[Audio] Liên Thành Quyết
Tập 2: Ai ngờ lão hóa lại là cao nhân (c3-c4)
❮ prev❯Chương 3: Ai ngờ lão hóa lại là cao nhân
Bốc Viên thấy Tam sư huynh sắp thất bại đến nơi, liền lượm một cục gạch hết sức liệng vào sau lưng Địch Vân.
Địch Vân đang để hết tinh thần đấu kiếm với Vạn Khuê, đột nhiên sau lưng đau nhói lên vì bị cục gạch đập trúng. Chàng quay lại thóa mạ:
– Quân mặt dầy! Hai người đánh một chăng?
Bốc Viên hỏi lại:
– Chuyện gì vậy? Ngươi bảo sao?
Địch Vân tự nhủ:
– Bữa nay dù bọn chúng cả tám người xông vào ta cũng không thể để tổn thương đến uy danh của sư phụ.
Chàng chẳng kể gì đến vế đùi và sau lưng bị đau, tiếp tục phóng kiếm liên miên nhằm Vạn Khuê đâm tới.
Lúc này kiếm chiêu của chàng đã không còn phương pháp nào nữa, sơ hở rất nhiều. Tuy nhiên, khí thế chàng đang hăng hái, Vạn Khuê không dám tấn công ráo riết.
Bốc Viên đưa mắt ra hiệu cho Lục sư đệ là Ngô Khảm rồi nói:
– Kiếm pháp của Tam sư huynh rất cao minh. Thằng lỏi này không chống đỡ được nữa. Nhưng nếu đánh chết gã là làm mất mặt thể diện của Thích sư thúc.
Chúng ta phải tiến vào lược trận.
Ngô Khảm hiểu ý gật đầu đáp:
– Đúng thế! Anh em mình phải chú ý, đừng để Tam sư huynh lỡ tay giết người.
Mỗi tên một tả một hữu phóng kiếm veo véo đâm vào cạnh sườn Địch Vân.
Kiếm pháp của Địch Vân sự thực không cao minh hơn Vạn Khuê mấy tý.
Nhờ ở chỗ chàng đánh hăng không kể gì đến tính mạng, mới chiếm được thượng phong.
Bấy giờ Bốc Viên và Ngô Khảm sấn vào giáp công. Một mình Địch Vân phải địch với ba người khiến chàng chân tay luống cuống.
“Xẹt” một tiếng! Đùi bên phải chàng lại trúng kiếm mà vết kiếm thương này rất nặng. Chàng không đứng vững được nữa, ngã ngồi xuống đất. Nhưng tay kiếm vẫn còn nắm vững và không ngớt ra chiêu đỡ gạt, đâm chém ba người.
Lỗ Khôn hắng đặng một tiếng, vung chân đá vào cổ tay Địch Vân. Thanh trường kiếm tuột tay bay đi, rớt xuống bụi cỏ.
Vạn Khuê hươi trường kiếm phóng tới, mũi kiếm chỉ vào cổ họng Địch Vân.
Bốc Viên và Ngô Khảm nổi lên tràng cười hô hố rồi nhảy lùi ra.
Vạn Khuê nhơn nhơn đắc ý, cười rộ hỏi:
– Gã quê mùa kia! Đã chịu phục chưa?
Địch Vân quát mắng:
– Phục cái con khỉ! Bọn ngươi bốn tên đánh một đâu phải đấng anh hùng?
Vạn Khuê đưa thêm mũi kiếm về phía trước cắm sâu vào thịt Địch Vân mấy phân rồi lớn tiếng:
– Ngươi còn nói bướng, ta khẽ đâm thêm một chút là ngươi phải đứt họng đó.
Địch Vân lại thóa mạ:
– Ngươi cứ đâm đi! Có giỏi thì cắt đứt cổ họng ta. Ngươi không dám làm thì chỉ là quân khốn kiếp.
Vạn Khuê mắt lộ hung quang, vung chân trái đá mạnh vào bụng dưới Địch Vân, quát hỏi:
– Ngươi còn mạnh miệng nữa hay thôi?
Phát đá này tưởng chừng làm đảo lộn lục phủ ngũ tạng trong bụng Địch Vân.
Chàng phải ráng nhịn cho khỏi bật tiếng rên la. Miệng vẫn thóa mạ:
– Quân chó đẻ! Phường khốn kiếp!
Vạn Khuê lại đá một phát nữa vào đầu Địch Vân.
Địch Vân mắt nổ đom đóm, cơ hồ ngất xỉu. Chàng muốn thóa mạ nữa nhưng không thốt nên lời.
Vạn Khuê nói:
– Bữa nay hãy nhiêu dung cho ngươi. Ngươi đi mà khóc lóc cáo tố với sư phụ cùng sư muội là bọn ta ỷ vào số đông để đánh ngươi đó! Ta coi bộ ngươi chẳng khác tuồng bị thịt, chỉ còn cách khóc lóc nỉ non.
Địch Vân bình tĩnh lại lớn tiếng:
– Đời nào ta thèm khóc lóc và tố cáo với ai? Bậc đại trượng phu muốn rửa hận phải tự mình ra tay mới đáng kể.
Vạn Khuê chỉ mong chàng nói câu này, liền khích thêm:
– Ta làm dấu trên mặt ngươi để sư phụ ngươi vặn hỏi.
Gã nói rồi lại đá vào mắt bên trái và má bên phải Địch Vân mỗi bên một cước.
Địch Vân nửa mặt sưng vù, mắt bên trái chảy nước đầm đìa.
Bốc Viên vỗ tay cười nói:
– Ha ha! Bậc đại trượng phu khóc ròng. Đấng anh hùng biết hành cẩu hùng.
Địch Vân tức giận muốn nổ ruột, miệng lẩm bẩm:
– Mi đến chơi nhà được sư phụ ta coi tử tế, ta cũng hết lòng đón tiếp, mua rượu giết gà thết đãi mi, chẳng có chỗ nào kiếm khuyết. Thế mà bây giờ mi đối xử tàn nhẫn với ta.
Vạn Khuê lại thách thức:
– Ngươi đánh không nổi ta thì đến tố cáo với gia gia ta cũng được, Gia gia ta có trách phạt thì ngươi mới được hả giận.
Địch Vân đáp:
– Là hạng con nít chẳng có đầu óc gì như ngươi thì động một tý mới đến tố cáo với người lớn.
