1. Home
  2. Truyện Linh Dị
  3. Hồ Tuyệt Mệnh Audio Podcast
  4. Hồ Tuyệt Mệnh Phần 8

Hồ Tuyệt Mệnh Audio Podcast

Hồ Tuyệt Mệnh Phần 8

❮ sau
tiếp ❯

CHƯƠNG 22 – CÂU CHUYỆN THỜI NHÀ MINH

Đối diện với ảnh viện là một nhà hàng Tị Phong Đường (1), Na Lan bước vào ăn bữa trưa. Lúc chờ đồ ăn, cô mở ví lấy di động ra xem mới biết có cuộc gọi nhỡ. Của Đào Tử.

“Cậu đang ở đâu?” Đào Tử phủ đầu luôn.

“Đang ngồi trong hiệu Tị Phong Đường.”

“Để làm gì?”

“Làm gì à? Tớ tránh gió.”

“Nói vớ vẩn! Tớ về Giang Kinh tối qua, vốn định xuất hiện bất ngờ khiến cậu phải giật mình, nào ngờ ký túc xá vắng tanh vắng ngắt. Tớ định chờ cậu về sau khi đi chơi chán chê, đẩy cửa vào sẽ dọa cậu chết ngất, nào ngờ đợi suốt đêm cũng chẳng thấy cậu đâu. Tớ mới hiểu ra, tớ về quê thăm gia đình mấy hôm, cậu đã lấy chồng danh giá rồi!” Đào Tử lúc nào cũng thích nói năng khoa trương.

Na Lan cười gượng, đáp: “Cậu không biết à: tớ có nhà mà không thể về. Cậu biết không, Ninh Vũ Hân chết rồi!”.

Đào Tử “ôi” một tiếng, rồi nói: “Vẫn nõi là cô ta đang thất tình. Chắc là tự sát? Chuyện này và chuyện cậu lấy chồng danh giá có liên quan gì không?.

“Tớ phát hiện ra thi thể của cô ấy trước tiên. Hôm đó cô ấy hẹn tớ đến nhà.”

Đào Tử càng kinh ngạc, hồi lâu mới nói: “Lâu nay tớ cứ tưởng cậu và cô ấy là tình địch.”

“Cô ấy vốn định tâm sự cởi mở, có ý khuyên
tớ đừng làm việc cho Tần Hoài. Lúc tớ đến nhà Vũ Hân thì thấy cô ấy đã treo cổ, tắt thở. Anh Ba Du Sinh không cho tớ biết về các tình tiết nhưng tớ có cảm giác họ đã loại trừ khả năng tự sát và khẳng định rằng Ninh Vũ Hân bị giết hại. Sau sự kiện đó, có kẻ bám theo thậm chí định trừ khử tớ.” Giọng Na Lan trầm hẳn xuống.

“Thế thì cậu…”

“Tớ đành đi trốn. Có lúc ở nhà ông anh họ, có lúc ra ở khách sạn, rồi lại sang ở chỗ Tần Hoài.”

“Trời đất ạ, thì ra lời tiên tri đáng sợ kia đã ứng nghiệm, cậu đã về làm dâu nhà danh giá rồi.”

“Danh giá? Là nhà đá thì có!” Na Lan cảm thấy bất an, cô không muốn Đào Tử biết quá nhiều bí mật. Biết càng nhiều sẽ càng nguy hiểm. “Cậu trở lại thì tốt rồi. Con chuột hamster đã có người chăm nuôi. Mấy ngày vừa rồi tớ toàn nhờ đứa cháu họ Thành Viên Viên đến ký túc xá cho nó ăn.”

Đào Tử nói: “Tớ gặp Thành Viên Viên rồi, con bé cũng có trách nhiệm đấy.”

Na Lan nói: “Tớ không thể liên lạc nhiều với cậu vì sợ cậu bị rắc rối lây.”

“Rắc rối gì? Cậu giữ kẽ quá!” Đào Tử hơi bực mình.

Nhưng Na Lan vẫn giữ nguyên tắc: “Thật thế! Cậu nên tin tớ. Lần sau gặp nhau cậu sẽ biết. Hiện giờ tớ đang rất phiền hà.”

Quá nửa đêm hôm qua Na Lan từ đảo Hồ Tâm bơi sang bờ hồ, vào trong xe Odysseia của Tần Hoài thay đồ, sau đó vào ở một khách sạn tầm tầm. Lúc này còn mười tiếng đồng hồ nữa trời mới tối, ăn cơm xong cô đến thẳng thư viện thành phố Giang Kinh.

Cô muốn xem ngay cuốn “truyện ký” mà Sầm San San nói đến.

Tuy Na Lan đã chính thức được “nằm vùng” trong nhà Tần Hoài nhưng anh ta không dễ dãi cho phép cô tùy ý bước vào thư phòng.

Bên trong thư viện có đặt hai máy tính để cho độc giả tra cứu. Na Lan nhập vào máy chữ “truyện ký, Giang Kinh”, chỉ thấy một lô kết quả là các tiểu thuyết kinh dị lấy Giang Kinh làm bối cảnh, tác giả Tần Hoài. Na Lan hậm hực nhìn tên anh ta. Cô bỗng nảy ra một ý: dù là sách thời Minh hay Thanh, truyện ký về Giang Kinh lưu truyền đến này xuất bản thành sách chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề là mình không biết tên sách, nếu hỏi về chuyên gia về lĩnh vực này thì biết ngay.

Lẽ nào trong thư viện lại không có chuyên gia như thế?

Người thủ thư ở quầy phục vụ là một thư sinh có bộ ria thưa, mặt cắm vào màn hình máy tính chẳng khác nào nhập thiền nhưng đôi mắt thì chuyển dịch theo Na Lan. Thấy cô bước đến trước mặt, anh ta cố ra vẻ đang nhìn vào màn hình nhằm chứng tỏ “anh đây không màng gái đẹp”. Na Lan mỉm cười, hỏi:
“Chào anh. Em muốn hỏi một câu hơi thộn về cách tra cứu.”

“Câu hỏi về tra cứu thì không bao giờ thộn cả. Nếu không, tôi học bốn năm đại học, tôi là gã thộn chắc?” Anh thủ thư cười, lộ ra hàm răng đã bắt đầu xộc xệch. “Nói đùa vậy thôi, em cứ hỏi thoải mái đi.”

Na Lan nói: “Em muốn tìm một cuốn sách không hẳn là viết về Giang Kinh nhưng chắc chắn có liên quan đến Giang Kinh. Tác giả là người thời Minh hoặc Thanh, thuộc loại truyện ký… liệu có thể tìm thấy nó ở khu vực nào?”.

Vẻ mặt với bộ ria thưa đang rất đắc chí bỗng tiu nghiu. Anh ta gãi gãi mái tóc cũng thauw như thế, nói: “Điều này thì… không những không thộn mà còn rất chuyên nghiệp, Cho nên cần người có tay nghề để giải đáp. Tôi…”

Na Lan đang chờ anh ta nói “tôi chính là nhà nghề đây”, nào ngờ anh ta lại nhấc điện thoại, nói: “Tôi phải mò xem sao.” Rồi nói vào ống nghe: “Giáo sư Diêu phải không? Tôi là Trịnh, tôi dắt mối hàng giúp sư phụ đây. Vâng, người thật việc thật. Tôi dẫn đến gặp sư phụ nhé!” Anh ta đặt máy xuống, nói: “Đi theo anh!”

Na Lan cau mày: “Dắt mối? Người thật việc thật? Các người coi tôi là món đồ béo bở chắc?”.

“Người đẹp lại thích hài hước, không nhiều!” Anh chàng “Trịnh ria” bước ra khỏi quầy phục vụ, dẫn Na Lan xuống tầng hầm, vừa đi vừa nói: “Cô giáo Diêu là chuyên gia về sách cổ và địa phương chí của chúng tôi. Nếu bà ấy bó tay thì chúng ta chỉ còn cách thắp hương mời thần linh vậy.”

Cô giáo Diêu tự giới thiệu mình là Diêu Tố Vân. Được gọi là sư phụ nhưng cô chưa hề già, tuổi ngoài ba chục, khuôn mặt ưa nhìn, đặc biệt là cô son phấn hơi sặc sỡ không thật hợp với hình ảnh của nhân viên thư viện. Trên bàn làm việc đặt tấm biển ghi “Phó phòng tra cứu”. Nghe Na Lan nói xong, cô nghĩ ngợi rồi đáp: “Loại sách như thế không nhiều đâu. Tôi lấy ra vài cuốn cô thử xem có đúng cuốn cô cần không nhé!”.

Tố Vân bước đi, anh Trịnh cũng cáo từ Na Lan, nói: “Nếu em còn câu hỏi nào hơi thộn thì cứ lên gác tìm anh thộn này.” Na Lan bật cười, nói cảm ơn.

Chưa đầy năm phút sau Tố Vân đã cầm ra ba cuốn sách, cô chỉ vào một cuốn khá dày, nói: “Cuốn này rất đáng để ý. Tập hợp các truyện ký thời Minh, gồm các bài ký của hơn chục văn nhân của phủ Giang Kinh, đều viết về Giang Kinh và các vùng xung quanh.”

