1. Home
  2. Truyện Linh Dị
  3. [Audio] Đứa Trẻ Giấy
  4. Đứa Trẻ Giấy Phần 1

[Audio] Đứa Trẻ Giấy

Đứa Trẻ Giấy Phần 1

tiếp ❯

Phần dẫn: Hai xác ướp trẻ sơ sinh trong tủ lạnh

Theo tin ngày 24 từ thông tấn xã Yonhap, một người đàn ông quốc tích Pháp đang sinh sống và làm việc tại thành phố Seoul, Hàn Quốc khi trở về nhà sau kì nghỉ ở nước ngoài đã phát hiện thấy xác hai bé trai sơ sinh đông cứng trong chiếc tủ lạnh cỡ lớn đặt ngoài ban công nhà mình. Hiện công an Hàn Quốc cũng sở nghiên cứu điều tra hình sự quốc gia đang nỗ lực điều tra làm sáng tỏ vụ thảm sát li kì này.

Được biết, mấy ngày trước đó, người đàn ông này đã cùng vợ và hai con trai bay về Pháp nghỉ lễ. Vì phải quay lại Seoul dự họp, nên một mình ông bay về Hàn Quốc trước. Lúc chuẩn bị cất thực phẩm đã mua vào tủ lạnh, ông bất ngờ phát hiện thấy xác hai trẻ sơ sinh đông cứng được gói lại bằng túi ni lông đặt trong hai ngăn đá của tủ lạnh.

Cục cảnh sát Hàn Quốc còn cho biết: Do hai thi hài sơ sinh đã đông cứng, cơ thể lại bị vặn vẹo nên không cách nào nhận biết chính xác độ tuổi cùng chủng tộc của hai đứa trẻ. Song quan sát phần dây rốn cùng phân su, thì có thể xác định hai đứa trẻ sơ sinh này chỉ mới chào đời trước đó không lâu. Hiện sở nghiên cứu điều tra hình sự quốc gia Hàn Quốc đang tiến hành giải phẫu nhằm xác định chính xác độ tuổi, chủng tộc, cùng nguyên nhân tử vong của hai trẻ sơ sinh này.

Đồng thời cảnh sát Hàn Quốc đến hiện trường thu thập chứng cứ cũng cho biết: Không phát hiện thấy bất kì người lạ nào ra vào khu vực nhà cao cấp được giám sát nghiêm ngặt bởi các thiết bị bảo vệ điện tử. Theo tiết lộ của người đàn ông Pháp đến trình báo với cảnh sát, ngoài ông ta ra còn một nữ giúp việc trung niên người Philippin được gia đình thuê, và người bạn Pháp hơn bốn mươi tuổi mà ông kết thân khi sang Hàn Quốc, cùng đều có chìa khóa mở cửa ra vào của căn hộ. Nhưng hiện nay, cả hai người này đều không có mặt ở Hàn Quốc.

(Theo trang tin tức Đông Bắc

lúc 17 giờ 52 phút ngày 24 tháng 7 năm 2006.)

Trong đời mỗi người, ai cũng có thể gặp đủ mọi kiểu biến cố trọng đại làm ảnh hưởng đến quỹ đạo cuộc đời mình. Thế nhưng khi biến cố mới bắt đầu, thì nhiều khi họ lại chẳng hề hay biết, để khi nó sầm sập kéo đến rồi thì họ mới luống cuống hoảng sợ.

Tối hôm qua, trên đường Hộ Mẫn (Thượng Hải), một người đàn ông bị nghiền nát dưới bánh một chiếc xe container hung thần. Khi tôi đến sở cảnh sát phỏng vấn, gã tài xế còn chưa tỉnh hẳn rượu. Người chết dưới cửu tuyền liệu có biết số mệnh của mình được định đoạt bởi gã tài xế trạc tuổi trung niên hai tuần không cạo râu và đã nốc ngụm rượu đầu tiên vào hai tiếng trước khi sự cố xảy ra, hoặc có thể tiếp tục truy ngược về cuộc cãi cọ qua điện thoại giữa gã với cô vợ vào chiều hôm qua không?

Theo quan điểm duy vật thì người đàn ông đáng thương chết trong tai nạn ô tô đó chẳng bao giờ còn cơ hội hiểu rõ nguyên nhân gây nên kết cục bi thảm của mình. May là tôi đã từng sống sót trở về từ một tai nạn lớn, nên khi nhìn nhận lại toàn bộ sự việc từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc và đem sắp xếp chúng lại với nhau, hẳn nhiên tôi không thể bỏ qua cái tin kỳ lạ về xác hai đứa trẻ sơ sinh trong tủ lạnh này được.

Chưa thể coi đây là ngọn nguồn của tất cả, nhưng tựa như một trục lăn, nó chính là kết quả của việc xảy ra trước đó và nguyên nhân của việc phát sinh sau này. Nếu có chuyện gì đáng coi là li kì trên thế gian, thì xác hai đứa trẻ sơ sinh được tìm thấy trong tủ lạnh là đại diện tiêu biểu nhất. Trên thực tế, tin tức này của thông tấn xã Yonhap Hàn Quốc mới chỉ là sự hé mở ban đầu của tấm màn bí ẩn chứa đựng không ít sự kiện ma quái, kinh hoàng bên trong.

Tôi sẽ hé lộ một mắt xích mấu chốt của sự việc, để người đọc tùy ý phán đoán và liên tưởng trong lúc đợi nghe tôi tường thuật toàn bộ câu chuyện. Và chính trong khoảng cách giữa sự liên tưởng đó với thực tế, người ta sẽ thấy mức độ đáng kinh ngạc đến khó tin của câu chuyện này.

Chương 1: Đứa trẻ bị nguyền rủa

Khí lạnh tràn ngập tàu điện ngầm, lại thêm ít người đi nên rất thoải mái. Đã gần trưa, nhưng có thể đi làm vào giờ này chính là cái hay của nghề phóng viên. Nếu không, hẳn chuyến tàu điện ngầm ở Thượng Hải lúc 8 giờ sáng và 6 giờ tối sẽ giống như dãy dài cá hộp xác-đin xếp hàng nối đuôi nhau. Hạ thấp nhiệt độ điều hòa sẽ có tác dụng với những chú cá xác-đin đáng thương chăng? Không thể nào!

Đôi trai gái ngồi chênh chếch phía đối diện luôn miệng anh anh em em, còn người đàn ông trung niên cạnh đó thì đã cởi giày, gác chân lên đầu gối chân kia và xoa xoa gãi gãi, vẻ rất sung sướng. Đến tôi cũng cảm thấy mùi chân thối xộc thẳng vào mũi, thế mà đôi trai gái ngồi cạnh chẳng hề phản ứng gì. Tất nhiên làm gì cũng cần phải tập trung tư tưởng, nhưng cũng không nên tập trung đến mức đó chứ.

Sở dĩ tôi chưa bỏ đi, vì nghĩ làm vậy sẽ khiến đối phương bẽ mặt. Kẻ hành nghề phóng viên như tôi là người khá biết điều mà, hà hà…

Tất nhiên còn lý do nhỏ khác là băng ghế dài đối diện chỗ đôi trai gái cùng ông chú đang xoa chân chẳng còn ai, trong khi băng ghế tôi ngồi đã chật ních. Có thể toa phía sau vẫn còn chỗ trống… nhưng chuyển đi như thế lộ liễu quá còn gì?

Thế nên tốt nhất là tôi đành thu vội ánh nhìn từ những bàn tay linh hoạt và đôi chân bắc chữ ngũ của người đàn ông luống tuổi về trang sách mà tôi đang xem dở, tiếp tục đọc một cách chăm chú.

Cuốn sách tôi đang xem có tựa đề “Lược sử thời gian”, từng rất nổi tiếng nhiều năm về trước, còn giờ xem ra đã lỗi thời. Đọc một cuốn sách cũ mà còn chưa hiểu rõ thì quả thật hơi kém. Tôi tự an ủi mình, số người hiểu được cuốn sách này khi đọc nó, vào thời đại nào cũng vậy, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Theo nghiệp phóng viên mấy năm nay, trải qua biết bao chuyện cổ kim kỳ quái, đến bây giờ tôi đành chấp nhận số phận. Có những người ngay từ khi sinh ra đã có “số thị phi”, đi đến đâu gặp thị phi đến đấy, người như thế sẽ là thợ săn tin tài ba; lại có những người khi sinh ra đã có số đào hoa, đi đến đâu cũng cố tình lả lơi, “câu” người khác, loại người này dễ trở thành đại dâm tặc bị người đời khinh bỉ và phỉ nhổ; còn loại suốt ngày gặp những việc kì quái như tôi, thì lại có số trở thành nhà mạo hiểm, hoặc cũng có thể sớm trở thành ma chết trẻ. Mạo hiểm không thể nuôi sống mấy miệng ăn, nên tạm thời hãy cứ làm phóng viên cái đã.

Tới giờ thì tôi hoàn toàn chắc chắn là thế giới này không hề đơn giản như ta thấy, nên làm thế nào để giải thích điều tôi gặp phải một cách khoa học cũng là cả vấn đề. Xét trên phương diện là thứ được con người dùng để giải thích thế giới, thì trước giờ khoa học chưa đảm nhận xuất sắc nhiệm vụ này, song điều này không thể cản được sự tò mò đối với khoa học đang càng lúc càng lớn mạnh trong tôi.

Hawking đã cố gắng viết về vật lý học một cách đơn giản và thú vị hết mức có thể. Đọc xong phần liên quan đến cơ học Newton, sang phần thuyết tương đối hẹp, tôi cảm thấy hơi nhức đầu. Công thức sự tương đương khối lượng – năng lượng của Einstein vốn đã nổi tiếng bởi sự đơn giản và hoàn mỹ của nó, nhưng chỉ nhìn vào đấy cũng đủ khiến tôi xây xẩm mặt mày, cái tật này mắc từ hồi trung học hơn mười năm trước, đến giờ vẫn chưa khỏi.

Tôi lật sang phần sau, lực hấp dẫn Newtongần như được thay bằng thuyết tương đối rộng dạng hình học không gian, liệu mình có đọc nổi không? Tôi thấy vô cùng nghi ngờ.

Trên đường từ tàu điện ngầm đến tòa soạn, tôi mải mê suy nghĩ về vấn đề vật lý cao siêu, rồi mới chợt nhận ra là nên để vấn đề này đến tối nghiền ngẫm, sẽ giúp mình dễ buồn ngủ hơn.

Trong phòng tin tức tòa soạn báo Sao Mai, ít nhất còn một nửa nhân viên vẫn chưa đến. Tôi vừa ngồi vào ghế của mình, chưa kịp bật máy tính, thì đã bị Lưu Đường quăng cho một lá thư.

“Này, thư của ông!” Giọng điệu gã quỷ sứ Lưu Đường đầy ẩn ý.

Cầm thư lên tôi chợt ngẩn ra, phong bì đã bị xé. Tôi nhìn lướt qua phong bì, không thấy đề họ tên người gửi, còn người nhận, chỉ có: “Bộ phận cơ động – Tòa soạn báo Ngôi sao buổi sớm.”

Lia mắt nhìn xuống góc dưới bên phải thấy chữ kí người gửi, tôi cười khổ, rút thư ra.

Đúng là thư gửi cho tôi, hầu như tháng nào tôi cũng nhận được một bức thư kiểu này, có khi người viết còn quên đề tên tôi lên phong bì như lần này.

Phóng viên nhận được thư từ độc giả là chuyện hết sức bình thường, đôi khi là thư mắng chửi, đôi khi là thư khen ngợi, hay cả thư cung cấp tư liệu thực tế hoặc đơn thuần chỉ là thư giải bày tâm sự từ người hâm mộ. Một phóng viên lão luyện, xét về cơ bản, đều phải trải qua những điều này, đôi khi gặp tình huống khác cũng chẳng có gì là lạ; chẳng hạn như Dương Hoa, đảm nhận đường dây an ninh công cộng phòng bên, thường xuyên nhận được thư thông báo về thành tích cướp giật gần đây của tên cướp khét tiếng, đã bị cảnh sát âm thầm theo dõi từ lâu mà vẫn chưa tóm được.

Tôi lại là trường hợp khác, người viết thư cho tôi là người mắc bệnh tâm thần, bố cục bức thư tôi nhận cơ bản đều có ba phần: bình luận về đại sự quốc gia, khen ngợi tin bài của tôi, và cuối cùng là hàn huyên về một số việc trong cuộc sống của cô ấy. Thái độ cô ấy, xét qua thư, khá là nghiêm túc, song nó chỉ mang lại hiệu ứng giải trí, nên lần nào cũng được lan truyền rất lâu ở cả trong lẫn ngoài bộ phận.

Nhân lúc máy tính đang khởi động, tôi lướt qua thư một lượt, ngay câu mở đầu đã khiến tôi phải mỉm cười. Cô trịnh trọng bày tỏ lòng cảm ơn sự quan tâm tôi dành cho cô, rằng tôi không cần phải tiếp tục lo lắng, bệnh tình cô đã thuyên giảm nhiều, và rằng cô đã có thể sinh hoạt như người bình thường.

Tôi… rất quan tâm đến tình trạng bệnh tật của cô ư?

Đọc tiếp là rõ ngay, cô dặn tôi không nên lúc nào cũng thể hiện kiểu quan tâm vòng vo với mình trên mặt báo, người khác nhận ra sẽ không hay…

Trong mỗi lá thư gửi đến, cô đều vui mừng báo với tôi căn bệnh thần kinh của mình đã thuyên giảm nhiều, nhưng đọc xong thư cô viết thì bất kì người bình thường nào cũng sẽ phải lắc đầu. Ở phần tiếp theo của bức thư, cô hỏi tôi liệu có thể đăng tin tìm người lên báo “Ngôi sao buổi sớm” không, bởi con gái cô đã mất tích.

Tôi nhớ ở bức thư trước cô cũng đã nhắc đến việc con gái cô bị mất tích. Vậy nhưng biết đến câu chuyện này qua bức thư của người bị mắc bệnh tâm thần lại khiến tôi nghi ngờ vào độ chân thực của nó, vì có thể con gái cô chỉ ra chơi ở ngoài nhà lâu hơn một chút. Thư lần này lại nhắc đến, thì không rõ rốt cuộc con gái cô bị mất tích từ lần trước đến giờ hay lại vừa mới mất tích? Đặt bức thư xuống, không biết sao tôi thấy hơi bồn chồn, lo lắng trong lòng.

Không nên coi chuyện này là thật, mà nếu con gái cô có mất tích thật đi chăng nữa, thì việc này cũng thuộc chức trách của bên cảnh sát.

Cô ấy chỉ là bệnh nhân tâm thần, và dựa trên mức độ lộn xộn, rối rắm trong mạch lôgic của bức thư, thì bệnh tình của cô còn lâu mới khỏi.

“Chà, xong rồi à, buồn cười thật, thế nào mà cô ấy hay viết thư cho ông vậy nhỉ?”

“À,” tôi giật mình, ngẩng đầu lên nhìn Lưu Đường cười cười.

Mấy giây vừa rồi, tôi quả có hơi thẫn thờ, để mặc bức thư nằm chỏng trơ trên bàn, ngẩn người nhìn nó một lúc lâu. Tôi nhớ con gái cô là đứa bé gái có cặp mắt to với hai chấm đồng tử vừa đen vừa tròn, khiến ai nhìn vào là chết chìm trong đó. Lúc ấy, con bé đứng lẻ loi một mình ở góc phòng, yên lặng như thể nó không tồn tại. Hồi đó, nó mấy tuổi nhỉ… bốn tuổi chăng? Có lẽ giờ con bé đã lên bảy, đã đến tuổi đi học rồi đây.

Con bé tên gì nhỉ? Bất chợt tôi chẳng tài nào nhớ ra.

“Sao thế? Ông không nghĩ điều cô ấy viết trong thư là thật đấy chứ?” Lưu Đường thấy thần sắc tôi khác lạ liền buông thêm một câu.

Tôi lắc đầu, cố chặn dòng suy nghĩ của mình lại, đó cũng chẳng phải những hồi ức vui vẻ gì.

“Không có gì!” Tôi nhún vai, nhét lại thư vào phong bì, quăng lên chồng báo bên cạnh.

“Muốn qua xem quà Thất Tịch tôi mua không, cực kì sáng tạo đấy nhé!” Gã quỷ sứ Lưu Đường hất hất mái tóc nhuộm màu đỏ sậm, dương dương tự đắc tuyên bố.

Kể từ khi Lưu Đường được chúng tôi gán cho biệt hiệu “Quý tóc đỏ” cậu ta chỉ trung thành với một màu tóc nhuộm đỏ, không chịu chuyển về màu đen mà chỉ xê dịch giữa hai tông là màu phớt đỏ và đỏ đun.

“Quà Thất Tịch?” Tôi nhớ ra còn mấy ngày nữa là đến lễ Thất Tịch­­[1] theo lịch âm, “giờ lễ Tình Nhân cũng được bản địa hóa rồi à?”

[1] Lễ Thất Tịch: là ngày lễ tình nhân của người Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm.

“Kiếm tiền ấy mà, chẳng qua chỉ để giúp tôi tăng cơ hội hẹn hò với người đẹp, vậy là ai cũng có được thứ mình cần, đôi bên đều hài lòng mãn nguyện.”

“Ngữ ông thì sáng tạo gì chứ!”

“Búp bê bơm hơi, ông đã thấy bao giờ chưa?”

“Búp bê bơm hơi?” Tròng mắt tôi như lập tức lồi hẳn ra ngoài, “ông chuẩn bị búp bê bơm hơi làm quà Thất Tịch cho bạn gái?”

“Này, vẻ mặt thế là sao, chẳng phải kiểu như ông nghĩ đâu!” Lưu Đường tức giận mắng, “đồ dâm ô, ông nghĩ đi đâu thế?”

“Thì tại ông vừa nói là búp bê bơm hơi còn gì!” Tôi ngượng ngùng chữa thẹn.

Lưu Đường ném thứ gì lại, tôi nhanh tay chộp lấy.

“Ấy, nhẹ, nhẹ tay thôi, đừng có bóp mạnh!” Đường tóc đỏ hét lên.

Quả nhiên là con búp bê được bơm hơi to chừng nửa lòng bàn tay, hình thỏ MashiMaro, được làm từ chất liệu dày dặn hơn là bóng bay, đây không phải loại nhựa dẻo thông thường, khi dùng tay bóp cảm giác rất thích.

“Khá thú vị, các cô gái trẻ hẳn rất thích!” Tôi nói.

“Không chỉ có một con này thôi đâu,” Lưu Đường vẫy tôi lại, bảo: “Ở đây tôi còn hẳn một hộp này, nhìn riêng một con chỉ thấy khá thú vị, chứ nếu đem tặng cả hộp thì người nhận cứ gọi là chết đứ đừ.”

Đặt trên bàn làm việc của Lưu Đường là chiếc hộp gỗ gia công tinh xảo, nhấc nắp lên bên trong là mấy chục con búp bê da chưa bơm hơi được xếp rất gọn gàng.

Lưu Đường giơ từng con lên cho tôi xem:”Đây là mèo Garfield, đây là Snoopy, còn đây là Ultraman…”

Sở hữu xấp búp bê bơm hơi được chế tạo tinh xảo như vậy cũng đáng được tôn lên thành cấp sưu tầm, và hẳn sẽ có sức hút khó cưỡng đối với nhiều cô gái trẻ. Lưu Đường mải khoe kho báu của mình, không hay mặc tôi đã biến sắc.

Những con búp bê bơm hơi khơi lại trong tôi hồi ức nãy giờ tôi cố gắng kìm nén, nhưng đến giây phút này chúng chợt ùa về tràn ngập tâm hồn, rồi từng cảnh từng cảnh vụt lóe lên trước mắt.