Vạn Khuê, và Lỗ Khôn, Bốc Viên nhìn nhau mỉm cười. Chúng nghĩ rằng mối căm tức bữa nay thế là hả rồi, liền trao kiếm vào vỏ và nói:
– Hảo tiểu tử! Ngươi có giỏi thì mai lại đánh nữa. Bây giờ Thiếu gia xin kiếu thôi.
Đoạn cả tám tên nổi lên tràng cười ha hả, ra chiều đắc ý rồi bỏ đi.
Địch Vân nhìn bóng sau lưng tám gã, trong lòng vừa phẫn nộ vừa nghi ngờ không hiểu. Chàng tự hỏi:
– Ta đã không đắc tội với chúng mà cũng chẳng có điều gì lầm lỗi với sư bá, tại sao tự nhiên chúng đến đánh ta một trận? Hay là bọn người ở kẻ chợ đều dã man như thế cả?
Chàng gắng gượng đứng dậy, nhưng đầu óc choáng váng, lại phải ngồi phệt xuống đất.
Bỗng nghe phía sau có tiếng thở dài rồi tiếng người nói:
– Hỡi ơi! Đánh không lại người ta thì dập đầu năn nỉ. Bướng bỉnh làm chi để bị trận đòn nhừ tử, há chẳng oan uổng lắm ru?
Địch Vân tức giận đáp:
– Chẳng thà để chúng đánh chết, khi nào ta chịu dập đầu van xin?
Chàng quay đầu nhìn lại thì thấy một lão lưng còng, chân kéo lê đôi giày da, chệnh choạng đi tới. Sau chàng nhìn rõ đầu bù tóc rối, mặt mũi lem luốc thì ra lão cái mà chàng đã gặp lúc ban ngày.
Lão cái nói:
– Hỡi ơi! Ta già mất rồi. Xương sống bị chứng phong thấp đau đớn vô cùng.
Tiểu hài tử! Ngươi đấm lưng dùm ta mấy cái.
Địch Vân trong bụng đang tràn ngập lửa giận, chàng hắng dặng một tiếng, không lý gì đến lão.
Lão cái lại nói:
– Ta chẳng khác gì người tuyệt tử tuyệt tôn. Lúc về già, không một thân nhân chiếu cố. Úi chao! Úi chao!….
Lão chống gậy trúc lảo đảo đi mỗi bước một xa.
Địch Vân nhìn bóng sau lưng thấy lão cái run rẩy quá chừng. Chàng bản tính thuần hậu, vả ở hương thôn vẫn nhớ câu bịnh hoạn tương phù, hoạn nạn tương cứu.
Chính chàng cũng vừa bị người đánh một trận nhừ tử, bất giác nổi lòng đồng bệnh tương lân, cất tiếng gọi:
– Này này! Lão hóa tử! Tại hạ còn mấy chục đồng, lão cầm lấy đi mua bánh mà ăn.
Lão cái lảo đảo xoay mình trở lại đón lấy tiền rồi nói:
– Lão cái bị bệnh tê thấp lưng đau chịu không nổi. Tướng công đấm dùm mấy cái.
Địch Vân đáp:
– Được rồi! Để tại hạ buộc mấy vết thương xong sẽ tính.
Lão cái hỏi:
– Tướng công chỉ nghĩ đến mình mà không chiếu cố cho người ta sao phải là anh hùng hảo hán?
Địch Vân bị lão nói khích liền đáp:
– Được rồi! Tại hạ đấm lưng cho.
Chàng ngồi phệt xuống đất, vung quyền lên đấm lưng.
Chàng vừa đấm được hai quyền, lão cái ra chiều khoan khoái nói:
– Dễ chịu quá! Dễ chịu quá! Tướng công đấm mạnh chút nữa!
Địch Vân gia tăng lực đạo đấm mạnh hơn.
Lão cái phàn nàn:
– Đáng tiếc là luồng lực đạo nhẹ quá!
Địch Vân liền đấm mạnh hơn.
Lão cái lại than:
– Hỡi ơi! Chẳng ăn thua gì hết. Tướng công bị đánh một trận thừa sống chí chết, không còn đủ lực đạo để đấm lưng cho lão cái rồi. Tướng công có sống sót ở thế gian cũng vô ích mà thôi.
Địch Vân tức mình đáp:
– Tại hạ mà đấm mạnh, e rằng lão bị gãy xương.
Lão cái cười nói:
– Tướng công có đấm được gãy xương lão cái thì đã chẳng nằm thẳng cẳng dưới đất để người ta muốn đấm muốn đá thế nào cũng được.
Địch Vân tức giận không nói nữa, vận nội lực vào tay đấm xuống.
Lão cái lại nói:
– Thế này tuy tạm được nhưng vẫn còn nhẹ quá.
Địch Vân vung quyền giáng xuống đánh “binh” một tiếng.
Lão già bật cười nói:
– Còn nhẹ lắm! Còn nhẹ lắm! Chưa ăn thua gì hết.
Địch Vân nói:
– Lão đừng nói đùa. Tại hạ không muốn đả thương lão mà thôi.
Lão cái cười lạt hỏi:
– Tướng công không muốn đả thương lão cái ư? Hãy vận toàn lực đấm một quyền thử coi.
Địch Vân vận kình vào tay mặt toan giáng xuống lưng lão cái. Nhưng dưới ánh trăng tỏ chàng chợt nhìn thấy lão già quá rồi, lòng chàng lại nhủn ra, giái tán kình lực, nói:
– Ai lại đi chấp với ông già!
Chàng khẽ đấm mấy cái.
Đột nhiên, chàng cảm thấy có người đẩy lưng mình lên rồi hất đi. Người chàng bay bổng lên cao như đằng vân giá vụ rồi té huỵch xuống đống cỏ rậm.
Chàng cảm thấy đầu nhức mắt hoa, lồm cồm mãi mới bò dậy được. Nhưng chàng không nổi giận, ngơ ngác nhìn lão cái ra chiều kinh dị hỏi:
– Phải chăng lão… lão đã hất tại hạ đi?
Lão cái đáp:
– Nơi đây còn người thứ ba nào đâu? Chẳng phải lão cái thì còn ai vào đấy?
Địch Vân hỏi:
– Lão dùng cách gì mà hất tung được tại hạ đi?
Lão cái liền đọc câu:
– Cử đầu vọng minh nguyệt! Đệ đầu tư cố hương!
Địch Vân lấy làm kỳ hỏi:
– Đó là những chiêu kiếm pháp mà gia sư đã dạy tại hạ. Sao… sao lão cũng biết?
