1. Home
  2. Truyện Ma
  3. [Aduio] Lá Cờ Ma
  4. Lá Cờ Ma Phần 4

[Aduio] Lá Cờ Ma

Lá Cờ Ma Phần 4

❮ sau
tiếp ❯

Chương 16

Hiện trường vụ án giúp người điều tra mau chóng xác định, phần nhiều đây là một vụ tự sát, nhưng một kẻ có mặt ở hiện trường khi người chết lìa đời như tôi khó tránh khỏi bị nghi ngờ, vì thế sẽ rất phiền phức cho tôi.

Tôi cân nhắc thật nhanh trong đầu. Tôi bước vào siêu thị tiện ích Liên Hoa bên cạnh khách sạn và gửi chiếc túi ở đó. Cảnh sát tới đúng vào lúc tôi quay trở lại đám nhốn nháo đã trở nên đông đúc hơn nhiều so với khi nãy và cố sức len người vào bên trong để xem.

Tôi chỉ liếc nhìn thi thể của Vệ Tiên, gương mặt anh ta tái nhợt.

Ông lão Vệ Bất Hồi nói anh ta có thể sẽ chôn thây dưới lòng đất, nhưng tôi thật không ngờ, anh ta lại chết nhanh như vậy, mà không phải chết dưới lòng đất.

Sau đó, tôi phải làm bản tường trình tại Sở Cảnh sát mất mấy tiếng. Tất nhiên, tôi không thể khai thật mối quan hệ giữa tôi và Vệ Tiên với cảnh sát. Lúc quyết định đối mặt với cảnh sát, tôi đã nghĩ ra một cách nói hoàn hảo vừa có thể giải thích mối quan hệ giữa tôi với Vệ Tiên, vừa không khiến tôi vướng vào quá nhiều phiền toái: chúng tôi là bạn trên mạng với nhau.

Tôi thuật với cảnh sát tôi quen Vệ Tiên khi chat trên mạng Sina. Vệ Tiên vào chat với tôi theo kiểu bạn bè ngẫu nhiên, tôi thấy anh ta khá hiểu biết về cổ vật và lịch sử Trung Quốc cổ đại, hơn nữa lại ở cùng trong một thành phố, nên chúng tôi hẹn gặp nhau mấy lần. Hôm nay, Vệ Tiên gọi điện cho tôi, nói muốn cho tôi xem một món đồ rất hay, tôi vội vã đến khách sạn Hilton. Tôi nhận ra thần sắc của Vệ Tiên hơi bất thường ngay khi vừa đến, chúng tôi mới nói vài câu, anh ta đột nhiên mở toang cửa sổ và nhảy xuống dưới.

Cảnh sát cho tôi xem hai bộ quần áo trong chiếc ba lô du lịch của Vệ Tiên, tôi nói mình không biết, chưa từng trông thấy chúng bao giờ.

Cảnh sát tới hiện trường điều tra và mau chóng đi đến kết luận Vệ Tiên tự nhảy lầu. Có một điểm có lợi cho tôi, đó là buổi chiều người phục vụ khách sạn tới phòng Vệ Tiên quét dọn đã chú ý đến biểu hiện hoảng hốt và vẻ mặt nhợt nhạt của anh ta, dường như anh ta đang trĩu nặng tâm sự.

Tôi bị giữ ở Sở Cảnh sát cho tới tận hơn 9 giờ tối. Cuối cùng tôi cũng được ra khỏi đó. Viên cảnh sát phụ trách vụ án yêu cầu tôi rằng trước khi họ đưa ra kết luận chính thức về vụ án, nếu tôi muốn rời khỏi Thượng Hải phải được sự đồng ý của phía cảnh sát. Tôi đành chấp nhận.

Bình thường thì tôi sẽ không cam lòng bị bó buộc như thế này, nhưng thân phận của Vệ Tiên quá bí hiểm, hơn nữa trong phòng anh ta lại xuất hiện những dụng cụ quái đản và một số cổ vật quý lạ mà giá của nó có thể khiến bất kì chuyên gia nào tới Sở Cảnh sát xem cũng phải ngạc nhiên tới nỗi tròn mắt há miệng.

Một người như thế chết bất thình lình, lúc chết lại chỉ có mỗi tôi bên cạnh, làm sao phía cảnh sát dễ dàng bỏ lọt tôi được?

Sau một thời gian điều tra không có tiến triển, họ đành phải kết luận đây là một vụ tự sát thông thường. Còn những cổ vật đó có lẽ sẽ được gửi tới viện bảo tàng.

Ra khỏi Sở Cảnh sát, tôi gọi một chiếc xe taxi, tới siêu thị tiện ích Liên Hoa lấy lại cái túi.

Về tới nhà, tôi lấy nửa lá cờ và cuốn sổ nhật kí ra khỏi túi, chuẩn bị nghiên cứu.

Tôi xem nửa lá cờ đó trước. Tôi bật đèn trên bàn viết để nhìn cho rõ hơn. Chiếc bàn viết của tôi dài gần hai mét, bên phải đặt màn hình máy tính, khoảng trống còn lại không đủ để trải nửa lá cờ còn sót lại này.

Tôi không biết lá cờ này được làm từ chất liệu gì vì nó không phải do sợi tơ hay sợi bông dệt thành. Lá cờ lấm tấm vệt máu, tuy đã bị sờn rách nhưng khi lấy tay sờ lên, tôi vẫn thấy nó vô cùng bền chắc, chất vải không bị vụn mủn theo năm tháng.

Lông mày tôi từ từ chau lại trong lúc tôi tỉ mỉ phân biệt những hoa văn trên lá cờ.

Lá cờ này rõ ràng là lá cờ ma đó, từ đầu chí cuối, tôi và anh chàng Vệ Tiên không hề cảm thấy chút áp lực nào do lá cờ này gây ra… Nghĩ tới đây, tôi bất giác giật thót tim. Tôi không cảm nhận được và anh chàng Vệ Tiên khi ở trong mộ đạo cũng không cảm nhận được, nhưng lúc sau thì sao, lúc sau, vẻ thất thần hoảng hốt của anh ta có can hệ gì với lá cờ này?

Ý nghĩ này cứ xoay vần trong đầu óc tôi rồi nó phai dần vì tôi không tìm được điểm tựa thực tế nào để giải thích cho nó cả. Lá cờ là do tôi lấy ra từ trong chiếc ba lô du lịch, suy đoán theo lý thì từ sau khi trở về khách sạn Hilton, Vệ Tiên chưa hề lấy nó ra.

Theo lời kể của mấy bậc cao niên đã từng nhìn thấy lá cờ này, tôi đã sớm biết rõ về uy lực của nó. Tại sao khi lá cờ ấy đang trải ra trước mắt tôi, tôi lại không hề có cảm giác thần hồn khiếp đảm ấy? Cũng dễ giải thích thôi, lá cờ này không còn nguyên vẹn nên đã mất đi uy lực vốn có của nó. Nhưng câu hỏi đặt ra là, hình vẽ trên lá cờ lại không giống với bất kì hình vẽ nào trong trí nhớ của bác Chung Thư Đồng, ông lão Dương Thiết hay bác Phó Tích Đệ.

Trên lá cờ này rõ ràng vẽ mấy con ly[1] đang nhe nanh giơ vuốt, tôi vẫn có thể nhận ra dù nó đã bị mất một nửa. Hình vẽ này rõ ràng đến thế, tại sao các bác ấy lại nhìn nhầm?

[1] Con ly: loài rồng không có sừng trong truyền thuyết, thường dùng làm hình tượng trang trí công trình kiến trúc và vật phẩm cổ.

Trong lòng chất chứa đầy nghi hoặc, tôi nhìn đăm đăm vào lá cờ. Phần cơ thể còn sót của mấy con long li và những vệt máu đan xen vào nhau dưới ánh đèn, làm tim tôi đập dồn dập hơn trong chốc lát.

Tôi định thần lại, trên nền vàng tươi của lá cờ nổi bật những con rồng đen, nhưng giờ nó đã biến thành màu đen pha nâu do những vệt máu đông đặc lại, nếu không quan sát kĩ sẽ không nhận ra đâu là hình ảnh con rồng đen, đâu là vệt máu.

Cũng trên nền vàng tươi ấy hình như còn có những đường vân chìm khác.

Có lẽ đó là những vệt máu rất nhạt. Vừa nghĩ tôi vừa đưa tay luồn xuống phía dưới lá cờ, nhấc nó lên, đặt gần lại phía ánh đèn để trông cho rõ hơn.

Đúng thế, đó đích thị là những đường vân khác.

Trên nền vàng tươi có những đường vân màu vàng nâu chỉ thấy rõ khi nhìn ở cự ly rất gần.

Là những hình vẽ trong mộ đạo!

Tôi thấy sởn tóc gáy. Những đường vân này tuy không giống hệt những hình vẽ trong mộ đạo, nhưng chắc chắn, chúng thuộc cùng một loại.

Những hình vẽ này thể hiện ý nghĩ gì? Vì sao sau khi thêu những con ly, người ta còn thêu cả những đường vân chìm mà nếu không quan sát cẩn thận ở cự ly gần sẽ không thể thấy được?

Cố nhiên, tôi không thể tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này. Có điều, tôi đã quyết định ngày mai sẽ tới gõ cửa nhà bác Chung Thư Đồng. Tri thức uyên bác của một đại học giả như bác dẫu không thể cho tôi câu trả lời trực tiếp cũng có thể chỉ cho tôi một con đường.

Tôi cẩn thận gập nửa lá cờ lại, đặt sang một bên, với lấy cuốn sổ nhật kí, bắt đầu lật giở từng trang một.

Cuốn nhật kí này dày gần 200 trang và đã được ghi gần hết. Nó không phải là cuốn nhật kí của Tôn Huy Tổ, những ghi chép trong cuốn sổ do người anh cả Tôn Diệu Tổ thực hiện. Điều này cũng rất bình thường, nếu không tôi sẽ cảm thấy kì lạ, vì Tôn Huy Tổ cơ hồ không giống một người thích ghi nhật kí, thậm chí chưa chắc đã biết nổi mấy chữ. Có điều, tôi không biết tại sao Tôn Huy Tổ lại mang theo cuốn nhật kí này bên người.

Cuốn nhật kí này không phải được ghi hàng ngày. Mà thực ra cũng không thể gọi nó là nhật kí, nên gọi nó là cuốn ghi chép về quá trình thực hiện kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn có lẽ đúng hơn. Về cơ bản, mỗi trang của cuốn nhật kí ghi chép sự kiện của một ngày, bắt đầu từ ngày 17 tháng 7 năm 1928. Kể từ ngày hôm đó, kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn từ từ được khởi động. Lúc đầu, khoảng thời gian giãn cách giữa các ngày ghi nhật kí khá lớn, chứng tỏ kế hoạch tiến triển chậm; đến năm 1937, kế hoạch hành động của họ rõ ràng có những bước tiến rất mau, đặc biệt là từ tháng 3 năm đó trở đi, nhật kí được ghi ít nhất hai ngày một lần.

Tôi khẽ khàng bóc gỡ từng trang giấy bết máu, mùi máu nồng dần theo số trang tôi lật giở. Cuốn nhật kí đó nhiều chỗ đã nhòe nhoẹt, nhưng kế hoạch to lớn mà bốn anh em nhà họ Tôn thực hiện dần dần hiện ra từng chút, từng chút một.

Ngày 17 tháng 7 năm 1928, trời nắng.

Mình vốn không có thói quen ghi nhật kí, nhưng hôm nay xảy ra một chuyện khiến mình hạ quyết tâm phải ghi chép lại. Những dòng này chỉ là điểm khởi đầu, hi vọng mình có thể viết tiếp cho tới điểm cuối cùng. Mình biết tổ tông trên trời cao đang dõi theo mình.

Hôm nay, mình đã gặp Hán Chương tại Tuân Hóa(vốn dĩ tôi không biết Hán Chương là ai, nhưng đọc tới phần sau, Hán Chương có lẽ là tên chữ của Tôn Huy Tổ). Nó kể với mình rằng, mấy hôm trước, nó đã cùng Tôn Điện Anh thực hiện một phi vụ lớn, thu hoạch được vô khối thứ hữu ích. Nó cho mình xem một tá châu báu, đều là những của quý mà bình sinh mình chỉ được ngó qua. Mình hỏi cặn kẽ nó mới biết Tôn Điện Anh mang quân đi đào mộ của Từ Hi Thái Hậu và Hoàng đế Càn Long.