Có những việc dù đã qua rất lâu, mà khi nhớ lại vẫn như đang hiển hiện trước mắt.

Một buổi chiều của ba năm về trước, khi tôi đưa tấm danh thiếp của mình cho Hoàng Chức, cô còn chưa có bất kỳ vấn đề gì về tâm thần. Tôi cũng không ngờ về sau cô ấy liên tục gửi thư cho mình địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp đó.

Tôi tin căn nguyên gây ra bệnh tâm thần của cô có liên quan đến những chuyện đã xảy ra trong buổi chiều ba năm về trước.

Khoảng chừng ba giờ chiều, nhận được tin báo, tôi vội chạy đến một bệnh viện phụ sản có tiếng nhất thành phố Thượng Hải, với cái tên thường gọi là Bệnh viện bà mẹ trẻ em số 1.

Người báo tin cho tôi là người phụ trách thông tin của bệnh viện. Anh ta không giỏi đánh giá thể loại tin nào là đề tài viết báo hay, thể loại tin nào chỉ có thể trở thành đề tài bàn tán. Mặc dầu vậy, anh ta vẫn luôn hăng hái cung cấp đủ mọi thể loại tin cho tôi, bởi nếu tôi lấy tin đó viết bài, anh ta cũng sẽ nhận được khoản thù lao nho nhỏ.

Tin báo lần này từ anh ta chỉ là mẩu tin ngắn: “Khoa sản có một trường hợp rất kì lạ, anh muốn đến phỏng vấn không?” Vừa hay lúc đó tôi đang ở cách bệnh viện không xa, nên sau chưa đầy hai mươi phút từ khi nhận được tin, tôi đã xuất hiện trước cửa phòng làm việc của anh.

Người báo tin hỏi thăm giúp rồi dẫn tôi đến nơi.

“Tôi không nhiều lời nữa, anh tự đi phỏng vấn nhé!” Dứt lời anh ta bỏ đi, vẻ mặt rất không tự nhiên. Có thể đó chỉ là ảo giác, nhưng dù sao tôi cảm thấy hình như anh ta hơi khiếp sợ.

Đây là hành lang ngoài phòng bệnh, tình hình có phần khác lạ. Nơi đây thường là khu vực rất yên tĩnh, nhưng hiện giờ lại đang có người to tiếng cãi cọ, chính xác là có bệnh nhân đang lớn tiếng chỉ trích nhân viên y tế, còn người bị chỉ trích thì chỉ nhẹ nhàng giải thích.

Bệnh nhân hẳn vừa mới sinh xong, đang nằm trên giường đẩy để y tá đẩy về phòng bệnh, song vẫn kiên quyết nắm chặt khung cửa phòng bệnh, sống chết không chịu buông.

“Tôi nhất định phải được nhìn mặt con tôi, nếu không tôi sẽ không vào!” Cô ta hét toáng lên.

Vài bệnh nhân vây quanh nhìn, thấy y tá thì đang cố gắng giải tán nhóm người khán giả về phòng bệnh.

Tôi bước tới, thầm cảm thấy hơi kì lạ. Giữa người bệnh và bệnh viện đang xảy ra mâu thuẫn, mà sao chẳng thấy người nhà bệnh nhân đâu? Trong hoàn cảnh này, chí ít có chồng cô ta phải ở bên chứ, sao chỉ có người phụ nữ đang nằm trên chiếc giường đẩy kia gào thét đến hụt hơi vậy nhỉ?

Chỉ có một bé gái còn rất nhỏ đứng ở phía xa xa, con bé đứng nép vào tường, chằm chằm nhìn về phía trước. Không một y tá hay người nào đến kéo con bé đi, như thế nó có mối quan hệ gì đó với người bệnh.

Về sau tôi mới biết, đứa bé gái đó là con đầu lòng của người bệnh tên Hoàng Chức, cô bé tên là… đúng rồi là Chu Tiêm Tiêm.

Lúc tôi bước đến gần, Chu Tiêm Tiêm đột nhiên ngoảnh lại nhìn. Vẻ mặt có phần lạnh lùng xa cách, con bé mím chặt môi. Bắt gặp ánh mắt Tiêm Tiêm, tâm can tôi chợt thoáng chấn động, đôi mắt to đó sâu đến hút hồn. Trẻ con và người lớn sống ở hai thế giới, đôi mắt này càng khiến người ta nhận ra điều đó một cách rõ ràng hơn.

“Sao tôi không được nhìn con tôi, đứa con tôi đứt ruột đẻ ra tôi phải có quyền nhìn nó chứ!” Tiếng hét của Hoàng Chức xuyên vào tai tôi.

Ánh mắt tôi dừng lại trên cơ thể người bệnh rõ rang là đang có phần hoang tưởng này.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là sự nhỏ bé, yếu ớt. Dù cô đang trong tình trạng trang cãi nảy lửa, nhưng những sợi gân xanh hiện lên trên chiếc cổ thon nhỏ, cộng với gương mặt trái xoan nhợt nhạt sau sinh cũng những vầng đỏ – là kết quả của một tâm trạng đang bị kích động, vẫn khiến tôi cảm thấy người phụ nữ này mang nét đẹp rất liễu yếu đào tơ.

Tôi không vội để lộ thân phận mình, bởi tâm trạng người bệnh đang kích động, nên có lẽ phải đợi đến khi cô ấy bình tĩnh lại. Tình cảnh hiện giờ không cho phép tôi gây thêm phiền hà, đứng nhìn là được rồi.

“Xin lỗi chị, cháu bé nhà chị đã mất rồi!” Vị bác sỹ nói.

“Không, không thể nào, các người đã làm gì, sao con tôi có thể chết được chứ?” Giọng nói the thé sắc nhọn của Hoàng Chức bất chợt khàn đi.

“Đó không phải là do công tác hộ sinh của bệnh viện chúng tôi, cháu bé đã qua đời từ lâu rồi, chết trước khi được sinh ra!”

“Đồ dối trá, anh lừa tôi, đứa con trong bụng tôi rất hiếu động hoạt bát, mỗi ngày tôi đều cảm nhận được nó. Nhất định là do các người, đây là sự cố xảy ra trong quá trình đỡ đẻ!”

“Ngày nào chị cũng cảm nhận được sao?” Vị bác sỹ tỏ vẻ hồ nghi, khó hiểu, “chắc đó chỉ là ảo giác của chị. Đứa bé còn chưa phát triển toàn diện trong bụng mẹ đã chết từ lâu rồi.”

“Dù thế nào thì tôi vẫn muốn nhìn mặt con tôi, dù chết nó cũng vẫn là cốt nhục máu mủ của tôi đứt ruột đẻ ra!” Hoàng Chức gượng nhổm dậy nhìn chằm chằm vị bác sỹ đứng trước mặt với ánh mắt đầy hận thù, như thể ông ta là kẻ thù không đội trời chung của cô vậy.

Vị bác sỹ ngoảnh mặt sang bên cạnh, không muốn đối mắt với cô. Ông khẽ lắc đầu, bảo y tá đứng cạnh: “Vậy… vẫn đang ở chỗ phòng sinh phải không?”

Y tá gật đầu.

“Thôi thế này,” vị bác sỹ nói, “chúng tôi sẽ đưa chị sang xem. Nhưng chị cũng cần chuẩn bị tinh thần trước, tốt nhất chị hãy bình tĩnh lại và hít thở sâu lấy vài hơi. Đó là… đứa trẻ dị dạng.”

“Dù hình dạng thế nào, nó vẫn là con tôi!” Hoàng Chức không chút do dự đáp.

Cuối cùng, cô cũng nằm xuống, y tá đẩy giường bệnh về phía phòng sinh.

Tôi nhìn lướt qua khung cửa con hằn đầy dấu tay bên trên, đó hẳn là vết mồ hôi từ tay Hoàng Chức.

Giường bệnh được đẩy đi khá xa ngoài hành lang, tôi vội vàng rảo bước, định bám theo.

Hoàng Chức đột nhiên nhổm dậy, ngoái đầu lại nhìn.

Thấy cô hướng về phía mình và nở nụ cười có đôi phần miễn cưỡng, tôi khựng lại, chưa biết nên phản ứng thế nào. Sau đó, tôi mới nhận ra rằng chẳng phải cô ấy đang nhìn mình.

“Tiêm Tiêm, đợi mẹ ở phòng bệnh nhé, mẹ sẽ quay lại nhanh thôi!” Khi nói, ánh mắt Hoàng Chức có phần hơi mê man. Hẳn cô ấy mệt lắm khi vừa vượt cạn xong đã phải hao tốn thể lực vào cuộc tranh cãi với bác sỹ và y tá.

Đứa bé nãy giờ vẫn đứng cạnh cửa, không bám theo. Giờ nghe mẹ nó dặn, nó chẳng vâng dạ gì, chỉ chạy tọt vào phòng bệnh.

Hoàng Chức lại nằm xuống. Thấy tôi, ánh mắt cô lộ vẻ khó hiểu, nhưng cô đã chẳng còn hơi sức để tìm hiểu xem tôi, người đàn ông bám theo cô có thân phận thế nào. Tâm trí cô chỉ hướng về đứa trẻ mình vừa sinh ra.

Trong khoảnh khắc dừng lại ngắn ngủi đó, vị bác sỹ và y tá để ý thấy tôi. Một y tá nhíu mày định lên tiếng thì vị bác sỹ đã bước tới, hạ giọng bảo: “Anh với anh Bạch là…?”

Tôi gật gật đầu. Anh Bạch là người cung cấp tin cho tôi.

“Hừm, e giờ không tiện!” Vị bác sỹ liếc nhanh về phía Hoàng Chức đang nằm trên giường bệnh. Lúc này khi những quầng đỏ trên mặt đã biến mất, cô trong nhợt nhạt hơn bao giờ hết.

“Tôi hiểu, lát nữa tiện ta sẽ nói sau, giờ tôi chỉ đi theo xem thôi!” Tôi đáp.

Làm phóng viên không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải là người đặt câu hỏi, mà đôi khi việc dùng cái tâm để nhìn nhận cách sự việc phát sinh còn cần thiết hơn.

Không lâu sau, Hoàng Chức được đẩy trở lại phòng sinh. Tôi định bám theo, nhưng thấy có lẽ không được tiện lắm, trong lúc tôi còn đang phân vân lưỡng lự thì cánh cửa phòng sinh đã khép lại.

“Tôi có thể vào trong xem không?” Tôi hỏi y tá đứng ngoài cửa.

“Anh là…”

“Tôi là phóng viên, phóng viên của tòa soạn báo Ngôi sao buổi sớm.”

“Vậy cũng không được, việc này cần được sự đồng ý của bác sỹ và bệnh nhân đồng ý!” Cô y tá không đổi ý.

“Anh Bạch trên văn phòng báo cho tôi đến phỏng vấn, anh ấy nói ở đây có một trường hợp kì lạ, phải chăng là ám chỉ đứa bé dị dạng sản phụ kia vừa mới sinh?” Tôi hỏi.

Y tá mím chặt môi, mặt đột nhiên trở nên căng thẳng.

Nhìn sắc mặt cô, tôi cảm thấy hình như chuyện này không đơn giản. Vốn dĩ tôi đang nghĩ bụng, mỗi chuyện đứa trẻ sơ sinh dị dạng thì có gì để mà đưa lên báo, có lẽ nào có người đẻ ra cá ư? Song dựa vào cuộc tranh cãi vừa nãy, cùng vẻ mặt hoảng sợ thất thần của y tá, xem chừng lần này lão Bạch hốt được tiền thưởng rồi đây.

“Sao lúc sinh xong không bế đứa bé cho mẹ nhìn mặt con?” Tôi truy vấn.

“Bởi vì cô ấy sinh ra…” Cô y tá nói được nửa chừng liền im bặt, như thể phần tiếp sau là điều cấm kị, nghẹn lại nơi họng dù thế nào cũng không dám nói ra.

Cô y tá hít một hơi thật sâu, tôi đoán cô sắp sửa tiết lộ chân tướng sự việc cho mình biết, đúng lúc đó một tiếng thét bi thương thảm thiết bất ngờ vang lên từ trong phòng sinh.

Như thể vọng ra từ nơi địa ngục âm u tăm tối, tiếng thét ấy chứa đựng sự hoảng sợ, tuyệt vọng đến cùng cực, vừa khàn đặc vừa sắc nhọn, như cơn gió lạnh buốt xương luồn qua cánh cửa chính nơi phòng sinh lọt ra ngoài. Trong chớp mắt, mọi người ở ngoài đều biến sắc, những người đang đi lại đột nhiên đứng im, bầu không khí tịch mịch đến rợn người, chỉ mỗi tiếng thét bi thương xé tai vang vọng trong đầu.

Mấy giây sau, tôi hỏi y tá: “Chuyện gì xảy ra vậy?”

Tôi lập tức nhận ra đây là câu hỏi ngớ ngẩn; tiếng thét thê lương đáng sợ đó vẫn khiến tôi chưa kịp định thần lại.

Nhân lúc y tá đang đờ ra, tôi định đẩy cửa phòng sinh xông vào.

Nhưng cửa đã được khóa từ bên trong, tôi vặn liền vài cái đều không được,

“Này, anh định làm gì thế?” Y tá đẩy tôi ra, vặn cánh cửa đang khóa, cô hướng vào trong phòng hét gọi: “Bác sỹ Trương, Bác sỹ Trương!”

Hình như có người đáp lại từ bên trong, tôi chưa nghe rõ là gì, nhưng y tá lập tức im bặt.

“Sao thế? Tiếng kêu vừa xong có phải là của bệnh nhân được đẩy vào phòng không?” Tôi hỏi.

“Không có gì, không có gì!” Y tá đáp.

“Không có chuyện gì ư? Cô biết chuyện gì xảy ra trong đó sao?” Tôi hỏi lại lòng hơi tức giận, tiếng thét thảm thiết đáng sợ nhường vậy mà chỉ cần một câu nói từ bác sỹ bên trong, y tá đã điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Câu nói của tôi vừa thốt ra ngoài miệng đã thấy cô y tá ngập ngừng, như thể có điều gì khó nói. Phải chăng cô ấy biết điều gì?

“Có thể… có thể là người bệnh đã nhìn thấy đứa bé chị ấy sinh ra!” Thốt ra được câu này, y tá như thể vừa gỡ được cục nghẹn nơi cổ họng.

“Đứa trẻ cô ấy sinh?” Tôi nhớ mới vài phút trước trong hành lang, Hoàng Chức hãy còn khăng khăng một mực rằng “Dẫu hình dạng thế nào, nó vẫn là con tôi”. Vậy mà giờ lại bị đứa con chính mình đẻ ra làm cho khiếp sợ đến mức thét lên thê thảm…

Rốt cuộc cô ấy đã nhìn thấy gì? À không, rốt cuộc cô ấy đã sinh ra thứ gì?

Tôi vẫn đang kinh ngạc và nghi ngờ thì cửa phòng sinh bật mở, Hoàng Chức nằm trên chiếc giường đẩy được đẩy ra ngoài hai mắt cô nhắm nghiền.

“Bệnh nhân thế nào?” Y tá hỏi.

“Sợ hãi quá độ nên đã bị ngất. Tôi vừa tiêm cho cô ấy một mũi ức chế thần kinh!” Sắc mặt bác sỹ cũng không được tốt, trán ông lấm tấm đầy mồ hôi.

“Cô ấy bị đứa con mình sinh ra làm cho kinh sợ đến mức ngất đi ư? Liệu tôi có thể nhìn qua không?” Tôi hỏi.

Vị bác sỹ chần chừ một lát rồi đáp: “Vậy thế này đi, anh cứ vào đó ngó qua. Nhưng không được phép chụp ảnh.”

“Tôi không mang máy ảnh” Tôi vừa nói vừa theo ông vào phòng sinh.

“Tách tách…” Bác sỹ bật chum đèn không bóng trong phòng mổ. Ông lấy đôi găng tay cao su dùng khi phẫu thuật ra đeo, cúi xuống nhặt một thứ gì đó lên, rồi cứ thế xách đến trước mặt tôi.

Tôi tự cho mình trải nghiệm tương đối nhiều chuyện kinh dị, vả lại tiếng hét đầy bi thương vừa xong cũng phần nào giúp tôi có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý, thế nhưng vào giây phút này, tóc gáy tôi bất ngờ như dựng đứng hết lên, nửa thân trên tự động giật lùi ra sau.

Nó là vật gì vậy?

Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, tôi mơ hồ không thể nhớ nỗi, nỗi sợ hãi khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Tôi không nhìn thấy bộ dạng của mình lúc đó, nhưng đoán chắc mặt phải trắng bệch như người chết.

Khi có thể cử động trở lại, tôi lập tức lùi ra sau một bước. Mọi khớp xương trong cơ thể tôi như thể bị han gỉ, chỉ một cử động nhỏ cũng kêu lên răng rắc.

“Đây là thứ cô ấy sinh ra sao?” Sau khi thốt ra câu này, tôi mới nhận ra giọng mình đã khàn đặc.

Nó không phải là một đứa trẻ, thậm chí còn không thể tính là một đứa trẻ quái thai.

Vật trước mặt tôi, có đầu có chân, tứ chi lành lặn, đang nhè nhẹ lay động theo tay bác sỹ.

Không sai, là lay động. Bởi nó chỉ là một tấm da!

Hoàng Chức sinh ra một tấm da mang hình hài đứa trẻ!

Tất nhiên, nó cũng dày hơn tấm da một chút, song chắc chắn chưa đến một centimet.

Hai chân kết dính với nhau tựa như đuôi cá. Tay ép chồng lên nửa thân trên, phần duy nhất có thể phân biệt được là một vài dấu vết nằm giữa phần ngực với bụng.

Còn gương mặt thì…

Gương mặt ấy dị hợm với chiếc mũi bị đè bẹp, vẹo vọ dán chặt sang phía bên trái; cái miệng hơi nhe ra; trên vị trí đại loại là đôi mắt, thì con mắt bên trái còn mang chút hình dạng, con mắt bên phải biến thành một cái hốc hơi lõm vào, chính giữa là tổ chức giống như con ngươi.

Nếu tưởng tượng một chút, thì đứa trẻ này như bị một máy ép hàng vạn tấn nén xuống một cách từ từ, sau đó được người ta lau sạch vết máu đi. Nhưng nếu thực sự có đứa trẻ nào bị đè bẹp như vậy, thì người ta chỉ cảm thấy thương xót, không nỡ nhìn, còn giây phút này, tôi chỉ thấy quái dị, một cảm giác quái dị đến độ âm u, ghê sợ. Một người bình thường sao có thể sinh ra một vật dị hợm như thế này?

Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu tôi: Đây là đứa trẻ bị ma quỷ nguyền rủa!

Chương 2: Cặp song sinh kì lạ

Chiếc đĩa bay hạ cánh xuống thảm cỏ, luồng khí thốc lên làm tóc tôi bay lòa xòa.

“Đây mới chỉ là khởi đầu!” Thầy Vương đứng cạnh chiếc đĩa bay của ông nói, nét mặt đầy vẻ tự hào.

Nơi đây là Côn Sơn, thầy Vương là một nông dân, nhưng bây giờ gần như ông đã chuyển hẳn sang nghề chế tạo đĩa bay.

Từ nhỏ, thầy Vương đã thích mua bán đổi chác vật dụng, ông nói mọi người quanh đó đều gọi ông là thầy. Ban đầu tự chế tạo vô tuyến điện, còn bây giờ ông đã có thể tự chế tạo đĩa bay, và ngay ruộng đất cũng được ông đem rao bán để lấy tiền mau nguyên vật liệu. Tòa soạn cử tôi về phỏng vấn nhân vật lập dị này, họ còn lo liệu cả phương tiện đi lại. Dù trong lòng không cảm thấy có gì đặc biệt, nhưng vì là nhiệm vụ, nên tôi đành miễn cưỡng thực hiện bài phỏng vấn chuyên đề này.