Na Lan cảm ơn rối rít, cầm cuốn đó lên, bìa để bốn chữ “Chiêu Dương kỷ sự”. Đúng là rất có hy vọng. Cô vội mở xem phần mục lục, tìm những chữ như “gió mưa, áo tơi…”

Không
thấy.

Cô nhớ lại các nhân vật và tình tiết trong ‘Phần dẫn 1″ hồ Chiêu Dương, Bá Nhan giấu châu báu, Phượng Trung Long, Văn Oanh. Rồi lướt nhìn các tiêu đề, quả nhiên thấy bài Văn Bính tạp lục. Văn Bính là Văn thái sư quyền cao chức trong – cha của tiểu thư Văn Oanh trong tác phẩm của Tần Hoài.

Bài này không viết về câu chuyện lời nguyền áo tơi trong mưa gió nhưng rất có thể có liên quan nào đó.

Na Lan lần theo số trang, giở đến bài “Văn Bính tạp lục”.

Văn Bính tự Hoàng Tích hiệu Sa Ông. Vốn quê Tô Liêu thuộc Giang Kinh. Cha tên là Sung, được kế thừa tước của tổ phụ, làm Thiên hộ Lệ Cẩm Y. Bính từ nhỏ được cha chú dạy võ nghệ, người cao lớn, mắt chim ưng, dũng mãnh quả cảm. Lớn lên lại ham văn chương, nổi bật là tài thơ phú, thường viết về cảnh sắc biên thùy, với những câu như “Trăng ta nhổ trại cầm kích xuất chinh. Sáng phá ải cờ bay trong gió mạnh”. Năm Gia Tĩnh thứ 7 dự kỳ thi võ, ông được nhận tước Cẩm Y thự phó Thiên hộ. Năm thứ 9 dự thi văn, được nhận chức Hàn lâm tu soạn. Sau khi cha mất, ông được kế thừa chức Cẩm Y thự Chỉ huy sứ, song từ chối chức Hàn lâm. Vài năm sau được thăng chức Đô chỉ hay đồng tri, toàn quyền điều hành mọi việc của Cẩm Y.

Bính và Nghiêm Tung là bạn rượu bạn thơ, kết thành bè đảng trong triều, dùng Cẩm Y và hào lại làm nanh vuốt, hễ ai trái ý thì bỏ tù đến chết hoặc tru diệt phanh thây. Mỗi lân bắt giết một quan to, Bính đều hậu thưởng thăng chức cho bọn tay chân. Năm thứ 26 Bính được thăng làm Thái tử Thái bảo, năm sau được thăng chức Thái phó, năm thứ 30 được giữ chức Thái bảo, tiếp tục cai quản Cẩm Y, thâu tóm mọi quyền lực.

Bính thăng tiến lên hàng quyền quý bởi y chơi thân với Nghiêm Tung, vợ y là Nghiêm thị, cháu gái của Tung. Vợ chồng Bính chỉ sinh một gái tên Oanh. Oanh lớn lên dung nhan tuyệt mỹ, nước da sáng hồng; ngày nguyên tiêu đi chơi hội họ đăng ở kinh thành, gặp một sĩ tử tuổi chừng hai mươi, đẹp như ngọc ngà, phong độ khác thường, hai bên cùng phải lòng nhau. Thực ra sĩ tử ấy là tên cường đạo, hiệu là Phượng Trung Long, có biệt tài trèo tường phi thân lại rất thạo sông nước. Nửa đêm hôm sau Long đột nhập phủ họ Văn cùng cô gái giao hoan đằm thắm, cứ thế kéo dào. Mùa thu năm sau Long đột nhập cung điện lấy trộm tấm bản đồ chỉ dẫn nơi tể tướng Bá Nhan cất giấu của cải bất nghĩa, là đảo giữa hồ Chiêu Dương phủ Giang Kinh. Long lại đột nhập phủ họ Văn đưa tiểu thu trốn khỏi kinh thành.

Đến phủ Giang Kinh thì gặp một đạo nhân thọt cản đường, ông ta tự xưng là thầy tướng, nói rằng: “Tiên sinh sắp gặp họa huyết quan, chỉ cần tránh xa hồ Chiêu Dương thì sẽ an lành.” Long cười nhạo. Cô gái hỏi: “Là thế nào?” Đạo nhân nói: “Hễ nhìn thấy
người mặc áo tơi câu cá ở hồ Chiêu Dương thì ắt có người bỏ mạng.” Long bỏ ngoài tai, tiếp tục cùng cô gái đến bên hồ dựng lều tranh mà ở. Một đêm mưa gió cô gái chợt tỉnh giấc, ra mở cửa sổ thì nhìn thấy người mặc áo tơi ngồi thuyền nhỏ câu cá, cô cho là điềm gở

Sáng ra, Long muốn sang đảo tìm kho báu, cô gái ra sức khuyên can nhưng Long không nghe, nói là hễ được kho báu sẽ bỏ nghề trộm cắp. Long xem chỉ dẫn của bản đồ, đi ngựa tìm đến nơi giấu của, lặng xuống nước. Cô gái mỏi mắt chờ đợi cả ngày vẫn biệt tăm, đêm ấy cô mất ngủ. Hôm sau, xác Long nổi lên giạt về, y đã chết đuối.

Bính mất con gái, chỉ sau một đêm tóc đã bạc trắng, sai Cẩm Y Vệ sứ và Đông Xưởng phiêu kỵ đi tìm khắp nơi. Long chết, cô gái mất chỗ dựa, được quan quân tìm thấy. Bính đích thân đến Giang Kinh đón con gái về, từ đón nhotts con trong thâm khuê. Lâu ngày, cô như bị ma ám, đêm đêm khóc than thảm thiết, ai nghe cũng thấy xót thương. Bính mời danh y chạy chữa, ai không chữa được đều bị đánh đòn đến chết. Cô gái dần bình phục, kết duyên với Trọng Mãn con trai Hứa Thường Thuật là quan Thị lang bộ Lại. Trọng Mãn có tài thơ văn hơn đời, rất được vua trọng dụng. Năm thứ 36 Bính mắc tội phạm thượng bị tru di cả họ, riêng cô con gái được miễn tội (2).

Na Lan đọc cổ văn không mấy khó khăn, gần như có thể khẳng định ghi chép này là nguyên gốc cho ‘Phần dẫn 1 “Lời nguyền áo tơi trong mưa gió”‘ của Tần Hoài. Cô đọc kỹ một lần nữa, phiên dịch lại từng câu chữ. Câu chuyện thật thú vị.

Lúc này cô mới chú ý đến tác giả: Du Bạch Liên. Có mấy câu giới thiệu, Du Bạch Liên là một học trò sống vào những năm Càn Long đời Thanh, là “thổ dân” của phủ Giang Kinh, công danh trắc trở nên viết sách làm thú vui. Bài “Văn Bính tạp lục” này và các tác phẩm khác của Du Bạch Liên đều nằm trong tập “Vãn Đình tùy thức” của ông.

Na Lan làm thủ tục mượn cuốn “Chiêu Dương kỷ sự” này, rồi lên gác tìm anh Trịnh ở quầy phục vụ. Trịnh cố ý giữ vẻ mặt “bình thản trước mọi nỗi buồn vui”, gượng cười: “Hoan nghênh cô em lại đến.”

“Anh giúp em một việc được không?”

“Phục vụ độc giả là nhiệm vụ của anh.”

Na Lan tủm tỉm: “Phiền anh photo cho em mấy trang trong sách này, sau đó… ở chỗ anh có máy scan không? Em muốn scan thành ảnh hoặc định dạng PDF, rồi nhờ máy tính của anh để…”

“Tức là giúp ba việc.”

“Việc cuối cùng em có thể tự làm trên mạng. Nếu phiền quá thì thôi cũng được. Em xin gửi phí photo và scan.”

Trịnh lại cười, nói: “Anh nói đùa thôi. Ba việc vặt, dễ ợt!”
Anh cảm thấy hôm nay là ngày tương đối khởi sắc trong công việc của một thủ thư mới mẻ.

Na Lan truyền các tờ PDF “Văn Bính tạp lục” và vài tác phẩm khác của Du Bạch Liên cho Cung Tấn là nghiên cứu sinh bộ môn Văn học cổ điển khoa Ngữ văn đại học Giang Kinh. Cung Tấn học trên Na Lan hai lớp, anh từng theo đuổi cô. Theo cách nói của Đào Tử thì Cung Tấn theo đuổi Na Lan theo lối lỳ lợm, không phải táo tợn, mà nên nói là trơ trẽn cực kỳ. Viết thư tình, Cung Tấn dùng lời lẽ bóng bẩy theo kiểu văn biền ngẫu, anh ta còn vẽ bức trang “Ỷ lan sĩ nữ đồ” dán ở cửa phòng cô, vẽ cô gái có khuôn mặt rất giống Na Lan, sinh động hơn cả những thiếu nữ Thập nhị nhạc phường trong tranh của Trần Dật Phi (3). Nếu hồi đó Na Lan chưa yêu Cốc Y Dương thì cô đã xiêu lòng rồi cũng nên.