Trông thấy mình, Hán Chương hơi ngạc nhiên. Nó còn kể với mình một chuyện khác. Lúc nó tiến vào mộ thất của Hoàng đế Càn Long đã xảy ra một chuyện quái dị khiến nó sợ mất mật. Tôn Điện Anh đã có nghiêm lệnh, không được để sự việc này đồn thổi ra bên ngoài, nếu mình không phải là đại ca của Hán Chương, có lẽ nó sẽ không nói cho mình biết.

Khi đám người tiến vào gian mộ thất cuối cùng của lăng mộ Hoàng đế Càn Long và cho bom nổ tung cánh cửa đá, Hán Chương là người đầu tiên định nhào vào bên trong, nhưng chưa kịp bước được một bước, nó đã hãi hùng tới nỗi ngồi phịch xuống đất.

Nếu không phải do Hán Chương chính miệng kể lại với mình thì mình sẽ không dám tin tam đệ của mình lại có thể thất kinh đến thế.

Tất cả những người theo ngay sau Hán Chương lúc đó, kể cả Tôn Điện Anh gan lớn tày trời cũng sợ run người.

Có điều, đám người đó chỉ trông thấy một lá cờ mà thôi. Trên bức tường ở phía trong cùng của gian mộ thất có treo một lá cờ lớn. Hán Chương hồn xiêu phách tán là do nó nhìn thấy lá cờ đó. Những người khác cũng thế. Lúc đầu, tất cả mọi người cứ ngỡ, Hoàng đế Càn Long nổi giận và bọn họ đã bị trúng lời chú nguyền.

Lúc đó, không một ai dám bước vào. Tôn Điện Anh phải mời mấy công binh của doanh trại công binh tới tương trợ. Ba người đầu tiên cầm súng bắn liên hồi, song không dám bước vào. Tới người thứ tư, anh ta đành miễn cưỡng bò vào. Lúc sau, anh ta mới rõ, lá cờ đó từ xa nhìn lại sẽ hồn phách rụng rời nhưng lại gần thì không sao cả.

Hán Chương không phải là con trưởng nên nó tuy biết sự huy hoàng của gia tộc Tôn Thị cuối thời nhà Hán, nhưng có một số bí mật thì chỉ con trưởng mới đủ tư cách được biết.

Hán Chương lần đầu tiên trông thấy mình thất sắc như thế. Trong mắt của nó, người anh cả như mình bao giờ cũng vững như Thái Sơn.

Có lẽ nên gọi Lão Nhị và Lão Tứ tới. Lá cờ đó đã xuất hiện thì cơ hội của gia tộc Tôn Thị cũng tới.

Chỉ cần bốn anh em nhà mình tìm thấy cuốn sách đó.

Ngày 9 tháng 8 năm 1928, trời âm u, có sấm khan.

Cuối cùng, Hán Thăng cũng đã tới, huyết mạch trên dương gian của gia tộc Tôn Thị chỉ còn lại bốn anh em nhà mình.

Trời không mưa mà có sấm khan, hẳn nhiên là một điềm báo.

Cơ hội cuối cùng đã tới và điều cấm kị chỉ truyền lại cho con trưởng của gia tộc đã bị phá bỏ. Tất cả mọi người trong gia tộc Tôn Thị đều phải phấn đấu vì mục tiêu này, đáng tiếc là chỉ còn lại có bốn anh em nhà mình.

Mình đã kể hết với các em.

Liệt tổ liệt tông đã dốc hết tâm cơ mà vẫn không thể tìm thấy ngôi mộ cổ đó, bây giờ mọi hi vọng đều gửi cả vào lá cờ này.

Nhưng lá cờ đó hiện nay đang ở trong tay Tôn Điện Anh. Dù Hán Chương đi theo Tôn Điện Anh đã nhiều năm nhưng nếu hỏi xin lá cờ một cách thẳng thắn, Tôn Điện Anh có lẽ sẽ không gật đầu.

Bốn anh em bàn bạc cả một buổi chiều, vẫn chưa ngã ngũ.

Ngày 13 tháng 11 năm 1929, trời nhiều mây.

Hán Chương vẫn không có được lá cờ đó. Tôn Điện Anh cất giấu những bảo bối như thế rất kĩ.

Rốt cuộc thì phải chờ đợi thêm bao nhiêu lâu nữa? Rốt cuộc thì gia tộc Tôn Thị nhà mình còn có cơ hội phục hưng nữa hay không? Câu hỏi ấy luôn dằn vặt mình từng giây từng phút, nhưng mình không thể để lộ cho các em thấy, trước mặt chúng, mình vẫn phải tỏ ra tự tin.

Nhưng vì sao để mình thấy hi vọng rồi lại làm cho niềm hi vọng ấy mỗi lúc một mịt mờ?

Chỉ có thể trách ông trời thôi!

Ngày 17 tháng 3 năm 1934, trời nhiều mây.

Hôm nay nhận được điện khẩn của Hán Chương: việc đã thành.

Mình không kìm nén được, òa khóc nức nở.

Mình cứ tưởng sẽ không còn cơ hội để ghi chép thêm điều gì vào cuốn sổ này nữa, đã hơn năm năm rồi.

Mình phải mau chóng lên đường.

Ngày 20 tháng 3 năm 1934, trời hửng nắng.

Mình không ngờ lại gặp Hán Chương trong bệnh viện. Nó bị đạn găm vào phổi. Lúc trò chuyện với nó, nó bảo, thân thể có cường tráng rắn rỏi đến đâu đi nữa cũng chẳng nhằm nhò gì so với mấy viên đạn.

Nhưng cũng nhờ viên đạn đó mà bốn anh em nhà mình mới lại được thấy niềm hi vọng.

Nó đã đỡ viên đạn ấy thay cho Tôn Điện Anh.

Tôn Điện Anh là người ân trả nghĩa đền, ông ta bảo Hán Chương, nó muốn gì, ông ta cũng thỏa nguyện.

Vì thế, ông ta hứa sẽ cho Hán Chương lá cờ đó, nhưng phải chờ sau khi nó ra viện.

Việc cần làm bây giờ là chờ đợi.

Đành chờ đợi.

Chương 17

Ngày 3 tháng 5 năm 1934, trời mưa.

Cuối cùng cũng có được lá cờ đó.

Dù đã chuẩn bị về mặt tâm lý nhưng khi đứng cách xa lá cờ đó ba mươi mét, mình vẫn sợ đến nỗi nằm bẹp xuống đất.

Có điều, mình vui lắm, vì nó đúng là lá cờ đó. Tay phất lá cờ, ngàn quân đại bại.

Hi vọng là lá cờ này sẽ giúp anh em mình tìm thấy cuốn sách đó, hi vọng là những suy đoán của tổ tiên hoàn toàn đúng.

Nhưng bây giờ thì chưa được, vẫn phải chờ đợi và chờ đợi, đợi cơ hội Hán Chương và lá cờ đó mất hút khỏi tầm mắt của Tôn Điện Anh.

Đã đợi lâu như vậy rồi, anh em mình cách mục tiêu không xa nữa.

Ngày 18 tháng 1 năm 1935, trời có tuyết.

Tôn Điện Anh thất thế đã được một quãng thời gian, mình có cảm giác như thời khắc đã điểm.

Phải bàn bạc với tụi Hán Chương, có thể bắt tay vào hành động được rồi.

Chỉ đợi trận tuyết này ngừng rơi.

Ngày 20 tháng 1 năm 1935, trời hửng nắng.

Kế hoạch mượn lửa chạy trốn thành công.

Hán Chương đi theo Tôn Điện Anh bao nhiêu năm như vậy, ông ta không thể ngờ rằng, một Tôn Huy Tổ trung thành theo ông ta tới tận Sơn Tây sau khi ông ta thất thế lại có thể mượn lửa đào tẩu.

Có lẽ ông ta chỉ có thể khóc rống lên thôi. Những người đi theo ông ta năm xưa giờ không còn một ai, ngoại trừ Hán Chương.

Cũng may là mấy anh em tìm được một người có thân hình giống với Hán Chương để chết thay.

Từ hôm nay trở đi, anh em mình có thể thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch rồi.

Ở vào thời hoàng kim, thế lực của Tôn Điện Anh cũng không thể vượt qua sông Trường Giang nên mấy anh em nhà mình sẽ an toàn.

Tôi lật từng trang, từng trang của cuốn nhật kí, có lúc phải dùng móng tay để cạo bớt những vết máu che lấp nét chữ, đầu móng tay đã chuyển sang màu đỏ sậm.

Mấy chục trang tiếp theo ghi lại những hành động của bốn anh em nhà họ Tôn trong khoảng thời gian hơn một năm. Họ đã đặt chân tới mọi thành phố, huyện thị, làng xã khắp miền Giang Nam, đã đi qua từng tấc đất của hai tỉnh Giang Chiết[2]. Rõ ràng, các vị tổ tông của họ cũng không biết vị trí chính xác của ngôi mộ cổ đó.

[2] Giang Chiết: tức tỉnh Giang Tô và Chiết Giang.

Đáng tiếc, tôi không tìm thấy câu trả lời cho bất kì một câu hỏi quan trọng nào, ví dụ như ngôi mộ cổ đó rốt cuộc là mộ của ai chẳng hạn. Từ đầu tới cuối, Tôn Diệu Tổ chỉ dùng những từ như “ngôi mộ cổ đó”, hay “ông ấy” để ám chỉ mà không hề viết rõ ràng. Cả cụm từ “cuốn sách đó” cũng tương tự như thế.

Con người ta khi viết nhật kí, nếu đối diện với những sự việc bí ẩn không thể diễn tả bằng lời thường dùng một cách nói mơ hồ nào đó để thay thế, họ muốn né tránh nó như một bản năng, và trường hợp tôi đang gặp phải là một ví dụ như thế.

Xét trên tổng thể thì cuốn nhật kí này cũng giúp tôi giải đáp một số nghi vấn, như vì sao Tôn Huy Tổ lại là người vác cờ?

Ngày 24 tháng 2 năm 1935, trời mưa nhỏ.

Ngày mai đến lượt Lão Tứ vác cờ, nhưng nó không vui vẻ lắm.

Nó và Lão Nhị có chung một ý kiến là nên cố định một người vác cờ, như thế sẽ giúp người vác cờ có nhiều cơ hội để gần gũi lá cờ hơn. Nghe nói, những thần binh lợi khí trong truyền thuyết đều có ý thức và cảm nhận riêng của nó, có lẽ làm như thế sẽ tạo ra mối giao cảm giữa người vác cờ và lá cờ, nhờ đó việc tìm thấy ngôi mộ cổ đó sẽ dễ dàng hơn.

Việc này thì chỉ có Lão Tam mới đảm đương nổi, vì lá cờ đó tính cả cán dễ có đến hơn 30 cân[3] trọng lượng, mình mới chỉ vác một ngày đã thấy mệt rã rời. Lão Nhị và Lão Tứ cũng chẳng khá khẩm hơn mình.

[3] Một cân Trung Quốc bằng 0,5kg.

Việc này cứ quyết định như thế, từ nay về sau, Hán Chương sẽ là người vác cờ.

Có một điều tuy mấy đứa chúng nó không nói với mình nhưng mình vẫn biết.

Ấy là vác lá cờ này có phần huênh hoang quá.

Tôn Diệu Tổ chỉ viết đến đây thì ngừng. Có lẽ, cả ba người còn lại đều được đọc cuốn nhật kí này nên Tôn Diệu Tổ không viết quá chi tiết.

“Có phần huênh hoang quá”, nghĩa là như thế nào nhỉ? Tôi thử suy ngẫm một chút, vác một lá cờ to như thế đi trên những con phố của thành phố, những cánh đồng của làng xã, người người trông tỏ, họ không thể xem như đang đi giữa chốn không người, Lão Nhị và Lão Tứ nhà họ Tôn tất nhiên cảm thấy xấu hổ. Đây có lẽ mới là nguyên nhân thực sự khiến bốn anh em nhà họ Tôn quyết định để Tôn Lão Tam vác cờ.

Thì ra bốn anh em nhà họ Tôn không phải tất cả đều chung một lòng, chỉ có Tôn Diệu Tổ và Tôn Huy Tổ là người kiên định nhất.

Trong cuốn nhật kí, Tôn Diệu Tổ không dành một phần riêng để nói rõ mối dây liên hệ giữa việc vác lá cờ đó đi trên đường với việc phát hiện vị trí của ngôi mộ cổ. Ông ta chỉ ghi chép lại việc mình đã từng sáu lần giải thích điều đó với ba đứa em trước và sau khi sự việc xảy ra. Xâu chuỗi chúng lại với nhau, tôi cũng nắm được đại ý.

