thấy nàng hỏi như vậy, Thừa Chì biết rõ ràng là người quen của chàng Câm, nên không giấu diếm, cậu kể hết sự thể đầu đuôi cho nàng nghe. Thấy Thu Sơn bị thương, nàng vào trong lấy một hộp đựng thuốc ra. Mở ra ít thuốc bột màu trắng và ít thuốc bột màu đỏ, hòa lẫn với nước, nàng cho Thu Sơn uống. Rồi nàng lại lấy một con dao nhỏ thật sắc bén khoét những chỗ thịt thúi trên đùi Thu Sơn bỏ đi, rồi rắc ít thuốc bột màu vàng vào chỗ vết thương. Một lát sau, nàng lại lấy nước thật trong rửa sạch vết thương, và rắc thêm thuốc bột màu vàng vào. Rửa và rắc thuốc hai lần xong, nàng mới thấy Thu Sơn cất tiếng rên. Nàng nhìn Thừa Chí rồi cười nói:
– Khỏi nguy hiểm rồi!
Nói đoạn, nàng chỉ chỏ ra hiệu cho chàng Câm bồng Thu Sơn vào phòng trong nghỉ ngơi.
Thiếu phụ vừa thu dọn hòm thuốc, vừa nói với Thừa Chí:
– Tôi họ An, cháu cứ gọi tôi là Thím An. Con nhỏ này là cháu gái tôi, tên nó là Tiểu Tuệ. Cháu cứ việc ở lại đây.
Thừa Chí gật đầu. An đại nương xuống bếp làm cơm giết gà để thết khách. Mệt nhọc suốt ngày, ăn uống xong Thừa Chí không thể gượng được nữa, đành phải gục đầu xuống mặt bàn ngủ thiếp đi.
Sáng ngày hôm sau, cậu vừa tỉnh dậy, Tiểu Tuệ liền kéo tay cậu đi rửa mặt. Thừa Chí nói:
– Để tôi đi thăm Thôi thúc thúc xem vết thương khỏi chưa đi.
– Bác Câm đã cõng ông ta đi rồi.
Thừa Chí giựt mình hỏi:
– Có thật không?
Tiểu Tuệ gật đầu. Thừa Chí chạy vào trong, quả nhiên không thấy Thu Sơn đâu cả. Cậu òa lên khóc. Tiểu Tuệ vội khuyên:
– Anh đừng khóc, đừng khóc nữa!
Thừa Chí không chịu nghe, cứ khóc hoài.
Tiểu Tuệ liền gọi:
– Má ơi! Má ơi! Mau ra đây!
An đại nương nghe thấy tiếng con gọi, vội chạy ra. Tiểu Tuệ nói với mẹ rằng:
– Má này! Anh ấy thấy bác Câm và Thôi thúc thúc đi rồi, anh ấy khóc liền.
An đại nương vội an ủi Thừa Chí:

– Cháu nín đi! Có phải Thôi thúc thúc của cháu bị thương nặng lắm đó không?
Thừa Chí gật đầu. Đại nương nói tiếp:
– Thím chỉ có thể chữa cho chú ấy khỏi tạm thôi. Muốn cho chú ấy mau lành, thím phải bảo bác Câm cõng chú ấy đi nhờ thầy lang chữa cho. Chờ chữa xong, chú ấy sẽ trở lại đây với cháu.
Thừa Chí hiểu rõ mới nín dần. An đại nương lại nói:
– Chú ấy sắp khỏi rồi. Cháu mau vào rửa mặt đi, rồi vào đây ăn cơm với thím và em nó.
Dùng cơm sáng xong, An đại nương bảo Thừa Chí kể lại thật rõ ràng câu chuyện đã xảy ra một lần nữa. Nghe xong, nàng cứ thở dài hoài. Thế là Thừa Chí được yên tâm ở lại nhà đó.
Cậu mồ côi từ thuở nhỏ, nay bỗng nhiên được Đại nương trông nom săn sóc như người mẹ hiền, lại có thêm Tiểu Tuệ làm bạn nên trong mấy ngày ở tại đó, cậu cảm thấy sự ấm cúng nhất trong đời. An đại nương lại bảo cậu ôn luyện lại những võ nghệ mà đã học hỏi được. Xem xong, nàng gật đầu khen ngợi và nói rằng:
– Cháu thông minh giỏi gian lắm!
Như vậy cũng đủ rõ nàng cũng hiểu biết những tinh túy của các thế võ đó vậy.
Cứ như thế qua được mười mấy ngày, và ngày nào An đại nương cũng bắt Thừa Chí luyện võ. Nhưng luyện hay hay dở, nàng không bao giờ chỉ bảo khen chê cả, và nàng săn sóc cho chàng từng li từng tí, coi chàng chẳng khác nào con ruột của mình vậy.
* * *
Tiểu Tuệ xuống lưng chừng núi đi tìm Thừa Chí vì không biết chàng vừa đi đâu mà không có ở trong nhà.
Cô gái dừng lại cất tiếng gọi:
– Anh Thừa Chí! Anh đâu rồi?
Gọi mãi không nghe tiếng Thừa Chí đáp lời, Tiểu Tuệ xuống núi để tìm chàng.
Tới một lùm cây chợt nghe có tiếng nói:
– Cô bé kia đứng lại.
Một ngưòi từ trong bụi rậm bước ra. Coi lại đó là một viên Công sai tay cầm đại đao sáng ngời.
Tiểu Tuệ giật mình lui mấy bước mở to đôi mắt đen huyền nhìn người khách lạ mặt.
Cô gái sợ sệt hỏi:
– Ông là ai?
Viên Công sai không đáp mà chỉ hỏi:
– Nhà An đại nương ở đâu?
Tiểu Tuệ lại lui thêm hai bước:
– Ông là ai, sao hỏi nhà An đại nương?
Viên Công sai nghiêm sắc mặt:
– Ta muốn gặp An đại nương có chuyện gấp lắm. Nhà An đại nương đâu?
Tiểu Tuệ tuổi hãy còn ngây thơ đâu hiểu chuyện gì, trỏ tay lên ngọn núi:
– Nhà ở trên kia.
Viên Công sai nhìn kỹ Tiểu Tuệ rồi hỏi:
– Tiểu cô nương tên gọi là gì?
– Tiểu Tuệ!
Cặp mắt của viên Công sai chớp lên:
– Tiểu cô nương hãy theo tôi.
Tiểu Tuệ kinh hãi trố mắt:
– Tôi theo ông để làm gì?
– Có người bảo tiểu cô nương theo tôi.
Tiểu Tuệ càng kinh dị hơn:
– Người đó là ai?
– Tiểu cô nương gặp ngườ đó rồi sẽ rõ.
Tiểu Tuệ lắc đầu:
– Tôi không đi.
Vị Công sai cười gằn:
– Tiểu cô nương không đi thì bắt buộc tôi phải đưa tiểu cô nương đi.
Hắn bước tới chụp nắm lấy Tiểu Tuệ.

Tiểu Tuệ kinh hãi vỗ hai chưởng, vừa hét:
– Mẹ ơi! Cứu con
Nhưng viên Công sai đã lấy chiếc khăn lớn trùm lấy Tiểu Tuệ cuốn lại cho cô gái hết la.
Hắn quay mình đi xuống núi. Thình lình có tiếng hét:
– Trả em gái lại cho ta!
Người vừa hét chính là Thừa Chí. Chàng vỗ một chưởng vào lưng viên Công sai.
Viên Công sai nghe luồng gió day trở lại khoa cây đại đao chống đỡ.
Hắn nhìn Thừa Chí rồi quát:
– Thằng bé này muốn chết sao! Lui mau.

Viên Công sai hấp tấp bước đi, nhưng Thừa Chí đã dùng khinh pháp vượt ngang qua đầu hắn chận lại.
Chàng hét:
– Trả em gái ta, tại sao ngươi bắt cóc em ta?
Viên Công sai trợn mắt:
– Thằng tiểu quỷ, ngươi có lui ra không?
Thừa Chí không nói vỗ một chưởng ngay tâm huyệt viên Công sai.
Hắn quát:
– Ta giết ngươi!
Cây đao trong tay viên Công sai chớp lên, Thừa Chí rú lên một tiếng nhào lộn ra ngoài.
Chàng trúng nhằm hai nhát đao của viên Công sai máu tuôn lênh láng.
Tuy đã bị thương nhưng Thừa Chí đã phóng người dậy cản ngang trước mặt viên công sai.
Viên Công sai giận dữ quát:
– Thằng quỷ nhỏ có chịu dang ra chưa?
Thừa Chí trợn mắt:
– Ngươi không buông em gái ta ra, bằng không ta liều sống chết với ngươi.
Viên Công sai cười lớn:
– Vậy là người phải chết!
Hắn khoa đao định chém thêm mấy nhát kết liễu sinh mạng Thừa Chí. Bỗng có tiếng thét lanh lảnh:
– Buông con ta xuống. Ai bảo ngươi tới đây bắt cóc con gái ta.
Trong tiếng thét kèm theo một loạt chỉ sắc bén bắn vùn vụt vào mình viên Công sai.
Hắn hốt hoảng lui lại tránh rồi nói mau:
– Có người bảo tôi tới đây đưa tiểu cô nương về dinh.
– Người nào?
– Đại nhân!
An đại nương sửng sốt lên rồi thét:
– Buông con ta ra
Nàng vỗ hai tay vào nhau, một viên ám khí liền bắn xẹt vào người viên Công sai làm hắn buông tuột cái khăn, Tiểu Tuệ ngã xuống đất.
Y cảm thấy giữa lưng đau ngấm ngầm, và trong lúc y hơi chậm tay một chút, đơn đao của y đã bị chiếc côn vải cuốn chặt và bị giựt rời khỏi tay y. Hắn nhảy lui về phía sau hai bước, miệng cười xã giao:
– Chồng chị nhờ tôi, tôi phải làm cho được. Thế nào cũng có ngày tôi trở lại đây kiếm chị.
Đại nương lại quật ngang miếng vải vào lưng y, nhưng lần này y đề phòng trước, nên vừa dứt lời, y đã quay mình chạy thẳng xuống núi. Đại nương không đuổi theo, quay lại phía Thừa Chí và Tiểu Tuệ. Thấy con gái mình không việc gì, nàng mới yên tâm, Tiểu Tuệ ngả vào lòng mẹ, khóc lóc. Thấy người và mặt Thừa Chí ướt đẫm những máu, Đại nương vội đưa về rửa và băng bó vết thương cho cậu trai. Cũng may hai vết chém chỉ phớt qua, làm chảy máu nhiều thôi chớ không nặng cho lắm. Sau khi nàng đặt Thừa Chí lên giường ngủ, Tiểu Tuệ mới kể hết đầu đuôi câu chuyện cho nàng nghe. Nàng nhìn Thừa Chí rồi nghĩ thầm: “Không ngờ nó tuổi nhỏ bé người mà cũng có lòng nghĩa hiệp như vậy! Hiện giờ ta không thể ở lại chốn này được. Thế nào ta cũng phải gây dựng cho nó thành tài mới trả được ơn này.”
Nghĩ đoạn, nàng nói với Tiểu Tuệ:
– Con cũng đi ngủ đi, đêm nay còn phải lên đường. Chúng ta dọn đi nơi khác đấy!
Tiểu Tuệ vẫn thường theo mẹ dọn nhà đây đó luôn luôn, nên khi nghe mẹ nói như vậy cũng không ngạc nhiên gì cả, An đại nương thu xếp quần áo, gói làm hai bọc.
Sau khi ba người ăn cơm tối xong, Đại nương thắp nến ngồi chầu một bên hình như nàng có ý chờ đợi người nào đó, nên cửa vẫn thấy để ngỏ.
Tới canh hai, ngoài cửa đó có tiếng chân người đi rất nhẹ. Thoáng một cái, chàng Câm đã tới cửa rồi. Tuy vóc người cao lớn vạm vỡ, nhưng chàng Câm đi rất nhẹ nhàng, không một tiếng động. Như vậy đủ thấy thuật khinh công của chàng tới mức cao siêu.
An đại nương đứng dậy chỉ chỏ ra hiệu, trò chuyện với chàng Câm lúc lâu. Chàng gật đầu tỏ vẽ bằng lòng, Thừa Chí liền hỏi:
– Thôi thúc thúc đã khỏi chưa?
An đại nương trả lời:
– Thôi thúc thúc vô sự rồi, cháu cứ yên tâm. Từ khi cháu tới đây, thím rất thương cháu, coi cháu như con đẻ vậy. Hôm nay cháu lại hăng hái cứu em Tiểu Tuệ nó. Thím không bao giờ quên ơn cháu. Tối hôm nay thím phải đi nơi xa, còn cháu thì theo chú Câm đi.
– Không, cháu đi theo thím cơ!
An đại nương mỉm cười:
– Thím cũng không nỡ xa cháu. Nhưng thím đã nhờ chú Câm đưa cháu đến chỗ sư phụ ký danh của Thôi thúc thúc. Cháu xem, Thôi thúc thúc chỉ học với cụ ấy mấy tháng mà võ nghệ đã xuất sắc đến thế rồi. Cụ ấy võ công thiên hạ vô song, thím muốn cháu theo cụ ấy học võ. Từ xưa tới giờ, cụ ta mới nhận có hai người đồ đệ thôi. Có thể bây giờ cụ ta không muốn nhận đồ đệ nữa, nhưng thấy cháu thông minh và tính nết lương thiện, thím chắc thế nào cụ ấy cũng thương cháu. Chú Câm là người hầu của cụ ta, cho nên thím mới nhờ chú ấy đưa cháu đi và nói giúp hộ cháu. Nếu cụ ta không nhận thì chú Câm sẽ đưa cháu về ở với thím.
Thừa Chí gật đầu bằng lòng. Nàng lại dặn dò thêm:
– Tánh cụ ta lạ lắm. Nếu cháu không nghe lời, tất nhiên cụ ta không nhận, nhưng nếu cháu ngoan ngoãn quá cụ ta sẽ bảo cháu không có cốt khí và cũng không nhận nốt. Vậy phải chờ xem cháu sẽ được may mắn hay không?
Nói đoạn nàng tháo chiếc vòng vàng ở cổ tay ra đeo vào cánh tay Thừa Chí. Cái vòng nọ hơi to, nàng phải bóp nhỏ lại mới đeo vừa. Rồi nàng vừa cười vừa nói:
– Chờ đến khi học thành tài, trở nên người lớn, cháu đừng có quên thím và em nó nhé! Nếu trường hợp cháu được lão tiền bối chịu dạy bảo thì khi nào thím được rảnh, đưa em Tuệ đến thăm cháu nhé!
An đại nương tuy cố gắng giữ cho giọt lệ khỏi rơi, nhưng mắt nàng cũng đã đỏ ngầu rồi. Nàng gượng nói:
– Được rồi! Lúc nào thím cũng nhớ đến cháu, thương cháu!
Nói đoạn, nàng viết thơ cho chàng Câm, rồi một tay sách hai bọc áo một tay dắt Tiểu Tuệ ra đi. Chàng Câm và Thừa Chí theo sau. Ra tới ngoài cửa, mẹ con Tiểu Tuệ đimột ngả, còn chàng Câm và Thừa Chí đi một ngả. Trước khi chia tay mẹ con Tiểu Tuệ và Thừa Chí đều quyến luyến không muốn từ biệt.
Thấy Thừa Chí bị thương và mất máu khá nhiều chắc không thể đi nhanh được, nên chàng Câm cõng cậu lên, thẳng tiến trên con đường núi. Ngày đi tối nghỉ, hai người đi ròng rã mười mấy hôm. Đêm nào cũng không dám vào khách điếm ngủ trọ, chàng Câm và Thừa Chí chỉ vào đền, miếu đổ nát hoặc các hang động nghỉ ngơi thôi.
Ngày nào Thừa Chí cũng ra hiệu hỏi chàng Câm đã tới đích chưa, thì chàng kia lại chỉ về phía trước. Lại đi ba ngày nữa, đường đi bắt đầu đã thấy hiểm trở. Tới một núi nọ, chàng Câm phải dùng cẳng chân để bò lên leo trên đỉnh núi cao chót vót. Vết thương của Thừa Chí đã khỏi hẳn, duy có lông mày bên trái thành một vết sẹo thâm quầng.
Cậu phải ôm chặt cổ chàng Câm. Vì đường núi giốc quá làm một trong hai người trượt chân hoặc buông tay ra là té xuống hố sâu, tan xương nát thịt, chết ngay tức thì, nên hai người càng phải hết sức cẩn thận. Khi bò tới đỉnh núi cao nhất, Thừa Chí trông thấy một miếng đấy rộng và bằng phẳng. Xung quanh có những cây thông cao bao phủ.
Xuyên qua rừng thông, cậu thấy có năm, sáu căn nhà bằng đá, chàng Câm có vẻ hân hoan, tựa như chàng đi xa lâu ngày mới trở về nhà cũ vậy. Chàng dẫn Thừa Chí vào trong Thạch ốc, lấy chổi quét dọn sạch sẽ đâu đấy rồi mới xuống bếp thổi cơm. Ở tới ngày thứ ba, Thừa Chí nóng lòng ra hiệu hỏi chàng Câm, sư phụ ở đâu? Thấy chàng Câm chỉ tay xuống núi, Thừa Chí đòi xuống nhưng chàng Câm lại xua tay lắc đầu. Bất đắc dĩ, cậu đành phải chịu nhẫn nại chờ đợi.
Không trò chuyện được với chàng Câm, cậu bực mình buồn bực vô cùng.
Một đêm nọ, Thừa Chí đang ngủ ngon giấc, bỗng thấy trước mắt sáng choang, vội vàng ngồi dậy. Cậu thấy một ông cụ, tay cầm cây nến đứng cạnh giường, vẻ mặt tươi cười. Thừa Chí, phúc chí tâm linh, vội nhảy xuống đất quỳ lạy ông cụ bốn lạy, và thưa rằng:
– Bạch sư phụ mới về, đệ tử Viên Thừa Chí xin kính lạy ra mắt sư phụ.
Ông cụ nọ cả cười, nói:
– Thằng nhỏ này, ai đã nhận dạy mà mà dám gọi ta sư phụ? Tại sao mầy đoán được thế nào tao cũng nhận mày làm đồ đệ?
Nghe giọng nói, Thừa Chí biết ông ta đã bằng lòng rồi, liền vui vẻ đáp:
– Dạ, bạch sư phụ, thím Anh chỉ bảo dùm con đấy ạ.
– Nàng chỉ hay làm phiền ta. Thôi được, ta nể người cha đã khuất của con, mà nhận con làm đồ đệ vậy!
Thừa Chí định sụp xuống lạy, nhưng ông cụ vội cản lại:
– Thôi đủ rồi, ngày mai sẽ nói chuyện.
Sáng sớm ngày hôm sau, mặt trời chưa mọc, Thừa Chí đã dậy rồi. Chàng Câm hình như đoán biết ông cụ đã chấp nhận Thừa Chí làm đồ đệ cho nên chàng mừng quá, bồng Thừa Chí ném lên trên không rồi lại đỡ lấy vừa ném vừa đỡ như vậy đến bốn, năm lần. Nghe thấy tiếng cười đùa của Thừa Chí, ông cụ ở trong nhà bước ra, vừa cười vừa nói:
– Được lắm, con mới có bấy nhiêu tuổi đầu, mà đã biết hành hiệp trượng nghĩa, cứu đàn bà trẻ con. Con có bản lĩnh gì, hãy giở ra cho ta coi nào.
Thấy ông cụ nói như vậy, Thừa Chí xấu hổ, mặt mũi đỏ gay. Ông cụ nói tiếp:
– Con không trổ tài cho ta xem, thì ta biết thế nào mà dạy con bây giờ!
Thừa Chí biết sư phụ không nói đùa với mình, liền dỡ thế võ “Phục Hổ chưởng” của Thôi Thu Sơn truyền cho. Từng đường, tường miếng một đánh từ đầu tới cuối. Ông cụ vừa xem vừa mỉm cười chờ cậu đánh xong, mới nói:

– Thu Sơn cứ khen con thông minh, lúc đầu ta còn chưa tin, nay mới thấy rõ, hẳn chỉ dạy con có mấy ngày, mà đã thành tựu như vậy, quả thật là khá lắm!
Thấy nói đến Thôi Thu Sơn, Thừa Chí chờ ông cụ nói xong, liền tiếp lời hỏi ngay:
– Bẩm sư phụ, Thôi thúc thúc hiện giờ ở đâu? Và đã mạnh chưa ạ?
– Hắn đã hoàn toàn vô sự. Và trở về nơi Lý tướng quân tiếp tục chiến đấu rồi.
Thừa Chí thấy thầy nói như vậy, hớn hở vô cùng. Lúc ấy, chàng Câm đã bày xong hương án. Ông cụ lấy ra một bức tranh có vẽ hình một vị nho sinh rồi thắp hương nến cung kính quỳ lạy, đoạn nói với Thừa Chí rằng:
– Đây là Từ tổ sư Khai Sơn của phái Hoa Sơn chúng ta, con lại đây quỳ lạy đi.
Thừa Chí nghe lời, sụp xuống quỳ lạy, nhưng cậu không biết lạy bao nhiêu cái mới phải, trong lòng nghĩ thầm: “Chắc càng lạy nhiều càng hay,” rồi cậu cứ lạy lia lịa.
Ông cụ phải phì cười bảo thôi. Ông cụ vừa dứt tiếng cười, đang định nói thì Thừa Chí vội quay lại, lạy ông cụ mấy lạy, coi như đã là chánh thức bái sư. Ông cụ mỉm cười nhận lễ:
– Từ nay con là đệ tử chính thức của phái Hoa Sơn chúng ta rồi. Từ trước tới giờ ta mới thu nhận chỉ hai đồ đệ. Đã mười mấy năm nay, vì chưa gặp đứa trò nào thông minh, chịu khó, nên ta chẳng nhận thêm ai cả. Con là đệ tử thứ ba của thầy và cũng là đồ đệ chót, vậy con phải chăm chỉ học tập đừng để cho người ta chê cười mỉa mai.
Thừa Chí cúi đầu xin vâng. Ông cụ lại nói tiếp:
– Ta họ Mộc, các bạn giang hồ gọi ta là Bát Thủ Tiên Viên (Vượn tiên tám tay). Con phải ghi nhớ, kẻo có người ta hỏi đến tên thầy, con lại ú ớ không biết trả lời ra sao.
Thừa Chí không nhịn được phải phì cười. Cậu ta nghĩ thầm: “An đại nương bảo tánh nết ông ta rất kỳ lạ, mình cứ nơm nớp lo sợ mãi. Ngờ đâu thầy ta dễ dãi, ưa khôi hài đến thế!”
Võ nghệ của Bát Thủ Tiên Viên cao siêu vô cùng. Trong 20 năm nay, ông tung hoành trên chốn giang hồ và chưa hề gặp người địch thủ. Vì ông ta không hay can thiệp vào việc người nên ít người biết tới tên tuổi. Thật tình tánh nết ông ta rất kỳ lạ và khó khăn lắm. Lần này, chỉ vì thương hại Thừa Chí côi cút tội nghiệp và thêm điều tôn kính cha cậu là một vị trung thần hết lòng vì nước lại chết oan, nên ông ta mới đoái hoài tới, rồi thấy Thừa Chí là người thông minh hoạt bát nên ông ta mới trò chuyện vui vẻ như thế. Mục Nhân Thanh lại nói:
– Hai sư huynh của con hơn con những 20, 30 tuổi, ngay như đồ đệ của họ cũng còn lớn hơn con nữa là khác. Có lẽ họ sẽ trách móc ta tới giờ phút này còn nhận thêm đứa con nít làm đồ đệ. Hà! Hà! Nếu con không chịu khó luyện tập, sau này bị thua cả đồ đệ, đồ tôn của chúng, thì họ càng có lý do bảo thầy là già nua lẩm cẩm đấy!
– Con xin hết sức chăm chỉ luyện tập. à, thưa sư phụ, Thôi thúc thúc có phải là sư huynh của con không?
– Nó đi theo Lý tướng quân luôn luôn bận việc binh đao không có thì giờ học tập nên ta chỉ dạy cho có một thế võ “Phục Hổ chưởng” thôi chớ nó không phải là đồ đệ chính thức của ta.
Nói đoạn Mục Nhân Thanh chỉ vào chàng Câm đoạn nói tiếp:
– Như chàng Câm kia chẳng hạn, hằng ngày xem ta dạy võ, nó cũng võ vẽ vài miếng. Nhưng nếu đem so sánh với hai sư huynh con thì thật một trời một vực, nó còn kém lắm.
Thừa Chí nghĩ thầm: “Chàng Câm hai lần ra tay ném bọn công sai, thân thủ lanh lẹ vô cùng. Nhưng sư phụ bảo hai vị sư huynh còn giỏi hơn y không biết bao nhiêu lần. Vậy nếu ta chịu khó học tập, dù không bằng hai vị sư huynh, nhưng bằng được chàng Câm, ta cũng sung sướng và an ủi lắm rồi.”
Mục Nhân Thanh lại nói:
– Phái Hoa Sơn chúng ta có rất nhiều giới điều chẳng hạn như: giới dâm, giới sĩ (ra làm quan), giới bảo tiêu, vân vân. Bây giờ dù có nói ra, con cũng không thể nào nhớ hết được. Ta chỉ cần dặn con hai câu này: Thứ nhất phải nghe lời sư phụ. Thứ hai đừng có làm bậy. Con hiểu không?
– Con xin vâng lời thầy, không bao giờ dám làm bậy.
– Thôi được, bây giờ chúng ta bắt đầu luyện võ. Vì thời gian gấp rút, Thôi thúc thúc đã dạy con hết thế võ Phục Hổ chưởng nhưng thế Chưởng pháp đó thần diệu khôn lường. Tuổi con còn nhỏ dù có học hiểu hết cũng không thể sử dụng như ý muốn được. Nay ta hãy dạy con thế “Trường quyền Thập Đoạn Cầm” trước đã.
– Thưa thầy, thế võ này Ngụy thúc thúc đã dạy con rồi ạ.
– Thế võ con học của Ngụy thúc thúc vừa múa cho thấy xem còn nhiều chỗ sai lầm lắm. Nếu con thật hiểu hết sự tinh vi của thế “Trường quyền Thập Đoạn Cầm” thì trên chốn giang hồ sẽ ít có người địch nổi con.
Nghe lời sư phụ dạy bảo, Thừa Chí không dám cãi lại, chỉ vâng vâng dạ dạ thôi.
Mục Nhân Thanh đem thế võ “Thập Đoạn Cầm” ra biểu diễn cho Thừa Chí xem.
Cậu thấy các đường quyền giống hệt Ngụy Hạo dạy hồi nọ. Cậu nghĩ thầm: “Thế này thì có gì đặc biệt đâu?”
Cậu đang nghi ngờ thì Mục Nhân Thanh lại nói:
– Chắc con tưởng sư phụ nói dối phải không? Bây giờ con thử lại đây xem con có thể nắm được áo của ta không? Con chỉ cần đụn vào vạt áo của ta, ta cũng cho con là tài ba lắm rồi.
Thừa Chí tưởng phải đối địch với sư phụ nê không dám, cứ đứng yên, nhe răng cười. Mục Nhân Thanh liền thúc giục:
– Con cứ lại đi! Như thế cũng như ta dạy con luyện võ đấy mà!
Thấy nói là dạy võ, Thừa Chí liền xông ngay lại, giơ tay định nắm lấy tà áo của Nhân Thanh. Nhưng tay cậu vừa sắp trờ tới thì tà áo đó bỗng rụt lạ, chỉ cách xa đầu ngón tay Thừa Chí độ hai, ba tấc thôi. Thấy vậy, cậy tiến lên một bước đủ vừa nắm lấytà áo. Ngờ đâu, cậu chẳng thấy sư phụ đâu nữa, chỉ thấy có tay người vỗ sau gáy cậu một cái, và có tiếng gọi: “Ta ở đây mà!”
Thừa Chí quay mình định hai tay ôm choàng lấy sư phụ ngờ đâu ông ta đã biến mất. Cậu vội quay lại thấy sư phụ đứng cách xa tới hai, ba trượng. Tính hiếu thắng của trẻ con thúc đẩy, cậu nghĩ thầm: “Thế nào ta cũng phải bắt cho được mới thôi!”
Nghĩ đoạn, cậu nhảy xổ lại nắm lấy tay áo của sư phụ. Mục Nhân Thanh chỉ phẩy ta áo một cái, ông ta nhảy ra tận đằng xa rồi, Thừa Chí vừa cười vừa đuổi theo. Đang lúc đó cậu thấy chàng Câm chỉ tay ra hiệu, bảo cậu nên chú ý. Thừa Chí sực nghĩ: “Quả nhiên sư phụ dùng thân pháp trong thế võ Thập Đoạn Cầm thôi, nhưng tại sao ông ta lại nhanh nhẹn đến thế?”
Nghĩ đoạn, cậu vừa đuổi vừa ghi nhớ lối sử dụng thân pháp của sư phụ. Cậu vốn dĩ đã thuần thục thế võ “Thập Đoạn Cầm” nhưng vì Mục Nhân Thanh tiến thoái lẩn tránh nhanh nhẹnh quá và trong lúc vận dụng thế võ, lại khôn khéo vô cùng. Thừa Chí thông minh lạ thường, một mặt đuổi bắt, một mặt nhớ kỹ thân phá của sư phụ. Sau cùng, cậu vừa đuổi vừa vận dụng thân pháp một cách khôn khéo, quả nhiên thấy nhanh nhẹn gấp trước mấy lần. Mục Nhân Thanh thầm gật đầu khen thầm: “Thằng bé này thông minh đấy!”
Lúc ấy Thừa Chí đuổi càng nhanh bao nhiêu, Mục Nhân Thanh càng tránh lẹ bấy nhiêu. Hai người chạy đuổi càng ngày càng nhanh, đến nỗi chỉ thấy có hai cái bóng người bay múa đó đây.
Bỗng thấy Mục Nhân Thanh cất tiếng cười ồ, rồi ôm lấy Thừa Chí, vừa cười vừa nói:
– Đồ đệ tài giỏi, đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu của thầy!
Thừa Chí thấy trong “Thập Đoạn Cầm” có nhiều miếng huyền ảo như vậy trong lòng hớn hở vô cùng.
Mục Nhân Thanh lại nói:
– Thôi bấy nhiêu cũng đủ cho con tập luyện rồi.
Nói xong, ông ta đặt Thừa Chí xuống đất dặn tiểu đồ đệ hãy ở lại luyện tập thêm vài lần nữa rồi đi vào gia trang.
Thừa Chí luyện tập từ đầu chí cuối, lại tập thêm hơn mười lần nữa. Ngoài những thân pháp của sư phụ mà cậu học được, cậu còn biến chế thêm vài mánh lới riêng biệt nữa.
Tối hôm đó, cậu sung sướng quá, chỉ gãi đầu gãi tai, trằn trọc suốt đêm không sao ngủ được. Đến khi mệt quá thiếp đi cậu vẫn nghĩ tới sự luyện võ trong giấc mơ.
Vừa tảng sáng, sợ quên những miếng võ hôm qua đã học được cậu vội ra ngay sân ôn luyện lại, càng tập càng thêm hăng hái. Bỗng nghe phía sau có tiếng ho, cậu quay lại, trông thấy sư phụ miệng mỉm cười đang đứng tại đó. Cậu vội cúi đầu chào:
– Đệ tử kính chào sư phụ.
– Mấy miếng võ của con vừa chế biến ra kể cũng khá đấy. Ngay như miếng con vừa đánh xong cũng đã nhanh lắm, nhưng hạ bộ vẫn còn nhiều chỗ sơ hở. Nếu kẻ địch là người giỏi võ, họ chỉ giơ chân ra móc một cái là con bị nguy hiểm ngay. Cho nên con phải đánh như thế này.
Nói đoạn, Mục Nhân Thanh liền đứng vào địa vị kẻ địch, vừa tấn công vừa chỉ dẫn vào những yếu điểm. Chỉ dặn qua một lần, Thừa Chí đã hiểu ngay. Ngày hôm đó, cậu lại học thêm được vài miếng võ tuyệt xảo.
Ở trên Hoa Sơn luyện tập, thấm thoát đã ba năm. Năm đó Thừa Chí được 12 tuổi.
Vì luyện võ từ thuở nhỏ nên thân thể cậu chóng nở nang hơn người. Thỉnh thoảng Mục Nhân Thanh có việc phải xuống núi. Hễ đi cỡ hai, ba tháng ông ta mới về. Trước khi đi, thế nào ông ta cũng dạy Thừa Chí một vài quyền pháp, để khi về, bảo cậu luyện lại cho ông xem. Lần nào cậu cũng thành thạo những quyền pháp mới học được.
Tết Đoan Ngọ năm nọ, sau khi uống rượu Hồng Hoàng xong, bỗng nhiên Mục Nhân Thanh đem bức họa của sư gia ra treo. Ông ta quỳ lạy xong, gọi Thừa Chí lạy, rồi nói với cậu rằng:
– Con có biết tại sao hôm nay thầy bảo con lạy Tổ sư gia không?
– Thưa thầy con không biết ạ.
Mục Nhân Thanh vào gian trong bưng một hộp gỗ hình dài ra đặt hương án, rồi mở nắp ra, chỉ thấy ánh sáng loè mắt, một bảo kiếm dài ba thước nằm trong đó. Thừa Chí trống ngực đập thình thịch, miệng run run hỏi:
– Sư phụ dạy con học kiếm phải không?
Mục Nhân Thanh gật đầu, lấy thanh bảo kiếm ra, vẻ mặt nghiêm trang, bảo Thừa Chí:
– Con quỳ xuống, nghe lời thầy dạy!
Thừa Chí vội vàng quỳ xuống. Ông ta nói tiếp:
– Kiếm là tổ của trăm thứ khí giới, rất khó học. Con thông minh lại hiểu biết chóng, thế nào cũng học được thành tài. Nhưng kiếm pháp của phái Hoa Sơn chúng ta, từ các đời tổ sư truyền xuống, ai nấy đều nhờ ở trí tuệ thông minh của mình mà sáng kiến thêm, nên mỗi đời mỗi tinh xảo hơn. Các phái võ công khác, sư phụ họ thường hay giữ lại một vài miếng bí quyết để hộ thân, không dạy hết cho đồ đệ, nên các phái đó một đời một tàn lụinhư vậy, để tránh điều đó nên lúc chọn đồ đệ để truyền dạy võ nghệ rất là nghiêm ngặt. Khi đã tuyển chọn xong rồi là sư phụ phải dốc túi dạy hết. Vì vậy, môn kiếm pháp này, đời nào trò cũng giỏi hơn thầy. Kiếm pháp của ta khó học vô cùng và cũng ác hiểm hơn các kiếm pháp khác. Nếu con chịu khó luyện tập thành tài, sẽ trở nên một kiếm sĩ thiên hạ vô địch thủ ngay. Trước khi dạy con kiếm pháp, thầy buộc con phải thề độc không được tàn sát một người oan uổng cả.
Thừa Chí nhanh miệng thề luôn.
– Được rồi con đứng lên đi!
Thừa Chí đứng dậy, ông ta lại nói tiếp:
– Thầy biết con tâm địa nhân từ, chắc không bao giờ con giết bừa những người hiền lành đâu. Nhưng giữa những thị phi, cũng có khi khó phân biệt phải trái. Quý hồ con đặt lòng từ thiện trên hết, thì không bao giờ giết nhầm đâu. Điều này con nên nhớ kỹ!
Thừa Chí gật đầu vâng lời. Mục Nhân Thanh tay trái nắm kiếm quyết, tay phải giơ bảo kiếm lên. Thật là “Đường kiếm như Rồng bay Phụng múa, lóe hào quang tựa ánh sáng mặt Trời.”
Một kiếm pháp thiên hạ vô song bắt đầu phát động.

Chương 4: Quanh Năm Luyện Quyền Kiếm

Dưới ánh mặt trời, trường kiếm lại càng lóng lánh chói lọi. Trong lúc múa kiếm, chỉ thấy luồng bạch khí lăn đi lộn lại. Thừa Chí theo sư phụ học kiếm trong ba năm liền tài ba đã khác xưa nhiều. Nhưng mỗi khi Mục Nhân Thanh múa kiếm tới lúc thật nhanh, cậu vẫn không sao nhận rõ bộ pháp và thân pháp của sư phụ như thế nào, chỉ thấy một luồng gió hoặc như một tòa núi vậy thôi.
Múa tới miếng sau cùng bỗng nghe thấy Nhân Thanh hét lên một tiếng thanh kiếm rời khỏi tay như một tia chớp đã cắm ngập hai phần ba vào thân một cây cổ thụ cách đó hơn trượng, thấy sức lực của sư phụ mạnh lạ lùng, Thừa Chí kinh ngạc, há hốc mồm và ngẩn người ra. Bỗng nhiên nghe thấy sau lưng có tiếng người la lớn: “Giỏi lắm,” cậu ngạc nhiên vì ở trên núi mấy năm nay, ngoài tiếng của sư phụ ra, không bao giờ họ nghe thấy tiếng nói của người thứ hai. Cậu quay đầu lại, thấy một đạo nhân đang vuốt râu, mỉm cười.
Đạo nhân đó mặc áo đạo bào màu vàng, sắc mặt hồng hào, tóc nhắm như sợi bạc.
– Mười mấy năm nay không thấy chú dùng kiếm, không ngờ bây giờ chú lại tiến bộ đến thế.
Nhân Thanh cả cười, trả lời:
– Kìa, Mộc Tang đạo huynh! Không hiểu cơn gió nào đã thổi đạo huynh tới nơi đây thế! Thừa Chí, con mau ra lạy chào đạo trưởng đi.
Nghe lời thầy, Thừa Chí chạy nhanh lại quỳ xuống lạy. Mộc Tăng đại nhân cười nói:
– Thôi không dám.
Rồi đưa tay đỡ Thừa Chí dậy. Phàm người học võ, hễ gặp ngoại lực áp bức, tự nhiên phản công lại ngay. Thấy Mộc Tang đạo nhân kéo mình mạnh quá, dĩ nhiên Thừa Chí phải dùng hai tay bị nắm kéo dằn lại. Chỉ có thế, Mộc Tang đạo nhân đã thử được tài nghệ cậu ta ra sao rồi. Thử xong, đạo nhân vừa cười vừa nói với Mục Nhân Thanh:
– Lão Mộc đã mấy năm nay không gặp chú, tưởng chú đi chu du tận đâu đâu, thì ra chú ẩn nấp ở đây lén lút dạy võ cho đồ đệ. Kể ra số của chú cũng may mắn lắm đấy! Sắp chết đến nơi mà còn kiếm được một nhân tài như vậy!
Hai người vẫn thường nói bông đùa nhau quen rồi, nay thấy bạn khen đồ đệ mình, Mục Nhân Thanh có vẻ khoái chí, tự đắc lắm.
Mộc Tang đạo nhân lại nói:
– Ối chà! Hôm nay bác không sẵn tiền để tặng “lì xì” cho cháu. Nhưng bây giờ đã trót nhận mấy cái vái của cháu rồi, biết làm thế nào bây giờ?
Nghe thấy đạo nhân nói vậy, Mục Nhân Thanh xúc động linh cơ nghĩ thầm: “Lão quỷ đạo nhân này tài ba độc đáo, chốn giang hồ phải tặng anh ta biệt hiệu là ⬘Quỷ Ảnh Tử⬙ (cái bóng ma). Nếu y bằng lòng dạy cho Thừa Chí một vài đường, kể cũng hân hạnh cho nó lắm rồi. Nhưng vốn dĩ y không chịu thâu nhận đồ đệ, ta phải nghĩ cách nói khích thì y mới chịu dạy.”
Nghĩ đoạn, Nhân Thanh nói liền:
– Thừa Chí, đạo trưởng đã nhận lời chỉ bảo cho con, vậy con mau mau quỳ lạy tạ ơn đi!
Thừa Chí thông minh vô cùng, thấy sư phụ vừa nói dứt lời liền quỳ xuống vái lạy.
Mộc Tang đạo nhân lớn tiếng cười ha hả:
– Thôi! Thôi! Thôi! Ta chịu thầy trò ngươi rồi. Thầy nào trò nấy có khác! Sư phụ không biết xấu hổ, mà đồ đệ cũng chả ra cái quái gì! Này, bé con, cháu hãy nghe ta nói, cháu nên làm người chân chánh thì hơn, đừng học cái trò mặt dày như sư phụ cháu. Chưa biết ta định cho cháu cái gì, sư phụ cháu đã đòi ta dạy võ cho cháu ngay! Thôi được, ta đã nhận lời thì đây, ta cho cháu cái này vậy.
Nói xong, Mộc Tang đạo nhân móc túi vải đeo sau lưng, lấy ra một chiếc áo cánh đen thui thủi và nặng chình chịch đưa cho Thừa Chí.
– “Áo đó không phải bằng tơ hay lụa, không hiểu làm bằng cái quái gì nhỉ?”
Cậu đang ngẫm nghĩ thì Mục Nhân Thanh đã nói ngay:
– Đạo huynh đừng đùa giỡn trẻ con nữa! Vật quý báu như thế, cho nó sao được!
Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí mới biết cái áo cánh đó là một bảo vật kỳ lạ, liền trao trả cho Mộc Tang đạo nhân. Lão đạo sĩ xua tay nói:
– Ta có hạ tiện như sư phụ cháu đâu. Ta đã cho là cho, cháu cứ ngoan ngoãn nhận lấy mà dùng.
Thừa Chí chưa dám nhận, nhìn sư phụ như thầm hỏi ý kiến. Mục Nhân Thanh liền nghiêm trang nói:
– Nếu vậy con tạ ơn đạo trưởng đi!
Thừa Chí được lệnh của sư phụ, liền nói mấy lời cảm tạ lão sư. Mục Nhân Thanh lại nói tiếp:
– Cái áo này đạo trưởng đã tốn biết bao tâm huyết và phải thập tử nhất sinh mới lấy được báu vật ấy để hộ thân, vậy con mặc luôn áo vào đi.
Cậu nghe lời, mặc ngay cái áo cánh đó vào người. Mục Nhân Thanh nhảy tới cạnh cây cổ thụ, dùng hai ngón tay khẽ gắp thanh kiếm ngập sâu ở thân cây ra, rồi nói tiếp:
– Cái áo này đan bằng sợi bạch kim lẫn với tóc và lông của con vượn lông vàng. Bất cứ khí giới nào, dù sắc bén đến đâu, cũng không thể đâm thủng nó được.
Vừa nói dứt lời, ông ta đâm ngay một mũi kiếm vào vai đồ đệ. Nhát kiếm đó nhanh như chớp nhoáng, Thừa Chí không sao tránh kịp, vừa giật mình thì mũi kiếm đã trúng ngay vào vai cậu.
Nhưng nhờ có chiếc áo đó che chở, thanh kiếm bị bật trở lại và cậu không hề bị thương mảy may. Mừng quá, cậu quỳ ngay xuống vái lạy Mộc Tang đạo nhân.
Đạo nhân vừa cười vừa nói:
– Lúc đầu, nhìn thấy cái áo xấu xí, dù cháu có cảm ơn ta, nhưng trong lòng chắc không ưng tí nào cả. Đến bây giờ cháu mới bằng lòng thật sự phải không?
Thừa Chí xấu hổ, đến nỗi đỏ mặt tía tai. Mộc Tang đạo nhân lại nói:
– Cái áo này đã cứu bác mấy lần khỏi chết. Nhưng bây giờ, nếu sư phụ cháu không làm khó dễ bác, thì cũng không cần phải mặc cái của quý này làm gì nữa. Vì xét trong thiên hạ hiện nay chưa thấy ai có thể đánh nổi bác bị thương được.
Nói xong, đạo nhân lớn tiếng cười ha hả, có vẻ tự phụ.
Mục Nhân Thanh vừa cười vừa nói:
– Lão đạo sĩ, ở trước mặt tiểu bối đừng nên nói khoác nói lác nhé! Võ nghệ của tôi có được bằng lão huynh đâu? Vả lại đời này thiếu gì người giỏi! Phải biết, ngoài từng trời này lại có từng trời khác, mình giỏi có người giỏi hơn
Mộc Tang mỉm cười trả lời:
– Lại đây! Lại đây! Anh em ta không tiện giở dao giở kiếm ra đối địch, chi bằng
– Chi bằng phân thắng bại trên bàn cờ phải không?
– Đúng lắm! Đúng lắm! Chú là con sâu nằm trong bụng tôi có khác!
– Nếu lão huynh chưa phải lúc lên cơn nghiện đánh cờ chắc cũng chưa thèm đến nơi thâm sơn này kiếm đệ phải không. Thế cái trò cúng cơm ấy lão huynh có đem theo không?
Mộc Tang đạo nhân hớn hở, móc túi vải lấy đủ bộ, cả bàn lẫn quân cờ ra. Chàng Câm vội khiêng bàn ghế ra vườn. Hai đạo sĩ cùng ngồi dưới bóng cây phân tài cao hạ.
Vì Thừa Chí không hiểu chơi cờ ra sao cả, nên vừa đánh, Mộc Tang vừa dạy cậu, đồng thời, ông ta muốn khoe khoang nước cờ của mình cao hơn Mục Nhân Thanh. Mặc cho Mộc Tang nói dóc, Nhân Thanh cứ lẳng lặng nghĩ nước đi. Cờ hai vị đang chơi là cờ vây, dễ biết đi mà khó tinh xảo, chỉ xem một ván là Thừa Chí biết đi ngay. Quả nhiên, ván đầu Mộc Tang thắng hai quân cờ. Hai người đánh cho tới mặt trời lặn mới xong ba ván. Rút cuộc Mộc Tang thắng hai thua một mà vẫn đòi đánh nữa, nhưng Nhân Thanh từ chối vì mỏi mệt, nên ông ta mới chịu thôi. Tuy vậy trong lòng ông ta vẫn còn luyến tiếc.
Trong ba ngày liền, Mộc Tang đạo nhân cứ níu lấy Nhân Thanh đòi đánh cờ. Sáng sớm ngày thứ tư, Mục Nhân Thanh phải nói trước rằng:
– Ngày hôm nay, xin tạm nghỉ đánh cờ, để đệ còn phải dạy kiếm pháp cho đồ đệ.
Thấy là công việc chánh đáng, nên Mộc Tang không tiện phản đối. Ngồi chờ mãi sốt ruột vừa mới thấy Nhân Thanh truyền kiếm pháp cho Thừa Chí xong, ông ta chạy ngay lại vừa kéo Nhân Thanh vừa nói:
– Nào, lại đây! Chúng ta đánh ba ván.
Dạy kiếm ngót nửa ngày, Mục Nhân Thanh đã cảm thấy mỏi mệt rồi. Nhưng biết Mộc Tang nghiện cờ lắm, nếu ông ta không nhận lời đánh vài ván thì Mộc Tang ngủ không yên. Vì miễn cưỡng ngồi đánh, nước cờ của Nhân Thanh càng thấp kém vô cùng. Đi được mười nước, giàn trận chưa xong, quân cờ của ông ta đã bị bao vây tứ phía rồi. Nước cờ đã lâm và ngõ bí, ông ta phải miễn cưỡng đặt quân cờ của mình làm mắt để mong gỡ thoát, nhưng tứ phía yếu điểm đều sắp bị đối phưong chiếm cả. Ông ta tay cầm quân cờ, ngẫm nghĩ mãi vẫn do dự, chưa dám đặt xuống. Thừa Chí đứng cạnh xem, nhịn không nổi liền mách nước:

– Sư phụ đặt quân cờ ấy xuống đây, thế nào sư bá cũng tìm nước gỡ rồi sư phụ lại đặt nốt quân kia ở chỗ này, phải sẽ thoát khỏi vòng vây không?
Nước cờ Thừa Chí vừa mách quả thật thần diệu vô cùng. Nhân Thanh vốn không có tánh tự phụ như Mộc Tang, thấy đồ đệ nói phải nghe liền. Quả nhiên bên quân đen xông ra khỏi vòng vây và trái lại còn hãm chết một số quân cờ trắng. Đáng lẽ ván cờđó Nhân Thanh phải đại bại, nhưng nhờ có Thừa Chí mách nước, kết cuộc có thua ba quân cờ thôi.
Mộc Tang khen ngợi Thừa Chí thông minh và khôn ngoan, rồi chấp sáu quân, ép cậu ta ngồi đánh một ván. Hình như Thừa Chí có thiên tài về đánh cờ vậy. Tánh cậu lại hiếu thắng chớ không nhường nhịn như Nhân Thanh. Vì vậy ván cờ đó, tuy Mộc Tang thắng nhưng không dễ dàng như đạo nhân tưởng. Ngày hôm sau mới tảng sáng, Mộc Tang đã bắt Thừa Chí đánh cờ, nhưng không ngờ cậu bé thắng hai ván liền. Thế rồi từ chấp 6 quân cờ rút xuống chấp 5 và chưa đầy 10 ngày, nước cờ của Thừa Chí đã cao lắm. Mộc Tang chỉ dám chấp một quân, hai bên mới có thắng bại.
Thừa Chí để tâm trí vào cờ dần dần xao lãng học tập võ nghệ. Vì nể Mộc Tang nên lúc đầu Nhân Thanh không nói gì cả. Sau thấy một già một trẻ, suốt ngày quên ăn quên ngủ cứ mải mê đánh cờ, nên ông phải dặn ngầm Thừa Chí mỗi ngày chỉ được phép đánh một ván cờ với Mộc Tang thôi, còn thời giờ phải dành cho việc luyện tập võ nghệ. Thấy sư phụ nhắc nhở, Thừa Chí cũng bỏ phí mất mười mấy ngày không tập tành gì cả, nên cậu cũng tự xấu hổ vô cùng. Sau đó hai ngày liền, hễ Mộc Tang gọi đánh cờ thì Thừa Chí thoái thác còn bận việc tập luyện kiếm thuật, không có thời giờ rỗi rãi.
Mộc Tang nói:
– Cháu cứ đánh cờ với bác đi! Đánh xong, bác sẽ dạy cháu một thế võ này, thế nào sư phụ cháu cũng hài lòng.
– Vâng, xin phép bác cho cháu hỏi qua sư phụ cháu đã.
– Được, cháu cứ đi hỏi đi.
Thừa Chí liền chạy ra hỏi ý kiến sư phụ, Nhân Thanh mừng lắm, vì hiểu rõ Mộc Tang đạo nhân, được mệnh danh là “Quỷ Ảnh Tử”, võ nghệ biệt lập một phái, nhưng tánh nết rất cổ quái, không chịu thu nhận đồ đệ, nay ông ta bằng lòng dạy võ cho Thừa Chí, chắc cũng vì sự nghiệp cờ quá mà nên, Nhân Thanh liền dẫn cậu tới trước mặt Mộc Tang, cúi chào và nói rằng:
– Đại huynh đã vui lòng đã giúp cho tiểu đồ thành tài, đệ xin cám ơn trước.
Nói đoạn, ông ta gọi Thừa Chí cúi lạy Mộc Tang, làm lễ bái sư. Thấy vậy, Mộc Tang nhảy lên hai tay xua lia lịa và nói rằng:
– Tôi không nhận đồ đệ đâu. Nếu cháu nó muốn tôi dạy nó thì phải thử tài xem nó có hạ tôi được không đã.
– Đại huynh nói nó hạ thì hạ về môn gì cơ chứ?
– Quyền pháp và kiếm pháp của chú trong thiên hạ đã khét tiếng là một không hai rồi, ngay như lão đây cũng xin bái phục. Thằng bé này tuy chỉ học được hai, ba phần của chú, nhưng ở chốn giang hồ cũng khó gặp người địch thủ rồi, nhưng nói tới ám khí và khinh công thì phải nhường cho lão đạo này đôi chút.
– Vâng, ai mà chẳng biết bản lãnh xuất quỷ nhập thần của Quỷ Ành Tử, cái đó không cần huynh phải tự khen nữa.
– Chú cứ tưởng đã là môn phái tôn sư thì cái gì cũng cần phải quang minh chính đại, còn khinh công và ám khí thì không cần để ý tới! Nếu vậy chú cứ để cho cháu nó mỗi ngày đánh với tôi hai ván cờ. Nếu tôi thắng nó thì thôi, nhược bằng nó thắng tôi một ván, tôi sẽ dạy nó một món khinh công. Nó được tôi liền hai ván, thì ngoài mónkhinh công, tôi còn dạy thêm nó một môn ám khí nữa. Chú xem như vậy có công bằng không?
Nhân Thanh nghĩ thầm: “Lão đạo sĩ này cũng ưa châm biếm hài hước thật! Nhưng cứ biết, y đã nói thì không khi nào thay đổi/”
Nghĩ đoạn, Nhân Thanh nói:
– Được. Xin cứ theo những lời huynh mà thi hành. Chính ra tôi không sợ Thừa Chí mải đánh cờ mà lỡ hết sự tập luyện võ nghệ. Nhưng bây giờ đã có dịp như vậy thì mỗi ngày huynh muốn đánh mười ván hay tám ván cũng mặc.
Mộc Tang và Thừa Chí nghe nói đều hớn hở vô cùng. Tiếp theo đó, hai người lại ngồi vào đánh cờ. Ngày hôm đó Mộc Tang một thắng một bại. Đánh cờ xong, ông liền bảo Thừa Chí rằng:
– Hôm nay bác dạy cháu một kiểu khinh công. Tuy chỉ là một kiểu, nhưng nếu cháu chịu khó luyện tập, cũng đủ cho cháu dùng suốt đời. Đây cháu hãy nhìn kỹ xem!
Vừa nói xong, mới thấy ông ta nhún mình một cái đã ngồi vắt vẻo trên ngọn cây rồi và lộn ngược một vòng ông ta đã đứng trước mặt Thừa Chí. Cậu bé ngẩn người há hốc miệng vỗ tay khen giỏi. Mộc Tang đem kiểu khinh công “Phân Vân Thừa Long” (vịn mây cỡi rồng) dạy cho cậu. Tuy chỉ là một kiểu nhưng sức mạnh của lưng và đùi bộ pháp và thân pháp, đều rất tinh xảo ủy diệu.
Ngày thứ hai, Thừa Chí thua liền hai ván, hôm đó cậu không được học một môn võ nào cả.
Ngày thứ ba, cậu phải xuất kỳ binh bố hết biên giới chiếm hết phúc địa ở trung ương quả nhiên thắng liền hai ván. Mộc Tang không chịu phục đòi đánh hai ván nữa, kết cuộc một thắng một bại, thế là hôm đó Mộc Tang phải dạy cho Thừa Chí ba miếng.
Sau đã dạy xong hai kiểu khinh công, Mộc Tang hỏi:
– Cháu có biết, khi đánh với kẻ địch, bác dùng binh khí gì không?
Thừa Chí lắc đầu, Mộc Tang vừa cười vừa cầm bàn cờ lên, nói rằng:
– Tức là cái này.
Thừa Chí cũng biết bàn cờ đó làm bằng thép, nhưng không ngờ lại là khí giới hộ thân của ông ta. Mộc Tang vốc một nắm quân cờ vừa cười vừa nói:
– Đây là ám khí của ta.
Thuận tay, ông ta tung lên một cái, mấy chục quân cờ đều bay lên trời.
Mộc Tang đạo nhân đưa bàn cờ ra hứng, chỉ nghe thấy “coong” một tiếng thật lớn, mấy chục quân cờ đều rơi xuống giữa bàn cờ. Thừa Chí chịu phục, đều nổi lè lưỡi ra hồi lâu mà không sao nói được nửa lời. Thì ra mấy chục quân cờ ném lên trên không, lúc xuống thì nào cũng quân trước quân sau, và tiếng động phải là “kinh kinh coong coong” loạn xạ một hồi, chớ không như vừa rồi mấy chục quân cùng rơi xuống một lúc vào đúng giữa bàn cờ. Như vậy đủ thấy ném lên, sức quân bình của bàn tay phải cân đối lắm mới được, và như thế, làm gì Thừa Chí chẳng phục sát đất. Còn sự lạ hơn nữa là những quân cờ rơi xuống bàn cờ không thấy bắn tung ra, chỉ thấy Mộc Tang đạo nhân khẽ hạ thấp cánh tay để dùng giảm sức giáng xuống của các quân cờ, thế là quân nào quân nấy như có bàn tay xếp xuống bàn cờ vậy. Mộc Tang cười nói:
– Ném ám khí thì phải luyện sức trước đã rồi mới luyện trúng đích sau. Khi ném ra, ta có thể muốn nặng muốn nhẹ tùy ý, rồi sau mới luyện tới việc ngắm ném trúng đích.
Nói đoạn, ông ta đem tâm pháp dùng sức lấy gân ném quân cờ lại cho Thừa Chí luyện tập.
Mộc Tang đạo nhân ở chơi trên núi Hoa Sơn thắm thoát cả nửa năm, chiều chiều đánh cờ, sung sướng quá nên quên cả ngày về. Những môn khinh công và ném quân cờ, tuyệt kỹ, ông ta đều tận tâm dạy hết cho Thừa Chí không giấu diếm nửa miếng võ nào. Lúc đó đang là mùa hè nóng nực, buổi sáng Thừa Chí tập luyện kiếm và quyền thuật, buổi chiều đánh cờ với Mộc Tang đạo nhân ở dưới bóng cây. Cờ của cậu cao hơn sư bá một nước, nhưng Mộc Tang đạo nhân vốn tánh hiếu thắng, lần nào cũng lấy quân trắng nhường cho Thừa Chí quân đen đi trước. Như vậy ông ta được càng ít, thua càng nhiều.
Một hôm, Mộc Tang tiếp tục dạy Thừa Chí môn ném ám khí thủ pháp “Mãn Thiên Hoa Vũ” (mưa, hoa đầy trời) một lúc ném ra mười mấy quân cờ, nhưng quân công thượng thặng này không phải một sớm một chiều có thể học nên. Với môn này, Thừa Chí đã khổ tâm luyện tập bốn tháng trời nay, nhưng một lúc ném ra 3, 4 quân cờ chỉ có thể trúng một, hai quân thôi. Mộc Tang đại nhân phải đóng một tấm bảng gỗ trên có vẽ một hình nhân, gọi chàng Câm cầm lấy tấm gỗ ấy chạy, rồi ông ta ra hiệu:
– Thiên Tôn, Kim Tinh, Ngọc Trẫm!
Thừa Chí liền ném luôn ba quân cờ vào hình nhân trên bảng gỗ. Cậu chỉ ném trúng Thiên Tôn và Ngọc Trẫm hai huyệt, còn huyệt Kim Tinh thì hơi chệch một ít.
Mộc Tang lại ra hiệu:
– Quan Nguyên, Thần Phong, Đại Hách!
Chàng Câm một mặt chạy, một mặt làm rung động tấm bảng gỗ, Thừa Chí giở khinh công ra đuổi theo, tay phẩy một cái, nhưng Mộc Tang đã la lớn:
– Huyệt Quan Nguyên không trúng.
Ông ta đang định la nữa bỗng thấy Thừa Chí thất kinh, thét lên một tiếng, và nhanh tay kéo chàng Câm trở lại. Chàng Câm không hiểu gì cả, ngơ ngác quay đầu nhìn phía trước, mới thấy một con đười ươi đang định vồ mình. Chàng vội giơ bảng gỗ lên nhắm trúng đầu con thú đập xuống, nhưng chàng Câm bỗng thấy một sức mạnh đỡ lấy tay mình, thì ra đã bị Mộc Tang kéo trở lại. Rồi đạo nhân lên tiếng bảo:
– Thừa Chí, cháu đối phó với con chó này đi!
Cậu hiểu sư bá muốn thử bản lãnh của mình, xem đã tiến bộ tới đâu. Cậu vâng lời, giơ hai tay, khẽ nhảy tới trước mặt con đười ươi, con thú thấy bóng người quay mình xuống chạy. Thừa Chí lấy sức tạt vào lưng con vật một cái thật mạnh. Con đười ươi đau quá kêu rống lên, đoạn quay trở lại vươn hai tay dài ra để cào. Thấy chỗ hở của con thú để đánh. Bỗng nghe sau lưng có tiếng gió hình như có kẻ địch đánh tập kích, cậu không kịp quay đầu lại xem, vội nhún chân trái nhảy lên không. Người chưa rơi xuống đất, cậu đã thấy rõ kẻ đánh trộm phía sau mình là một con đười ươi khác lớn hơn. Lên núi Hoa Sơn học võ mấy năm trường, Thừa Chí chưa hề đối địch thực sự với ai cả. Hai con đười ươi tuy hung ác thật, nhưng cậu không thấy sợ hãi chúng tí nào. Cậu liền giơ ngay “Phục Hổ chưởng” đấu hai con thú nọ.
Nghe thấy tiếng hò hét, Mục Nhân Thanh ở trong nhà chạy ra thấy Thừa Chí đang ra sức đấu với hai con đười ươi. Hễ bàn tay cậu đụng tới mình con thú nào là con ấy bị đau, kêu la om sòm, thấy đồ đệ tiến nhanh như vậy, ông ta rất mừng, nghĩ thầm rằng: “Nó được tiến bộ như thế cũng không uổng công trình đã dạy nó bấy lâu nay.”
Hai con đười ươi bị đánh nhiều quá không dám đến gần Thừa Chí như lúc đầu nữa. Nhân Thanh hiểu biết võ nghệ của Thừa Chí cũng thừa sức thắng hai con ác thú nhưng hiềm một nỗi cậu chưa đủ công lực nên một cái tát nào cũng vậy, chỉ có thể đánh chúng đau thôi, chớ không đánh chúng bị thương được, vì sức mạnh của bàn tay cần phải luyện tập lâu năm mới được.
Nghĩ đoạn, ông ta vào lấy kiếm ra, ném cho Thừa Chí và gọi:
– Tiếp nhanh thanh kiếm!
Thừa Chí nhảy lên, giơ tay phải ra bắt thanh kiếm. Kiếm đã vào tay cậu như hổ thêm cánh. Chưa xuống tới mặt đất, cậu đã sử dụng ngay miếng “Xuyên Trẫm Dẫn Tuyết”, đâm tránh. Thanh kiếm của cậu múa lên, hơi lạnh thấu người. Tức thời hai con thú bị bao vây trong vòng tỏa ánh sáng kiếm của cậu.
Mộc Tang đạo nhân nói:
– Thừa Chí vâng lời. Đường kiếm càng múa càng chặt chẽ, nếu lúc này cậu muốn giết chết cả hai con đười ươi rất dễ như trở bàn tay, thì trong nháy mắt, cánh tay, vai, ngực, chân và đầu của hai con thú đều bị trúng thương liền liền.