Lão cái đáp:
– Quyền chiêu hay kiếm pháp cũng vậy mà thôi. Hơn nữa lệnh sư dạy không đúng đâu.
Địch Vân tức giận hỏi:
– Sao gia sư lại dạy không đúng? Lão là một tên khiếu hóa dám chỉ trích gia sư ư?
Lão cái hỏi lại:
– Nếu lệnh sư dạy đúng thì sao đánh người không nổi?
Địch Vân đáp:
– Bọn chúng ba bốn tên xúm vào mà tại hạ chỉ có một mình dĩ nhiên không đánh lại. Nếu lấy một chọi một thì lão thử coi xem tại hạ có đánh bại chúng không?
Lão cái cười hỏi:
– Ha ha! Đã đánh nhau thì còn kể gì lấy một chọi một, hay nhiều người đánh ít? Tướng công muốn đơn đả độc đấu nhưng người ta không nghe thì làm thế nào?
Chỉ còn cách quỳ xuống dập đầu hay giơ lưng chịu đòn. Một người thắng được hàng chục địch nhân mới đáng mặt hảo hán.
Địch Vân nghĩ lại thấy lão nói đúng, liền hỏi:
– Bọn chúng là đệ tử của tệ sư bá, kiếm pháp cũng suýt soát với tại hạ thì làm sao một người đánh nổi tám bên chúng được?
Lão cái hỏi lại:
– Lão dạy mấy môn công phu để tướng công một mình thắng được tám tên bọn chúng. Tướng công có học không?
Địch Vân cả mừng đáp:
– Tại hạ muốn học, muốn học lắm!
Nhưng rồi chàng lại nghĩ:
– Trên đời vị tất được mấy người bản lãnh như vậy. Lão cái này đã già nua lại không ra tuồng một nhân vật có võ công thượng thừa…
Chàng còn đang ngần ngừ thì đột nhiên bị lão cái chụp lấy sau lưng. Người chàng lại hất tung lên không lộn đi mấy vòng trên cao rồi giáng xuống thật mạnh.
Chàng chống tay đỡ lấy mình suýt nữa gãy xương.
Khi chàng lồm cồm bò dậy được thì đau quá nói không nên lời, nhưng trong lòng mừng rỡ vô cùng. Miệng ráng lắp bắp:
– Lão…lão bá bá!…. Tiểu tử xin bá bá truyền dạy cho.
Lão cái hỏi:
– Bữa nay ta dạy ngươi mấy chiêu, tối mai ngươi lại đến đánh nhau với bọn chúng, có dám làm không?
Địch Vân bụng bảo dạ:
– Võ công của lão tuy cao thâm, nhưng ta học một ngày thì cũng chưa được bao nhiêu.
Nhưng chàng nghĩ tới chuyện lại tỷ đấu với bọn Vạn Khuê, Lỗ Khôn, bất giác nổi lòng hào khí đáp:
– Tiểu tử dám làm. Nhiều lắm là chịu chúng đánh một chập nữa cũng không sao.
Lão cái đột nhiên vung tay trái chụp lấy sau gáy chàng liệng mạnh xuống đất, cất tiếng thóa mạ:
– Thằng lỏi thối tha này! Ta đã dạy võ công cho ngươi sao còn nói chuyện đưa xác ra chịu đòn? Ngươi không tin ta ư?
Địch Vân tuy bị liệng rất đau, nhưng trong lòng càng hoan hỷ, vội đáp:
– Dạ dạ! Đúng là tiểu tử lỗi lầm. Xin lão nhân gia truyền dạy ngay đi.
Lão cái nói:
– Ngươi đã học kiếm pháp, vậy biểu diễn cho ta coi. Đồng thời xướng những danh tự về kiếm chiêu.
Địch Vân “dạ” một tiếng rồi chạy vào bụi cỏ tìm trường kiếm. Chàng biểu diễn đúng như thể thức của sư phụ truyền dạy. Miệng chàng hô từng chiêu. Càng về sau chiêu kiếm càng thuận lợi, miệng chàng hô cũng mau lẹ.
Địch Vân đang sử kiếm đến chỗ hăng say, đột nhiên lão cái nổi lên tràng cười hô hố. Chàng không khỏi ngạc nhiên thu kiếm về hỏi:
– Tiểu tử rèn luyện không đúng hay sao?
Lão cái không đáp, chỉ ôm bụng mà cười, lão cười lăn cười lộn không sao ngồi ngay lên được.
Địch Vân đã hơi tức mình hỏi:
– Dù tiểu tử luyện không đúng thì có chi đáng cười?
Đột nhiên lão cái dừng tiếng cười thở dài nói:
– Thích Trường Pháp ơi là Thích Trường Pháp! Ngươi vận kình lực một cách hung hãn như vậy mà được ư? Cái đó là tại ngươi đọc sách quá thành ra hiểu sai lầm chiêu thức.
Địch Vân hỏi:
– Gia sư vốn là một nông gia không học được nhiều. Cái đó có gì đáng cười?
Lão cái nói:
– Ngươi hãy đưa kiếm cho ta!
Địch Vân xoay chuôi kiếm lại đưa cho lão.
Lão cái đón lấy trường kiếm rồi miệng khẽ hô:
– Cô hồng hải thượng lai! Trì hoàng bất cảm cố.
Lão cầm trường kiếm múa lên. Trong chớp mắt tựa hồ lão đã biến đổi thành người khác, tay kiếm vừa vững vàng vừa trầm trọng. Thái độ lão ung dung như nước chảy mây trôi, những cái lụ khụ vừa rồi đâu còn nữa?
Địch Vân coi mấy chiêu, chợt tỉnh ngộ nói:
– Lão bá! Ban ngày tiểu tử đấu với Lữ Thông có phải lão bá đã cố ý liệng bát ra để trợ lực cho tiểu tử?
Lão cái tức giận hỏi lại:
– Cái đó lọ là còn phải hỏi? Bản lãnh của Lục Hợp thủ Lữ Thông so với tên tiểu tử ngốc dại còn cao thâm gấp mười. Chẳng lẽ một chút đạo hạnh như ngươi mà thâu thập được hắn?
Lão vừa nói vừa tiếp tục sử kiếm.
Địch Vân nghe lão đọc khẩu quyết cũng tương tự như những điều sư phụ đã truyền thụ cho chàng. Có điều thỉnh thoảng tự âm hô trạnh đi một chút mà kiếm chiêu thành ra khác nhiều. Chàng càng coi chàng rất lấy làm kỳ.