Khi xưa Cốc Y Dương theo đuổi Na Lan, anh chỉ nói một câu “chúng ta đi xem phim nhé.”

Cho nên Đào Tử phê bình Na Lan rằng hồi đó cô OK “chú nhóc họ Cốc” quá dễ dãi, cho nên anh ta mới cạn tình như thế, đi Bắc Kinh rồi không thèm liên lạc gì nữa. Nhưng Đào Tử không biết nỗi riêng tư giữa Na Lan và Cốc Y Dương, Na Lan cũng không muốn nhắc đến, cô thừa nhận rằng tuổi trẻ sao tránh khỏi mắc sai lầm, biết lỗi rồi sửa thì vẫn là tốt.

Na Lan ra khỏi thư viện, tay cầm cuốn sách, ngồi trên bậc thềm ở vườn hoa phía sau thư viện hít thở không khí trong lành hiếm hoi giữa nội thành. Cô định gọi điện cho Đào Tử, giải thích rằng cô không e ngại gì bạn, chỉ vì cô đã trót thâm nhập vào nơi đầy rắc rối. Lẽ ra cô nên nghe Ninh Vũ hân tránh đi thật xa, nhưng đã muộn.

Cô còn đang do dự thì chuông điện thoại reo. Cung Tấn gọi.

“Em định chuyển nghề thì cứ sang khoa Ngữ văn, làm em gái anh đi! Cung Tấn có ưu điểm là rất nhẹ nhõm với thất bại. Không chinh phục được Na Lan, anh quay sang cưa hoa khôi khoa Hóa, cũng thất bại, anh lại cưa một nàng khoa Thương mại thì cưa đổ. Nay anh đã có bạn gái, cô sinh viên năm thứ nhất.

Na Lan nói: “Anh đã có em út rồi kia mà? Anh có thể cho em biết Du Bạch Liên có đáng tin không? Chuyện Bá Nhan giấu của, người mặc áo tơi câu cá, có thật không?”.

“Anh là dân gốc Giang Kinh, cho nên rất biết về Du Bạch Liên, ông là một trong những bậc kỳ tài thời đó, được gọi là đỉnh cai thi-thư-họa, riêng anh hơi khắt khe, anh cho rằng tài nghệ siêu quần của ông ta là lĩnh vực điêu khắc…”

Na Lan nhắc anh: “Đại huynh nói lan man rồi đấy!”.

Cung Tấn nói: “OK! Anh nói vậy: đời vua Gia Tĩnh triều Minh không hề có ai là Văn Bính tài ba dị thường đã đứng trong hàng tam công lại cai quản Cẩm Y Vệ. Chỉ là Du Bạch Liên viết truyện, bịa ra mà thôi. Còn chuyên Bá Nhan giấu của, người mặc áo tơi câu cá, là những câu chuyện cũ rích mà ông nội và bố anh đều hay kể lại. Họ tránh không nhồi sọ đứa trẻ ngây thơ là anh những điều nhảm nhí ấy, nhưng hễ nhấp vài chén rượu thì hai vị lại kể về truyền thuyết đó, hết sức ly kỳ cứ như là chuyện về UFO, có người nói mình nhìn thấy nhưng lại không có chứng cứ gì. Nhưng anh đã phát hiện ra một chuyện cực kỳ thú vị. Cung Tấn ngừng lại, cứ như là người mặc áo tơi vô hình đang nhử mồi câu Na Lan.

“Em đang nghe đây.” Cô ấm ức nhưng đành giả vờ đã “cắn câu”.

“Anh đã lục tìm ba cuốn “Vãn Đình tùy thức” mà ông nội và bố anh sưu tầm, thấy rằng chỉ có bản in năm thứ nhất Dân quốc có in bài “Văn Bính tạp lục”. Chứng tỏ người chỉnh lý biên tập cuốn “Chiêu Dương kỷ sự” rất chuyên nghiệp. Nói cách khác, người này đã thật sự tìm ra bản gốc chính xác của “Vãn Đình tùy thức”.”

Na La mở cuốn “Chiêu Dương kỷ sự” ra, thấy ghi họ tên chủ biên và một loạt tên những người hiệu đính chú thích chỉnh lý.

Trong đó có Tần Hoài.

Cô nói rất khẽ, rất khẽ, chỉ đủ cho mình nghe: “Mình biết người biên tập sách cổ xuất sắc ấy là ai rồi

Chú thích:

(1): Hiệu ăn kiểu Hồng Kông. “Tị Phong Đường” có nghĩa là “Nhà tránh gió”.

(2): Nguyên văn đoạn văn trên viết bằng thể văn ngôn (cổ văn). Không phải người Trung Quốc nào cũng đọc hiểu.

(3): Trần Dật Phi (1946 – 2005), họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng chuyên vẽ tranh sơn dầu

CHƯƠNG 23 – QUÂN QUÂN

Hồi nọ khi làm luận văn tốt nghiệp, Na Lan đã hiểu Ba Du Sinh bận rộn đến mức nào. Cho nên, 30 phút mới nhận được điện thoại trả lời của anh, cô thấy đã là thần tốc rồi.

“Cô phải lập tức đi khỏi nhà Tần Hoài!” Ba Du Sinh nói.

Na Lan ngạc nhiên: “Tần Hoài… anh ta có chuyện gì à?”

“Không. Nhưng cô biết rồi, tôi luôn không tán thành cô sang nhà anh ta. Cô gọi cho tôi, chắc phải có thông tin gì mới. Tốt nhất là không nên ngồi nhà anh ta gọi điện.”

“Tai vách mạch rừng.”

“Phải! Tai vách mạch rừng. Đó là nhà anh ta,, liệu anh ta có nghe trộm không? Có lắp máy nghe trộm không là ở anh ta.”

“Em đang ở… một quán Net ở Giang Kinh.”

“Tốt quá. Cô đừng trở về nữa, tôi đã bố trí người bảo vệ đặc biệt cho cô.”

“Nhưng em đâu phải cổ vật quý mà cần bảo vệ đặc biẹt? Hiện giờ em chỉ muốn trừ bỏ hiểm họa.” Na Lan cảm ơn nhã ý của Ba Du Sinh nhưng cô nghĩ rằng sự che chở của anh dành cho cô rất có thể sẽ khiến anh giảm sút sắc bén. “Anh và em đều nghi ngờ Tần Hoài, nhưng các
anh là cảnh sát, là công khai, những kẻ ẩn nấp trong bóng tối đều đề phòng các anh. Em cho rằng em đã tiếp cận được Tần Hoài về mặt tâm lý, sẽ càng có khả năng khám phá các bí mật của anh ta.”

“Việc cô về Giang Kinh, lẽ nào không bị ai nhìn thấy?”

Cô bèn kể cho Du Sinh các phương thức giao thông đặc biệt do Tần Hoài sáng tạo ra. Anh trầm ngâm một hồi rồi nói:

“Tần Hoài quả là một anh chàng thú vị đấy!”

“Anh ta đã từng là nghi phạm của các anh, đúng không? Chắc anh đã nghiên cứu về anh ta.”

Ba Du Sinh nói: “Lý lịch anh ta rất sạch sẽ, chưa từng có tiền sự đánh nhau hoặc bị nhà trường kỷ luật.”

“Anh ta có cô em gái… bị bệnh tâm thần. Đúng không?”

Ba Du Sinh lại trầm ngâm một lát, rồi đạp: “Đúng. Tôi có biết điều này.”

“Tên cô ta là gì?”

“Là Tần Mạt, chữ Mạt có chấm thủy. Tần Hoài không kể với cô à?”

“Anh ta con không cho em biết mình có cô em gái nữa là!”

Ba Du Sinh có vẻ không bận tâm: “Cô và anh ta đâu có tìm hiểu nhau, sao anh ta phải cho cô biết gia phả?”

Na Lan thấy hơi băn khoăn, tại sao cánh đàn ông đều rất kín miệng thế này? Cô hỏi: “Tại sao Tần Mạt… cô ấy bị tâm thần bẩm sinh hay là tại nguyên nhân gì đó?”

“Điều này cô phải hỏi Tần Hoài. Hai người đã tiếp cận tâm lý rồi mà?” Ba Du Sinh nói khôi hài.

“Nhưng anh ta không chịu nói, nên em đành phải hỏi anh.”

Ba Du Sinh: “Tôi có biết, nhưng không thể nói ra. Cô cũng hiểu rằng có những việc bọn tôi phải giữ đúng quy tắc.”

Na Lan dường như định kêu lên: em nhiệt tình xông pha thâm nhập vùng địch hậu, còn anh thì không thèm hé lộ một chút xíu tin nội bộ! Đây là vấn đề có liên quan đến vụ án kia mà? Nhưng cô lại nhớ ra rằng chính mình tình nguyện đi “nằm vùng”, tự nguyện ăn đòn để được việc như kiểu Hoàng Cái trong Tam quốc; mặt khác, càng là những thông tin liên quan đến vụ án thì Ba Du Sinh càng không thể hé lộ với cô gái không phải là cảnh sát, kẻo anh sẽ mắc lỗi về nghiệp vụ. Trách móc anh ta cũng vô ích. Cô đành chào tạm biệt.