Nhưng Thừa Chí không muốn hạ độc thủ, chỉ đâm cho chúng bị thương nhẹ thôi.
Hai con ác thú cũng có chút linh tánh lúc đầu chúng còn định kiếm đường tẩu thoát, nhưng sau thấy hễ định nhảy ra khỏi vòng vây là luồng kiếm đã đâm tới, chúng đành phải ngừng bước và thấy đối phương không tấn công nữa. Biết rằng kẻ địch không định giết chết chúng, cả hai con đười ươi đồng thanh hét lên một tiếng, rồi cùng quỳ xuống đất, hai tay ôm đầu, đôi mắt long lanh nhìn vào Thừa Chí tỏ vẻ van lơn.
Chàng Câm thấy Thừa Chí thâu phục được hai con đười ươi mừng quá vỗ tay dậm chân rồi chạy vào bên trong lấy cuộn dây thừng ra trói lại. Lúc đầu, chúng còn kêu gào kháng cự, nhưng sức chàng Câm khỏe quá, chỉ bóp một cái, chúng đã bị đau thấu xương thấu cốt, không dám phản kháng nữa và ngoan ngoãn để yên cho chàng trói buộc. Mộc Tang và Nhân Thanh bước tới gần khen ngợi và khuyến khích Thừa Chí mấy lời. Cậu mừng lắm, đi hái luôn hoa quả đem về cho con đười ươi ăn.
Nuôi được bảy, tám hôm, hai con thú đã chịu thuần phục dần dần, dù có cởi dây thả lỏng, chúng cũng không dám bỏ chạy. Cậu hớn hở đặt tên cho con đực là Đại Oai và con cái là Tiểu Quái. Thấy cậu đặt tên tiểu xảo cho hai con thú to lớn và lông lá xù xì như vậy, Mộc Tang và Nhân Thanh không nhịn được cười. Càng nuôi lâu càng ngày thấy Đại Oai và Tiểu Quái rất khôn. Hễ Thừa Chí ra lịnh là chúng nghe lời làm ngay.
Một hôm, duyên may trời đem lại, hai con đười ươi bỗng cao hứng trèo lên đỉnh núi thật cao hái quả ăn. Trong khi leo lên vách đá dựng đứng như một bức tường, Tiểu Quái trượt tay từ trên cây ngã lăn xuống. Từ chỗ đó xuống tới khe núi cao chừng bốn chục trượng, nếu không may tất vị tan xương nát thịt.
Nhìn thấy Tiểu Quái ngã lăn xuống vực thẳm, Đại Oai mất cả hồn vía, yên trí con thú thế nào cũng chết chẳng chơi. Nhưng lúc nó leo xuống tới lưng chừng vách núi đá, thấy con Tiểu Quái đang vịn tay vào một cái hang đá, vì lâu ngày không có người tới, đã bị đất cát phủ lấp gần kín. Trong khi ngã, Tiểu Quái cứ cào lung tung vào vách đá, hòng vớ được vật gì để khỏi ngã chết. May mắn làm sao, nó quào trúng được miệng hang nên nó mới thoát chết. Nhưng ác hại thay, hang đó lại lưng chừng núi, lên không được mà xuống cũng không xong, nó ngơ ngơ, ngác ngác, không biết làm cách nào để thoát hiểm.
Đại Oai cũng vậy, không làm sao xuống được, tới cửa hang để cứu con nọ. Vô kế khả thi, nó liền chạy xuống núi tìm kiếm Thừa Chí. Lúc đó cậu đang luyện tập kiếm pháp thấy Đại Oai mình mẩy dính đầy gai góc, và máu tươi, vẻ mặt phờ phệch, miệng kêu chí cha chí chít, cậu đoán chắc con Tiểu Quái đang bị lâm nguy gì đây! Cậu vội chạy đi kiếm chàng Câm rồi cả hai cùng theo con Đại Oai đi dẫn lộ. Cách đó không xa, Đại Oai chỉ lên vách đá vừa nhảy vừa kêu. Thừa Chí và chàng Câm ngẩng đầu trông lên thấy con Tiểu Quái đang treo lơ lửng trên lưng chừng vách đá. Cậu nghĩ ngay được một kế, vội chạy về thạch thất lấy cuộn dây thừng ra, rồi cùng chàng Câm và Đại Oai leo lối bên lên tận trên ngọn vách, thả thòng lòng sợi dây xuống. Lúc này Tiểu Quái đã mỏi mệt lắm rồi, bỗng thấy sợi dây thòng xuống cạnh tay, nó liền nắm chặt lấy. Chàng Câm và Thừa Chí liền kéo nó lên tới đỉnh vách đá.
Mình mẩy Tiểu Quái bị xây sát vài chỗ, may vết thương không nặng lắm, nhưng nó vẫn kêu la om sòm và giơ hai ám khí dị hình. Cậu muốn gỡ ám khí ấy ra nhưng rút mãi không được. Con Tiểu Quái đau quá vừa kêu vừa nhảy nhót, lúc ấy cậu mới biết đầu ám khí có gai ngược, liền giựt mình nghĩ thầm: “Có lẽ địch đã lẻn vào núi Hoa Sơn này chăng?”
Cậu ra hiệu hỏi Tiểu Quái, xem ám khí này ai ném tới chăng? Con thú chỉ trỏ ra hiệu, là kho thò tay vào miệng hang đã bị nó cắn phải. Cậu cảm thấy lạ quá, nghĩ thầm: “Hang núi ở tận lưng chừng vách đá, xưa nay chưa hề lộ hình. Vả lại, hang đá cách xa mặt đất như thế, làm sao lại có ám khí dấu trong đó?”
Càng nghĩ, cậu càng không hiểu, vội đưa chàng Câm và hai con đười ươi trở về thưa với sư phụ và Mộc Tang đạo nhân.
Nghe thấy Thừa Chí kể lại câu chuyện xong, hai đạo sĩ cầm ám khí lên xem cũng phải lấy làm lạ. Mộc Tang nói:
– Tôi là người ưa dùng ám khí nhứt và mỗi ám khí của các họ môn phái trong chốn giang hồi, tôi đều thấy cả rồi. Nhưng ám khí hình con rắn này thì quả thật tôi chưa từng trông thấy bao giờ. Lần này cả tôi cũng mơ hồ nốt.
Nhân Thanh áy náy vô cùng, liền nói với Mộc Tang:
– Đại huynh gỡ ám khí ra hộ nó đi.
Mộc Tang về phòng lấy con dao sắc bén trong túi thuốc ra, rồi phải rạch bàn tay Tiểu Quái mới moi được ám khí đó ra. Đoạn ông ta lấy thuốc rắc vào vết thương và băng bó cho con thú. Nhờ vậy, nó mới khỏi đau không kêu la nữa.
Hai chiếc ám khí đo dài hai tất tám phân, hình một con rắn ngẩng đầu lè lưỡi.
Đầu lưỡi con rắn đó lại có ba nhánh, mỗi nhánh có một cái gai ngược. Mình con rắn đen thui thủi, bên ngoài dính đầy đất và rêu. Mộc Tang cầm ám khí lên xem, lấy dao cạo hết rêu bẩn đi, càng cạo càng thấy mình con rắn sáng chói, sau cùng mới hay ám khí đó bằng vàng. Ông ta nói:
– Thảo nào nó nặng chĩu như thế, thì ra nó làm bằng vàng. Người sử dụng ám khí này sao lại hoang phí đến thế! Mỗi lần ra tay ném là mất toi mấy lượng vàng.
Mục Nhân Thanh bỗng thất kinh nói:
– Người đó là Kim Xà Lang Quân.
Mộc Tang hỏi:
– Kim Xà Lang Quân nào?
Hỏi đoạn, ông ta ngẫm nghĩ giây lát, lại hỏi tiếp:
– Có phải chú muốn nói Hạ Tuyết Nghi đấy không? Nghe nói hắn đã chết hơn mười năm nay rồi!
Vừa nói xong, ông ta lại giựt mình la lớn:
– Phải rồi, chính là hắn đấy!
Ông ta lật ngửa con rắn lên xem, quả nhiên dưới bụng nó có khắc chữ “Tuyết.”
Lấy con thứ hai xem cũng có chữ như vậy. Thừa Chí liền hỏi:
– Thưa sư phụ, Kim Xà Lang Quân là ai thế?
– Để lát nữa thầy nói cho con biết. Đạo trưởng thử đoán xem, tại sao ám khí của hắn lại giấu ở trong hang núi thê?
Mộc Tang trầm ngâm không nói, ngẩn người ra nghĩ ngợi.
Thấy hai vị thầy trông thấy hai chiếc Kim Xà chủy, thái độc có vẻ nghiêm nghị nên Thừa Chí cũng không dám hỏi nhiều. Cơm chiều xong, Nhân Thanh và Mộc Tang thắp nến trò chuyện, có nhiều câu Thừa Chí không hiểu, chàng chỉ nghe những chuyện nói về “Thù sát” hay “Bảo phục” vân vân, và còn thêm những tiếng lóng vào nữa. Mộc Tang nói:
– Như vậy nghĩa la chú bảo Kim Xà Lang Quân ở nơi đây là tránh kẻ thù phải không?
Mục Nhân Thanh đáp:
– Cứ theo tài ba của ông ta thì chả cần phải từ Giang Nam chạy tới trốn hang cùng ngõ hẻm mà làm gì.
– Có lẽ người ấy chưa chết cũng nên?
– Hành tung của người đó thật kỳ bí, mọi hành động đều thần xuất quỷ mật. Anh em chúng mình lăn lộn trên chốn giang hồ bấy lâu năm chỉ nghe thấy nói đến tên hắn, chớ chưa hề gặp mặt hắn bao giờ! Có tin đồn rằng hắn đã chết rồi, nhưng chẳng ai biết rõ hắn chết hồi nào, ở đâu, và cách nào?
Mộc Tang thở dài một tiếng rồi nói:
– Người đó hành sự rất kỳ quái! Có lúc độc ác vô cùng, có khi lại hành hiệp trượng nghĩa, hắn là người tốt hay là kẻ xấu, đố ai mà quyết đoán hẳn! Đã mấy lần rồi, tôi đi kiếm hắn nhưng đều mất công chẳng thấy đâu cả!
– Nếu không biết rõ chúng ta chớ nên tán phỗng bâng quơ e có sự sai lầm, hại đến thanh danh người ta chăng! Thôi, để sáng mai chúng ta thử trèo lên hang động xem sao đã.
Sáng sớm ngày hôm sau, Mục Nhân Thanh, Mộc Tang, Viên Thừa Chí và chàng Câm, bốn người đem dây thừng và khí giới, leo lên trên đỉnh vách đá. Mộc Tang nói:
– Để tôi xuống cho.
Mục Nhân Thanh gật đầu, nói:
– Đạo trưởng nên cẩn thận một chút.
Nói đoạn, Nhân Thanh buộc dây thừng vào lưng Mộc Tang, rồi cùng chàng Câm nắm chặt đầu dây từ từ thả Mộc Tang xuống.
Tới cửa động, Mộc Tang nhìn xuống phía dưới chân, chỉ thấy sương mù và một vài đám mây lơ lửng bay qua, chớ không trông thấy đất. Xưa nay là người vẫn hay có tánh bông đùa, mà lúc này Mộc Tang cũng phải sởn tóc gáy, lo ngại thầm ngó vào trong động, đạo trưởng thấy tối đen như mực, sâu thăm thẳm. Vì cửa động quá nhỏ hẹp, Mộc Tang không chui lọt, đành phải lấy vải bọc tay, rồi khẽ thò vào trong động dò thử xem, bỗng đụng phải những vật gì hết sức bén nhọn, cắm xung quay cửa động.
Mộc Tang sờ soạng giây lát, biết ngay những cái đó là Kim Xà chủy, liền nhẹ tay rút ra, tất cả 14 chiếc mới hết. Đạo trưởng lại thò tay thật sâu nữa, tới khi mặt đã áp sát cửa động, mà vẫn không thấy gì lạ. Sợ người cầm dây ở trên mỏi tay, đạo trưởng cất tiếng gọi:
– Kéo bần đạo lên nhé.
Mục Nhân Thanh nghe thấy tiếng gọi, liền kéo dây lên. Khi lên tới cách đỉnh núi còn hơn hai trượng, Mộc Tang chân phải đạp vào mỏm đá rồi chỉ nhún mình một cái đã nhảy lên tới đỉnh núi ngay. Đạo trưởng đưa nắm Kim Xà chủy cho Nhân Thanh xem, rồi cười nói:

– Chú Mộc được bấy nhiêu vàng, anh em ta phát tài to.
Mặt Nhân Thanh càng nặng trĩu hơn trước, miệng lẩm bẩm nói:
– Không hiểu tên ma đầu đó để những thứ này ở đấy có dụng ý gì? Không biết trong động còn những thứ gì nữa? Để tôi leo xuống thử xem.
– Chú leo xuống cũng vô ích, cửa động nhỏ lắm, chú vào làm sao được?
Mục Nhân Thanh vốn trong lòng có nhiều tâm sự, cúi đầu, không nói năng gì cả.
Thừa Chí bỗng nói:
– Thưa sư bá, cháu chui lọt không?
Mộc Tang mừng lắm, liền trả lời:
– Cháu chui lọt đấy. Nhưng cao như thế cháu có dám xuống không?
– Thưa sư bá cháu dám lắm ạ. Thưa sư phụ, con xuống nhé!
Mục Nhân Thanh nghĩ thầm trong bụng: “Người giang hồ dị nhân ấy để những bảo vật phòng thân trong đó, tất phải có dụng ý gì? Nếu không do thám minh bạch, sợ có gì nguy hiểm chăng? Nếu để cho mình thằng nhỏ xuống đó mạo hiểm, kể cũng đáng lo ngại lắm đấy!”
Nghĩ đoạn, ông ta liền trả lời Thừa Chí:
– Thầy chỉ sợ trong động có sự gì nguy hiểm con ạ!
– Thưa sư phụ, con xin hết sứ thận trọng, chắc sẽ không xảy ra việc gì đâu.
Thấy Thừa Chí hăng hái sốt sắng như vậy, Mục Nhân Thanh gật đầu:
– Thôi được, con đốt bó đuốc đưa vào trước, nếu thấy đuốc tắt thì đừng có vào nhé!
Thừa Chí tay phải cầm kiếm, tay trái cầm bó đuốc, buộc dây vào lưng rồi leo xuống. Chàng nghe lời sư phụ dặn, đưa bó đuốc vào trong động thử xem. Vì con Tiểu Quái quào làm lỡ những đất bùn niêm phong cửa động, gió thổi luà vào suốt một đêm trường bay sạch hết những uế khí trong động, nên bó đuốc không bị tắt. Thừa Chí từ từ bò ào, thấy một con đường hầm nhỏ hẹp. Bò được mười mấy trượng, thấy đường hầm cao dần, cao thêm hơn trượng, cậu đã có thể đứng dậy được. Thừa Chí tiếp tục bước vào bên trong, đến chỗ rẽ ngang, cậu càng thận trọng hơn, cầm chắc thanh kiếm để đề phòng mọi sự bất trắc. Đi được hai ba trượng nữa, cậu thấy ở phía trước mặt có một cái thạch thất. Đưa đuốc vào soi, chàng hoảng sợ toát mồ hôi lạnh, vì thấy một bộ xương người ngồi xếp bằng tròn trên tảng đá. Bộ xương đó vẫn còn nguyên vẹn, hai tay đặt lên trên đầu người.
Thấy vậy, trống ngực Thừa Chí đập thật mạnh. Cậu đưa mắt nhìn xung quanh phòng thấy không có gì đáng sợ nữa, mới cầm đuốc soi xét kỹ lưỡng. Trước mặt bộ xương thấy để bừa bãi mười mấy chiếc Kim Xà chủy, và bên cạnh có cắm một thanh kiếm. Cậu không dám đụng chạm một tý gì. Nhìn lên vách đá, cậu thấy trăm bức chạm hình người khắc bằng dao. Mỗi hình người mỗi khác nhau, không kiểu nào giống kiểu nào, hoặc giơ tay đấm, hoặc phóng chơn đá, hình như đang luyện tập võ nghệ. Thấy nhiều bức hình quá, cậu ngơ ngác không hiểu ý định của tác giả đã khắc những hình đồ ấy để làm gì? Theo dõi xét tới bức ảnh cuối cùng, cậu thấy có mấy hàng chữ, cũng khắc bằng dao, cậu đứng sát gần để nhìn cho rõ, và thấy mấy hàng chữ ấy viết như sau:
“Trọng bảo bí thuật, phó dĩ hữu duyên, nhập ngã môn lai, ngộ họa mạc oán”
nghĩa là:
“Tất cả những báu vật và môn võ bí truyền đều để tặng cho người có duyên phận, nhưng khi vào cửa động của ta, lỡ gặp tai họa đừng có oán trách.”
Đang định xem nữa, chợt nghe thấy Mộc Tang lớn tiếng kêu mình, Thừa Chí vội vàng đáp lời, rồi bò ngay ra ngoài cửa động.
Thì ra Mộc Tang và Mục Nhân Thanh ở trên đỉnh núi, thấy dây thừng càng lôi càng dài, chờ mãi không thấy đồ đệ ra, nóng lòng sốt ruột vô cùng, Mộc Tang định xuống xem sao, thì Thừa Chí đã giựt dây gọi rồi. Mọi người vội vàng kéo Thừa Chí lên, thấy mặt cậu dính đầy bụi với rêu và còn tỏ vẻ hoảng sợ, biết là cậu trông thấy sự gì kỳ lạ rồi. Định thần một lát, Thừa Chí mới kể lại những gì đã thấy cho mọi người nghe. Mục Nhân Thanh nói:
– Bộ xương đó nhứt định là của Hạ Tuyết Nghi rồi. Không ngờ một đời quái hiệp mà lại chết ở chốn này! Tội nghiệp thật!
Mộc Tang hỏi:
– Những chữ hắn để lại có ý nghĩa gì?
Ngẫm nghĩ giây lát, Nhân Thanh mới trả lời:
– Theo nghĩa những chữ đó thì Kim Xà Lang Quân có chôn bảo vật nào đó ở trong động, cả võ công tuyệt thế của hắn, chắc cũng dùng cách gì để lưu truyền trong ấy, chờ người hữu duyên tới nhận. Nhưng tính hắn lạ lùng lắm, hình như ai muốn được tặng những di vật đó, phải tự coi như là môn đồ của hắn. Và chưa biết chứng bị tai họa gì nữa cũng nên!
Mộc Tang nói:
– Theo nghĩa những chữ đó thì phải thế thật. Như không biết quái nhân đó còn giở trò gì kỳ lạ nữa không?
– Chúng ta cũng không ham muốn gì võ công và bảo vật của hắn. Thừa Chí, ngày mai con lại leo xuống, chôn cất di hài của vị tiền bối đó, thắp vài nén hương quỳ lạy một phen. Chúng ta đối xử như vậy chắc chắn cũng hài lòng lắm rồi!
Viên Thừa Chí xin vâng lời.
Sáng ngày hôm sau, Thừa Chí đem theo một cái cuốc, rồi cùng chàng Câm leo lên trên đỉnh núi. Vì biết trong động không có gì nguy hiểm, nên lần này Nhân Thanh và Mộc Tang không đi. Định ở lâu trong động, Thừa Chí đem ba bó đuốc đi. Bò vào trong hang, cậu cuốc một cái hố nhỏ để cắm bó đuốc, cho hai tay được rảnh còn lại làm lụng việc khác. Quay lại, trông thấy bộ xưong, cậu nghĩ thầm: “Nghiệp sư phụ nói, đống xương trắng này nguyên trước kia là một vị quái hiệp, không hiểu tại sao lại mệnh một trong núi hoang, hài cốt không người mai táng cho! Tội nghiệp thật!”
Cậu quỳ xuống trước bộ hài cốt, vái lạy một hồi, rồi lẩm nhẩm cầu khẩn:
– Đệ tử Viên Thừa Chí, không ngờ được gặp di thể của đại hiệp. Hôm nay đệ tử an táng đại hiệp, xin đại hiệp an giấc nghìn năm dưới cửu trùng!
Vừa khấn xong, một luồng gió lạnh thổi vào, khiến cậu cảm thấy rờn rợn và hơi sờn lòng đôi chút. Không dám ở lại lâu nữa, cậu vội vàng cuốc đất để chôn cất cho xong rồi trở lên ngay. Nhưng ngờ đâu, đào được một ít đất xốp trên mặt, cuốc của cậu bỗng chạm phải một vật gì rắn chắc, có lẽ một thứ kim khí thì phải, kêu đến “keng” một tiếng. Cậu đem đuốc lại coi xem, thấy chỗ vừa mới đào co một tấm sắt, lấy cuốc bới hết chỗ đất xung quanh lên, mới hay đó là một cái hộp sắt vuông, mỗi bề hai thước, cao một thước, rất nhẹ nhàng, tựa hồ bên trong không có gì cả. Mở nắp ra, thấy hộp đó trong lạ lùng, bề cao như vậy mà trong lòng chỉ có một tấc thôi, cậu cùng lấy làm ngạc nhiên. Trong hộp chỉ có một lá thơ, trên viết mấy chữ lớn: “Ai được hộp này, bóc thơ ra coi.”
Thừa Chí liền lấy thơ ra đọc: “Vật báu trong hộp, để tặng cho người hữu duyên. Nhưng trước hết phải chôn hài cốt tôi thật tử tế đã.”
Trong bao thơ lại có hai bao thơ khác nhỏ hơn, một cái đề: “Cách mở hộp”, một cái nữa đề: “Cách chôn hài cốt của tôi.”
Lúc này Thừa Chí mới hay hộp đó có hai từng, giơ hộp lên lắc thử, quả nhiên trong có đựng một vật gì. Cậu nghĩ thầm: “Ta thương hại hài cốt ông ta bị vứt bỏ nơi hoang sơn mà xuống đây chôn cất hộ chớ ta có tham vọng hưởng những bảo vật của ông ta đâu!”
Nghĩ đoạn, cậu bóc phong bì nói về cách chôn cất hài cốt ra xem, thấy một tờ giấy trắng trên đó có viết: “Nếu ông thành tâm chôn cất hài cốt của tôi, thì xin đao sâu thêm ba thước hãy mai táng, để tôi nằm sâu dưới đất, khỏi bị mối kiến nó đục hại.”
Thừa Chí tự bảo thầm: “Đã làm phước thì làm phước cho trót, ta cứ theo lời dặn của ông ta mà theo đúng như vậy.”
Cậu lại tiếp tục đào sâu, nhưng lần này đất cứng rắn hơn thỉnh thoảng lại có đá cục, nên tốn nhiều hơi sức lắm. Lúc này mặc dầu đã hơn trước nhiều, nhưng cũng mệtđến đổ mồ hôi ướt đẫm cả, khi cậu đào sâu tới mức sâu ba thước, lại bới ra được một hộp sắt nữa, nhưng hộp này nhỏ hơn, chỉ độ một thước bề ngang thôi. Thừa Chí lại nghĩ thầm: “Vị quái hiệp này kỳ lạ thật! Không biết trong hộp này lại đựng cái gì đây?”
Cậu mở hộp ra xem, lại thấy có một lá thơ. Đọc xong, cậu sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh. Thì ra trong thơ có viết: “Ông thật là người nhân đức trung hậu đã chôn cất hài cốt tôi xong, tất phải được hưởng vật báu để đền bù công khó nhọc. Hộp sắt lớn là hộp giả, ai mở là bị trúng tên độc ở trong bắn ra, những sách vở và địa đồ trong đó đều giả cả, trên sách giấy lại có chất độc rất mạnh để trừng trị những kẻ tham lam bất lương. Còn những thứ thật thì ở trong hộp nhỏ này.”
Không dám xem nhiều, cậu để hai cái hộp sang một bên, rồi đặt hài cốt của Kim Xà Lang Quân xuống hố, lấp đất lên vái mấy vái xong, liền ôm hộp sắt quay trở ra. Lúc này cậu mới nhận rõ cửa động xây bằng đá, chắc khi còn sống, Kim Xà Lang Quân vẫn thường lui tới động ấy nên mới cẩn thận lấy đá phong tỏa như vậy. Cậu xếp dọn những hòn đá lớn sang một bên, mở rộng cửa động, để mời sư phụ và Mộc Tang xuống xem xét.
Ra khỏi động, chàng Câm vội kéo Thừa Chí lên. Cậu bưng hộp sắt về để trình sư phụ định đoạt.
Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đang đánh cờ thấy Thừa Chí trở về, liền ngưng ngay để nghe đồ đệ kể chuyện.
Đọc qua mấy lá thơ, Mộc Tang cũng phải kinh hãi. Khi đạo trưởng bóc lá thư đề:
“Cách mở hộp” ra, thấy trong thơ viết: “Hai bên hộp đều có chốt máy, hai tay bưng hộp, đồng thời dùng sức kéo lên, là mở được nắp ngay.”
Mộc Tang nhìn Nhân Thanh, lè lưỡi vài cái rồi mới nói:
– Bõ thật hú vía! Tánh mạnh của cháu Thừa Chí có thể nói là vừa mới nhặt được đem về! Nếu nó có lòng tham một chút, không chôn cất di hài cho tử tế, cứ vội vã mở ngay hộp để kiếm vật báu thì những mũi tên độc không tha thứ cho nó đâu!
Nói đoạn, Mộc Tang đạo nhân gọi chàng Câm đi kiếm một cái thùng gỗ tới, gần đáy thùng cho đục hai cái lỗ, mở nắp hộp sắt ra, rồi để vào trong thùng gỗ, lấy tấm ván đậy nắp thùng lại, thọc hai cái gậy vào hai cái lỗ rồi mới đục. Đạo nhân cầm một chiếc gậy, còn chiếc kia bảo Thừa Chí cầm, rồi cả hai cùng thọt mạnh, hai chiếc gậy cùng một lúc, bỗng nghe thấy “ket” một tiếng. Mọi người đoán cái nắp hộp bên trong đã mở rồi, theo đó có tiếng “soẹt soẹt, tung tung” liên tiếp, thùng gỗ hơi bị rung chuyển. Nghe thấy tiếng tên độc bắn ra đã ngừng rồi, Thừa Chí định mở tấm ván đậy nắp lên xem. Nhân Thanh vội cản lại quát lớn:
– Hãy chờ một lát đã!
Chưa dứt lời lại nghe thấy mấy tiếng “soẹt, soẹt.” Chờ thêm một lát, không thấy có tiếng động nữa, Mục Nhân Thanh mới cho mở tấm ván ra. Quả nhiên trong thùng và cả tấm ván đậy nắp cũng đều có mấy chục mũi tên ngắn cắm sâu vào. Nhân Thanh phải dùng kềm chớ không dám lấy tay nhổ những mũi tên đó. Mộc Tang than rằng:
– Người ấy cũng thâm độc đa kế thật, sợ xếp đặt một lần ám khí bắn không chết kẻ mãnh tâm, mà phải đặt những hai lần như vậy!
Lấy hộp sắt ra, thấy nắp thứ hai đã mở, bên trong có những lò so đóng chằn chịt, chắc đó là những máy móc đặt tên độc, Mộc Tang tháo hết những lò so đó ra và cầm cuốn sách để bên dưới lên. Thấy trên bìa sách viết mấy chữ “Kim Xà bí kíp” (kíp là vũ sách làm bằng tre).
Mộc Tang đạo nhân dùng kềm mở thử mấy trang, thấy viết bằng những hàng chữ nhỏ li ty và có rất nhiều họa đồ, có trang thì vẽ hình địa đồ, có trang vẽ các thế võ, và cũng có trang vẽ khí giới máy móc. Khi mở hộp nhỏ ra xem, bên trong cũng có một cuốn sách cùng một khuôn khổ như cuốn trước và chữ viết, cách đóng, chẳng khác một tý nào, riêng có nội dung là không giống thôi.
Mục Nhân Thanh nói:
– Để đối phó với những kẻ không chôn cất thi hài ông ta cho tử tế, Kim Xà Lang Quân đã không tiếc công, mất thời giờ, viết một cuốn sách giả, rồi đặt vô số tên độc. Nhưng sự thật thì một người đã chết rồi, còn tính toán tới chuyện người ngoài đối xử với mình tốt hay xấu làm gì!
Mộc Tang nói:
– Cũng chỉ vì hắn quá hẹp lượng, nên mới có kết quả bi đát như thế!