Lá cờ đó có mối liên hệ mật thiết với một đồ vật nào đó trong ngôi mộ cổ, khả năng cao nhất chính là cuốn sách đó, hoặc có thể là đồ vật khác, điều này không được Tôn Diệu Tổ ghi chép tỉ mỉ, nhưng ắt hẳn phải có nguyên nhân sâu xa nào đó, có thể chúng cùng nguồn gốc, hoặc chúng có một tác dụng tương tự như nhau. Các vị tổ tiên của nhà họ Tôn suy đoán, giữa hai vật này có thể có tác dụng cộng hưởng hoặc có lực hấp dẫn lẫn nhau, giống như hai cục nam châm khi để chúng ở một khoảng cách nhất định sẽ xảy ra hiện tượng khác lạ và nhờ đó có thể đoán định được vị trí đại khái của ngôi mộ cổ.

Suốt hơn một năm ròng, lá cờ đó không phát sinh một hiện tượng khác lạ nào, chỉ trừ việc khiến cho những người lần đầu trông thấy nó kinh hoàng khiếp đảm, tuyệt nhiên không thấy nó có sự cộng hưởng hay có lực hút với vật khác. Bởi thế, nỗi hoài nghi của mấy anh em nhà họ Tôn về lời suy đoán của liệt tổ liệt tông ngày một nặng nề thêm và đó cũng là nguyên nhân khiến Tôn Diệu Tổ phải giải thích với các em tới sáu lần.

Tôi có thể thấu hiểu, khi đó bốn anh em nhà họ Tôn ngày nào cũng vác lá cờ đi khắp nơi, những mảnh đất mà họ chưa đặt chân đến ngày càng ít dần, nhưng lá cờ đó vẫn không hề có phản ứng như trong tâm tưởng của họ, hẳn nhiên họ sẽ băn khoăn không biết lời suy đoán của tổ tông có đúng hay không. Thậm chí họ sẽ nghĩ, lẽ nào tổ tông của họ đã dùng đủ mọi biện pháp thực tế mà vẫn thất bại, nhưng vì không muốn con cháu đời sau từ bỏ hi vọng tìm kiếm ngôi mộ cổ đó nên tổ tiên họ đã thêu dệt nên câu chuyện kì quái này?

Nếu lá cờ đó bản thân nó không mang những điều thần kì, e rằng anh em nhà họ Tôn đã từ bỏ công cuộc tìm kiếm ngôi mộ đó rất lâu rồi.

Ngày 14 tháng 7 năm 1936, trời nổi sấm, mưa.

Sắp sửa tiến vào Đại Thượng Hải.

Ngày 15 tháng 7 năm 1936, trời mưa.

Hán Chương bảo với mình là nó cảm thấy hơi khang khác.

Nó nói, nó không rõ đó là cảm giác gì, chỉ biết rằng cảm giác của nó khi vác lá cờ không giống như trước đây nữa.

Còn mình, Lão Nhị và Lão Tứ thì lại chẳng có cảm giác gì cả. Hi vọng không phải là ảo giác của Hán Chương.

Ngày 7 tháng 8 năm 1937, trời nhiều mây.

Hán Chương lại có cảm giác. Và cảm giác lần này mạnh hơn lần trước.

Nơi này chính là Sạp Bắc của Thượng Hải.

Nghe Hán Chương nói thế, mình, Lão Nhị và Lão Tứ cơ hồ cũng có cảm giác khác lạ. Không phải là do tác động tâm lý chứ?

Hi vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn.

Nếu lần này mà vẫn không thành công nữa thì…

Ngày 11 tháng 8 năm 1937, trời nắng.

Cuối cùng cũng tìm thấy rồi!

Đúng là có sự thay đổi dị thường! Tất cả mọi người trên phố trông thấy lá cờ đều sợ tới nỗi phát điên, giống hệt như một cơn bão táp tinh thần đang hoành hành vậy! Nhưng bốn anh em mình đứng ngay dưới lá cờ đó lại không hề hấn gì. Không, nói đúng hơn thì vào khoảnh khắc đó, trong lòng mình thấy dạt dào sức mạnh.

Sức mạnh. Giây phút đó, mình tưởng như có một sức mạnh vô song khiến mình dám thách thức cả thế giới.

Mình tin là ngày này sẽ không còn xa nữa, ngôi mộ cổ đang nằm dưới chân mình rồi.

Nét chữ trên trang nhật kí này run run. Khi viết những dòng này, Tôn Diệu Tổ xúc động đến nỗi tì rách một số chỗ trên trang giấy. Niềm hi vọng vốn dĩ ngày càng trở nên mịt mờ bỗng chốc lại trở thành hiện thực và thành công đã cận kề, làm sao người ta không xúc động được?

Còn với một người ngồi đây đọc lại cuốn nhật kí này sau nhiều năm như tôi, tôi biết rằng, thực ra họ đang tiến gần tới cái chết.

Những trang sau của cuốn nhật kí ghi chép những điều cơ bản tôi đã biết: việc bốn anh em nhà họ Tôn tạo mối quan hệ với chính quyền, di dân đi nơi khác, xây dựng “khu ba tầng”, thỉnh mời bác Chung Thư Đồng, Đại sư Viên Thông, “Vua trộm mộ” Vệ Bất Hồi, đào đường hầm trong lòng đất dưới vỏ bọc đào hầm trú ẩn, vận chuyển số đất đào được ra bên ngoài, lấp ao Khâu Gia, phát hiện ra vị trí cụ thể của ngôi mộ cổ, sự kiện quân xâm lược Nhật ném bom, lời tiên đoán chẳng lành của Đại sư Viên Thông…

Tôi giở tới trang cuối cùng của cuốn nhật kí.

Ngày 4 tháng 9 năm 1937, trời nhiều mây.

Chuẩn bị xuống dưới lòng đất.

Đây là thời khắc cuối cùng rồi, nhưng tâm trạng của mọi người hình như có chút…

Có lẽ không nên mời Đại sư Viên Thông tới.

Hi vọng Vệ Bất Hồi có thể trợ giúp anh em mình, dù dưới lòng đất ẩn chứa điều gì đi nữa, anh em mình cũng không còn đường lùi nữa rồi. Bốn anh em mình gánh trên vai niềm kì vọng của gia tộc Tôn Thị từ cả ngàn năm trước. Liệt tổ liệt tông đang dõi theo mình.

Cũng may, bốn anh em không băn khoăn điều gì.

Tôi gấp cuốn nhật kí lại. Đồng hồ chỉ hơn 1 giờ sáng. Với tôi, thời điểm đó không phải quá muộn, nhưng lúc này, tôi cảm giác mệt mỏi rã rời, không phải sự mệt mỏi trên cơ bắp mà là sự mệt mỏi từ sâu trong đầu óc lan tỏa, khiến tôi không thể tiếp tục tư duy được nữa.

Tôi đã suy nghĩ quá nhiều và những suy nghĩ đó cứ vấn vít vào nhau, rối như tơ vò khiến tôi trong chốc lát đã mất đi khả năng phân tích rõ ràng từng sự việc.

Thôi, cứ đi ngủ trước vậy.

Tôi thường ngủ để né tránh một số chuyện, song trên thực tế thì tôi không có cách nào thoát khỏi chúng được.

Trên các đầu móng tay của tôi thoang thoảng mùi máu tanh.

Tôi vùi hai bàn tay xuống dưới gối.

Tôi không nhớ rõ mình chìm vào giấc ngủ từ khi nào. Hình như, tôi chưa hề ngủ. Có những cảnh tượng cứ lướt qua trong đầu, bóng dáng của Vệ Tiên, hình hài của bốn anh em nhà họ Tôn và cả cái đầu lâu đó nữa. Từ rất lâu rồi, tôi chưa co một giấc ngủ nào trằn trọc và khổ sở như giấc ngủ đêm qua. Lúc tôi lồm cồm bò dậy, toàn thân ướt đẫm những giọt mồ hôi lạnh và dính nhơm nhớp.

Kim đồng hồ chỉ 7 giờ 15 phút. Với tôi, giờ này hơi sớm để thức dậy, nhưng không thể nấn ná thêm trên giường được nữa, vì khi mi mắt tôi vừa khép lại, thì những hình ảnh hỗn loạn lại thi nhau ào tới.

Tôi tắm nước lạnh rồi cố gắng ép mình xốc lại tinh thần. Bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để gọi điện cho bác Chung Thư Đồng. Tôi không muốn giở cuốn nhật kí màu đỏ sậm đó ra xem lại lần nữa.

Nội dung của cuốn nhật kí đã giúp tôi hình dung ra đại thể chuyện xảy ra năm xưa. Tuy thế, tác dụng của nó cũng không quá lớn, nhất là trong tình cảnh tôi vốn dĩ cho rằng mình có thể tìm ra manh mối để trả lời câu hỏi vì sao Vệ Tiên tự sát từ cuốn nhật kí đó, nhưng bây giờ tôi lại chẳng nghĩ ra điều gì cả.

Điều gì đã dồn Vệ Tiên tới chỗ chết, khiến anh ấy không có dũng khí để phản kháng, thậm chí không cầu cứu tới tôi?

Tôi nhớ lại, ở vào phút cuối cùng, gương mặt của Vệ Tiên đột nhiên trở nên hoảng hốt và tuyệt vọng, điều này phải giải thích thế nào? Lúc đó, ánh mắt của anh ta nhìn chòng chọc vào tôi.

Một ý nghĩ vụt hiện lên trong đầu khiến tôi kinh ngạc. Không lẽ Vệ Tiên đang sợ tôi?

Anh ấy sợ tôi nên mới im lặng với tôi. Ở giây phút cuối cùng của đời mình, Vệ Tiên đã sợ hãi khi nhìn thấy tôi?

Tôi nhìn hình ảnh mình đang mặc quần áo trong gương. Vẫn như bình thường, chỉ có điều hơi tiều tụy một chút.

Tôi đi đi lại lại trong phòng. Có một thứ áp lực không rõ từ đâu dồn lên trong lòng làm tôi không tài nào cảm thấy thoải mái được, tôi biết chắc chắn là có chô nào đó bất ổn, nhưng tôi không thể nắm bắt được nó.

Tôi cảm nhận nguy hiểm đang rình rập, song lại hoàn toàn không biết mối nguy ấy từ đâu tới.

8 giờ 15 phút, cuối cùng, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa, tôi nhấc điện thoại lên và gọi cho bác Chung Thư Đồng. Người già thường hay dậy sớm.

Bác Chung Thư Đồng bắt máy rất nhanh. Xem ra, tôi không quấy nhiễu giấc ngủ của bậc đại học giả là bác. Vừa nghe thấy tôi nói việc điều tra có bước tiến mới, bác vội vã bảo tôi tới nhà bác kể cho bác nghe, bác cơ hồ sốt sắng hơn cả tôi.

Tôi rửa những bức ảnh đã chụp bằng chiếc máy ảnh kĩ thuật số ra khổ lớn, cho vào trong túi rồi không đủ kiên nhẫn đợi xe bus, tôi gọi taxi tới nhà bác Chung Thư Đồng.

Chương 18

Tôi không kể cho bác Chung Thư Đồng nghe về cái chết li kì của Vệ Tiên, bởi lẽ cái tên này không có ý nghĩa đáng kể nào với bác, câu chuyện tôi kể đã đủ khiến bác ngạc nhiên lắm rồi.

“Thật không ngờ lại có thể như thế”, bác Chung Thư Đồng lặp lại câu ấy không biết bao nhiêu lần trong lúc nghe tôi kể.

Ngay cả một bậc lão niên như bác khi nghe tôi kể về kế hoạch lớn lao mà ngày ấy mình vô tình tham gia vào cũng trở nên vô cùng hiếu kì và một lòng muốn biết rõ, bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa rốt cuộc định làm gì. Bởi thế, bác vội vã giục tôi cho bác xem mấy bức ảnh tôi đã chụp và một nửa lá cờ ma đó trong khi tôi chưa kịp lấy chúng ra.

“Ồ?”

Gương mặt bác Chung Thư Đồng đầy vẻ ngạc nhiên khi trông thấy tôi trải nửa lá cờ đỏ ra.

“Đây chính là lá cờ đó hả cháu?”, bác quay đầu lại hỏi tôi.

Tôi gật đầu tỏ ý khẳng định.

“Hình vẽ trên lá cờ này không giống với hình vẽ trên lá cờ bác phác hoạ cho cháu, nhưng cháu nghĩ lá cờ mà Tôn Huy Tố nắm chặt trong tay khi chết không thể là lá cờ khác được”.

“Nhưng tại sao những hình vẽ của nó lại khác hoàn toàn so với hình vẽ trong trí nhớ của bác nhỉ, màu sắc thì gần giống đấy, lẽ nào, bác già rồi nên trí nhớ không còn minh mẫn nữa chăng?”