Tần Hoài trước khi phất lên, đã từng tham gia biên tập bộ sách “Chiêu Dương kỷ sự” tập hợp các bài ký thời Minh – Thanh. Trong quá trình này anh ta đã phát hiện ra “Văn Bính tạp lục”, truyền thuyết về kho báu Bá Nhan và câu chuyện “Lời nguyền áo tơi trong mưa gió”.

Đúng giờ hẹn, Tần Hoài đã có mặt trong bãi để xe của khu biệt thự Lục Ô chờ Na Lan, và cũng đã mặc sẵn
bộ áo lặn. Nét mặt anh ta hiện rõ vẻ yên tâm khi nhận ra Na Lan đang bước lại.

“Thế nào? Tất cả thuận lợi chứ?”

Thuận lợi phát hiện ra anh còn có nhiều bí mật hay sao? Cô gật đầu nói: “Đúng, thuận lợi tìm thấy Sầm San San, cô ấy kể lại sự việc tối hôm đó, đúng là có nhìn thấy con thuyền nhỏ và năm người mặc áo mưa.”

“Cô ta đang ở bệnh viện à?”

“Ở hiệu chụp ảnh cưới. Cô ta sắp lấy chồng.”

Tần Hoài có vẻ nghĩ ngợi, bước xuống xe, nói: “Về phải hỏi Quân Quân xem nên mừng cô ấy quà như thế nào thì tốt.”

“Thực ra anh hoàn toàn không cần đến đây. Tôi có thể tìm ra chỗ để lên bờ. Là tảng đá đặt tên là Phương Văn Đông chứ gì?”

“Tôi sợ cô bị lạc… tôi không thể lại để xảy ra sơ suất.” Hình như Tần Hoài chợt hiểu ra. “Cô hoàn toàn không cần lo tôi bị theo dõi. Tôi đi tàu thủy qua hồ thật nhưng lên bờ rồi tôi có vài điểm để thay đổi chỗ; có người theo dõi nổi tôi mới là lạ!”

Cả hai lại cùng bơi về đảo Hồ Tâm, suốt chặng đường không hề nói chuyện, bình thản tĩnh lặng như không. Hoặc ít ra là có vẻ như thế.

Về đến nhà, tắm gôi xong xuôi Na Lan đi sang phòng khách, thấy có thêm hai người.

Một là Phương Văn Đông. Ngồi bên là một cô gái tóc ngắn, là da trắng mịn, khuôn mặt sáng sủa xinh xắn, bên sống mũi có vài đốm tàn nhang, nhưng cô cứ để tự nhiên không son phấn. Trong sáng và linh lợi là cảm nhận của Na Lan về cô. Chắc đây là Quân Quân.

Cô gái tươi cười chào hỏi: “Chắc cô là Na Lan? Vậy là ta đã gặp nhau. Tôi là Quân Quân.”

Na Lan cảm thấy thân thiết một cách rất tự nhiên, nói: “Rất cảm ơn cô, nếu không có cô thì lúc này tôi đâu dám ló mặt ra?”

Quân Quân ngẩn người, rồi chợt hiểu ra: Na Lan nói về bộ áo ngủ đang mặc. Quân Quân bật cười: “Cô thật là hài hước, giống hệt nhau!”

“Nhau?” Na Lan ngớ ra, nhưng rồi cũng hiểu ngay, ý nói là “giống cô ấy”.

Phương Văn Đông vội giải thích: “Ý Quân Quân nói là Diệc Tuệ. Quân Quân và Diệc Tuệ là bạn học thời đại học.” Na Lan nhận ra Tần Hoài không ở phòng khách.

Quân Quân nhìn Phương Văn Đông bằng mắt ánh mắt vui vẻ, nói: “Nếu không nhờ Diệc Tuệ thì chúng tôi cũng không quen nhau.” Rồi sắc mặt cô lại rầu rầu, chắc vì nhớ đến người bạn mất tích không tin tức gì nữa.

Na Lan đã hiểu mối quan hệ của họ: Tuệ và Quân là bạn, Tuệ và Hoài yêu nhau, Quân và Đông cũng nên đôi lứa.

Phương Văn Đông choàng cánh tay qua vai Quân Quân, ghì
chặt, cười nói: “Tôi gặp vận son từ đó.”

Quân Quân đẩy Phương Văn Đông ra, nói: “Âu yếm đủ chưa? Không sợ người ta nhìn vào phát ớn à?” Rồi cô quay sang Na Lan: “Cô cần gì cứ gọi điện cho tôi. Siêu thị mi-ni trên đảo không phải thứ gì cũng có đâu.”

Na Lan nói: “Nhưng có thể khẳng định, siêu thị mi-ni không thể chu đáo như cô!”

“Đi đến đâu cũng thoát khỏi cái cảnh tâng bốc lẫn nhau.” Giọng như có nam châm mà cũng vui vui, là của Tần Hoài. Na Lan nhận ra rằng, kể từ khi quen Tần Hoài, tâm trạng anh ta chưa bao giờ vui vẻ.

Quân Quân nói: “Lâu nay em cứ muốn gặp Na Lan, nghe anh Đông nói xong em thấy háo hức ngay.”

Tần Hoài: “Thì ra Văn Đông không chỉ giỏi cầm bút mà còn giỏi võ mồm nữa!”

Quân Quân nói: “Hôm nay gặp, mới thấy anh Đông rất vụng nói. Na Lan còn xinh hơn nghìn lần so với anh ấy miêu tả.”

Na Lan thấy mất tự nhiên: “Rốt cuộc tôi vẫn là không dám ló mặt ra nữa rồi.”

Văn Đông và Tần Hoài đi sang thư phòng, chẳng rõ họ “bí mật mưu toan” gì? Quân Quân và Na Lan nói chuyện một lúc thì Văn Đông trở ra, Tần Hoài có vài thứ hoa quả bảo quản trong hộp muốn trả lại Quân Quân. Quân Quân bèn theo anh ta vào gian bếp. Na Lan khẽ hỏi Văn Đông: “Anh có biết chuyện về Tần Mạt không?”

Văn Đông ngạc nhiên, những gật đầu ngay: ‘Tôi có biết chút ít.” Ánh mắt anh ta đưa xuống, hình như nhìn xuống đất – không gian sinh tồn không ánh mặt trời của Tần Mạt. “Thế thì…”

“Nhưng tôi không thể kể với cô.” Phương Văn Đông là thế, hết sức trung thành, thẳng thắn dứt khoát.

Văn Đông từ chối thẳng thường, càng khiến Na Lan thêm cảm tình với ai. “Tôi vốn không mấy hy vọng anh sẽ nói ra. Nhưng mong anh hiểu cho, tôi không vì tò mò, tôi chỉ muốn giúp đỡ thôi.”

“Giúp đỡ… Tần Hoài hay Tần Mạt?”

“Có thể là để cả hai cùng được việc. Anh biết rồi: tôi học về Tâm lý học.”

Văn Đông gật đầu: “Nhưng, thứ mà Tần Mạt cần là chăm sóc về bệnh thần kinh.”

Na Lan nói: “Điều trị bệnh thần kinh gồm nhiều phương diện, ngoài thuốc men hay phẫu thuật ra, còn có nhiều cách khác thuộc phạm trù tâm lý học.”

“Cô nói có lý, tôi biết. Nhưng cũng mong cô hiểu rằng Tần Hoài rất không muốn người khác biết về tính trạng của Tần Mạt. Tôi không thể hé lộ. Vả lại, tôi và Tần Mạt rất ít tiếp xúc… Tôi trông to xác thật nhưng rất mềm yếu, mỗi lần nhìn thấy cô ấy tôi đều tránh thật xa, vì sợ nhìn thấy nhiều quá tôi sẽ càng thương cảm.”

Na Lan biết, Ba Du Sinh tốt tính, Văn Đông cũng thế, nhưng khó mà moi tin về Tần Mạt từ miệng những người đàn ông tốt tính này. May Sao cô cũng chưa đến nỗi tuyệt đường.

CHƯƠNG 24 – VỤ ÁN NĂM XÁC CHẾT

Chuông điện thoại vừa reo một hồi, bên kia đã nghe “À, cô đã có tin cho tôi rồi.” Giọng Đặng Tiêu rất thân tình.

Lúc này Na Lan đang ngồi trong một hiệu ăn cũng là Tị Phong Đường (nhà tránh gió). Hôm qua cô ở nhà Tần Hoài cả ngày, ngồi suông buồn tênh. Chỉ có một việc đáng tự hào là xuống tầng hầm nói chuyện với Tần Mạt mấy câu, đúng ra là cô độc thoại, Tần Mạt nghe. Cô quyết định, khi nào hơi quen với Tần Mạt thì sẽ đưa cô ta lên mặt đất để hưởng ánh mặt trời và hóng gió hồ.

Sau một ngày vô tích sự, đến tối Na Lan lại bơi về Giang Kinh. Tần Hoài cũng có tình nghĩa, đã đưa cho cô chiếc chìa khóa Odysseia, lên bờ rồi cô có thể thoải mái vào xe mà thay đồ.

Na Lan nói: “Chúng ta đã giao hẹn hằng ngày tôi phải báo cáo anh à? Tôi tự sang chỗ Tần Hoài, chứ đâu phải anh cử tôi sang?”

