1. Home
  2. Truyện Ma
  3. [Aduio] Lá Cờ Ma
  4. Lá Cờ Ma Phần 2

[Aduio] Lá Cờ Ma

Lá Cờ Ma Phần 2

❮ sau
tiếp ❯

Chương 6

Chú ý tới biểu hiện của tôi, bác nói: “À, cháu muốn hỏi Tiền Lục chứ gì? Ông ấy là gia bộc của bốn anh em nhà họ Tôn, còn ba người bọn bác là do bốn anh em nhà họ Tôn mời về”.

Từng điếu thuốc được châm lên và bác Chung Thư Đồng kể câu chuyện về “khu ba tầng”, bốn anh em nhà họ Tôn và lá cờ ma cho tôi nghe trong làn khói thuốc mơ hồ.

Năm 1937, Chung Thư Đồng hai mươi bảy tuổi. Thời kì đó là thời kì muôn sao tỏa sáng, trào lưu học thuyết tư tưởng phương Tây vừa thức tỉnh vừa xung đột mạnh mẽ với văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Những năm tháng rối ren với sự vận động như bão táp của những luồn tư tưởng mới nổi làm xuất hiện hàng loạt anh tài và cái tuổi 27 đủ để một thanh niên tài hoa xuất chúng thành danh.

Lúc đó, nhiều bài nghiên cứu khoa học của Chung Thư Đồng đã được đăng trên các tờ báo của nhiều trường đại học. Đặc biệt, những kiến giải độc đáo của anh về kinh tế và đời sống xã hội thời Lưỡng Hán – Tam Quốc được nhiều người trong giới sử học chú ý. Rõ ràng, anh đã trở thành nhân vật sáng giá nhất của thế hệ các nhà sử học trẻ tuổi thời bấy giờ, ít nhất là ở Thượng Hải. Nhiều trường đại học, trong đó có cả trường Đại học Yên Kinh đã gửi thư mời và anh đang phân vân không biết nên tới giảng tại trường đại học nào.

Một ngày không lâu sau Tết Nguyên Đán năm 1937, Chung Thư Đồng tiếp bốn vị khách trong căn phòng nhỏ hẹp của mình tại đường Sơn Âm.

Một trong bốn vị khách vóc dáng khôi ngô vạm vỡ khiến Chung Thư Đồng kinh sợ, mặc dù vậy cả bốn người khách đều có cử chỉ nho nhã, lịch thiệp, lời lẽ khiêm nhường.

Bốn vị khách ấy chính là bốn anh em nhà họ Tôn.

Bốn anh em nhà họ Tôn tỏ ra cực kì khâm phục và hết lời ca ngợi học vấn của Chung Thư Đồng. Bốn anh em đều là những người yêu thích lịch sử và có niềm đam mê đặc biệt với lịch sử thời Tam Quốc, có nhiều điểm họ muốn thỉnh giáo người thanh niên tuổi trẻ tài cao Chung Thư Đồng. Họ tình nguyện dành riêng cho anh một phòng để trả công cho việc giảng giải của anh.

Thời đó, nếu không có mười mấy thỏi vàng trong tay thì người ta không thể mua được một căn phòng có điều kiện sinh hoạt tương đối tốt ở Thượng Hải. Chung Thư Đồng phải khá vất vả mới lo được tiền thuê trọ chỉ bằng tiền nhuận bút, bởi thế anh mới nghĩ đến việc tới giảng dạy tại trường đại học. Lương của một giáo sư thời đó cao ngất ngưởng.

Khi tới viếng thăm căn phòng trọ của Chung Thư Đồng lần thứ hai, bốn anh em nhà học Tôn mang theo cả thỏa thuận nhà đất. Chung Thư Đồng tuy cảm nhận được việc này có nhiều điều kì lạ, nhưng bốn anh em nhà họ Tôn thịnh tình dào dạt, mà trong khi đàm luận tới lịch sử thời Tam Quốc nhiều lúc như gãi đúng chỗ ngứa của Chung Thư Đồng và gợi mở cho anh nhiều ý tưởng. Đang thời tuổi trẻ căng tràn niềm tin, Chung Thư Đồng tin rằng dẫu có xảy ra chuyện gì cũng có thể tìm cách giải quyết. Vậy là, vào một ngày tháng ba, anh quyết định rời khỏi đường Sơn Âm, chuyển tới ở trong “khu ba tầng”.

Khi Chung Thư Đồng chuyển tới sống trong tòa nhà ba tầng trung tâm, Trương Khinh và Tô Miễn Tài đã hiện diện ở đó. Lúc ấy, Tô Miễn Tài vẫn chưa hoàn tục, pháp danh tu hành là Viên Thông. Quả đúng như tôi vẫn nghĩ.

Ngay từ những ngày đầu tiên chuyển tới sống trong “khu ba tầng”, Chung Thư Đồng đã phát hiện ra nhiều điểm quái dị ở chốn này: một hòa thượng cả ngày đóng cửa không bước chân ra ngoài; một Trương Khinh lúc nào cũng xuất quỷ nhập thần, thường xuyên đêm đi sáng về và cả những ngôi nhà mái bằng tuyệt nhiên không có bóng người trên các con phố xung quanh. Có lúc, anh bước đi trên mấy con phố, nhìn những ngôi nhà vắng người, bên trong trống huơ trống hoác, thì không tránh khỏi cảm giác sợ hãi như khi bước vào một nghĩa địa chết chóc. Về sau, khi những ngôi nhà này bị san phẳng, cảm giác ấy mới dịu bớt.

Tuy những con phố xung quanh không có người ở, nhưng Chung Thư Đồng thỉnh thoảng lại trông thấy một vài con người vẻ ngoài khắc khổ đi lại trong khu. Hình như họ sống trong mấy tòa nhà ba tầng khác. Những con người khắc khổ ấy chỉ làm mỗi một việc là phá hủy những ngôi nhà mái bằng không có người ở trên các con phố, tuyệt nhiên không thấy họ có ý định xây dựng công trình nào. Một ngày nọ, Chung Thư Đồng phải đi tàu tới Hàng Châu, chưa tới 5 giờ sáng anh đã xách va li ra khỏi nhà. Từ xa, anh nhác thấy những con người khổ sở đó đẩy một chiếc xe đẩy chở đầy đồ vật đi ra khỏi “khu ba tầng” từ phía đông. Trời lờ mờ tối, lại đứng ở xa quá, anh quan sát một hồi nhưng vẫn không trông rõ đồ vật trên xe đẩy là gì.

Bốn anh em nhà họ Tôn thỉnh thoảng vẫn tới phòng Chung Thư Đồng ngồi chơi, đàm đạo với anh những câu chuyện của thời Tam Quốc như cũ. Có đôi lần, Chung Thư Đồng thử hỏi dò về những chuyện xảy ra xung quanh tòa nhà, cả bốn anh em liền vờ tảng lờ không đáp. Về sau, Chung Thư Đồng cũng hiểu, đó là một điều tối kị, sống trong nhà người ta, nếu không biết phận như thế thật sự không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Sau một hồi sợ hãi những ngôi nhà vắng bóng người xung quanh, Chung Thư Đồng vứt bỏ ý nghĩ truy tìm gốc rễ sự việc.

Nhưng bàn luận lịch sử với bốn anh em nhà họ Tôn càng nhiều và càng sâu thì Chung Thư Đồng càng ngày càng rầu rĩ. Bởi lẽ, những câu hỏi của bốn anh em về thời Tam Quốc quá nhiều mà khả năng trả lời trên thực tế của anh lại quá ít. Nếu chỉ có thế, anh cũng có lý do để biện giải cho mình: một nhà sử học dù uyên bác tới đâu cũng không thể quay ngược thời gian trở về với quá khứ, vì thế ngay cả khi chuyên tâm nghiên cứu một thời đại nào đó thì những hiểu biết về nó, đặc biệt là những hiểu biết cặn kẽ và chi tiết bao giờ cũng hữu hạn. Nhưng điều khiến Chung Thư Đồng u uất là, mỗi khi năm người bàn luận tới phần sau của câu chuyện, có lúc một người nào đó trong bốn anh em nêu ra câu hỏi mà Chung Thư Đồng không trả lời được, thì người nêu câu hỏi lập tức nói ra suy đoán hết sức hợp lý của mình. Trả lời xong anh ta lại nêu câu hỏi phản vấn lại, tất cả đều rất chặt chẽ. Những lần như thế càng nhiều thì những cuộc nói chuyện của Chung Thư Đồng với bốn anh em nhà họ Tôn càng ít đi. Chung Thư Đồng thầm cảm nhận được, bốn anh em nhà họ Tôn đã bắt đầu thất vọng với mình, lời lẽ của họ tuy vẫn lịch thiệp nhưng mất hẳn vẻ kính trọng lúc trước.

Có thể nói, sự chuyển biến này là một sự sỉ nhục lớn lao đối với một học giả trẻ tuổi đầy lòng tự trọng như Chung Thư Đồng. Nhưng Chung Thư Đồng lại không có cách nào phản bác, bởi lẽ anh thật sự không thể giải đáp những vấn đề tỉ mỉ và nhỏ nhặt đó. Sau khi khảo chứng, anh thấy rất nhiều điều mà bốn anh em nhà họ Tôn nói với anh là vô cùng chính xác.

Từ đó về sau, Chung Thư Đồng nghĩ đủ mọi phương pháp để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử thời Tam Quốc. Những phương pháp nghiên cứu truyền thống chỉ khiến anh lâm vào ngõ cụt, để có được những điểm đột phá mới, anh buộc phải tìm tòi những phương pháp nghiên cứu mới. Có thể nói, tiếng tăm lừng lẫy của nhà sử học Chung Thư Đồng ngày nay phần nhiều do công của những cú khích của bốn anh em nhà họ Tôn đối với anh chàng trẻ tuổi năm xưa. Chỉ có điều, khi Chung Thư Đồng lấy lại sự tự tin thì bốn anh em nhà họ Tôn đã không còn nữa.

Trước khi xảy ra “Chiến dịch 813”[5], kéo dài hơn ba tháng, từ ngày 13 tháng 8 năm 1937 đến ngày 26 tháng 11 năm 1937. Đây là một trong những trận đánh lớn nhất và đẫm máu nhất trong chiến tranh Trung – Nhật, dễ có đến mươi ngày nửa tháng bốn anh em nhà họ Tôn không tới phòng Chung Thư Đồng. Vì sống cùng trong một tòa nhà nên thỉnh thoảng Chung Thư Đồng vẫn trông thấy họ. Kế hoạch mà họ ngầm thực hiện cơ hồ sắp thành công đến nơi. Vẻ mặt họ ngày càng trở nên phấn kích, ngày càng trở nên gấp gáp, vội vã.

[5] Chiến dịch 813 hay còn gọi là Hội chiến Tùng Hộ, là trận đầu tiên trong 22 trận giao chiến lớn giữa quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc và quân đội đế quốc Nhật Bản.

Đúng lúc ấy thì “Chiến dịch 813” bùng nổ, quân Nhật tấn công Thượng Hải và chuyện ném bom đã cận kề.

Hôm đó, khi tín hiệu cảnh báo phòng không hú lên inh ỏi, Chung Thư Đồng đang ở trong phòng, anh nghe thấy tiếng bước chân của Tôn Huy Tổ bên ngoài. Tôn Huy Tổ là người em thứ ba trong bốn anh em nhà họ Tôn.

“Quỷ tha ma bắt, sắp xong đến nơi, tại sao máy bay của quân Nhật lại tới vào lúc này?” Giọng nói của Tôn Huy Tổ vốn oang oang nên âm thanh ấy có thể xuyên qua căn phòng của Chung Thư Đồng, tới tận màng nhĩ anh trong tình cảnh gấp gáp, giữa tiếng lanh lảnh của còi báo động phòng không.

Lúc này, trong lòng Chung Thư Đồng vô cùng hoảng loạn. Con người trong lúc hoảng loạn thường mong có nhiều người ở bên cạnh, tuy không giúp được gì nhưng cũng có thể làm chỗ dựa tinh thần, bởi thế khi vừa nghe thấy tiếng của Tôn Huy Tổ, anh vội vã lao ra mở cửa.

Ngay trước lúc mở cửa, Chung Thư Đồng nghe thấy tiếng của một người khác: “Ồ, chẳng còn cách nào khác nữa đâu, hay là thử lấy lá cờ đó ra xem có đuổi được bọn Nhật không?”

Chung Thư Đồng mở cửa, trông thấy người anh cả Tôn Diệu Tổ đứng ở hành lang. Tiếng “thịch, thịch, thịch” gấp gáp trên cầu thang mỗi lúc một xa dần, Tôn Huy Tổ đã chạy xuống dưới nhà.

Trước đó Chung Thư Đồng chưa từng nhìn thấy lá cờ này. Những người dân sống xung quanh “khu ba tầng” tuy đã chuyển đi hết, nhưng không ít người sống ngoài vòng tròn phạm vi của bốn anh em nhà họ Tôn đã nhìn thấy lá cờ này. Người ta đã đồn thổi từ lâu về những điều thần bí, quái dị xung quanh lá cờ này, Chung Thư Đồng vẫn thường nghe người ta kháo chuyện về nó mỗi khi ra ngoài mua đồ hàng ngày.