“Cũng không hẳn như thế đâu bác ạ. Những hình vẽ trên lá cờ của bác, bác Dương Thiết và bác Phó Tích Đệ đều không giống nhau, hai bác đó đều rất tự tin vào trí nhớ của mình. Có lẽ, lá cờ này có khả năng làm hiện lên những hình vẽ khác nhau trong mắt mỗi người. Lá cờ này vốn ẩn chứa nhiều điều kì quái, thêm một vài điểm kì quái nữa cũng không phải là không thể đâu bác ạ.”

“Thế nhưng hình vẽ cháu nhìn thấy trên lá cờ lúc này là gì, có phải là mấy con long li không?”, bác Chung Thư Đồng hỏi tôi.

“Đúng thế bác ạ. Cháu và bác có cảm nhận giống nhau rồi thì không còn tác dụng ban đầu nữa”. Giọng nói của tôi hơi trầm xuống. Đứng trước một bậc đại học giả như bác Chung Thư Đồng lại nói mấy chuyện thần kỳ quái đản mà ngay cả bản thân còn chưa tỏ tường thì quả thật là khiếm nhã.

Không ngờ bác Chung Thư Đồng lại gật đầu tỏ ý đồng tình. Rồi bác đưa ánh mắt hướng trở lại lá cờ.

Vỗn dĩ, tôi định đưa mấy bức ảnh cho bác xem, nhưng lại thấy bác có vẻ đăm chiêu nên lại thôi.

Bác Chung Thư Đồng nhìn chăm chăm vào lá cờ một lúc, sau đó bác lấy một chiếc kính lúp bội số cao để có thể quan sát tỉ mỉ hơn. Gương mặt đeo kính lão của bác mỗi lúc một ghé sát lá cờ.

“Lá cờ này được làm từ một chất liệu bác chưa từng được thấy bao giờ. Nó không phải được dệt từ sợi tơ hay sợi bông, bác nghĩ cháu nên gửi mẫu đi kiểm tra thành phần của nó. Biết bao nhiêu năm như vậy, xương thịt con người cũng đã thành cát bụi vậy mà hình như thời gian không thể tác động lên lá cờ này”, câu đầu tiên của bác Chung Thư Đồng lại làm tôi có chút thất vọng.

“Căn cứ theo những hình vẽ của nó thì có lẽ đây là một lá quân kì”.

“Một lá quân kì ạ?”

“Ừ, có thể là một lá quân kì của thời Hán, thời Tam Quốc, hoặc thời Tấn, nhưng bác nghiêng về thời Tam Quốc nhiều hơn. Lá quân kì này đại diện cho một người có ngôi vị tương đối cao đấy”, bác Chung Thư Đồng bổ sung thêm.

“Đúng rồi bác ơi, nếu lá cờ này là một lá quân kì thì có thể lí giải được rồi ạ”, tôi cảm thấy hớn hở vì vừa nghĩ thông suốt một mắt xích.

“Có thể lý giải điều gì hả cháu?”

“Chính là tác dụng của lá cờ này đấy bác ạ. Lá cờ này có thể tạo ra một sự uy hiếp đáng sợ đối với những người nhìn thấy nó, nhưng quân đội của mình nếu nhìn thấy nó lâu ngày sẽ trở nên quen thuộc và có thể khắc chế được nỗi sợ hãi. Hơn nữa, đối với những người ở cách lá cờ trong một phạm vi nhất định sẽ cảm thấy sĩ khí được dâng cao giống như những sĩ tốt thân cận bảo vệ chủ soái; còn đối với quân đội của kẻ địch lần đầu trông thấy lá cờ sẽ cảm thấy như vừa bị giáng một đòn chí mạng. Lá cờ này đã được tạo ra và sử dụng trên chiến trường trong thời đại chiến tranh loạn lạc.”

Nói tới đây tôi chợt nhớ tới nguyên nhân khiến “khu ba tầng” được bảo vệ nguyên vẹn trong mưa bom bão đạn, nên bổ sung tiếp: “Lá cờ này vẫn có thể phát huy tác dụng to lớn của nó ngay cả trong chiến tranh hiện đại bác ạ”.

Bác Chung Thư Đồng thừ người ra một lúc rồi thở dài: “Đáng tiếc là nó đã bị rách, hi vọng có thể tìm được nửa còn lại để bác cháu mình khám phá ra nguyên lý của nó. À, còn những bức ảnh đâu rồi cháu?”

Tôi nhanh nhẹn lấy từ trong túi ra những bức ảnh đã được in cỡ lớn trên loại giấy ảnh chuyên dụng đưa cho bác Chung Thư Đồng xem.

Bác Chung Thư Đồng lần lượt xem từng bức ảnh, lông mày của bác nhíu lại mỗi lúc một lâu.

Bác chậm rãi quan sát, lật đi lật lại mười mấy bức ảnh trong hơn hai mươi phút đồng hồ, đặc biệt là bức ảnh đặc tả cái đầu lâu quái dị đó.

Lúc mới quan sát những bức ảnh, bác khe khẽ lắc đầu, nhưng càng lúc bác càng lắc đầu mạnh.

Cuối cùng, bác ngẩng đầu lên, mỉm cười chua chát: “Thật xấu hổ quá, những kí hiệu khắc trên tường trong mộ đạo và trên cổng vòm, bác chưa từng tìm thấy bao giờ”.

Nghe bác Chung Thư Đồng nói thế, tôi không khỏi ngạc nhiên.

Bác ấy là bậc lão làng trong giới sử học, nổi tiếng uyên bác và tinh thông nhiều điều. Tuy bác chuyên tìm nghiên cứu về lịch sử thời Tam Quốc, nhưng với lịch sử các thời đại khác nhau của Trung Quốc, bác cũng xứng danh là chuyên gia. Theo lý mà nói thì dù bác không chuyên tâm nghiên cứu những ký hiệu này song vẫn có thể biết được xuất xứ của nó hay chút manh mối nào đó mới phải.

“Xét từ hình dáng của cửa mộ thì đây có thể là một ngôi mộ cổ thời Tam Quốc, nhưng những ký hiệu này quả thật bác chưa nhìn thấy bao giờ. Những ký hiệu này cũng chưa từng xuất hiện trong những ngôi mộ cổ ở thời Tam Quốc và cả ở các thời đại khác nữa. Bác chỉ có thể khẳng định với cháu, chúng chắc chắn không phải chỉ là những hình vẽ trang trí vô nghĩa, mà chắc chắn ẩn chứa một ý nghĩa quan trọng nào đó”.

Nói rồi bác Chung Thư Đồng rút từ trong xấp ảnh ra năm bức ảnh và bảo: “Cháu để mấy bức ảnh này lại đây để bác từ từ nghiên cứu nhé!”

Tất nhiên tôi đồng ý.

Bác Chung Thư Đồng lại rút ra một bức ảnh đặt trước mặt tôi và nói: “Riêng với bức này thì bác có một chút suy đoán của riêng bác, có thể không được chuẩn xác lắm, cháu tham khảo nhé!”.

Chính là bức ảnh chụp đặc tả chiếc đầu lâu.

Bác Chung Thư Đồng chỉ tay vào vào cái lỗ lớn phía trên trán của chiếc đầu lâu trong bức ảnh, nói: “Tuy điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của bác cháu ta, song nhìn vào bức ảnh có thể thấy, cái lỗ này là bẩm sinh, vì ngôi mộ cổ với quy mô đồ sộ như thế này không thể có kẻ đột nhập vào bên trong và chọc một cái lỗ lên chiếc đầu lâu sau khi chủ nhân của ngôi mộ cổ này từ giã cõi đời được. Thêm vào đó, cái lỗ này nhẵn bóng như vậy, không phải là vết tích do chủ nhân của nó bị một thứ vũ khí nào đó đâm phải khi còn sống”.

“Ý của bác là…”

“Là con mắt thứ ba”, danh từ mà bác Chung Thư Đồng vừa nhắc đến khiến người ta trợn mắt há mồm kinh ngạc

Tôi đã từng liên tưởng, cái lỗ lớn này rất giống một con mắt thứ ba, nhưng đó chỉ là sự liên tưởng tuỳ tiện của tôi, vì tôi chưa bao giờ nghe ai đó có con mắt thứ ba cả. Thế mà bây giờ, bậc lão làng của giới sử học lại nhận định như thế, hơn nữa, bác nói với một thái độ rất thận trọng và nghiêm túc.

“Bác không biết vì nguyên nhân gì, có lẽ do đột biến gen, nhưng trong sách sử, quả thực có những ghi chép về một số người có con mắt thứ ba. Bác nghiên cứu những cuốn sách viết về lịch sử cho đến bây giờ, có đối chiếu giữa các loại tư liệu và nghiên cứu thêm những cuốn bút ký dã sử, có đôi lúc phát hiện ra nhiều điều mà ngay cả bản thân bác cũng không dám tin. Trong lịch sử có ba người biến thành hổ, khả năng này cũng có thể tồn tại, nhưng nhiều khi, tư liệu đề cập về các phương diện lại đưa bác đến với một kết quả mà bác không thể chấp nhận được. Thường thì bác chôn kín những mối nghi hoặc đó ở trong lòng, vì xét cho cùng, những thứ đó vốn dĩ đã bị chìm dưới dòng sông lịch sử, bác không nhất thiết phải khơi chúng ra. Bây giờ, bác muốn chia sẻ điều ấy với cháu, người có con mắt thứ ba có thể tồn tại trong thực tế và những người như thế thường có khả năng kì lạ mà người bình thường khó lòng tưởng tượng nổi”.

“Vậy theo bác biết, nhân vật nào trong lịch sử có con mắt thứ ba ạ? Thời Tam Quốc có người như thế không ạ?”

“Nhị Lang Thần Dương Tiễn trong truyền thuyết dân gian rất có thể là người có con mắt thứ ba thật đấy. Hoàng đế khai quốc Hoàng Thái Cực của triều Thanh cũng được lưu truyền là có thiên nhân. Nhưng người có con mắt thứ ba ở thời Tam Quốc thì bác chưa nghe nói đến”.

Thời Tam Quốc không có ư? Chủ nhân của ngôi mộ cổ này rõ ràng là thời Tam Quốc mà!

“Nhưng trong sách sử thời Tam Quốc cũng có ghi chép về một vài con người có khả năng kì dị”, bác Chung Thư Đồng chậm rãi nói.

Ra khỏi cánh cổng lớn của nhà bác Chung Thư Đồng, tôi mải miết nghĩ tới những người ở thời Tam Quốc phù hợp với những phân tích vừa rồi, người nào có thể có con mắt thứ ba, người nào có khả năng là chủ nhân của ngôi mộ cổ… Cả người tôi bải hoải vì đắm mình trong dòng suy nghĩ và vì cả giấc ngủ không yên lành đêm qua. Tôi đờ đẫn tới mức không biết mình đã ra tới ngã ba đường. Tôi bị một chiếc xe đạp đi lướt qua quệt phải, người ta chửi thề mấy câu theo phản ứng tự nhiên, nhưng tôi lại thấy vui mừng, vì nếu không phải bị người phụ nữ trung tuổi ấy đâm vào thì tôi cứ thơ thẩn tiến về phía trước mà ra tới giữa lòng đường thì nguy to.

Trở về toà soạn, tôi kiểm tra email, thấy có một vài bài viết do cộng tác viên gửi đến. Tôi chọn hai bài tàm tạm rồi sửa lại, đặt tiêu đề, ghi tên tôi dưới tên tác giả, sau đó gửi vào tệp file bài viết trong ngày của toà soạn. Mấy ngày hôm nay, tôi không có tâm trạng để tự đi phỏng vấn và viết bài, bài đã viết sẵn là tốt nhất.

Tôi làm việc ở toà soạn chưa được ba tiếng là đứng dậy đi về, không buồn quan tâm xem hai bài viết hôm nay có được đăng trên số ra ngày mai hay không.

Trên đường về nhà tôi ghé vào cửa hàng tiện lợi mua hai hộp mì ăn liền cho gọi là có bữa tối. Cứ nhét cho no bụng là được. Tôi bắt đầu lên mạng, tìm kiếm thông tin về “con mắt thứ ba”.

Đáng tiếc là trên mạng có rất ít nội dung liên quan đến con mắt thứ ba, tôi chỉ thấy lác đác vài bài viết nhắc đến con mắt thứ ba của nhân loại. Những bài viết ít ỏi này đủ để tôi biết rằng. Trên thế giới vẫn có những người đang nghiên cứu về con mắt thứ ba của loài người. Họ nêu ra những suy đoán và giả thuyết của mình trên cơ sở khoa học.