Lão trái tay trái nắm kiếm quyết, tay mặt phóng trường kiếm ra. Đột nhiên lão đưa kiếm qua tay trái, tay mặt xoay lại tát vào mặt chàng một cái bạt tai thật nặng.
Địch Vân giật nẩy mình lên, đưa tay sờ lên má, tức giận hỏi:
– Sao lão… lão… lại đánh người ta?
Lão cái vừa cười vừa hỏi lại:
– Ta đang dạy kiếm chiêu mà đầu óc ngươi còn nghĩ vơ nghĩ vẩn, hỏi có đáng đánh hay không?
Địch Vân nghĩ lại biết mình có lồi, liền bình tâm tĩnh trí đáp:
– Đúng rồi! Quả là tiểu tử lỗi lầm. Tiểu tử nhận thấy lão gia đọc chiêu số rất giống sư phụ mà kiếm pháp lại có chỗ bất đồng, trong lòng rất lấy làm kỳ.
Lão cái hỏi:
– Sư phụ ngươi dạy ngươi phải, hay là ta sử kiếm chiêu đúng?
Địch Vân lắc đầu đáp:
– Tiểu tử không biết.
Lão cái giơ tay lên quăng trường kiếm cho Địch Vân nói:
– Vậy chúng ta tỷ kiếm đi!
Địch Vân đáp:
– Công lực của tiểu tử không bằng lão nhân gia, dĩ nhiên không địch nổi.
Lão cái cười lạt nói:
– Ha ha! Ngươi thật ngốc hết chỗ nói. Đây chỉ là so chiêu thức chứ không phải tỷ thí công lực.
Lão vung cây gậy trúc, dùng gậy làm kiếm, đâm tới Địch Vân.
Địch Vân quét ngang thanh kiếm đỡ gạt. Chàng thấy cây gậy trúc của lão cái dừng lại không phóng về phía trước, liền vung kiếm đâm tới.
Ngờ đâu mũi kiếm chàng mới vung lên, cây gậy trúc của lão có khác nào con độc xà chồm về phía trước, điểm trúng vào vai chàng.
Địch Vân trong lòng rất khâm phục, lớn tiếng reo:
– Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!
Đồng thời chàng hươi kiếm quét về phía trước.
Lão cái xoay cây gậy trúc áp vào thân kiếm của đối phương.
Địch Vân vận kình đẩy ra. Lão cái liền xoay cây gậy trúc đi mấy vòng khiến cho kình lực của chàng xô về phương hướng trái ngược.
Địch Vân cầm kiếm không vững. Trường kiếm tuột tay bay đi. Chàng ngơ ngác nói:
– Lão bá! Kiếm chiêu của lão bá thật cao minh!
Lão cái đưa gậy trúc ra đón thanh trường kiếm ở trên không rớt xuống.
Trường kiếm dính vào đầu gậy như có keo sơn gắn lấy.
Lão nói:
– Sư phụ ngươi học võ rất chuyên cần, nhưng kém ở chỗ ít đọc sách. Kiếm thuật của môn phái ngươi khác hẳn kiếm thuật các phái trong thiên hạ. Nghiên cứu về tình trạng hiểu biết thì cùng một môn kiếm pháp, có người khổ công rèn luyện hai, ba chục năm mà thành tựu rất bình thường. Có người hiểu rõ kiếm quyết thì chỉ một vài năm đã luyện thành kiếm thuật danh gia.
Địch Vân nửa hiểu nửa không, đứng thộn mặt ra mà nghe.
Lão cái lại nói:
– Kiếm pháp của ngươi tên gọi “Đường Thi kiếm pháp”. Vì thế mỗi chiêu đều biến hóa ở một câu thơ Đường…
Địch Vân hỏi:
– Sao lại “Đường Thi kiếm pháp”? Gia sư kêu bằng “Thảng Thi kiếm pháp” tức là phóng kiếm ra khiến địch nhân biến thành xác chết ngay đứ đừ.
Lão cái không nhịn được bật cười hô hố đáp:
– Đường thi chứ không phải Thảng thi đâu. Đó là sư phụ ngươi đọc trật đi.
Tỷ như hai chiêu “Cô hồn hải thượng thi”, “Trì hoàng bất cảm cố” là nói về con chim hồng một mình lẻ loi từ mặt biển bay về, nó thấy những vũng ao nhỏ trên đất liền không thèm đậu xuống để nghỉ ngơi. Hai câu thơ này của quan tể tướng Trương Cửu Linh đời nhà Đường làm ra. Trương tể tướng tự coi mình thân phận thanh cao, không muốn tranh quyền đoạt lợi với ai. Câu này áp dụng vào kiếm pháp ngụ ý trong nháy mắt cũng lộ ra thái độ khoan thai. Ba chữ “Bất cảm cố” ở đây có nghĩa là không thèm để mắt đến. Vậy mà sư phụ ngươi đọc câu “Cô hồng hải thượng lai”, “Trì hoàng bất cảm cố” thành “Ca ông hám thượng lai”, “Thị hành bất cảm quá” rồi đi đến kết quả câu trước biến thành tiếng hô hoán, và câu sau lại có ý úy thủ úy vỹ. Thế thì bản ý của kiếm pháp loãng hết rồi còn gì nữa.
Địch Vân thộn mặt ra mà nghe lão nhai văn nhấm chữ, tuy không hiểu được mấy nhưng cũng biết lão nói hợp lý. Có điều chàng nhất tâm kính ái sư phụ mà nay lão cái chỉ trích sư phụ chẳng còn đáng gì nữa, nên trong lòng rất khó chịu.
Bỗng chàng đứng phắt dậy nói:
– Tiểu tử đi ngủ thôi, không học kiếm nữa!
Lão cái lấy làm kỳ hỏi:
– Ngươi bảo sao? Ta nói không đúng ư?
Chương 4: Dùng tân chiêu đã bại cuồng đồ
Địch Vân hằn học đáp:
– Hoặc giả lão gia nói rất đúng, nhưng chê bai gia sư chẳng ra gì thì tiểu tử không học nữa.
Lão cái cười ha hả, vươn tay xoa đầu chàng hỏi:
– Hay lắm! Hay lắm! Tâm địa thằng nhỏ này thật trung hậu. Ta rất ưa thích những kẻ như ngươi. Ta nhận lỗi rồi. Từ giờ trở đi không chỉ trích sư phụ ngươi nửa câu nào nữa. Ngươi đã bằng lòng chưa?