Chung Thư Đồng vốn dĩ không tin, nhưng vào lúc này, trước nguy cơ bị máy bay quân Nhật ném bom, nghe thấy rõ ràng bốn anh em nhà họ Tôn nói thử dùng lá cờ đó, anh bỗng chốc nhớ lại những lời đồn thổi về sự khiếp hãi mà lá cờ đó gây ra, giờ đây, lá cờ đó gần như biến thành tia hi vọng cứu vớt sinh mạng mọi người.

“Lá cờ đó, lá cờ đó, liệu có tác dụng không?”

“Cứ thử xem thế nào!”. Nét mặt Tôn Diệu Tổ trầm xuống, xem chừng trong lòng Tôn Diệu Tổ cũng không chắc chắn lắm.

Giữa lúc hai người nói chuyện, tiếng bước chân vang lên cồm cộp trên cầu thang. Tôn Huy Tổ dẫn đầu, sải từng bước lớn lao lên trên lầu, theo sát ngay phía sau là lão Nhị Tôn Hoài Tổ, lão Tứ Tôn Niệm Tổ, sau nữa là Trương Khinh và Tiền Lục. Không thấy bóng dáng của nhà sư Viên Thông. Từ lâu, Chung Thư Đồng đã nghe nói, nhà sư Viên Thông tuy tuổi còn trẻ, nhưng bước đường tu hành Phật pháp đã đạt tới cảnh giới tối cao, trong lúc nguy nan cận kề như thế, nhà sư Viên Thông vẫn có thể tĩnh tâm ngồi trong phòng tụng kinh niệm Phật, không hề hoảng loạn như những người xung quanh.

Tôn Huy Tổ bê một chiếc hộp gỗ lớn hình chữ nhật, Tiên Lục cầm một thanh gậy tre dài theo sau.

Tôn Huy Tổ không ngừng bước chân, chạy miết lên khoảng cầu thang hẹp nối liền với sân thượng, nhảy lên vài bước, đẩy bay cánh cửa gỗ dày hình chữ nhật đóng chặt lối ra vào, lách người lên trước tiên. Những người theo sau, cũng lách người lên sân thượng.

Lúc Chung Thư Đồng đứng trên sân thượng thì phi đội máy bay đen sì của quân Nhật đã xuất hiện trên bầu trời phía xa xa.

Tôn Huy Tổ nhanh chóng mở chiếc hộp gỗ, đón lấy thanh gậy tre từ tay Tiền Lục, luồn lá cờ vào. Phía không xa, khói lửa đã cuộn bốc lên, tiếng bom nổ rền vang như tiếng sấm liên tục đập vào màng nhĩ. Bom đạn của quân xâm lược Nhật đã không ngớt trút xuống.

Tôn Huy Tổ giương cao lá cờ, vẫy qua vẫy lại.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Chung Thư Đồng nhìn thấy lá cờ đó.

Trong phút chốc, nỗi hoảng loạn trong Chung Thư Đồng vụt tan biến. Máy bay của quân Nhật vẫn gào rít chói tai ngay trên đỉnh đầu, làn mưa bom vẫn ào ạt trút xuống thành phố, nhưng trong tim Chung Thư Đồng lại dạt dào một dòng máu nóng và niềm tin chiến đấu. Giả như lúc này, bộ binh của quân Nhật tấn công, có lẽ anh sẽ là người đầu tiên xông tới chiến đấu với bọn chúng, vì anh biết lá cờ đó sẽ bảo vệ anh. Đó là một cảm giác nội tâm mà anh không thể gọi tên, trong giây lát, dường như lá cờ đó đã truyền vào tim anh một sức mạnh to lớn. Chung Thư Đồng thật sự không hiểu tại sao khi nhắc đến lá cờ đó, những người dân quanh vùng lại hãi hùng đến thế.

Chung Thư Đồng ngước nhìn lên bầu trời, máy bay của quân Nhật lượn thấp đến nỗi anh có thể trông thấy hình vẽ quốc kì Nhật Bản in trên thân máy bay. Ba chiếc máy bay đằng trước sắp sửa tiến tới khoảng không gian phía trên “khu ba tầng”.

Tôn Huy Tổ vẫy lá cờ gấp gáp hơn, lá cờ mở căng đón gió, bay phần phật.

Ở độ cao này, phi công Nhật hẳn sẽ thấy rõ một người Trung Quốc lực lưỡng đứng trên nóc tòa nhà giương cao một lá cờ lớn.

Ba chiếc máy bay ném bom của quân Nhật rung lắc gần như cùng lúc, lảo đảo đâm sầm xuống dưới, tưởng chừng như sắp nổ tung, nhưng chúng lại từ từ bay lên đúng vào lúc cái khối nặng cả chục tấn ấy sắp phát nổ. Máy bay của quân Nhật cứ thế trồi lên trụt xuống, trườn khỏi khoảng không gian phía trên “khu ba tầng”.

Những chiếc máy bay phía sau lũ lượt tránh xa. Với Chung Thư Đồng, lá cờ đó mang lại niềm vui và sức mạnh, với phi công Nhật, lá cờ đó lại hệt như một con thú hung ác đang hằm hè chuẩn bị chọn con mồi chuẩn bị lao vào cắn xé.

Tôi tròn mắt, há hốc miệng nghe bác Chung Thư Đồng kể chuyện. Dù trong lòng đã có suy đoán trước nhưng khi nghe chính người trong cuộc như bác Chung Thư Đồng kể lại tỉ mỉ, tôi vẫn cảm thấy có một sức hút đáng kinh ngạc.

Bốn tòa nhà ba tầng có thể vẹn nguyên trong mưa bom bão đạn của quân xâm lược Nhật, nguyên nhân lại chỉ có một, là nhờ lá cờ ma đó.

Cảm giác nội tâm trào lên trong lòng bác Chung Thư Đồng khi nhìn lá cờ ma đó gần như đồng nhất với cảm giác của ông lão Dương Thiết khi tiến lại gần lá cờ. Hai hiện tượng này rõ ràng là có liên quan với nhau. Có lẽ, khả năng tác động đến tâm lý người nhìn của lá cờ đó liên quan đến khoảng cách, khi ở xa thì cảm thấy sợ hãi, lúc lại gần thấy như có thêm sức mạnh. Đương nhiên, đám phi công Nhật cách lá cờ không đủ gần để có được sức mạnh.

Rốt cuộc thì tại sao lá cờ đó lại có được sức mạnh như thế?

Sau hôm đó lá cờ được thu lại. Những ngày Tùng Hộ[6] kháng chiến bùng nổ, tình hình ở Thượng Hải ngày một căng thẳng, Chung Thư Đồng gần như chỉ hoạt động ở trong “khu ba tầng”, rất ít khi ra ngoài. Một đêm đầu tháng 9, vào khoảng nửa đêm, một loạt âm thanh vang lên làm Chung Thư Đồng giật mình tỉnh giấc. Khoảng thời gian này, Chung Thư Đồng thường ngủ không ngon giấc, giấc ngủ chập chờn và hay bị phá vỡ bởi tiếng súng đạn rít gào. Nhưng tràng âm thanh đêm nay không phải là tiếng súng đạn mà là tiếng bước chân chạy gấp gáp lên lầu và một tiếng “sầm” rất lớn vang lên khi người ta đóng cửa lại.

[6] Tùng Hộ: là tên gọi khác của thành phố Thượng Hải.

Chương 7

Ba ngày sau đó, Trương Khinh tự nhốt mình trong phòng, không gặp bất kì người nào. Chung Thư Đồng đoán, âm thanh đêm hôm đó có lẽ là do Trương Khinh gây ra. Sang ngày thứ tư, Trương Khinh ra khỏi phòng, gương mặt anh trắng bệch khiến người ta phát sợ, đôi mắt long lanh có thần giờ phủ đẫm màu đen tối, u ám.

Bốn anh em nhà họ Tôn vì hành tung bất định nên phải mấy hôm sau, Chung Thư Đồng mới phát hiện, từ nhiều ngày nay anh đã không trông thấy họ. Và từ đó về sau, Chung Thư Đồng không bao giờ nhìn thấy bốn anh em nhà họ Tôn nữa.

Chiếc gạt tàn đã đầy ắp những đầu mẩu thuốc lá và bao thuốc tôi mang theo cũng đã rỗng không.

“Đấy, bác vừa kể hết cho cháu nghe những gì bác còn nhớ rồi. Năm đó, có lẽ, bác không giúp được gì cho bốn anh em nhà họ Tôn. Bác tin, bốn anh em nhà họ Tôn mời Trương Khinh và Viên Thông tới cũng là có mục đích của họ, hai người này tham gia vào kế hoạch mà bốn anh em nhà họ Tôn bí mật thực hiện nhiều hơn bác, nếu cháu có thể làm cho hai người ấy kể lại chút chuyện của năm xưa thì hẳn sẽ biết thêm nhiều chi tiết hơn đấy.”

“À, bác ơi, còn chuyện này nữa…”, tôi do dự một chút rồi đưa ra lời mời vô tình.

“Khà khà, tùy cháu, dù sao thì bác không thể nói thêm gì nữa”, bậc đại học giả cười nói.

Chương 3: Bí mật ẩn sâu dưới lòng đất

Trở về tòa soạn, tôi bắt tay ngay vào viết bài, ý văn ào ạt xuất hiện. Tôi kể lại tỉ mỉ lịch sử “khu ba tầng”, tất nhiên sự thật đã bị tôi thay hình đổi dạng: bốn anh em nhà họ Tôn trở thành người sưu tập lá cờ và vác nó đi diễu phố mọi lúc mọi nơi; bậc đại học giả Chung Thư Đồng là chứng nhân lịch sử, đã từng mục sở thị bốn anh em nhà họ Tôn mà người đời cứ ngỡ là người nước ngoài vẫy một lá cờ vào đúng thời điểm quân Nhật ném bom oanh tạc; máy bay quân Nhật cho rằng đó là những người ngoại quốc vẫy lá cờ nước ngoài nên họ tránh không ném bom, nhờ vậy “khu ba tầng” được bảo vệ vẹn nguyên trong bom đạn như một huyền thoại.

Bởi có quá nhiều chi tiết tôi không thể đề cập đến nên bài viết của tôi thiếu sức hấp dẫn, may mà sự kiện “khu ba tầng” may mắn thoát nạn trong mưa bom bão đạn một cách li kì bản thân nó khá có sức hút, nhờ thế mà bài viết của tôi cũng khiến độc giả có thể chấp nhận được. Lẽ dĩ nhiên là nó không thể làm thỏa mãn lòng kì vọng của sếp Lam, vì thế tôi chẳng hề nghe thấy anh ta nhắc đến chuyện thưởng này thưởng nọ như anh ta vẫn nói.

Bác Chung Thư Đồng đồng ý sẽ không căn vặn tôi. Tôi cũng không lo lắng những người thấu tỏ sự tình như ông lão Dương Thiết và bác Phó Tích Đệ sẽ ra mặt nói rằng tôi đăng tin giả. Mà giả sử các bác ấy nghĩ thế thì tôi e, người đầu tiên ngăn cản hành động của họ chính là đám con cháu. Tôi tin chắc, không một người bình thường nào có thể tin lời các bác ấy, độc giả sẽ tin những điều tôi viết trong bài báo là gần với sự thật nhất.

Có một lá cờ ma ư? Ai tin được?

Nhiệm vụ mà sếp Lam giao phó coi như đã hoàn thành, nhưng công cuộc điều tra về “khu ba tầng” thì chỉ mới bắt đầu. Không chỉ vì tôi hứa với bác Chung Thư Đồng mà còn vì một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là mỗi khi trí tò mò bị kích thích, tôi không bao giờ dễ dàng bỏ cuộc khi chưa làm rõ sự thật.

Bởi thế tôi quyết định buổi chiều hôm tòa soạn ra số báo có đăng bài viết của tôi về “khu ba tầng”, tôi sẽ trở lại tòa nhà ba tầng trung tâm một lần nữa, ghé thăm người dở dại dở điên là bác Tiền Lục. Mặc dù bác Chung Thư Đồng đã nói, tôi không thể hỏi được điều gì, nhưng chỉ cần có một tia hi vọng tìm ra một chút manh mối nào đó, tôi sẽ không dễ dàng đầu hàng.

Tôi định bụng như thế thì buổi tối nhận được điện thoại của mẹ, mẹ bảo gần đây sức khỏe của bố mẹ đều kém đi, mẹ mong tôi có thể tới chùa Long Hoa thắp hương cầu phúc cho bố mẹ. Mẹ tôi vốn là người tín Phật.

Tôi đứng bên ngoài đại điện Bảo Hùng châm hương rồi bước vào trong điện, tới trước tượng Phật Tổ Như Lai bái lạy. Tuy tôi không phải là Phật Tử, nhưng tôi đứng trước Phật đài để cầu phúc cho bố mẹ nên tôi nghĩ, phải thật cung kính và chí tâm chí thành cầu nguyện.

Lúc ra khỏi chùa, đang đi tới tiền viện, tôi bất ngờ trông thấy một người làm tôi sững sờ. Nhưng người ấy đã mỉm cười và lên tiếng gọi tôi.

“Na Đa”.

Tôi vốn không có ý làm phiền vị trụ trì trẻ tuổi của chùa Long Hoa, không ngờ lại vừa hay gặp mặt.

“Tới đây rồi thì qua phòng thầy uống chén trà nhạt đã”, sư thầy Minh Huệ cười nói.

Sư thầy Minh Huệ mời tôi vào ngồi trong gian tiếp khách ngay cạnh phòng phương trượng. Đây không phải lần đầu tiên tôi tới gian phòng sáng sủa này.