Từ xa xưa, nhân loại đã nhắc đến con mắt thứ ba. Trong những nghi lễ của rất nhiều dòng tôn giáo phương Đông, người ta thường vẽ con mắt thứ ba ở chính giữa đôi lông mày hướng thẳng lên phía trên. Họ tin rằng, con mắt thứ ba chính là con đường giúp họ có thể giao lưu trực tiếp với vũ trụ. Theo quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, con mắt thứ ba nằm ở vị trí chính giữa của đại não, nó được ví như một cánh cửa để năng lượng trong vũ trụ truyền vào bên trong cơ thể con người. Cho tới ngày nay, y học hiện đại vẫn không ngừng nghiên cứu về con mắt thứ ba.

Có một điểm nằm ngoài suy nghĩ của tôi, đó là người nào cũng có con mắt thứ ba. Có điều con mắt ấy chỉ xuất hiện trong hai tháng phôi thai đầu tiên của loài người, tức là trong giai đoạn hình thành tinh thể, các cơ quan cảm giác và tế bào thần kinh của các bộ phận trong não bộ. Điều kì lạ là, nó vừa xuất hiện đã mau chóng thoái hoá. Định luật gen sinh vật nổi tiếng đã đưa ra bằng chứng có sức thuyết phục nhất về con mắt thứ ba. Theo định luật này, trong một thời gian rất ngắn, bào thai sẽ trải qua toàn bộ quá trình tiến hoá qua tất cả các loài sinh vật. Nói cách khác, bào thai của con người sẽ xuất hiện tất cả các hình thái đặc trưng mà tổ tiên loài người đã từng có. Các nhà nhân loại học cho rằng, một số cơ quan trong cơ thể con người sẽ xảy ra hiện tượng thoái hoá và chúng vĩnh vĩnh viễn biến mất sau khi thoái hoá. Từ quá trình tiến hoá của loài động vật lưỡng cư thời cổ đại có thể nhận ra hiện tượng thoái hoá tương tự ở chúng. Loài thằn lằn ở New Zealand đã từng tồn tại hai trăm triệu năm, trên xương đầu của chúng có một hốc mắt rất nhỏ, bên dưới lớp màng trong suốt có một con mắt thứ ba thực sự. Các nhà sinh vật học đã cố khám phá ra, trên đầu của rất nhiều loài bò sát đã tuyệt chủng có thêm một con mắt là sự bổ sung quan trọng trong cơ quan thị giác của các loài động vật này. Chính nhờ có cơ quan đặc biệt này mà các loài bò sát cực kì mẫn cảm với các thảm hoạ thiên nhiên như động đất, bão từ, núi lửa phun…

Một số nhà nghiên cứu đoán định, nhiều nhà tiên tri có được khả năng đặc biệt biết trước tương lai là vì họ vẫn còn giữ được chức năng của con mắt thứ ba mà ở người bình thường, nó đã bị thoái hoá trước khi họ chào đời.

Đọc lướt qua những lý luận và suy đoán về con mắt thứ ba, tôi phát hiện ra, những bài viết này khi đề cập đến chức năng của con mắt thứ ba, họ đều gắn nó với khả năng “tiên đoán”, ngoài ra không gắn nó với một chức năng nào khác. Nhưng trong cách nói của bác Chung Thư Đồng thì hình như con mắt thứ ba ấy còn có chức năng khác nữa.

Những lí luận không có đối chứng đó hoàn toàn không đề cập tới việc phân tích vào một cá nhân cụ thể. Xem ra, đối với những người nghiên cứu về vấn đề này thì người có con mắt thứ ba chỉ tồn tại trong các truyền thuyết, không có một sự ghi chép chân thực và đáng tin cậy nào. Hết cách rồi. Tôi đành lôi từ trong tủ sách ra bộ “Tam Quốc Chí” và “Tam Quốc Diễn Nghĩa” để nghiền ngẫm. Trên mạng cũng có bản điện tử nhưng tôi thích đọc sách hơn.

Tôi lấy sắn một tờ giấy trắng đặt ngay bên cạnh, chuẩn bị ghi lại tên những nhân vật có khả năng có con mắt thứ ba, để từ từ phân tích và sàng lọc.

Vốn dĩ, tôi đã chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu trường kỳ. Nhưng không ngờ, vừa giở ra đọc mười mấy trang, tôi đã không thấy tên của một nhân vật. Tôi ngạc nhiên đến nỗi bật lên thành tiếng.

Trương Giác[1]!

[1] Trương Giác là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, hay còn gọi là quân Khăn Vàng vào cuối thời kỳ nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị triều đình đàn áp của Trương Giác, mà còn có một số cuốn kì thư khác, ví dụ như cuốn “Độn Giáp Thiên Thư” của Tả Từ[2]chẳng hạn. Nhưng giúp chủ nhân của nó có thể hô phong hoán vũ, lập nên hết kì tích này tới kì tích khác trên chiến trường, hùng bá thiên hạ thì chỉ mỗi cuốn “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh”.

[2] Tả Từ là một nhân vật huyền thoại sống vào cuối đời nhà Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, ông là người thông thạo phép thần kỳ của Đạo Lão.

Trời xanh đã mất, hoàng thiên lập Thiên Công tướng quân Trương Giác!

Vị thủ lĩnh của quân khăn vàng này từng thiêu rụi Trung Nguyên bằng lửa chiến tranh, một tay làm lung lay giang sơn của triều Hán. Truyền thuyết kể lại rằng, vị thủ lĩnh này có tài phong hô hoán vũ, vãi đậu thành binh và tất cả những phép thần thông này đều nhờ một cuốn sách tiên có tên “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh”.

Tạm thời không nhắc đến những câu chuyện truyền kì thần bí về bản thân tướng quân Trương Giác, cuốn sách giúp ông ta làm nên đại nghiệp, “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh”, lẽ nào lại là “cuốn sách đó” mà Tôn Diệu Tổ ngầm ám chỉ trong cuốn nhật ký?

Nhìn lại dã sử thời Tam Quốc, những cuốn kì thư như thế không chỉ có mình cuốn “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh”

Chẳng phải Tôn Diệu Tố đã viết, có được “cuốn sách đó” sẽ giành cả thiên hạ hay sao?

Nếu thực sự có một cuốn sách chứa đựng sức mạnh thần kì như thế, có lẽ bốn anh em nhà họ Tôn có thể làm dạng danh gia tộc Tôn thị của họ thêm lần nữa, hoặc họ sẽ được thoả mong ước xưng hùng một phương giữa thời loạn lạc.

Chỉ những người thế lực hùng mạnh như tướng quân Trương Giáp mới có thể xây dựng một ngôi mộ cổ quy mô đồ sộ như vậy. Dù Tả Từ may mắn được lịch sử thổi phồng về những khả năng thần kỳ tới mức như thành thần tiên thì cũng không thể có được khả năng đó.

Tư duy theo lối này thì Trương Giáp là đáp án gần nhất. Trương Giáp, một kì nhân có con mắt thứ ba, muốn xây dựng thời đại thái bình và trở thành một vị Thiên sư được người người kính trọng. Suy luận theo lẽ tự nhiên như thế sẽ dễ dàng hơn nhiều so với suy luận đó là người bình thường. Nhưng nếu thật sự tướng quân Trương Giác có những khả năng thần kỳ như thế và cuốn “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh” thật sự có thể làm nên kì tích hô phong hoán vũ, thì tại sao cuối cùng ông ta vẫn quân bại thân vong?

Quân đã tan, thân đã mất thì tại sao tướng quân Trương Giác lại có thể xây dựng được một ngôi mộ với quy mô đồ sộ và chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian xây dựng như thế?

Xét từ góc độ khác, nếu như con mắt thứ ba có khả năng giúp người sở hữu nó tiên đoán tương lai, vậy thì tưởng quân Trương Giác ắt hẳn phải dự liệu trước được kết cục của mình và chính vì thế, ông ta đã xây dựng lăng mộ cho mình trước khi quân bại thân vong?

Vậy thì lá cờ màu vàng này chính là lá cờ của chiến quân Khăn Vàng thuở xa xưa ư?

Lịch sử Trung Quốc ghi nhận có rất nhiều người có tài hô phong hoán vũ, nhưng giới học thuật thì cho rằng, đó chỉ là những chi tiết li kì mà người đời sau thêm vào bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, hoặc đó là do sự lí giải sai lầm của con người với một số hiện tượng khi nhân loại còn ở thời mông muội chưa được khai hoá. Bản thân tôi từ trước tới nay cũng luôn ủng hộ quan điểm này, bây giờ ngẫm lại thì thấy nó không đơn giản như thế.

Chí ít thì một nửa lá cờ đang được trải rộng trên chiếc bàn viết của tôi, nếu còn giữ được nguyên vẹn thì sức mạnh kì lạ của nó hẳn sẽ gây ra sóng to gió lớn trong giới khoa học.

Chương 19

Song nếu suy nghĩ theo hướng khác thì chưa hẳn đã như vậy. Trước đây, tôi từng trải qua không ít chuyện li kì, từng tiếp xúc và làm việc với tổ chức X của Trung Quốc nhiều lần, e là những người trong giới khoa học đã dốc hết sức nghiên cứu “sức mạnh kì bí”, có điều họ đã bỏ cuộc từ rất lâu trước khi có được thành quả để công bố với công chúng.

Nếu ngôi mộ cổ đó thực sự cất giấu cuốn “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh”… Tôi bắt đầu tưởng tượng tới những điều ghi trong cuốn sách đó và lại thấy trí tò mò nổi lên, không sao kiềm chế được. Và cả một vài tâm trạng khác nữa.

Rồi hình ảnh Vệ Tiên ngã từ trên tầng cao xuống ngay trước mắt tôi và thi thể dập nát thảm thương của anh ấy lại hiện lên trong óc tôi.

Nếu đó là cuốn “Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh” thì nó thật không phải là thái bình chút nào.

Tôi đi ngủ sớm. Đêm nay vẫn lại là một đêm giấc chẳng lành. Tôi chỉ ngủ chập chờn. Nếu có ai đó đứng cạnh giường quan sát tôi ngủ, có lẽ tôi sẽ nhận ra con ngươi mắt tôi đảo như rang lạc.

Hôm sau tỉnh dậy, tôi nhìn gương soi và phát hiện thấy sắc mặt mình tồi tệ hơn hôm qua nhiều.

Từ trước tới nay, tôi luôn ngủ một mạch tới tận trưa, nhưng mấy ngày gần đây, tôi gần như không có cảm giác là mình đang ngủ. Bản thân tôi cũng thấy ngạc nhiên, không hiểu sao sự việc này lại gây cho tôi áp lực lớn đến thế? Tôi không phải là một kẻ chưa từng thấy người chết, cũng không phải là một kẻ chưa từng trải qua cảnh ngàn cân treo sợi tóc kia mà!

Chẳng những thế, tôi thấy khả năng nắm chắc và quyết đoán sự việc của tôi kém đi nhiều. Lúc này tôi mới nhận ra, cả ngày hôm qua vì cắm cúi tìm đọc thông tin liên quan tới con mắt thứ ba và tướng quân Trương Giáp, tôi đã quên mất vị trí của mình trong toàn bộ sự việc này.

Nói khác đi thì tiếp theo đây, tôi định sẽ làm gì?

Vệ Tiên chết rồi, không còn ai cùng tôi vào thám hiểm ngôi mộ cổ đó nữa. Dù tôi đoán biết thân phận chủ nhân ngôi mộ cổ đó, nhưng tôi sẽ tiếp tục xuống dưới lòng đất bằng cách nào? Hành động đơn phương độc mã, có khác nào tự đào mồ chôn mình?

Với tình hình hiện giờ, tôi chỉ con hai lựa chọn: hoặc là tôi cứ điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra và kết thúc cuộc điều tra này ở đây, nhưng bỏ dở giữa chừng, việc ấy tôi chưa từng thử bao giờ; hoặc là tôi phải đi tìm tới một trợ thủ đắc lực, ví như Tổ chức X.

Lực lượng hùng hậu của Tổ chức X đương nhiên sẽ tương trợ tôi nhiều hơn anh chàng Vệ Tiên nhiều.

Kinh nghiệm của mấy lần làm việc với Tổ chức X thông qua anh chàng Lương Ứng Vật khiến tôi hiểu rõ, khi tổ chức X đã chính thức vào cuộc, thì toàn bộ sự việc sẽ trở thành bí mật quốc gia, dù tôi vẫn có thể nắm bắt một số tình hình thông qua anh chàng Lương Ứng Vật nhưng muốn trực tiếp tham gia cùng họ, quả là việc nằm ngoài sức tưởng tượng.

Nói thực lòng thì tôi không thích hợp tác với mấy tổ chức bí mật như Tổ chức X. Ngay cả anh chàng Lương Ứng Vật khi xuất hiện với tư cách là nghiên cứu viên của Tổ chức X cũng trở nên vô cùng đáng ghét.