“Hiểu rồi. Vậy xin mời cô cho tôi biết có tin gì lạ không?”

“Tôi phát hiện ra một người, là Tần Mạt.”

Đặng Tiêu “thế à” rồi nói: “Cô có nhận ra toàn bộ con người Tần Hoài đều là bí mật không? Tôi đã biết anh ta có cô em gái không bình thường.”

“Tôi còn phát hiện ra rằng tại sao Tư Không Tình nói Tần Hoài đã cho cô ta cuộc sống thứ hai.”

“Tôi xin lắng nghe đây.”

“Tôi tra cứu hai cái tên Tần Hoài, Tư Không Tình, thấy rằng khoảng ba năm trước có một nhân viên cứu hộ tên là Tần Hoài đã cứu một cô gái tên là Tư Không Tình ở hồ Chiêu Dương.”

Đặng Tiêu “à” một tiếng, rồi nói: “Thì ra là thế. Đúng! Trước khi phất lên, Tần Hoài đã từng làm nhân viên cứu hộ. Chuyện xảy ra vào hôm nào?”

“24 tháng Sáu.”

“Diệc Tuệ mất tích vào ngày 25 tháng Bảy.” Giọng Đặng Tiêu hơi nghèn nghẹn.

“Thế thì không thể hoàn toàn loại trừ Tư Không Tình khỏi diện tình nghi.” Na Lan nói. Cô chợt nghĩ rằng, thực ra, ai có thể loại trừ Đặng Tiêu khỏi diện tình nghi? Mình “hợp tác” với Đặng Tiêu, có phải là chuyện kết thân với hổ không? Cô nói tiếp: “Nhưng cho đến giờ Tần Hoài vẫn chưa ngả vào lòng Tư Không Tình, chứng tỏ anh ta không vì cô ta mà phản bội Quảng Diệc Tuê. Nếu hám vinh hoa phú quý thì anh ta chỉ cần làm rể ông Tư Không Trúc là xong. Nhưng đã ba năm trôi qua anh ta và Tư Không Tinh vẫn cứ cách nhau một cái hồ nước.”
/>
Đặng Tiêu im lặng một hồi, hình như ngẫm nghĩ về luận điểm của Na Lan. Rồi hỏi: “Nhưng cô có nghĩ thế này không: sau khi Diệc Tuệ mất tích, nếu Tần Hoài xin làm rể nhà họ Tư Không thì khác gì lạy ông tôi ở bụi này, anh ta sẽ bị nghi ngờ luôn? Và, bác Quảng rất lợi hại của tôi đâu thể tha cho hắn?”.

Na Lan buộc phải tán thành: “Kể cũng phải. Và chính anh cũng không tha cho anh ta.”

Đặng Tiêu gượng cười, lại hỏi: “Cô đang ở đâu?”

“Anh yên tâm. Đời nào tôi lại gọi điện cho anh từ nhà Tần Hoài? Tôi đang ở Giang Kinh. Sáng nay đến thư viện cảm ơn công trình số hóa của thư viện Giang Kinh. Toàn bộ báo chí mười năm qua đều được scan và đưa vào kho dữ liệu. Tra cứu rất tiện lợi. Lúc này tôi đang ăn trưa.”

“Tôi còn chưa ăn. Nếu cô không chê thì ta cùng ăn với nhau?”

“Chờ anh đến được thì tôi đã ăn xong rồi. Để dịp khác.” Na Lan biết nếu gặp thì Đặng Tiêu sẽ hỏi cô cặn kẽ về những phát hiện mới. “Nhưng tôi đang muốn nhờ anh một việc.”

“Giúp cô tức là giúp chính tôi.”

“Tôi muốn biết tiền sử bệnh tật của Tần Mạt.”

Đặng Tiêu ngập ngừng, rồi nói: “Tiền sử bệnh thần kinh, hình như…”

“Không thể nói ra bên ngoài chứ gì? Tôi biết. Mấy năm nay người ta ngày càng coi trọng bí mật đời tư, không cứ gì bệnh thần kinh, ngay bệnh tật bình thường cũng được giữ kín như bưng. Nhưng tôi có cảm giác nếu hiểu thêm về Tần Mạt thì sẽ là bước đột phá để hiểu sâu hơn về Tần Hoài.”

Đặng Tiêu nói: “Được, tôi sẽ cố gắng nhưng không dám hứa là có nhiều thông tin. Trước mắt tôi tạm cho cô biết vài nét. Tần Mạt kém Tần Hoài bốn tuổi, trước năm 19 tuổi cô ta không chỉ vẫn bình thường mà còn rất khá nữa: học khoa Luật đại học Giang Kinh, chơi piano rất hay. Nhưng không hiểu tại sao từ năm 19 tuổi thần kinh bỗng thất thường, nên đành bỏ học.”

“Tức là mắc bệnh đã vài năm.”

“Ít ra là năm năm. Tần Hoài một mình chăm sóc cô em, về điểm này đôi khi không thể không khâm phục anh ta. Anh ta từ chối đưa cô em đi viện, khi trước là vì không có tiền, sau này dù đã thành công, anh ta cho rằng nhân viên y tế dù tốt đến mấy cũng không chăm sóc tỉ mỉ bằng chính anh ta.”

“Tần Mạt là người thân duy nhất còn sống của Tần Hoài.”

“Đúng thế. Tôi còn ngờ rằng, nguyên nhân chính khiến Diệc Tuệ chết mê chết mệt Tần Hoài là vì cô ấy nhận ra tình cảm của anh ta đối với cô em gái.”

Na Lan nghĩ ngợi, rồi nói: “Cứ như anh nói thì có thể coi Tần Hoài là chàng trai tốt ‘khiến dân chúng cảm động’. Chuyện xảy
ra với Diệc Tuệ và Vũ Hân liệu có khả năng là do anh ta đạo diễn không?”.

“Cô có nghe nói rằng có những kẻ đại ác thường lại là người con chí hiếu hoặc người cha hiền từ không? Con người phức tạp, cô học tâm lý học chắc cô hiểu cả?”

“Chúng tôi học tâm lý, chỉ như những con mọt sách thôi. Đừng đánh giá cao tôi.”

“Ai đánh giá thấp cô thì sẽ là tự làm khổ mình.”

“Thôi tôi xin anh, tôi chỉ muốn biết tại sao Tần Mạt lại mắc bệnh thần kinh.”

Lúc này Na Lan nhìn thấy một người đàn ông đeo kính râm bước vào cửa hiệu ăn, cô vội nói: “Tôi tạm dập máy nhé, có người đến.”

“Ai thế?”

Na Lan định nói “tôi có cần cho anh biết không nhỉ?” nhưng cô đáp: “Tần Hoài.”

Giọng Tần Hoài rõ ràng là không vui: “Tối qua cô đi mà không cho tôi biết.” Anh ta ngồi xuống ghế đối diện với Na Lan.

“Lúc tôi đi thì anh không có nhà.”

“Nhưng tôi có thể hiểu là, cô toàn chọn lúc tôi vắng nhà để đi.”

“Dù anh có nhà, thì anh có quyền ngăn cản tôi đừng đi hay sao?”

Tần Hoài thở dài: “Tôi biểu dương cô. Nhưng ít ra cô cũng nên cho tôi biết nơi cô sẽ đến. Trông cô tiu nghỉu, chắc tiến triển không mấy thuận lợi chứ gì?”.

“Tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về vụ án năm xác chết. Anh đã đến thì tôi xin phỏng vấn vậy. Tôi đã vào thư viện nghiên cứu rất lâu các loại báo chí cũ, nhưng kết quả chẳng được là bao.”

“Còn Ba Du Sinh…”

“Tôi đã nói với anh nhiều lần rồi, anh ấy kín như bưng.” Na Lan tỏ ra có phần kém nhẫn nại.

“Thế thì tại sao tôi phải cho cô biết?”

” Tại vì Ninh Vũ Hân.”

“Tôi không hiểu.”

“Trước đó Vũ Hân đang điều tra vụ án năm xác chết, tôi đã xác định điểm này rồi.” Na Lan dừng lại, Tần Hoài im lặng. Na Lan đang nghĩ xem có nên nói với anh ta rằng thời gian Diệc Tuệ mất tích trùng với thời gian xảy ra vụ án năm xác chết không. Nhưng Tần Hoài là người thông minh, chắc chắn anh ta đã liên hệ hai sự kiện ấy với nhau, và có lẽ đó là nguyên nhân sâu xa để anh ta đưa vụ án năm xác chết vào câu chuyện ‘Lời nguyền áo tơi trong mưa gió’. Na Lan nói tiếp: “Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu ban đầu anh thẳng thắn trao đổi với Ninh Vũ Hân về vụ án năm xác chết thì cô ấy khỏi phải bí mật điều tra, và có lẽ… nhiều sự việc sẽ có kết quả khác đi.”

Giọng Tần Hoài lạnh giá: “Và, cô cũng có thể đi báo cáo với Ba Du Sinh.”