Tôi quen biết sư thầy Minh Huệ cũng là do công việc. Tuy tôi vẫn luôn nói mình là một phóng viên không có mối dây liên hệ nào, nhưng trên thực tế vẫn có một mối dây liên hệ, ấy là Ban Tôn giáo thành phố. Có điều, mối dây liên hệ này có hay không có cũng thế cả, vì tòa soạn có không ít quy định về vấn đề tôn giáo nên dường như cả năm không có tin bài liên quan, mà dẫu có cũng là những tin bài thống nhất đăng tải được duyệt đi duyệt lại nhiều lần, cứ sao chép lại cũng được. Hồi đầu, khi mới tiếp nhận mối dây liên hệ này, tôi vẫn thật thà tới phỏng vấn các mắt xích trên sợi dây đó. Tôi không những được chụp ảnh với các vị lãnh đạo của Ban Tôn giáo thành phố mà còn được coi là người nhà của nhiều chùa, miếu và nhà thờ lớn ở Thượng Hải. Tôi đã quen sư thầy Minh Huệ trong hoàn cảnh đó. Chúng tôi nói chuyện khá hợp nhau nên về sau cũng hay đi lại, thỉnh thoảng đi qua chùa Long Hoa, tôi qua chỗ sư thầy ngồi chơi. Những người tu hành tuổi dưới bốn mươi thường rất khó trở thành người đứng đầu của một ngôi chùa hay nhà thờ lớn, tuy những năm gần đây có xu hướng trẻ hóa lãnh đạo, nhưng trở thành trụ trì một ngôi chùa lớn ở tuổi ba mươi lăm như sư thầy Minh Huệ thật sự không có nhiều.

“Biết là thầy bận nên con không có ý định làm phiền tới thầy”. Tôi nói lời thực từ đáy lòng, vì tôi biết trụ trì một ngôi chùa lớn như chùa Long Hoa có tới trăm công nghìn việc phải nhọc tâm, ngay một chút thời gian tĩnh tâm để nghiên cứu Phật pháp cũng không có nhiều, nói chi đến uống trà.

Sư thầy Minh Huệ mỉm cười: “Cũng bởi bận bịu suốt nên gặp con thầy mới có lý do để dừng lại uống trà đấy. Có điều, tuy nói là thầy bận nhưng thầy lại thấy con có việc đấy, vì thế mới không có lòng nào ngồi uống trà với thầy chứ”.

Tôi cười, sư thầy Minh Huệ nói cũng đúng.

Trong lúc uống trà, tôi kể qua câu chuyện về “khu ba tầng” với sư thầy Minh Huệ. Những người tôi có thể chia sẻ câu chuyện dị thường này có lẽ không nhiều và sư thầy Minh Huệ là một trong số những người hiếm hoi đó. Hoàn cảnh và địa vị của sư thầy khiến nhãn giới và tư tưởng của sư thầy khác hẳn với những người thường.

“Ồ, chuyện này đúng là một kì án đang còn dang dở đấy, khi nào con điều tra có kết quả, đừng quên tới đây uống trà với thầy lần nữa nhé”, sư thầy Minh Huệ tràn trề cảm hứng với câu chuyện.

Tôi nhận lời và bất giác nhớ tới một chuyện. Tuy sư thầy Minh Huệ chưa chắc đã biết nhưng gặp rồi thì cứ thử hỏi xem sao.

“À đúng rồi, thầy có biết một người tên là Viên Thông không ạ?”

“Viên Thông à?”

“Con tiện thì bạch thầy thế thôi. Ông ấy là khách cũ của ‘khu ba tầng’, hiện nay đã hoàn tục rồi. Viên Thông là pháp danh của ông ấy từ hơn 60 năm trước, khi chưa hoàn tục”.

Sư thầy Minh Huệ tỏ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi: “Nếu quả đúng là ông ấy thì con người này là một nhân vật không tầm thường đâu đấy”.

“Ồ, vậy hả thầy?”, tôi khấp khởi mừng thầm, vội vã dỏng tai lên nghe.

“Khoảng 70 năm về trước, trong chùa Ngọc Phật có một tăng nhân tên là Viên Thông”.

“Chuyện qua lâu như vậy làm sao mà thầy biết được, không lẽ khả năng thiên phú của thầy đã đạt tới trình độ cao siêu đó rồi ạ?” Tôi mỉm cười hỏi. Sư thầy Minh Huệ được mệnh danh là thiên tài trong giới Phật học, tuy còn trẻ tuổi nhưng đã cực kì tinh thông giáo lý nhà Phật, ngộ tính rất cao, nếu không sư thầy đã không ngồi ở ngôi cao như bây giờ.

“Khà khà, so với Viên Thông, thầy chẳng thấm vào đâu. Năm mười hai tuổi Viên Thông đã thuộc làu Phật điển trong chùa, năm mười bốn tuổi được phương trượng vinh danh là Đệ nhất Phật pháp chùa Ngọc Phật, năm mười bảy tuổi, tại Đại hội Phật giáo được tổ chức tại Ngũ Đài Sơn, Viên Thông tỏ rõ tài năng hơn người. Các vị cao tăng tham gia Đại hội đều hết lời khen ngợi Viên Thông, tán xưng Viên Thông là tăng nhân có Phật pháp cao nhất thời đó. Không những thế, Viên Thông còn có một khả năng siêu phàm”.

“Ồ”, thật không ngờ ông lão Tô Miễn Tài năm xưa lại nổi danh thiên hạ đến thế. Cũng đúng thôi, ba người mà bốn anh em nhà họ Tôn mời về hẳn nhiên là những bậc kì tài xuất chúng, có điều tôi không biết ông lão Trương Khinh có tiểu sử thế nào. Còn nữa, bốn anh em nhà họ Tôn mời một cao tăng trẻ tuổi như Viên Thông với mục đích gì?

Trong lúc tôi băn khoăn với những câu hỏi trong đầu thì sư thầy Minh Huệ đã tiếp tục và thắc mắc của tôi từ từ được giải đáp theo lời kể của ngài.

“Khả năng siêu phàm đó là biểu hiện cao nhất của Phật tính trong con người Viên Thông. Người ta kể lại rằng, khi Viên Thông ngồi tham thiền nhập định tới tầng sâu nhất, vị cao tăng này có thể giao lưu với chư Phật, không những tinh tấn giáo lý nhà Phật mà còn có thể tiên đoán một số sự việc”.

“Tiên đoán một số sự việc ư?” Ra là thế. Bốn anh em nhà họ Tôn mời Viên Thông tới ở trong “khu ba tầng” đương nhiên không phải vì muốn cùng bậc cao tăng đàm đạo Phật pháp, mà rõ ràng là vì họ có việc cần tới khả năng tiên đoán của ngài. Có điều, tại sao một vị cao tăng có Phật pháp cao nhất một thời cuối cùng lại hoàn tục, không biết năm đó ngài ấy đã tiên đoán được điều gì?

Qua cuộc trò chuyện với sư thầy Minh Huệ, tôi biết được thân phận thật sự của Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài. Buổi chiều, tôi tới tòa nhà trung tâm và thay đổi ý định ban đầu, tôi lên tầng ba, gõ cửa nhà bác Tô Miễn Tài trước.

Bác Tô Miễn Tài mở cửa, trông thấy tôi, bác ngỡ ngàng một lúc, nhưng bác vẫn lịch thiệp mời tôi vào trong phòng.

“Cháu chào bác ạ, cháu đã tới thăm bác Chung Thư Đồng, bác ấy có kể cho cháu nghe về mối quan hệ của bác ấy với bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa và bảo, bản thân bác ấy rất muốn biết sự thật của câu chuyện ngày ấy, cháu cũng rất hiếu kì, vì thế, hôm nay cháu lại tới làm phiền bác”.

“Ồ…”, bác Tô Miễn Tài trầm ngâm không nói.

“Đại sư Viên Thông, phong thái của ngài trong Đại hội Phật giáo tại Ngũ Đài Sơn năm xưa khiến cho các bậc tiền bối trong giới Phật học tới tận bây giờ vẫn còn thở dài tiếc nuối khôn nguôi”, tôi nói thẳng tuột thân phận của người đứng trước mặt rồi thôi không cất lời nữa.

“Không ngờ tới tận bây giờ vẫn còn có người nhớ tới tôi”, gương mặt ông lão Tô Miễn Tài lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ, ông lão không sao tưởng tượng nổi, chỉ sau mấy ngày, tôi đã biết được nhiều sự thật như thế.

“Việc ngài bất ngờ hoàn tục khiến không biết bao nhiêu vị cao tăng đại đức phải ngậm ngùi tiếc nuối”. Tôi không hề đả động tới chuyện bốn anh em nhà họ Tôn hay lá cờ ma, mà chọn chủ đề này trước, vì nếu tôi đoán không nhầm thì việc đại sư Viên Thông hoàn tục chắc chắn có liên quan tới bốn anh em nhà họ Tôn, hoặc chủ đề này có lẽ là một điểm đột phá tốt hơn hai chủ đề kia.

Ông lão Tô Miễn Tài khép hờ đôi mắt, thở dài: “Sáu mươi bảy năm về trước, cõi lòng tôi đã vương bụi trần tục, bao nhiêu ngày tháng qua, không một giây phút nào tôi không phản tỉnh về sai lầm của mình năm xưa, những mong có thể gột rửa thật sạch tâm hồn mình”.

Điểm đột phá đã mở, ông lão Tô Miễn Tài thôi không giữ bí mật nữa, kể cho tôi nghe tất cả những điều ông biết.

Đầu năm năm 1937, bốn anh em nhà họ Tôn tới chùa Ngọc Phật gặp riêng nhà sư Viên Thông. Bốn anh em bày tỏ nguyện vọng có thể thỉnh mời cao tăng Viên Thông tới “khu ba tầng” tu hành một năm, để báo đáp ân tình của ngài, họ nguyện công đức tiền đúc tượng Phật bằng vàng trong chùa và trùng tu lại chùa.

Đó là một việc làm đại công đức, hơn nữa bản thân nhà sư Viên Thông cho rằng, tu trì ở nơi nào cũng như nhau nên ngài nhận lời sau khi xin ý kiến của phương trượng.

Sau khi Đại sư Viên Thông tới sống trong “khu ba tầng”, bốn anh em nhà họ Tôn hi vọng đại sư mỗi ngày có thể ngồi trong phòng thiền định một lần và thông báo với họ dự cảm trong ngày của đại sư. Với Đại sư Viên Thông, tham thiền nhập định là việc phải làm mỗi ngày, bởi thế ngài hoàn toàn đồng ý với lời đề nghị này. Từ đó, mỗi ngày bốn anh em nhà họ Tôn đều cử một người tới thăm viếng Đại sư Viên Thông, hỏi ngài tình hình nhập định trong ngày, để biết ngài có dự cảm gì hay không.

Đại sư Viên Thông không có bất kì yêu cầu nào đối với việc ăn ở hàng ngày. Thời gian cứ thế trôi, Đại sư Viên Thông ngồi trong phòng tu hành, so với lúc ở trong chùa Ngọc Phật, ngài chỉ thấy mình thay đổi chốn nương thân mà không có bất kể sự khác biệt nào trong việc tu hành Phật pháp.

Tuy Đại sư Viên Thông mang theo tâm thái đó tới ở và tu hành trong “khu ba tầng” nhưng ngài nhận ra, dự cảm của mình sau mỗi lúc nhập định ngày một ít dần. Ở nơi này dường như có một thứ gì đó khiến ngài không thể dễ dàng tham thiền nhập định tới tầng sâu nhất giống như ở trong chùa Ngọc Phật lúc trước, hoặc giả có một sức mạnh nào đó chi phối sự giao lưu của ngài với những sự vật chưa được biết trong thế giới u minh.

Lâu dần, ngài cảm nhận sức mạnh ngăn trở sự giao lưu của ngài xuất phát từ mảnh đất nơi ngài đang gửi mỉnh. Một đôi lần, sau khi nhập định, ngài mơ hồ cảm nhận, dưới lòng đất có một thứ gì đó khiến ngài run sợ.

Khi ngài chia sẻ cảm nhận với bốn anh em nhà họ Tôn, bốn anh em không có biểu hiện bất ngờ nào, họ chỉ hỏi ngài về cảm nhận cụ thể của ngài, nhưng ngay cả bản thân ngài cũng cảm thấy, dự cảm ấy rất mờ mịt.

Sau khi phát giác sức mạnh kì lạ từ trong lòng đất, Đại sư Viên Thông càng ngày càng khó tĩnh tâm thiền định, ngài cảm nhận cảnh giới của mình từ từ, từ từ giảm dần, tới mức ngài hoài nghi không biết bản thân mình có phải đã bị tâm ma dần xâm chiếm. Ngài thường xuyên hỏi mình có nên quay về chùa Ngọc Phật hay không, nhưng ngặt vì lời hứa với bốn anh em nhà họ Tôn nên rốt cuộc ngài không nói ra ý định ấy.

Một ngày đầu tháng 9 năm 1937, Đại sư Viên Thông tỉnh lại sau khi nhập định, mồ hôi đầm đìa khắp người, cảm giác trống rỗng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Mấy tiếng sau, khi Tôn Diệu Tổ tới thăm, ngài vẫn đang trong tình trạng ấy.