Có được bài học của ngày hôm qua, nên hôm nay lúc sang đường tôi đã cực kì cẩn thận. Khổ nỗi, đầu óc tôi liên tục đuổi theo những ý nghĩ khác nhau, tinh thần tôi không tài nào tập trung được. Buổi trưa, lúc ra khỏi toà soạn đi ăn cơm, tôi lẩn thẩn nhìn đèn đỏ giành cho người đi bộ thành đèn xanh, vừa bước chân sang đường liền bị anh trật tự viên giữ lại.

Bốn giờ chiều, đến lượt tôi phải đi tham dự buổi họp chọn đề tài trong ngày. Tôi ghi lại mấy đề tài quan trọng của bạn tôi vào giấy và mang theo tới toà soạn. Tôi đang ở vào tình trạng này nên rất sợ tới toà soạn rồi mới phát hiện ra mình quên thứ gì đó ở nhà.

Nếu đêm nay giấc ngủ vẫn tồi tệ như mấy đêm trước chắc tôi chết mất. Giờ thì tôi đã được nếm mùi khổ sở của việc mất ngủ.

Tôi báo cáo xong mấy đề tài của bạn mình nhưng vẫn chưa được rời cuộc họp, phải đợi tất cả các thành viên hoàn tất việc báo cáo, rồi còn phải đợi xếp Lam căn vặn cho tới khi những câu hỏi đã sạch nhẵn trong đầu ông ta thì cuộc họp mang tính hình thức này mới đến hồi kết.

Tiếng chuông điện thoại reo lên, Hoàng Quân, anh chàng đồng nghiệp của tôi ở ban Xã hội hôm nay cũng tới tham dự cuộc họp, đang ngồi cạnh tôi cúi thấp đầu xuống nghe điện thoại. Đợi khi ban văn nghệ báo cáo xong đề tài, Hoàng Quân mới xem vào: “Ban chúng tôi hôm nay có một đề tài đấy ạ, phóng viên thường trực ở bệnh viện vừa báo tin, nhà sử học nổi tiếng Chung Thư Đồng đã nhảy lầu tự vẫn sáng nay, đã chứng thực là tử vong, cô ấy đang ở đó để phỏng vấn”.

Trong đầu tôi vang lên một tiếng “uỳnh”, mọi thứ trước mắt tôi bổng trở nên tối sầm.

Bác Chung Thư Đồng chết rồi sao?

Lại là một vụ tự sát!

Tôi không nhớ buổi họp kết thúc như thế nào, không nhớ bản thân mình bước ra khỏi phòng họp như thế nào. Tôi đứng bên cạnh cửa sổ, nhìn dòng xe qua lại.

Vệ Tiên chết rồi, bác Chung Thư Đồng cũng sang thế giới bên kia, chi bằng tôi…

“Bịch”, đầu tôi đâm sầm vào cửa kính. Cơn đau ghê gớm làm tôi choàng tỉnh.

Tôi làm sao thế này? Nếu trước mặt tôi không phải là chiếc cửa kính bọc thép đóng kín mít… Rốt cuộc thì ban nãy tôi đang định làm gì?

Bỗng dưng tôi lại muốn nhảy xuống bên dưới ư?

Tại sao tôi lại nảy ra ý nghĩ quái gở này? Không đúng, ban nãy đầu óc tôi trống rỗng, chân tay tôi không hề nghe theo sự sai bảo của bản thân.

Mấy người đồng nghiệp liếc mắt về phía tôi mỉm cười gượng gạo. Tôi bước nhanh vào nhà vệ sinh, bàn chân như không chạm đất. Tôi mở vòi nước, để những tia nước phun ra xối xả, tôi lấy tay vốc nước vã lên mặt mình.

Việc ấy không phải do tôi làm, nhất định không phải là tôi!

Bất luận như thế nào, những lúc bình thường, tôi không bao giờ coi rẻ sự sống. Ngay cả khi ở trong hang người làm bạn với đống xương trắng đi nữa, tự đáy lòng tôi chưa bao giờ từ bỏ hi vọng sống. Sự việc ban nãy là như thế nào?

Thoáng chốc, tôi chợt thấy biểu hiện của Vệ Tiên ở vào giây phút cuối cùng ấy của cuộc đời. Anh ấy hãi hùng đến thế không phải là do trông thấy tôi hay nhìn thấy thứ gì đó, mà là anh ấy thình lình hiểu ra tình cảnh của mình, giống như tôi lúc vừa rồi. Nếu không có tấm cửa kính được bọc thép chắn ngang thì tôi có lẽ chỉ khôi phục thần trí khi thấy mình đang rơi xuống, nhanh như một con thoi! Cuối cùng thì tôi đã biết, ở vào khoảnh khắc đó, Vệ Tiên đã tuyệt vọng đến mức nào.

Bàn tay ấn trên mặt đá cẩm thạch của tôi run lẩy bẩy, không sao điều khiển được, khuôn mặt trong gương nhợt nhạt, thậm chí tôi không thể khiến những chiếc răng ngừng va lập cập vào nhau. Đây không phải là lần đầu tiên tôi kề cận với tử thần, nhưng chưa bao giờ ở vào tình cảnh giống như ban nãy, không thể khống chế nổi hành vi của mình.

Nỗi kinh hoàng khiến tôi trở nên mẫn cảm một cách lạ lùng. Tôi lập tức nhớ lại những biểu hiện của mình sau khi ra khỏi mộ thất, hai lần sang đường suýt gặp nguy hiểm, tôi cứ ngỡ là do không ngủ được nên tinh thần mới lơ đễnh như thế. Không, không phải, ngay cả việc đột nhiên tôi ngủ trằn trọc không ngon giấc cũng liên quan tới nó!

Nhưng vì sao bác Chung Thư Đồng lại uổng mệnh như vậy? Bác ấy không hề vào mộ thất kia mà!

Những bức ảnh, là những bức ảnh!

Tiếng nói ấy vang vang trong lòng tôi.

Tôi đã hại bác Chung Thư Đồng ư?

Dù bác ấy không vào mộ thất nhưng lại xem những bức ảnh đặc tả về cảnh tượng trong mộ mà tôi đưa cho và đặc biệt bác ấy còn giữ lại năm bức để nghiên cứu.

Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra ý nghĩa của những ký hiệu đó rồi: cái chết.

Lá cờ chiến đó sẽ khiến cho kẻ nhìn vào khiếp đảm, còn những ký hiệu nằm san sát nhau trong mộ đạo kia dẫn người ta tới chỗ chết, mà là tự mình tìm tới cái chết.

Trực giác chẳng lành của tôi có lẽ bắt nguồn từ lưỡi hái tử thần đó chăng? Bây giờ ngẫm lại, càng tiến gần tới chiếc cổng vòm, những kí hiệu trên tường trong mộ đạo càng nhiều và càng dày thêm lên. Chúng được khắc chi chít xung quanh chiếc cổng vòm và đập ngay vào mắt người ta. Năm xưa, cả ông lão Vệ Bất Hồi và ông lão Tiền Lục đều không thể tiến sâu vào trong mộ đạo và áp sát chiếc cổng vòm đó như tôi, thế mà hai con người ấy, một kẻ mất đi lòng can đảm để tiếp tục trộm mộ, một kẻ dở dại dở điên. Vệ Tiên bước thẳng tới cửa mộ nên anh ta tự sát trong ngày hôm đó. Những ký hiệu đó là những ký hiệu gì mà sao chúng lại có sức mạnh ghê gớm đến thế?

Tôi lần bước tới đường cầu thang khuất bóng người và rút chiếc di động ra. Trong tình cảnh này chỉ có một người đủ khả năng cứu tôi thôi.

Vốn dĩ tôi định về tới nhà rồi mới gọi điện, nhưng lúc này, lòng tôi nơm nớp nỗi lo âu, chỉ sợ rằng tôi vừa bước ra khỏi toà nhà này, tôi sẽ lẩn thẩn bước tới phía đầu một chiếc ô tô, lao mình vào và kết thúc cuộc đời. Tôi phải dồn hết tinh thần vào những bước chân đang đặt xuống dưới cầu thang.

Trong số những người mà tôi vừa quen biết chỉ có một người vừa có vốn trí thức uyên thâm lại có biệt tài tác động tới tâm lý con người, đó là Lộ Vân – người truyền thụ và kế thừa đương đại của một môn phái ảo thuật thần bí của Trung Quốc.

“Chào anh, Na Đa”, giọng nói của Lộ Vân vang lên trong loa điện thoại. Vào lúc bình thường, hẳn tôi sẽ ngất ngây vì những thanh âm đầy mê hoặc đó, nhưng bây giờ thì…

“Anh nguy đến nơi rồi em ơi!”, giọng tôi ủ rũ.

Tôi kể lại vắn tắt tình trạng của tôi cho Lộ Vân nghe bằng ngôn từ đơn giản nhất. Thời đại ngày nay, người người đi thang máy, năm thì mười hoạ mới có kẻ bước về cầu thang bộ. Tuy thế, vẫn không có gì đảm bảo chắc chắn cả, ngộ nhỡ ai đó nghe được sẽ sinh chuyện phiền phức. Không phải tôi cố ý giấu giếm nhưng tôi đành phải làm vậy vì cô gái trẻ đang nói chuyện với tôi là một nhân vật vô cùng đặc biệt.

“Cũng gay go đấy anh ạ”.

Lòng tôi u ám, vì nếu cô ấy đã nói như thế thì tôi quả thật rất gay go rồi.

“Tình trạng của anh có biểu hiện của việc bị thôi miên nặng, có điều không tới mức khó chữa như anh nghĩ đâu. Vấn đề ở chỗ, hiện giờ em đang ở nước ngoài và không thể về nước trong ngày một ngày hai được anh ạ”.

“Em đang ở đâu thế?”, tôi thấy hối hận ngay khi hỏi câu hỏi ấy vừa buột ra khỏi miệng. Tôi đang hoảng loạn tinh thần, thật thế, nếu không tôi đã không sỗ sàng hỏi người ta như vậy.

Lộ Vân không để bụng câu hỏi của tôi, cô đáp lại ngay: “Em đang ở Nê-pan tham dự một cuộc họp anh ạ”.

Họp? Họp gì vậy chứ? Những câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi nhưng không bay khỏi cửa miệng.

“Thế này nhé, em cho anh số điện thoại của một người. Anh ấy cũng thuộc top đầu trong giới thôi miên đấy, anh gọi điện đến cứ bảo là em giới thiệu nhé. Nếu anh ấy không điều trị được cho anh thì anh gọi lại cho em nhé!”.

Tôi ghi lại tên và số điện thoại của nhà thôi miên mà Lộ Vân vừa đọc và thấy yên tâm chút đỉnh. Tôi chùi vội bàn tay ướt nhoẹt mồ hôi vào quần rồi bắt đầu bấm số gọi cho nhà thôi miên Âu Minh Đức.

“A lô”.

“Anh Âu phải không ạ, chào anh, một người bạn của em khuyên em nên tìm tới anh, em thấy tình trạng của em hơi…”

“Ồ, nhưng thời gian này tôi hơi kín lịch mất rồi, nếu cậu muốn hẹn thì đợi thêm ba bốn tuần nữa nhé…”, giọng nói của Âu Minh Đức đột nhiên khựng lại, “chờ chút, cậu có thể nói cho tôi biết ai cho cậu số của tôi không?”

Tôi gọi vào số di động của Âu Minh Đức. Có lẽ, anh ấy chợt nhớ ra khách hàng bình thường không thể có số di động của anh ấy.

“Là Lộ Vân anh ạ.”

“Ồ”, Âu Minh Đức hơi ngạc nhiên, “nhưng nếu mà Lộ Vân mà cũng bó tay thì tôi cũng khó lòng giúp được cậu rồi!”

“Không phải thế đâu anh ạ. Lộ Vân đang đi nước ngoài nên cô ấy giới thiệu anh cho em ạ”.

“Ok, thế em định bao giờ tới chỗ anh?”, Âu Minh Đức hỏi bằng một giọng khác hẳn lúc ban đầu.

“Vấn đề của em nghiêm trọng lắm, nếu có thể thì càng sớm càng tốt anh ạ”.

“Thế thì tối nay nhé, anh sẽ huỷ những cuộc hẹn khác trước của anh!”

Phòng khám và điều trị của Âu Minh Đức nằm trong con ngõ có chiếc cổng đá xây theo kiểu cổ điển trên đường Diên An Trung. Trên chiếc cổng đá có treo một tấm biển con con, chỉ dẫn phòng khám trên tầng hai.