Chiếc đĩa bay màu tro có đường kính khoảng ba mét được làm bằng nhôm. Nhờ động cơ phản lực nên nó có thể bay cao hơn chục mét. Hướng nghiên cứu tiếp theo của thầy Vương hẳn là tìm cách khiến thứ đồ chơi này có thể di chuyển, không chỉ là bay lên bay xuống.

“Rồi nó có thể chở người sớm thôi, đây chỉ là khởi đầu!” Thầy Vương nhấn mạnh.

“Ồ…” Tôi rất muốn bảo ông ta rằng, trước khi chở người hãy mua bảo hiểm đã, nhưng tôi đã kìm lại được. Dù sao muốn làm được thế cũng còn lâu lắm.

Thứ này có phức tạp hơn mô hình máy bay điều khiển từ xa không nhỉ? Tôi thầm thắc mắc.

Thầy Vương rất hay chuyện, tôi thực sự ngại phỏng vấn kiểu người này. Họ chẳng bao giờ chịu nghe bạn hỏi mà chỉ mải nói về điều họ thích và cứ thế thao thao bất tuyệt, không cách gì ngừng lại.

“Mơ ước của tôi là chế tạo được động cơ điểm kì dị.”

“Ồ… hả? Động cơ diềm kì dị là gì?” Tôi hỏi.

“Đây là tên tôi đặt cho nó, thực tế các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu tương tự, tạo ra loại động cơ có khả năng uốn cong không gian, nhằm đạt đến vận tốc siêu ánh sáng.”

“Cái này… Anh chắc mình không đọc nó từ một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nào chứ?”

“Tất nhiên là vậy, tôi đọc được tin này trong mục tin tức trên trang Sina[1] cách đây cũng khá lâu. Hình như họ đã cho thành lập nhóm dự án để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu.”

[1] Trang web tổng hợp được nhiều người Trung Quốc biết đến.

“Nhưng nó thì liên quan gì đến diềm…?” Tôi thắc mắc hỏi.

“Không phải là diềm mà là điểm!” Thầy Vương nhíu mày, hẳn ông đang cảm thấy gã phóng viên đứng trước mặt mình thật chịu hết nổi, đang luận bàn về khoa học hắn lại ngoặc sang cái gì không biết.

“Theo thuyết tương đối rộng của Albert Einstein, vật có khối lượng lớn sẽ khiến không gian xung quanh nó bị uốn cong, khối lượng vật càng tăng thì độ cong của không gian quanh nó cũng càng lớn, khi đạt đến mức độ mức độ nhất định, như tâm hố đen, thì điểm kì dị sẽ được hình thành. Không gian tại điểm kì dị[2] bị uốn cong, đây chính là nguyên lý động cơ điểm kì dị, thứ có thể tạo ra lỗ đen kích cỡ nhỏ giúp ta đi xuyên không gian.”

[2] Theo định nghĩa vật lý thiên văn, điểm kì dị là điểm có tỉ trọng vô hạn tại trung tâm của một hố đen, nơi những lực biên trạng trở nên vô hạn và các định luật vật lý ngưng áp dụng.

Điều thầy Vương vừa nói đã khiến tôi nhìn ông với con mắt hoàn toàn khác, bởi chí ít nghe nó cũng rất huyền hoặc.

“Bên Mỹ họ thành lập hẳn một tổ chức nghiên cứu, còn anh chỉ mỗi một mình, vật anh định bắt đầu thế nào?” Tôi hỏi

“Trên đời này chẳng có việc gì khó, chỉ e lòng người không bền thôi. Hiện tôi đang nghiên cứu một vài tác phẩm khoa học nổi tiếng của vật lý tuyến đầu để tự trang bị cho mình.”

“Anh đang nghiên cứu cuốn vật lý học tuyến đầu nào?” Tôi tò mò hỏi.

“Kiểu dạng như ‘Lược sử thời gian’ của Stephen Hawking, nhà vật lý học nổi tiếng người Anh!” Thầy Vương trả lời.

Tôi chợt không biết nói gì.

Sau khi hoàn tất buổi phỏng vấn ở chỗ thầy Vương, tôi lên chiếc ô tô mà tòa soạn bố trí sẵn cho mình, lòng cảm thấy dở khóc dở cười trước viễn cảnh tươi đẹp của loại động cơ điểm kỳ lạ mà thầy Vương vẽ ra.

Hóa ra đó là cuốn “Lược ra thời gian”, tác phẩm khoa học về vật lý nổi tiếng của Hawking được viết từ nhiều năm trước. Thêm vào đó, mấy năm về trước, hồi đến Trung Quốc, Hawking cũng đã nói, quan điểm về hố đen hiện giờ đã có nhiều sự thay đổi so với thời điểm mà ông viết tác phẩm trên.

Thế nhưng đối với người say mê khoa học viễn tưởng hay với thầy Vương, thì ý tưởng bẻ cong không gian quả thực vẫn có một sức hút vô cùng lớn. Còn đối với kẻ ngoại đạo như tôi, thì uốn cong không gian thường được hình dung một cách đơn giản như việc ta gập tờ giấy lại. Và cách hình dung này đã khiến tôi không khỏi băn khoăn, bởi nếu không gian có thể uốn cong như tờ giấy, thì bốn phía trên dưới xung quanh nó là gì?

Đi thẳng đến nút giao thông phía trước rồi rẽ trái sẽ ra đến đường cao tốc, xe đi từ Côn Sơn về Thượng Hải chỉ mất một tiếng đồng hồ, rất nhanh và tiện lợi. Ngẩng đầu lên nhìn khi chờ tín hiệu giao thông, tôi chợt thấy tấm bảng chỉ đường ghi “Đại Đường 23 km.”

Tôi bất ngờ đổi ý.

“Bác tài…” Tôi gọi người lái xe.

“Gì thế cậu?”

Câu “mồm miệng đi trước trí óc theo sau” hẳn được tạo ra để nói về tình huống dạng này. Lời đã thốt ra khỏi miệng, song thực tế tôi còn chưa quyết định dứt khoát.

“Bác tạm tấp xe vào lề đường một lát được không?”

Bác tài dù không rõ nguyên cớ nhưng cũng làm như tôi bảo.

Tôi nhìn lại bảng chỉ dẫn, quả không sai, Đại Đường cách đây không xa lắm.

“Bác có thể đưa tôi đến thôi Đại Đường không?” Chẳng còn do dự, tôi cất tiếng hỏi người lái xe.

“Đại Đường à? Lát nữa tòa soạn cần dùng đến xe, tôi e ta không thể về kịp.”

“Không vấn đề gì, bác cứ đưa tôi đến đó rồi cứ về trước, không phải chờ, tôi tự bắt xe khách về sau.”

“Vậy thì được.” Rồi chiếc xe phỏng vấn tiếp tục bon bon lăn bánh trên đường cao tốc, thẳng tiến về phía trước.

Hoàng Chức sống ở Đại Đường.

Kể từ sau buổi phỏng vấn ở bệnh biện bà mẹ trẻ em số 1 ba năm về trước, tôi chưa gặp lại cô ấy lần nào. Liên lạc thư từ giữa hai bên đều chỉ từ một phía, hồi nhận lá thư đầu, tôi có viết thư trả lời, nhưng từ khi biết cô ấy mắc bệnh tâm thần thì tôi không hồi âm nữa.

Mãi đến ngày hôm kia, lúc nhận được lá thư cầu cứu thứ hai từ Hoàng Chức thông báo về sự mất tích của cô con gái, tôi cũng thấy hơi bất an, nhưng trong tay không có số điện thoại liên lạc của cô nên chẳng làm gì được. May hôm nay tiện xe nên tôi định đến tận nơi tìm hiểu, nhưng nhỡ đâu tình hình chưa đến mức ấy, hoặc chỉ là câu chuyện bịa đặt của người bệnh tâm thần thì sao? Thôi, cho dù có thấy con gái cô ấy đang chơi trong nhà, thì cũng xem như đây là cách xoa dịu lương tâm mẫn cảm của chính mình.

Phóng mắt nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ xe lùi dần lại phía sau, tôi thầm nghĩ thời gian thấm thoát tựa thoi đưa. Kể từ cuộc phỏng vấn mà rốt cuộc chẳng thể viết thành bài, do quá kì dị lần ấy, đến giờ đã hơn nghìn ngày. Dù đã có thêm nhiều trải nghiệm phong phú trong suốt quãng thời gian đó, nhưng mỗi khi hồi nhớ lại cảnh tượng vị bác sỹ nhặt đứa trẻ sơ sinh trông hệt tờ giấy trong tay, rồi mang đến trước mặt mình, tôi vẫn bất giác rùng mình.

Càng đến gần thôn Đại Đường, những thước phim về quá khứ đã vùi sâu trong ký ức, lại liên tục hiện ra, đan xen với nhau, đưa tôi quay về cuối buổi chiều ngày hôm đó.

“Đây là thứ quỷ gì vậy?” Tôi gắng định thần, hít vào một hơi thật sâu, làm bộ tỉnh bơ hỏi. Mùi tanh tanh bốc ra từ bộ da đứa trẻ trước mặt theo luồng hơi hít vào xâm nhập vào bên trong cơ thể khiến đầu óc tôi quay cuồng, suýt ói.

“Đây…” Bác sỹ Trương nhìn lướt qua xác đứa trẻ sơ sinh mỏng tanh trên tay, mặt lộ vẻ khó chịu, lắc đầu nói, “tôi cũng chẳng rõ nữa. Thôi, bây giờ anh cũng đã nhìn rồi, tôi tin rằng anh chẳng còn hứng thú đào bới sâu thêm.”

Tôi cười khổ, ai thích nhìn mãi xác đứa trẻ sơ sinh kì dị này chứ?

“Nếu còn muốn phỏng vấn anh cũng không nên thực hiện ở đây, ta chuyển sang địa điểm khác nhé. Song tôi cũng không có nhiều thời gian đâu!” Bác sỹ Trương tuyên bố.

“Vâng, nếu tiện ta ra ngoài hành lang.”

Dọc hai bên hành lang có kê những băng ghế dài, chúng tôi tìm một chỗ ngồi xuống.

Phải chăng chỉ là cảm giác tâm lý, bởi sau khi rời phòng sinh, tôi cảm thấy không khí trong lành hơn nhiều, tựa như tảng đá đè trước ngực đã được nhấc bỏ.

“Trường hợp trẻ dị dạng thế này rất hiếm phải không?” Tôi cất tiếng hỏi.

“Không chỉ rất hiếm, trước đây tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy.” Bác sỹ Trương đáp.

“Đứng ở vị trí người bình thường ngoài ngành, tôi thực không cách gì hình dung ai đó có thể sinh ra đứa trẻ như vậy. Sao nó có thể phát triển thành hình dạng này trong bụng mẹ?”

“Nói thật dù tôi chưa từng gặp trường hợp này bao giờ, thậm chí không vị bác sỹ nào ở bệnh viện này từng gặp trường hợp trẻ sơ sinh dị dạng kiểu này, nhưng trước đây đã từng có người sinh ra đứa trẻ bị chết tương tự.”

“Hả?” Tôi hơi bất ngờ.

“Ồ vâng, đúng là có trường hợp vậy. Hiện tượng này được gọi là thai nhi giấy, hiếm gặp đến mức chỉ được ghi lại trong tài liệu y khoa.”

“Thai nhi giấy?” Thật là cái tên phù hợp, song tôi càng cảm thấy mất phương hướng hơn. Tôi còn nhớ lúc trong phòng sinh mình đã hỏi vị bác sỹ đây là thứ gì, ông ta nói là không biết, vậy sao giờ ông ta lại bảo từng có trường hợp tương tự và được gọi là thai nhi giấy. Thế chẳng phải là tiền hậu bất nhất sao?

“Vâng, thai nhi giấy, đúng vậy!” Giọng điệu bác sỹ Trương lại trở nên mơ hồ, như thể ông ta không lấy gì làm tự tin cho lắm.

“Sao thế?”

“Cứ nói thế này, thai nhi giấy tôi từng nhìn thấy trên sách vở thực sự rất giống vậy, nhưng thực sự tôi thấy rất khó tin rằng đây chính là thai nhi giấy!”

Điều ông ta nói khiến tôi hoàn toàn bối rối, nó có ý gì chứ?

Nhận ra vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, vị bác sỹ khẽ lắc đầu, rồi nói rằng điều này ngay chính ông cũng thấy rất bối rối.

“Hẳn anh nghĩ lời tôi nói rất mâu thuẫn phải không? Đó là bởi vì trường hợp này hết sức kì lạ. Tuy trong y học có hàng trăm hàng nghìn trường hợp kì lạ, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, khi sự thay đổi về điều kiện sinh hoạt và thói quen đã liên tục tạo ra nhiều căn bệnh mới, song…” Nói đến đây vị bác sỹ lại khẽ lắc đầu, như thể suy nghĩ của ông đang bị rối, nhất thời chưa tìm ra cách diễn đạt để có thể giải thích rõ chuyện này cho tôi hiểu.

Cảm giác sợ hãi ban nãy giờ lại bị áp đảo bởi tính hiếu kỳ, tôi chăm chăm nhìn vị bác sỹ ngồi phía đối diện, đưa mắt giục ông ấy mua nói tiếp.

Không lâu trước đó, sự rối ren do tiếng thét kinh hoàng kia gây nên đã lắng xuống. Hay có thể nói rằng, nỗi tuyệt vọng ẩn chứa trong tiếng hét kinh hoàng đó đã nhấn chìm tất cả những người nghe thấy… Bởi vì, con người thường có xu hướng đón lành tránh dữ, nên họ nhanh chóng giải tán ai về chỗ nấy, và rồi hẳn sẽ tìm mọi cách quên chuyện này đi. Thế nhưng cũng rất có thể, vào lúc nửa đêm, tiếng hét kinh hoàng đó sẽ lại thình lình đánh thức họ khỏi giấc mộng.

Duy chỉ có một người vẫn đứng cách đó không xa, nơi có thể nghe được cuộc trò chuyện giữa tôi và vị bác sỹ. Đó chính là cô y tá trẻ đứng đợi trước cửa phòng sinh ban nãy. Hiển nhiên cách hành xử hiện giờ của cô ấy có phần hơi khác thường, bởi bất kể thế nào thì việc cô cần làm lúc này chắc chắn không phải là đứng ở đây.

Cô y tá đó đã biết Hoàng Chức sinh ra thứ gì. Lòng hiếu kỳ của cô hẳn không ít hơn tôi, và nhất định cũng bị một phen kinh sợ. Cảm giác sợ hãi tột độ vào khoảnh khắc nhìn thấy đứa trẻ giấy cũng đủ gây ám ảnh. Tôi đoán cô muốn nghe xem bác sỹ sẽ giải thích với tôi thế nào. Sự sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và sẽ tự khắc biến mất khi chân tướng sự việc sáng tỏ.

Nhưng chẳng phải việc gì cũng có thể giải thích tỏ tường, và lúc này đây…

Vị bác sỹ thở dài.

“Tôi nghĩ nó không phải là thai nhi giấy…” vị bác sỹ tiếp tục, “mà chỉ có vẻ ngoài giống hiện tượng thai nhi giấy thôi. Trước tiên, hãy để tôi giải thích thế nào là thai nhi giấy, rồi anh sẽ hiểu tại sao tôi nói vậy. Anh biết hiện tượng mang đa thai chứ?”

“Hả?”

“À, đấy là cách gọi thông thường của hiện tượng song thai hoặc đa thai. Khả năng song thai, đa thai ở phụ nữ đang mang thai chiếm khoảng một phần trăm. Thường mọi người xem đây là tin tốt, song thực ra mức độ nguy hiểm đối với người mẹ ở trường hợp mang đa thai cao hơn đơn thai nhiều. Nó không chỉ khó khăn cho người phụ nữ trong quá trình sinh nở, mà còn khiến sự phát triển của những bào thai trong tử cung người mẹ gặp nhiều hạn chế hơn. Bởi cơ thể người phụ nữ vốn chỉ có thể đảm nhiệm việc cung cấp chất dinh dưỡng cho một bào thai, còn giờ lại phải san ra thành hai hoặc nhiều hơn.”

“Anh muốn nói, thai nhi giấy là thai nhi dị dạng do thiếu dinh dưỡng trong trường hợp người mẹ mang đa thai?”

“Không, không!” Bác sỹ Trương liên tục xua tay, “nếu chỉ vậy sao có thể coi là trường hợp hiếm? Từ góc độ này mà nói, đứa trẻ giấy là đứa trẻ sơ sinh bất hạnh bị mưu sát từ khi còn chưa ra khỏi bụng mẹ.”

“Bị mưu sát từ khi còn chưa ra khỏi bụng mẹ, bị ai mưu sát? Chẳng lẽ là những người anh em đa thai cũng trong bụng mẹ của nó sao?”

“Có lẽ nên nói là người anh em song sinh kia thì chính xác hơn. Khả năng gặp thai nhi giấy ở trường hợp mang đa thai là rất thấp, gần như không thể. Thường thì trong trường hợp mang thai đôi, hai bào thai phát triển đồng đều trong tử cung người mẹ. Nhưng dưới điều kiện cực đoan nào đó, một trong hai bào thai phát triển mạnh hơn, mới đầu nó sẽ lấy phần lớn chất dinh dưỡng về cho mình, chèn ép không gian sống của bào thai kia. Sau cùng, đến một lúc nào đó, cơ thể người mẹ sẽ tự cắt bỏ nguồn dinh dưỡng dành cho bào thai yếu hơn rồi dần dần hấp thu nó.”

“Những cá thể mạnh luôn giành được cơ hội sinh tồn, anh dùng từ mưu sát ở đây có phần hơi quá!” Tôi nói.

“Vấn đề là rất nhiều người nghi ngờ, nếu chỉ bị cơ thể người mẹ hấp thu, thai nhi này không thể trở thành mỏng như tờ giấy!” Bác sỹ cố ý nhấn mạnh.

Tôi chợt rùng mình, đăm đăm nhìn ông.

“Nên rất có thể đã xảy ra một khả năng khác, khi bị bào thai khỏe chèn ép, bào thai yếu hơn sẽ dần thay đổi hình dạng, sau đó một phần cơ thể nó bị cơ thể người mẹ hấp thu, phần kia bị bào thai khỏe hấp thu, sự hấp thu này có thể xảy ra khi bào thai yếu đã chết hoặc… ai mà biết được!”

Bác sỹ không nhắc đến cái khả năng kia, điều này thật hết sức khó tin và cũng thật ghê tởm. Trong đầu tôi vụt lóe lên hình ảnh bào thai này bám dím lấy bào thai kia, và hút dần hút mòn sự sống người anh em của mình, khiến bào thai kia khô quắt lại như thể tờ giấy. Đúng là một con quỷ hút máu biến hình.

Sau này lớn lên biết được chuyện này, thì kẻ hút cạn sự sống của người ruột thịt để chào đời sẽ cảm thấy thế nào?

“Khi nhìn xác đứa trẻ giấy dị dạng này, phản ứng đầu tiên của tôi cho rằng đó là đứa trẻ giấy. Nhưng sau đó tôi liền nghĩ, nếu thế thì đứa trẻ kia đâu?”

Vị bác sỹ chăm chăm nhìn tôi, dù trên thực tế ánh mắt ông chẳng hẳn dõi vào tôi, mà xuyên qua tôi, hướng về phía điểm mơ hồ nào đó trong không gian. Ông như thể đang hỏi tôi, dù kỳ thực ông cũng không hy vọng mình sẽ nhận được bất cứ lời giải đáp nào. Càng nghĩ về đứa trẻ giấy mà Hoàng Chức sinh ra, tôi càng thấy khác thường hơn. Ngay đến vị bác sỹ trung niên, với hơn chục năm kinh nghiệm làm việc này, cũng chết lặng trước hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu.