“Các thí chủ có thể tới đó”, Đại sư Viên Thông chia sẻ dự cảm của mình. Đã từ rất lâu rồi, ngài không có được dự cảm tương đối rõ ràng như thế, dù vậy, bóng tối vẫn bao trùm quanh dự cảm của ngài.

“Dạ vâng thưa đại sư”, Tôn Diệu Tổ gật đầu, “sau đó thì sao ạ?”

“Sẽ xảy ra một số chuyện”.

“Sao cơ ạ?” Nét mặt của vị huynh trưởng nhà họ Tôn lúc này vừa phấn khích, vừa chờ đợi, vừa căng thẳng.

Những giọt mồ hôi lạnh lại tràn trề trên trán Đại sư Viên Thông, ngài nhắm mắt lại và nói: “Không lành, dự cảm của bần tăng rất không lành”.

Tôn Diệu Tổ trầm ngâm hồi lâu rồi đứng dậy cáo từ.

Hôm sau, bốn anh em nhà họ Tôn không tới viếng thăm Đại sư Viên Thông như thường lệ. Và từ đó trở đi, họ không bao giờ tới nữa. Về sau, mỗi lần Đại sư Viên Thông ngồi xuống tham thiền nhập định, ngài lại thấy tâm ma bùng lên, không thể thiền định, càng không thể giao lưu với thế giới u minh để cảm nhận trước sự việc.

Không thể nhập định là một sự đả kích vô cùng lớn đối với Đại sư Viên Thông. Ngài ngẫm lại chuyện ngày trước và nhận ra rằng, kể từ khi bị bốn anh em nhà họ Tôn lấy việc đại công đại đức làm lễ vật, ngài đã thấy mình sinh lòng tham được mất, mà tâm ma không thể tự phản tỉnh, để đến mức rơi vào cảnh ngộ này, bản thân không còn thích hợp nương nhờ cửa Phật, bởi thế, ngài lặng lẽ hoàn tục. Bao nhiêu năm qua, tuy là một người trần tục nhưng ngài vẫn ăn chay niệm Phật, làm việc thiện và thường xuyên chép kinh Phật, những mong có thể gột rửa sạch tâm hồn.

Tôi vừa lắng nghe vừa thầm thở than trong bụng. Tôi vẫn nghĩ, việc con người ta có thể cảm nhận trước một số chuyện xảy ra trong tương lai chưa hẳn đã có mối dây liên hệ với Phật tính, vì những người hoàn toàn không tin vào Phật nhưng vẫn có khả năng này thì tôi đã gặp, đã nghe nói đến nhiều. Hơn nữa, không ít người từng trải qua cảnh “tôi đã từng mơ thấy tình cảnh hiện giờ”. Tuy khoa học hiện đại ngày nay vẫn chưa thể giải thích được khả năng tiên đoán sự việc tương lai này, nhưng như thế không có nghĩa chắc chắn nó có sự liên quan tất yếu với tôn giáo. Hẳn nhiên, Đại sư Viên Thông là một người kiệt xuất, vì chỉ những nhân tài kiệt xuất mới có được những thành tựu đáng kinh ngạc, song đôi khi họ lại đi sai đường vì chính sự kiệt xuất của mình.

Cuối cùng, tôi cũng không kìm nén được, trước khi cáo từ ra về, tôi hỏi ông lão Tô Miễn Tài sau một hồi đắn đo: “Thưa thầy, theo con nghĩ, có phải thầy đã trì niệm quá mức không, những người xuất gia tu trì Phật pháp được như thầy trong giới Phật học ngày nay ít lắm, mà chuyện năm xưa có quá nhiều điều không rõ ràng, đâu phải là vấn đề của mỗi bản thân thầy đâu ạ”.

Dường như cảm thấy những lời tôi nói là đúng, Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài khẽ gật đầu.

Xem ra, bốn anh em nhà họ Tôn dựa dẫm vào Đại sư Viên Thông nhiều hơn vào nhà sử học Chung Thư Đồng, tuy thế bậc cao tăng một lòng hướng Phật không màng tới thế sự bên ngoài năm xưa lại không giúp ích nhiều cho tôi như bác Chung Thư Đồng. Chuyện Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài kể với tôi chỉ càng làm cho kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn ngày ấy thêm phần kì bí, khó hiểu.

Rõ ràng, mục đích của họ không hề nhỏ, nếu không họ đã chẳng bỏ qua lời cảnh báo của Đại sư Viên Thông như thế. Ngẫm kĩ thì cũng đúng thôi, họ đã chi biết bao nhân lực vật lực cho kế hoạch ấy, xây nhà, di dân đi nơi khác, làm sao họ có thể từ bỏ chỉ vì một câu nói của Đại sư Viên Thông được, cùng lắm là họ phải chuẩn bị nhiều hơn, cảnh giác nhiều hơn.

Theo cảm nhận của Đại sư Viên Thông thì hình như mảnh đất dưới chân tôi ẩn giấu điều gì đó cổ quái?

Nghĩ miên man như thế, tôi đã đặt chân xuống tầng một từ lúc nào.

Chương 8

Tôi đứng trước cửa cầu thang cân nhắc một lúc, tuy đôi mắt đã quen với luồng ánh sáng ảm đạm của tầng một nhưng vẫn còn nhiều chỗ chưa nhìn rõ. Tôi đi khắp một lượt rồi xác định mục tiêu ở chỗ tối nhất, nơi tôi đã từng nghĩ đó là cửa ra vào của nhà bếp tập thể.

Tôi đi tới phía trước, quả nhiên có một cầu thang nhỏ dẫn xuống dưới. Bên dưới là một khoảng không gian đen đặc dù lúc này đang là ban ngày, chứng tỏ ở đó không có bất kể một khung cửa sổ nào để đón ánh sáng. Tôi quan sát xung quanh, ấn mấy cái công tắc, không thấy có phản ứng nên đành dò dẫm trong bóng tối, cẩn thận từng li từng tí.

Tôi từ từ mò xuống theo từng bậc thang, tới chân cầu thang thì thấy một cánh cửa.

Tôi gõ cửa. Không có động tĩnh. Tôi phát hiện cánh cửa chỉ khép hờ.

Tôi đẩy cánh cửa, bên trong có lẽ là một gian phòng ngầm. Ở đây vẫn tối đen như hũ nút.

Tôi đi vào bên trong, chưa được mười bước, bàn chân tôi đá phải vật gì đó mà âm thanh của nó vang rất to giữa không gian im phăng phắc của gian phòng ngầm, tiếp theo đó là một giọng khàn khàn từ phía sau vọng lại:

“Ai đấy?”

Tôi giật mình đánh thót, không để ý xem bàn chân vừa đá phải vật gì, bèn quay người về phía vừa phát ra giọng nói, chỗ đó có lẽ là một chiếc giường và người vừa lên tiếng đang nằm trên giường.

“Dạ thưa, bác Tiền phải không ạ? Xin lỗi bác, cháu là Na Đa, phóng viên của báo ‘Ngôi sao buổi sớm’, cháu mạo muội làm phiền bác vì muốn hỏi bác một số chuyện liên quan tới tòa nhà này”.

Gian phòng lặng như tờ.

Tôi chờ một lúc rồi cất tiếng hỏi: “Tiền lão tiên sinh?”

“Tiền… Tiền Lục?”

Một tiếng cười trầm đục vang lên.

Tôi cảm thấy rờn rợn, liệu ông ấy có điên thật không nhỉ?

“Anh là ai?”, ông lão Tiền Lục đột ngột hỏi sau khi dứt điệu cười.

Xem chừng phải cho ông lão uống một liều thuốc mạnh. Tôi trấn tĩnh lại, nói: “Đại sư Viên Thông nhờ cháu tới hỏi bác, bốn anh em nhà Tôn Diệu Tổ ở đó có khỏe không ạ? Đại sư Viên Thông muốn tới thăm họ”.

“Tôn… Tôn…”, giọng nói đó bỗng trở nên gấp gáp.

“Còn cả Tôn Hoài Tổ, Tôn Huy Tổ, Tôn Niệm Tổ nữa, mấy ngài ấy ở đó có khỏe không ạ?”, tôi tiếp tục nói. Nếu đầu óc của ông lão Tiền Lục trở nên mơ hồ thì chí ít những cái tên này cũng sẽ khơi dậy trí nhớ của ông lão.

“Đại gia, nhị gia…”

Tôi đã có thể khẳng định, ông lão đang nằm trên chiếc giường ở phía đối diện với tôi thần trí không rõ ràng.

Tôi khẽ khàng bước lên phía trước, hỏi lớn: “Mấy ngài ấy và lá cờ đó đã đi đâu?”

“Hây hây hây, đi rồi… đi rồi…, ha ha ha”.

Tôi lắc đầu. Bầu không khí ở đây quả thật rất quái dị. Trong lòng tôi đã vang lên “tiếng trống thu binh”, xem ra tôi không thể moi được thông tin nào từ lão già này rồi.

Lúc quay trở lại cửa phòng, tôi nghe thấy tiếng cọt kẹt vang lên trên giường. Tôi ngoái đầu lại nhìn, hình như ông lão Tiền Lục đã ngồi dậy.

“Anh đi đi, ở chỗ đó, đi đi”, đôi tay lão huơ huơ trong bóng tối, cả thân mình lờ mờ chuyển động.

“Đi đâu cơ ạ?”

“Ra quân chưa thắng thân tan trước – Mãi để anh hùng tay áo ướt[1]”, ông lão Tiền Lục đột nhiên khóc nấc lên, giọng nghẹn ngào.

[1] Nguyên văn: “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử – Trường thử anh hùng lệ mãn khâm”, cũng có thể dịch thành “Ra trận chưa thắng thân đã mất – Mãi để anh hùng lệ rơi đầy”.

“Anh đi đi, tới chỗ đó, đi đi”, cánh tay ông lão đung đưa một hồi rồi lão ngã vật xuống giường nín lặng.

Lúc ra khỏi tòa nhà ba tầng trung tâm, tôi mới thấy người ấm lên một chút.

“Ra quân chưa thắng thân tan trước – Mãi để anh hùng tay áo ướt”, câu thơ ấy là nỗi xót xa của ông lão Tiền Lục với bốn anh em nhà họ Tôn hay là do lão cảm khái bật ra khi nghe thấy câu hỏi của tôi?

Cứ cho là tôi đã gợi ý cho lão đi nữa thì câu thơ này vẫn vô cùng tối nghĩa. Hoặc cứ cho là ông lão Tiền Lục muốn gợi mở cho tôi thì trông bộ dạng của ông lão, lời gợi ý này rốt cuộc có liên quan gì đến câu trả lời cuối cùng? Không ai có thể giải thích tỏ tường được.

Trở về tòa soạn, tôi gọi điện cho anh chàng Triệu Duy ở Thư viện Thượng Hải, dặn anh ngày mai tôi tới thư viện tra tìm một ít tư liệu, tư liệu lần trước đơn giản quá, lần này tôi muốn tìm kiếm thêm nhiều tư liệu nữa, nhất là những tư liệu liên quan đến người xây dựng “khu ba tầng”.

Tôi nghĩ, bốn anh em nhà họ Tôn khoanh vùng phạm vi và xây bốn tòa nhà ba tầng ở bến Thượng Hải, quy mô hành động không hề nhỏ, chắc chắn họ phải có mối quan hệ bang giao với các cơ quan chính quyền. Lần đầu khi tra cứu tư liệu, tôi không ngờ “khu ba tầng” lại ẩn giấu nhiều bí mật sâu kín đến thế, nên ngay cả khi xem bức ảnh, tôi chỉ bàng hoàng đôi chút chứ trong lòng không hề nghĩ nó sẽ ngang tầm với những trải nghiệm của tôi trước đó. Lúc sau, khi bước vào phỏng vấn những người liên quan và điều tra sâu hơn, tôi mới ý thức được mình đang khám phá một bí mật to lớn đến nhường nào.

Nếu có thể tìm được tư liệu liên quan tới bốn anh em nhà họ Tôn thì tôi sẽ có thêm nhiều manh mối và nhiều cách tiếp cận để phân tích toàn bộ sự việc.

Hôm sau, khi tới Thư viện Thượng Hải, Triệu Duy dẫn tôi vào phòng làm việc của anh ta.

“Anh vào mạng nội bộ của chúng tôi tìm xem thế nào, nếu không tìm được thì để tôi nghĩ cách khác”.

“Sao lại ưu ái tôi thế?”, tôi tủm tỉm nhìn Triệu Duy mở mạng nội bộ, nhập mật mã và đăng nhập vào website nội bộ của Thư viện Thượng Hải.

Website nội bộ của Thư viện Thượng Hải là một dự án được bắt đầu thực hiện từ khá lâu, với mục đích đưa dữ liệu của hàng triệu cuốn sách mà thư viện lưu giữ vào trong máy tính và xây dựng một quy trình tìm kiếm để giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm. Dự án này bao quát cả một khối công việc đồ sộ, nên tuy người sử dụng đã có thể tìm thấy danh mục điện tử của những cuốn tiểu thuyết hay các tác phẩm đương đại, nhưng nếu muốn tìm kiếm nhiều hơn thì phải rà lần lượt và đối chiếu từng tí một. Bởi vậy, qua mấy năm thực hiện, tới tận bây giờ, dự án này vẫn chưa hoàn thành được non nửa. Ngay cả khi hoàn thiện dự án, trang mạng nội bộ của thư viện cũng không để mở hoàn toàn cho người sử dụng tra tìm dữ liệu, nói chi đến khi dự án chưa hoàn thành như bây giờ.