Ra khỏi toà soạn, tôi gọi taxi tới đây nhưng lúc đứng trên đại lộ Đại Than bắt xe, nhìn dòng xe cộ nườm nượp qua lại ngay trước mắt, tinh thần tôi lại xuất hiện trạng thái hoảng hốt tạm thời. Cũng may là tôi luôn chú ý tới bản thân nên trấn tĩnh lại rất nhanh.

Âu Minh Đức hơi hói. Anh đã ở tuổi trung niên nhưng dường như vẫn tràn đầy sức sống. Phòng khám của anh kê một bộ sa lông bọc da khá êm ái. Căn phòng được chiếu sáng bằng ánh sáng ấm áp toả ra từ mấy bóng đèn.

Tôi nghĩ mình nên cảm ơn anh ấy bằng cách kiệm lời hơn một chút và tôi bắt đầu kể với anh tình trạng của mình.

Dĩ nhiên là tôi giữ bí mật ở một mức độ nhất định. Tôi bỏ qua những chi tiết như cái chết của bác Chung Thư Đồng và anh chàng Vệ Tiên, bỏ qua mộ đạo kì bí, chỉ nói tôi tình cờ xem được mấy bức ảnh chụp những kí hiệu thần bí. Kể từ hôm đó, tôi bắt đầu thấy mình có những biếu hiện mất kiểm soát và có khuynh hướng tự tìm tới cái chết.

“Em có thể cho anh xem những bức ảnh đó được không?”, Âu Minh Đức hỏi.

“Em không mang theo anh ạ, hay là để mai em gửi tới cho anh nhé”. Mấy bức rõ nhất thì đã để ở chỗ bác Chung Thư Đồng, những bức còn lại tôi đều để ở nhà.

“Ok, anh rất hứng thú với những ký hiệu đó đấy. Anh tin chắc là những ký hiệu đó đã tạo ám thị lên em rồi”.

“Ám thị ấy ạ?”

“Ừ, đúng thế. Những ám thị này tác động đến tâm lý mạnh hơn chúng ta vẫn tưởng nhiều. Ở Mỹ từng chiếu một bộ phim mà người ta xen lẫn những lần chiếu ống kính ghi hình bỏng ngô trong khi bộ phim đang được phát sóng bình thường. Mỗi lần chiếu chỉ lướt qua thôi, các khán giả không thể nhìn rõ ống kính ghi hình bỏng ngô, nhưng khi bộ phim kết thúc, hình ảnh bỏng ngô tràn ngập trong phòng chiếu và sức sống của nó tăng hơn bình thường gấp nhiều lần. Các khán giả cứ nghĩ đó là do bản thân họ tự lựa chọn, song trên thực tế họ đã bị ám thị tác động và làm những việc bình thường mình không làm. Em thấy không, người ta chiếu đi chiếu lại một vật bé nhỏ và rẻ tiền nhất mà còn thu được hiệu qủa rõ rệt như thế, thì những ký hiệu em nhìn thấy, anh nghĩ, chúng có lẽ là những ám thị trừu tượng được người ta chuyên tâm tạo ra để tác động lên tiềm thức của con người. Khả năng tồn tại của những ám thị như thế vốn dĩ chỉ có trên lý thuyết thôi, thật không ngờ người ta lại có thể sáng tạo ra chúng trong thực tế, trời ơi!”

Dường như Âu Minh Đức thấy mình hơi phấn khích quá, anh ấy mỉm cười chữa ngượng: “Xin lỗi em nhé, anh phản ứng hơi thái quá, những ký hiệu đó nếu đích thực giống như anh nghĩ, thì thật khủng khiếp”.

Tôi nhún vai, tỏ vẻ thấu hiểu: “Em hiểu anh ạ. Con người có thể sáng tạo ra những ký hiệu đó đã là siêu phàm lắm rồi, mà những ký hiệu này lại đủ sức làm đảo lộn bản năng sinh tồn của sinh vật, tạo ra ám thị về cái chết, việc này còn khó hơn việc kích thích người ta mua bỏng ngô gấp trăm ngàn lần, vì nó là một dạng điều khiển thần kinh. Nhưng theo em biết thì những ký hiệu đó không phải do con người hiện đại sáng tạo ra đâu anh ạ, chúng đã có cả mấy ngàn năm lịch sử rồi”.

Anh Âu Minh Đức há hốc mồm: “Ôi thế cơ á… Từ thời xa xưa như vậy mà con người đã nghiên cứu tới lĩnh vực này rồi sao?” Những nếp gấp trên cung lông mày anh xô lại với nhau, anh không nói tiếp nhưng tôi nghĩ, anh cũng giống như tôi, đang nhớ tới Lộ Vân. Lộ Vân là người truyền thụ và kế thừa của một môn phái ảo thuật thần bí của Trung Quốc. Không ai biết môn phái ảo thuật thần bí ấy đã có bao nhiêu năm lịch sử và rốt cuộc con người thời viễn cổ đã làm thế nào để có được những tri thức và khả năng ấy. Câu đố này có lẽ không thể giải mã được trước khi con người sáng tạo ra đồng hồ.

“Em có chấp nhận bị thôi miên không? Đây là cách duy nhất để giải ám thị cho em đấy”, anh Âu Minh Đức nói.

“Vâng ạ”.

Bản thân tôi không phải là người dễ bị thôi miên. Đặc biệt, tôi có khả năng kháng cự về mặt tâm lý, vì tôi ghét cái cảm giác không thể tự điều khiển mình. Những nhà thôi miên thường thường bậc trung khi gặp phải những người bị thôi miên có khả năng kháng cự về mặt tâm lý gần như trăm trận thua cả trăm. Nhưng được mắt xanh của Lộ Vân để ý tới hẳn nhiên không phải dạng tầm thường. Ngoài ra, tôi biết học thôi miên cũng phải có tư chất trời phú.

Chương 20

Lần này tôi tới đây một lòng mong mỏi có thể phá giải lời nguyền chết chóc đang bám riết lấy tôi, bởi thế, tôi thả lỏng cơ thể và tinh thần hiết mức có thể để tiếp nhận thôi miên. Tuy tôi đã làm theo lời của anh Âu Minh Đức nhưng cũng phải mất mấy lần, tôi mới từ từ đạt được trạng thái thả lỏng hoàn toàn.

Tôi từng phỏng vấn một vài người được điều trị bằng phương pháp thôi miên và ai cũng bảo, trạng thái tinh thần của mình vô cùng tốt sau khi tỉnh dậy khỏi giấc thôi miên. Nhưng hỡi ôi, sau khi tỉnh dậy, tôi có cảm giác trạng thái tinh thần của mình dường như vô duyên với chữ “tốt”.

Cực kì thảm hại.

Tôi không tỉnh dậy như bình thường mà cơ hồ có người đẩy tôi rất mạnh, tôi hoảng hốt và giật mình tỉnh dậy. Có một thứ âm thanh lớn khủng khiếp lùng bùng trong trí não tôi, khiến cho đầu óc tôi thấy như trời long đất lở. Tôi thấy đau đầu, từng cơn, tưng cơn dồn dập khiến hai huyệt thái dương của tôi co giật liên hồi, ngực tôi như bị chẹn lại, khó chịu đến cực điểm, tôi nhận thấy hai con mắt tôi đang mở trừng trừng.

Tôi nhìn sang anh Âu Minh Đức vốn dĩ phải ngồi đối diện với tôi bằng ánh mắt nghi hoặc. Anh ấy ngồi thượt trên chiếc ghế salon ngay bên cạnh, mặt mày xanh xám như thể vừa gặp ma. Lồng ngực anh ấy không bớt phập phồng dữ dội, hơi thở hổn hển.

“Sao rồi anh, thôi miên có thành công không ạ?”, tôi cất tiếng hỏi, cố nén cơn đau đầu. Nhìn bộ dạng của anh tôi biết mình sắp sửa nghe tin xấu.

“Có thể… Có thể đưa cho anh mấy tờ khăn giấy không?”, anh Âu Minh Đức giơ ngón tay chỉ về chiếc hộp khăn giấy để trên bàn làm việc. Hình như phải khó khăn lắm anh ấy mới nhấc tay lên được.

Tôi để hộp khăn giấy xuống bên cạnh anh. Anh rút mất tờ, trải ra rồi lau mồ hôi đầm đìa trên mặt và cổ.

“Anh xin lỗi em, nhưng em cũng thấy rồi đấy, anh không giúp được em. Anh chưa bao giờ gặp phải trường hợp như thế này, những ám thị mà em trúng phải có thể tác động ngược tới anh. May mà người điều trị cho em hôm nay là anh, nếu là người khác, trình độ kém hơn một chút thì cũng bị trúng ám thị như em rồi đấy. Nguy hiểm quá đi mất”, tôi có cảm giác, ánh mắt anh ấy lúc này như không phải nhìn vào tôi mà đang chĩa vào một gã hung thần, vừa thoáng thấy bóng dáng gã, người ta đã phải cao chạy xa bay.

“Em có thể ảnh hưởng tới anh sao?”

“Ừ, đúng vào lúc anh đang định giao tiếp với em ở tầng sáu, để em nhớ lại cảnh tượng đầu tiên thì thình lình, đôi mắt em mở trừng trừng, và anh cảm nhận rõ ràng ám thị đó đang tác động tới anh qua ánh mắt em. Thật đáng sợ!”

Tôi chết lặng.

“Phải tìm Lộ Vân ngay thôi, chỉ có cô ấy mới giúp được em. Anh sẽ nghĩ cách để bệnh chứng của em thuyên giảm. Hàng đêm em ngủ chập chờn, trạng thái tinh thần và khả năng kiểm soát bản thân của em sẽ tồi tệ đi theo từng ngày. Em phải gặp được Lộ Vân trước khi hoàn toàn mất đi khả năng kiểm soát bản thân”.

“À mà em không cần phải gửi những bức ảnh cho anh nữa đâu. Anh không đủ khả năng xem xét chúng”, Âu Minh Đức nói với theo sau lưng khi tôi bước ra khỏi phòng khám của anh ấy.

Tôi gọi một chiếc taxi. Về tới nhà, tôi gọi điện cho Lộ Vân lần nữa. Cô không thể về ngay nên bảo tôi lập tức sang Nê-pan.

“Anh đi tìm mua mấy cuốn băng cát sét kinh Phật nhé, dù ít dù nhiều chúng cũng sẽ giúp tinh thần của anh lắng dịu và tĩnh lại, nhờ đó anh có thể chống đỡ thêm một thời gian. Còn nữa, tối nay lúc nào buồn ngủ anh nhớ gọi điện cho em nhé, em sẽ có cách giúp anh ngủ được. Nhưng em chỉ giúp anh được một lần thôi đấy”.

Nghe tới câu “em sẽ có cách giúp anh ngủ được” của Lộ Vân, tôi thấy mình như vừa trút đi được bao nhiêu gánh nặng: “Tại sao chỉ được một lần thôi hả em?”

“Vì điện thoại của em sắp hết pin rồi mà ở đây điện áp không ổn định, em không sạc pin được. Nếu anh dám đánh đổi ca nguy cơ có thể không liên lạc được với em khi tới Nê-pan để lấy hai đêm ngủ ngon thì cứ việc nhé!”

Tôi lặng người, không ngờ lại vì nguyên nhân ấy.

Tôi cố nuốt gói mì rồi lấy điện thoại gọi cho sư thầy Minh Huệ, nhờ sư thầy gửi cho tôi một cuốn băng cát sét kinh Phật. Sư thầy hỏi tôi để làm gì, tôi chỉ bảo gần đây tôi thấy trong lòng nhiều ưu phiền, đêm đêm trằn trọc không ngủ được, muốn nghe kinh phật để thân tâm an lạc.

Đi Nê-pan qua công ty du lịch thì hẳn sẽ vướng mắc về thời gian, mà tôi thì cần lấy visa trong thời gian sớm nhất có thể. Sau một hồi suy tư, tôi nghĩ chỉ có anh chàng Lương Ứng Vật mới đủ sức giúp tôi thôi.

“Tớ cần lấy visa đi du lịch Nê-pan trong một vài ngày tới, cậu có giúp tớ vụ này được không đấy?”, tôi vào vấn đề ngay khi Lương Ứng Vật vừa nhấc điên thoại. Chức vụ của Lương Ứng Vật trong tổ chức X tuy không thể một tay che cả bầu trời nhưng thừa sức xin một tấm visa.

“Sao thế anh bạn?”