Mục Nhân Thanh gật đầu than thở, bảo Thừa Chí cất hai hộp sắt ấy đi rồi nói:
– Hành vi của Kim Xà Lang Quân thật quái dị, dù có đọc sách của y cũng vô ích.
Thừa Chí vâng lời, sau vụ đó, cậu luyện võ càng thêm chăm chỉ.
Mộc Tang dạy tất cả các môn khinh công, ám khí cho cậu ta xong đâu đấy mới hạ sơn đi nơi khác.
Thời gian trôi chảy rất chóng, thấm thoát đã mấy năm. Lúc ấy đã là năm thứ 16 của vua Sùng Chính, Viên Thừa Chí đã 10 tuổi.
Chàng đã được Mục Nhân Thanh, trưởng môn phái Hoa Sơn, quyền kiếm thiên hạ vô song, dạy bảo mười mấy năm tất nhiên võ công phải tuyệt phi phàm. Chàng lại được thêm Mộc Tang đạo nhân chỉ bảo khinh công tới mức tuyệt đỉnh. Chống ám khí độc đáo, và cậu cũng có bản lãnh về đánh cờ. Một mình chàng học được võ công thượng thặng của hai môn phái, đã là một nhân vật hiếm có trong giới võ lâm. Nhưng trong mười mấy năm học tập, chàng chưa từng đặt chân xuống núi một bước, tất nhiên không biết thế sự là gì cả. Và khắp chốn giang hồ cũng chưa một ai biết phái Hoa Sơn đã có một tay vạn năng hảo thủ như vậy.
Hôm đó là ngày Xuân, Thừa Chí cùng Đại Oai và Tiểu Quái, hai con đười ươi luyện võ. Chàng Câm ở trong nhà bước ra giơ tay ra hiệu. Thừa Chí biết là sư phụ cho gọi, liền vào ngay trong nhà, thấy có hai đại hán đứng cạnh sư phụ. Chàng ngạc nhiên vô cùng, vì ở trên núi Hoa Sơn này, trừ Mộc Tang ra, chưa có người khách thứ hai tới thăm. Mục Nhân Thanh nói:
– Thừa Chí, con lại chào Vương đại ca và Cao đại ca đi.
Tưởng là bạn của sư phụ, chàng vái chào và miệng gọi “sư thúc,” hai người nọ vội vàng quỳ xuống lạy và nói:
– Mời Viên sư thúc bình thân. Chúng cháu đâu dám nhận lễ của sư thúc.
Thấy gọi mình là sư thúc, chàng ngơ ngác không hiểu. Mục Nhân Thanh cả cười một hồi rồi mới nói:
– Thôi! Đứng dậy cả đi!
Thừa Chí vội đứng thẳng lên. Chàng thấy hai người nọ ăn mặc lối quê mùa, trông cũng có vẻ nhanh nhẹn và oai hùng, Nhân Thanh cười nói:
– Con chưa theo thầy xuống núi bao giờ nên không biết vai vế của con ra sao? Thôi đừng khách sáo nữa, và ai cũng đừng gọi ai là sư thúc gì cả. Cứ căn cứ vào tuổi hơn kém mà gọi nhau là huynh đệ thì hơn.
Thì ra hai sư huynh đệ họ Vương và họ Cao kia, theo vai vế thì sư phụ của họ phải gọi Mục Nhân Thanh là sư thúc. Họ tuy lớn tuổi, nhưng phải gọi Thừa Chí là sư thúc mới phải. Mục Nhân Thanh lại nói:
– Hai vị sư huynh này thừa lịnh Lý Tự Thành tướng quân ở tỉnh Sơn Tây tới, muốn mời thầy xuống bàn tán một việc quan trọng, vậy ngày mai thầy phải xuống núi.
Thừa Chí nói:
– Thưa sư phụ, lần này sư phụ cho phép con đi theo để thăm Thôi thúc thúc.
Chàng ở trên núi mãi cũng thấy buồn, mấy lần muốn theo sư phụ hạ sơn đều không được phép. Lần này chàng lại xin thì Nhân Thanh mỉm cười. Hai người kia biết thầy trò chàng có chuyện muốn bàn tán liền cáo lui ra bên ngoài.
* * *
Mục Nhân Thanh nói:
– Hiện giờ thân thế nghĩa quân đang bành trướng rất mạn. Hai tỉnh Tân, Tấn sắp vào tay quân ta. Đây cũng là dịp may con báo thù cha. Bấy lâu nay con cứ xin thầy cho phép con đi hành thích vua Sùng Chính, nhưng thầy nhất định không nghe, con có biết tại sao không?
Thừa Chí trả lời:
– Thưa thầy, có phải vì con chưa học thành tài không?
– Điều đó cũng là một nguyên nhân, nhưng còn một điều nữa quan trọng hơn. Con hãy ngồi xuống thầy nói cho con nghe.
Thừa Chí ngoan ngoãn ngồi xuống, Nhân Thanh nói tiếp:
– Mấy năm nay, tình thế ngoài quan ải khẩn trương lắm. Dã tâm của người Mãn Châu không lường, ngày nào cũng muốn xâm lấn vào trong quan ải. Mặc dầu vua Sùng Chính hay đa nghi và thiếu ý chí cương quyết, nhưng còn sáng suốt hơn các vua trước, như vua Gia Tinh, vua Thiên Khải nhiều. Nếu cho phép con vào trong cung hành thích Sùng Chính để trả tư thù sẽ có hại, vì Thái tử còn nhỏ nếu lên nối ngôi, quyền hành thế nào cũng lọt vào tay bọn gian thần quan hoạn. Thầy chỉ sợ chúng sẽ làm mất giang sơn của người Hán mình ngay. Như vậy, có phải con là một người có tội với thiên hạ không? Thân phụ con suốt đời phản kháng quân Mãn, quyết chí thu phục đất Liêu Đông, nay thấy con bất trung bất hiếu như vậy, thì ông ta dù ở thế giới bên kia cũng không được yên tâm chút nào!
Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí toát mồ hôi.
Mục Nhân Thanh lại nói:
– Quốc sự là một việc lớn, tư thù là việc nhỏ, dĩ thầy không cho con đi báo thù vì lẽ đó. Nhưng tình hình bây giờ lại khác hẳn. Sấm Vương Lý Tự Thành đã chiếm Tân, Tấn hai tỉnh, và chỉ trong một hai năm là có thể tiến tới Bắc Kinh. Lúc ấy đã có ông ta chủ trì đại cuộc, toàn quốc trên dưới một lòng, thì còn sợ gì Liêu Đông, Mãn Châu vào xâm chiếm nữa.
Càng nghe, Thừa Chí càng thấy phấn khởi. Nhân Thanh lại nói tiếp:
– Võ nghệ của con bây giờ đã có căn cơ. Tuy võ học không có bờ bến, nhưng tài năng của ta đã truyền lại hết cả cho con. Sau này, con chỉ chăm chỉ học tập lấy đủ được rồi, mai thầy xuống núi, con cứ ở lại chờ một tháng sau, con hãy hạ sơn, đến tỉnh Sơn Tây vào trại quân đội Sấm Vương kiếm thầy.
Thấy thầy cho phép xuống núi, Thừa Chí hớn hở vô cùng. Lúc thường Mục Nhân Thanh đã dạy cho chàng biết các điều cấm kỵ và các luật lệ của các môn phái trên chốn giang hồ rồi. Lúc này, ông ta nhắc lại những điều quan trọng cho chàng nghe.
Sau cùng lại dặn rằng:
– Con là người cẩn thận chánh trực, ta yên trí lắm. Nhưng còn chữ “sắc”, con đặc biệt đề phòng. Có rất nhiều đại anh hùng, đại hào kiệt đã sa ngã bởi chữ sắc đó, đến rồi tiêu tan sự nghiệp, trở nên thân tàn ma dại. Con phải nhớ kỹ lời nói đó của thầy.
Ngày hôm sau, trời chưa sáng tỏ, Thừa Chí đã thức dậy giúp chàng Câm đun nước, thổi cơm, xong đâu đấy, mới vào phòng sư phụ thỉnh an. Không ngờ Mục Nhân Thanh và hai người khách lạ kia đã hạ sơn từ lúc nửa đêm rồi. Ngẩn người giây lát, Thừa Chí nghĩ tới việc mình sắp hạ sơn đến nơi rồi, liền chỉ chõ ra hiệu cho chàng Câm hay. Chàng Câm có vẻ không vui, quay mình đi ra. Hai người ăn ở với nhau hơn mười năm trời, tình thân hơn anh em ruột thịt, nên chàng biết chàng Câm không nỡ chia tay với mình.
Thấm thoát đã qua được bảy tám ngày, Thừa Chí vẫn luyện tập như thường. Nghĩ tới sắp phải rời khỏi nơi đây, chàng bắt đầu luyến tiếc từng cánh cây, cái cỏ. Hôm đó, ăn cơm tối xong, chàng lấy sách sư phục ra đọc một thời gian khá lâu. Đang định tắt đèn đi ngủ, bỗng thấy chàng Câm vào chỉ chỏ ra hiệu cho chàng ra để xem xét, nhưng chàng Câm níu lại, và cho hay rằng, đã khám xét rồi, không thấy tung tích người nào cả. Thừa Chí vẫn không yên tâm lắm, dắt hai con đười ươi đi khám xét lại phía trước lẫn phía sau núi. Quả nhiên, không thấy có điều gì khả nghi cả, chàng mới trở về phòng ngủ.
Ngủ tới nửa đêm, chàng nghe thấy Đại Oai và Tiểu Quái ở phòng ngoài kêu la ầm ĩ. Chàng ngồi dậy lắng tai nghe, bỗng có mùi thơm xông lên mũi, vội nín hơi thở ra, ngờ đâu hai chân mềm nhũn, loạng choạng suýt ngã. Lúc ấy, cửa phòng bỗng mở toang, một cái bóng đen nhảy vào, và giơ đao chém ngay vào đầu chàng. Tuy cảm thấy đầu nặng chĩu, nhưng chàng rất tinh thông võ nghệ, có thể cố gượng được, vội né sang bên trái, rồi tay phải, đánh ngược một chưởng.
Người nọ muốn chém vào tay Thừa Chí nhưng gặp phải cường địch, khi nào lại chịu để cho đối phương có thể giơ tay. Trong bóng tối, chỉ có cách nghe hơi gió để nhận đính mọi cử động của địch thủ, Thừa Chí tiến lên một bước, dùng bàn tay trái chặt vào vai người đó. Chưởng đó chàng đã dùng cả mười phần sức lực. Người nọkhông ngờ chàng đã bị thuốc mê rồi mà còn có công lực như vậy. Vai bị đau, người nọ bị đánh tung ra cửa. Bên ngoài, có một người bèn đỡ lấy người nọ và nói:
– Cái điểm móng cứng lắm! (đây là tiếng lóng của người giang hồ. Cái điểm là tên kia, móng là tài nghệ, cứng lắm là giỏi lắm.)
Thừa Chí định nhảy ra, bỗng thấy đầu choáng váng rồi mê man bất tỉnh. Cách không biết bao nhiêu lâu, chàng mới tỉnh dậy, thấy tay chơn và mình mẩy đều mỏi mệt. Vừa cựa quậy tay chơn, chàng hoảng sợ vì thấy mình mẩy đã bị trói chặt bằng dây thừng. Trong phòng đèn đuốc sáng choang, hai người lạ mặt đang lục lợi hòm siểng khắp nơi.
Chàng đã biết bị người hãm hại, tự trách mình là kẻ vô dụng, sư phụ vừa hạ sơn được vài ngày mà mình đã bị người ta lên tận núi bắt trói. Như vậy, còn mong mỏi gì đặt chân vào chốn giang hồ và báo thù cho cha nữa. Chàng giả tảng chưa hồi tỉnh, hé mắt nhìn trộm, thấy một người gầy gò, trạc độ ngoài 50, mặt khô khan. Còn một người nữa là hòa thượng, vừa to vừa béo xem thân hình đúng là người vừa đánh nhau với mình.
Chàng nghĩ thầm: “Lạ quá! Trên núi, có cái gì quý báu đâu mất công đến tận đây trộm cướp? Tiền của thì chỉ độc có 50 lạng bạc sư phục để lại cho để làm lộ phí thôi! Nhưng họ nhất định không phải là giặc cướp thường. Tên hòa thượng này võ công khá lắm, và người gầy gò kia cũng không phải là tay xoàng xĩnh. Nếu bảo họ tới đây để báo thù, tại sao lại không giết mình mà cứ đi lục lọi khám xét đồ đạc thế kia.”
Vừa nghĩ ngợi, chàng vừa vận nội công để làm đứt dây thừng đang trói chặt người chàng.
Nào ngờ đâu kẻ địch lại là những tay lão luyện, biết chàng giỏi võ nên lúc trói họ cắm một mẩu tre vào giữa hai tay, hễ chàng lấy sức là mẩu tre vỡ trước, và gây ra tiếng động tức thì. Khi chàng vừa lấy sức định bứt sợi dây thì phát giác ngay mưu kế đó, nên ngừng ngay lại và không cựa quậy nữa. Trong lúc chàng đang nghĩ kế thoát thân, thì nghe thấy tên hòa thượng mừng rỡ kêu lên:
– Đây rồi!
Hòa thượng kéo chiếc hộp sắt dưới gầm giường ra, đó là cái hộp của Kim Xà Lang Quân.
Người gầy gò tỏ vẻ hân hoan, cùng hòa thượng ngồi cạnh bàn mở hộp sắt, lấy cuốn Kim Xà bí kíp ra xem. Hòa thượng cả cười nói:
– Quả nhiên nó ở đây rồi. Sư huynh này, bây giờ mới bõ công tìm kiếm 15 năm của anh em mình!
Mở cuốn bí kíp ra xem, thấy bên trong có vẽ rất nhiều họa đồ, và những hàng chữ nhỏ, y khoái trí gãi đầu, xoa tay mừng rỡ vô cùng.
Người gầy gò bỗng nói:
– Kìa, tên kia đã tẩu thoát.
Vừa nói, y vừa chỉ về phía Thừa Chí. Hòa thượng quay đầu xem có thật không.
Nhanh như chớp, tên gầy gò đâm luôn một nhát dao găm vào giữa sống lưng hòa thượng, sâu ngập tới cán rồi y nhảy cách xa vài thước, rút trường kiếm ra đề phòng sự phản ứng. Hòa thượng ngạc nhiên, bỗng phá ra cười một cách chua chát rồi nói:
– Anh em mình cố gắng tìm kiếm suốt 15 năm trời, ngày nay mới tìm thấy vật báu. Không ngờ anh lại muốn chiếm lấy một mình mà hạ độc thủ như vậy hà, hà! hà hà
Trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng cười của y lại càng bi đát rùng rợn thêm đến nỗi Thừa Chí nghe thấy cũng phải sờn lòng. Y định đưa tay về phía sau rút thanh đao ra, nhưng không được. Bỗng y thét lên một tiếng, ngã gục xuống, giãy giụa rồi tắt thở liền.
Người gầy gò sợ hòa thượng chưa chết, hắn liền tiến lên đâm bồi thêm mấy nhát kiếm nữa. Thấy y tàn sát sư đệ như vậy, Thừa Chí cũng phải rùng mình ghê gớm. Tên ấy “hừ” một tiếng rồi nói:
– Ta không giết ngươi thì ngươi cũng sẽ hại ta!
Nói xong, y còn đá vào xác hòa thượng mấy cái.