“Thực ra thì chúng tôi đã hoàn thành xong phần hệ thống từ lâu rồi, công việc bây giờ chỉ là nhập dữ liệu chi tiết vào thôi. Sách lịch sử, sách khoa học, địa chí các địa phương… được nhập trước nên bây giờ có thể tra cứu rồi”, Triệu Duy mở giao diện, đứng dậy nói với tôi.

Tôi vào danh mục tìm kiếm, gõ chữ “khu ba tầng”, cách một khoảng cách trống rồi gõ tiếp “anh em nhà họ Tôn”, ngẫm nghĩ một lúc, tôi sửa cụm từ “anh em nhà họ Tôn” thành “Tôn Diệu Tổ”.

Rồi nhấp chuột vào nút tìm kiếm.

Có bốn dòng thông tin liên quan tới “khu ba tầng”, liệt kê những cuốn sách ghi chép các công trình kiến trúc cũ, trong đó có cuốn “Những công trình kiến trúc cũ của Thượng Hải” tôi đã xem lần trước. Tôi nghĩ, nội dung của những cuốn sách này đều từa tựa nhau.

Không có dòng thông tin nào viết đồng thời về “khu ba tầng” và Tôn Diệu Tổ, nhưng có một dòng thông tin liên quan tới Tôn Diệu Tổ

Đó là cuốn “Sạp Bắc năm 1937”.

Trong sách ghi chỉ đúng nội dung: “Một người tên là Tôn Diệu Tổ đã thực hiện dự án lấp ao Khâu Gia để xây vườn hoa Sạp Bắc với danh nghĩa hỗ trợ chính quyền. Công trình này được khởi công vào tháng 2, tới tháng 9 thì hoàn thành”.

Sạp Bắc, năm 1937, tháng 2 khởi hành, tháng 9 hoàn thành, Tôn Diệu Tổ, từ thời gian và địa điểm ghi trong sách có thể xác định người này chính là người anh cả Tôn Diệu Tổ trong bốn anh em nhà họ Tôn.

Ngón tay của tôi lẹ làng lướt trên màn hình máy tính, nếu tôi đoán không nhầm thì cái ao Khâu Gia này cũng giống như bãi Triệu Gia, là một cái ao tù nên việc lấp ao xây vườn hoa quả là một nghĩa cử cao đẹp, tạo phúc cho những người dân xung quanh.

Nhưng vì bốn anh em nhà họ Tôn hành động kì quặc và bí ẩn nên tôi không thể nào tin rằng họ lại vô duyên cớ làm một việc công ích cho xã hội như thế.

Cái ao Khâu Gia này có mối quan hệ như thế nào với “khu ba tầng”?

Tôi gọi Triệu Duy, chỉ cho anh ta xem mẩu thông tin vừa rồi.

“Chính phủ Quốc dân thời đó liệu có văn bản ghi chép về những sự việc như thế này không nhỉ?”

Triệu Duy gật đầu: “Có lẽ sẽ có những văn bản như Biên bản ghi nhớ chẳng hạn”.

“Có cách nào tìm được văn bản ấy không?”

“Những văn bản như thế này hiện vẫn lưu trữ trong thư viện, có điều, thứ nhất là lượng tài liệu nhiều quá, tìm rất mất thời gian; thứ hai là…”, vẻ mặt Triệu Duy hơi khó coi một chút.

“Không sao đâu, cứ có văn bản để tra tìm là tốt rồi, để tôi đi tìm Âu Dương Hưng và nói với anh ấy một tiếng”.

Nếu mấy vị lãnh đạo biết được Triệu Duy trực tiếp đưa tôi đi tìm đọc những tài liệu đã được lập hồ sơ và niêm phong lưu trữ thì anh ta thật khó ăn khó nói. Tôi bèn gọi điện cho Âu Dương Hưng, phó giám đốc thư viện. Âu Dương Hưng là người thích xuất đầu lộ diện, anh ta thường tham gia những cuộc họp báo về việc đăng tải tin quan trọng, tôi đã chụp ảnh cùng anh ta mấy lần, cũng có thể coi là quen biết.

Việc tôi nhờ cũng không lớn lắm, Âu Dương Hưng vui vẻ gật đầu, bảo để Triệu Duy trực tiếp đưa tôi đi, nhưng dặn lại tôi chỉ được tra cứu, không được mượn về.

Chúng tôi mở cánh cửa lớn của khu nhà B là nơi lưu trữ các hồ sơ văn bản, một thứ mùi riêng có của đống giấy chất lâu ngày xộc thẳng vào mũi, khiến mũi tôi hơi ngưa ngứa.

Triệu Duy dẫn tôi đến tủ sách ở hàng số 5, chỉ vào một tủ sách sắt phía trước mặt tôi nói: “Ở trong này đấy. Nhưng anh phải tự tìm nhé, tôi còn cả núi việc phải giải quyết, mà anh nhớ đừng làm lộn xộn nhé, lấy ở đâu thì cất lại vào chỗ đó hộ tôi”.

“Tất nhiên rồi”, ngoài miệng tôi tới tấp đồng ý mà trong lòng thì âm thầm kêu khổ, một đống sách lớn như vậy, biết tìm đến bao giờ!

Hai tiếng sau, tôi bước chân ra khỏi Thư viện Thượng Hải, tới siêu thị Lawson ngay bên cạnh mua hai hộp cơm ăn cho qua bữa. Sau đó, tôi tìm một salon tóc để vào gội đầu, mấy ngày chưa gội, lại hì hụi lật giở đống tài liệu của thế kỉ 20 lúc ban sáng, khiến người tôi dính đầy bụi bặm, đầu tóc ngứa ngáy khó chịu.

Bàn tay của anh thợ gội đầu tác động một lực rất vừa phải lên da đầu làm tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu, những việc nhỏ nhặt như thế này lại khiến người ta thấy sảng khoái, thật tuyệt vời biết bao!

Sau khi xả nước và lau khô tóc, anh thợ gội đầu bắt đầu mát xa. Tôi bảo anh nên chú ý mát xa phần vai và cổ, dùng lực thật mạnh vì những người phải làm việc lâu với máy tính như tôi, tuy còn trẻ nhưng đốt sống cổ đã bắt đầu trục trặc rồi.

Anh thợ gội ấn mạnh đến mức tôi phải nghiến răng nghiến lợi, nhưng lại cảm thấy rất đã. Phần vai được thư giãn nhiều, đầu óc lại bắt đầu vận động, những thông tin có được lúc ban sáng giúp tôi quay ngược thời gian, mơ hồ cảm nhận được kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa.

Buổi chiều tôi nhận được nhiệm vụ của tòa soạn. Độc giả gọi điện tới đường dây nóng phản ánh bà lão nhà bên suốt ngày nhặt đồ thiu thối mang về nhà khiến cả một tầng lầu bốc mùi nồng nặc. Phần lớn thời gian của những phóng viên cơ động là dành để tìm hiểu và đưa tin về những vấn đề mà độc giả phản ánh tới đường dây nóng. Những lúc không có nhiệm vụ quan trọng, ngay cả một phóng viên gạo cội như tôi cũng bị xoay như chong chóng bởi những cuộc điện thoại do nhân viên trực tổng đài đường dây nóng thông báo, giống hệt như mấy cô cậu phóng viên tẹp nhẹp mới chân ướt chân ráo về tòa soạn.

Phỏng vấn xong tôi về tòa soạn viết bài. Buổi tối tôi ăn luôn ở tòa soạn. Mỗi phóng viên đều có trong tay dăm ba số điện thoại mua hàng bên ngoài ở những cửa hàng gần tòa soạn, lâu dần mọi người giao lưu với nhau để cho giản tiện, bớt rườm rà phức tạp, những đồ còn lại đều là hàng chất lượng. Hôm nay tôi gọi món sủi cảo Đông Bắc, vỏ mỏng nhân thơm.

Về tới nhà đã gần 9 giờ tối, tôi bật máy tính vào mạng như thường lệ. Thời gian trôi vèo trong khi tôi chat trên MSN và xem Đông Du Ký. 10 giờ, tôi bật truyền hình vệ tinh, nó giúp tôi xem được nhiều chương trình truyền hình của Đài Loan. Từ 10 giờ đến 11 giờ mỗi tối, tôi đều phải xem chương trình “Khang Hy đến” của đài truyền hình tổng hợp Trung Thiên, hai MC là tiểu S và Thái Khang Vĩnh phối hợp rất ăn ý với nhau, kẻ tung người hứng. Những kênh truyền hình của Trung Quốc đại lục không có chương trình trò chuyện nào thú vị như vậy, cả ngàn chương trình đều rập khuôn giống nhau, càng xem càng nhảm.

11 giờ, tôi tắt ti vi và máy tính, ngồi trước bàn viết, giơ cuốn Sổ tay công tác ra.

Cuốn sổ kẻ ô vuông từ bao năm rồi vẫn chẳng đổi thay này tôi nhận từ phòng hành chính của tòa soạn. Hàng tháng, mỗi phóng viên đều được cấp phát một cuốn sổ. Nhiều phóng viên không tới phòng hành chính nhận sổ, vì kiểu sổ này thời nay trông quê kệch và xấu xí, khi phỏng vấn lấy ra ghi chép rất mất mỹ quan, mà nó lại nhỏ quá. Phóng viên chúng tôi thích dùng sổ to, không phải lật giở nhiều, đỡ ảnh hưởng tới tốc độ viết.

Tôi nhận cuốn Sổ tay công tác này không phải để ghi chép khi phỏng vấn mà để ghi vào cuốn sổ tay nho nhỏ rất đỗi tầm thường đó những sự việc không tầm thường.

Cũng giống như học trò viết nhật ký hàng ngày, chỉ cần điều kiện cho phép, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều ghi lại vắn tắt những sự việc liên quan xảy ra trong ngày. Tôi làm như thế có hai mục đích, một là để làm cho đầu óc tỉnh táo, giúp tôi lần tìm manh mối, tiếp cận chân tướng sự việc; hai là để làm cơ sở cho cuốn “Bút ký Na Đa” mà từ nay về sau tôi sẽ chính thức viết.

“Thứ ba, ngày 15 tháng 6 năm 2004,

Tìm được thông tin về bốn anh em nhà họ Tôn lấp ao Khâu Gia xây dựng công trình vườn hoa Sạp Bắc.

Tìm thấy Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa bốn anh em nhà họ Tôn với chính quyền địa phương.

Biên bản ghi nhớ nêu rõ, bốn anh em nhà họ Tôn giúp chính quyền xây dựng công trình này vô điều kiện. Lấy danh nghĩa là đào hầm trú ẩn dưới nền nhà, phần đất thừa dùng để lấp ao Khâu Gia.

Với chính quyền, đó là cái cớ để người thiện làm việc thiện, không cần phải truy cứu”.

Tôi dùng bút gạch hai gạch dưới cụm từ “hầm trú ẩn”.

Hầm trú ẩn ư? Lấy đâu ra hầm trú ẩn? Nếu có hầm trú ẩn thật sự thì tại sao khi quân Nhật ném bom, người ta không trốn dưới đó?

Câu trả lời rất đơn giản. Bốn anh em nhà họ Tôn đào thứ gì đó dưới nền đất của “khu ba tầng”. Có thể họ đào đường hầm nhưng tuyệt đối không phải là hầm trú ẩn. Hầm trú ẩn có những tiêu chuẩn riêng, sức chống đỡ của mỗi một cen ti mét vuông đều có yêu cầu tương ứng, không phải người ta cứ tùy tiện đào một cái hầm thì được gọi là hầm trú ẩn. Bởi vậy, khi quân Nhật ném bom, bốn anh em nhà họ Tôn mới lo lắng đến thế, họ sợ công trình họ đang thực hiện dưới mặt đất kia sẽ bị ảnh hưởng bởi trận bom. Lúc ấy, họ đang cách thành công rất gần, rất gần rồi.

Tôi liên tưởng tới lời kể của bác Chung Thư Đồng. Tôi đã biết thứ mà bác nhìn thấy nhưng không rõ cụ thể là vật gì trong sớm tháng năm năm ấy. Thứ người ta chất lên xe đẩy rồi đẩy ra khỏi khu nhà chính là đất được đào lên từ dưới nền nhà. Đám công nhân đào đất vào buổi tối và vận chuyển tới cái ao Khâu Gia cách đó không xa, đổ xuống để lấp ao để xây vườn hoa.

Có cái ao Khâu Gia làm lá chắn, lượng đất khổng lồ đào lên từ dưới nền nhà sẽ có điểm đến hợp pháp. Nếu tôi đoán đúng thì lượng đất đào lên từ dưới nền nhà “khu ba tầng” lớn hơn gấp nhiều lần lượng đất người ta đào lên khi làm hầm trú ẩn. Giả sử không có cái ao Khâu Gia làm lá chắn, sớm muộn người ta cũng thấy hành động của bốn anh em họ Tôn thật kì lạ.

Vừa là một việc làm công ích vừa có thể che đậy vết chân ngựa to lớn.

Kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn thật chu đáo và tỉ mỉ vô cùng.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm thế nào để đặt chân vào công trình ngầm dưới đất ấy?

Bác Chung Thư Đồng và bác Tô Miễn Tài đều không biết lối vào, không biết lão Trương Khinh gàn dở, người luôn không chịu phối hợp với tôi có biết không nhỉ?

Dù thế nào đi nữa thì ông lão Tiền Lục chắc chắn phải biết.