Địch Vân đổi giận ra mừng cười đáp:
– Bá bá mà không mạt sát gia sư thì tiểu tử xin dập đầu làm lễ.
Dứt lời chàng quỳ mọp xuống đất, dập đầu “binh binh” mấy cái. Lão cái cười hi hi nhận lạy rồi tiếp tục giải thích kiếm chiêu. Nhưng chiêu “Hốt thính văn kinh phong”, “Liên sơn thạch bố đào” nguyên là câu “Phủ thính văn kinh phong”, “Liên sơn nhược ba đào”. Những chiêu “Lạc nê chiêu đại thư”, “Mã mạnh phong tiểu tiểu” nguyên là “Lạc nhật chiếu đại kỳ”, “Mã minh phong tiêu tiêu”.
Lão còn giải thích thêm:
Theo thổ âm ở Tương Tây, chữ “Nê” phát âm giống như chữ “Nhật”. Nhưng lão chỉ nói vậy thôi chứ không nhắc gì đến chuyện lầm lỗi của Thích Trường Pháp, với mục đích duy nhất là cho Địch Vân hiểu những chỗ sai lầm.
Lão cái nói tiếp:
– Trong kiếm pháp của ngươi vì nhiều chỗ mâu thuẫn khó hiểu, chẳng thể nói một lúc mà hết được. Vậy ta dạy ngươi ba chiêu để đến mai lại đấu với tám tên tiểu tử ngu dốt kia. Ngươi ráng mà ghi nhớ lấy.
Địch Vân phấn khởi tinh thần, không biết gì là mỏi mệt nữa. Chàng chú ý nhìn lão cái dùng cây gậy trúc làm kiếm để ra chiêu.
Chiêu thứ nhất là “Thích kiên thức” nhằm vào trường hợp nếu địch nhân chỉ phòng thủ, vĩnh viễn khó mà đâm trúng họ. Vậy cần phải phóng kiếm ra sau mà đã tới trước mới đâm trúng vai đối thủ được.
Chiêu thứ nhì kêu bằng “Nhĩ quang thức” thì chính là chiêu thức vừa rồi lão cái đưa kiếm sang tay trái, dùng tay mặt đánh chàng một cái bạt tai. Chiêu này rất cổ quái! Dù địch nhân biết rõ mình đổi tay kiếm để xoay tay mặt đánh một cái bạt tai mà không né tránh được, vì tránh qua mé tả bàn tay sẽ tát qua mé tả, hay tránh qua mé hữu cũng vậy. Càng né tránh chàng bị đòn nặng.
Chiêu thứ ba là “Khử kiếm thức” vừa rồi lão cái dùng cây gậy trúc xoay cho trường kiếm của chàng tuột bay đi tức là chiêu thức đó.
Cả ba chiêu thức đó lão cái đều đã sử dụng vào người Địch Vân.
Nguyên ba thức này đều có tên bằng cổ thi rất thanh nhã, nhưng lão cái thấy Địch Vân ít hiểu chữ nghĩa mà dạy thơ cho chàng, chỉ tổ làm rối loạn tâm thần, lão liền đổi thành ba tên ai nghe cũng hiểu ngay.
Địch Vân chẳng lấy gì làm thông minh cho lắm, nhưng bản tính rất cương nghị. Chàng học ba chiêu này mất hơn một giờ mới thành thuộc.
Lão cái cười nói:
– Được rồi! Bây giờ ngươi phải ưng chịu với ta một điều là việc đêm nay ta dạy kiếm pháp cho ngươi không được thố lộ với ai, dù là sư phụ hay là sư muội ngươi cũng thế. Nếu không thì…
Địch Vân kính trọng sư phụ chẳng khác gì phụ thân, và đối với cô sư muội xinh đẹp đã ngấm ngầm đem lòng luyến ái từ lâu mà bảo chàng phải dấu diếm cả hai nhân vật này thì thật là một vấn đề nan giải cho chàng. Bởi thế trong lúc nhất thời chàng ngần ngừ không trả lời được.
Lão cái thở dài nói tiếp:
– Nguyên do vì đâu thì ta không tiện nói ngay bây giờ. Có điều ngươi mà tiết lộ câu chuyện đêm nay tất mạng ta khó nổi bảo toàn. Nhất định ta phải chết dưới lưỡi kiếm Ngũ Vân Thủ Vạn Chấn Sơn.
Địch Vân giật mình kinh hãi hỏi:
– Lão bá bá! Võ công lão bá bá đã cao thâm như vậy, sao còn sợ tệ sư bá?
Lão cái không đáp, cất bước ra đi, vừa đi vừa nói:
– Ngươi có lòng hại ta hay không thì là tùy ở ngươi.
Địch Vân vội chạy theo đáp:
– Đa tạ lão bá còn chưa thấy đâu khi nào tiểu tử dám hại mạng lão bá? Tiểu tử mà tiết lộ nửa lời sẽ bị trời tru đất diệt.
Lão cái chân không dừng bước băng băng ra đi.
Địch Vân ngơ ngác hồi lâu, chợt nhớ tới quên chưa hỏi họ tên lão cái, liền lớn tiếng gọi:
– Lão bá bá! Lão bá bá!
Nhưng lão cái đã mất hút vào trong bụi cây.
Sáng sớm hôm sau, Thích Trường Pháp thấy Địch Vân mắt tím bầm, mũi sưng vù, rất lấy làm kỳ, hỏi:
– Ngươi đánh nhau với ai mà bị thương đến thế này?
Địch Vân không quen nói dối, ấp úng khó nỗi trả lời.
Thích Phương cười hỏi:
– Phải chăng sư ca bị tên đại đạo Lữ Thông đánh từ bữa qua?
Thích Trường Pháp làm gì hiểu được chuyện đêm qua, nên cũng không hỏi vặn nữa.
Thích Phương nắm vạt áo Địch Vân kéo chàng đi. Hai người đi lối cổng mé bên ra tới cạnh giếng. Nơi đây vắng vẻ không có ai, hai người liền ngồi xuống lan can giếng. Thích Phương nhỏ nhẹ hỏi:
– Sư ca! Đêm qua sư ca đánh nhau với ai vậy?
Địch Vân ấp úng chưa kịp trả lời. Thích Phương lại nói tiếp:
– Đại ca đừng dấu tiểu muội nữa. Ban ngày hôm qua sư ca tỷ đấu với Lữ Thông, hắn quyền đấm chân đá vào những chỗ nào trong người đại ca, tiểu muội đều nhìn thấy rõ rồi. Hắn không đánh trúng mắt đại ca cái nào.