“Tại sao bệnh nhân chỉ sinh ra đứa trẻ giấy, còn đứa trẻ chèn ép nó đi đằng nào? Nếu không có đứa trẻ chèn ép kia, sao đứa trẻ đã chết lại có bộ dạng như vậy? Thứ gì đã chèn ép, hấp thu nó? Thứ ấy đâu rồi?”

Những câu hỏi của vị bác sỹ càng lúc càng bật ra dồn dập hơn, gương mặt ông cũng dần chuyển thành trắng bệch, vầng trán ông thoáng chốc lấm tấm mồ hôi. Sau khi nêu ra câu hỏi cuối cùng, lông mày ông chợt rung lên, mắt ông trợn tròn khiến tôi dựng tóc gáy.

“Không thể, không thể có thứ như vậy được!” Ông bật thốt lên sau đó vài giây một cách gắng gượng, ghê tởm nặn từng chữ ra khỏi miệng mình, “cái thai này không thể tự nhiên thành ra vậy!”

Nước bọt theo từng con chữ khó nhọc thoát ra khỏi miệng ông, bắn trúng chóp mũi tôi.

“Ồ, xin lỗi anh, tôi hơi nhập tâm quá!” Vị bác sỹ tạ lỗi.

Nhập tâm? Tôi thấy ông bị đứa trẻ giấy bắt mất hồn thì có.

Tiếng chân rải bước vội vàng xa dần. Ngoảnh đầu nhìn lại, tôi thấy cô y tá vừa nãy đứng bên nghe trộm càng lúc càng bước nhanh hơn, hai chân hơi ríu vào nhau, khiến cô lảo đảo suýt ngã.

Lượng thuốc an thần không nhiều, nên không lâu sau đó Hoàng Chức đã tỉnh lại. Cô không ngồi dậy trên giường, mà chỉ đờ đẫn đưa mắt nhìn lên trần nhà. Đứa bé gái ngồi trên chiếc ghế nhỏ nhìn mẹ.

“Mẹ,” con bé khẽ gọi.

Hoàng Chức không phản ứng gì.

Con bé lại yên lặng, thực ra nó vẫn luôn yên lặng, khép kín đến mức có phần lẻ loi.

Bệnh nhân cùng phòng ở giường khác thỉnh thoảng đưa mắt nhìn hai mẹ con. Họ có thiện ý hỏi thăm mấy câu, song Hoàng Chức cũng chẳng trả lời.

Tôi đứng quan sát từ phía ngoài phòng bệnh hồi lâu, phân vân không biết có nên phỏng vấn Hoàng Chức nữa hay không. Phỏng vấn cô vào ngay lúc này thì thật tàn nhẫn, vả lại chưa chắc cô đã chịu hợp tác, nhưng nếu không phỏng vấn mà chỉ dựa vào những điều bác sỹ Trương vừa nói, thì bài báo viết ra vẫn chưa hoàn chỉnh, thậm chí có thể bị biên tập viên xử tử, chẳng thể đăng báo.

Những câu hỏi chưa có lời giải đáp của bác sỹ Trương tựa như chiếc đèn kéo quân xoay vòng vòng trong đầu tôi, cộng với sự đeo bám dai dẳng của hình ảnh đứa trẻ mỏng dính như tờ giấy, tạo thành cái bóng trơ lì, ngoan cố neo chặt lấy tâm can tôi.

Liếm nhẹ đôi môi không biết đã khô nẻ từ khi nào, tôi chậm rãi thọc tay phải vào túi áo sơ mi.

Hoàng Chức vẫn giương mắt nhìn chằm chằm lên trần nhà loang lổ. Mồ hôi trên gương mặt cô đã khô từ lâu, còn sức sống trong cơ thể cũng gần như tan biến vào không trung theo những giọt mồ hôi đó. Gương mặt nhỏ nhắn, yếu ớt và xinh đẹp, đã bắt đầu xuống sắc do kiệt quệ tinh thần, khiến người ta trong lúc mơ màng tưởng nhầm cô chỉ là xác ướp.

Luồng không khí khẽ xáo động, làm cô chớp chớp mắt.

Con ngươi cô vẫn đờ ra, không vì những cái chớp mắt đó mà thay đổi, song chúng đã phản chiếu bóng dáng một người khác.

“Chào chị, tôi là phóng viên toàn soạn báo Ngôi sao buổi sớm.” Tôi cúi xuống nói với cô.

“Đây là danh thiếp của tôi.” Tôi giơ tấm danh thiếp rút từ túi áo sơ mi ra trước mặt cô.

Chớp mắt thêm lần nữa, cô chầm chậm đưa mắt nhìn tôi.

Chương 3: Những vụ mất tích liên hoàn

Đại Đường là thôn xóm tương đối trù phú, trực thuộc thành phố Côn Sơn. Đa phần dân ở đây đều sống trong những ngôi nhà ba tầng mới xây, xí nghiệp do thôn thành lập cũng làm ăn rất khấm khá, thu hút lượng lao động từ nhiều nơi đổ về, thậm chí rất nhiều dân thôn đã bỏ đất canh tác trồng trọt, để cho người ngoài thôn thuê bao thầu. Hiện nay, hơn nửa số người sống ở thôn chẳng phải là người dân gốc ở đây.

Khi xe phỏng vấn đi vào thôn Đại Đường, tôi quan sát thấy khu vực quảng trường thôn mà tôi vừa đi qua rất hiện đại và khí thế với bức tượng địa cầu, cùng một màn hình điện tử cở lớn. Thực tế, do quảng trường hơi rộng nên nhìn khá trống trải.

Nơi đây không còn là vùng thuần nông nữa. Bởi nhiều lý do nên diện tích đất canh tác của vùng đang co hẹp lại, nó đang trong thời kì chuyển đổi từ mô hình nông thôn sang thành thị.

Biển chỉ đường ở đây không nhiều và dễ thấy như trên thành phố. Dù trong thư Hoàng Chức gửi tôi có ghi địa chỉ nhà, song tôi vẫn phải hỏi đường vài lần mới tìm được.

Chiếc ô tô đỗ lại ở khu tập trung nhiều nhà cao tầng, gần giống với tiểu khu trên thành phố. Sau khi tôi cảm ơn bác tài, chiếc xe phỏng vần liền quay đầu chạy thẳng về Thượng Hải.

Đất đai nhà Hoàng Chức được thôn trưng dụng làm vườn sinh thái. Mỗi tháng họ đều đền bù bằng cách trả cô một khoản phí hỗ trợ sinh hoạt nhất định. Dù phải nuôi con nhỏ, nhưng với mức sống ở đây, nếu biết chắt bóp và chi tiêu tằn tiện, thì cô vẫn có thể sống qua ngày; còn nếu lại tìm được công việc làm thêm, thì cuộc sống của cô hẳn sẽ rất khá. Bởi không thấy cô đề cập đến chuyện này trong thư, nên tôi nghĩ rằng cô vẫn chưa tìm được việc. Có lẽ người trong thôn đều biết cô có vấn đề về thần kinh.

Giờ đã gần bốn giờ chiều, ban nãy trời vừa đỗ mưa, mặt đất còn ướt nên nền nhiệt không cao lắm. Đi được một quãng, tôi thấy một bà cụ mặt đầy nếp nhăn đang ngồi nhặt rau trên thềm trước cửa ra vào một ngôi nhà ba tầng. Dù nhà cửa ở đây đều đã được thành thị hóa, nhưng thói quen của con người thì vẫn chưa thể dễ dàng thay đổi được.

Đây là xóm 2. Địa chỉ ghi trong thư của Hoàng Chức chỉ thấy đề: “Hoàng Chức xóm 2, thôn Đại Đường”, chứ không có số nhà cụ thể. Tôi bước đến trước mặt bà cụ hỏi thăm.

Bà cụ tạm ngừng công việc đang làm, ngẩng đầu lên nhìn tôi, trên khuôn mặt phủ đầy nếp nhăn hiện ra nụ cười tươi móm mém. Nhưng ngay sau đó bà cụ liền lắc đầu, hỏi: “Cậu nói gì?”

Tôi tưởng bà cụ nghễnh ngãng, nên đã lặp lại câu mình vừa hỏi với âm lượng lớn hơn: “Xin hỏi cụ, nhà chị Hoàng Chức ở đâu ạ?”

Bà lại lắc đầu, ra hiệu mình vẫn không hiểu.

“Gì?” Bà hỏi lại bằng tiếng Côn Sơn.

Nhận ra bà không biết tiếng phổ thông, tôi vội hỏi lại bằng tiếng Thượng Hải. Người vùng Chiết Giang có thể hiểu tiếng địa phương của nhau đến tám, chín phần, nếu đối phương nói chậm lại một chút.

Nghe tôi nhắc đến hai từ Hoàng Chức, bà cụ liền đổi sắc mặt, mỗi nếp nhăn trên mặt bà đã toát ra sự căm ghét cùng đôi chút sợ hãi.

“Có chuyện gì mà cậu tìm nhà cô ta? Nói cậu biết, cô ta xúi quẩy lắm!”

“Xúi quẩy?” Tôi thấy hơi bất ngờ. Rõ ràng bà cụ chẳng nhắc gì đến việc Hoàng Chức là người tâm thần, chỉ bảo đến nhà cô ấy rất xúi quẩy.

“Người đàn bà này rất xúi quẩy, đến tìm cô ta, cậu phải cẩn thận không gặp xui xẻo!” Chỉ là câu nói ngắn mà bà cụ cũng phải thận trọng nhìn trước ngó sau.

Tôi cười, có lẽ bây giờ chỉ người già như bà thì mới tin vào những thứ như khắc phu sát chồng ấy.

Thấy tôi cười, biết tôi không tin, bà cụ thở dài bảo: “Ôi, đúng là người trẻ tuổi!” Bà đưa tay chỉ về một hướng, nói: “Muốn tìm cô ta thì cậu đi theo hướng đó, nhà cô ta không như các nhà khác.”

Sau khi đi theo hướng ấy một đoạn, tôi đã trông thấy nó. Quả đúng là rất dễ nhận ra, bởi đó chỉ là một ngôi nhà hai tầng xập xệ. Xập xệ ở đây không có nghĩa là gạch nát tường đổ, mà là vì ngôi nhà được xây theo lối nhà cổ trước kia, sơn tường nhiều chỗ đã bạc thếch, đang ngả sang màu nâu xỉn, khiến nó hoàn toàn tương phản với ngôi nhà bắt mắt của hàng xóm ở ngay kế bên. Thêm vào đó, nó lại được xây cách khá xa các ngôi nhà khác, đơn độc nép mình trong góc khu dân cư.

Tôi đứng trước cửa ra vào, rồi nhấn chuông.

Nhìn từ ngoài vào ngôi nhà loang lổ vết sơn của Hoàng Chức, tôi đoán hẳn đã nhiều năm nó chưa được tu sửa lại, tôi được biết: mấy tháng trước khi Hoàng Chức hạ sinh đứa trẻ giấy, chồng cô đã bất ngờ qua đời. Bởi rất coi trọng đứa bé trong bụng, cô mới đến bệnh viện phụ sản tốt nhất mà mình biết để sinh con. Đó là lý do vì sao tôi gặp cô ở bệnh viện Bà mẹ trẻ em số 1 Thượng Hải, và vì sao cô không có người nhà đi cùng ngoài đứa con gái nhỏ. Song tôi vẫn chưa rõ hoàn cảnh của những thành viên khác trong gia đình cô. Bà cụ vừa nãy cứ luôn miệng một tiếng xúi quẩy, hai tiếng khắc tinh là ý gì?

Tôi lại nhấm chuông thêm lần nữa.

Tôi nhớ Hoàng Chức mình gặp trong bệnh viện ba năm về trước hoàn toàn chẳng có nét gì giống phụ nữ nông thôn. Vẻ yếu đuối do bệnh tật khiến Hoàng Chức mang vẻ đẹp mong manh theo kiểu truyền thống. Ba năm sau gặp lại, không rõ giờ cô đã thay đổi thế nào? Nhiều người sau khi phát bệnh tâm thần đã già trước tuổi, song cũng có người vì chẳng phải bận tâm lo nghĩ việc đời, nên lại trẻ hơn cả người bình thường.

Vẫn không thấy ai ra mở cửa. Xem chừng tôi đến đúng lúc nhà cô không có người ở nhà. Nhưng cô bị bệnh như vậy, thì chắc chỉ loanh quanh đâu đó trong xóm, chẳng thể nào đi quá lâu. Bởi không dễ mà đến được đây, như lần này, nên tôi định chờ thêm một lát.

Đi vòng quanh nhà ngắm nghía, tôi càng thấy nó có phần vắng vẻ quạnh hiu hơn. Phần trên các bức tường bao quanh sân chẳng còn ngay ngắn, hiện đã bị sụt lở ở mấy góc, làm lộ ra màu gạch bên trong. Trên tầng hai, cánh cửa sổ làm bằng kính bị vỡ chưa được thay mới, chỉ được che tạm bằng một tấm bìa cứng.

Đột nhiên, tôi thấy nỗi khốn khó của cuộc đời xộc thẳng đến trước mặt mình.

Quay lại nhấn chuông cửa, vẫn không thấy động tĩnh gì, tôi vòng ngược trở lại theo lối đã đến, tới thị trấn cổ “Thiên Đăng” cạnh thôn Đại Đường, rồi dạo bộ giết thời giờ.

Lúc đi ngang qua chỗ bà cụ ngồi nhặt rau, bà ngước lên nhìn tôi. Tôi dừng bước, hẵng cứ trò chuyện với bà cụ đã.

“Cháu nói chuyện với cụ một lát được không ạ?”

“Được, được chứ!” Bà cụ ngừng tay, nhìn tôi gật đầu. Người già thường luôn thích trò chuyện với lớp trẻ.

“Sao vừa nãy bà nói nhà Hoàng Chức xúi quẩy ạ?” Tôi hỏi.

“À!” Bà cụ ngừng tay, lắc đầu, “Cô ta xúi lắm!”

“Xúi lắm? Sao bà lại nói vậy?”

Bà cụ quay đầu nhìn về phía nhà Hoàng Chức. Chỉ cái nhìn đó thôi, cũng đủ khiến tôi nhận ra bà cụ thực sự rất sợ.

Nhưng bà đang sợ cái gì?

“Tôi biết con bé Hoàng Chức này từ lúc nó hãy còn nhỏ đến giờ.” Bà cụ mở đầu câu chuyện về cô.

Hoàng Chức gọi lão Hoàng, ông lão ế vợ của thôn Đại Đường là bố. Lão ấy đã nhận con bé mồ côi Hoàng Chức về nuôi. Người ta vẫn hay nói, nuôi con để lấy chỗ nương tựa lúc về già, chắc hẳn lão ấy cũng tính vậy.

Lúc mới được mang về, Hoàng Chức hãy còn là một đứa trẻ chừng năm, sáu tuổi, nhưng đã rất hiểu chuyện. Không đầy mấy năm, nó đã biết giúp đỡ lão Hoàng làm các công việc vặt. Lão Hoàng làm nghề chài lưới. Bấy giờ con sông nhỏ chảy qua thôn Đại Đường hãy còn khá nhiều cá, hàng ngày ra đó chèo thuyền vài tiếng là có thể dễ dàng đánh được hơn chục, hai chục con cá. Có thể nói, con bé Hoàng Chức xem ra cũng vất vả không ít, nhưng một vài người trời sinh dù phơi sương phơi nắng thế nào cũng vẫn đỏ thịt thắm da, mà chẳng hề bị đen đi, khiến không biết bao cô gái thành thị mặt bự phấn phải ghen tị.

Chẳng đợi đến lúc về già không đi lại được, trong một lần đánh cá hôm trời gió to, thuyền lão Hoàng đã bị lật. Khi Hoàng Chức bơi được lên bờ, quay đầu nhìn lại, đã chẳng còn thấy bố đâu. Cả đời theo nghiệp sông nước mà lần đó lão lại bị rong bèo quấn chân, đến lúc đưa được lên bờ thì đã tắt thở. Năm đó Hoàng Chức được mười sáu tuổi.

Song đấy chỉ là tai nạn bất ngờ, chẳng ai có thể đổ tại là do Hoàng Chức xúi quẩy.

Không lâu sau, Hoàng Chức lấy Chu Quốc Đông làm chồng. Khoảng một năm sau, khi cô ta mang thai con bé Chu Tiêm Tiêm thì đến lượt cha Chu Quốc Đông qua đời vì bệnh tật.

Lúc đó người trong thôn chưa hề cảm thấy gì, ngược lại do Chu Quốc Đông nát rượu, hễ cứ uống say là lôi Hoàng Chức ra đánh, không ít người đã khuyên anh ta đối xử tốt với vợ hơn. Một người con gái như thế đi lấy chồng, bên gia đình chẳng còn ai thân thích, lại rơi vào cảnh thân cô thế yếu với gia đình chồng cũng là điều bất đắc dĩ.

Chu Tiêm Tiêm chưa đầy ba tuổi thì đến lượt bà nội con bé, mẹ Chu Quốc Đông mất tích. Hôm đó mọi người trong nhà đều ra đồng làm việc, đến trưa bà cụ thấy đau đầu nên Chu Quốc Đông bảo mẹ về nhà nghỉ, trông chừng con bé hộ vợ chồng anh ta. Kết cục, chiều tối hôm đó về nhà mọi người chỉ thấy mình con bé Chu Tiêm Tiêm. Đợi đến lúc tối nhọ mặt người cũng vẫn không thấy tăm hơi bà cụ đâu, thì hai vợ chồng họ mới đi báo công an. Công an cho tìm kiếm rất lâu, còn cho dán cả thông báo tìm người ở các vùng lân cận, song mãi đến giờ vẫn không thấy tin gì về bà cụ.

Bởi thế, tin đồn Hoàng Chức có số sát nhân mới dần lan đi.

Lúc bụng Hoàng Chức lại to ra – khi cô ta đang mang thai đứa thứ hai, thì đến lượt Chu Quốc Đông mất tích một cách đầy bí ẩn. Theo những gì Hoàng Chức nói với công an, thì vào tối hôm đó do uống rượu say, Chu Quốc Đông đã đánh cô một trận thừa chết thiếu sống. Sau khi bị chồng đánh, Hoàng Chức trốn vào nhà vệ sinh khóc, nửa tiếng sau cô ra khỏi nhà vệ sinh nhưng đã chẳng thấy chồng đâu. Cô nghĩ anh ta lại ra ngoài uống rượu hoặc đánh mạt chược, nhưng đợi mãi đến chiều tối ngày hôm sau vẫn chẳng thấy chồng về. Tất nhiên công an cũng từng nghi ngờ Hoàng Chức, song dù nghi là mất tích hay bị mưu sát, thì họ cũng chẳng có manh mối gì, nên cuối cũng thành ra một vụ thiếu manh mối. Kể từ đó người trong thôn hiếm khi qua lại với nhà ấy, không dám nhìn thẳng vào mắt cô ta. Vào lần phỏng vấn tại bệnh viện, khi Hoàng Chức nói với tôi là chồng cô “mất rồi”, tôi cứ ngỡ anh ta đã qua đời, ai ngờ là “mất” thật.

Chớ nghĩ mọi chuyện đã dừng lại ở đây, tới lượt con bé Chu Tiêm Tiêm lại mất tích.

“Gì ạ? Chu Tiêm Tiêm mất tích thật sao cụ?” Nghe bà cụ nói, tôi giật mình hỏi.

“Mất tích thật, cái nhà đó giờ chỉ còn mình Hoàng Chức sống thôi.” Bà cụ vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía đó.

“Chuyện xảy ra từ bao giờ thế ạ?”