Na Lan nói: “Tôi không cho rằng anh chịu trách
nhiệm về cái chết của Ninh Vũ Hân. Tôi chỉ cảm thấy nếu chúng ta hợp tác thì sẽ có hiệu quả cao, sẽ nhanh chóng làm rõ sự thật. Tôi biết anh còn nhiều bí mật không muốn cho ai biết, tôi cũng tôn trọng những bí mật đó. Anh nghĩ gì thì tùy, nhưng tôi đang ăn gửi nằm nhờ ở nhà anh, tôi không có ý định nhòm ngó bí mật đời tư của anh đâu.”

“Người biết những bí mật của tôi chẳng thể có kết cục tốt lành. Nhìn từ ngoài vào, lâu nay tôi là kẻ giết người diệt khẩu.” Tần Hoài thản nhiên tự chế nhạo. Quan ăn đông khách, ồn ào, hai người thì nói năng nhỏ nhẹ như đang ngồi tán gẫu.

“Tôi vẫn nói như cũ: tôi tin rằng anh vô tội.”

“Cô rất có sức thuyết phục đấy! Được, về vụ án năm xác chết… may mà cô chưa hỏi Ba Du Sinh, nếu không, chắc chắn anh ta sẽ kêu lên ‘Năm xác chết nào? Tôi chưa từng nghe nói đến!’.”

Na Lan: “Sao lại thế được?”.

“Nội bộ công an không gọi như thế. Vì không có đủ bằng chứng cho thấy năm cái xác ấy có liên quan đến nhau. Thậm chí ba cái xác trong số đó không hề có dấu hiệu gì chứng tỏ bị sát hại, mà chỉ là chết đuối thông thường. Năm nào cũng có người chết đuối ở hồ Chiêu Dương, nhất là những người không được trang bị bảo hộ thỏa đáng mà lại liều lĩnh bơi đến những khu vực nguy hiểm, những ai cho rằng mình bơi giỏi đều dễ xảy ra chuyện. Ngoài ra, thời gian và địa điểm phát hiện ra năm xác chết đều không thật giống nhau, nên cảnh sát cho rằng đằng sau năm xác chết ấy là những câu chuyện riêng biệt.”

Na Lan cười: “Tôi cho rằng chỉ nhà văn như anh mới nghĩ rằng phía sau có ‘liên quan’ gì đó.”

“Tạm cho là cô đúng. Nhưng phía cảnh sát đã rất đúng đắn khi coi đó là năm vụ án khác nhau để xử lý. Đương nhiên, vì họ là cảnh sát nên những người trực tiếp làm có thể sẽ trùng lặp, việc phân tích vụ việc cũng thường…”

“Sao anh biết cụ thể như vậy?”

“Cô có bạn là cảnh sát, tôi cũng có. Và, ‘tay trong’ của tôi không bó tay bế tắc như Ba Du Sinh đâu! Vả lại, những tình tiết cơ bản về vụ việc đâu phải là bí mật quốc gia?”

“Tại sao anh lại hứng thú với vụ án này thế?”

“Chẳng lẽ cô không cảm thấy đây là những tư liệu thô rất tốt để viết tiểu thuyết kinh dị à? Năm xác chết bí hiểm nổi lên, xác thứ nhất là một phụ nữ gần như lõa thể…”

Tần Hoài vẫn “kín miệng”. Việc anh ta hào hứng với vụ án năm xác chết không thể không liên quan đến sự mất tích của Quảng Diệc Tuê.

“Chuyện xảy ra vào năm nào, dịp nào?”

“Khoảng cuối xuân đầu hè
cách đây ba năm. Xác thứ nhất xuất hiện vào cuối tháng Sáu.”

Trầm ngâm một lát, Na Lan lại hỏi: “Anh cho rằng người ấy bị giết à?”.

“Chí ít thì, nạn nhân thứ nhất Trương Phức Quyên chắc chắn là bị giết. Cô ấy là tiếp viên của một hàng karaoke nho nhỏ. Pháp y xác nhận cô ấy bị xâm phạm tình dục trước khi bị sát hại. Không phải chết đuối mà chết trước khi bị ném xuống hồ nước. Nửa người trên có những vết hằn, có thể hung thủ buộc đá hộc vào xác rồi ném xuống hồ cho chìm hẳn. Nhưng trong phần lớn các tường hợp, xác chết bị dòng nước xô đẩy hoặc bị cá rỉa, không thể chìm mãi dưới đáy nước mà sẽ nổi lên trong khi phân hủy. Kỳ lạ là ngoài việc bị xâm phạm tình dục ra thì không có vết thương nào cho biết nguyên nhân dẫn đến tử vong cả. Trong năm xác chết, chỉ có cái xác thứ hai Tiền Khoan là trực tiếp liên quan đến Trương Phức Quyên. Xác Tiền Khoan có một vết cứa cổ bằng vật sắc nhọn, chứng tỏ anh ta bị giết trước khi bị ném xuống hồ. Anh ta còn trẻ, là một đầu bếp có tay nghề khá, rất được khen ngợi. Nhưng tư cách thì hơi có vấn đề: anh ta từng vài lần bị công an bắt gian. Cuối tuần Tiền Khoan tường đến ăn ở quán karaoke mà Trương Phức Quyên làm việc, cả hai dần thân nhau. Hàng xóm cũng từng nhìn thấy anh ta đưa Phức Quyên về nhà. Thoạt đầu phát hiện ra mối liên hệ này, cảnh sát rất hào hứng, cho rằng đó là mấu chốt phá án. Nào ngờ ba cái xác tiếp theo lại không mảy may liên quan, mặc dù không phải tuyệt đối độc lập. Ba cái xác ấy là ba người đi làm thuê, điều kỳ lạ là họ không làm thuê ở Giang Kinh. Trước đó một người ở Thành Đô, một người ở Thượng Hải và một người ở Vũ Hán. Họ không cùng quê và cũng không quen biết nhau. Nhưng cái chết thì tương tự: khi chết đều cởi trần, mặc quần đùi, phổi ngập nước, trên mình không một vết thương, không có dấu hiệu giãy giụa. Họ giống như người đi bơi gặp sự cố, hai trong số đó có chất cồn trong máu. Người đã chết thì cơ thể không phân hủy chất cồn nữa, chứng tỏ lúc còn sống họ đã uống rượu, chất cồn vẫn tồn tại trong cơ thể. Vì rất hứng thú với vụ án này nên tôi cũng đi điều tra, tìm gặp người nhà bạn hữu của nạn nhân dò hỏi này nọ, nhưng chỉ nhận được một mớ thông tin lộn xộn chẳng ra sao. Kể cũng phải thôi, cảnh sát thiếu gì cao thủ phá án mà cũng phải bó tay nữa là anh thợ viết lách như tôi, hết cách là đúng.”

Na Lan “Trương Phức Quyên bị xâm hại tình dục trước khi chết, có để lại dấu vết gì không?”

“Tiếc rằng xác bị ngâm lâu ngày dưới hồ nên khám nghiệm tinh dịch, tóc, DNA đều không kết quả.”

Na Lan lấy bút ra: “Tôi muốn anh cho tôi biết họ tên ba nạn nhân kia, không kể Trương Phức Quyên và Tiền Khoan. Cả họ tên người nhà bạn bè của họ, những người mà anh đã gặp nữa?”.

Tần Hoài mở di động, nói: “Cô gặp may đấy! Tôi dùng di dộng thông minh nên các tư liệu đó vẫn còn ở đây.”

CHƯƠNG 25 – BẮT ĐẦU CHƠI VỚI LỬA

Tần Hoài đi rồi, Na Lan nhìn thấy mấy dòng họ tên viết trên tờ giấy ăn, không rõ nếu mình gọi điện thì có thu được tin gì mới so với cảnh sát hoặc Tần Hoài không. Nhưng cô cũng cần biết ưu thế của mình: là phụ nữ, không phải cảnh sát. Sức mạnh và quyền lực của cảnh sát thì khỏi phải nghi ngờ, nhưng về mặt hiền hòa thì một dân thường như cô vẫn còn có lợi hơn. Cô nghĩ ngợi rất lâu. Tạm thời chưa đi gặp người nhà và bạn hữu của Tiền Khoan vội. Anh ta là người Giang Kinh chính cống, họ hàng bạn bè ở đây sẽ đông, bây giờ đi tìm thì phải gặp ngay vài người. Nhưng chắc chắn cảnh sát đã sớm lần ra quan hệ giữa anh ta và Trương Phức Quyên, đó là mấu chốt quan trọng, và đã đào sâu mọi vấn đề của đôi uyên ương khốn khổ (có lẽ nên nói là dôi uyên ương tạm bợ) ấy, cũng đã tìm hiểu rất nhiều người nhà và bạn bè của họ; mình thì đơn thương độc mã khó mà tìm ra manh mối nào có giá trị hơn.

Còn ba nạn nhân làm thuê ngoại tỉnh kia, có lẽ cảnh sát đã gắng điều tra nhưng do mệt mỏi vì khoảng cách địa lý, cần được cảnh sát ở quê và cảnh sát nơi họ làm thuê phối hợp, cho nên chưa chắc đã điều tra thuận lợi. Cô nhìn danh sách và số điện thoại mà Tần Hoài đưa cho, trước hết chọn lấy một người tên là Điền Uyển Hoa.