Địch Vân biết rằng khó dấu nổi cô này. Chàng tự nhủ:
– Ta chỉ cần đừng tiết lộ câu chuyện của lão bá bá, còn ngoài ra chẳng có chi quan hệ.
Chàng liền đem vụ tám tên đệ tử ở Vạn Môn nửa đêm đến gây chuyện rồi xảy ra cuộc tỷ kiếm và chàng phải thất bại, nhục nhã thế nào, nhất nhất thuật lại.
Thích Phương càng nghe càng căm hận. Mặt đỏ bừng lên, cô hằn học nói:
– Bọn chúng tám người đánh một mình sư ca, có chi đáng kể là hảo hán?
Địch Vân đáp:
– Không phải cả tám người đồng thời ra tay, mà là ba, bốn tên đánh một mình tiểu huynh.
Thích Phương hậm hực nói:
– Hừ! Ba, bốn người bọn chúng liên thủ đủ đả bại sư ca rồi, mấy tên đứng bên ngoài mới không động thủ. Giả tỷ ba, bốn tên đánh không lại thì rồi năm, sáu người hay bảy, tám người sẽ xúm vào đánh hôi.
Địch Vân gật đầu đáp:
– Chắc là như vậy.
Thích Phương đứng phắt dậy nói:
– Chúng ta đến cáo tố với gia gia, xem Vạn Chấn Sơn xử trí ra sao?
Trong cơn thịnh nộ cô không kêu Vạn sư bá mà gọi thẳng tên Vạn Chấn Sơn.
Địch Vân vội can ngăn:
– Đừng! Tiểu huynh đã thua chúng rồi mà còn cáo tố với sư phụ thì có khác gì bảo người ta coi thường thầy trò mình.
Thích Phương hắng dặng một tiếng chưa biết nói sao. Bỗng cô ngó thấy áo chàng bị rách nhiều chỗ, trong lòng thương tiếc, liền lấy kim chỉ trong bọc ra khâu lại cho chàng.
Mái tóc Thích Phương đụng vào cằm Địch Vân làm cho hơi ngứa, nhưng mũi chàng ngửi thấy mùi thơm của người xử nữ, lòng chàng không khỏi bâng khuâng, khẽ cất tiếng gọi:
– Sư muội!
Thích Phương gạt đi:
– Đừng nói! Đừng để cho người ta đổ oan cho mình là quân trộm đạo.
Nguyên trên giải đất Tam Tương ở Giang Nam, dân gian có tục mê tín là khi người mặc áo để người khác khâu vá hoặc đính khuy mà lên tiếng là người ngoài sinh lòng ngờ vực đã lấy trộm cắp vật gì. Truyền thuyết này không hiểu từ đâu đưa tới nhưng ai cũng tin là sự thực.
Tối hôm ấy, những khách mừng thọ đã cáo từ về hết. Vạn Chấn Sơn đặt tiệc ở sảnh đường để thết đãi sư đệ. Tám tên đệ tử cũng ngồi phía dưới bồi tiếp. Cả thảy mười hai người ngồi quanh một cái bàn tròn.
Rượu đã ba tuần, Vạn Chấn Sơn chợt thấy môi miệng Địch Vân sưng vếu lên, ăn uống rất khó khăn liền nói:
– Địch hiền điệt! Hôm qua hiền điệt phải một phen cực nhọc! Lại đây! Ăn thêm một chút!
Lão gắp một cái đùi gà đặt vào đĩa của chàng.
Chu Kỳ đột nhiên kịt mũi một cái.
Thích Phương trong lòng đã chứa đầy lửa giận, bây giờ không nhẫn nại được nữa, cô lớn tiếng:
– Vạn sư bá! Tệ sư ca bị thương đây không phải là đòn của Lữ Thông mà là do tám vị cao đồ của sư bá đã liên thủ đánh y.
Vạn Chấn Sơn và Thích Trường Pháp đều giật mình kinh hãi hỏi:
– Sao?
Trong tám tên đệ tử ở Vạn môn, Thẩm Thành nhỏ tuổi nhất mà cũng lẻo mép nhất. Gã cướp lời:
– Địch sư ca đả bại Lữ Thông rồi nói sư phụ lão nhân gia nhát gan sợ việc, không dám động thủ với Lữ Thông nên y phải ra mặt mới đánh đuổi được đại địch để rửa mặt cho lão nhân gia. Bọn đệ tử tức quá…
Vạn Chấn Sơn biến sắc, nhưng lão dầy công phu hàm dưỡng liền tươi cười nói:
– Đúng thế! Vụ này quả Địch hiền điệt đã cứu vãn thể diện cho chúng ta.
Thẩm Thành lại nói:
– Vạn sư ca nghe y buông lời cuồng ngạo không nhịn được mới cùng y tỷ kiếm và Vạn sư ca đã chiếm thượng phong.
Địch Vân tức giận hỏi:
– Ngươi…ngươi nói nhăng nói càn… Tạ.. tạ..
Nguyên chàng ăn nói đã vụng về lại nghe Thẩm Thành bịa chuyện vu cáo, chàng vừa nóng nảy vừa tức giận, ấp úng mãi không nói nên lời.
Vạn Chấn Sơn hỏi:
– Ngươi bảo sao? Cái gì mà Khuê nhi chiếm được thượng phong?
Thẩm Thành đáp:
– Đêm qua Vạn sư ca cùng Địch sư ca tỷ kiếm ra sao, bọn đệ tử đều không trông thấy. Sáng sớm hôm nay, Vạn sư ca mới kể lại, dường như sư ca đã dùng chiêu… dùng chiêu…
Gã quay lại nhìn Vạn Khuê hỏi:
– Vạn sư ca! Sư ca đã dùng chiêu số gì để thắng Địch sư ca?
Vạn Khuê đáp:
– Chiêu “Trường an nhất phiến nguyệt, Vạn hộ đảo y thanh.” Hai gã một tung một hứng lấp liếm vụ tám tên liên thủ đánh Địch Vân. Vạn Khuê đả bại Địch Vân ra sao, người ngoài không ai ngó thấy, dĩ nhiên không hỏi đến chuyện kéo bè kéo đảng đánh một người. Hơn nữa, Thẩm Thành bất quá là đứa con nít, mười lăm, mười sáu tuổi, vẻ mặt ngây thơ, nên ai cũng tin là gã nói thật.
Vạn Chấn Sơn lẩm nhẩm gật đầu nói:
– Té ra là thế!