“Chắc khoảng hai ba tháng. Do có vấn đề về tâm thần nên Hoàng Chức không trông nom con bé kĩ càng lắm, cô ta còn biết đi chợ mua đồ về nấu ăn đã là tốt lắm. Con bé nhà ấy được thả rông, quẩn quanh bên người lạ suốt ngày. Nếu được hỏi thì tôi sẽ nói rằng nhẽ ra nó phải bị lừa bắt từ lâu rồi cơ!” Bà cụ vừa nói vừa nheo mắt.

“Quẩn quanh bên người lạ?”

“Chẳng phải là người trong thôn, tôi chưa thấy họ bao giờ.”

“Con bé bị lạc hay bị ai dụ dỗ hả cụ?”

“Ai mà biết được. Chẳng rõ. Giờ không thấy nó nữa cũng tốt!” Bà cụ thở dài.

Tôi thoắt sững lại, như thể cảm thấy bà cụ trước mặt mình chẳng hề buồn đau trước sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm, trái lại thở phào nhẹ nhõm.

“Không thấy nữa cũng tốt” sao bà cụ trông hiền từ, lương thiện này có thể thốt ra câu nói quá đáng, thậm chí có phần ác ý nhường vậy?

Thấy tôi ngỡ ngàng, bà cụ không định rút lại câu nói vừa rồi của bản thân, mà còn tiếp: “Không người nào ở thôn muốn bồng bế con bé ấy cả, theo tôi, nó hệt như mẹ nó, đều là những người rất khó bắt thân.”

“Ồ?”

“Cậu còn chưa gặp nó, một đứa trẻ chẳng khóc, chẳng cười, chẳng nói, có đôi mắt u tối, lạnh lùng, nhìn ai cũng đủ khiến họ lạnh buốt sống lưng đến nửa ngày sau đó.”

Lúc nói đến Chu Tiêm Tiêm, vẻ mặt bà cụ rất không tự nhiên, hẳn trong lòng bà còn có điều khúc mắc sâu sắc với đứa bé gái hơn là với người mẹ. Tôi rất không tán thành với bà cụ, thực ra tôi đã gặp Chu Tiêm Tiêm. Con bé chính là đứa trẻ kiệm lời, rụt rè của ba năm trước. Gia đình liên tục xảy ra chuyện, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến con trẻ, khiến ngay cả một đứa bé hiếu động cũng trở nên lầm lì rụt rè, rồi từ lầm lì rụt rè thành ra khép kín. Lại thêm chuyện người mẹ bị mọi người ở thôn khiếp sợ, xa lánh, thì việc Chu Tiêm Tiêm bị họ coi là có mà cũng như không cũng chẳng có gì là lạ. Chính sự mê tín quá mức của người dân nơi đây đã khiến cuộc sống mẹ góa con côi của hai mẹ con Hoàng Chức trở nên không dễ dàng gì.

Sao mình không sớm về đây xem xét chứ? Tôi thầm trách bản thân.

“Phía công an họ nói gì, có manh mối nào không cụ?”

“Dầu sao cũng vẫn chưa thấy gì, mẹ con bé cứ nói năng lung tung vậy thì họ biết đằng nào mà lần?”

Qua câu trả lời và vẻ mặt của bà cụ, tôi đã hiểu ra phần nào. Người thân duy nhất còn lại của con bé vừa bị mất tích là một bệnh nhân tâm thần, còn người có thể cung cấp manh mối trong thôn, nếu đều là người có thành kiến với Chu Tiêm Tiêm như bà cụ đây, thì hẳn sẽ không chủ động hợp tác. Thêm vào đó, trước đây gia đình Hoàng Chức từng xảy ra nhiều vụ mất tích không manh mối, e rằng vụ việc lần này cũng giống vậy nên chẳng ai để tâm theo dõi.

Tôi thử nhẩm tính, ngay khi con bé mất tích, Hoàng Chức đã gửi thư cầu cứu tôi lần đầu. Vậy sao lúc đó tôi không về đây sớm hơn? Tôi tự trách mình thêm lần nữa.

Nếu là hồi mới vào nghề sau khi ra trường, có lẽ dù nhận được thư của một bệnh nhân tâm thần, dù phải gọi điện về tận đồn công an địa phương tìm hiểu, tôi cũng sẽ tìm đủ mọi cách làm sáng tỏ mọi việc. Còn giờ thì…

Tôi lắc đầu, gạt bỏ một vài suy nghĩ ra khỏi trí óc. Bất kể thế nào tôi cũng phải cố tìm ra được Chu Tiêm Tiêm.

“Tôi thấy mắt mũi cậu trông có vẻ là người tốt, lại có ý quay lại trò chuyện với bà già này, nên mới nói vậy. Đừng đến nhà cô ta nữa, nghe lời tôi nói, cậu sẽ thấy không sai đâu!” Bà cụ bảo.

“Thực ra vì ở đó không có ai ở nhà nên cháu mới quay lại sớm thế!” Tôi cười.

“Cô ta không ở nhà sao? Không thể nào!” Bà cụ một mực khẳng định.

“Đúng là không ai ở nhà thật, cháu nhấn chuông cửa tận mấy lần mà!”

“Không thể nào, cô ta tự nhốt mình trong nhà, rất ít khi ra ngoài, có ra chợ cũng không thể đến giờ này còn chưa về. Hơn nữa tôi ngồi đây đã lâu, ngoại trừ lúc đi ăn cơm, cũng đâu thấy cô ta đi qua.” Bà cụ vừa nói vừa ngừng tay, nghĩ ngợi một lát rồi dịch rổ rau sang bên để đứng dậy.

“Đi, ta đi xem thế nào!” Bà bảo.

Bà cụ cao không quá vai tôi, đến độ tuổi này mà bước đi hãy còn nhanh nhẹn, dứt khoát.

“Cậu tìm Hoàng Chức có việc gì?” Khi đó bà cụ mới nhớ đến việc hỏi thăm mục đích của tôi.

“Cháu là phóng viên của tòa soạn báo Ngôi sao buổi sớm ở Thượng Hải, cô ấy…”

Tôi mới nói được nửa chừng, bà cụ đã “A” lên một tiếng, cắt lời bảo: “Hóa ra thư từ của cô ta đều gửi cho cậu. Không ngờ cậu về đây gặp cô ta thật. Bọn tôi đều bảo phóng viên lớn họ bận lắm, phải bỏ thời gian quan tâm, để ý đến chuyện quốc gia đại sự, hơi đâu mà lo đến chuyện của một mụ điên nữa. Chà, kể ra thì tôi biết rõ Hoàng Chức từ hồi nó còn bé tí, hồi đó tôi vẫn hay kể chuyện cho nó nghe, bây giờ…”
Bà cụ vào mạch câu chuyện nên tuôn ra một tràng, khiến tôi thấy hơi ngượng. Trong thời buổi tin tức đi theo xu thế giải trí hóa hiện nay, chắc chỉ còn mình bà cụ nhà quê này giữ cách nhìn và sự kính trọng vậy đối với phóng viên. Có lẽ hơn nữa số thư của Hoàng Chức đều được người trong thôn gửi hộ, nên chuyện cô gửi thư cho ai cũng trở thành đề tài bàn tán công khai ở đây.

Hóa ra dân thôn nơi đây vẫn duy trì được tinh thần tương thân tương ái tối thiểu, ngay đến bà cụ mê tín là vậy, nhưng khi nghe nói Hoàng Chức không có nhà một cách bất thường thì cũng đòi đến xem thế nào.

Loáng cái trước cửa nhà Hoàng Chức, tôi đứng trước cửa nhấn chuông, vẫn không thấy động tĩnh gì.

“Ta ra phía sau xem sao.”

Tôi theo bà cụ vòng ra phía sau nhà.

“Cậu đẩy cửa thử xem!” Bà cụ bảo.

“Đẩy cửa ạ?” Cửa đóng mà, tôi đưa mắt nghi ngại nhìn bà cụ, thấy cụ đang gật đầu một cách đầy dứt khoát về phía tôi.

Tôi đưa tay đẩy thử một cái, cánh cửa hơi thụt về bên trong.

“Đẩy mạnh hơn xem nào!” Tiếng bà cụ vang lên từ phía sau.

Tôi dồn lực đẩy mạnh hơn, chốt cửa phát ra một tiếng kêu khẽ, vì đã bị tôi đẩy tung.

“Khóa cửa phía sau nhà cô ta bị kẹt hỏng từ lâu mà mãi chưa được thay, may là thôn chúng tôi không có kẻ xấu và nhà cô ta cũng chẳng có thứ gì đáng giá.”

Tôi đang lóng ngóng không biết nên làm gì. Liệu có nên vào trong hay không? Đột nhập vào nhà riêng của người khác là phạm pháp.

“Cậu còn đứng ngẩn tò te gì nữa? Giúp tôi vào đó xem có chuyện gì đi thôi. Tôi thì chắc chắn không vào rồi, song trông cậu cũng chẳng có vẻ gì giống kẻ xấu.” Bà cụ cười một cách đầy hiểu biết.

“Vâng, được ạ!” Tôi thoáng do dự rồi bước hẳn vào trong.

Cửa kính đầy bụi, do đã lâu chưa được lâu chùi khiến ánh sáng rất khó lọt qua, thêm vào đó giờ đã gần lúc chạng vạng, ánh nắng đã nhạt từ lâu. Vừa bước qua cửa nhà Hoàng Chức, tôi đã thấy gai gai trong người.

Đây hẳn là kho chứa đò, trong góc là mấy chồng ván gỗ và giấy báo cũ nát, ngoài ra chẳng còn thứ gì khác. Lúc đi qua, tôi để ý thấy tờ báo trên cùng chính là tờ “Ngôi sao buổi sớm”.

Phòng ngoài trống hơ trống hoác, so với kho chứa đồ, nó chỉ có thêm một chiếc ghế dài, một chiếc bàn vuông nhỏ bằng gỗ, hai chiếc hòm gỗ, một cái tủ mất chân được kê thay bằng gạch, trên là chiếc tivi 14 inch, loại tivi cũ rích mà ngay nơi thu mua phế liệu trên thành phố cũng chẳng thèm ngó tới.

Phía bên kia là nhà bếp, cạnh bếp là mấy chiếc nồi, trong đó có một chiếc đã được vá lại bằng đinh tán, chiếc tủ lạnh một cửa với lớp nước sơn đã bắt đầu bong tróc, mặt sau đã lốm đốm vết gỉ. Mỗi món đồ đều toát lên vẻ nghèo khó của chủ nhân chúng.

Bà cụ đứng ngoài rõ ràng hơi lo rằng Hoàng Chức đã gặp chuyện, song nhìn qua tầng một thì tôi chưa thấy gì có gì khác thường.

Tôi đưa mắt nhìn về phía chiếc tủ lạnh mấy lần. Đặt trong khung cảnh này, nó gợi lên trong ta rất nhiều liên tưởng, và vì là một kẻ giàu trí tưởng tượng, nên bất giác những hình ảnh cứ thế hiện lên trong đầu tôi.

Tôi đưa tay nắm lấy phần tay cầm chiếc tủ lạnh, thoáng lưỡng lự. Nên làm vậy không, tôi chỉ định vào ngó xem Hoàng Chức có gặp chuyện gì không thôi mà, còn nhòm vào tủ lạnh thì khác gì tự tiện lục lọi ngăn kéo riêng, là sự tọc mạch ở cấp độ cao hơn về đời sống tiêng tư của người khác.

Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa chiếc tủ lạnh và ngăn kéo là ở chỗ tủ lạnh thì to hơn và có thể chứa được nhiều thứ hơn.

Tôi khẽ kéo, cửa tủ đã bật mở. Qua cánh cửa hé mở, một mùi cực kì khó chịu xộc thẳng ra ngoài.

Mới hít thử, tôi đã thấy chóng mặt buồn nôn, vội vàng lùi ra sau một bước. Cánh cửa tủ theo đà dần mở hẳn ra.

Tuy cửa đã mở, tủ lạnh vẫn không thấy sáng đèn. Hóa ra nó không cắm điện.

Bên trong vẻn vẹn chỉ có một bát cơm, một bát cà xào cùng hai quả trứng.

Trời nóng thế này, chỉ cần ủ vài tiếng là cơm và thức ăn đã hỏng và bốc mùi, huống chi ở đây chúng lại được ủ trong chiếc tủ lạnh không cắm điện chí ít cũng hai ba ngày rồi.

Tôi đưa tay bịt mũi, đóng cửa tủ lại rồi ra khỏi nhà bếp.

Tôi không quá bận tâm đến việc tại sao còn cơm và đồ thừa trong đó, mà dây cắm tủ lạnh lại bị rút ra, vì dù sao Hoàng Chức cũng là một người bệnh tâm thần. Song chí ít điều này đã chứng tỏ Hoàng Chức đã không ăn cơm nhà hai ngày nay.

Cô ấy đi đâu? Mà không ai trong thôn hay biết?

Chiếc cầu thang gỗ dưới chân rên lên từng tiếng kẽo kẹt khi tôi lên tầng hai.

Tầng hai chỉ là vài phòng ngủ trống, không bóng người y như tầng dưới. Ngay cả tủ tường và gầm giường tôi cũng đã nhòm xem, song vẫn không thấy gì bất thường. Trong vài năm gần đây, những người từng ngủ ở mấy căn phòng ngủ này đều lần lượt “biến mất” từng người một, nghĩ đến đây – dù tin hay không tin điều bà cụ nói, tôi cũng bất chợt thấy sởn da gà.

Cũng giống như những con búp bê vải trong căn phòng ngay trước mặt tôi đây, Chu Tiêm Tiêm dù giờ đang ở đâu, hẳn cũng sẽ nhớ về chúng.

Lúc bước ra khỏi phòng ngủ đó, tôi chợt khựng lại. Đảo mắt quan sát khắp xung quanh một lượt, tôi thấy da mặt và tay mình tê tê như có dòng điện chạy qua.

Đây là phòng ngủ có hai cửa vào từ cả phía trong lẫn ngoài; đi từ phòng ngủ phía trong ra còn một phòng ngủ nhỏ hơn bên ngoài, đi tiếp sẽ đến hành lang vòng thông với cầu thang lên xuống.

Ban đầu, nếu đi từ phòng ngoài vào, ta không thấy có gì kì lạ, nhưng khi bước ra khỏi phòng ngủ đầy búp bê vải, nhìn vào chiếc giường ở gian phòng ngoài thì tôi lập tức nhận ra, hai phòng ngủ thông nhau này đều có người nằm.

Hơn nữa, chiếc giường kê ở phòng ngủ ngoài lại là chiếc giường con!

Trên giường đặt chiếc gối nhỏ, tôi nhào đến chỗ chiếc hòm gỗ kê cạnh tường, mở ra. Bên trong rành rành là quần áo bé gái.

Quả nhiên phòng ngủ phía trong không phải là phòng ngủ chung của Chu Tiêm Tiêm và Hoàng Chức, Chu Tiêm Tiêm ngủ riêng ở phòng này. Một bé gái chừng sáu, bảy tuổi rất ít khi dám ngủ một mình, dù người mẹ ngủ ngay phòng trong. Không sai, phòng đây búp bê vải kia là phòng ngủ của Hoàng Chức!

Tôi từ từ xoay người, quay trở lại căn phòng chứa búp bê vải.

Trong này, đâu đâu cũng thấy búp bê vải, búp bê trên giường, búp bê trên bàn, búp bê trên ghế, trên cửa sổ. Tôi mở tủ âm tường, quả vậy, búp bê ở cả trong đây nữa.

Tôi cầm một con búp bê lên xem, hẳn nó do Hoàng Chức tự khâu tay, thân và tứ chi nó được làm từ vải xám, đầu bằng vải trắng, bên trong nhồi cotton hoặc vải vụn. Khuôn mặt búp bê được tô vẽ với màu đen phần mắt mũi, màu đỏ cho khuôn miệng xinh xinh đang toét ra cười.

Tất cả các con búp bê vải đều chung một kiểu mặt na ná nhau, mắt mở to, miệng cũng mở to. Tôi chợt cảm thấy như mấy chục con búp bê vải ở mọt góc ngách trong phòng đang chằm chằm nhìn mình, và hét lên trong câm lặng.

Trán tôi lạnh toát, lòng bàn tay nhơm nhớp mồ hôi. Tôi biết vì sao Hoàng Chức lại làm nhiều búp bê vải đến vậy.

Rút lui khỏi cuộc bao vây của quân đoàn búp bê vải, khung cảnh buổi phỏng vấn diễn ra tại phòng bệnh của bệnh viện bảo vệ bà mẹ và trẻ em ba năm về trước vịt hiện lên trong đầu tôi.

Hoàng Chức nằm trên giường, chằm chằm nhìn tôi hồi lâu rồi mới cầm tấm danh thiếp tôi đưa. Cô cử động một cách đầy khó khăn, nặng nhọc.

Cô nhìn tấm danh thiếp tôi đưa hồi lâu, chẳng phải vì vuông bìa nhỏ đó in hoa văn họa tiết gì, mà bởi cô đã quá rệu rã và kiệt quệ cả về tinh thần lẫn sức lực, với cô việc tập trung chú ý quả là nhiệm vụ đầy khó khăn.

Cuối cùng, vẻ mặt cô cũng hơi thay đổi. Cô cầm tấm danh thiếp trong tay, xoay đầu nhìn tôi, mắt ánh lên tia sáng le lói.

“Thầy phóng viên!” Cô gọi tôi một cách đầy trịnh trọng mà mộc mạc.

“Thầy phóng viên, anh hãy giúp, hãy giúp tôi với!” Cô níu cổ tay tôi mạnh đến mức tôi cảm tưởng như mình vừa đeo một chiếc còng sắt.

Không tiện giằng ra, tôi nhìn cô cười, đáp: “Chị đừng gọi tôi là thầy, nếu chị bằng lòng, tôi muốn được trò chuyện với chị về buổi gặp mặt này.”

“Thầy phóng viên ơi, họ cướp con tôi, và mang nó đi mất rồi!” Tiếng Hoàng Chức lại vang lên, khiến tôi hơi khó xử.

“Không việc gì phải vội, ta cứ từ từ nói.” Tôi an ủi cô.

“Tôi không thể sinh ra cái thứ kia!” Lúc nhắc đến “cái thứ kia” mặt Hoàng Chức thoáng kinh sợ, “Anh… anh biết…”

Tôi gật đầu: “Tôi biết, bác sỹ cũng đã cho phép tôi nhìn qua.”

“Không, anh không biết!” Cô khăng khăng lắc mạnh đầu, “con tôi không thể, nó là thằng bé rất khỏe mạnh, cứng cáp và hơi hiếu động.” Ánh mắt cô lại dần trở nên mơ màng, như thể đang đắm mình vào bức tranh mà tâm trí cô tự vẽ ra.

Tôi ho một tiếng, cắt ngang dòng suy tưởng của cô, nói: “Tôi đã hỏi bác sỹ, anh ấy nói, đứa bé này của chị được gọi là hiện tượng thai nhi giấy.”

“Thai nhi giấy? Thai nhi giấy là cái gì chứ?” Hoàng Chức giương mắt nhìn tôi hơi dữ dằn, “Sao tôi có thể sinh ra thai nhi giấy cơ chứ?”

Tôi bắt đầu cảm thấy đến phỏng vấn người bệnh thần kinh không ổn định là một sai lầm.

“Thầy phóng viên, xin anh, anh phải tin tôi. Tôi không gạt anh đâu, tôi chắc chắn trong bụng mình còn một đứa bé khỏe mạnh nữa. Không làm sao tôi có thể sinh ra cái thứ quái dị kia, bác sĩ có giải thích được chăng? Ngay bản thân ông ấy cũng khôn tin chắc vào giả thuyết của mình mà.!”

“Cái này thì, vẫn còn một vài trường hợp đặc biệt y học chưa thể giải thích được.”