Chương 5: Quái Khách Đến Đỉnh Núi-phòng Kín Đọc Kỳ Văn

Người gầy gò, vì chưa được rõ Thừa Chí tỉnh dậy, khoái chí cười khinh vài tiếng, búng tàn nến cho ngọn lửa sáng tỏ rồi giở cuốn bí kíp ra đọc. Càng đọc, càng cao hứng, y đắc ý rung đùi, có vẻ sung sướng lắm. Đọc tới chỗ có mấy trang dính chặt với nhau, y lấy ngón tay trỏ chấm nước miếng để cho dễ giở hơn. Mấy lần gặp những trang dính chặt với nhau, nhờ thấm nước miếng, y đều giở được mà không rách trang nào. Thừa Chí bỗng sực nghĩ tới cuốn sách có chất độc rất mạnh, nếu tên kia cứ thấm nước bọt mãi như vậy thế nào cũng bị trúng độc. Như quên cả nguy hiểm, bỗng khẽ kêu lên một tiếng.
Nghe thấy tiếng người kêu, người gầy gò quay đầu lại, trông thấy Thừa Chí hai mắt trợn tròn xoe, đầy vẻ hãi hùng, đang nhìn thẳng vào mặt mình. Y từ từ đứng dậy, rút con dao găm ở lưng hòa thượng ra, rồi tiến gần Thừa Chí và nói rằng:
– Ta với ngươi tuy không có thù oán gì cả, nhưng ngày hôm nay ta không thể để cho ngươi sống được!
Nói xong, mắt y lộ đầy vẻ hung ác, giơ dao găm lên, cười gằn mấy tiếng, rồi lại nói tiếp:
– Bây giờ ta có giết chết ngươi, thì ngươi xuống dưới âm ti cũng không hiểu sao mà bị giết! Nói thật cho ngươi biết, ta là Trương Xuân Cửu trong phái Thạch Lương tại phủ Cừ Châu, tỉnh Triết Giang. Phái Thạch Lương chúng ta là tử thù với Kim Xà Lang Quân. Y gian dâm với sư muội chúng ta, rồi trốn nơi đây. Mười mấy năm nay chúng ta đi tìm xem y trốn nơi đâu, nay Bí kíp của y rơi vào tay ngươi. Nay ngươi có liên can với Kim Xà Lang Quân chắc ngươi cũng không phải là người lương thiện. Sau khi chết đi, trở thành một con ma rồi, nếu muốn báo thù này, thì ngươi cứ tới Cừ Châu mà kiếm ta, Trương Xuân Cửu đây hà, hà, hà!
Cười chưa dứt tiếng, y bỗng loạng choạng suýt ngã. Thừa Chí liền vận hết sức lực lên hai cánh tay, thét lớn một tiếng, dây thừng trói quanh người liền đứt ra từng khúc.
Rồi nhanh như chớp, chàng giáng luôn vào đầu người nọ một quả đấm thôi sơn.
Nhưng tay chàng chưa chạm tới người kẻ thù, Trương Xuân Cửu bỗng ngã người nằm lăn ra đất. Thừa Chí sợ y có quỷ kế gì, liền cầm một đoạn dây thừng đứt quấn làm võ khí sử dụng cấp thời. Nhưng thấy người gầy gò đó hai chân duỗi thẳng, không còn cử động được nữa. Mắt, mũi, tai, mồm của y đều chảy máu đen, lúc ấy chàng mới hay kẻ thù đã trúng độc chết. Cúi xuống cởi luôn quãng dây thừng đang trói dưới chân ra, chàng vội chạy ra phòng ngoài. Thấy chàng Câm bị trói nằm ở đó, hai mắt y trợn tròn xoe, lộ vẻ bực tức vì không cựa quậy được, Thừa Chí liền cởi trói cho y. Lại thấy Đại Oai và Tiểu Quái như chết ngất ở dưới đất, sợ hai con đười ươi bị ngộ độc, chàng vội lấy mấy gáo nước lã đổ vào đầu, vào mặt hai con vật nọ. Một lát thật lâu, hai con thú mới hồi tỉnh dần. Thừa Chí dùng tay ra hiệu, kể lại đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra cho chàng Câm hay. Chờ đến khi trời sáng tỏ, Thừa Chí và chàng Câm mới khiêng hai kẻ thù ra đằng sau núi chôn cất. Thấy cái hộp sắt lớn có chất độc hại người như vậy, Thừa Chí tiện tay quăng luôn xuống hố, chôn cùng với hai người kia.
Chôn cất xong đâu đấy, nghĩ tới chuyện hôm qua, trong lòng chàng còn bàng hoàng lo ngại khôn cùng.
Chàng nghĩ thầm: “Năm 12 tuổi, vô hình chung mình đã tìm thấy cái hộp sắt nọ rồi tám năm qua, ta đã quên hẳn câu chuyện đó. Nay thấy người gầy gò và ba vị hòa thượng đã giết lẫn nhau vi tranh giành cuốn Kim Xà bí kíp, thì chắc hẳn cuốn sách đó phải chứa đựng sự gì bí mật hoặc rất quan trọng! Nhưng không hiểu trong cuốn sách đó viết những gì?”
Nghĩ tới đó, chàng không thể nén nổi sự tò mò, liền chui vào gầm giường, lôi cái hộp nhỏ phủ đầy mạng rêu ra. Chàng mở hộp sắt, lấy cuốn Kim Xà bí kíp thật để trên bàn, rồi giở từng tờ ra đọc. Những trang đầu dạy về bí quyết luyện công và tâm pháp ném ám khí, không khác gì mấy với những phương pháp của Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đạo nhân. Chàng nhận xét kỹ thì thấy thủ pháp của Kim Xà Lang Quân còn hiểm độc gấp mấy lần thủ pháp của hai thầy mình. Chàng nghĩ thầm: “Hôm qua mình suýt gặp quỷ kế đê tiện của kẻ địch. Sau này, dấn thân vào chốn giang hồ để hành hiệp, thế nào chẳng gặp phải những đối thủ cũng sử dụng những thủ pháp đê hèn đó, nhưng dù sao, biết người biết ta, và để phòng thân, thì ta cũng cần phải biết tới những mánh lới đó.”
Nghĩ đoạn, chàng bắt đầu nghiên cứu các thủ pháp trong cuốn Bí kíp.
Đọc tới ngày thứ ba, chàng mới nhận thấy các đường lối võ công ghi trong Bí kíp khác hẳn những thế võ của phái Hoa Sơn và chàng cũng chưa hề nghe thấy sư phụ nói qua bao giờ. Nhất nghệ thông thì bách nghệ cũng thông, võ công của Thừa Chí đã tới mức cao siêu. Nên khi chàng học sang môn phái khác chỉ mấy chút thời giờ suy nghĩ là hiểu ngay. Theo đúng trong Bí kíp, chàng tuần tự luyện tập, hết thế võ nay sang thế võ khác. Nhưng luyện đến ngày thứ năm, chàng gặp phải những điều nan giải là trong Bí kíp có viết tỉ mỉ những bí quyết, không vẻ họa đồ về các điệu, các kiểu, thì biết căn cứ vào đâu mà phỏng theo? Vì vậy, chàng đành phải ngừng tập. Chàng lại giở sang chương sau thấy đề mục là “Kim Xà kiếm pháp.” Chàng nghĩ thầm: “Kiếm pháp này do Kim Xà Lang Quân sáng tạo ra, thế nào cũng có nhiều miếng độc đáo!”
Nghĩ đoạn, chàng lấy kiếm múa thử, thoạt tiên còn dễ học, tới sau càng múa càng phức tạp, không thuận tay. Luyện đi luyện lại mấy lần, chàng vẫn thấy ngượng ngịu chướng tay. Sực nhớ tới, khi chôn cất di cốt Kim Xà Lang Quân, chàng đã trông thấy trên vách ở trong động có khắc rất nhiều họa đồ, chắc những tranh đó có liên quan đến các thế võ và kiếm pháp này.
Nghĩ tới đó, không sao nhẫn nại được nữa, Thừa Chí liền gọi chàng Câm đem dây thừng, bó đuốc, lên đỉnh núi để thòng chàng xuống dưới động. Lúc ấy chàng trở nên một thanh niên cao lớn, vạm vỡ, đáng lẽ không chui lọt cửa động, nhưng may thay hồi nọ chàng đã phá rộng hai bên cửa nên bây giờ chàng mới chui vào được. Cầm bó đuốc lên chiếu sáng các hình đồ trên vách, chàng nghiên cứu thật tỉ mỉ từng bức họa. Quả nhiên, những bức họa đồ đó là những hình vẽ giải thích các yếu quyết trong cuốn bí kíp, chàng vui mừng vô cùng. Theo đúng họa đồ để luyện tập, chỉ tốn mất độ hai tiếng đồng hồ, chàng đã in sâu những hình đồ đó vào trong óc và thuộc lòng hết mọi miếng võ trong cuốn Bí kíp. Chàng quỳ xuống trước mộ Kim Xà Lang Quân vái hai cái ngụ ý cảm tạ ông ta đã để lại sách giáo thụ võ công cho mình. Khi sắp bước ra khỏi động, chợt nhìn lên vách đá thấy treo thanh bảo kiếm, chàng không cần nghĩ ngợi nhấc luôn khí giới báu đó xuống coi. Hình thù thanh kiếm đó lạ lùng lắm, không khác gì con rắn đang uốn mình, chỗ cán kiếm là đuôi rắn, còn chỗ mũi kiếm đó có hai cái rìa nhỏ.
Thừa Chí nhận thấy kiếm pháp rất lạ lùng cũng bởi thanh kiếm đó khác hẳn các thanh kiếm khác. Ngoài công dụng để đâm hoặc chém như mọi thanh kiếm khác, hai rìa ở đằng mũi kiếm còn dùng để móc và khóa khí giới của địch. Chợt nghĩ đến chàng Câm đứng chờ mình trên đỉnh núi, nếu lâu quá thế nào cũng lo ngại cho chàng liền cầm kiếm đi ra. Thấy gần cửa động có một viên đá lớn cản trở lối đi, chàng thuận tay múa kiếm phạt ngang một nhát. Ngờ đâu đá vụn bay tứ tung, viên đá ấy đã đứt làm đôi.
Không dè lưỡi kiếm đâm thẳng một nhát, chàng đã cắm ngập thanh kiếm vào trong tảng đá.
Thừa Chí mừng quá, vội bò ra. Vừa về tới nhà, đứng giữa một cái sân rộng, chàng múa Kim Xà kiếm, theo kiếm pháp Hoa Sơn. Múa một hồi, chàng thấy sử dụng thanh kiếm đó thuận tay lắm, đến khi múa kiếm pháp Thanh Sà lại còn thuận tay hơn. Trong một thời gian mười mấy ngày, Thừa Chí đã học hiểu nhiều miếng kiếm ghi lại trong Bí kíp, nhứt là việc sử dụng ám khí Kim Xà chủy lại càng tinh xảo vô cùng, chàng đã học được hết mọi bí quyết thủ pháp của môn đó. Chàng so sánh và nhận thấy tâm pháp ám khí của Mộc Tang đạo nhân và ám khí Kim Xà chủy tinh xảo ngang nhau. Mặc dầu Kim Xà Lang Quân không đi theo con đường chánh, nhưng vì ông ta có một bản lãnh kinh người nên Thừa Chí cũng phải khâm phục vô cùng.
Tới khi nghiên cứu đến ba trang cuối cùng trong cuốn Bí kíp, chàng phải rùng mình kinh hãi. Ba trang đó viết chi chít những khẩu quyết biến hóa thật kỳ ảo, xuất quỷ nhập thần, nhưng một phần khó hiểu quá, chàng không sao lĩnh hội nổi. Nghiên cứu trong hai ngày liền, chàng vẫn cảm thấy trong đó có nhiều chỗ mâu thuẫn, chắc thế nào cũng có sự bí ẩn gì đây.
Chàng xem kỹ lại lời dặn trong cuốn Bí kíp và mô tả lại các hình vẽ trên vách đá, nhưng cũng vẫn không thấu hiểu được. Vì vậy, đêm ấy nằm trằn trọc chàng không thể nào nhắm mắt. Thấy ánh sáng trăng rọi vào, chàng đếm đốt ngón tay tính nhẩm sư phụ xuống núi tới nay đã 28 ngày rồi chỉ còn hai ngày nữa là tới ngày mình phải hạ sơn.
Chàng nghĩ thầm: “Sư phụ có nói là Kim Xà Lang Quân là người rất kỳ dị, 3 trang cuối này có thể là ý gì khác chăng, chứ không phải là võ công gì.”
Nghĩ như vậy chàng bèn không nghiên cứu thêm nữa, rồi chàng lại nghĩ, những võ học trong quyển sách này ác độc lắm lỡ nhỡ đẻ lọt vào tay bọn tà ma tàn ác thì hậu quả không thể lường được, thôi thì mình đã học thuộc hết rồi thì hủy nó đi, chàng bèn kéo ngọn nến lại gần châm vào cuốn sách, mấy tờ lụa mỏng bắt lửa cháy rất nhanh nhưng còng cái bìa không biết làm bằng thứ gì mà không chịu cháy, chàng bèn cầm lên định xé nhỏ nó ra rồi đốt luôn, nhưng mặc cho chàng đã dùng hết sức tới mấy trăm cân lực mà mảnh bìa chỉ hơi giãn ra chứ không rách. Ngạc nhiên vô cùng, chàng bèn xem xét thật kỹ thì thấy nó được làm từ một thứ tơ gì đó rất mịn và hình như là gồm hai lớp dán vào nhau, chàng bèn tìm cách tách nó ra, loay hay một lúc bỗng hai mảnh bìa rời ra và từ trong đó rớt xuống hai mảnh giấy.
Chàng nhặt lên xem chợt mừng rú lên, thì ra trong một mảnh giấy có chi chít những chữ nhỏ ly ti chỉ dẫn những điều khó hiểu ở 3 trang cuối của cuốn bí kíp, còn tờ giấy kia là một bản đồ chằng chịt có ghi chú tỉ mỉ, xem kỹ thì ra một bản đồ bảo tàng gì đó, chàng thở phào tự nhủ: “May mà cuốn sách này lọt vào tay mình chứ lọt vô tay người bình thường không chịu bõ công nghiên cứu tới cùng thì không sao được hướng bản đồ chôn giấu của báu ấy.”
Nghĩ đoạn, chàng cất hai tờ giấy đó vào trong túi áo.
Hai ngày hôm sau, Thừa Chí thu xếp hành trang từ biệt chàng Câm để xuống núi.
Chàng Câm dắt hai con đười ươi tiễn ra tận lưng chừng núi. Thừa Chí ăn ở trên núi hơn mười năm trời, nay bỗng nhiên phải xa cách trong lòng rất áy náy khó chịu. Đại Oai và Tiểu Quái là những con vật rất thông minh, linh tính sẽ phải xa cách Tiểu chủ, nên chúng nắm tay chàng kêu chít chít, không chịu cho chàng lên đường. Thấy vậy, Thừa Chí không nỡ chia tay với hai con vật có nghĩa, liền quyết định cho chúng đi theo, và dùng tay ra hiệu cho chàng Câm biết rõ ý muốn của mình.
Lần đầu tiên xuống núi, Thừa Chí thấy cái gì cũng mới lạ cả. Vài hôm sau, đi tới tỉnh Sơn Tây, chàng thấy đâu đâu cũng có binh mã điều động và các cửa ả khám xét rất nghiêm ngặt. Các nghĩa quân nghe nói chàng tới kiếm Sấm Vương đều không dám cản trở và còn cho người đưa đường dẫn chàng tới trung quân của Lý Tự Thành. Thấy người hầu cận vào báo tin có đồ đệ của Mục Nhân Thanh xin vào ra mắt.
Sấm Vương dù đang bận việc quân cơ cũng phải thân hành ra đón tiếp. Cũng vì Mục Nhân Thanh khen đồ đệ của mình tài giỏi trước mặt mọi người, nên Sấm Vương mới trọng dụng Thừa Chí như vậy. Nghe giọng nói của Lý Tự Thành, có vẻ ông ta muốn chiêu nạp Thừa Chí. Thấy Lý Tự Thành tuy ăn mặc mộc mạc, nhưng dáng điệu oai nghi, vẻ mặt hào hùng, Thừa Chí cũng phải phục thầm. Chàng được Lý tướng quân cho biết hiện giờ sư phục của chàng không có mặt tại đây vì ông ta có việc phải xuống Giang Nam. Chàng mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ, nhờ có sư phụ nuôi nấng dạy bảo cho tới ngày nay, nên khi nghe thấy nói sư phụ vắng mặt, chàng có vẻ không vui. Chàng lại hỏi đến người bạn chi giao là Thôi Thu Sơn hiện có ở đây không?
Sấm Vương cho hay Thu Sơn đã theo Mục Nhân Thanh xuống Giang Nam quyên tiền để tiếp tế cho nghĩa quân rồi. Chàng trả lời là phải xuống miền Nam bẩm với sư phục trước, rồi mới dám trở lên phụ lực được. Sấm Vương không nài ép nữa, sai Tể tướng quân Lý Nham tiếp chàng dùng cơm.
Khi chàng lên đường xuống Giang Nam, Sấm Vương còn tặng cho mười lạng kim làm lộ phí. Chàng từ chối không được, đành phải nhận lấy. Thấy chàng chưa có kinh nghiệm sự đời, ăn mặc kỳ dị, lưng đeo quái kiếm, lại dắt hai con đười ươi theo, Lý Nham mới khuyên chàng gởi lại hai con đười ươi và cây kiếm Kim Xà để người đời khỏi dị nghị. Thấy Lý Nham có lòng tối khuyên bảo như vậy, chàng nghe lời, liền mặc trang phục nho sinh, giả dạng một vị tú tài, rồi mới cáo từ ra đi.
Hôm đó, chàng đi tới Ngọc Sơn thuộc tỉnh Giang Tây. Cơm nước xong, chàng mướn thuyền đi đường thủy. Ra tới bờ sông, thấy một chiếc thuyền lớn đậu tại đó, chàng lại hỏi mướn. Chủ thuyền cho hay, phú ông nọ đã thuê bao cả thuyền để xuống phủ Kim Hoa tỉnh Triết Giang chở hàng. Chàng xin đi nhờ và bằng lòng trả giá cao.
Chủ thuyền liền vào khoang hỏi ý kiến phú thương Long Đức Lân. Thấy Thừa Chí là tú tài, ăn nói nho nhã, Long Đức Lân bằng lòng ngay. Chủ thuyền đang nhổ neo khởi hành thì có một thiếu niên hấp tấp chạy tới, và lớn miệng kêu gọi:
– Ông chủ thuyền ơi! Tôi có việc gấp phải tới Cừ Châu, ông làm phúc cho tôi đi nhờ với.
Nghe thấy giọng nói thánh thót êm tai, Thừa Chí ngẩng đầu lên nhìn mặt người nọ. Chàng phải ngạc nhiên mà nghĩ thầm: “Trên thế gian này, sao lại có người đẹp trai đến thế?”
Người đó trạc độ 19 tuổi, lưng đeo một thanh trường kiếm.
Chủ thuyền liền đáp:
– Thuyền này đã có người thuê bao rồi, để tôi hỏi qua xem họ có bằng lòng không?
Chưa nói xong đã thấy chàng thanh niên nhún chân nhảy xuống thuyền, nhẹ nhàng như không, long đức lân thấy chàng ta dễ thương và mặt mày vui tươi nên cũng vui lòng đồng ý ngay.
Thuyền tách bến đi được một lát thì mọi người làm quen với nhau, chàng trai giới thiệu mình tên là Ôn Thanh, lúc đó mội người đang ngồi ở ngoài mui nói chuyện phiếm, bỗng dưng có bốn chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng rất nhanh tản ra xung quanh thuyền rồi dừng lại và từ từ bám theo chiếc thuyền của mọi người, Thừa Chí lúc đó đang ngồi đối diện với chàng trai chợt thấy nét mặt chàng trai biến đi hiện lên một vẻ hung ác, tàn độc. Thừa Chí giật mình nghĩ: “Bộ mặt thanh tú thế kia, sao lại có nét mặt hung dữ đến thế?”
Hình như Ôn Thanh đã nhận thấy vẻ mặt ngạc nhiên của Thừa Chí, liền đổi sắc mặt, miệng tủm tỉm cười, đầy vẻ nhu mì khả ái. Mới bước chân vào đời, Thừa Chí đâu đã hiểu biết mọi bí ẩn của giang hồ. Thấy thái độ của Ôn Thanh và hành động của bốn chiếc thuyền nhỏ có vẻ khác thường, chàng tuy biết sắp có chuyện gì xảy ra nhưng không sao đoán nổi là chuyện gì!
Đến chiều tối, thuyền ngừng ở cạnh một thị trấn nọ, Thừa Chí muốn lên bờ dạo chơi, liền rủ hai người cùng đi cho vui. Vì bận trông coi hàng hóa, Đức Lân từ chối, còn Ôn Thanh thì tỏ vẻ khinh miệt:
– Nơi hoang vu này, có thắng cảnh gì đâu mà dạo chơi?
Giọng nói có vẻ chế nhạo Thừa Chí hãy còn ngây thơ. Mặc dầu Ôn Thanh có thái độ kiêu ngạo, khinh người quá mức, nhưng Thừa Chí vốn là người trung hậu thành cẩn, không vì thế mà tức giận, chàng chỉ mỉm cười, rồi một mình lên bờ vào trong phố tiêukhiển. Uống vài ly rượu, mua chút quà bánh, trái cây, chàng lại trở về thuyền. Thấy Đức Lân và Ôn Thanh ngủ rồi, chàng cởi áo đi nghỉ.
Khoảng nửa đêm, Thừa Chí bỗng nghe thấy tiếng còi ở đằng xa vọng lại. Chàng rất thính tai, vừa nghe tiếng động là tỉnh dậy liền. Chàng vừa mặc áo xong, đã nghe thấy tiếng bơi chèo từ miền hạ du tới. Lúc ấy Ôn Thanh đột nhiên ngồi dậy, thì ra hắn ngủ vẫn mặc cả áo ngoài, rút thanh kiếm dài ở trong chăn ra rồi nhảy ra đằng mũi thuyền. Thừa Chí giật mình, nghĩ thầm: “Chẳng lẽ người thiếu niên tuấn tú kia lại là bọn tay sai của thủy tặc? Hắn lên thuyền làm nội ứng để cướp tiền bạc và hàng hóa của nhà buôn nọ? Nay ta đã gặp không thể nào khoanh tay không cứu giúp.”
Vì Kim Xà kiếm hình thù quái dị mà chàng phải gởi lại trong quân trại của Sấm Vương, nên hiện trong lưng chàng chỉ có một con dao găm và mấy chục quân cờ cây.
Cầm dao găm ngồi dậy, chàng nghe thấy tiếng bơi chèo của chiếc thuyền nhỏ ở phía trước mặt càng ngày càng gần, rồi đột nhiên có tiếng nói thô lỗ phát ra từ đầu thuyền nhỏ nọ:
– Tên họ Ôn kia, ngươi có biết thế nào là nghĩa khí giang hồ không?
Ôn Thanh hét lớn:
– Biết thì sao? Và không biết thì sao?
Tên nọ đáp:
– Chúng ta đã tốn bao nhiêu công khó nhọc, theo dõi từ đây! Còn ngươi thì khôn ngoan lắm, giữa đường nhảy ra, định ăn cướp cơm chim phải không?
Lúc đó Long Đức Lân đã tỉnh dậy, nghe thấy tiếng nói ồn ào, vội ngó đầu ra coi.
Thấy bốn chiếc thuyền nhỏ, lửa đốt sáng choang, đầu thuyền chiếc nào cũng đứng đầy người cầm võ khí, hắn hoảng sợ đến nỗi run lẩy bẩy. Nghe hai bên đối đáp, Thừa Chí đã hiểu rõ sự thế, liền an ủi Đức Lân rằng:
– Không việc gì đến ông, ông đừng sợ!
Giọng nói run run, Đức Lân khẽ hỏi:
– Họ họ có phải chúng định đến cướp hàng hóa của tôi không?
Lại nghe thấy Ôn Thanh quát tháo:
– Tiền tài của thiên hạ, ai cũng có quyền hưởng. Chẳng lẽ số vàng cũng của các ngươi chắc?
Tên nọ trả lời:
– Ngươi đem hai nghìn lạng vàng đó ra đây, chúng ta chia đôi. Như vậy, chúng ta đã nể ngươi lắm rồi.
– Thôi! Câm đi! Các ngươi đừng có mơ tưởng hão huyền.
Hai tên đại hán đứng trên hai chiếc thuyền nhỏ khác liền nổi giận:
– Sa đại ca, hà tất phải phí lời nói với quân ngang ngược ấy làm gì?