“Khi nào về tớ kể sau”. Bây giờ mà kể với anh chàng này chưa biết chừng Tổ chức X sẽ lập tức vào cuộc. Nếu Lộ Vân có thể phá giải thứ ám thị quỷ quái đang ngấm ngầm giết chết tôi kia thì cô nàng có thể vào trong mộ thất mà không hề bị ảnh hưởng bởi những ký hiệu đó lắm chứ. Cũng may, Lương Ứng Vật không phải là người thích đào gốc tróc dễ, tôi đã không muốn nói, thì cậu ta cũng không căn vặn thêm.

“Ok, tớ sẽ cố hết sức. Còn gì cần tôi giúp nữa không anh bạn?”

Tôi tần ngần một lúc. Có thể tôi sẽ tìm được người đủ khả năng phá giải ám thị cho mình nhờ sức mạnh của Tổ chức X, tuy thế, tôi vẫn quyết một lòng tìm tới Lộ Vân.

Khoảng 8 giờ tối, tôi nằm trên giường, bấm số của Lộ Vân.

Lộ Vân bắt máy rồi ngân nga những giai điệu kì lạ bằng giọng trầm trầm khe khẽ. Tôi không hiểu ngôn ngữ của khúc ca ấy, có lẽ nó chỉ là những âm tiết mang ý nghĩa đặc biệt nào đó. Đôi mi tôi dần dần trĩu xuống, đưa tôi vào giấc ngủ.

Đêm tôi vẫn nằm mơ, nhưng ngủ say hơn hai đêm trước nhiều. Sáng sớm, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông cửa lanh lảnh. Sư thầy Minh Huệ gửi băng cát sét kinh Phật tới cho tôi.

Dù tinh thần đã tỉnh táo hơn trước nhưng tôi vẫn gọi điện tới toà soạn xin nghỉ. Rồi tôi đóng tất cả các cửa sổ trong nhà lại, cẩn thận lấy dây buộc cửa. Tôi làm thế để đảm bảo rằng tôi không mở cửa sổ và nhảy ra ngoài trong vô thức.

Tôi lục tủ và lôi ra chiếc Walkman[3] đã bị bụi phủ suốt hai năm trời, nhét cuốn băng cát sét sư thầy Minh Huệ gửi tới vào bên trong. Nhìn cách gói bọc bên ngoài cứ ngỡ đây chỉ là một cuốn băng cát sét bình thường, không phải là loại băng cát sét nhà chùa Long Hoa vẫn thường bày ở bên ngoài để mời Phật tử tới chùa dâng hương phát tâm mang về, bật lên mới thấy nó là cuốn băng cát sét tụng kinh Kim Cương do chính vị trụ trì Minh Huệ đọc. Có lẽ, tối qua sư thầy ngồi trong phòng thiền tụng kinh và ghi âm lại. Tiếng tụng kinh của sư thầy Minh Huệ và tiếng gõ mõ hoà quyện vào nhau êm dịu và thảnh thơi như tiếng suối chảy.

[3] Walkman: loại máy cát sét cầm tay có tai nghe đi kèm, một sản phẩm của hãng Sony, Nhật Bản.

Hiệu suất làm việc của Tổ chức X quả nhiên vô cùng đáng nể. Buổi chiều, Lương Ứng Vật đã giúp tôi có trong tay tấm visa đi Nê- pan. Tôi vội vã đặt vé máy bay bay chuyến tới thủ đô Cát-man-đu của Nê-pan vào chiều tối ngày hôm sau. Lộ Vân dặn tôi tới sân bay sẽ có người đón.

Suốt ngày hôm đó tôi chôn chân trong nhà. Tới bữa thì gọi cơm ngoài phố về ăn. Thậm chí, tôi còn hạn chế hết mức việc đi về phía cửa sổ dù tôi đã làm tốt công tác đảm bảo an toàn từ sáng. Bên tai tôi lúc nào cũng văng vẳng tiếng tụng kinh Kim Cương. Giấc ngủ ngon lúc ban đêm làm tinh thần tôi khá hơn, vì thế cả ngày không xảy ra sự việc bất ngờ nào. Chỉ một đôi lần, tôi thấy hơi hốt hoảng nhưng tôi cảm nhận được ngay khi chúng còn chưa ập tới và cấu vào đùi mình một cái thật mạnh để lấy lại tinh thần.

Việc xin nghỉ ở toà soạn, tôi phải nói dối là dì tôi ở Vu Hồ xa xôi vừa mất, tôi phải về quê chịu tang nên xin nghỉ phép năm. Việc xin nghỉ này là một ưu thế hơn hẳn của những phóng viên cơ động như tôi so với phóng viên ngồi bàn giấy. Những phóng viên ngồi bàn giấy hầu như không thể xin phép dài ngày, vì không có người đảm trách khoảng trống công việc trong lúc họ nghỉ. Bởi vậy, mọi người đành đổi số ngày nghỉ phép lấy tiền mặt.

Hôm trước xin nghỉ ốm, hôm sau xin nghỉ tang, người nào tinh ý hẳn sẽ nhận ra sự bất thường trong đó. Cũng may, trưởng ban của tôi không phải là một tay lãnh đạo quá khắt khe nên anh không gây khó dễ cho tôi, nhất là khi nghe tôi báo cáo xin nghỉ phép năm.

Đêm đó, không có khúc hát thôi miên của Lộ Vân, trạng thái giấc ngủ của tôi bi đát hơn hai đêm trước nữa nhiều. Cả đêm, tôi chỉ mơ màng chợp mắt được hai lần chứ không thể ngủ. Buổi sáng, tôi uể oải vật mình vật mấy trên giường. Mái tới 11 giờ, tôi mới cố bò dậy xếp đồ vào vali. Tôi làm mọi việc trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Lúc rửa mặt, tôi giật thót mình khi trông thấy đôi mắt lờ đờ của mình trong gương.

Tôi để một nửa lá cờ ma vào trong vali. Tôi nghĩ nhiều khả năng những kí hiệu tạo ra ám thị chết người đang tác động lên tôi và những kí hiệu in trên lá cờ ma có thể có chung một nguồn gốc, nếu Lộ Vân được trông thấy chúng thì có lẽ chúng tôi sẽ nắm chắc phần thắng hơn.

Tôi gọi điện thoại đặt xe taxi từ trước, yêu cầu xe tới đón tôi ở dưới nhà, như thế ít ra tôi cũng có thể giảm thiểu nguy cơ bị xe đâm phải lúc sang đường xuống mức thấp nhất.

Tôi xách va li xuống dưới nhà rồi lên xe. Cũng giống như hôm qua, đôi tai tôi không lúc nào rời chiếc tai nghe, có điều tôi phải vặn volume to hơn một chút.

Từ trước tới nay, mỗi lần tới sân bay quốc tế Phố Đông của Thượng Hải, mà tôi không bao giờ đi taxi vì quãng đường quá xa. Nhưng hôm nay tôi phải cắn răng chi tiền để đảm bảo mạng sống của mình. Chiếc xe như bay trên con đường cao tốc dẫn tới sân bay. Tôi cảm nhận tiếng tụng kinh vang bên tai tôi mỗi lúc một xa dần, xa dần…

“Này, này!”, anh lái xe hét toáng lên gọi hồn phách tôi trở lại.

Ra là thế. Gió mạnh vun vút thổi tạt vào trong chiếc xe đóng kín mít. Đột nhiên tôi nhận ra bàn tay phải của mình đã mở cửa xe tự bao giờ.

“Rầm”, tôi tức khắc đóng sập cửa xe lại.

“Xin lỗi anh, hình như ban nãy cửa xe chưa đóng chặt”. Cả người tôi vã mồ hôi lạnh. Tôi lúng búng giải thích với anh lái xe, vừa nói rồi vừa khẽ nhấn nút khoá chặt cửa xe.

Anh lái xe nhìn chòng chọc vào tôi qua chiếc gương chiếu hậu. Anh lầm bầm mấy câu trong miệng rồi thôi không nói tiếp nữa.

Xe đã tới sân bay. Tôi định xuống xe nhưng loay hoay mấy lần vẫn không tài nào mở cửa ra được. Khi ấy tôi mới sực nhớ, ban nãy tôi đã nhấn nút khoá cửa. Bộ dạng tôi lúc này mới khổ làm sao!

Trước khi làm thủ tục lên máy bay, tôi vào nhà vệ sinh rửa mặt và chỉnh lại trang phục cho gọn gàng, sáng sủa nhất có thể. Tôi không muốn mấy anh hải quan ngỡ tôi là tay buôn hàng trắng mà giữ lại kiểm tra toàn diện. Nếu thế, tôi biết giải thích ra sao với những vệt máu loang lổ trên lá cờ?

Làm thủ tục lên máy bay, tôi bị kiểm tra kĩ hơn thật. Nếu không có những động tác chỉnh trang nho nhỏ ban nãy, e là tôi đã bị giữ lại thật rồi.

Máy bay bay lên khỏi mặt đất. Tôi thấy bình yên trở lại.

❮ sau
tiếp ❯

Avatar

Bình luận gần đây
https://audiosite.net
Đã fix và cập nhật full bộ truyện này nhé...!Cảm ơn bạn đã thông báo ...^^!*** Ngoài ra mình đã cập nhật full 10 bộ truyện theo yêu cầu nhé :)Các bạn có check lại ở trang chủ ( hoặc f5 bộ truyện đang theo dõi nhé )Đa Tạ
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn Nguyễn Khánh đã thông báoMình đã khắc phục và chuyển nhé bạn ^^!
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn thanh hoa đã thông báo ^^!Đã fix lại nhé bạn ...!
https://audiosite.net
Đã fix lại nhé ...!Cảm ơn bạn đã thông báo :)
https://audiosite.net
Đã fix lại tất cả bộ truyện đã thống báo lỗi nhé ..!Cảm ơn các bạn đã thông báo ...!
https://audiosite.net
Phi Tùng 2 tuần trước
1 thời hoàng kim mua đĩa băng hồi đó...Cái tên Độc Cô Cầu Bại chắc những ai tầm 8x>9x không quá xa lạ gì cả :). .. truyện này phải nói là" Tưởng không hay mà Hay không tưởng được". Đầu tiên cảm ơn tác giả sau đó cảm ơn website AudioSite đã eidt dịch và đọc bộ truyện này rất xuất xác..^^! chả biết nói ...à mình để cử bộ truyện này trong top truyện hay nhé :)
https://audiosite.net
Cảm ơn bạn đã thông báo sever 2 hoạt động bình thường nhé mình đã di chuyển đến sever 1 ( giọng 1 nhé )P/s- Lý do: Là hết băng thông đó bạn không phải lỗi nhé, hiện tại tụn mình đang bị ÂM tiền bên sing bạn à, dung lượng tuy rất nhiều nhưng băng thông có ít lém ( à cái này là do tiết kiệm chút tiền ).Mình thật sự khá nãn nên dạo này cũng lười cập nhật các bộ truyện thành viên uplaod lên..haizz nói thật mình chỉ là tên mọt sách thích viết lách, giờ đi làm ship không có thời gian đọc nên rủ anh em làm audio truyện mà thôi..! haizz..!Mình cũng chả hiểu gì cả chỉ thấy bên sing họ bảo cái gi mà bị phá, họ biết nên họ giảm xuống còn 30% khoản tiền băng thông tuy nhiên nó cũng cả tháng lương đi cày mặt ở ngoài đường ship hàng của mình.Bên đó đã sửa thành công nhưng còn chưa dám fix lại trên website sợ lại -$ thì chắc phải bán con bạn già wave của mình mất..!Tối nay mình sẽ cập 200 bộ truyện do thanh viên Anh Em úp nhé giờ mình lại đi cày đường ..^^!
https://audiosite.net
cảm ơn bạn đã phản hồi :)cái này do sever cache chứ mình không muốn :)mình thì chưa bao giờ nghe bị trường hợp này bao giờ lên không biết :)bạn kiểm tra lại có khi nào bạn đang nghe trình duyệt ẩn danh, dẫn đến không thể nghe tiếp vì nó ẩn hoàn toàn phía sever không thể biết bạn đang nghe đến tập bao nhiêu nhé bạn :).Cách khắc phục: Bn đăng nhập thành viên hoặc nghe truyện tầm 10s>30s là 100% đã lưu có thể nghe tiếp nhé ..!
https://audiosite.net
Phước 3 tuần trước
Đang nghe, lỡ thoát ra cái, vào nó ko lưu phần đang nghe ?Đôi khi không thoát, mà ra FB tý, nó cũng tự thoát ko lưu phần đang nghe, kiếm thấy mịa ?
https://audiosite.net
đã fix lại nhé bạn :)
https://audiosite.net
Lực Trần 4 tuần trước
Ad ơi lỗi giọng đọc 2 rồi ad à
https://audiosite.net
Lực Trần 4 tuần trước
Ad ơi lỗi giọng đọc 2 rồi