“Không, không, anh hãy nghe tôi, lúc mang thai tôi vẫn thường cảm thấy đứa bé cử động, ngọ nguậy trong bụng mình. Với tôi, đây chẳng phải lần mang thai đầu nên tôi biết. Đứa bé trong bụng tôi lần này nghịch ngợm và hiếu động hơn Chu Tiêm Tiêm hồi xưa nhiều. Tôi vẫn nghĩ, nó nhất định là một bé trai bướng bỉnh, nghịch ngợm.”

“Thế… chị đã làm siêu âm ba chiều chưa?” Tôi nghĩ đến cách chứng minh.

“Chưa… tôi không muốn mất thêm tiền cho việc này. Dẫu sao cũng đã mang thai rồi, là trai hay gái tôi đều yêu cả.”

“Việc này…” tôi biết phụ nữ mang thai cảm nhận được cử động của thai nhi trong bụng họ, song nhiều khi đó chỉ là ảo giác họ tưởng tượng ra, chưa thể xem đây là bằng chứng có giá trị.

“Chị Vương, chị Vương ơi!” Hoàng Chức gọi một bệnh nhân cạnh giường cô, “mấy hôm trước chẳng phải em bảo chị áp tai vào bụng em nghe, và chị cũng nghe thấy nó cử động sao?”

“Hừm, đúng đấy!” Chị Vương trả lời. Tất cả bệnh nhân trong phòng đều chăm chú lắng nghe đoạn đối thoại giữa tôi và Hoàng Chức, tuy tôi nói khá nhỏ, họ chưa chắc đã nghe được hết, song hẳn là tất cả đều biết đứa bé Hoàng Chức sinh ra đã không còn nữa.

“Chị nghe thấy?” Tôi hỏi.

“Hình như… hình như như là một chút,” giọng chị Vương, người được hỏi, trở nên ngập ngừng, “nhưng nghe không rõ lắm nên tôi không dám khẳng định.”

“Ơ này chị Vương, hôm đó chẳng phải chị bảo nó đạp rất mạnh là gì?” Hoàng Chức sốt ruột lên tiếng.

“Cái này cũng có thể là có.” Dù thế nào chị Vương cũng chẳng dám nói thẳng. Chị ta có chút khôn khéo của người Thượng Hải, cứ nói theo kiểu lấp lửng nước đôi, không muốn mình bị cuốn vào cuộc đôi co có thể xảy ra giữa bệnh viện và Hoàng Chức hiện giờ. Đương nhiên, cũng có thể chị ta không nghe thấy, và đó chỉ đơn giản là vài câu xã giao nhằm lấy lòng Hoàng Chức mà thôi.

Phần sau cuộc phóng vẫn ngày hôm đó trở thành vô nghĩa. Mặc tôi nói gì, Hoàng Chức vẫn một mực khăng khăng tin rằng cô đã mang thai một đứa trẻ khỏe mạnh, và bác sĩ đã cướp con cô đi. Nhưng thế nào thì tôi cũng không thể đồng tình với điều cô nói, làm vậy nghĩa là tôi thừa nhận bệnh viện cỡ ba sao này là của Thượng Hải đã trắng trợn bắt cóc con của sản phụ một cách chẳng hề giấu giếm. Sao có thể vậy chứ?

Bác sĩ không thể giải thích đứa trẻ như giấy này được hình thành như thế nào, còn sản phụ một mực khẳng định bệnh viện đã bắt cóc con mình. Vậy bài báo này tôi nên viết làm sao đây? Tôi đành phải xin lỗi người cung cấp tin cho mình, thêm lần nữa anh ta chẳng nhận được chút tiền thưởng nào.

Với tôi, mọi chuyện đã kết thúc ngay sau buổi phỏng vấn đó; còn với Hoàng Chức, cô vẫn tin mình từng có một đứa con sơ sinh. Đứa trẻ đã chèn ép và hấp thu người anh em cùng mẹ với nói, biến đứa kia thành bộ da, rồi cuối cùng tan biến vào không khí. Cô ấy không kiện bệnh viện, mà lại phát bệnh tâm thần, làm ra vô sô búp bê vải như thế đó chính là đứa bé bị mất tích một cách đầy thần bí của bản thân.

Lúc ra khỏi nhà Hoàng Chức qua lối cửa sau, tôi giật bắn mình. Đứng đợi tôi trước cửa không chỉ có mình bà cụ, mà còn có bốn người khác, năm đôi mắt chăm chăm hưởng thẳng vào tôi.

“Thế nào rồi cậu?” Bà cụ hỏi.

“Chẳng có ai cả!” Tôi không đả động gì đến chiếc tủ lạnh. Ở đây có nhiều người nên tôi không muốn kể việc mình đã tự tiện vào nhà lục lọi đồ đạc của người khác nhằm tránh gây rắc rối.

“Vậy để tôi nói, sáng tinh mơ hôm qua tôi thấy cô ấy ra ngoài.” Một người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ lên tiếng.

Việc thôn mời hẳn bảo vệ trông coi khiến tôi hơi bất ngờ, sau mới sực nhớ ra: lúc vào thôn ban nãy tôi có nhìn thấy túp nhà nhỏ không bóng người ngoài cổng, không rõ lúc ấy anh ta làm việc vặt ở đâu.

“Sáng tinh mơ hôm qua à?” Tôi hỏi anh ta.

“Vâng, chừng năm giờ gì đó, cũng có lẽ chưa đến năm giờ. Ngặt nỗi lúc đó tôi hơi mệt và buồn ngủ, không quan sát kĩ. Thế nên ban nãy tôi chưa dám khẳng định.”

“Tôi nói với anh Tiểu Hạ này, anh làm bảo vệ thì sao có thể mệt mỏi và buồn ngủ trong lúc đang làm nhiệm vụ, nhất là lại vào lúc đêm hôm sáng sớm như vậy nữa. Gần đây càng ngày càng có nhiều người ngoài đổ về thôn…” Một cụ chừng hơn sáu chục tuổi bắt đầu lên lớp thuyết giảng bài học giữ gìn trật tự trị an cho anh chàng bảo vệ, còn đối phương chỉ một điều dạ hai điều vâng. Nhìn cảnh anh chàng hồ hởi gật gù tôi lại nghi ngờ không biết anh ta có nghe tai này rồi lại cho ra tai kia không. Dẫu sao, đó cũng chẳng phải là chuyện dính dáng gì đến tôi.

Sáng sớm hôm qua Hoàng Chức đã ra đi. Tôi đoán chừng vì biết mình vắng nhà một thời gian và không muốn phí phạm tiền điện nên cô ấy đã rút dây cắm tủ lạnh khỏi ổ điện. Và cũng do tinh thần rối loạn, nên cô quên mất rằng cơm và thức ăn thừa sẽ hỏng, nếu tủ lạnh không có điện.

Vậy Hoàng Chức có thể đi đâu?

Liệu cô ấy có đi tìm con gái?

Chương 4: Hai đứa trẻ sơ sinh bị đông cứng

Suy cho cùng thì trong việc tìm kiếm người mất tích, công an vẫn có nhiều nghiệp vụ hơn. Nhờ người mốc nối quan hệ, yêu cầu công an Côn Sơn để ý hơn đến sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm là việc làm thực tế nhất mà kẻ đang mang mặc cảm tội lỗi là tôi có thể thực hiện. Nếu ngay cả công an cũng không tìm ra manh mối gì, thì e rằng bảo tôi tự đi điều tra là điều hơi phi thực tế, vả lại hàng ngày tôi còn phải đến tòa soạn làm việc nữa chứ.

Do không quen ai làm công an ở Côn Sơn, tôi đã phải móc nối quan hệ qua phía người quen là cảnh sát ở Thượng Hải, đợi xem liệu những người cùng làm trong ngành có thể tương trợ, giúp đỡ nhau chăng.

Kể ra thì tôi cũng kết bạn với rất nhiều người làm trong ngành cảnh sát ở Thượng Hải, tính riêng đám anh em thân thiết đã vài người. Song lần này người tôi hẹn ăn trưa và nhờ giúp đỡ lại là một giám định viên pháp y.

Một nữ giám định viên pháp y trẻ trung xinh đẹp, là con lai với cặp mắt xanh nhạt, tôi nhớ cô ấy không mang quốc tịch Trung Quốc.

Tên cô ấy là Hà Tịch.

Ồ vâng, tôi thừa nhận mình có hơi mượn việc công mưu việc riêng, hừm, hay ta nên nói là mượn hoa cúng Phât… hoặc theo cách khác là kẻ say không say vì rượu. Không rõ sao cứ nhắc đến cô ấy là tôi lại bắt đầu lắp bắp?

Đúng rồi, tôi nhớ cô ấy mang quốc tịch Thụy Sĩ. Một Hoa kiều mang quốc tịch Thụy Sĩ, bỗng dưng gia nhập hàng ngũ giám định viên pháp y trực thuộc hệ thống cảnh sát Thượng Hải cách đây không lâu, điều tuyệt đối chẳng bao giờ xảy ra trong hoàn cảnh thông thường, vậy mà giờ nó đã xảy ra. Trường hợp đặc biệt, xét về thứ bậc, tuy cô ấy chỉ là giám định viên pháp y, song nếu đánh tiếng chào hỏi công an Côn Sơn qua cô ấy thì hẳn sẽ ổn.

Sỡ dĩ tôi phải giải thích nhiều như vậy bởi tôi muốn nói rằng Hà Tịch đúng là người có thể giúp tôi trọng vụ mất tích của Chu Tiêm Tiêm, đó hoàn toàn chẳng phải là lời viện cớ để đuổi theo tán tỉnh.

Chẳng phái bắn một mũi tên trúng hai đích sẽ tốt hơn sao? Xưa nay tôi vẫn luôn thẳng thắn, mối quan hệ giữa tôi và Hà Tịch quả đúng là có chút không rõ ràng. Lại dùng sai thành ngữ nữa rồi, đáng nhẽ phải nói là khó nói hết trong một câu.

Lần đầu tôi gặp Hà Tịch, cô hãy còn là nhân viên nghiên cứu của một tổ chức y học tầm cỡ quốc tế. Hồi đó, do hai người đang bị cuốn vào mối nguy lớn, nên chúng tôi đã trở thành chiến hữu cùng chung lưng đấu cật bên nhau trong cơn hoạn nạn. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác, và tôi cũng không tiện đề cập sâu hơn ở đây. Khi chân tướng sự việc lần đó được làm sáng tỏ, mối nguy hiểm đã qua đi, rồi nếu không bị ép chia tay thì có lẽ giờ cô ấy được gọi là vợ anh Na rồi.

Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, năm nay lúc bất ngờ hay tin Hà Tịch đã trở thành giám định viên pháp y của cơ quan cảnh sát Thượng Hải, tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy mừng cho cô ấy. Nhưng hệt như một mô típ quen thuộc trong kiểu tiểu thuyết ngôn tình mà tôi cực ghét, cô ấy còn có một vài sự thay đổi khác.

Không phải là mất trí nhớ, song cũng chẳng khác là bao.

Các bạn bè biết về trải nghiệm li kì – do mong muốn trở thành bất tử gây ra vào năm 2005, đều nghĩ nếu có ngày tôi gặp lại Hà Tịch, cô ấy hẳn đã có cuộc đời mới. Cụm từ “cuộc đời mới” ở đây được dùng để chỉ sự sống vượt lên trên hoàn cảnh không thể, và hơn thế, còn là cuộc đời mới.

Cô ấy chưa quên tôi, vẫn hoàn toàn lưu lại mọi ký ức, song tình yêu đâu chỉ đơn giản là sự ghi nhớ.

Có thể vì dấu tích sâu đậm mà tình yêu in dấu lại nơi con tim lúc cơn sóng tình rút khỏi bờ, nên khi gặp lại cô đối xử với tôi vẫn có phần hơi khác. Tôi không nên tiếp tục oán hận gì, rốt cuộc cô ấy đã xuất hiện trước mắt tôi, để ít nhất tôi có được cơ hội làm lại từ đầu.

Thứ tình cảm bùng cháy trong hiểm nguy thường rất dữ dội và mãnh liệt, nhưng giờ tôi đã học được cách giữ kiến trong lòng, để nó cứ bền bỉ, âm thầm chảy mãi như dòng nước nhỏ. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ ngày nào đó tôi sẽ chinh phục được cô ấy, chỉ là tôi đang giúp cô ấy tìm lại những cảm giác đã mất.

Hà Tịch luôn luôn đúng hẹn, nhưng giờ đã quá mười phút so với giờ hẹn. Tôi bèn gọi hai đĩa đồ ăn nguột, ăn lót dạ trước.

Ngồi ở bàn bên là đôi tình nhân trẻ đang làm nũng nhau. Đang cầm đũa gắp hạt lạc xào cho vào mồm, chợt thoáng thấy anh chàng lúc nào cũng mỉm cười chăm chăm nhìn người yêu bất ngờ rời khỏi gương mặt đối phương…

Ngoảnh lại, tôi liền nhìn thấy Hà Tịch, cùng vô số ánh mắt – hoặc lén lút hoặc công khai, đang hướng về cô ấy.

“Hiếm khi nào được thấy em đến muộn.” Tôi cười với Hà Tịch.

“Em vừa thực hiện xong một vụ mổ xẻ là vội vàng đi luôn.” Hà Tịch ngước mắt nhìn tôi, nói: “Anh có giấy không? Cho em lau tay chút!”

“Hả…” Tôi giật thót mình, “Mổ xong em vẫn chưa… rửa tay mà đi ngay à?”

Hà Tịch tỉnh bơ chìa tay cho tôi xem.

Mười ngón tay thon mảnh, trắng muốt và mềm mại. May mà không có vết máu nào.

“Đùa anh thôi, là do tắt đường!” Hà Tịch mỉm cười.

Trong mắt đồng nghiệp, Hà Tịch là cô gái vừa xinh đẹp vừa rất khác người, song dạo gần đây hình như cô rất hay cười trước mặt tôi.

Đây là nhà hàng Tứ Xuyên rất nổi tiếng. Tôi cố tình gọi mấy món tương đối cay cay, bởi tôi thích được nhìn Hà Tịch khi gương mặt cô ửng hồng và có những giọt mồ hôi lấm tấm nơi chóp mũi, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với lúc thường ngày…

Trong lúc đợi món, tôi tường thuật vắn tắt lại câu chuyện về Chu Tiêm Tiêm cho cô hay.

“Được thôi, nhưng không chắc là sẽ tìm được.”

Tôi gật đầu. Với vụ mất tích xảy ra đã lâu, nếu công tác điều tra ban đầu không được tiến hành cẩn thận, thì việc tìm kiếm bây giờ quả thực là rất khó.

Hà Tịch không phải là người thích nói nhiều, nên nếu không muốn cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt, tôi luôn phải vắt óc nghĩ ra đủ kiểu đề tài lúc ở bên cô ấy. Tôi từng có lần thử thi gan với cô ấy đến cùng, kết quả là hai người chúng tôi chỉ giương mắt nhìn nhau hơn hai mươi phút. Mặc dù cô ấy rất đẹp, nhưng tôi chẳng thể nào tiếp tục giữ im lặng, đã giơ cờ trắng xin hàng. Đáng bực nhất là cô ấy vẫn tỏ vẻ thản nhiên như không.

Tôi dần tìm ra những chủ đề khiến Hà Tịch hứng thú. Sau khi thuật lại toàn bộ câu chuyện về sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm, tôi quay sang kể cho cô ấy nghe về đứa trẻ giấy.

Do có thói quen dùng bút ghi chép lại những điều bản thân trải qua ra giấy, nên khi kể lại bằng miệng, tôi biết cần tạo cao trào để thu hút người nghe ở đoạn nào. Thêm vào đó, bản thân câu chuyện cũng đã rất huyền bí nên khi đồ ăn đã lần lượt mang lên, mà tần suất động đũa của Hà Tịch lại dần giảm xuống, rõ ràng cô ấy đang bị hút vào câu chuyện li kì này của tôi.

“Vậy đứa trẻ giấy về sau thế nào?” Nghe xong Hà Tịch liền hỏi

“Về sau à? Anh không biết, chắc là được xử lý.”

“Chà, giá như để em giải phẫu thì tốt biết bao!” Hà Tịch thở dài.

“Ối chà, cái này…” Tôi không ngờ việc đầu tiên cô ấy nghĩ đến lại là vậy.

“Còn sản phụ thì sao?” Hà Tịch lại hỏi.

“Hẳn em không định giải phẩu cả người sống nữa chứ? Về sau cô ấy phát bệnh tâm thần, hôm qua anh về thăm nhưng không gặp được.”

“Hừm nếu trong vòng ba năm trở lại đây cô ấy không sinh đứa nào nữa, thì có làm siêu âm kiểu B cũng chẳng rõ; làm siêu âm TVS[1] thì tốt nhất là phải xem theo từng lớp cắt. Nhiều khả năng đó không chỉ là vấn đề ở tử cung, nên cần tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, giá như có thể để cô ấy mang thai thêm lần nữa để quan sát lâm sàng nhi. Chà, không được nhìn thấy đứa trẻ giấy quả thật là tiếc!”

[1] TVS là chữ viết tắt của Trans Vaginal Sonography, một loại siêu âm đặt ngang qua âm đạo, không chỉ rà ở bên ngoài ổ bụng.

Dù đã biết Hà Tịch hơi lập dị nhưng tôi vẫn ngây ra trước những lời cô lẩm bẩm với mình.

“Nói về chuyện này thì tuần trước em mới thực hiện ca mổ giám định trẻ sơ sinh đấy.”

Hiếm khi nào Hà Tịch chủ động đưa ra đề tài bàn luận khi trò chuyện với tôi, chỉ có điều đề tài này…

“Mổ á?” Tôi ấp úng hỏi.

“Mổ giám định xác một đứa trẻ sơ sinh.”

Nhìn món ăn nóng hổi đang nghi ngút bốc khói trên bàn, cảm giác thèm ăn trong tôi bỗng như những bọt bong bóng xà phòng, dần thu nhỏ rồi tan biến vào hư không…

“À…” tôi chẳng thể nào đáp trả cô với vẻ đầy thích thú, “mà này, tuần trước ấy hả? Anh nhớ em nói là đi Hàn Quốc cơ mà.”

“Vâng, em sang đó mổ giám định xác của một đứa trẻ sơ sinh.”

“Liệu ta có thể không nhắc đến từ mổ… được không?”

Hà Tịch liếc tôi một cái, ra ý cười cười. Lẽ nào là cô ấy cố tình, dù chẳng còn sức đâu để nghĩ, song tôi lại cảm thấy vui vui.

“Anh biết em là thành viên thuộc tổ chức nghiên cứu bệnh lý học đặc biệt của quốc tế mà.”

“Anh biết? Anh biết từ khi nào vậy?” Tôi lấy làm lạ hỏi.

“Ồ, thế em chưa nói gì à, nhưng giờ thì anh biết rồi đấy.”

“Đấy là tổ chức gì?”

“Là tổ chức nghiên cứu các bệnh lý học đặc biệt.”

“Quan tâm đến một vài trường hợp bệnh kì lạ, bao gồm cả trường hợp tử vong bất thường, tổ chức quốc tế chưa công khai chính thức này có liên quan với cảnh sát các nước, bởi cảnh sát là ngành hay phát hiện thấy những trường hợp tử vong bất thường nhất, và điều này thường gây khó khăn cho các giám định viên pháp y của họ.” Cô khẽ giải thích.

“Em sang Hàn Quốc vì một trường hợp tử vong bất thường? Là một đứa trẻ sơ sinh?” Tôi hỏi.

“Một vụ án kì lạ, giám định viên pháp y bên họ gặp phải một số khó khăn.”

“Kết quả là em đã giải quyết xong?”

“Vẫn chưa.” Hà Tịch nhún vai, “trên thực tế, sau khi qua đó, em mới phát hiện ra điều kì lạ nhất, rất khó giải thích.”

Điều cô nói càng thôi thúc tính hiếu kỳ trong tôi.