Lòng tôi bất giác rung động, tôi bèn viết một câu vào trong cuốn sổ.

“Ra quân chưa thắng thân tan trước – Mãi để anh hùng tay áo ướt”.

Trong câu thơ mà ông lão Tiền Lục đọc lên cho tôi nghe ấy, liệu có ẩn giấu bí mật về lối vào đường hầm dưới lòng đất kia hay không?

Hay là bốn anh em nhà họ Tôn sau khi tiến vào đường hầm rồi thì vĩnh viễn không bao giờ trở ra nữa, tất cả bọn họ, đều ở đó!

“Khu ba tầng” rốt cuộc cất giấu bí mật gì dưới lòng đất của nó?

Khi tôi tỉnh dậy, trời đã trưa.

Tôi có thói quen để mình thức dậy tự nhiên, nhưng hiếm khi chào ngày mới vào lúc gần 12 giờ trưa như hôm nay. Phải khó khăn lắm tôi mới mở mắt ra được vì cảm thấy đầu óc nặng trĩu.

Có một thứ mùi là lạ vấn vít trong không khí. Tôi bật điều hòa cả đêm, tuy thế nó không phải là nguyên nhân gây ra thứ mùi lạ này.

Tôi cố gắng ngồi nhỏm dậy trên giường và đột nhiên thấy mình hít phải một luồn hơi lạnh.

Có người đã tới đây!

Căn phòng bị lật tung, ngăn kéo và tủ sách để mở. Tôi quay đầu nhìn về phía giường, chiếc túi của tôi cũng bị lục lọi.

Có trộm vào nhà, một việc tày trời như thế, tại sao tôi không hề có chút phản ứng nào nhỉ?

Chắc chắn là do tác dụng ma quái của thứ mùi đó, có lẽ nó là một thứ gì đó giống như thuốc gây mê.

Tôi mở toang cửa sổ để thứ mùi dị thường đó mau chóng bay hết ra ngoài.

Rồi tôi chạy tới mấy gian phòng xem xét suốt một lượt. Tình trạng của các gian phòng gần giống nhau, những chỗ có thể cất đồ đều bị lật tung. Tôi kiểm tra cửa ra vào, không có dấu vết của một sự tấn công mạnh bạo, thời buổi ngày nay thật hiếm có gã trộm nào cao tay như thế.

Chương 9

Cũng may là tôi không để tiền trong nhà, tất cả đều gửi vào thẻ tín dụng, mật mã không phải là ngày sinh nên dù kẻ trộm có lấy được chứng minh thư của tôi đi nữa cũng không thể làm gì, nhưng cũng phải nhanh chóng trình báo mất giấy tờ. Đầu tôi ong ong như phát điên khi nghĩ tới một mớ việc phiền toái sau này.

Trước khi báo cảnh sát, tôi phải kiểm tra xem mất bao nhiêu đồ đạc.

Ít nhất thì tôi cũng mất tiền và thẻ tín dụng để trong chiếc ví da, mong là cái gã chôm chỉa kia không cuỗm mất chứng minh thư và thẻ bảo hiểm xã hội của tôi.

Tôi lấy ví ra khỏi túi, mở ra nhìn và bỗng sửng sốt.

Các loại thẻ tín dụng vẫn còn nguyên trong ví. Số tiền hơn một nghìn tệ không mất đi đồng nào.

Sau khi kiểm tra tất cả đồ đạc, tôi đẩy ngăn kéo và túi sách về chỗ cũ, tự tay hủy hiện trường. Vì tôi không hề bị thiệt hại về tài chính.

Tuy thế, tôi không thể vui lên được bởi vì tôi đã mất một thứ.

Cuốn Sổ tay công tác tôi để trên bàn viết trước khi đi ngủ đã không cánh mà bay.

Hôm qua, tôi đã tự tay tắt chiếc điện thoại di động thế mà hôm nay nó lại bị mở, gã trộm chắc chắn đã kiểm tra nhật ký điện thoại và tin nhắn của tôi.

Máy tính cũng bị gã bật lên và sử dụng, dù gã đã tắt máy khi dùng xong nhưng công tắc ổ điện cắm dây nguồn thì hắn quên không tắt.

Thì ra những kẻ quan tâm tới “khu ba tầng” không chỉ có một mình tôi.

Lần đột nhập này có thể coi là một hành động thị uy của hắn với tôi không? Hay là tôi nắm giữ bí mật mà kẻ đột nhập không biết? Trong điện thoại di động và máy tính không có một thông tin nào hữu ích cả, nhưng trong cuốn Sổ tay công tác thì lại khác, tôi đã ghi vào đó những trải nghiệm của tôi kể từ khi sự việc bắt đầu xảy ra cho tới hôm qua và cả những suy đoán của bản thân nữa.

Tôi không bị người ta trực tiếp uy hiếp hay làm hại, điều đó chứng tỏ kẻ đột nhập nhà tôi không phải là người từng tham gia vào câu chuyện năm xưa, mà gã cũng chỉ là một người muốn biết chân tướng sự việc giống như tôi.

Xem chừng mình phải đề cao cảnh giác rồi, tôi tự nhủ. Vốn dĩ, tôi cứ nghĩ, chỉ một mình tôi đơn thương độc mã trên hành trình khám phá sự thật, không ngờ vẫn còn có kẻ song hành với mình trong bóng tối.

Tôi tin là nếu tiếp tục theo dõi thì tất có một ngày tôi sẽ gặp kẻ song hành đó.

Tôi quyết tâm đẩy nhanh tốc độ, nên vội gọi điện cho trưởng phòng xin nghỉ ngày hôm nay với lý do nhà bị trộm. Thời điểm hiện tại tòa soạn không có cuộc phỏng vấn nào quan trọng, vì thế xin nghỉ khá dễ.

Tôi định tới vườn hoa Sạp Bắc tìm kiếm manh mối, không biết bây giờ nó có còn tồn tại không.

Chắc chắn vườn hoa Sạp Bắc nằm trong quận Sạp Bắc và cách “khu ba tầng” không xa lắm. Tôi gọi một chiếc taxi, đi được nửa đường, tôi bảo anh lái xe đổi hướng, tôi muốn tới Thư viện Thượng Hải thêm lần nữa.

Quả nhiên, tôi đã tìm thấy vị trí của vườn hoa Sạp Bắc trên tấm bản đồ Thượng Hải năm 1935.

Tuy trên tấm bản đồ không chú thích rõ là “ao Khâu Gia” nhưng vị trí của nó ở ngay gần “khu ba tầng”. Tôi lấy tấm bản đồ hiện tại ra so sánh, phát hiện thấy vườn hoa Sạp Bắc chính là Công viên Giao thông ngày nay. Diện tích của Công viên Giao thông lớn hơn diện tích của ao Khâu Gia một chút.

Tôi tự đi bộ từ “khu ba tầng” tới Công viên Giao thông. Tôi định tới thăm ông lão Tiền Lục trước với hi vọng có thể dò được chút tin tức nào đó, không ngờ cánh cửa trước gian phòng ngầm đã bị khóa chặt.

Ông lão Tiền Lục đã về cõi tiên.

Hôm qua, lúc đến gõ cửa gian phòng ngầm, nhân viên thu tiền nước của Tổ dân phố phát hiện ông lão Tiền Lục đã chết trên giường. Ông lão tử vong trước đó vì bệnh tim. Tôi không thể ngăn nổi suy đoán trong lòng mình, không biết cuộc thăm viếng của tôi ngày hôm kia có phải là nguyên nhân khiến bệnh tim của ông lão bột phát hay không. Có điều, ông lão đã ngót tám mươi tuổi, lại thêm cả ngày chỉ quanh quẩn trong gian phòng âm u tối tăm, ít khi ra ngoài hoạt động nên cơ thể vốn rất yếu.

Ông lão Tiền Lục sống lẻ loi một mình, đơn vị công tác trước đây đã bị phá sản, vì thế người dân trong phố góp tiền lo hậu sự cho ông lão. Khi ông lão Tiền Lục còn sống, gian phòng ngầm luôn để ngỏ cửa, giờ ông lão đã sang thế giới bên kia, gian phòng liền bị khóa cửa im ỉm.

Từ “khu ba tầng” tới vườn Công viên Giao thông chỉ mất chừng mười lăm phút.

Tôi ước chừng Công viên giao thông cách “khu ba tầng” khoảng một cây số. Ở đây không phải mua vé vào cửa. Tôi đi qua công trình phá tường trồng cây xanh của thành phố Thượng Hải, trước mắt tôi hiện ra một khu đất xanh công cộng. Công viên không có nhiều người. Mặt trời đã lên rất cao, các cụ già tới công viên tập thể dục buổi sáng đa phần đã về nhà.

Tôi tìm tới phòng quản lý công viên. Phòng bật điều hòa, người nhân viên quản lý tuổi ngoài ngũ tuần đang vừa uống trà vừa đọc báo.

Đúng như tôi nghĩ, sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, người ta xây dựng Công viên Giao thông trên cơ sở mở rộng từ vườn hoa Sạp Bắc ngày trước.

“Anh cứ đi thẳng về phía trước sau đó rẽ trái, đi thẳng, tới khi trông thấy một tượng đài bằng đá là nó đấy”, nhân viên quản lý giơ tay về phía khung cửa sổ ngăn cách chỉ cho tôi đường tới vườn hoa Sạp Bắc ngày trước.

Vườn hoa Sạp Bắc ngày trước được hợp nhất với công trình xanh được xây dựng mở rộng sau này, cây xanh được cắt tỉa theo cùng một kiểu, bởi thế giữa vườn hoa Sạp Bắc và Công viên Giao thông không có quá nhiều điểm khác biệt, chỉ có một thứ duy nhất làm tôi thấy u uẩn trong lòng, ấy là tượng đài bằng đá trong vườn hoa Sạp Bắc.

Tượng đài này chạm khắc hình ảnh của một cổ nhân, ngẩng cao đầu, và đứng ngạo nghễ trên bệ tượng, cánh tay phải giơ thẳng, chỉ về phía xa xăm, sống mũi cao và đôi mắt sâu nổi bật trên gương mặt. Hình hài của con người ấy không giống với người phương Đông.

Có lẽ tượng đài này đã sừng sững ở đây từ ngày xưa, khi mới xây dựng vườn hoa Sạp Bắc, nhưng để tưởng nhớ nhân vật nào?

Tôi tiến lại gần, khom lưng, quan sát kĩ những nét chữ khắc trên bệ tượng:

“Tôn Quyền[2], tự Trọng Mưu…”

[2] Tôn Quyền (182-252), tức Ngô Thải Tổ hay Ngô Đại Đế, tên tự là Trọng Mưu, người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phủ Dương, Chiết Giang), là vị vua đầu tiên của nước Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Tại sao tượng đài Tôn Quyền lại được đặt ở chốn này?

Nếu tượng đài này tạc bốn anh em nhà họ Tôn…

Thình lình, một ý nghĩ khẽ lướt qua đầu óc tôi.

Trong sử sách có miêu tả về tướng mạo của Tôn Quyền, râu tía mắt biếc, bốn anh em nhà họ Tôn khi vừa tới quận Sạp Bắc người ta cứ lầm tưởng là người nước ngoài…

Lẽ nào bốn anh em nhà họ Tôn lại là hậu duệ của Tôn Quyền?

Nếu thế, lòng đất dưới nền “khu ba tầng” hẳn nhiên cất giấu vật liên quan tới Ngô chủ Tôn Quyền của hơn hai nghìn năm về trước?

Là mộ Tôn Quyền? Bốn anh em nhà họ Tôn muốn vào mộ Tôn Quyền, phải thế hay không? Mộ Tôn Quyền nằm dưới “khu ba tầng” ư?

Ý nghĩ ấy quẩn quanh trong đầu tôi một lúc rồi lại bị chính tôi phủ định ngay tức khắc, đám con cháu làm sao dám trộm mộ của tổ tông mình cơ chứ? Nếu họ cả gan làm chuyện đại nghịch bất đạo như thế thì không thể đúc tượng để tưởng nhớ tổ tiên ở vườn hoa Sạp Bắc được.

Vậy câu thơ “Ra quân chưa thắng thân tan trước – Mãi để anh hùng tay áo ướt” mà ông lão Tiền Lục cảm khái đọc lên vốn dĩ để gợi nhớ Khổng Minh Gia Cát Lượng[3], liệu có ám chỉ tượng đài này hay không?

[3] Khổng Minh Gia Cát Lượng (181-234), hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là một vị quân sư và đại thần của nước Tây Thục thời Tam Quốc. Ông đồng thời là một vị chính trị gia, nhà quân sự, học giả và nhà phát minh kĩ thuật.

Nói thế hơi miễn cưỡng vì nước Ngô của Tôn Quyền tuy cuối cùng vẫn bị diệt vong, nhưng Tôn Quyền sống khá thọ, đâu đến nỗi phải dùng câu “Ra quân chưa thắng thân tan trước” để hình dung.

Tôi ngắm nghía tượng đài Tôn Quyền rồi quay đầu bước đi theo cánh tay người quản lý công viên chỉ.

Theo hướng đó thẳng về phía trước khoảng ba mươi mét là một cây to.

Cây long não này hai vòng tay người ôm không xuể, dễ có đến vài trăm năm tuổi rồi. Tại sao nó lại được trồng ở đây nhỉ? Hơn một trăm năm trước, nơi này vẫn là một cái ao tù, cái cây đại thụ này chắc chắn là do người ta sau này bứng đến.