Tần Hoài nói Điền Uyển Hoa là bạn gái của Trảm Quân – một trong năm nạn nhân của “vụ án năm xác chết”. Hồi đó cả hai cùng đến Thượng Hải làm thuê. Xác của Trảm Quân được phát hiện xong, Tần Hoài có ý chờ hai tháng sau mới gọi điện cho Uyển Hoa, e cô chưa hoàn hồn trước nỗi đau quá lớn. Nhưng Tần Hoài rất ngạc nhiên vì cô tuy đau buồn nhưng còn rất phẫn nộ quả quyết rằng người yêu cô đã bị giết hại, dù hung thủ là ai, nếu gặp hắn cô sẽ trả thù không do dự.

Có những điều người ta không bao giờ kể với cảnh sát.

Na Lan gọi vào số máy ấy. Đó là một xưởng sản xuất đồ nội thất, chỗ làm cũ của Điền Uyển Hoa. Một giọng nan giới tỏ ra ngạc nhiên, rồi trả lời: “Không có người này.”

“Phiền anh cho tôi hỏi: cách đây ba bốn năm cô ấy đã từng làm ở chỗ anh.”

Anh ta đành nói thêm: “Ba bốn năm trước thì đã thay khối người rồi. À, cô chờ một lát.” Chắc là anh ta hỏi người xung quanh, sau đó là một giọng nữ
hỏi: “Cô tìm Điền Uyển Hoa có việc gì?”.

Na Lan đã nghĩ sẵn câu trả lời, cô nói mình nợ tiền, nay muốn gửi trả Uyển Hoa nên cần liên lạc với cô ấy. Người phụ nữ bèn cho Na Lan số điện thoại của Lưu Cúc là bạn Uyển Hoa, chắc Cúc sẽ biết Hoa đang ở đâu.

Đúng là Cúc có biết: “Cách đây ba năm nó đến Giang Kinh, hình như hiện giờ làm bếp cho một nhà hàng.”

Điền Uyển Hoa đến Giang Kinh!

Tần Hoài nói rằng cô ta quả quyết và phẫn nộ. Việc cô ta đến Giang Kinh có lẽ không phải là ngẫu nhiên.

Cúc cho Na Lan biết địa chỉ và số di động của Uyển Hoa.

Khoảng ba rưỡi chiều Na Lan đến gặp Uyển Hoa. Nhà bếp không quá bận rộn. Có vẻ như Uyển Hoa đã thích ứng với cuộc sống thành phố, khuôn mặt trang điểm sơ sơ, tóc cắt ngắn kiểu đang thịnh hành, gò má hơi cao, đôi mắt tròn và sâu nhìn Na Lan với vẻ không mấy tin tưởng.

“Tôi không quen cô, sao cô nói với Lưu Cúc rằng cô gửi tiền gì đó cho tôi?” Rõ ràng là Lưu Cúc cũng rất cảnh giác, đã báo tin với Uyển Hoa, còn Hoa cũng đoán ra Na Lan là người đã hỏi Cúc địa chỉ và số di động của cô.

“Xin lỗi.” Na Lan ôn tồn. “Vì tôi chỉ muốn nhanh chóng gặp cô.” Cô nhìn tấm biển treo ngoài của hàng Cẩm Thực Tú Khẩu, rồi nói: “Đây là nơi làm việc hồi trước của Trương Phức Quyên và Tiền Khoan phải không?”.

Uyển Hoa kinh ngạc: “Sao lại… ý cô là gì?”.

Na Lan nói: “Ba năm trước cô rời Thượng Hải, đến Giang Kinh tìm việc làm, ở Giang Kinh có hàng ngàn hiệu ăn-karaoke, mà cô lại chon nơi này. Tôi đoán rằng cô định tìm hiểu xem cái chết của anh Trảm Quân có liên quan đến cái chết của cô Quyên và anh Khoan hay không. Đúng chưa? Cô đừng lấy làm lạ, tôi không có ý dò hỏi chuyện riêng tư của cô. Đây chỉ là việc riêng của tôi. Tôi cho rằng vụ án ấy có lẽ có liên quan đến một người bị hại là bạn tôi.”

“Ninh Vũ Hân?” Uyển Hoa bỗng thở gấp.

Lần này đến lượt Na Lan kinh ngạc: “Cô ấy cũng đến gặp cô à?”

Uyển Hoa gật đầu, nói: “Tôi chưa gặp, cô ấy cũng chỉ mới gọi điện đến. Chẳng bao lâu thấy báo rầm rộ đăng tin bê bối giữa cô ấy và một nhà văn, rồi cô ấy chết… Tay nhà văn ấy cũng từng gọi điện hỏi tôi về chuyện anh Trảm Quân.”

Vậy là một lần nữa khẳng định rằng Ninh Vũ Hân đang điều tra dở vụ án năm xác chết. Khó mà nói rằng cái chết của Vũ Hân không liên quan gì đến vụ án này!

Na Lan bất giác nhìn quanh, rồi nói: “Có lẽ Vũ Hân đã hỏi cô, cảnh sát cũng đã hỏi cô, nhưng tôi cứ hỏi thêm vậy: trước khi mất, anh Trảm Quân có…”/>
“Không! Trước đó anh ấy không nói gì cả, cứ như bị cơn gió lớn bất chợt đưa đi. Cô không biết đâu: xưa nay anh ấy không bao giờ giấu tôi chuyện gì, các bạn thường nói đùa tôi: anh Quân ngay đi vệ sinh cũng cho cậu biết! Nhưng lần đó anh ấy bỗng nhiên biến mất không xin nghỉ làm mà cũng không giải thích với tôi một câu, ra đi cứ như không! Thoạt đầu tôi tưởng anh ấy đã hò hẹn với con bé nào đó, rủ nhau biến khỏi Thượng Hải đi nơi khác iếm sống, tôi tức điên rồi đi báo công an rằng anh ấy mất tích, tôi làm thế cho bõ tức. Nào ngờ một tháng sau thì công an đến gặp tôi, nói rằng đã tìm thấy xác anh ấy, bị chết đuối.”

Na Lan chờ cho Uyển Hoa lau nước mắt và bình tĩnh lại, rồi hỏi: “Anh Trảm Quân… chắc phải biết bơi, cho nên cô không tin rằng anh ấy bị chết đuối?”

Uyển Hoa nói: “Không chỉ biết bơi, mà còn bơi rất giỏi! Thôn chúng tôi ở bên bờ sông Hoài, anh ấy nổi tiếng khắp vùng là tay bơi cừ khôi. Nếu nói anh ấy chết đuối thì tôi dù chết cũng không thể tin.”

“Bơi giỏi, giỏi như thế nào?”

“Bởi từ bờ bên này sang bờ bên kia rồi trở lại, chưa là gì đối với anh ấy; anh ấy sở trường về lặn! Chỉ hít một hơi dài rồi nhào xuống đáy sông rất lâu, úp lưới bắt cả đàn ba ba, sau đó ngoi lên. Không vấn đề gì hết.”

“Vì thế cô cho rằng anh ấy bị sát hại?”

“Đúng! Anh ấy lẳng lặng ra đi, điều này rất đáng nghi; chết ở dưới nước, lại càng đáng nghi, chắc chắn là bị giết! Tôi chỉ không sao hiểu nổi, kẻ kia cần gì ở anh ấy? Hai chúng tôi đi làm thuê mấy năm, chỉ có chút tiền dành dụm để cùng một nơi, khi đi anh ấy không cầm theo một đồng nào. Tức là không phải bị giết người cướp của. Vậy thì vì cái gì? Tôi đọc tin thời sự, biết rằng lúc đầu là xác một phụ nữ, bèn đoán rằng hai người đã dan díu viớ nhau, anh ấy bị chồng cô kia bắt rồi thủ tiêu? Về sau nghe nói cô gái ấy là Trương Phức Quyên, còn trẻ chưa chồng, cũng chưa bao giờ có được bạn trai tử tế, cái xác thứ hai là anh bếp Tiền Khoan, hai người có tình ý với nhau, chính anh ta cũng bị giết. Thật là hết sức kỳ quái!”

Na Lan hỏi tiếp: “Vì thế mà cô cố ý tìm đến nhà hàng Karaoke này để làm?”.

“Lúc đầu tôi làm chân quét dọn cho một hiệu ăn gần đây, tôi chú ý học cách chế biến một vài món ăn, chờ dịp bên này tuyển người rồi tôi sang xin việc. Thoạt tiên họ bảo tôi bưng bê thì hợp, tôi bèn thể hiện chút tay nghề nấu ăn, họ bèn cho tôi làm chân phụ giúp bếp trưởng.”

“Và cô tiện thể nghe ngóng các chuyện về Phức Quyên và Tiền Khoan.”

Hoa thở dài, nói: “Thực ra tôi không bận tâm các chuyện linh tinh của họ, tôi chỉ muốn biết sự việc anh Trảm Quân có liên quan gì đến họ hay không. Hai năm nay tôi nghĩ mình đã biết rõ: cặp đôi Tiền Khoan – Phức Quyên không dính dáng gì đến anh Trảm Quân cả, mọi người ở đây cũng chưa nhìn thấy Trảm Quân bao giờ.”