Hà Tịch vốn là nhân viên nghiên cứu của đơn vị y học hàng đầu. Sau “Sự kiện đứa trẻ nhà họ Nguyên”, nhất định cô ấy đã trau dồi được một vài năng lực đặc biệt. Chưa nói đến cái khác, cách nhìn cuộc đời của Hà Tịch hẳn đã đạt đến trình độ hoàn toàn mới. Nhìn cô ấy bây giờ mà xem, ngày ngày mải mê với công việc giải phẫu, mổ xẻ và mong muốn nghiên cứu kiểm chứng, vậy một trường hợp mà ngay đến cô ấy cũng xem là kì lạ thì sẽ như thế nào nhỉ?

“Kể anh nghe xem!” Tôi dè dặt đề cập, dù thực ra bản thân đã rất tò mò.

Hà Tịch mở xắc tay, lấy mấy tấm ảnh ra đưa cho tôi xem.

“Đây là…” Tôi nhíu mày.

“Xác đứa trẻ sơ sinh bị đông lạnh” Hà Tịch nói.

Nhìn những món ăn nóng sốt trên bàn, dù thần kinh vững thế nào, tôi cũng chẳng dám chắc liệu chút nữa mình còn bụng dạ nào ăn tiếp không.

Vì cớ gì mà rất nhiều bộ phim kinh dị thích chọn trẻ con làm nhân vật chính, chính là bởi khi đứa trẻ đã trở nên hung ác, độc địa, thì tính cách hoàn toàn đối lập với bản tính thiên bẩm của chúng, điều này sẽ khiến người xem vô cùng kinh sợ. Rất nhiều nơi người ta cho rằng xác đứa trẻ sơ sinh là thứ có nhiều oán khí, linh hồn đứa trẻ khó bề siêu thoát, nên càng khó trừ bỏ hơn các linh hồn thông thường.

Chớ nghĩ rằng đứa trẻ sơ sinh sau khi qua đời sẽ trông giống như lúc nó đang ngủ. Trên thực tế, do máu trong cơ thể trẻ mất nhiệt và nhanh đông hơn nên khi cơ bắp cứng lại, hình dáng cơ thể chúng sẽ có dôi chút khác biệt so với khi còn sống, thêm vào đó, da đứa trẻ cũng sẽ thay đổi theo độ dài ngắn của thời gian tử vong. Một vài thay đổi không rõ ràng này cũng đủ gây nên cảm giác nhộn nhào không lấy làm dễ chịu ở người xem.

Vậy xác đứa trẻ bị đông lại thì thế nào? Hay nói chính xác hơn, xác đứa trẻ bị đông lạnh rồi lại được rã đông sẽ thế nào?

Nếu bạn mua một miếng thịt về nhà đem đi đông lạnh, rồi sau đó cho rã đông, thì miếng thịt trước khi đem đông lạnh và sau khi rã đông gần như không thay đổi nhiều, cùng lắm mùi vị của nó chỉ hơi khác đi một chút, nên bạn mới không để ý xem miếng thịt ban đông trông thế nào.

Một đứa trẻ sơ sinh thì lại khác.

Chẳng hạn như trên bề mặt da của trẻ sẽ xuất hiện nhiều nếp nhăn lạ hơn, một vài chỗ sẽ bị chảy nhão, một số chỗ thì bị nứt ra, ngũ quan trở nên méo mó, hay có thể nói là không rõ ràng; còn hai chân đứa trẻ, tôi bỗng nhớ đến hai chân giò được chặt rời, đang được cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh ở nhà mình mới mua hôm trước.
Tôi hít một hơi thật sâu, nhằm xoa dịu cái dạ dày đang bắt đầu trở nên nhộn nhạo của mình.

Bức ảnh thứ nhất là xác hai đứa trẻ sơ sinh đặt song song cạnh nhau. Các ảnh sau chỉ đặc tả riêng từng đứa.

“Chuyện này là thế nào?” Tôi đưa mắt nhìn lướt qua, nếu Hà Tịch không giải thích, tôi đã nhất thời không nhìn ra những điều kì lạ trong đó. Cô vừa mới nói đây là cái chết rất bất thường.

“Chuyện xảy ra vào tháng trước, khi một kĩ sư thiết kế người Pháp đang làm việc tại Seoul phát hiện thấy chúng trong tủ lạnh nhà mình.”

“Phát hiện thấy xác hai đứa trẻ sơ sinh trong tủ lạnh nhà ông ta sao?” Tôi hình dung cảnh người đàn ông Pháp đó mở tủ lạnh mà thật kinh hoàng.

Câu chuyện hết như tình tiết trong một bội phim kinh dị này, thực sự đã xảy ra ngoài đời thực.

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ vào tháng bảy năm 2006, một người Pháp tên Cournot, quay về căn hộ số 260 trong khu biệt thự Seocho tại thành phố Seoul của mình. Ban đầu, ông không hay biết trên ngăn đá trong tủ lạnh nhà mình có xác hai đứa trẻ sơ sinh đã đông cứng. Theo những điều ông báo lại với phía cảnh sát sau đó, sáng ngày 23 khi ra lấy bơ cất trong tủ lạnh vào phết bánh mỳ, ông mới để ý thấy trong tủ lạnh nhà mình có thêm một bọc ni lông. Buổi trưa cùng ngày, người đàn ông này đi siêu thị mua hai con cá thu muối, lúc về nhà cho cá vào tủ lạnh, ông mới bỏ bọc ni lông kia ra. Ông ta tưởng đó là gói đồ của cô giúp việc người Philippin gửi nhờ, kết quả sau khi mở ra xem ông ta bủn rủn cả người và phải vội vàng trình báo cảnh sát.

Riêng quá trình phát hiện trong trường hợp này đã rất ly kì rồi. Tôi vừa nghe Hà Tịch vừa tự đưa ra đủ kiểu suy đoán, đến lúc không kìm được nữa mới lên tiếng hỏi: “Là kẻ thù của người đàn ông này khủng bố á?”

Hà Tịch không trả lời, chỉ nói tiếp: “Hệ thống bảo vệ an ninh của tiểu khu nơi Cournot sống tưởng đối nghiêm mặt, gần đấy còn có cảnh vệ trông coi, muốn ra vào cổng chính phải có thẻ an ninh. Chìa khóa của căn hộ Cournot từng được giao cho mấy nữ giúp việc thân quen người Philippin, cùng số ít bạn bè người Pháp của người đàn ông này. Theo thông tin hàng xóm cung cấp, họ có thấy một cô gái da trắng lảng vảng trước cửa nhà ông ta một lúc lâu trong thời gian Cournot đi nghỉ ở nước ngoài, ngoài ra còn một người Pháp đến khá nhiều lần. Căn cứ vào đoạn băng ghi hình thu được từ camera an ninh, phía cảnh sát Hàn Quốc đã bắt đầu cho truy tìm hai người nay, song vẫn chưa tìm ra, xét nghiệm ADN của hai đứa trẻ sơ sinh đã có kết quả.”

Đến đây Hà Tịch mới dần chậm lại, như còn chưa tin hẳn vào kết quả xét nghiệm ADN.

“Trước đó cảnh sát Hàn Quốc đã lấy mẫu ADN của Cournot, kết quả xét nghiệm ADN tiếp đó cho thấy ông ta chính là cha của đứa trẻ. Ngay sau đó, cảnh sát Hàn Quốc đã lấy được lệnh cưỡng chế mẫu nước bọt của Véronique, người vợ còn đang ở bên Pháp của Cournot, và sau đó đã chứng minh được rằng bà ta cũng chính là mẹ của đứa trẻ.”

“Hả?” Kết quả này khiến tôi rất ngạc nhiên. Nếu giết hại con mình sao Cournot còn đi báo cảnh sát?

“Nhưng bà Véronique khăng khăng phủ nhận, rằng nhất định đã có sự nhầm lẫn trong kết quả xét nghiệm ADN. Có rất nhiều người đến làm chứng cho Véronique. Những người thường tiếp xúc với bà ta cho biết họ chưa bao giờ thấy bụng bà ấy to lên, nếu thật sự có thai, bà ta ắt chẳng thể qua mặt tất cả mọi người. Ngay sau đó Véronique còn đưa ra một bằng chứng khác, bà ta đã cắt bỏ tử cung từ năm 2003.”

“Đã cắt bỏ… tử cung?” Nếu vừa nãy là rất ngạc nhiên thì giờ tôi chỉ còn biết tròn mắt há miệng không thốt lên lời. Đã cắt bỏ tử cung thì đương nhiên bà ta chẳng thể sinh con, nhưng kết quả xét nghiệm ADN của đứa trẻ lại cho thấy bà ta là mẹ đẻ của chúng, chuyện này thế nào?”

“Liệu kết quả xét nghiệm ADN có sai không?” Tôi hỏi, đưa ra phản ứng đầu tiên của mình.

“Độ chính xác của xét nghiệm ADN là rất cao.”

“Cũng chưa chắc, anh nghe nói, ngay như ở bệnh viện đẳng cấp ba sao của Thượng Hải vẫn có trường hợp đi chỗ A xét nghiệm thì nhận được một kết quả, sang chỗ B xét nghiệm thì lại có kết quả khác.” Tôi hạ giọng nói.

“Ở những xét nghiệm thông thường, sự chênh lệch không đáng kể trong một vài chỉ số chẳng phải là điều hiếm gặp, nhưng xét nghiệm ADN thì khác!” Dứt lời, Hà Tịch liền ngừng lại, lắc đầu rồi nói tiếp: “Nhưng kết quả xét nghiệm AND lần hai sau đó lại khác hoàn toàn với lần đầu, nên em đoán đã có sự nhầm lẫn khi lấy mẫu xét nghiệm. Giờ thì cảnh sát Hàn Quốc đã học được một bài học, chớ vội vàng đem công bố ngay kết quả xết nghiệm, mà trước hết phải tiến hành xét nghiệm lại cho thật chắc đã. Dẫu sao thì lý do em sang đấy cũng chẳng liên quan gì đến việc xét nghiệm ADN, anh thử nhìn mấy bức anh sau xem.”

“Là mấy tấm ảnh đặc tả cận cảnh này à? Xác đứa trẻ này có gì khác sao?” Tôi nhìn mấy bức ảnh sau, tò mò hỏi.

“Đây là xác đứa trẻ đã được giải phẫu. Song song với việc tiến hành xét nghiệm ADN, tất nhiên giám định viên pháp y còn phải tiến hành một vài hóa nghiệm cơ bản khác. Và kết quả xác định nhóm máu ở lần hóa nghiệm thứ hai cũng hoàn toàn khác với lần đầu, nên em mới nói là có sự nhầm lẫn khi lấy mẫu xét nghiệm lần trước đó. Phen này giám viên pháp y bên họ bị dính một vố đau và hẳn giờ vẫn còn đang sống dở chết dở.”

“Đấy là việc của cảnh sát Hàn Quốc, em còn chưa cho anh biết vì sao em lại sang đó?” Tôi nhận thấy khi bàn về vụ án này, Hà Tịch bất ngờ nói nhiều hơn. Xem ra vụ án này thực sự rất thu hút cô ấy.

“Đứa trẻ đó thuộc nhóm máu U – Sejmbey.”

“U – Sejmbey? Nhóm máu này là…” Tôi thầm chột dạ, nói về nhóm máu, người bình thường chỉ biết đến nhóm máu A, B, AB và nhóm máu O, còn tôi lại biết cả nhóm máu Hà Tịch vừa nhắc đến.

Nhìn bộ dạng tôi, Hà Tịch nhầm tưởng tôi cũng như mọi người bình thường khác, chưa nghe đến tên nhóm máu này bao giờ. Cô mới giải thích: “Đây là nhóm máu được phát hiện vào năm 1952 trên một người có tên là Sejmbey. Đó là một loại máu chưa hoàn thiện và không có bất kỳ đặc trưng gì. Tế bào hồng cầu của loại máu này bị khuyết thiếu gen, không mang kháng nguyên thông thường, và cũng không phản ứng lại với bất kì loại huyết thanh nào. Thế nên rất dễ nhầm nhóm máu U – Sejmbey với nhóm máu O. Tính đến nay, trên toàn thế giới chỉ có hơn ba mươi người mang nhóm máu này.”

Vì mới chỉ biết tên nhóm máu này, nên đống thuật ngữ Hà Tịch nói khiến tôi đờ người ra, song câu cuối cùng thì tôi hiểu, đó chính là lý do vì sao cô ấy đi Hàn Quốc. Trên toàn thế giới chỉ có hơn ba mươi người, tỉ lệ này còn ít hơn cả một phần một trăm triệu, với cô ấy đây là đối tượng nghiên cứu hiếm mà gặp được.

“Qua Seoul, em bảo họ rằng dù sao cũng là hai đứa trẻ sinh đôi, nên cứ cho tiến hành giải phẫu một đứa, giữ lại một đứa kia là được.”

Tôi đau khổ cười, quả nhiên Hà Tịch đã quay lại với phong cách nói chuyện của mình.

“Thực ra ban đầu họ cũng định vậy, nhưng vì cặp vợ chồng người Pháp kia có khả năng bị dẫn độ về Pháp, tới khi đó xác hai đứa trẻ cũng phải chuyển giao cho cảnh sát Pháp. Thế nên với họ thì cho giải phẫu giám định hay không là cả một vấn đề, nhưng sau một hồi năn nỉ, thì cũng có thể xem như em đã giúp họ đưa ra quyết định.”

Theo tôi dự đoán, sự “năn nỉ” của Hà Tịch nhất định không đơn giản như vậy, chưa biết chừng cô phải viện đến mọi cách, huy động đến không ít mối quan hệ thân quen.

“Đây là bức ảnh chụp trước khi tiến hành giải phẫu, còn sau đó là bị mổ tanh bành, em đoán anh không có hứng thú xem đâu.”

“Quả vậy, quả vậy,” tôi vội gật đầu, “nhưng chẳng phải dù có giải phẫu giám định thì cũng phải bảo lưu hình dáng bên ngoài của cái xác, sao ở đây em mổ xẻ tanh bành vậy…”

“Có tanh bành cỡ nào em cũng ghép nối lại được.” Hà Tịch trả lời không chút do dự, “anh nghi ngờ trình độ chuyên môn của em à?”

“Tất nhiên là anh không dám.” Tôi cười xòa, “em tìm ra điểm gì mới lạ trong lúc tiến hành giải phẫu ư?”

Hai hàng lông mày cảu Hà Tịch từ từ nhíu lại, cô đáp: “Cấu tạo cơ bắp của đứa trẻ hơi không bình thường.”

Dứt lời cô ấy im lặng hồi lâu, không rõ đang nghĩ về điều gì. Đến khi tôi không chờ được nữa, định lên tiếng hỏi, cô mới nói tiếp: “Xác đứa trẻ đã bị đông lạnh trong thời gian khá dài, cảnh sát Hàn Quốc cho rằng do thời gian đông lạnh dài gây ra, nhưng em không cho là vậy. Do không thể giải thích sự thay đổi cơ bắp của đứa trẻ theo cách thông thường, họ mới khiên cưỡng liên hệ điều này với thời gian đông lạnh của cái xác.”

“Thay đổi thế nào?”

“Cứng cáp hơn.”

“Gì?” Tôi chưa nghe ra.

“Cứng cáp. Phần cơ bắp của đứa trẻ đó rất cứng cáp.”

“Này, không phải kiểu cơ bắp như của Nam Vương đấy chứ?”

“Mức đó thì chưa.” Thấy tôi chưa thật sự hiểu, Hà Tịch hỏi: “Anh nghĩ mình có thể luyện tập để có cơ bắp như Arnold không?”

Arnold là diễn viên cơ bắp nổi tiếng ở Hollywood trước đây, ông đã chuyển từ lĩnh vực điện ảnh sang chính trị, và trở thành thống đốc bang California. Ngay cả tôi cũng chẳng dám mang bắp đùi mình ra so với bắp tay Arnold nữa là.

Hình ảnh đại minh tinh Arnold vừa vụt lóe lên trước mắt, tôi đã cảm thấy nghẹt thở: “Bắp đùi này… hẳn không thể nào chứ.”

“Dù anh muốn tập luyện để có được cơ bắp như vậy, e cũng không mấy khả quan. Song tình trạng cơ bắp của đứa trẻ đó vốn chẳng thể nào vậy. Đây chính là sự khác biệt. Với đứa trẻ mới chào đời, thì ngay đến bò đã rất khó, sau rất nhiều tháng nó mới tập bò rồi đến tập đi và đến tập chạy. Việc thích nghi với môi trường sinh tồn hoàn toàn khác môi trường trong tử cung người mẹ, hấp thu chất bổ dưỡng giúp cơ thể lớn lên.v.v… đều cần có thời gian, cũng như để một vài bộ phận cơ bắp trên người trẻ trở nên cứng cáp hơn lên trong quá trình tập luyện cũng vậy. Nhưng hai đứa trẻ sơ sinh qua đời không lâu sau khi chào đời chỉ sống không quá một tháng, hay thậm chí còn ngắn hơn, vậy mà xác đứa trẻ em tiến hành giải phẫu…”

Hà Tịch khẽ hít vào, tôi để ý thấy cô đã dùng từ thuật ngữ chuyên môn “giải phẫu” mà không nói là “mổ xẻ” nữa.

“Đứa trẻ đó như thể đã biết bò bằng cả tay lẫn chân mấy tháng trước khi chết rồi vậy.”

“À, hay nói cách khác, đứa trẻ đó trông có vẻ như chết lúc vừa chào đời, nhưng một số cơ bắp của nó lại tựa như đứa trẻ đã mấy tháng tuổi?” Tôi hỏi lại

“Em định nói là nó đã biết bò bằng cách phối hợp cả chân lẫy tay liên tục suốt mấy tháng rồi cơ,” Hà Tịch nói rõ hơn.

“Liên tục à?”

“Ở trẻ sơ sinh, thời lượng ngủ chiếm một khoảng lớn trong quỹ thời gian hàng ngày, và trẻ cũng chưa có khả năng bò quá xa. Khi trẻ có thể bò được một quãng ngắn, tức là mình và tứ chi của trẻ đã tương đối cứng cáp, thì không lâu đó chúng sẽ học đứng và tập đi. Chỉ có đứa trẻ người sói mới tiếp tục bò khi tứ chi đã dần trở nên cứng cáp và có thể đi bằng chân. Đây là lý thuyết đa trùng nghịch lý, anh hiểu không?”

Đây là một tam trùng nghịch lý:

Thứ nhất là, trẻ bình thường chẳng thể bò mãi mà lại không tập đi, nhóm cơ bắp được rèn luyện ở trẻ sau thời gian bò kéo dài khác với nhóm cơ bắp ở trẻ tập đi, rõ ràng kết quả giải phẫu của Hà Tịch nghiêng về ý đầu tiên.

Thứ hai, ngay cả đứa trẻ người sói cũng không thể vừa mới sinh ra đã có cơ bắp như đứa trẻ đã biết bò từ lâu. Đến đứa trẻ hai, ba tuổi cũng không có khả năng như vậy, còn đứa trẻ này thì lại chết không lâu sau khi ra đời.

Thứ ba, cứ cho là khi vừa mới sinh ra, đứa trẻ này đã có cơ bắp đáng ngạc nhiên như vậy, song nó chỉ sống được một thời gian ngắn, khoảng thời gian này chưa đủ để các cơ bắp được rèn luyện và phát triển đến mức như vậy.

Phải rất vất vả tôi hiểu được ba lớp ý này, bỏ qua lớp đầu tiên, bất kì lớp nào trong hai lớp còn lại, cũng đều có thể chứng minh việc này chẳng thể xảy ra, nó rõ ràng và hiển nhiên như thể mặt trời không thể nào mọc từ hướng tây vậy.