Tôi bước đến trước cái cây, ngẩng đầu nhìn lên, ở chỗ cách mặt đất chừng ba mươi mét có một hốc cây lớn. Không biết khoảng bao nhiêu năm về trước cái cây này đã từng bị sâu đục, nhưng nó vẫn kiên cường vươn mình giữ lấy sự sống.

Hốc cây vừa đủ để một người trèo vào. Tôn Quyền chỉ tay về phía này, lẽ nào ông ta muốn ngầm bảo, bên dưới gốc cây là một con đường có thể thông tới lòng đất “khu ba tầng” cách đó hơn một cây số?

Tôi nhìn xung quanh, không có ai cả. Tôi đang ngẫm nghỉ xem nên bấu vào đâu để trèo lên, chui vào hốc cây quan sát thử thì bỗng nghe thấy đám lá trên đầu kêu xào xạo, một người thò đầu ra khỏi hốc cây.

Gã thanh niên khoảng hai mươi tuổi, mặt mày xanh xám, trán lấm tấm lá cây khô. Gã nhổ phì đám mùn vụn trong miệng. Trông bộ dạng của gã thì hình như gã đang cáu tiết. Lúc này, tôi và gã bốn mắt nhìn nhau, cả hai cùng sững sờ.

Gã chần chừ một lúc rồi nhoài người ra khỏi hốc cây, bàn tay bám chặt trên cành cây, hắn đu người, nhảy xuống đất rất lẹ làng.

“Anh…”, gặp gỡ trong hoàn cảnh này khiến người trong cuộc có phần hơi lúng túng, nếu tôi đoán không nhầm thì…

“Đầu không đau nữa chứ hả? Cái thứ đồ chơi đó tuy không có tác dụng phụ nhưng vẫn làm đầu óc người ta choáng váng khá lâu sau khi thức dậy đấy!”. Gã thanh niên gạt lá cây vương trên mặt, chìa tay về phía tôi, “Chào anh, tôi là Vệ Tiên”.

Tôi chìa tay ra bắt tay gã, lòng thầm kinh ngạc về mức độ thẳng thắn của cái gã chôm chỉa này, có điều người ta đã nói như thế thì mình cũng phải tỏ ra khí khái một chút: “Tôi là Na Đa, chắc anh biết rồi!”.

“Nhưng tại sao anh lại thẳng thắn thừa nhận như thế?” Tôi nhếch miệng cười hỏi dù trong lòng có chút bực dọc. Tôi thấy mình hơi bị động nên đành cố làm ra vẻ nắm chắc mọi thứ, không muốn để gã ăn trộm chiếm thế thượng phong.

“Tôi không thừa nhận thì anh cũng đoán ra thôi. Tôi vốn nên nói mà. Anh tìm ra nơi này nhanh như thế xem ra cũng đủ trình để cùng chiến tuyến với tôi đấy”.

Tôi hừ một tiếng, không thèm đáp lời.

“Song trên thực tế…”, Vệ Tiên bẻ một cành cây, “ở đây chẳng có gì cả, chỉ là một hốc cây không sâu lắm, hai ta đã đi nhầm hướng rồi. Nói ra thì cũng là do cuốn sổ của anh dẫn tôi đi sai đường đấy. Muốn tìm ra lối vào mộ, tôi nghĩ hai ta phải thành thực hợp tác với nhau, như thế sẽ tốt hơn”. Vừa nói hắn vừa rút ra cuốn sổ đã chôm của tôi, “mượn xem một lúc giờ trả nó lại cho chủ cũ”.

“Không có gì ư?” Rốt cuộc tôi cũng không thể giả đò trấn tĩnh thêm được nữa. Gương mặt tôi lộ rõ vẻ sửng sốt.

Chương 10

Tượng đài chỉ là tượng đài, hướng ngón tay chỉ không nói lên điều gì đặc biệt. Cái cây cổ thụ đó đích thực là được Sở cây xanh thành phố Thượng Hải bứng từ nơi khác đến trồng ở đây từ ba năm trước để phục vụ công trình xây dựng Tòa thị chính thành phố. Nó hoàn toàn không có bất cứ mối liên hệ nào với anh em nhà họ Tôn.

Vệ Tiên sống trong khách sạn Hilton. Mối nghi hoặc của tôi về thực lực kinh tế của gã biến mất khi gã thẳng thắn thừa nhận nghề nghiệp của mình.

Bởi thế, tôi bắt buộc phải đính chính lại sai lầm của mình, gã không phải là một tên tiểu tặc mà là một kẻ đại tắc.

“Tôi là người chứng kiến lịch sử”, Vệ Tiên vừa nói vừa thong thả rót cho tôi một chén trà. Anh ta dùng loại ấm trà mỏ hạc tráng men bạc, và loại chén hoa cúc bằng bạc mạ vàng, toát lên vẻ cổ đại, mà trên thực tế thì chúng đúng là những cổ vật cực kỳ giá trị.

“Lần trước tôi tới Từ Châu, thấy sườn núi ở đó bị những chiếc xẻng Lạc Dương[1] đào xới thành những tổ ong, bọn anh chứng kiến lịch sử theo cách đó à?”, tôi cười gằn.

[1] Xẻng Lạc Dương: một loại dụng cụ đào mộ do một người trộm mộ ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc phát minh ra cách đây hơn 100 năm. Là một ống có tiết diện hình bán nguyệt, dài khoảng 20cm-40cm, đường kính 5cm-20cm, khi dùng cắm một cán gỗ sắc vào, có thể đào sâu xuống đất hơn mười mét, sau đó dựa vào kết cấu, màu sắc, các hợp chất của đất đào lên để phán đoán bên dưới có mộ cổ hay không.

“Hây, không cần phải hằn học với tôi như thế chứ hả? Đã quyết định hợp tác với nhau rồi thì đừng nên ghi thù nhớ hận nữa”, Vệ Tiên tươi cười nói.

Không ai giơ tay đánh người mỉm cười, Vệ Tiên đã tỏ rõ thành ý hợp tác như thế, tôi cũng không nên quá đáng quá.

“Anh là phóng viên, có điều mấy kẻ bức tử công nương Diana của nước Anh, có thể gọi là phóng viên hay không? Làm nhà văn nghe có vẻ cao quý lắm, nhưng những kẻ viết mấy thứ tiểu thuyết tình ái dung tục, có thể coi là nhà văn hay không? Mỗi lĩnh vực đều có người cao kẻ thấp, vì thế anh đừng có đánh đồng những người chứng kiến lịch sử như tôi với mấy gã trộm mộ nơi sơn dã, mấy gã đó chỉ biết phá hoại thôi, ngoài ra chẳng hiểu gì hết.”

“Về bản chất thì cũng có gì khác nhau đâu, phóng viên thì phải phỏng vấn, nhà văn thì phải viết văn, còn bọn anh thì phải chôm chỉa những thứ đáng tiền nhất trong mộ của người ta”, gã đụng chạm tới nghề nghiệp của tôi thì tôi không thể không phản bác và chế giễu hắn một cách sâu cay được.

“Ha ha, bản chất của phóng viên là phỏng vấn, bản chất của nhà văn là viết văn ư? Một cách nói tuyệt hay đấy, nhưng anh có thực sự nghĩ như thế?”, Vệ Tiên cười rất sảng khoái.

Tôi thấy lời mình vừa nói có phần ngô nghê, lúc này nếu cố tiếp tục tranh luận chỉ càng thêm ngu muội nên tôi lặng thinh, trong lòng không thể không thừa nhận rằng, trình độ của Vệ Tiên vượt hơn những gì tôi nghĩ nhiều.

“Nói chúng tôi chôm chỉa những thứ đáng tiền nhất trong mộ của người ta không phải là cách nói hợp lý nhất đâu anh bạn, trên thực tế, chúng tôi lấy ra những thứ giá trị nhất từ trong lòng đất. Để làm được những điều ấy, cần phải có sự tu dưỡng chuyên môn đấy, tay nghề không phải cao tay ở mức thông thường đâu.”

“Được rồi, được rồi, anh đừng tự thổi phồng bản thân nữa, chắc anh đã chú ý đến tôi từ bài viết của tôi đăng trên báo ‘Ngôi sao buổi sớm’ chứ gì, nhưng làm sao anh biết ‘khu ba tầng’?”

“Gia tộc chúng tôi là một gia tộc lớn, đa phần những người trong dòng họ đều… theo nghề này. Ở đời ông nội tôi có một người xuất chúng. Ông ấy được trời phú một trực giác đặc biệt đối với thế giới ngầm dưới lòng đất và nhờ nó mà ông ấy đã tìm kiếm thành công nhiều ngôi mộ trong truyền thuyết, phần lớn trong số đó vốn dĩ chỉ được ghi chép trong các điển tích. Tìm thấy những ngôi mộ như thế đã khó, mà sống được để trở lại với thế giới bên ngoài lại càng là một kỳ tích. Vậy nhưng ông ấy đã thành công liên tiếp, tiếng tăm vang dội, một thời không có đối thủ”. Ánh mắt của Vệ Tiên bừng lên vẻ ngưỡng mộ thần thánh, rõ ràng là gã vô cùng sùng bái nhân vật truyền kì này.

“Vua trộm mộ đệ nhất thiên hạ ư?”, tôi hỏi.

Vệ Tiên gật đầu: “Năm xưa Vệ Bất Hồi quả xứng đáng với danh hiệu này, nhưng một ngày kia, ông ấy đi trộm một ngôi mộ cổ và từ đó không bao giờ trở về nữa, đúng như cái tên của ông ấy.”

“Khu ba tầng?!”, tôi buột miệng thốt ra.

Vệ Tiên không trả lời câu hỏi của tôi mà tiếp tục tự lẩm bẩm một mình. “Khi đó bạn bè của ông ấy hoàn toàn không biết ông ấy đi đâu, chỉ biết ông ấy đã bắt đầu tìm kiếm ngôi mộ cổ này từ trước đó rất lâu, trước cả khi ông ấy có được những thành công vang dội, điều đó đủ chứng tỏ, ngôi mộ cổ này bí mật và quan trọng đến mức nào. Ông ấy ưa hành động một mình, vì thế tất thảy bạn bè ông ấy không ai rõ tình hình cụ thể về ngôi mộ cổ này, chỉ biết dường như ông ấy có được bước tiến quan trọng trong một thời gian ngắn nên bắt tay vào hành động và từ đó không bao giờ trở về nữa. Kể từ ngày ấy, biết bao người cũng muốn tìm kiếm ngôi mộ cổ đó, bởi lẽ ai tìm thấy nó người ấy sẽ trở thành đệ nhất thiên hạ.”

Đôi mắt của Vệ Tiên chừng như long lanh hơn khi nhắc đến bốn chữ “đệ nhất thiên hạ”.

Đệ nhất thiên hạ, cái danh hiệu chí tôn này luôn tiềm tàng sức hấp dẫn khó cưỡng.

“Đệ nhất thiên hạ, nó thật sự quan trọng đến thế à?”, tôi hỏi.

Vệ Tiên trầm mặc giây lát rồi cất tiếng: “Tôi có một cậu em cực kì xuất sắc.”

“Vệ Hậu à?”, tôi buột miệng.

Vệ Tiên mỉm cười: “Đúng thế, nó tên là Vệ Hậu, đứa chui ra trước tên là Vệ Tiên, đứa chui ra sau tên là là Vệ Hậu, may mà không có đứa thứ ba, nếu không thì phiền toái ra trò đấy”, lúc này, gương mặt gã đã trở lại vẻ tươi cười lúc trước.

“Thực ra, không phải tôi muốn tranh giành gì với cậu em tôi đâu, có điều ngôi mộ huyền thoại đó mê hoặc người ta quá, không người nào làm trong nghề của chúng tôi không coi đó là mục tiêu cao nhất của mình”.

“Điều này thì tôi hiểu. Phóng viên chúng tôi cũng thế, khi đã đam mê với nghề thì sẽ có những thứ dù biết là chí mạng nhưng vẫn không thể cưỡng nổi”, vào giây phút này, tôi bắt đầu thực sự thấy có thiện cảm với người thanh niên trước mặt.

“Là cháu ông ấy, tôi vẫn có ưu thế hơn kẻ khác, chính là mảnh giấy này đây”, Vệ Tiên rút từ trong túi ra một mảnh giấy trải ra trước mặt.

Mảnh giấy là bản phô tô của một bức họa đồ.

“Tôi vốn cứ nghĩ đây là một tấm bản đồ nên đã mất khá nhiều công sức, thời gian đối chiếu với bản đồ của từng thành phố, huyện thị của Trung Quốc và cả của các nước lân bang, tất cả đều không khớp”.

Tôi quan sát tỉ mỉ bức họa đồ. Nó là hai hình vẽ không theo quy tắc, lồng ghép vào nhau. Hình vẽ bên trong nhỏ tí xíu, nằm ngay sát rìa hình vẽ to bên ngoài. Trí não tôi hiện lên những tấm bản đồ còn in trong trí nhớ rồi chúng tan đi rất nhanh, vì Vệ Tiên đã lấy bản đồ thực ra so sánh mà không tìm thấy nó thì tôi có cố nhớ cũng chẳng ích gì. Nếu nó thực sự là một tấm bản đồ thì tại sao trông nó lại lạ đến thế?

“Gần đây tôi mới biết nó chính là bản đồ Thượng Hải”, Vệ Tiên mỉm cười.