“Thế thì cặp đôi ấy…”

“Nói ra thật đáng xấu hổ: hai người ấy cặp kè với nhau thì không sao, nhưng chết dở ở chỗ… tôi nghe người ta đồn rằng đôi khi Tiền Khoan chiêu đãi ‘khách’ ở nhà, hắn bắt Phức Quyên ‘làm dịch vụ’. Cô hiểu như thế là gì không?”

Na Lan cau mày, gật đầu: “Tức là, vợ chồng cùng mở lò kiếm tiền bẩn!”

“Hình như Phức Quyên khá xinh, Tiền Khoan vốn là một tên lưu manh chính cồng, hắn lợi dụng, lừa Phức Quyên là cùng kiếm tiền, được kha khá rồi sẽ cưới cô ấy. Còn hắn toàn ra ngoài nhậu nhẹt, cờ bạc, đĩ điếm chẳng sót thứ gì.”

Na Lan lại hỏi: “Cô có nghe nói trước khi cả hai mất tích, họ có tiếp được ‘món hàng’ nào không? Vì tôi cảm thấy hai người này dường như chết cùng một thời gian, liệu có liên quan đến ‘nghề phụ’ của họ hay không?”

Uyển Hoa lắc đầu: “Vụ mất tích của họ tương đối bí hiểm, trước đó không có dấu hiệu gì. Thoạt đầu các cô gái ở cùng nhà với Phức Quyên thấy cô ấy đi liền mấy đêm không về, tưởng rằng cô ấy đã sang ở hẳn với Tiền Khoan. Họ mất hút một thời gian, người nhà hàng karaoke cũng biết, bèn đến nhà hàng mà Tiền Khoan làm bếp để hỏi thì không thấy, lại về nhà tìm, cũng không thấy. Bà mẹ Tiền Khoan không thấy con trai đâu nên đã báo cảnh sát. Khi phát hiện ra xác thì mới biết cả hai cùng gặp nạn. Nghe nói Phức Quyên bị cưỡng bức trước khi chết, chắc có liên quan đến bọn khách mua dâm. Nhưng họ tự nguyện làm ‘dịch vụ’ kia mà, tại sao lại bị cưỡng dâm?”.

Na Lan không có câu trả lời, nhưng cô biết cái gọi là cưỡng dâm và quan hệ trai gái “bình thường” chẳng qua chỉ là chuyện từ lượng quá độ sang chất mà thôi.

Cái chết của Trảm Quân và hai người lao động khác, có liên quan gì đến “đôi uyên ương hắc điếm” này không? Thật khó mà biết được.

Có lẽ tất cả là ngẫu nhiên? Những người nay đều đi bơi rồi chết đuối? Dịp đó là cuối xuân đầu hạ, thời tiếp Giang Kinh bắt đầu nóng nực, đi bơi là phải. Nhưng Trảm Quân giỏi bơi lặn là thế, khả năng “lỡ chẳng may” là không lớn.

Một ý nghĩ lóe lên, Na Lan nói: “Cảm ơn cô. Chúng ta sẽ giữ liên lạc với nhau. Nếu tôi có được tiến triển gì nhất định sẽ báo với cô.”
/>
“Trảm Quân, Lý Viễn Hâm, Tịch Đồng, ba người này có điểm gì chung?” Na Lan không nén nổi bồn chồn, bàn tay run run cầm di động.

Giọng Tần Hoài thì vẫn bình thản: “Họ đều là người lao động tỉnh ngoài, xác cùng nổi ở hồ Chiêu Dương.”

“Họ đều là những người bơi giỏi! Mấy người đã liên hệ đều nói ba nạn nhân ấy không phải hạng bình thường, mà là nổi tiếng khắp vùng là những con cá kình! Họ không chỉ bơi giỏi mà còn lặn cực giỏi, họ đều là mãnh tướng lao xuống nước liền nửa tháng không cần hít thở – đương nhiên là nói quá lên. Nhưng ý tôi là, những điều đó chứng minh rằng không thể đơn giản là họ đi bơi, gặp sự cố rồi chết đuối. Vì, cao thủ bơi lội đều có thể do sơ suất mà thất bại, như Quan Vũ mất Kinh Châu, nhưng cả ba cao thủ cùng sơ suất rồi chết đuối ở hồ Chiêu Dương, thì khả năng này gần như bằng 0.”

Tần Hoài “ồ…” một tiếng nhưng vẫn im lặng.

Na Lan: “Chẳng lẽ anh không cảm thấy kỳ lạ à? Ba chuyên gia bơi lặn tập trung ở hồ Chiêu Dương, không cho người thân biết hành tung của mình, cứ thế đi đến Giang Kinh, sau đó gần như xác người này theo sau xác người kia nổi lên mặt hồ. Lẽ nào chỉ là ngẫu nhiên?”.

“Lập luận của cô là gì?”

“Kho báu của Bá Nhan!”

“Ý cô là, họ đến hồ Chiêu Dương để tìm kho báu à?”

Giọng Tần Hoài đậm chất châm biến chứ không hề bị sốc gì hết. “Ai chẳng biết Bá Nhan giấu của là câu chuyện bịa đặt, là truyền thuyết?”.

“Thủy quái hồ Loch Ness, chuyện về UFO đều là truyền thuyết, nhưng luôn có vô số người đi tìm đấy thôi!?”

“Câu chuyện về Bá Nhan giấu của, cô đọc ở đâu?”

“Ở tiểu thuyết của anh.” Na Lan cố tránh nói đến cuốn “Văn Bính tạp lục”.

“Thấy chưa? Vậy là cô đã tự trả lời câu hỏi của chính mình, trừ phi cô coi tiểu thuyết là những chuyện có thật.”

Na Lan hỏi: “Vậy tại sao anh lại bịa ra câu chuyện đó?”.

“Hỏi thú vị thật! Tại sao Ngô Thừa Ân lại bịa ra Tây du kí, tại sao Shakespeare lại bịa ra Vua Lia? Rất đơn giản, vì họ là người chuyên bịa ra các câu chuyện!” Có thể nhận ra ẩn ý của Tần Hoài: cô thông minh nhưng sao lại hỏi những câu thiểu năng thế này. Anh ta vẫn đang lảng tránh, che giấu.

“Liệu anh có cách giải thích nào khác không? Tại sao ba người rất giỏi sông nước lại chết đuối ở hồ Chiêu Dương?”

“Cô đang điều ra vụ án năm xác chết kia mà?”

“Nhưng tôi có cảm giác rằng anh đã thừa biết các mối liên quan, anh thừa biết họ bơi rất giỏi.” Na Lan bắt đầu sốt ruột trước lối ỡm ờ úp mở của Tần Hoài.

“Cô nên nhớ là tôi luôn phản đối cô điều tra vụ án năm xác chết, thậm chí tôi cho rằng cô đừng nên cơm nhà vác ngà voi, đi điều tra nguyên nhân cái chết của Ninh Vũ Hân nữa. Đúng là cô phát hiện ra xác Vũ Hân, nhưng nói cho cùng cô chỉ là người ngoài cuộc, chỉ là một khán giả, cô không có vai diễn và cũng không có trách nhiệm gì hết! Điều cô cần làm là nên tin ở cảnh sát, chấp nhận Ba Du Sinh bảo vệ và chờ vụ án được đưa ra ánh sáng. Đúng là lúc đầu có kẻ theo dõi cô, nhưng nếu không tò mò thì họ sẽ sớm nhận ra cô không có thứ mà họ cần, họ sẽ bỏ cuộc, cô có thể vui vẻ cùng Đào Tử đi dạo vườn hoa nhà trường, đi bể bơi mà nghịch nước, và tiếp tục nuôi chuột!”

“Chuột cảnh Hamster!” Na Lan lạnh lùng cải chính. “Là nhà văn viết truyện kinh dị, mà anh chả có logic gì cả? Không biết kẻ bám theo tôi là ai, không biết ai giết Ninh Vũ Hân, mà anh lại nhận định giúp kẻ kia rằng họ sẽ thôi không bám theo tôi nữa?”

“Ít ra tôi cũng có thể dự đoán rằng mỗi bước chân cô đi vào vụ án năm xác chết là cô tiến sâu vào một bãi địa lôi không có lối ra!”

“Sao anh biết?”

“Tôi biết. Vì tôi đã chứng kiến họ lần lượt bỏ tôi mà đi. Cô có biết họ và cô có điểm gì chung không?”

Na Lan không đáp.

“Cũng như cô, họ đều bị ám ảnh bởi vụ án năm xác chết!”

Na Lan nói: “Còn một điểm nữa, hình như anh quên chưa nhắc đến?”

Tần Hoài im lặng

“Quảng Diệc Tuệ, Ninh Vũ Hân và tôi đều là những người rất giỏi bơi lội.”

❮ sau
tiếp ❯

Avatar

Các bạn đăng ký thành viên hội nhé…!
→Free vip→Đọc và nghe audio truyện/ 0 quảng cáo→Yêu cầu truyện / Ưu Tiên♥Ngoài ra AudioSite là Website do hội Mê Đọc Truyện thành lập – chính vì vậy Đọc Truyện trên website giảm 90% xuất hiện quảng cáo nhé !