“Liệu có phải do thời gian đông lạnh kéo dài đã làm thay đổi cơ bắp của đứa trẻ? Hơn nữa, sau khi rã đông em mới tiến hành giải phẫu, lạnh rồi lại nóng làm chất thịt thay đổi…” Tôi biết nói thế hẳn cũng không khác gì điều giám định viên Hàn Quốc đã nói, song nó có vẻ dễ chấp nhận hơn là tam trùng nghịch lý kia. Dẫu như vậy, khi nói đến đoạn “chất thịt thay đổi”, thì tôi cũng cảm thấy hơi kì lạ.

“Không thể nào!” Hà Tịch quả quyết.

“Vậy thì do đâu?”

“Em không biết!” Hà Tịch thẳng thắn đáp, dù khẩu khí đã có phần yếu hơn.

“Vụ đó giờ thế nào rồi?”

“Em muốn mổ đứa kia song họ không cho, mà em cũng chẳng thể ở lì bên đó nên mới quay về đây. Dù sao em vẫn sẽ lưu tâm đến vụ này.”

“Tốt thôi, nếu có tiến triển bất ngờ gì, chớ quên bảo anh đấy nhé.”

“Ừm!” Hà Tịch gật đầu.

Tiếp đến, vấn đề giải quyết hết bàn ê hề đồ ăn trở thành vô cùng khó khăn. Hà Tịch tuy không mất cảm giác ngon miệng vì chuyện này, nhưng vốn dĩ cô vẫn ăn rất ít. Trong khi đó mỗi lần định ăn, tôi lại mường tượng đến những thứ như chất thịt ôi thiu, nên chẳng thể nào thoải mái đánh chén như chưa có gì xảy ra.

Lúc chia tay Hà Tịch, không kìm lòng được, tôi đã thốt ra một suy nghĩ đã nung nấu trong đầu mình từ lâu.

“Các thông số kết quả xét nghiệm ADN của đứa trẻ đó, em còn cầm chứ?”

“Vâng.”

“Có thể… chỉ có thể là, anh muốn nhờ em thực hiện một xét nghiệm so sánh ADN.”

“So sánh? Nhưng so đứa trẻ đó với ai?” Hà Tịch lấy làm lạ hỏi.

“Ơ thì…, cũng phải nói thêm là, ngay bản thân anh cũng cảm thấy suy nghĩ này của mình là quá sức hoang đường.”

Hà Tịch không hỏi gì thêm, quay về sở cảnh sát làm việc.

Khi thấy bức ảnh chụp lại xác đứa trẻ lúc nãy, tôi đã nghĩ về một người khác.

Người này là Chu Tiêm Tiêm.

Ba năm về trước khi thấy con bé trong bệnh viên, hôm đó trời rất nóng, nó đang mặc chiếc áo sơ mi cộc tay, hơi ngắn, khiến rốn thỉnh thoảng lại bị hở ra. Hẳn con bé được sinh ở một bệnh viện nhỏ, bởi người y tá cắt cuống rốn cho con bé rất xấu, làm rốn lồi ra ngoài, nhẽ ra trông rất khó coi, nhưng may là nó lại thành hình khum khum như nụ hoa sắp nở, khiến tôi thấy rất ấn tượng.

Phần rốn của đứa trẻ này trông cũng na ná vậy. Tuy rốn trẻ thường đều hơi lồi ra, song tôi lại nảy ra liên tưởng đó. Tôi phải thừa nhận, đó là suy nghĩ mù quáng, Hoàng Chức vẫn luôn tin, ngoài đứa trẻ giấy, cô còn có một đứa con khác. Đứa trẻ tan biến vào không khí không ai nhìn thấy này, liệu có liên quan gì với đứa trẻ sơ sinh đã chết kia không? Thực vô cùng hoang đường, sao tôi có thể nảy ra liên tưởng này dựa vào hình dạng chiếc rốn chứ, rốn đâu phải là thứ sẵn có do trời sinh, y tá cắt dây rốn thế nào, nó sẽ thành ra thế đó mà.

Vậy nhưng…

Chương 5: Tỉ lệ trùng hợp một phần trăm triệu

Lúc sải bước vào cổng chính của tòa soạn, tôi bị kẻ đối diện hích cho một cú đau điếng vào vai.

Đó là một anh chàng có vóc người gầy guộc chừng hơn ba mươi tuổi, cằm lởm chởm râu, bề ngoài nhìn có vẻ yếu đuối ủy mị, mà lại có thế hích tôi một cú mạnh vậy sao.

Sau khi va phải người khác, anh ta chẳng có vẻ gì để ý đến tôi, chỉ đưa mắt nhìn lướt tôi một cái rồi vội ráo bước về phía trước.

“Này!” Tôi lên tiếng trách còn anh ta tựa hồ không nghe thấy gì. Tôi quay đầu lại nhìn, ở phía trước anh ta, có một bóng người màu xanh dương vụt lướt qua nơi góc phố. Rất nhanh, anh ta cũng biến mất ở khúc rẽ.

Tôi bóp vai, bực bội đi vào tòa soạn.

Lúc đi ngang qua quầy tiếp tân, bảo vệ cho biết có người đến tìm tôi.

Tôi cảm ơn một tiếng, bước vào phòng tin tức ngồi xuống chỗ của mình, mà chẳng thấy người đang đợi tôi đâu.

“Này, Lưu Đường!” Tôi hét.

“Có việc gì?” Ở phía đối diện Lưu Đường quay đầu lại nhìn.

“Vừa nãy có người đến tìm tôi không?”

“À!” Gã Đường quỷ sứ lập tức đổi sang nét mặt dâm đãng, “đó đúng là một mỹ nữ. Không biết sao ông lại được nhiều người đẹp vây quanh thế, hôm nào giới thiệu cho tôi vài cô nhé.”

“Hà hà, chẳng phải tối qua ông vừa hưởng lễ Thất Tịch à, sao rồi, vũ khí bí mật của ông không phát huy tác dụng hả?”

Lưu Đường cười giễu mấy tiếng, đáp: “Ta không thể lúc nào cũng dính chặt lấy một cái cây. Mà này, kẻ có nhiều cây để chọn như ông thật làm người ta phát ghét đấy.”

“Đừng huyên thuyên nữa, rốt cuộc thì có ai đến tìm tôi?”

“Tôi cũng chẳng biết, cô ấy nói là họ Hoàng, ngồi ở ghế chờ ông rất lâu, vẻ mặt trông khá đờ đẫn thẫn thờ, kiểu kiểu em Lâm[1] í. Tôi hỏi này, nhà ông rốt cuộc làm gì người ta thế?”

[1] Chỉ nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.

“Đừng có ăn nói lung tung. Họ Hoàng à, có thể là ai được nhỉ?” Tôi nhíu mày.

Chẳng lẽ là Hoàng Chức? Cô ấy lên Thượng Hải nhờ tôi tìm con gái hộ sao?

Tôi miêu tả lại dáng vẻ của Hoàng Chức theo hình dung mình còn nhớ, thấy Lưu Đường liên tục gật gù.

Tính ra, Hoàng Chức cũng đã hai tám, hai chín tuổi rồi, xem ra căn bệnh tâm thần bất bình thường đã mấy năm của cô ấy đã không khiến dung nhan của cô trở nên tiều tụy.

Tôi chợt nhớ ra, hỏi: “Cô ấy mặc bộ quần áo màu xanh à?”

“Đúng, sao ông biết?”

“Ban nãy vừa lỡ mất ngoài cổng chính.”

“Không sao, cô ấy bảo trưa mai lại đến tìm ông!” Lưu Đường đáp.

“Thế thì tốt quá, chắc ngày mai tôi phải đi sớm hơn mới được.”

“Song không phải cô ấy bảo thẳng với tôi, mà đó chỉ là lời cô ấy tự lẩm bẩm với mình lúc ngồi trên ghế của ông.” Lưu Đường nói rồi già giọng: “Thầy Na, vậy mai trưa mai em lại đến, anh chú ý giữ gìn sức khỏe nhé, thôi thì chuyện con gái em phó thác cả vào anh đấy. Ngày nào em cũng sẽ đến tìm anh.”

Tôi lúng túng, ngượng nghịu, vội nạt hắn dừng lại.

“Thầy Na, thầy đã có bạn gái chưa?” Lưu Đường quỷ quyệt làm bộ mặt hề.

Hết cách với hắn, tôi đành cho hắn biết, thiếu phụ xinh đẹp đến tìm tôi chính là bệnh nhân tâm thần đã viết thư cho tôi, nếu không, chẳng rõ sẽ có tin đồn gì lan truyền ra bên ngoài.

“Hóa ra là vậy, thảo nào trông cứ quái quái thế nào í; tôi còn tưởng anh hủy hoại đời người ta cơ chứ!” Gã Đường này hiếm khi nhả ra được lời vàng ý ngọc.

Tôi biên tập lại bài phỏng vấn thầy Vương trên máy tính rồi lưu vào tập file bản thảo của phòng. Tôi vươn người, nhún nhún hai vai rồi rút chiếc chìa khóa nhỏ từ góc ngăn kéo ra, bước đến góc phòng tin tức, mở tủ đựng đồ chuyên dụng của mình.

Ngoài mấy ngăn kéo nhỏ ở bàn máy tính, mỗi phóng viên, biên tập viên còn có thêm một tủ đựng đồ chuyên dụng để đựng quần áo cùng các thứ lặt vặt không thể cất vào ngăn kéo khác. Lần tìm trong tủ hồi lâu, tôi rút ra một cuốn sổ ghi chép đã bị quăn hết mép.

Đây là các ghi chép phỏng vấn của tôi, mỗi năm tôi dùng hết từ một đến hai cuốn sổ ghi chép cỡ lớn. Cuốn này gồm các ghi chép được thực hiện vào năm 2003.

Quay về ghế ngồi, tôi lần giở đến những trang ghi chép về cuộc phỏng vấn liên quan đến đứa trẻ giấy.

Khắp trang đều toàn là những nét chữ nguệch ngoạc, loằng ngoằng như tờ bùa; đối với người khác đây là một cuốn “thiên thư” mà chỉ mình tôi mới có thể đọc được.

Đưa mắt lướt theo đầu ngón tay, lần tìm theo từng hàng, mình ghi ở đâu nhỉ, nếu nhớ không nhầm thì…

Đây rồi!

Nhóm máu Sejmbey.

Tôi biết về trường hợp này trong lần phỏng vấn ba năm trước. Bệnh viện bà mẹ trẻ em tiếp nhận Hoàng Chức, một trường hợp sinh nở khó vào sinh cuối cùng đã phải ký thỏa thuận. Bởi nếu quá trình sinh diễn ra suôn sẻ thì không vấn đề gì, nhưng nhỡ có vấn đề gì thì tính mạng Hoàng Chức sẽ bị đe dọa.

Kho máu của bệnh viện không có loại huyết tương phù hợp với nhóm máu của cô.

Cô thuộc nhóm máu Sejmbey!

Thật quá sức trùng hợp, chẳng phải sao? Trên thế giới chỉ có khoảng hơn ba mươi người mang nhóm máu này; đứa trẻ được tìm thấy xác trong tủ lạnh bên Hàn Quốc mang nhóm máu này; Hoàng Chức cũng mang nhóm máu này; nên có thể khẳng định ở mức độ nhất định nào đó, đứa trẻ cô ấy sinh ra cũng thuộc nhóm máu này. Liệu Chu Tiêm Tiêm có vậy không? Phải chăng nếu đứa trẻ giấy đó phát triển bình thường, nó cũng sẽ như vậy?

Điều này đại diện cho cái gì?

Chẳng gì hết. Tôi tự nói với mình, điều này chẳng đại diện cho cái gì hết.

Tôi gập cuốn sổ lại, đặt sang bên cạnh. Trong nửa tiếng tiếp sau, tôi thấy mình cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn khi lướt một vòng trên mạng, mà chẳng tài nào nhớ được bản thân dã xem gì.

Tôi đưa bàn tay lên day day huyệt thái dương bằng ngón trỏ, mớ suy nghĩ hỗn loạn trong đầu dần dịu lại. Tôi đứng dậy rót cho mình một tách trà nóng, thực ra vào mùa hè tôi thích uống trà đá hơn, song vì nhấm nháp trà từ từ, có tác dụng như một thứ nghi lễ, có thể giúp ta làm lắng dịu dòng suy tư.

Miệng chiếc cốc nhựa đựng trà loại dùng một lần phủ đầy hơi nước, những làn hơi trăng trắng từ từ bay lên. Tôi ngẩn ra một hồi, đưa mắt nhìn xuyên qua làn hơi trắng, rồi dừng lại trên cuốn sổ tay cũ phía sau.

Tôi gạt tách trà sang một bên, lật sổ tay, nhấc ống nghe điện thoại lên, bấm theo dãy số được ghi trong cuốn sổ đó.

Điện thoại đã thông. “Đây là bệnh viện bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em số 1 Thượng Hải, xin quý khách chọn số máy lẻ. Để biết thêm thông tin về các số máy lẻ, quý khách nhấn vui lòng nhấn phím 0.” Một giọng nữa nói tiếng phổ thông chưa thật chuẩn cất lên, đây là máy trả lời tự động.

Tôi bấm số máy lẻ.

“Alô?” Một giọng nam trung niên vọng lại.

“Xin cho hỏi bác sỹ Trương có đấy không?” Tôi hỏi.

“Vâng, tôi là bác sỹ Trương đây. Anh là ai?”

“Tôi là phóng viên Na Đa của tờ Ngôi sao buổi sớm, anh còn nhớ tôi chứ?”

“Phóng viên báo Ngôi sao buổi sớm?”

“Ba năm trước tôi từng đến phỏng vấn anh, về một thai nhi dị dạng, thai nhi giấy.”

Tôi nghe thấy tiếng thở khẽ vọng lại từ đầu dây bên kia, tiếp đó là ba phút im lặng.

“Ồ, ra là thai nhi giấy,” ông nói, “Đúng vậy, tôi nhớ ra rồi. Xin hỏi anh có chuyện gì?”

“Tôi muốn hỏi một chút, về sau nguyên nhân tạo thành thai nhi dị dạng đó đã được làm sáng tỏ chưa?”

“Vẫn chưa.”

“Thai nhi đó có được giữ lại làm tiêu bản không?”

“Không.”

“Ồ!” Tôi nhất thời bế tắc.

“Sao vậy, anh vẫn quan tâm đến chuyện này à?” Bác sỹ Trương hỏi.

“Ngoài những bất thường về mặt tâm thần, về sau bệnh nhân đó liên tục viết thư cho tôi. Cô ấy một mực tin rằng, ngoài đứa trẻ giấy, trong bụng mình còn một thai nhi khác.”

“Lần đó cô ấy đã bị sốc mạnh, thật chẳng thể ngờ!” Ông chép miệng.

“Bác sỹ Trương này, nếu hồi đó trong bụng cô ấy thực sự còn một thai nhi khác, thì ta có thể giải thích được sự hình thành của thai nhi giấy chăng?”

“Tôi chưa hiểu rõ ý của anh.” Bác sỹ Trương nói, “kiểu giả thuyết này không hợp lý, bởi khi đó cô ấy chỉ sinh ra một thai nhi dị dạng đó thôi.”

Ba năm trước đây, trường hợp thai nhi dị dạng này đã từng khiến không ít người ở bệnh viện bà mẹ trẻ em khi đó hoảng sợ, còn đến giờ, nó gần như được xếp chung với trăm nghìn ca bệnh bình thường khác, chẳng hề để lại vết tích gì.

Suy nghĩ của con người thường rất hoang đường, rành rành biết là thứ không thể, mà ta vẫn không thể không nghĩ về nó; như hiện giờ, tôi đang miên man nghĩ về đứa trẻ sơ sinh bị mất tích kia của Hoàng Chức, cùng mối liên hệ giữa nó với đứa trẻ qua đời ở Hàn Quốc.

Trên thực tế, dù có sự trùng hợp về nhóm máu hiếm – với tỉ lệ một phần trăm nghìn trên toàn thế giới giữa Hoàng Chức với xác đứa trể được tìm thấy bên Hàn Quốc, ta vẫn chưa thể đưa ra chút bằng chứng chống đỡ nào cho liên tưởng này.

Sao một bệnh viện công lập lớn của Thượng Hải lại có thể đem một đứa trẻ sơ sinh giấu đi cơ chứ, điều này tuyệt đối chẳng thể nào xảy ra. Hơn nữa, xác đứa trẻ được tìm thấy tận bên Hàn Quốc, chẳng phải là Thượng Hải. Thêm vào đó, thứ ông Cournot lấy ra từ trong tủ lạnh là xác cặp trẻ song sinh…

Tôi nhắm mắt, ngả lưng ra thành ghế. Nếu những tình tiết riêng lẻ này có thể được xâu chuỗi lại với nhau, ta sẽ chỉ có thể dùng từ “kinh thiên động địa” để nói về điều vượt ngoài sức tưởng tượng này, còn hiện giờ, ta sẽ khó lòng theo kịp nếu chỉ dựa vào khả năng tưởng tượng của tôi.

tiếp ❯

Avatar

Bình luận gần đây
https://audiosite.net
Đã fix lại cảm ơn bạn đã thông báo ...^^
https://audiosite.net
Đã fix cập nhật lại tập 85 + 86 :)Cảm ơn bạn đã thông báo
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn đã thông báo..!Truyện đã fix lại nhé :)
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn đã thông báo ...^^! Đã fix lại nhé khanghuy98☣ Ngoài ra như tối qua đã như đã hứa cac fan Telegram -☣-> Việt Nam Vô Địch <--☣- ☣ Mình đã cập lại sever singapore audio...từ hum này đến 30 tết sẽ cập nhật lại ( up mới )☣ 3526 bộ truyện sẽ gửi đến các bạn trong thời gian ngắn nhất vs audio chất lượng đường truyền tốt nhất ☣ Rất mong các bạn ủng hộ tụn 1 like + 1 share đến bạn bè cùng sở thích nghe audio truyện nhé ^^!☣ Thân Ái
https://audiosite.net
Đã fix lại tập 53 theo yêu cầu nhé :)Cảm ơn bạn đã thông báo
https://audiosite.net
☣Bộ Truyện Con Đường Bá Chủ cập 24h mỗi ngày nhé các đạo hữu ...!☣ f5 hoặc tải lại trang để nhật chính xác nhé..:)☣Còn các thành viên thì không cần :) mặc định cập nhật bất kỳ truyện nào mới nhất nhé
https://audiosite.net
Nguyễn Huy 3 tuần trước
Tớ mới eidt lại được 500 chương mới nhất nhé ... đã gửi cho hà thu nhé bạn..^^!Chậm nhất giờ này ngay mai hoàn tất nhé bạn
https://audiosite.net
hạ vũ 3 tuần trước
truyện ta đánh cắp dòng thời gian không ra nữa ak 😂
https://audiosite.net
Đã fix lại nhé ^^!Cảm ơn bạn đã thông báo :)
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn đã thông báo ^^!Đã fix lại nhé ...
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn thông báo vs góp ý...!☣Bộ truyện này có nhiều tên gọi khác nhau nhé vì nó đồng âm ( giống như ngôn ngữ địa phương )☣Thần Võ Thiên Tôn ( Vạn Võ Thiên Tôn)☣Cái này do Đình Huy edit dịch và post lên trong nhóm do Hà Thu diễn đọc nhé ...!☣Website đơn giản tụ tập nhất nhiều CTV yêu thích và nghe truyện tất cả do thành viên đóng góp bản thân mình cũng không có quyền sửa đổi nhé, mình chỉ để lại tag ở dưới là Thần Võ Thiên Tôn nhé chư vị. ^^!☣Thân Ái - ☣Ngoài ra mình lịch đăng truyện từ 16h > 23h hôm này sẽ gửi đến các chư vị 20 bộ truyện đã yêu cầu
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn gửi thông báo ...!Bộ này đã fix lại nhé qua giọng đọc MC: Hà Thu nhé !!Thân Ái