Thích Trường Pháp vừa thẹn vừa tức, mặt đỏ bừng lên, đập tay xuống bàn quát:
– Vân nhi! Ta đã căn dặn ngươi không được gây chuyện bất hòa với các vị sư huynh dưới trướng Vạn sư bá. Sao ngươi còn đánh nhau với y?
Địch Vân thấy sư phụ tin lời Thẩm Thành, chàng tức run lên, miệng ấp úng:
– Sư phụ!…. Đệ tử… đệ tử không có…
Thích Trường Pháp vung tay đánh chàng một cái bạt tai, quát mắng:
– Đã hành động lầm lỗi lại còn chối cãi ư?
Địch Vân không dám né tránh mà phát chưởng của sư phụ chàng rất nặng khiến nửa mặt chàng sưng vù lên.
Thích Phương vội la:
– Gia gia! Sao gia gia không hỏi rõ đầu đuôi?
Địch Vân tức giận như người phát điên, nhảy vọt lại chụp thanh trường kiếm để trên ghế phía sau chàng. Chàng rút kiếm khỏi vỏ nhảy ra giữa sảnh đường hô:
– Gã… Vạn Khuê kia! Ngươi bảo đánh bại ta thì ra đây đánh nữa ta coi…
Thích Trường Pháp cả giận quát hỏi:
– Ngươi có về chỗ không?
Lão vừa nói vừa đứng dậy muốn vung quyền lại đánh.
Thích Phương giữ chặt lấy lão la lên:
– Gia gia!
Địch Vân lại quát lớn:
– Bọn ngươi cả tám tên có giỏi thì xông cả ra đây! Tên nào không dám ra là giống chó đẻ, là quân rùa đen!
Chàng là một thiếu niên quê mùa, trong lúc phẫn nộ không nhịn được, dùng những từ ngữ thô tục mắng loạn lên.
Vạn Chấn Sơn chau mày nói:
– Đã vậy các ngươi ra lãnh giáo kiếm pháp của Địch sư ca!
Tám tên đệ tử không ngờ sư phụ bảo vậy, chúng liền rút kiếm chia ra tám phương vây Địch Vân vào giữa.
Địch Vân thét lớn:
– Đêm qua tám quân chó đẻ đánh một mình ta. Bữa nay lại tám tên chó đẻ…
Thích Trường Pháp quát:
– Vân nhi! Ngươi nói nhăng nói càn gì thế? Đấu kiếm là đấu kiếm, có phải đấu miệng đâu mà lắm lời?
Vạn Chấn Sơn nghe chàng thóa mạ một điều “quân chó đẻ”, hai điều “quân chó đẻ” trong lòng lửa giận bốc lên ngùn ngụt, vì trong tám tên đệ tử thì Vạn Khuê là con trai lão, Địch Vân thóa mạ như vậy tức là chửi thẳng vào mặt lão.
Nhưng lão thấy tám tên đệ tử chia ra đứng tám phương thành thế bao vây hợp kích, liền quát hỏi:
– Địch sư huynh đã coi thường các ngươi, thì các ngươi lấy một chọi một, chẳng lẽ chính các ngươi cũng coi thường mình?
Đại đệ tử Lỗ Khôn đáp:
– Dạ sư phụ!
Rồi gã bảo đồng bạn:
– Các vị sư đệ hãy lui ra, để tiểu huynh lãnh giáo mấy chiêu đầu của Địch sư ca.
Ngũ đệ tử là Bốc Viên rất nhiều mưu trí. Đêm qua gã thấy Địch Vân động thủ với Vạn Khuê và anh chàng quê mùa kia võ công không phải tầm thường. Bây giờ chàng lại nóng tính liều mạng thì đại sư huynh của gã chưa chắc thắng nổi. Gã tự nhủ:
– Nếu để Địch Vân thắng trận thì sau dù có người đả bại y, nhuệ khí của Vạn môn cũng bị thương tổn rồi. Trong tám anh em đồng môn thì kiếm thuật của Tứ sư ca Tôn Quân cao thâm nhất. Vậy hay hơn hết để Tứ sư ca ra hạ y trước đi, khiến y không còn mở miệng được nữa.
Gã tính vậy liền lên tiếng:
– Đại sư ca là đại biểu cho bọn tiểu đệ, hà tất phải thân hành xuất mã. Xin nhường cho Tứ sư ca giáo huấn y cũng đủ.
Lỗ Khôn nghe nói hiểu ý ngay, liền mỉm cười đáp:
– Cũng được! Tứ sư đệ! Chúng ta cử ngươi đó.
Gã vẫy tay một cái. Bảy người cùng lùi lại. Một mình Tôn Quân ra đấu với Địch Vân.
Tôn Quân là người trầm mặc ít lời. Có khi suốt ngày gã không nói một câu, vì thế mà gã tiềm tâm để trí vào sự học. Kiếm pháp gã cao cường hơn đồng bạn nhiều. Gã thấy anh em đẩy mình ra mặt, liền lẳng lặng cầm trường kiếm tiến lại, cúi đầu khom lưng ra chiêu “Vạn quốc ngưỡng tôn Chu”, “Y quan bái miện bái”.
Đây là một kiếm chiêu khởi đầu cực kỳ lễ độ.
Nhưng lúc Thích Trường Phát dạy Địch Vân lại hô trạnh ra là “Phạn giốc nhượng tôn xú, nhất quan bái mã lưu” ngụ ý “Ta đây mới là cơm gạo thừa thãi, còn ngươi chỉ là một cái bánh tét xấu xa. Bên ngoài tuy ta tỏ vẻ cung kính ngươi mà trong lòng ta thóa mạ ngươi đó. Ta là quan, ngươi là con khỉ mà ta bái ngươi thì ra ông quan bái giống súc sinh”.
Địch Vân hiểu như vậy thành ra tức giận vô cùng. Chàng cũng cầm kiếm đứng cúi đầu khom lưng đáp lại bằng chiêu “Phạn giốc nhượng tôn xú, nhất quan bái mã lưu” chứ không chịu kém.
Chàng đang đứng khom lưng, chưa ngay người trở lại, đã hươi trường kiếm đâm tới bụng dưới Tôn Quân.
Bọn đệ tử ở Vạn môn thấy vậy đồng thanh la hoảng.
Tôn Quân xoay kiếm vung lên đỡ gạt đánh “choang” một tiếng. Song kiếm đụng nhau. Hai người đều cảm thấy cánh tay tê chồn.