Nói đoạn, cả hai tay cầm khí giới, nhảy sang chiếc thuyền lớn.
Nghe họ cãi vã, Long Đức Lân đã run sợ mất mật rồi, nay lại thấy hai người nhảy sang thuyền mình, Ông ta sợ quá lắp bắp, giọng run run:
– Viên Viên tướng công ơi! Quân cướp chúng sang tới tới đây cướp
Thừa Chí kéo hắn ẩn núp sau lưng vừa an ủi:
– Có tôi đây ông khỏi sợ!
Lúc ấy chỉ thấy Ôn Thanh hơi né mình phi luôn chân trái lên “Bõm!” một tiếng, chàng đã đá ngã người bên trái xuống sông. Chàng múa kiếm đỡ con dao của người bên phải chém tới. Chỉ nghe thấy “keng!” “phật!” hai tiếng, dao và bả vai của tên nọ đều bị chặt đứt. Rồi y ngã nằm chết ngất trên mũi thuyền. Ôn Thanh cười nhạt một tiếng, rồi gọi vọng sang thuyền bên kia:
– Bớ Sa lão đại! Từ nay ngươi đừng để cho những đồ chuột lắt ấy ra đối chọi với đời, toi mạng một cách vô ích nhé!
Tên đại hán phía trước mặt “hừ!” một tiếng, rồi dõng dạc bảo các bộ hạ:
– Chúng bay sang khiêng lão Lý về đây.
Hai tên ở thuyền nhỏ nhảy sang khiêng tên bị cụt tay về. Không bao lâu tên bị đá ngã xuống sông cũng lóp ngóp bò lên thuyền nhỏ, mình mẩy ướt như chuột lột.
Sa lão đại lại lên tiếng:
– Bang “Long Du” ta với phái “Thạch Lương” nhà ngươi vốn xưa nay không có thù hằn gì. Ông chủ chúng ta chỉ nể mặt ông Tổ thứ năm ngươi đó thôi, chớ ngươi đừng có tưởng lầm ta hèn nhát đâu nhé.
Nghe thấy nói tới phái Thạch Lương, Thừa Chí giựt mình kinh ngạc, nghĩ thầm: “Bữa nọ, tên Trương Xuân Cửu lẻn lên núi Hoa Sơn ăn trộm kiếm pháp, chả phải là người của phái Thạch Lương là gì?”
Chàng lại nghe thấy Ôn Thanh nói:
– Ngươi nói thế để lấy lòng ta, tại các ngươi không địch nổi ta chớ gì?
Sa lão đại nổi giận:
– Chẳng hay ngươi có chịu tuân theo luật lệ của giới giang hồ không?
– Ta muốn sao làm vậy, ngươi không được phép lý với ta.
– Này, ta “tiên lễ hậu binh” trước. Sau này Ngũ tổ nhà ngươi không còn trách cứ ta cậy nhiều người bắt nạt một người bé bỏng thế cô nữa nhé!
Nghe lời nói của Sa lão đại, Thừa Chí hiểu ngay tên tướng cướp này có vẻ kính nể sợ oai Ngũ tổ nào đó của Ôn Thanh. Cười nhạt một tiếng, Ôn Thanh trả lời:
– Cậy có miếng võ quèn của nhà ngươi, mà cũng đòi bắt nạt ta ư?
Thấy hai bên càng nói càng găng, Thừa Chí biết trận xung đột tất không sao tránh khỏi. Chàng nghĩ thầm: “Nếu theo lời của chúng, thì có lẽ Bang “Long Du” muốn cướp số vàng kết sù nào đó, nhưng Ôn Thanh bỗng giữa đường phỗng tay trên nên Bang nọ không chịu phục liền đuổi theo và đòi chia đôi tang vật. Vì thế, lúc Ôn Thanh xuống thuyền mang trong người hai nghìn lạng vàng, mới nặng trĩu như vậy. Xét ra cả hai đều không phải chánh nhân quân tử, ta cứ giả dạng không biết võ nghệ chỉ khoanh tay đứng xem chớ không giúp ai cả.”
Chàng đang nghĩ ngợi thì hai bên bắt đầu đánh nhau.
Sau một tiếng thét lớn, Sa lão đại và hơn mười tên đại hán ở bốn chiếc thuyền lớn.
Sa lão đại, tay cầm đại hoàn đao, đứng trước mặt mọi người, chắp tay vái chào, rồi nói với Ôn Thanh:
– Ta biết bọn đàn em của ta không địch nổi nhà ngươi, nên Sa lão đại này muốn tiếp vài hiệp kiếm thuật Ngũ Phượng phái Thạch Lương nhà ngươi, mà võ công đã từng khét tiếng là có một không hai ở miền Giang Nam.
Ôn Thanh trả lời:
– Ngươi muốn một mình đối địch với ta hay là cả bọn cùng ùa vào đánh?
Sa lão đại ngửng đầu, cười ha hả:
– Nhà ngươi khinh người quá! Trong thuyền này còn có quý bạn nào xin ra làm chứng hộ cho, kẻo sau này các bạn giang hồ lại bảo rằng ta không biết xấu hổ là gì.
Lão quay vào trong thuyền rồi lớn tiếng gọi:
– Mời hai bạn ngồi trong kia ra đây!
Hai tên đại hán liền bước vào trong khoang nói với Thừa Chí và Long Đức Lân:
– Đại ca chúng tôi xin mời hai ông ra ngoài chứng kiến cuộc đấu.
Thấy Đức Lân run lẩy bẩy, không dám lên tiếng, Thừa Chí liền bảo:
– Họ chỉ mời chúng ta ra làm chứng thôi, chắc không có việc gì quan trọng đâu. Thôi! Chúng ta ra ngay đi.
Nói đoạn, chàng kéo tay Đức Lân, cùng ra ngoài mũi thuyền.
Ôn Thanh có vẻ lo ngại, cười nhạt nói:
– Nếu nhà ngươi muốn có người coi để tự bêu xấu mình thì đừng có trách ta ra tay quá mạnh nhé! Hãy coi chừng.
Sở Lão Đại chưa kịp nói năng gì, thì Ôn Thanh đã đâm luôn hai nhát kiếm vào bả vai và mạng mỡ bên trái của hắn rồi. Mặc dầu thân hình lớn quá cỡ, Sa lão đại vẫn lanh lẹ vô cùng. Hắn quay ngược sống đao đỡ hai nhát kiếm rồi dùng miếng “Thiết Ngưu Đỉnh Cảnh” bổ thẳng vào đầu Ôn Thanh.
Vừa tránh mấy miếng kiếm của địch, vừa múa đao tấn công luôn, lão Đại quả tài nghệ phi thường. Hắn có vị nể phần nào, mới dùng sống đao, chớ không tấn công bằng lưỡi đao rất sắc bén.
Ôn Thanh quát lớn:
– Ngươi có tài ba gì cứ việc giở hết ra, chớ ta không thèm cám ơn tấm lòng tốt giả dối ấy đâu!
Chàng vừa nói vừa tấn công rất ráo riết. Chỉ hớ hênh có một chút, Sa lão đại đã bị đâm trúng một nhát kiếm vào vai. Nhưng cũng may mũi kiếm chỉ rách một mảnh áo thôi chớ không gây thương tích nào cả. Tuy vậy, Lão Đại cũng hoảng hồn và phải cẩn thận khi đánh chớ không dám chểnh mảng khinh thường như trước nữa. Tuy nhiên võ công của Lão Đại cũng hiểm độc vô cùng, nhưng vẫn địch không nổi kiếm pháp lanh lẹ của Ôn Thanh. Chẳng bao lâu, Lão Đại đã bị luồng ánh sáng kiếm bao vây kín mít dù gió cũng không lọt nổi.
Thừa Chí đã nhận thấy võ nghệ của Ôn Thanh trên Sa lão đại nhiều. Càng đánh, lão Đại càng thấy thở mạnh và mồ hôi ướt đầm áo ngoài. Bỗng nhiên Ôn Thanh thét lên một tiếng, chàng đã đâm trúng một mũi kiếm vào đùi lão Đại. Biến sắc mặt, lùi lại một bước, lão Đại vung tay ném luôn một lúc ba cái Thấu Cốt đinh. Ôn Thanh dùng kiếm gạt rơi hai cái, còn một cái thì chàng phải né mình mới tránh khỏi. Một trong hai cái đinh bị chàng gạt ra bắn thẳng vào ngực Thừa Chí.
Thấy lỡ tay hại nhầm người khác, Ôn Thanh kinh hãi, rú lên một tiếng. Chàng mục kích rõ rệt mũi đinh ấy phóng thẳng vào ngực Thừa Chí mà chàng ta vẫn đứng yên, không biết né tránh hoặc đón đỡ gì cả. Như vậy ám khí đó thế nào chẳng xuyên thủng ngực chàng ta rồi!
Vừa rú xong, Ôn Thanh định nhảy lại cứu giúp, ngờ đâu mũi đinh ấy đã chạm vào người Thừa Chí và rơi xuống dưới ván thuyền rồi. Bị trúng ám khí mà Thừa Chí vẫn thản nhiên, hình như không hay biết gì cả. Mọi người đều ngơ ngác nhìn nhau không hiểu tại sao một viên tú tài trông tầm thường như thế mà nội công lại cao siêu đến mức đao thương chém không nổi? Nhưng bọn họ có biết đâu, sở dĩ mũi đinh không xuyên qua được ngực Thừa Chí là vì chàng mặc chiếc áo cánh hộ thân do Mộc Tang đạo nhân tặng cho.
Thấy Ôn Thanh đang ngơ ngác nhìn Thừa Chí, không chút đề phòng, Sa lão đại liền phóng luôn ba cái Thấu Cốt đinh nữa. Nghe thấy tiếng động Ôn Thanh quay lại, trông thấy ám khí đã tới gần liền cúi đầu để tránh. Nhưng chỉ tránh được mũi đinh bắn phía trên, còn hai mũi đinh phía dưới thì tránh không kịp. Chàng đã yên trí phen này bị chết oan tại nơi đây, nhưng lạ thay, bỗng có một mũi đinh ở bên cạnh bắn tới, trúng ngay mũi đinh thứ hai, rồi mũi thứ hai lại đụng phải mũi thứ ba, thế là ba mũi đinh cùng rơi cả xuống, không mũi nào trúng vào người chàng cả.
Đưa mắt nhìn ngang, chàng biết ngay người ném mũi đinh để cứu mình chính là Thừa Chí. Thì ra, Thừa Chí thấy Sa lão đại dùng thủ đoạn đê hèn chực hãm hại Ôn Thanh, chàng mới nhặt mũi đinh rơi trước mặt và phóng ra cứu chàng thanh niên nọ thoát chết.
Ôn Thanh khẽ gật đầu tỏ vẻ cảm tạ rồi múa kiếm nhắm lão Đại đâm tới.
Thấy lão Đại đê hèn vô sỉ, phen này Ôn Thanh không chút nể nang, đánh miếng kiếm nào cũng hiểm độc vô cùng. Mới được vài hiệp, lão Đại đã bị đâm trúng một mũi kiếm vào hông bên phải, rồi “keng” một tiếng, thanh đao đã rơi xuống ván thuyền.
Chàng tiến lên một bước, bồi thêm một nhát vào đùi bên phải kẻ địch. Sa lão đại thét lên một tiếng ngã ra chết ngất. Mấy tên thủ hạ của hắn quên cả sợ hãi bảo nhau chạy lại cứu chủ. Nhưng Ôn Thanh khi nào chịu để cho chúng thi hành theo ý muốn, chỉ vài lần vung kiếm lên chàng đã giết chết tới bảy tám mạng rồi.
Thấy giết chết nhiều người quá, Thừa Chí không thể làm ngơ, liền lên tiếng khuyên ngăn:
– Thôi! Ôn đại ca. Tha chết cho chúng!
Ôn Thanh không chịu ngừng tay, lại giết thêm hai tên nữa. Các đại hán khác thấy chàng hung dữ quá liền nhảy xuống sông tẩu thoát. Thuận tay, chàng ném một nhát, chặt đầu Sa lão đại, rồi giơ chân trái, đá luôn thi hài kẻ địch xuống sông. Thấy Ôn Thanh tàn nhẫn quá, Thừa Chí trong dạ không vui, nghĩ thầm: “Người đã đắc thắng, hà tất phải tàn nhẫn đến thế!”
Chàng quay lại nhìn Đức Lân, thấy hắn sợ hãi đến nỗi nằm yên, không dám cựa quậy. Bọn thủ hạ của phái Long Du bơi thoát tới giữa sông, leo lên thuyền nhỏ rồi chèo thuyền chạy như bay về miền hạ du.
Thừa Chí thấy bọn chúng đã đi xa rồi, liền bảo với Ôn Thanh:
– Chúng định cướp vàng bạc của đại ca nhưng không cướp nổi thì thôi, tha cho chúng hà tất đại ca phải tàn sát nhiều sanh mạng như thế?
Ôn Thanh trợn mắt lườm:
– Thế đại huynh không thấy chúng vừa giở thủ đoạn ác độc hay sao? Nếu tôi thua chúng có lẽ còn bị thảm khốc hơn thế này nữa. Đừng tưởng có ơn cứu sống tôi mà huynh đã vội lên mặt là thầy dạy đời ngay, tôi không thích nghe đâu nhé.
Thấy Ôn Thanh cãi bướng như vậy, Thừa Chí không dám nói nữa. Lau chùi máu trên kiếm xong, Ôn Thanh tra kiếm vào bao rồi cúi chào Thừa Chí, miệng cười tươi như đóa hoa:
– Viên đại ca, vừa rồi đại ca đã cứu tôi, tôi rất cám ơn.

Thừa Chí mặt đỏ bừng, cúi đầu đáp lễ nhưng không nói được nửa lời. Chàng chỉ cảm thấy chàng thanh niên nọ, lúc thì nhu mì như một thiếu nữ, lúc lại hung ác hơn cả sói lang và không sao hiểu thấu nổi cái tánh của y ra sao?
Ôn Thanh gọi lái đò rửa sạch những vết máu còn dính trên ván thuyền và cho nhổ neo ngay. Tên lái đò không dám trái lời liền nhổ neo, dương buồm, cho thuyền đi ngay lúc đêm khuya. Ôn Thanh gọi chủ thuyền dọn thức ăn và rượu ra đầu thuyền để cùng Thừa Chí thưởng nguyệt ngắm cảnh. Chàng không nhắc nhở đến chuyện ác chiến vừa rồi, và cũng không đàm luận võ công với Thừa Chí. Sau khi uống cạn vài chén, chàng lên tiếng nói:
– Ngày mai kia bao giờ sẽ tới? Nâng ly này ta hỏi ông Xanh. Nhưng ông Xanh chỉ làm thinh, chắc không thể nào giải đáp nổi!
Bỗng nhiên thấy Ôn Thanh giở văn chương ra, Thừa Chí chỉ ừ ừ à à để ứng đáp thôi, vì hồi nhỏ, tuy chàng có theo học Ứng Tòng vài năm, nhưng từ khi lên núi Hoa Sơn theo Mục Nhân Thanh học võ đến giờ, đêm tối, thỉnh thoảng cũng có giở sách ra coi lại, nhưng không phải là môn học chánh, cho nên sức học của chàng cũng thường thường vậy thôi, Ôn Thanh lại hỏi:
– Viên huynh, trăng thanh gió mát, đêm đẹp thế này, anh em ta cùng nhau làm thơ nhé?
– Quả thật, đệ không biết một tí gì về văn thơ cả.
Ôn Thanh mỉm cười không nói nữa. Hai người lại tiếp tục rót rượu ra uống bỗng thấy phía trước mặt có một chiếc thuyền nhỏ đang rẽ sóng bơi tới. Tuy nước chảy ngược mà thuyền đó vẫn đi nhanh vô cùng. Biến sắc mặt, cười nhạt vài tiếng, Ôn Thanh lại tiếp tục rót rượu ra uống.
Thuyền của Thừa Chí thuận buồm xuôi gió, cũng đi nhanh vô cùng, chỉ trong chớp mắt, đã tới cạnh thuyền nhỏ, Ôn Thanh vứt chén rượu xuống, bỗng nhảy phắt lên, hai chân chỉ khẽ đụng mui thuyền một cái, đã nhảy tới phía đuôi thuyền rồi. Chàng dằng lấy chiếc bơi chèo của tên lái đò, và chỉ chèo một cái, chiếc thuyền đã sang phía trái, đâm thẳng vào chiếc thuyền nhỏ kia. Thuyền nhỏ muốn tránh nhưng đã muộn rồi “sầm” một tiếng, chiếc thuyền nhỏ lật ngược, đáy thuyền chổng lên mặt nước. Thấy vậy, Thừa Chí vội kêu lên:
– Nguy to!
Ba người ngồi trên chiếc thuyền nhỏ đã nhảy sang mũi chiếc thuyền lớn trước khi thuyền của họ bị đắm. Thân pháp nhanh nhẹn của họ đã chứng tỏ cả ba đều có võ công thượng thặng. Trước khi chiếc thuyền nhỏ tới gần, Thừa Chí thấy trên thuyền có tất cả năm người, nay chỉ thấy có ba người nhảy sang được bên này, còn người bơi chèo và người cầm lái có lẽ võ nghệ kém hơn, nên học đã bị ngụp theo thuyền. Vì nước chảy mạnh quá, cả hai chỉ nhô lên kêu được mấy tiếng: “Cứu tôi với!” rồi cùng bị chìm lỉm xuống đáy sông ngay. Chắc hai người đó rủi nhiều hơn may nên đều bị sóng nước lôi cuốn đi mất.
Thừa Chí đang rủa thầm Ôn Thanh quá ác độc nhưng trong lúc đó chàng lại thấy hai nạn nhân nhô lên một lần nữa. Không để lỡ dịp, chàng giựt đứt dây thừng buộc buồm, miệng ngậm đầu dây, hai chân nhún một cái, nhảy thẳng xuống sông chỗ hai người đang lâm nạn. Chỉ trong nháy mắt, mỗi tay nắm tóc một người, chàng mượn sức dây thừng cột buồm đang cắn chặt trong mồm, văng mạnh một cái, đã xách được hai người kia trở về thuyền lớn. Thân pháp của chàng xảo diệu tuyệt luân khiến mọi người phải vỗ tay khen ngợi. Lúc đó Ôn Thanh đã trở về mũi thuyền. Thừa Chí đặt hai người ở ván thuyền rồi ung dung ngồi xuống ghế, người không bị ướt một tí nào. Dưới ánh sáng trăng, chàng thấy ba người kia là một ông cụ già gầy gò tuổi ngoài năm mươi, để râu xồm nhưng rất thưa, một người là đại hán tuổi trạc ngoài bốn mươi, thân hình vạm vỡ, còn một người nữa là một đàn bà tuổi trạc ba mươi. Ông già nọ tủm tỉm cười và hỏi:
– Tài ba của lão đệ cao siêu lắm, xin hỏi quí tánh đại danh là gì, tôn sư là vị nào?
Thừa Chí rất cung kính đứng dậy vái chào và đáp:
– Tiểu bối họ Viên, vì thấy hai vị này rớt xuống nước trông rất tội nghiệp nên tiểu bối mới xuống lôi họ lên, chứ không dám biểu diễn võ công trước mặt lão Tiền bối. Xin lão Tiền bối lượng thứ cho.
Ông già nọ thấy Thừa Chí lễ phép như vậy, ngạc nhiên vô cùng, cười nhạt một tiếng, rồi quay lại nói Ôn Thanh rằng:
– Thảo nào thằng nhỏ này càng ngày càng táo gan, thì ra mi đã có người giúp sức, y có phải là bồ của mi không?
Ôn Thanh mặt đỏ bừng, lớn tiếng đáp:
– Tôi đã tôn ông làm bề trên, mà ông lại ăn nói chả lễ phép tí nào.
Thừa Chí nghĩ thầm: “Bọn người này, chắc không phải là chính nhân quân tử đâu, ta hà tất phải dây dưa vào làm chi?”
Nghĩ đoạn, chàng liền lớn tiếng nói tiếp:
– Tại hạ với Ôn huynh đây mới quen biết nhau thôi, chưa thể nói là bạn chí thân được. Tôi xin khuyên quí vị một câu, có việc gì cứ nói trắng ra để thương lượng với nhau khỏi mất hòa khí.
Ông già chưa kịp đáp, Ôn Thanh đã trợn trừng mắt lên nhìn chàng giận dữ nói:
– Nếu bạn sợ, thì bạn cứ việc lên bờ mà đi đi, đừng có can thiệp vào việc của tôi nữa.
Thấy Ôn Thanh bướng bỉnh như vậy, Thừa Chí lại nghĩ thầm: “Sao thiên hạ lại có người bướng bỉnh như thế này?”
Nghĩ xong, chàng không nói năng gì hết, cứ đứng yên ở đó. Nghe giọng nói của Thừa Chí, ông già mới hay chàng không phải là người cùng bọn với Ôn Thanh, trong lòng mừng thầm, rồi nói tiếp:
– Bạn họ Viên không phải là người cùng phe với người họ Ôn đây thì hay lắm, chờ việc của lão xong, lão sẽ cùng bạn chuyện trò và kết giao với nhau một phen.
Nghe giọng nói của ông ta thì hình như ông ta có ý muốn làm bạn với Thừa Chí.
Thừa Chí không trả lời, chỉ vái chào một cái, rồi lui bước, đứng ở phía sau Ôn Thanh.
Ông già nọ quay lại hỏi Ôn Thanh rằng:
– Mi ít tuổi như vậy mà sao tâm địa lại ác độc đến thế? Sa lão đại đã bị mi đánh bại rồi thì thôi chứ, sao mi lại còn muốn giết chết y?
Ôn Thanh đáp:
– Tôi chỉ có một thân một mình, bên các người có bấy nhiêu đại hán cùng xông lên một lúc, tôi không ra tay ác độc như thế nào được. Thế mà ông còn nói, ông không sợ người khác cười ông thị lớn bắt nạt nhỏ thị nhiều hà hiếp ít hay sao? Y tài ba gì mà lại cướp số vàng của tôi đã lượm được. Thật không biết xấu hổ chút nào.
Thừa Chí nghe giọng chàng ta rất thanh thót và thao thao bất tuyệt, nói cho ông già không còn cãi vào đâu được.
Người đàn bà trong bọn ba người đột nhiên trợn ngược đôi lông mày lên mắng chửi:
– Thằng nhỏ kia, người được bề trên nuông chiều hóa vô lễ phép như vậy, để ta thử đi hỏi ông ngươi và mẹ ngươi xem, ai đã dạy ngươi hỗn láo như vậy.
Ôn Thanh không chịu lép vế chút nào liền trả đũa ngay:
– Người bề trên phải biết làm bề trên thì người dưới mới tôn kính chứ cứ thị kẻ cả mà cướp của người ta đã kiếm sẵn như vậy, thì người nào cũng không thể chịu nhịn được.
Ông già cả giận giơ tay lên đập mạnh vào cái bàn ở trên mũi thuyền. Khi ông ta rút tay lại, thì mặt bàn đó đã bị lõm vào một miếng. Và tay của ông ta đã cầm miếng gỗ thủng trên mặt bàn rồi, đủ thấy tay của ông ta cứng rắn không kém gì gang sắt. Tiếp theo đó, ông già bóp mạnh một cái, miếng gỗ ấy vụn như cám ngay.
Ôn Thanh lại nói tiếp:
– Võ công của huynh lão gia cao siêu như thế nào, tiểu bối được biết đã lâu, hà tất phải biểu diễn lại ở trước mặt tiểu bối như thế, nếu lão gia muốn biểu diễn võ công, thì biểu diễn cho các ông tôi xem có hơn không?
Ông già cả giận đáp:
– Mi đừng có đem mấy ông của mi ra dọa nạt người, các ông của mi thì làm gì được ai, nếu các ông ấy có tài ba thật sự thì con gái đâu đến nỗi bị người ta dầy vò mà đẻ ra mi, đứa con hoang như vậy.
Ôn Thanh không sao nhịn được nữa, mặt biến sắc, đôi mắt như đổ lửa. Trái lại, đại hán nọ với người đàn bà kia thì cười ha hả đắc chí vô cùng.
Thừa Chí thấy Ôn Thanh nước mắt nhỏ giọt xuống hai bên má, trông rất tội nghiệp, chàng liền nghĩ thầm: “Người này hành sự lão luyện hơn ta, sao hở tí lạ khóc lóc như thế. Lời nói của ông già kia vừa nói, thì hình như mẹ của chàng ta bị người cưỡng dâm mới sinh ra chàng ta.”
Chàng thấy Ôn Thanh bị người hà hiếp lại nổi lòng hào hiệp, chỉ muốn ra tay trợ giúp luôn.
Ông già âm thầm nói tiếp:
– Khóc làm gì, có mau đưa số vàng cho ta không? Không phải chúng ta thèm số vàng ấy đâu, ta chỉ muốn đưa số vàng đó cho quả phụ họ Sa làm tiền tử tuất thôi.
Ôn Thanh tức giận đến chân tay mình mẩy run lẩy bẩy, vừa khóc vừa đáp:
– Các ngươi muốn giết ta thì giết đi, ta không đưa số vàng ấy đấy!
Đại hán nọ kêu hừ một tiếng, y thấy chiếc thuyền lớn tuy đã hạ buồm rồi mà vẫn theo nước trôi xuống miền xuôi, liền cầm cái neo bằng sắt thật lớn để đằng mũi giơ lên múa một vòng và ném luôn vào trong bờ. Cái neo bằng sắt cả xích nặng hơn hai trăm cân, mà y cầm lên múa tít lại còn ném xa được như vậy đủ thấy y khoẻ biết bao. Cái neo đó rớt xuống mặt đất liền cắm sâu vào, nhờ vậy chiếc thuyền ngừng ngay lại không trôi nữa.
Đại hán nọ lại lớn tiếng hỏi tiếp:
– Thế nào mi có đưa số vàng đó ra không?
Ôn Thanh giơ tay trái lên lau chùi nước mắt và đáp:
– Được, ta đưa số vàng đó cho các ngươi.
Nói xong, chàng chạy vào trong khoang ôm một cái bọc áo ra, bọc ấy có vẻ nặng trĩu.
Đại hán nọ đang định giơ tay ra đỡ thì chàng quát bảo lại ngay:
– Hừ, làm gì có chuyện dễ thế.
Nói xong, chàng ném ngay bọc áo ấy xuống dưới lòng sông kêu đến bõm một tiếng rồi chàng la lớn:
– Các ngươi có giỏi thì giết chết ta đi! Chứ muốn lấy số vàng đó thì đừng có hòng.