“Thượng Hải á?”, tôi chau mày quan sát lại lần nữa, “tại sao lại là Thượng Hải được nhỉ?”

“Nói chính xác hơn thì nó là quận Cối Kê[2]”.

[2] Quận Cối Kê: một địa danh cũ của Trung Quốc, do Tần Thủy Hoàng lập ra năm 223 TCN, là khu vực Giang Chiết lấy Tô Châu của Giang Tô làm trung tâm và một bộ phận của Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay.

“Quận Cối Kê à? Là quận Cối Kê thời Tam Quốc?”, tôi từng chơi game Tam Quốc nhiều lần nên biết đại quân này.

“Năm 223 trước Công nguyên, sau khi nước Tần[3]tiêu diệt nước Sở[4] đã lập ra quận Cối Kê, gồm phần lớn diện tích của Thượng Hải và Tô Châu ngày nay. Trong một lần tình cờ đọc được cuốn bản đồ lịch sử ở hiệu sách, tôi mới nghĩ ra mình đã bỏ qua một manh mối lớn như thế.”

[3] Nước Tần (778 TCN-207 TCN): là một nước chư hầu thời Xuân Thu (722 TCN-481 TCN) và Chiến Quốc (481 TCN-221 TCN) ở Trung Quốc. Cuối cùng, nó đã lớn mạnh giữ vị trí thống trị toàn bộ các nước và lần đầu tiên thống nhất Trung Hoa, từ thời điểm này nó được gọi là Nhà Tần.

[4] Nước Sở (1030 TCN- 223 TCN): còn được gọi là Kinh và sau đó là Kinh Sở, là một vương quốc chư hầu thời Xuân Thu và Chiến Quốc, ở nơi hiện nay là phía nam Trung Quốc.

“Vậy còn hình vẽ này?”, tôi chỉ vào hình vẽ nhỏ bên trong, hỏi.

“Đây là bản phô tô nên nhìn không rõ, bản gốc khá rõ. Hai hình vẽ này thể hiện hai lần vẽ khác nhau, nói cách khác, lúc đầu Vệ Bất Hồi chỉ xác định được là ngôi mộ cổ mà ông ta muốn tìm kiếm nằm trong quận Cối Kê. Tấm bản đồ cho chúng ta biết chủ nhân của ngôi mộ cổ sống vào khoảng thời gian từ nhà Tần tới nhà Tùy[5], tức là trong một khoảng thời gian dài bảy, tám trăm năm. Về sau, những khu vực hành chính trực thuộc quận Cối Kê đã có nhiều thay đổi, nó từng được hợp nhất và chia tách với huyện Sơn Âm, có lúc những khu vực hành chính trực thuộc của nó gần giống với tấm bản đồ này nên rất khó thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Nhưng hình vẽ ở mặt sau được Vệ Bất Hồi vẽ không lâu trước khi ông ấy rời đi, có lẽ ông ấy nghĩ mình không thể đoán định được nó nên vẽ tấm bản đồ này để người đời sau có thể dùng làm manh mối. Tôi đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu mọi tư liệu bản đồ mà tôi có được, thậm chí nghiên cứu không ít bản đồ quân sự thời cổ đại, tìm kiếm bản đồ từ thời Tần cho tới thời hiện đại.”

[5] Nhà Tùy (581-618 TCN): là một triều đại trong lịch sử Trung Quốc, tiếp theo thời kì Nam Bắc triều và trước nhà Đường.

“Kết quả thế nào?”, tôi sốt sắng hỏi.

“Thực ra nếu không bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm của lần thứ nhất thì tôi vốn dĩ không mất nhiều thời gian như thế. Câu trả lời rất đơn giản, trước khi đi, Về Bất Hồi đã vẽ nó lại theo bản đồ quận Sạp Bắc.”

“Nhưng làm sao anh có thể xác định được đó là ‘khu ba tầng’?”

Vệ Tiên xua tay, nói: “Tôi không xác định đó là ‘khu ba tầng’”.

“Nếu không xác định đó là ‘khu ba tầng’ sao anh lại tìm tới tôi, lẽ nào anh không phải vì bài báo của tôi…”

“Không đọc bài báo thì không thể tìm được anh hay sao?”, Vệ Tiên cười tít mắt.

Tôi sững người, không biết nói gì.

“Xem chừng anh không biết tiếng tăm của mình trong thế giới dưới lòng đất đâu nhỉ, tôi nghe nói về anh từ rất lâu rồi đấy”.

Tôi hơi ngạc nhiên: “Anh biết những gì?”

“Người trong bóng tối tất có cách tìm kiếm thông tin của người trong bóng tối”. Nói tới đây, Vệ Tiên chợt ngừng lại, chừng như anh không muốn nói quá nhiều về vấn đề này.

“Vậy là vốn dĩ anh đã muốn đồng hành với tôi, nhưng chuyện tối qua là như thế nào?”

“Tôi định bụng tặng anh một cuộc gặp gỡ đặc biệt, hơn nữa chúng ta chưa từng quen biết nhau, tuy tôi có nghe người ta nói… cẩn thận một chút vẫn hơn. Có điều, tối qua lúc lẻn vào nhà anh, tôi thấy ngay cuốn sổ đó, bèn giở ra xem và có thể xác định đây chính là thứ tôi cần tìm. Tìm thấy mục tiêu rồi tôi bèn đổi ý, quyết định hành động một mình.”

“Bại trận rồi nên anh mới quay đầu lại, tìm tới tôi để hợp tác chứ gì?”

“Chẳng lẽ không được sao?”, Vệ Tiên nhìn tôi.

Tôi bất giác bật cười: “Không phải lúc trước chúng ta đã nói rồi à? Sao bây giờ anh còn hỏi lại?”

Tôi nhận ra anh chàng Vệ Tiên thật chẳng giống một người quen hoạt động trong thế giới hắc ám chút nào. Anh ta có một trái tim lương thiện. Lần này anh ta tình nguyện hợp tác với tôi, nguyên nhân chủ yếu nhất có lẽ là do anh ta cảm thấy áy náy trong lòng vì đã trộm đồ của tôi, bởi thế khi gặp lại tôi, anh ta không muốn lảng tránh, cũng không muốn phỉnh lừa tôi. Tôi và anh ta không phải người cùng nghề nên không có sự xung đột về lợi ích, có thể hợp tác.

“Oài, lúc nhìn thấy cái cây đó, tôi cứ tưởng mình đã tìm được lối vào, nhưng ngẫm lại cũng đúng thôi, làm gì có chuyện tìm thấy nó dễ dàng như thế”.

“Ít ra thì bức tượng ấy cũng giúp chún ta khẳng định được thân phận của bốn anh em nhà họ Tôn”.

“Thận phận, thân phận gì cơ?”, Vệ Tiên hỏi.

Tôi bèn chia sẻ những hiểu biết của mình về tướng mạo bên ngoài của bốn anh em nhà họ Tôn, về thời Tam Quốc và cả những suy đoán về ý nghĩa của bức tượng đài Tôn Quyền được đặt tại vườn hoa Sạp Bắc.

“Xem ra hợp tác với anh là một quyết định sáng suốt đấy. Thế là chúng ta có thêm một manh mối nữa”. Vệ Tiên uống một hơi cạn chén trà, tỏ ra vô cùng cao hứng.

“Đáng tiếc là ông lão Tiền Lục chết rồi, nếu không chắc chắn chúng ta sẽ biết thêm một số điều”.

Vệ Tiên cũng đã biết về cái chết của ông lão Tiền Lục, xem ra anh chàng này đã chuẩn bị khá nhiều rồi đây.

“Thế này nhé, mỗi người chúng ta tự điều tra và thông báo cho đối phương ngay khi có bước tiến mới. Cách tư duy và hành động của chúng ta khá khác nhau, nếu cùng nhau phân tích và suy đoán thì tôi e lại lầm đường như hôm nay đấy”, Vệ Tiên đề nghị.

“Anh vẫn nhớ chứ và anh cũng nên biết, tôi không ghi những suy đoán của mình vào trong cuốn sổ mà chỉ chép lại sự kiện, vì tôi với anh suy đoán và tư duy giống nhau nên hôm nay mới gặp mặt nhau thế này, không phải là tôi khiến anh đi nhầm đường đâu nhé. Tự mình hành động cũng được thôi, nhưng anh chớ đổ hết mọi việc lên đầu tôi đấy”, tôi cười nói.

Những kẻ trộm mộ cừ khôi thường ưa hành động một mình, ngay cả khi hợp tác với người khác đi nữa, trước lúc sự việc sáng tỏ, hắn vẫn thích đơn thương độc mã nếu có thể.

Tôi cáo từ ra về. Lúc bước chân tới cửa, tôi thấy chị phục vụ khệ nệ bê một chồng báo lớn tới gõ cửa phòng Vệ Tiên.

“Thưa ngài, báo của ngài đây ạ”.

“Anh đọc nhiều báo như vậy à?”, tôi ngạc nhiên hết sức.

“Khà khà, việc phải làm mỗi ngày ấy mà. Biết đâu trên báo lại có những mẩu tin thú vị đối với tôi”.

Tôi ưỡn vai, quay người bước ra khỏi phòng.

Tôi nín thở, lòng thầm mong tôi sẽ tiến thêm một bước trước Vệ Tiên, không ngờ ngay khi chỉ còn cách nhà vài trăm mét, tôi đã nhận được điện thoại của anh ta.

“Có manh mối rồi, anh tới chỗ tôi hay tôi tới chỗ anh?”

“Nhanh thế cơ à? Anh đừng đùa tôi đấy nhé”, tôi hơi buồn lòng, “À, thôi, để tôi tới chỗ anh vậy, anh đợi chút nhé”, dù sao đi nữa có thêm manh mối cũng là tốt rồi.

Chỉ trong thời gian ngắn như vậy, không biết anh ta có được tiến triển gì? Anh ta còn chưa đọc hết những chồng báo cao ngất ngưởng đó… hay là anh ta có được manh mối gì từ trên mặt báo?

Tôi bước vào phòng của Vệ Tiên trong khách sạn. Vệ Tiên trải một tờ báo lớn trước mặt tôi và tôi biết mình đã đoán đúng.

Đó là một mẩu quảng cáo trước ngày triển lãm của hội chợ đấu giá các tác phẩm nghệ thuật có giá trị mùa thu của Tập đoàn Đóa Vân Hiên với hình ảnh của một số cổ vật được đưa ra bán đấu giá trong hội chợ sắp tới.

“Có gì không đúng à?”, tôi hỏi.

“Là vật này”, Vệ Tiên chỉ tay vào bức ảnh to nhất.

Bức ảnh nổi rõ hình ảnh một chiếc bồn gốm, thoạt trông không bắt mắt lắm, nhưng hình ảnh khá sắc nét nên nếu quan sát kĩ có thể thấy những hoa văn tinh tế và sinh động in trên thân chiếc chậu gốm.

Bên dưới có một dòng chú thích nhỏ: Chậu nạp tài thời Minh, phỏng theo chậu của Thẩm Tú.

Kì lạ thật, vị trí này lẽ ra phải là bức ảnh chụp vật phẩm có giá trị nhất trong hội chợ đấu giá sắp tới chứ nhỉ, nhưng vật này…

“Anh cảm thấy kì lạ là tại sao vật này lại ở đây chứ gì? Tôi cũng thấy lạ, vì những vật như thế này thường là vật được đem đấu giá cuối cùng và chỉ những người tầm cỡ như các đại gia Hồng Kông mới đủ tiền mua”.

“Á, chiếc chậu này không phải chỉ là vật làm giả thôi sao, tuy được chế tác từ thời Minh nhưng cũng không đến mức đắt như thế chứ?”, câu nói của Vệ Tiên làm tôi vô cùng thảng thốt.

“Ha ha, anh có biết Thẩm Tú là ai không?”

Tôi lắc đầu, hỏi tôi Lưu Tú thì tôi còn biết, chứ Thẩm Tú thì tôi chịu, không có chút ấn tượng nào cả.

“Ở thời Minh người ta hay nhắc đến những nhà cự phú. Cự phú là ba hộ giàu có nhất trong một vạn hộ, bởi thế những nhà cự phú còn được gọi là vạn tam”.

“Vậy thì có quan hệ gì với Thẩm Tú… chờ đã, ý anh muốn nói Thẩm Tú chính là Thẩm Vạn Tam?”

“Đúng thế, người đời đều nghe danh nhà cự phú Thẩm Vạn Tam giàu có ngang với của cải của một đất nước, được Chu Nguyên Chương yêu mến xung quân mà không biết tên thật của ông ấy chính là Thẩm Tú”.

Phút chốc, tim tôi như đập nhanh hơn: “Vậy chiếc chậu nạp tài chính là…”

Vệ Tiên hơi nhếch miệng, nói: “Chính là chiếc chậu tụ bảo, chậu tụ bảo của Thẩm Vạn Tam”.

“Nhưng chiếc chậu nạp tài này chỉ là vật mô phỏng thôi mà, có phải là chiếc chậu tụ bảo thật đâu”.

❮ sau
tiếp ❯

Avatar

Các bạn đăng ký thành viên hội nhé…!
→Free vip→Đọc và nghe audio truyện/ 0 quảng cáo→Yêu cầu truyện / Ưu Tiên♥Ngoài ra AudioSite là Website do hội Mê Đọc Truyện thành lập – chính vì vậy Đọc Truyện trên website giảm 90% xuất hiện quảng cáo nhé !