Lỗ Khôn hỏi:
– Thưa sư phụ! Lão nhân gia coi tên tiểu tử này hạ thủ có tàn độc không?
Gã vừa ra tay đã muốn hạ sát Tôn sư đệ.
Vạn Chấn Sơn ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:
– Thằng lỏi quê mùa này làm sao lại phẫn nộ đến thế, vừa ra chiêu đã tính chuyện liều mạng?
Lại nghe những tiếng choang choảng vang lên. Địch Vân và Tôn Quân khai diễn cuộc quyết đấu. Sau khi trao đổi mười chiêu, thanh trường kiếm của Tôn Quân đưa chênh chếch ra, để sơ hở bụng dưới.
Địch Vân quát to một tiếng chống kiếm xông lại.
Tôn Quân rút kiếm về đè được kiếm của Địch Vân xuống. Gã vung chưởng đánh tới trước ngực đối phương.
Bọn đệ tử ở Vạn môn đồng thanh hoan hô. Một tên la lên:
– Đánh một người còn không lại mà dám khoác lác đòi đánh với tám.
Địch Vân lạng người đi một cái giựt trường kiếm về, vung lên tấn công như gió táp mưa sa.
Tôn Quân chống đỡ được mấy chiêu rồi xoay kiếm phản kích.
Đột nhiên Địch Vân rung trường kiếm phóng tới. Một tiếng “sột” khẽ vang lên. Chàng đã đâm trúng vào bả vai Tôn Quân. Chính là chiêu “Thích kiên thức” mà lão cái đã truyền thụ cho.
Chiêu “Thích kiến thức” phóng tới đột ngột quá chừng, không ai có thể tiên liệu được.
Quần đệ tử ở Vạn môn la ó om sòm. Lỗ Khôn và Chu Kỳ đồng thời vung song kiếm ra đánh Địch Vân.
Trường kiếm của Địch Vân phóng qua mé tả một chiêu lại đâm qua mé hữu một đòn. “Kịch kịch” hai tiếng! Lỗ Khôn và Chu Kỳ đều bị trúng kiếm ở vai bên phải. Trường kiếm tuột tay rơi xuống đất.
Vạn Chấn Sơn sa sầm nét mặt la lên:
– Giỏi lắm!
Vạn Khuê vung trường kiếm, trợn mắt nhìn Địch Vân. Đột nhiên gã quát to một tiếng rồi vung kiếm veo véo đâm liền ba nhát.
Địch Vân gạt được hết. Đoạn chàng đưa kiếm qua tay trái, xoay tay mặt tát đánh “bốp” một cái vào mặt đối phương.
Chiêu này cũng đánh ra một cách rất đột ngột. Vạn Khuê còn đang ngơ ngác, Địch Vân đã vung cước đạp vào trước ngực gã.
Vạn Khuê chống không nổi phải ngồi phệt xuống đất.
Bốc Viên chạy lại nâng đỡ Vạn Khuê, nhưng Địch Vân không cho gã vào gần, vung kiếm đâm ra, Bốc Viên đành xoay kiếm đỡ.
Bọn Ngô Khảm, Phùng Viên, Thẩm Thành ba tên thấy Địch Vân hung mãnh phi thường mà Vạn Khuê ngồi phệt dưới đất, miệng thổ máu tươi, không sao đứng dậy được. Chúng vừa kinh hãi vừa tức giận đều múa binh khí vây quanh Địch Vân.
Lúc này bọn gia đinh cùng tỳ bộc ở Vạn gia nghe tiếng binh khí đánh nhau trên sảnh đường tới tấp chạy lên coi.
Thích Trường Phát, hai mắt trợn ngược, vẻ mặt bâng khuâng không biết làm thế nào.
Thích Phương nói:
– Gia gia ơi! Bọn chúng kéo bè đảng đánh một mình sư ca. Gia gia mau cứu y!
Lại nghe tiếng khí giới chát chúa vang lên, rồi bạch quang lóa mắt. Mấy thanh trường kiếm bay lên. Một thanh rớt xuống đám đông. Bọn tỳ bộc chạy tán loạn. Một thanh rớt xuống bàn tiệc. Còn một thanh cắm vào xà nhà trên đầu mọi người.
Chỉ trong khoảnh khắc, những trường kiếm trong tay bốn tên Bốc Viên, Ngô Khảm, Phùng Viên, và Thẩm Thành đều bị “Khử kiếm thức” của Địch Vân đánh bay đi.
Vạn Chấn Sơn vỗ tay cười nói:
– Hay lắm! Hay lắm! Thích sư đệ! Sư đệ đã luyện được môn “Liên Thành kiếm pháp”. Cung hỷ! Cung hỷ!
Thanh âm lão đầy vẻ thê lương.
Thích Trường Phát ngẩn người ra hỏi:
– Vạn sư ca nói cái gì “Liên Thành kiếm pháp”?
Vạn Chấn Sơn đáp:truyện ma
– Mấy chiêu này của Địch thế huynh chẳng phải Liên Thành kiếm pháp thì còn là gì nữa?
Rồi lão hô bọn đệ tử:
– Khôn nhi! Kỳ nhi! Khuê nhi! Các ngươi lui về thôi. Địch sư huynh của các ngươi đã học được Liên Thành kiếm pháp của Thích sư thúc thì các ngươi địch làm sao nổi?
Lão lại nhìn Thích Trường Phát nói kháy:
– Sư đệ! Sư đệ giả vờ khéo thật! Đúng là bậc đại trí giả ngây giả dại.
Thích Trường Phát tức giận hỏi:
– Sao? Sư ca mắng tiểu đệ như vậy ư?
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Hừ! Sư đệ vẫn giả vờ. Thật là thông minh đến cùng cực!
Địch Vân sử luôn ba đường kiếm chiêu “Thích kiên thức”, “Nhị quang thức”, “Khử kiếm thức” chỉ trong khoảnh khắc đã đả bại được cả tám tên đệ tử ở Vạn môn, ban đầu rất lấy làm đắc ý nhưng thấy mình thắng dễ dàng quá, trong lòng lại đâm ra hồ đồ, chân tay luống cuống. Chàng hết nhìn sư phụ lại ngó sư muội, rồi dòm sư bá, chẳng biết nói câu gì cho đắc thể.
Thích Trường Phát tiến lại gần rút lấy trường kiếm trong tay chàng. Đột nhiên lão vung kiếm chỉ mũi vào cổ họng chàng quát hỏi:
– Mấy chiêu kiếm này ngươi học được của ai?