Đại hán nọ tức giận vô cùng múa đao xông lại chém Ôn Thanh ngay.
Ôn Thanh vứt xong bọc áo đã rút kiếm ra cầm sẵn nơi tay và không đợi chờ đại hán chém mình, đã múa kiếm đâm hai thế trước.
Ông già nọ liền lớn tiếng quát bảo:
– Hãy ngừng tay lại!
Đại hán nhảy sang bên hai bước để tránh né, ông già nọ đưa mắt liếc nhìn Ôn Thanh rồi cười nhạt nói tiếp:
– Quả thật rồng đẻ ra rồng, phượng sinh ra phượng, có người cha như vậy mới có người con như thế này, nếu ngày hôm nay lão để cho mi vô lễ như vậy, lão không còn là họ Vinh nữa.
Không thấy y nhún vai gì cả mà đã đột nhiên nhảy tới trước mặt Ôn Thanh liền.
Thấy Ôn Thanh múa kiếm đâm tới, ông già không sợ hãi chút nào, tay không xông vào tấn công luôn. Chưởng lực của y khá lợi hại thật, tuy Ôn Thanh có kiếm ở trong tay nhưng vẫn bị y đẩy lui mấy bước.
Thấy ông già vừa ra tay một cái, Thừa Chí đã biết Ôn Thanh địch không nổi rồi.
Quả nhiên hai người mới đấu được mười mấy hiệp, hổ khẩu tay phải của Ôn Thanh đã bị ông già điểm trúng, nên chàng thấy tay mình xuội lơ và trường kiếm của chàng cũng bị rớt ngay xuống kêu leng keng mấy tiếng!
Ông già vội dùng đầu ngón chân khẽ hất một cái, thanh kiếm Ôn Thanh lại bay tung lên, rồi ông ta giơ tay trái ra chộp lấy cán kiếm và tay phải thì nắm mũi kiếm và bẻ luôn thanh kiếm đó gãy làm đôi tức thì.
Ôn Thanh thấy vậy giật mình kinh hãi, ông già nọ lại quát lớn:
– Không ghi dấu hiệu ở trên người mi thì chắc mi lại quên tài ba của lão phu lợi hại như thế nào.
Nói xong, ông ta cầm thanh kiếm gãy đưa vào mặt Ôn Thanh rạch luôn.
Ôn Thanh hoảng sợ la lớn một tiếng. Thừa Chí thấy vậy nghĩ thầm: “Nếu ta không ra tay cứu giúp thì bộ mặt đẹp của chàng sẽ bị hủy ngay”
Chàng vừa nghĩ vừa móc túi lấy ra một quân cờ ra nhằm cán kiếm của ông già đang cầm ném luôn!
Ông già đang mừng thầm, yên chí phen này mình thế nào cũng rạch được mặt của thằng nhỏ kia. Ngờ đâu, bỗng có tiếng kêu “coong” y thấy tay bị rung động rất mạnh và cán kiếm y đang cầm đã bị một ám khí ném trúng. Tuy ám khí đó rất nhỏ nhưng sức ném mạnh khôn tả, nên y không sao cầm vững được thanh kiếm nữa, và hổ khẩu tay đau nhức vô cùng. Thế là thanh kiếm gãy đó liền rớt ngay xuống boong thuyền.
Ôn Thanh đang hãi sợ đến mất hết sắc mặt, thấy vậy đã mừng rỡ hô lớn lên được và nhảy ngay tới phía sau Thừa Chí nắm cánh tay chàng, hình như muốn nhờ chàng bảo vệ cho vậy.
Ông già nọ họ Vinh tên là Thái là Bang chủ của Long Du bang, xưa nay vẫn xưng hùng xưng bá ở vùng Triết Nam này (miền nam tỉnh Triết Giang) ngoài Ngũ tổ của phái Thạch Lương ra, thì miền này không ai địch nổi y nữa.
Xưa nay y đấu với người không bao giờ dùng khí giới cả, vì y đã luyện thành công môn Đại Lực Ưng Trảo công, mười ngón tay của y còn lợi hại hơn cả dao kiếm.
Ngờ đâu bây giờ, Thừa Chí chỉ ném có mũi ám khí nhỏ nhỏ mà đã đánh rớt được thanh kiếm của y đang cầm, nên y cho việc này là việc nhục nhã nhất trong đời. Lúc ấy y hổ thẹn đến mặt đỏ bừng, đồng thời trong lòng cũng kinh hãi và nghĩ thầm: “Sao kình lực của thằng nhỏ này lại mạnh đến thế.”
Đại hán nọ với người đàn bà kia thấy Thừa Chí có bản lãnh kinh người như vậy cũng nghĩ thầm: “Đằng nào thằng nhỏ nọ đã vứt số vàng xuống dưới sông rồi, hôm nay có một tay tài ba như vậy đỡ đầu cho y thì dù sao chúng ta cũng không làm gì nổi y đâu. Chi bằng nói vài câu lấy lại sĩ diện rồi rút lui ngay có hơn không?”
Nghĩ xong, người đàn bà liền lớn tiếng nói:
– Lão gia chúng ta đi thôi, ngày hôm nay nể mặt bọn họ Viên kia, chúng ta tha chết cho thằng nhãi một phen vậy.
Ôn Thanh vội đỡ lời:
– Thấy người ta tài giỏi thì muốn rút lui ngay, chuyên môn bắt nạt người yếu, sợ người giỏi như vậy, thật không biết xấu hổ chút nào.
Thừa Chí nghe thấy chàng ta nói như vậy, cau mày lại nghĩ thầm: “Chàng này lẹ thật, vừa mới thoát hiểm mà đã giở những lời mỉa mai như thế ra rồi, thật không còn biết nể nang ai cả.”
Người đàn bà nọ hổ thẹn vô cùng, ra tay đấu sợ địch không nổi Thừa Chí, mà không ra tay đấu thì biết mất hết sĩ diện nhưng Vinh Thái một tay lão luyện nên y vừa mỉm cười vừa hỏi Thừa Chí rằng:
– Lão đệ võ công cao siêu thật, lão này nhân lúc gió mát trăng thanh này cùng lão đệ đấu chơi vài hiệp quyền chưởng, chẳng hay lão đệ có vui lòng tiếp tay lão phu không?
Y yên chí dùng Đại Lực Ưng Trảo công mà y đã tu luyện ngót hai mươi năm, dù Thừa Chí có giỏi đến đâu cũng không thắng nổi môn võ công ấy của y.
Thừa Chí thấy đối phưong thách đố như vậy, liền nghĩ thầm: “Ra tay đấu với y chưa chắc ta đã thua đâu, nhưng đấu như vậy tức là đi vào cùng phe với Ôn Thanh rồi, thanh niên này hẹp lượng, giảo hoạt và điêu ngoa như thế chưa chắc là bạn tốt, như vậy ta hà vì y mà kết thù kết oán với ông già họ Vinh kia làm chi.”
Nghĩ đoạn, chàng liền chắp tay chào đáp:
– Tiểu bối mới bước chân vào giang hồ không biết trời cao đất rộng gì cả, mà cũng chỉ biết đôi chút võ công mọn thì đâu dám đối địch với lão tiền bối như thế.
Vinh Thái mỉm cười nghĩ thầm: “Thiếu niên này cũng biết điều đấy.”
Nghĩ như vậy, y liền đáp:
– Lão đệ khiêm tốn quá!
Nói xong, y lườm Ôn Thanh một cái, rồi nói tiếp:
– Thế nào cũng có một ngày lão phu cho mi biết tài ba lợi hại của lão phu như thế nào.
Y quay đầu lại bảo đại hán với thiếu phụ kia rằng:
– Chúng ta đi thôi!
Ôn Thanh vội nói với theo:
– Tài ba của ông lợi hại như thế nào, tôi đã biết rồi, thấy võ công của người ta giỏi không dám ra tay đấu, lại còn giả bộ nói vài câu để sĩ diện nữa.
Chàng đáo để thật, cứ muốn khiêu khích đôi bên đấu với nhau, vì chàng đã nhận thấy võ công của Thừa Chí cao siêu hơn, chắc thế nào cũng thắng nổi ông già. Vinh Thái nghe thấy Ôn Thanh nói như vậy, hổ thẹn vô cùng và cả Thừa Chí cũng bực mình nốt.
Vinh Thái giận dữ đáp:
– Bạn họ Viên tuy hãy còn trẻ nhưng là người rất biết điều, thôi được bạn lại đây, chúng ta đấu chơi vài hiệp với nhau bằng không kẻ vô tri lại bảo lão nhút nhát đấy.
Thừa Chí vội đỡ lời:
– Bạn ấy nói đùa đấy, lão tiền bối chấp nhất làm chi.
Vinh Thái nói tiếp:
– Lão đệ cứ yên tâm, lão phu không đánh thật đâu.
Ôn Thanh lạnh lùng xen lời nói:
– Còn nói là không sợ thế sao không ra tay đấu đi, chưa đấu mà đã vội lấy lòng người trước, nếu vậy, đừng đấu nữa có hơn không. Thật tôi bấy nhiêu tuổi đầu mà chưa hề thấy ai lại khéo ăn khéo nói như vậy
Vinh Thái cả giận liền múa chưởng tấn công vào Thừa Chí luôn.
Nhưng tay y chưa đánh tới mặt đối phương đã vội thâu lại ngay, mồm thì nói lớn:
– Nào bạn họ Viên lại đây để lão thỉnh giáo những thế võ cao siêu của bạn nào.
Tới lúc này Thừa Chí không thể nào từ chối được nữa, chàng đành phải cởi áo dài ra, rồi nói:
– Lão tiền bối nương tay cho nhé!
Vinh Thái đáp:
– Lão đệ khéo ăn nói lắm, xin cứ tấn công đi.
Thừa Chí biết còn khiêm tốn nữa thì đối phương sẽ hiểu lầm mình khinh người liền, nên chàng vội giở Ngũ Hành quyền ra nhằm ngực Vinh Thái tấn công luôn.
Bọn Vinh Thái ba người tưởng Thừa Chí thế nào cũng có những thế võ độc đáo ngờ đâu vừa ra tay, chàng lại sử dụng Ngũ Hành quyền một môn võ tầm thường trong võ lâm vì vậy mà bọn Vinh Thái liền có vẻ khinh thường ngay. Cả Ôn Thanh cũng thất vọng vô cùng.
Vinh Thái mừng thầm, song chưởng tấn công như gió chỉ thoáng cái đã đánh luôn ba thế liền. Y yên chí Đại Lực Ưng Trảo công của mình độc bộ Giang Nam như vậy, thì chỉ ba bốn thế là cùng sẽ đánh tan được Ngũ Hành quyền của đối phương ngay. Ngờ đâu, Thừa Chí rất ung dung sử dụng Ngũ Hành quyền tầm thường như thế mà đều đỡ được hết những thế công như vũ bão của đối phương.
Vinh Thái kinh hãi thầm vì y thấy đối phương tuy chỉ dùng quyền thuật rất tầm thường thôi nhưng thế quyền nào của chàng ta cũng bao hàm một luồng sức mạnh, đáng lẽ Ngũ Hành quyền chuyên dùng để tấn công, trái lại Thừa Chí lại chỉ dùng nó để bảo vệ bản thân thôi, nên tha hồ Vinh Thái tấn công lợi hại thế nào cũng không sao tới gần chàng được, càng đánh y càng nóng lòng sốt ruột và nghĩ thầm: “Đối phương không chịu tấn công mình, như vậy đã thấy y đã nhường ta rồi, nếu để cho Ôn Thanh phát giác thì thế nào thằng nhãi ấy cũng lên tiếng mỉa mai ngay.”
Nghĩ đoạn, y liền đổi chưởng thành chảo, năm ngón tay của y như một cái dũa sắt lợi hại vô cùng và thể thức của y càng tấn công càng nhanh hơn trước nhiều.
Thấy vậy, Thừa Chí nghĩ thầm: “Người này luyện Ưng Trảo công đến mức này, không phải là chuyện dễ, ta phải nhường y để y khỏi mất sĩ diện mới được, nhưng nhỡ Ôn Thanh biết lại nói mỉa thì sao?”
Lúc ấy, Vinh Thái vừa dùng tay phải tấn công tới, định chộp vai chàng, nhưng chàng cố ý không né tránh. Vinh Thái thấy vậy cả mừng, nhưng trong lòng y cũng không muốn đả thương Thừa Chí mà chỉ muốn cào rách áo của chàng ta là coi như đã thắng một thế thôi. Ngờ đâu, tay của y vừa chộp trúng vai của Thừa Chí thì thấy vai của chàng ta trơn tuột và người của chàng như thân của con cá lướt ngay đi liền nên y không sao chộp trúng được vai của chàng nữa.
Thừa Chí đã nhảy sang bên hai bước rồi nói:
– Tôi thua rồi!
Vinh Thái cũng chắp tay chào và đáp:
– Cám ơn lão đệ đã nương tay cho.
Ôn Thanh xen lời nói:
– Phải chính chàng ta nhường cho, ông biết thì được rồi đừng có tự phụ nữa.
Vinh Thái vênh mặt lên đang định nổi khùng thì bỗng thấy trên bờ có ánh sáng lửa lấp lóe. Tiếp theo đó có mấy chục người tay cầm đuốc đang chạy tới. Một người trong bọn la lớn:

– Vinh lão gia đã bắt được thằng nhỏ ấy chưa, chúng ta phải mổ bụng nó để trả thù cho Sa lão đại mới được.
Ôn Thanh thấy đối phương đến nhiều người như vậy, dù chàng táo gan đến đâu cũng phải kinh hoàng.
Vinh Thái lớn tiếng đáp:
– Anh em họ Lưu đấy à? Hãy cho hai người xuống dưới thuyền này.
Trên bờ, liền có hai người vâng lời tiến lên.
Thấy thuyền đậu cách bờ rất xa, chúng không thể nào nhảy tới được, nên đã phải nhảy xuống sông mà bơi đến cạnh thuyền rồi leo lên trên thuyền.
Vinh Thái lại nói với hai người đó tiếp:
– Gói đồ đó đã bị thằng nhỏ này ném xuống dưới sông rồi, hai vị lặn xuống mò đi.
Y vừa nói vừa chỉ vào chỗ lòng sông.
Anh em họ Lưu liền nhảy ngay xuống dưới sông để mò gói vàng kia.
Ôn Thanh khẽ kéo tay áo Thừa Chí và khẽ rỉ tai nói:
– Anh phải giúp tôi chống cự, chúng định giết tôi đấy.
Dưới ánh sáng trăng, Thừa Chí thấy mặt của Ôn Thanh trông rất đáng thương liền gật đầu nhận lời ngay.
Ôn Thanh thấy chàng đã nhận lời, liền nắm tay chàng và nói tiếp:
– Bạn lôi cái neo sắt xuống thuyền, còn tôi thì đẩy y xuống sông.
Thừa Chí chưa kịp trả lời, thấy tay của Ôn Thanh nắm vào tay mình vừa mềm vừa nhũn như không có xương vậy. Lúc ấy, Vinh Thái đã chú ý đến hai người thì thầm nhỏ to với nhau, liền quay đầu lại nhìn. Ôn Thanh vội bóp tay Thừa Chí một cái, rồi đột nhiên cầm cái bàn giơ lên đẩy luôn vào bọn Vinh Thái ba người.
Đại hán nọ với Thiếu phụ đang mải xem anh em họ Lưu lặn xuống nước mò vàng không để ý tới, liền bị Ôn Thanh đẩy rớt xuống dưới sông, chỉ kịp thất thanh la lớn được một tiếng thôi.
Vinh Thái vội vung mình nhảy lên và dùng chưởng chộp luôn, năm ngón tay của y cắm sâu vào chân bàn bị đối phương giật mạnh một cái, chân bàn liền gãy luôn.
Vinh Thái thấy đại hán với thiếu phụ ở dưới nước khua động lung tung, biết hai người không biết bơi lội mà nơi đó lại là giữa dòng sông, nước chảy rất mạnh. Anh em họ Lưu lại bơi ra đằng xa rồi, không kịp quay trở lại cứu viện, y vội vứt cái mặt bàn đó xuống sông để cho hai người víu lấy khỏi bị chìm trước, rồi y quay người lại múa chưởng tấn công Ôn Thanh luôn.
Ôn Thanh tay cầm hai cái chân bàn múa động để bảo vệ lấy mặt mũi, mồm thì quát tháo Thừa Chí:
– Bạn mau lôi đi.
Thừa Chí cầm sợi xích sắt vận nội lực giơ lên và lôi mạnh một cái, cái neo sắt ở trên bờ đã bay tung lên bắn thẳng tới mũi thuyền. Vinh Thái với Ôn Thanh thấy vậy cả kinh, vội chạy sang hai bên tránh nó, rồi hai người cùng quay đầu lại nhìn, thấy Thừa Chí rất ung dung giơ tay lên bắt cái neo sắt đó, từ từ để xuống mũit thuyền.
Lúc ấy chiếc thuyền không còn gì ràng buộc nữa, cứ theo nước mà trôi thẳng xuống miền xuôi.
Vinh Thái thấy công lực của Thừa Chí lợi hại như vậy, không dám ở lại đối địch nữa, vội nhún chân một cái nhảy ngay lên trên bờ.
Thừa Chí biết ông già ấy không đủ sức nhảy lên bờ đâu, nên chàng cầm miếng ván cầu lên vứt theo. Chàng vứt miếng gỗ đó rất khéo, trúng ngay chỗ Vinh Thái rớt xuống.
Vinh Thái nhảy lên trên cao chưa tới bờ đã hết đà y cúi đầu nhìn thấy bên dưới nước chảy rất mạnh, hoảng sợ vô cùng, yên chí phen này thế nào cũng bị chết đuối, ngờ đâu, chân của y sắp rơi xuống tới mặt nước, thì bỗng có một tấm ván phi tới, y cả mừng dẫm chan vào tấm ván đó mượn sức nhún nhảy một cái nữa, liền lên tới bờ ngay.
Y biết tấm ván đó do Thừa Chí ném tới, nên y rất cảm động và đồng thời cũng phục công lực của chàng.
Ôn Thanh thấy vậy kêu hừ một tiếng và nói:
– Ai khiến bạn giúp y như vậy, để cho y uống vài ngụm nước đã sao nào. Lòng sông đây rất cạn, y không bị chết đuối đâu mà sợ, nhưng tôi hãy hỏi bạn định giúp tôi hay là giúp y thế?
Thừa Chí biết người này tính nết kỳ lạ lắm, nên chàng làm thinh không trả lời mà chỉ nghĩ thầm rằng: “Ta cứu y thoát chết y không cám ơn thì chớ, lại còn trách ta như vậy.”
Nghĩ đoạn, chàng lẳng lặng đi vào trong khoang nằm ngủ luôn.
Trưa ngày hôm sau, thuyền đã tới Cừ Châu, Thừa Chí cám ơn Long Đức Lân và lấy một lạng bạc tặng cho người lái đò, Đức Lân nhất định trả tiền đò. Thừa Chí từ chối không được đành phải chắp tai vái để cảm tạ. Ôn Thanh nói với Đức Lân rằng:
– Tôi biết ông không chịu trả tiền đò hộ tôi đâu, cho dù ông có trả tôi cũng không thèm.
Nói xong, chàng mở bọc áo lấy một nén nàng nặng mười lạng ra ném cho người lái đò và nói rằng:
– Cho ngươi đấy!
Người lái đò trông thấy nén vàng đó, kinh hoảng đến ngẩn người ra rồi đáp:
– Tôi không có nhiều tiền bạc để thối lại cho công tử đâu.
Ôn Thanh nói tiếp:
– Ai khiến ngươi thối nào, cho cả ngươi đấy!
Người lái đò không dám tin, nói tiếp:truyện Hệ Thống audio

– Tiền đò đâu phải trả nhiều như thế.
Ôn Thanh lại mắng chửi:
– Nói lôi thôi làm gì, cầm lấy! Ta thích cho bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, nếu ngươi chọc tức ta, ta lại đục thủng mấy lỗ để cho thuyền ngươi chìm xuống đáy sông bây giờ.
Người lái đò biết chàng độc ác lắm, nên không dám nói nữa và cũng không dám cám ơn nốt, vội nhặt nén vàng đó lên bỏ vào túi.
Ôn Thanh để gói bọc áo lên trên mặt bàn mở ra để gói lại. Mọi người trông thấy một đống vàng chói lọi làm lóe cả mắt mọi người, đống vàng ấy ít nhất có đến ba trăm nén. Chàng dùng chưởng chia đống và đó ra làm hai gói, một đống vào trong bọc và đeo lên trên vai, rồi hai tay bưng nửa đống kia đem đến trước mặt Thừa Chí và nói:
– Tặng cho bạn.
Thừa Chí ngạc nhiên vô cùng, vội nói lại:
– Làm gì thế!
Ôn Thanh vừa cười vừa đáp:
– Bạn tưởng tôi vứt bọc vàng xuống sông thật hay sao? Khi nào tôi lại ngu dại ến thế? Bọc đó ném xuống dưới sông là bọc đá đấy, tha hồ để cho chúng mò.
Nói xong, chàng cười khanh khách và nằm phục lên trên bàn, mình mẩy run lẩy bẩy.
Thừa Chí nhận thấy mình thật thà quá hóa ngu ngốc thật, và nghĩ thầm: “Người này còn nhỏ hơn mình hai ba tuổi, thế mà cả Vinh Thái một tay lão giang hồ như vậy, cũng bị y đánh lừa nốt.”
Nghĩ đoạn, chàng trả lời Ôn Thanh rằng:
– Tôi không lấy đâu, bạn gói cả vào trong bọc đi, tôi giúp bạn có phải vì vàng bạc này đâu.
Ôn Thanh nói tiếp:
– Đây là của tôi tặng cho bạn chứ có phải là tự bạn đòi hỏi đâu, thôi đừng có làm trò quân tử giả hiệu ấy nữa.
Đức Lân tuy là phú thương nhưng chưa bao giờ thấy một đống vàng kếch sù như vậy, mà một người thì không lấy, một người thì cứ bắt đối phương lấy, nên y cũng phải ngạc nhiên đến ngẩn người ra.
Ôn Thanh giận dữ nói tiếp:
– Bất cứ bạn lấy hay không, số vàng này tôi đã tặng cho bạn rồi.
Nói xong, chàng ta đột nhiên phi thân nhảy ngay lên trên bờ.
Thừa Chí không ngờ, nên ngẩn người ra không biết xử trí như thế nào cho phải, nhưng chàng đã cảnh giác ngay, vội phi thân đuổi theo luôn.
Thân pháp của Thừa Chí nhanh hơn Ôn Thanh, khi chàng hạ chân xuống đất đã ở phía đằng trước của Ôn Thanh rồi, chàng giơ hai tay ra ngăn cản và nói:
– Đừng đi vội! Bạn mau đem số vàng ấy đi, tôi không lấy đâu.
Ôn Thanh tránh sang trái, chàng lại nhảy sang trái ngăn cản. Ôn Thanh tránh sang phải, chàng lại nhảy sang phải ngăn cản.
Thấy mình nhảy phía nào cũng không sao đi thoát được, Ôn Thanh nổi khùng múa chưởng tấn công vào mặt Thừa Chí luôn.
Thừa Chí khẽ giơ tay lên chống đỡ một cái, Ôn Thanh đã chịu không nổi phải lui về phía sau ba bước mới đứng vững được. Chàng biết không thể nào xông pha được liền ngồi sụp xuống đất ôm mặt khóc hu hu ngay.
Thừa Chí ngạc nhiên hỏi:
– Có phải tôi giơ tay đỡ làm tay bạn đau đấy không?
Ôn Thanh kêu hừ một tiếng, đã nín liền và tung mình nhảy lên đi luôn.
Thừa Chí không dám đuổi theo nữa, đành đứng nhìn theo cho tới khi hút bóng của chàng ta.

❮ sau
tiếp ❯

Avatar

Các bạn đăng ký thành viên hội nhé…!
→Free vip→Đọc và nghe audio truyện/ 0 quảng cáo→Yêu cầu truyện / Ưu Tiên♥Ngoài ra AudioSite là Website do hội Mê Đọc Truyện thành lập – chính vì vậy Đọc Truyện trên website giảm 90% xuất hiện quảng cáo nhé !